BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72630)
(Xem: 62055)
(Xem: 39150)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Du Tử Lê đã về như bụi

15 Tháng Mười 20197:01 SA(Xem: 1580)
Du Tử Lê đã về như bụi
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Thế là người Du Tử họ Lê đã đi xa và về với bụi, như bụi. Tôi gặp gỡ ông nhiều lần, trong các buổi hội thảo, ra mắt sách, sinh nhật bạn bè, họp mặt thân hữu. Thật quá bất ngờ khi tôi nghe tin ông đột ngột ra đi vì tôi không biết ông đã bị ung thư phổi và tá tràng hàng chục năm rồi. Những cây cổ thụ văn nghệ sĩ miền Nam trước 75 lần lượt ra đi để lại những khoảng trống khó bù đắp khiến tôi thấy thật buồn. Đây cũng là lúc nhiều người đọc thế hệ sau như tôi tìm lại khung trời văn học cũ, xem lại một mảng màu rực rỡ sáng của bức tranh thơ ca một thời. Các vần thơ xuất chúng trong bức tranh ấy thuộc về thế hệ cha anh mà họ đã dày công sáng tạo, chăm sóc và vun sới từ bao năm qua.

 

Những bài thơ hay và xuất sắc của ông được các nhạc sĩ chọn để phổ nhạc có lẽ là những áng thơ ca gây ấn tượng với thính giả và độc giả nhiều nhất. Thơ ông có nhiều nhạc tính nên được rất nhiều các nhạc sĩ phổ và thính giả hâm mộ. Tỷ như các bài thơ được phổ: Trên ngọn tình sầu(Từ Công Phụng) Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (Phạm Đình Chương), Khúc thụy du (Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (Phạm Duy), Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời", "Em hiểu vì đâu chim gọi nhau" (Trần Duy Đức), "Hiến chương yêu" (Nguyên Bích), K khúc của Lê (Đăng Khánh).

 

Từ trái- nhà thơ Du Tử Lê, Trịnh Thanh Thủy, họa sĩ Trịnh Cung, nữ tài tử Kiều Chinh.
Từ trái: nhà thơ Du Tử Lê, Trịnh Thanh Thủy, họa sĩ Trịnh Cung, nữ tài tử Kiều Chinh.


 Các bài thơ được phổ của ông, bài nào tôi cũng thích và ưu ái. Tôi cũng khám phá ra chính mình và nhiều người đến với thơ ông qua con đường tình ca mà các nhạc sĩ phổ thơ của ông hơn là đọc các tập thơ mà ông phát hành. Tôi dự đoán có lẽ ông là người có thơ được phổ nhiều nhất.

 

Riêng bài hát "Người về như bụi" cứ vang vang trong đầu tôi phút tôi nghe tin ông vừa lên đường, khoác áo đi về nơi vô định, không bao giờ trở lại. Bài thơ này của ông được Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc, ca sĩ Kim Tước hát.

 

Nguyên bài này được viết năm 1967. Nhan đề đầu tiên là “Một bài thơ nhỏ.” viết cho Huyền Châu. Nguồn cảm hứng đến với ông khi ông tình cờ đọc lại một truyện ngắn cũ, từ những trang sách đã bụi phủ, ố vàng, mà nhân vật trong chuyện là Huyền Châu, khiến ông liên tưởng tới những hạt bụi thời gian. Từ hạt bụi thời gian, ông liên tưởng tới những bụi của một cuộc tình, những hạt bụi định mệnh một đời người...

 

Nhưng thế nào thì, cuối cùng hạt bụi cũng vẫn là hạt bụi. Nó không thể là gì khác...Và con người không chỉ được làm thành bởi những hạt bụi, mà họ còn cộng-sinh nhiều hạt bụi khác. Trong đó có cả những hạt bụi mưu đồ, hạt bụi lường gạt, hạt bụi tự ái, hạt bụi tà tâm, hạt bụi gian ác, vân vân... Trước khi, con người, cuối cùng, lại trở về hạt bụi.(trích từ trang nhà của Du Tử Lê).

