"Tôi đến đây, hôm nay, với tư cách một nhà văn lưu vong, nhà văn đã phải trả giá 6 năm ròng rã trong tù ngục và trong các trại tập trung cho những tác phẩm mình đã sáng tạo. Đã chẳng hề có bất cứ một định nghĩa nào hợp lý hay vô lý cho bất cứ một nhà văn nào ở các chế độ độc tài, nhất là, dưới các chế độ mà văn học nghệ thuật bị chỉ huy, bị mặc đồng phục, bị cưỡng bức khước từ nhân tính, lòng khao khát tự do, dân chủ và tình người. Chính vì thế mà tôi đến đây, hôm nay, trong niềm cảm thông cao quý của đồng nghiệp tôi - nhà văn viết tiếng Pháp trên thế giới - của những nhà xuất bản, những hội đoàn văn chương và độc giả Pháp, một lần nữa, với tư cách nhà văn thuyền nhân vượt đại dương đi tìm đỉnh ngọn của chân thiện mỹ, nhân danh tất cả đồng nghiệp và đồng bào tôi đang bị tàn sát dần mòn ở ngục tù Việt Nam, tôi hân hạnh gửi tới quý vị và các bạn lời chào nồng nhiệt của tôi, nhân dịp Đại Hội Lần Thứ Nhất Văn Chương Viết Tiếng Pháp"...
Le Premier Festival De La Litérature Francophone tổ chức ở thành phố Le Mans, vùng Normandie nước Pháp. Hàng năm, Hội Đọc và Sống - L'association Lire et Vivre - đều tổ chức Hai Mươi Bốn Giờ Sách ở Le Mans. Đã sang năm thứ 9. Năm nay, 1986, Hội khai sinh Đại Hội Văn Chương Viết Tiếng Pháp. Văn chương Pháp và văn chương viết bằng tiếng Pháp khác nhau. Nhà văn Pháp và nhà văn viết tiếng Pháp, cũng vậy. Nhà văn viết bằng tiếng Pháp - l'écrivain francophone - là nhà văn không mang quốc tịch Pháp nhưng viết bằng tiếng Pháp. Thí dụ các nhà văn Bỉ, Thụy Sĩ, Canada, Liban, Ma rốc, Tunisie, Algerie, Martinique, Haiti, Ba Lan, Hi Lạp... Đại hội lần thứ nhất qui tụ 50 nhà xuất bản trung bình, 100 hội đoàn văn học, 150 nhà văn, hơn 25 ngàn người yêu sách. Có 4 giải thuởng về tiểu thuyết, trinh thám tiểu thuyết, truyện ngắn đã xuất bản và truyện ngắn chưa xuất bản trong Hội Sách Lớn này - Une grande fête du livre - Dĩ nhiên, có cả những cuộc hội đàm, tranh luận, gặp gỡ, ký sách vân vân
Tôi không phải là nhà văn francophone. Dẫu bị Pháp đô hộ 100 năm và chịu ảnh hưởng Mỹ 20 năm, Việt Nam vẫn là Việt Nam, vẫn nói và viết tiếng, chữ Việt Nam. Nước Việt Nam không bao giờ là nước francophone hay anglophone cả. Đó là niềm hãnh diện, đồng thời, cũng là sự thiệt thòi trong tư thế chiến đấu của nhà văn Việt Nam lưu vong hôm nay. Nếu chúng ta viết thẳng bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, chúng ta đã chiếm thế thượng phong khi đương đầu với cộng sản. Chúng ta không đủ khả năng phô diễn tư tưởng trực tiếp bằng Anh ngữ, Phá ngữ. Mà phải qua trung gian dịch thuật. Rất hiếm hoi dịch giả chịu làm công việc văn chương bạc bẽo và ít lợi nhuận. Rất hiếm hoi tiền bạc lạc quyên cho sự nghiệp chiến đấu giải thoát dân tộc bằng văn chương, tư tưởng. Ở cái thời đại khét lẹt khói súng và tanh nồng ý thức hệ, sự đóng góp vô vị lợi của Huỳnh Sanh Thông, của James Banerian thật cao quý nhưng thiếu hiệu quả. Nhân loại đang muốn tìm hiểu những gì gần gũi Việt Nam, những vết thương còn tươi máu. Thì Truyện Kiều, Đoạn tuyệt, truyện ngắn của Khái Hưng, Thạch Lam lại quá xa và không mang chứng tích của xích sắt xe tăng Liên Xô, dây kẽm gai của trại tập trung cải tạo, nhà tù của đàn bà, con nít, thuốc khai quang của Hoa Kỳ, còng xích của Mỹ chưa kịp di tản... Rốt cuộc, nhân loại vẫn chưa học tập được chút kinh nghiệm đau đớn nào của Việt Nam. Và, chúng ta, những nhà văn lưu vong, chưa gây nổi gợn sóng xao xuyến trong tâm hồn nhân loại. Chúng ta chỉ mất công tụ họp phản đối, đả đảo những gì người ngoại quốc làm lợi cho kẻ thù của chúng ta. Đôi khi, vì ái quốc quá đà, chúng ta đả đảo lẫn nhau, đả đảo cả người Việt Nam bị cộng sản thường xuyên kết án, nguyền rủa! Tôi không phải là nhà văn francophone, xin nhắc lại. Tôi là nhà văn Việt Nam, viết văn bằng chữ Vệt Nam, vừa mới có cuốn tiểu thuyết dịch sang Pháp ngữ. Trung tuần tháng tháng 9-1986, Belfond phát hành Un Russe à Saigon của tôi, hạ tuần tháng 9, tôi nhận được thư mời tham dự Festival de la littérature francophone ở Le Mans hài ngày 11 và 12 tháng 10-1986. Tôi không hiểu tại sao người ta lại dành cho tôi sự ưu ái đó. Chưa đủ, người ta còn loan báo tên tôi trong danh sách những nhà văn tham dự các cuộc tranh luận. Nếu tôi biết có lần lưu vong và cần thiết chiến đấu, tôi đã học ngoại ngữ để nói trôi chảy. Bây giờ vẫn chưa muộn, nhưng vừa ngồi viết văn, vừa lo tiền nhà, tiền chợ, không còn thì giờ và phương tiện đi học. Những người nói giỏi, viết giỏi ngoại ngữ lại không hề có cơ hội chiến đấu như tôi. Bởi vì, không ai biết đến họ. Sáng 11-10, tôi đến ga Montparnasse. Ở đây, ban tổ chức đợi sẵn, đưa vé xe lửa khứ hồi Paris-Le Mans, giấy tờ ăn ngủ khách sạn, viếng cảnh và gắn lên áo tôi phù hiệu của Đại Hội. Một toa xe đặc biệt dành cho các nhà văn ở Paris phó hội Le Mans. Tôi xuống ga Le Mans, lên xe buýt. Hàng chục nhiếp ảnh viên báo chí chụp hình các nhà văn từ nhà ga tới chỗ xe buýt đậu. Phóng viên truyền thanh phỏng vấn từng người. Xe buýt chở chúng tôi đến một khu đất rộng đã xây cất sẵn nhà và quán dành cho Đại hội sử dụng. Công chúng tấp nập. Cờ xí rợp trời. Thị trưởng Le Mans cắt băng và đọc diễn văn khai mạc đại hội. Chúng tôi đi một vòng bên ngoài. Rất nhiều kiosques của các hội đoàn văn học chung quanh căn nhà đồ sộ. Có cả hội đoàn Hoa Pháp. Tôi không thấy kiosque nào của hội đoàn Việt Pháp! Chúng ta có hàng trăm hội đoàn ở Pháp. Chỉ tiếc họ đã vắng mặt ở đây với một cái kiosque nhỏ triển lãm sách báo Việt Nam và sản phẩm văn hóa Việt Nam. Họ ồn ào ở đâu nhỉ? Họ đã để tôi cô độc chốn này. Chúng tôi vào trái tim của đại hội. Sách cơ man. Tôi choáng váng mặt mày. Chúng ta cứ chê bai Phi Châu, chê da đen, chê Ả Rập, chê Ma rốc, chê Công Gô... Họ sừng sững tãi đây. Chúng ta vắng vẻ.
Chúng tôi vào phòng họp. các nhà văn gặp gỡ nhau. Nhà văn nữ Magnelone Toussaint-Samat, chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà văn ngôn ngữ Pháp và chủ tọa các buổi tranh luận, hội đàm đã dành cho tôi thạt nhiều tình cảm. Bà mời tôi lên bàn chủ tọa. Lần đầu tiên tôi đọc bài diễn văn ngắn bằng tiếng Pháp do tôi tập viết và Ghislaine Ripault sửa giùm. Tôi có dịp bầy tỏ sự ngưỡng mộ văn hoá Pháp và vinh tôn la francophone... "Mặc dù, rời bỏ nhà truờng rất sớm và mặc dù không thể đọc và viết tiếng Pháp trôi chảy, tôi vẫn đọc được những tuyệt tác phẩm của các đại văn hào như Corneille, Molière, Racine, Rousseau, Hugo, Lamartine, Flaubert, De Maupassant, Anatole France, Daudet, Sartre, Camus và cả Sagan nữa, qua bản dịch tiếng Việt. Điều tôi nói với quý vị rất quan trọng: 99 phần 100 tác phẩm của Nga, Anh, Mỹ, Ý, Lỗ... của Tolstoi, Tchékov, Hemingway, Steinbeck, Gheorghiu, Somerset Maugham Graham Green, Brontee... đã được dịch sang Việt ngữ qua bản dịch Pháp ngữ. Độc giả Việt Nam đã ngưỡng mộ văn chương thế giới nhờ bản dịch tiếng Pháp. Đó là vinh dự của la francophonie ở Việt Nam". Sau khi nói về ảnh hưởng của thi ca Pháp trong thi ca Việt Nam hiện đại, dẫu biết rõ thành phố Le Mans có thị trưởng là cộng sản, tôi vẫn lả lướt một đường: "... Theo sự hiểu biết của tôi, văn chương Việt nam hiện đại đã có giá trị cao, một phần, nhờ văn chương Pháp. Hôm nay, người ta muốn ly dị ảnh hưởng này để kết hôn với văn hóa xô viết. Nhưng tôi tin chắc, họ sẽ chỉ gặt hái những mùa màng văn chương tuyên truyền rỗng tuếch, và buồn tẻ như họ đã có". Câu kết luận của tôi: "Tôi hy vọng tiếng Pháp ngèo nàn của tôi không làm cửa sổ của tâm hồn quý vị khép lại". Đại hội vỗ tay hoan hô bài diễn văn ba trang đánh máy của tôi, bài diễn văn tôi đã đánh vật với tự điển mệt phờ và mờ cả mắt. Nhưng mà đấm được cộng sản Việt Nam một quả ở Le Mans, tôi bỗng tỉnh táo vô cùng. Tôi ký tặng Poèmes de prison cho các đồng nghiệp của tôi.
Rời phòng họp, tôi được dẫn tới một chỗ dành cho tôi ngồi ký Un Russe à Saigon. Mỗi nhà văn có một chiếc bàn. Em đầm trẻ ngồi cạnh tôi thu tiền. Ban tổ chức mua sách của Belfond đem về bầy bán trong Hai Mươi Bốn Giờ sách ở La Mans. Tôi dạo một vòng trước khi ký sách. Tôi thấy các nhà văn có vẻ hãnh diện về sự hiện diện của họ ở Đại Hội. Họ treo quốc kỳ của họ kín cả những tấm bảng sau lưng họ. Mỗi nhà văn một màu cờ. Tôi thiếu một lá cờ. Và tôi đâm ra lẻ loi trong rừng cờ của thiên hạ. Tại sao tôi đã quên mang theo môt lá cờ? Tôi hỏi tôi? Tồi tôi trả lời tôi: Tôi không được phép treo cờ bởi tôi không đại diện ai, không nhân danh cái gì cả. Tôi lại cô đơn giữa Đại hội này. Chỉ có một tôi người Việt Nam, nhà văn Việt Nam. Người ngoại quốc đón đưa tôi. Đồng bào tôi hất hủi tôi. Chúng ta có nhiều cờ, lạm phát cờ. Cờ treo ở cả quán cơm, phòng trà, tiệm nhảy, mỗi hội họp bàn chuyện nước non, mỗi đám cưới, mỗi khao vọng vinh hiển. Riêng tôi, tôi thiếu cờ và, nếu có, tôi không được treo ở Hội sách Lớn Le Mans.
Đồng nghiệp già bên cạnh tôi, nhà văn nước Cameroun, say mê nhìn quốc kỳ của mình rồi quay hỏi tôi: "Bạn không treo cờ à?" Tôi mỉm cười đáp: "Tôi đã treo". Ông ta ngạc nhiên: "Sao tôi không thấy?" Tôi gật gù: "Ông không thể thấy, không ai có thế thấy. Vì tôi treo ở trái tim tôi". Người đồng nghiệp già của tôi ra chiều suy nghĩ. Và tôi cũng suy nghĩ câu trả lời khỏa lấp của một sự thật không tiện nói ra. Nhưng cái sự thật không tiện nói ra đã là một sự thật nguyên khối nằm gọn giữa tâm hồn tôi. Tôi chưa có quốc kỳ. Từ thuở khôn lớn và hiểu độc lập, dân chủ, tự do, cách mạng, tôi đã thấy mấy thứ độc lập, mấy thứ dân chủ, mấy thứ tự do, mấy thứ cách mạng và mấy thứ quốc kỳ. Dưới mấy thứ quốc kỳ ấy, dân tộc tôi đã phải trả giá triền miên cho độc lập, dân chủ, tự do, cách mạng bằng đói rách, ngu dốt, thống khổ, tù đầy, chết chóc, tan tác. Có lẽ, dân tộc tôi chưa hề được hưởng hạnh phúc một lần tình nguyện treo cờ. Quân cướp cộng sản, lũ phỉ quyền Hà Nội, bắt dân tộc tôi treo cờ đỏ sao vàng.Đám lâu la cộng sản, bọn Mặt trận giải phóng Miền Nam, bắt dân tộc tôi treo cờ trên đỏ, dưới xanh, giữa sao vàng. Quân cắp ngụy trang quốc gia, tụi ngụy quyền sài Gòn, bắt dân tộc tôi treo cờ vàng ba xọc đỏ. Tôi ghê tởm cờ đỏ sao vàng, khinh bỉ cờ trên đỏ, dưới xanh, giữa sao vàng. Với cờ vàng ba xọc đỏ, vô tư mà nhận xét, thành khẩn mà đo lường, nó không phải là biểu tượng của lý tưởng quốc gia, dân tộc. Người ta đã giương danh quốc gia mà sáng tạo nó dưới sự khống chế của thực dân Pháp lạc hậu. Cách mạng nhân vị ngớ ngẩn của ông Ngô Đình Diệm đã không thay đổi màu cờ. Nó vẫn thẫm nét bù nhìn. Nó ập vào các rạp chiếu bóng, ra lệnh khán giả đứng hết dậy - dù đang xem phim - chào nó. Không chào nó sẽ bị ăn đòn tập thể. Đó là thời kỳ sau vụ đốt phá khách sạn Majestic. Nó bắt khán giả nghiêm chỉnh chào nó và suy tôn ông Diệm. Sau hết, nó bị vẽ đầy tường tranh thủ nhân tâm, vẽ cờ lấn đất... Bè lũ thống trị bù nhìn đã làm ô uế cờ vàng ba xọc đỏ, đã khiến linh hồn tổ quốc lợm giọng, tách rời và lơ lững giữa trời quê hương. Thế mà khi cờ đỏ sao vàng hách dịch tung bay ở Sài Gòn, tôi đã khóc thương cờ vàng ba xọc đỏ. Cờ vàng ba xọc đỏ đã trở thành kỷ niệm in hằn vào tiềm thức tôi. Trong ngục tù cộng sản,tôi vẫn mơ ước, ngày nào đó, được chút hạnh phúc xế chiều treo cờ vàng ba xọc đỏ. tôi vượt biển tìm nó. Và tôi tuyệt vọng. Dưới là cờ mà tôi đã khóc, mà tôi đã bồi hồi gặp lại, bọn đấu thầu chống cộng, bọn thảo khấu kháng chiến, bọn gian manh chính trị, bọn ái quốc thời cơ, bọn sâu bọ bù nhìn cũ lại tranh nhau độc quyền vác cờ, treo cờ, cắm cờ, vẽ cờ...
Tôi chưa có quốc kỳ, không nên có quốc kỳ, thứ quốc kỳ treo cao và hô hoán lớn ái quốc rẻ tiền, lạc quyên bịp bợm, chiến đấu gà què. Khi chưa có quốc kỳ sáng tạo từ cách mạng tuổi trẻ, nhuộm màu bằng máu, nước mắt và mồ hôi để trùm lấp cờ đỏ sao vàng, tôi tạm nhận cờ vàng ba xọc đỏ là quốc kỳ của tôi. Và tôi treo quốc kỳ ở trái tim tôi. Như thế, tôi chỉ thiếu lá cờ ở Hội sách Lớn Le Mans.
Trong tim tôi vẫn có một lá cờ.
Duyên Anh - 11/1986
Gửi ý kiến của bạn