 

Du Tử Lê đã sống, lăn lóc và bám đầy bụi, hoà với chúng để rồi hoá kiếp trở về nguyên thủy là hạt bụi như ông đã viết, đã tiên tri.

 

Người ta bảo thơ ông lãng mạn, đầy thi tính. Tôi theo chân ông về những thưở đầu đời và những mối tình đầy hoa trái thơ mộng tuổi thanh xuân. Để thấy tình yêu trai gái trong những thập niên 60, 70 thấm đẫm triết hiện sinh với những trăn trở, cay đắng, dằn vặt tâm tư con người. Tập thơ "Đời mãi ở phương Đông" ra đời vào năm 74 như cánh cửa tình yêu mở ra cho các sinh viên học sinh ngày ấy bước vào chập chững.

Tập thơ là một thứ rượu nho ngọt ngào đôi lứa với những lời thầm thì gọi em yêu dấu của người con trai xưng ta và đôi lúc gọi người con gái là nhỏ. Viết cho em, cho nhỏ, nghe sao mà dịu êm quá đi. Ai đọc mà tim không rụng xuống bời bời như bụi.

 

"Em yêu dấu

Phải chăng em đã là người đánh thức những bước chân ta ngủ quên, trở về ? Phải chăng cánh cửa cuối cùng, là em đã mở; để tự đó, những rặng núi đứng lên, đi tới. Những giòng suối reo vang. Những giòng sông níu những ngọn cây băng ngàn, tìm đến. Phải chăng tự em, tự nhỏ, thiên nhiên đã có trong thơ ta, trong thơ chúng ta. Tự em, tự nhỏ, thơ ta, thơ chúng ta đã được làm đầy, làm đủ cái phần hụt, cái phần thiếu rất nhiều chục năm qua.....

.............

anh đã hứa em an lòng hỡi nhỏ
ta sẽ về tới chốn của thương yêu
nơi sương sa như sữa suốt buổi chiều
nơi mưa bụi xuống lòng nhau lấm tấm
nơi đêm bước những bàn chân rất chậm
và dãy đèn xấu hổ sẽ quay đi

................"

 

Thế hệ tôi lớn lên sau 1975 ở hải ngoại mấy mươi năm nay, để thấy mình chịu ảnh hưởng lớn lao nguồn văn học thi ca miền Nam trong nước trước 1975. Tôi sinh hoạt trong một nhóm Văn Học Nghệ Thuật có những bạn bè thích sáng tạo, cố gắng tìm tòi cái mới và làm mới. Chúng tôi luôn tránh những thứ gọi là ước lệ, sáo mòn và những ý tưởng, câu thơ hay những từ mà người ta bắt chước, dùng rất nhiều được lập đi lập lại, rập khuôn. Hệt như những từ ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn như "vết chim di, sỏi đá cũng cần có nhau". Hay những chữ, câu lạ và gây ấn tượng trong thơ DTL được người đọc ưa thích và bắt chước dùng lại rất nhiều như "ngực ngải, môi trầm, hương tóc truy tầm vai thất tung ..." chẳng hạn.

 

ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.
ơn em hơi thoáng chỗ nằm,
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
tạ ơn em… tạ ơn em…

(Trích bài Tạ ơn em của Du Tử Lê)

 

Có những bài viết về thơ ông, cũng có bài phân tích cách ông làm thơ và cách ông dùng dấu gạch chéo như một sáng tạo. Sự tìm tòi và làm mới bằng dùng nhiều gạch chéo trong một câu thơ đã được giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh gọi là một đao pháp để hoán chuyển chữ. Trong bài thơ cuối cùng trước ngày ông mất, ông làm được để trên trang nhà Du Tử Lê ngày 30 tháng 9 năm 2019.

 

cảm ơn người: bao dung,

che, ủ tôi khánh kiệt

chiều rớt /xanh/ lưỡi dao,

tôi khứng! chờ… mưa tới.

(Trích chiều rớt /xanh/ lưỡi dao)

 

Tôi nhận ra ông không những thích dùng dấu gạch chéo (slash) mà ông còn dùng nhiều dấu khác như hai chấm: , dấu phẩy , chấm than?, và chấm chấm .... trong những câu thơ.

Đã vậy trong lối dùng từ, ông cũng đem những từ ít khi hay không bao giờ được dùng trong thơ ra, để làm thơ. Tỷ như từ "quy hoạch". Bài thơ "em quy hoạch tôi: rừng lãng quên" viết tặng thi sĩ Thành Tôn ngày 10 tháng 7, 2019, gây cho tôi nhiều ấn tượng khi đọc.

 

em quy hoạch tôi: rừng lãng quên
và, th. tôn

 

gió quy hoạch nắng, mưa cho phố.

em quy hoạch tôi: rừng lãng quên.

ngày quy hoạch tháng cho khô, héo.

thần chết quy hoạch tôi: đáy sông.

 

 

 Chữ Quy hoạch (theo Wiki) nếu là động từ, có nghĩa là nghiên cứu một cách có hệ thống việc áp dụng chương trình, phương pháp và các biện pháp thực hiện một công trình lớn. Tỷ như : Quy hoạch thành phố,  Quy hoạch trị thủy sông.

 

Nếu là danh từ thì Quy hoạch là quá trình sắp xếp, bố trí các đối tượng quy hoạch vào một không gian nhất định nhằm đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra.

 

Ngày trước năm 1975 từ Quy hoạch cũng được dùng cùng một nghĩa với bây giờ mà khi người dân nghe được chẳng ai sợ sệt bàng hoàng vì nó có nghĩa tích cực. Ngày nay khi nhà nước dùng chữ Quy hoạch người dân nghe tới ai cũng sợ vì một khi đất đai hay một  tài sản người dân thuộc về Quy hoạch của nhà nước thì người dân coi như trắng tay. Do đó nó mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn.

 

Du Tử Lê đã đem Quy hoạch vào thơ trong cách dùng tiêu cực nghe thật lạ lẫm. "gió quy hoạch nắng, mưa cho phố, Em quy hoạch tôi: rừng lãng quên". Mưa và rừng lãng quên là những nỗi buồn thê thiết ướt sũng nước, những khoảnh lặng, trống rỗng khi một người bị bỏ quên trong trí nhớ một người. "ngày quy hoạch tháng cho khô, héo. thần chết quy hoạch tôi: đáy sông." Hai câu cuối là hai câu tiên tri cho một hồi kết cuộc đời mà ông đã viết ra trong bài thơ này vào một ngày tháng 7 trước ngày ông mất 3 tháng. Có phải ông đã đi dần vào khô héo và thần chết đã chờ ông ở đáy sông?

 

Hình như ông đã chờ điều này tới từ rất lâu. Trong những bài thơ ông làm gần đây, tôi nhận thấy ông dùng những từ như "Chờ ...mưa" rất nhiều điển hình là bài thơ cuối ngày 30 tháng 9 "Chiều rớt/xanh/lưỡi dao. Tôi khứng! chờ ...mưa tới". Ông như cái cây khô, đợi mưa tới. Và rồi cơn mưa cũng tới đưa ông đi với những bạn bè mà ông gọi là "sẹo cây" đã bị xóa từ từ không còn dấu vết.

 

cuối đời / tôi ngồi đây /

bằng hữu như sẹo cây:

bị xóa dần dấu vết.

 

Cuối đời ông làm thơ tặng bạn, hết người này đến người khác như một lời chia tay. Giờ ông đã an nhiên không cần chờ mưa cho tươi mát, đợi nắng về bầu bạn, sợ chập trùng đêm: ám độc. Ông đã hoà vào mưa vào nắng vào đêm để thảnh thơi về một cõi không phải là nhân gian.

 

Trịnh Thanh Thủy
Nguồn : Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn