BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62244)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đêm thơ Grenoble

09 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1330)
Đêm thơ Grenoble
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 


 Không ngờ, có lần tôi lại đến quê hương của Stendhal (1). Để đọc thơ tù. Grenoble là thành phố văn hóa cách thành phố Paris 569 cây số về phía Đông Nam. Giáo đường cổ kính. Viện bảo tàng phong phú. Đại học nổi tiếng. Nằm thấp, thành phố được bao quanh bởi núi cao. Con sông Isère lặng lờ như cuộc đời thơ mộng, khoan thai của Grenoble. Ở đây nhiều nhà hát, nhiều âm nhạc, nhiều khoảng trống rực rỡ dưới nắng hè. Và những ban nhạc tài tử đã chiếm ngự những khoảng trống đó mà đưa âm thanh nhập vào hồn núi, hồn sông. Người ta chơi nhạc không cần thù lao. Người ta nghe nhạc không phải trả tiền. Lợi nhuận dưới chân. Tình cảm giữa tim. Tư tưởng trên đầu. Tháng nào cũng một đêm thơ, Grenoble quả là một thành phố ướp thơm thi ca, ướp tươi thi ca, ở thời đại, thi sĩ đã trở thành kẻ xa lạ với chính mình.

 Théâtre-Action, nơi tôi đọc thơ, mệnh danh Centre de Création de Recherche et des Cultures. Giám đốc Théâtre-Action, Fernand Garnier, một tâm hồn rất thơ trên một hành tinh mất dần thơ. "Thi ca là hơi thở của con người và của trái đất", Fernand Garnier khẳng định thế. Và anh muốn "Grenoble là nơi gặp gỡ của sự sáng tạo", "của ngã tư thi ca quốc tế". Do đó, mới có cái Cycle de soirées de poésie tổ chức hàng năm từ tháng giêng tới tháng sáu. Tại Théâtre-Action, mỗi thứ sáu của hạ tuần mỗi tháng là một thi sĩ. Théâtre gửi thư mời thi sĩ trước ba tháng. Để thi sĩ chọn lựa ngày tháng thích hợp. Rồi affiche in và dán ở những nơi không làm xấu hổ thi ca.

 Mấy năm qua, đã gặp gỡ tại Grenoble, những dòng thơ Pháp, dòng thơ Tây Ban Nha, dòng thơ Nam Mỹ, dòng thơ Ả Rập, dòng thơ Nga của các thi sĩ hiện đại. Năm nay, 1986, những dòng thơ Pháp với các thi sĩ lừng danh Nicole Postnikowa, Jean-Francois Marnier, Jean-Marie Barnaud, Tristan Cabral; dòng thơ Nam Phi với thi sĩ cự phách Breyten Breytenbach; dòng thơ Martinique với thi sĩ Edouard Glissant; dòng thơ Haiti với thi sĩ René Depestre. Và tôi, thi sĩ hạng bét của nước Việt Nam. Rất may, trên affiche, người ta quên ghi hai chữ hạng bét.

 Tôi chọn tháng 5 ấm áp. Théâtre-Action gửi ngay giao kèo. Vé xe lửa khứ hồi Paris-Grenoble, Grenoble-Paris hạng nhất, thù lao đêm thơ, khách sạn ăn ngủ và tiền tiêu vặt hai ngày. Cùng đi với tôi có Ghislain Ripault. Anh cũng ký giao kèo như tôi. Chúng tôi về Grenoble buổi trưa, thứ sáu, 23-5-1986. Đêm thơ sẽ khởi sự từ 20 giờ 45. Fernand Garnier và Christiane Groud đón chúng tôi ở nhà ga. Tôi đã ngạc nhiên khi bước xuống cửa văn phòng của Théâtre-Action, số 8 Rue Pierre Duclot. Bên trong tấm kính dầy, chân dung, tiểu sử và một bài thơ tiếng Việt, thủ bút của tôi, được phóng lớn với sự trang trí tuyệt vời của Christiane Ground trên một cái paneau thật dài, thật rộng. Tôi nhìn tôi, nhìn thơ tôi, bồi hồi cảm xúc. Fernand Garnier yêu thơ và yêu thi sĩ vô cùng. Thành phố Grenoble đã cho tôi một sự rung động mà sài Gòn chưa bao giờ cho tôi. Fernand Garnier đã cho tôi một kỷ niệm mà đồng nghiệp của tôi không bao giờ cho tôi cả. Tôi đó, một nụ cười rất thơ trên tấm paneau đầy mầu sắc, một mẫu affiche rực rỡ nghệ thuật của Christiane Groud. Ngoảnh lại phía sau, bằng nỗi buồn héo hắt, tôi nhìn tôi méo mó, nghiêng lệch trên những bức họa ghép chữ nghĩa thù hận trong quê hương tôi, ghép chữ nghĩa thù hận ngoài quê hương tôi.

 Nhưng tôi đang hiện diện ở quê hương của Stendhal. Tôi sẽ đọc thơ tù ở Théâtre-Action. Tôi sắp diễn tả niềm bất hạnh của tổ quốc tôi, lòng cao thượng của dân tộc tôi, sự chịu đựng nghịch cảnh một cách dũng cảm của đồng bào tôi. Tôi sắp lên án chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ thô bỉ. Tôi sắp nói tiếng Việt Nam, đọc thơ Việt Nam ở "ngã tư thi ca quốc tế". Tôi là thi sĩ Việt Nam đầu tiên đọc thơ Việt Nam bằng tiếng Việt Nam ở thành phố văn hóa Grenoble. Tôi không nhân danh thi ca Việt Nam. Tôi nhân danh nỗi đau khổ Việt Nam và nhân danh tôi, người tù tư tưởng đã bị cộng sản bắt nhốt sáu năm ròng rã, đã vượt biển rời bỏ xứ sở sống kiếp lưu đầy. Tôi không cần đồng bào của tôi đền bù tôi, an ủi tôi. Mà chỉ đòi hỏi sự công bình trong phán xét. Fernand Garnier chẳng chịu để tôi suy nghĩ thêm. Anh dìu tôi vào phòng, cất hành lý giùm tôi và mời chúng tôi đi ăn cơm trưa.

 Sau bữa ăn, Fernand Garnier dẫn tôi tới tòa soạn nhật báo Le Dauphiné. Một nhật báo của vùng Isère, xuất bản ngày hơn một triệu số. Ở Pháp, báo vùng quan trọng và bán chạy hơn báo quốc gia. Ký giả Philippe Ribiton đợi phỏng vấn tôi. Le Dauphiné đã đăng ảnh và tiểu sử của tôi ở mục A.D.L.S (Arts Détente Loisirs Sorties) ra buổi sáng 23-5-1986 loan báo đêm thơ của tôi. Như thể họ chào mừng một đồng nghiệp của họ. Philippe Riboton của Le Dauphiné cũng như G. Le Bozec của Ouest France vùng Bretagne đã phỏng vấn tôi hồi tháng 4-1984, đều còn trẻ và nhiệt tình. Họ qúy trọng đồng nghiệp nhiều tuổi đời và tuổi nghề hơn họ, dù đồng nghiệp ấy lưu vong thất thế. Chúng tôi rời Le Dauphiné sau một tiếng đồng hồ. Trở lại văn phòng Théâtre-Action, tôi ngồi ký tặng tập thơ Poèmes de prison gồm 20 bài. cả 20 bài đều do sư huynh Trần Văn Nghiêm dịch. Cuộc đời vẫn còn người để phần cơm chờ đứa trẻ mồ côi thất thểu ngang qua nhà mình. tôi là đứa trẻ mồ côi tổ quốc đã tìm tới số 4 Bis Rue des Prères Blaise vào một ngày tuyết ngập Ivry sur Seine. Sư huynh Ngiêm sưởi ấm hồn tôi bằng tấm lòng cao cả của ngài. Như cha Jean Mais, sư huynh Nghiêm đã hoan hỉ dịch trọn vẹn tiểu thuyết đồi Fanta và 30 bài thơ tù của tôi. Tôi có cha Jean Mais, có sư huynh Ngiêm, cơ hồ, có sức mạnh, có niềm tin mà đi vào sinh hoạt văn học nghệ thuật âu Châu. Rốt cuộc, tên vô đạo vẫn được Chúa soi sáng con đường hẹp. Tôi đã gỏ cửa. Và cửa mở. Tôi đã xin. Và được cho. Kẻ bị ném đá nhìn thấy phần thưởng của người công chính

 20 giờ 30, chúng tôi đến nhà hát.

 Chẳng có thi sĩ nào làm giàu bằng thơ. Thi ca là tinh túy của văn chương. Phải nói: thi ca là tinh túy của nghệ thuật. Nó tổng hợp văn chương, trếit học, âm nhạc, hội họa. Nó là kim cương, là ngọc lưu ly. Ôi, những viên ngọc, những viên kim cương thi ca thường bị vất vào một xó. Và thi sĩ, suốt đời hẩm hiu với thơ của mình. tài hoa như Cao Bá Quát mà vẫn phải sống trong cảnh: "Nhà trống ba gian: Một thầy, một cô, một chó cái". Chữ nghĩa như Trần Tế Xương mà vẫn nghẹn ngào: "Xực tắc mày rao điếc cả tai, Tiền thì không có biết vay ai? Mày ơi bán chịu tao vài bát, Đến mai tao trả một thành hai"! Phiêu bồng như Tản Đà mà vẫn có ngày đăng quảng cáo rơi nước mắt "Nhận viết thuê đủ các thứ văn vui buồn trong xã hội". Rồi có lần chán ngán cái nhân gian đui mù nhìn thơ như nhìn đất, Tản Đà muốn đem thơ vào cõi khác: "Chư tiên xúm xít tranh nhau dặn: Ông gánh lên đây bán chợ trời"! Sự hờ hững của nhân gian với thi ca đã khiến Nguyễn Bính nổi giận: "Thế nhân ma91t trắng như ngân nhũ" sau một ngậm ngùi: "Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên, Đêm đêm quán trọ thức thi đèn, Làm thơ đem bán cho thiên hạ, Thiên hạ đem thơ đọ với tiền". Chưa có nghĩa địa cho thi sĩ. Chưa có ai gửi tiền nuôi thi sĩ. Bởi thế, Hoàng Anh Tuấn phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề vặt vãnh. Dễ chừng chỉ cỏ rác lênh đênh trêndòng thơ là khấm khá, nhờ ồn ào và nhờ tận dụng nhân sinh quan tầm gửi. Người ta đã bắt nhốt thi sĩ trong ngục tù, ở quê nhà. Người ta đã bức tử Vũ Hoàng Chương. Và ở quê người, thi sĩ của chúng ta không thích công pẫnh sự ô nhục chụp lên thân phận thi sĩ, thân phận con người. Chúng ta có thi sĩ nghiến răng di gót giày đinh lên cả nỗi đau đớn của đồng bào mình bị hải tặc hãm hiếp trên đường biển tìm tự do. Chúng ta có thi sĩ cướo cả vợ của một người nghệ sĩ tàn phế. Thi ca đã là một hờ hững của thế nhân, lại đeo thêm một khinh miệt. Tự nhiên, thi ca đầy rẫy hệ lụy. Một số thi sĩ đã tạo hệ lụy cho thi ca. Nhưng cái tội nặng nhất, cái tội phóng uế lên thi ca vẫn là thi sĩ trong ngoặc kép mà biểu tượng là "thi sĩ" Tố Hữu.

 Về sự hờ hững đối với thi sĩ thì ở không gian và thời gian nào cũng thế. Người ta chỉ tôn vinh thi sĩ khi thi sĩ đã chết. Có ai mua rượu tặng Rimband, Verland đâu? Có tập thơ nào được kể vào hàng sách bánh chạy nhất? Hiếm họa mới kiếm nổi một nhà xuất bản điên trả tác quyền cho thi sĩ. Đa số thi sĩ phải nhịn ăn tiêu, vay nợ, giật gấu vá vai in thơ của mình. Thi sĩ ư? Khoác vòng hoa lên cổ nó và đuổi nó ra khỏi thành phố. Người ta thuởng ngoạn thơ và người ta xua đuổi thi sĩ. Tâm sự não nùng này Trúc Sĩ diễn tả: "Thi nhân ta, én cùng loài, Huyết tâm nhỏ lệ cho đời giăng tơ. Người rằng: Nghe đọc lời thơ, Quên ta tàn úa bên bờ thương đau"! Ở Sài Gòn các thi sĩ đọc thơ trong các quán cà phê lèo tèo đám thân hữu. Tinh huyết, dùng chữ của Bích Khê, đã chẳng làm rung động bọt bèo. Bọt bèo chỉ xúc động với Gái Bán Ba, Gái tắm Hơi trên sân khấu cải lương hay những đại nhạc hội Sở Thú, sân Hoa Lư chó tru mèo nhảy. Thiếu vắn nơi in thơ, thiếu vắng cả nơi đọc thơ. Và, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, người ta cũng đói cơm, khát nước khi thi ca xuất hiện. Chốn cư ngụ của tâm hồn đã biến thành nghĩa địa buồn tênh. Nghĩ mà thương thi sĩ và xót xa ngọc lưu ly.

 "Ở nhà hát này, có đêm, một thi sĩ lừng danh tây Ban Nha đọc thơ cho hai người nghe". Fernand Garnier nói. "Nhưng thi sĩ vẫn đọc thơ mình một cách say sưa. Ông ta bảo, hai người là quá nhiều, một người thôi, chỉ cần một người nghe thôi. Một tri kỷ đã đủ cho một đời thơ của một người thơ". Hai người mua vé vào nhà hát nghe thơ. Giá vé 50 quan một tấm. Thi sĩ nhận 1500 quan thù lao, 500 quan tiêu vặt, 500 quan ăn ngủ khách sạn, 900 quan vé xe lửa. Théâtre-Action và Fernand Garnier quả là người yêu thơ và thi sĩ. "Có bao giờ đầy rạp?" - "Không bao giờ cả, 200 khán giả đã là thành công vĩ đại". - "Tại sao anh cứ tiếp tục?" - "Vì thơ là hơi thở của con người và của trái đất". Fernand Garnier nói thêm: "Phải níu thơ ca lại kẻo nó chạy theo ordinateur. Đã không ai đọc thơ trên telé. Cái màn ảnh thô bỉ ấy quên lãng thi ca rồi. Con người sắp bị xô đẩy xuống vực thẳm vật chất, thi ca sẽ cứu rỗi loài người. Thi sĩ rao giảng tin mừng mới". Tôi sững sờ. Vì tôi không đến Grenoble để làm công việc thánh hóa ấy. Tôi đến để loan báo cho người Pháp biết, cách xa miền hoan lạc của họ còn có một miền thống khổ, ở đấy nheo nhóc những con người khao khát nhân quyền; ở đấy phẩm cách con người đã bị chà đạp tàn nhẫn... Tôi đến Grenoble để đọc thơ tù.

 Ghislain Ripault, tác giả nhiều cuốn sách phê bình thi ca, người cộng tác khiêm tốn bản dịch thơ tù của tôi, đề nghị tôi đọc thơ bằng tiếng Việt như tôi đã đọc thơ ở Centre Pompidou, Paris với các thi sĩ Nga, Ba Lan, Pháp, Ma Rốc... Và Ripault diễn tả bằng tiếng Pháp. Anh ta đã trắc nghiệm ở Centre Pompidou và anh bảo công chúng Pháp "nghe đọc thơ Việt như nghe hát". Tôi lấy làm kiêu hãnh tiếng mẹ đẻ của tôi. Với niềm kiêu hãnh đó, tôi đọc thơ tôi bằng tiếng nước tôi "tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi"...

 Những người yêu thơ của thành phố Grenoble đã mua vé vào nghe đọc thơ Việt Nam. Không đông. Một phần tư sự thành công vĩ đại của Fernand Garnier. Thời gian này, Một Người Nga ờ Saigòn chưa phát hành. Tôi còn vô danh tiểu tốt với công chúng Pháp. Bạn tôi, Bạch Thái Hà, đã dịch bài "Chút tâm sự của người làm thơ trong tù", bài mở Thơ Tù của tôi, đánh máy, phô tô cóp pi, in bìa, đóng tập, cắt xén đủ 100 cuốn cho tôi mang đi Grenoble tặng khách mộ điệu thi ca. Fernand Garnier giới thiệu tôi. Rồi tôi đọc thơ. Dứt mỗi bài, Ghislain Ripault diễn tả bản dịch của sư huynh Trần văn Nghiêm. Công chúng im lặng thưởng ngoạn. Khi Ripault đọc bản dịch, tôi nhìn cử tọa. Có nhiều người thấm nước mắt. Những giọt nước mắt chia sẻ với niềm bất hạnh của dân tộc tôi. Ít ra, thơ tù đã làm lay động sự hờ hững của vài người trong thiên đường hoan lạc. Những giọt nước mắt khiến tôi bùi ngùi. Tôi đọc chậm hơn, buồn hơn. Ripault cũng đọc chậm hơn, buồn hơn. Sau một tiếng đồng hồ, tôi kết thúc đêm thơ bằng "Giã từ đề lao". Công chúng đứng hết dậy vỗ ta. Và, tôi đã cảm động muốn khóc, nhận bó hoa tươi của một bà yêu thơ của thành phố Grenoble. Một bó hoa cho thi sĩ Việt Nam hạng bét. Một bó hoa của người Pháp tặng tôi trên đường đời lưu vong lạnh buốt. Bỗng nhiên, những ngọn roi của đồng nghiệp đố kỵ tài năng quất hằn dấu vết khắp lưng tôi bị xóa biến. Tôi ngửi rõ hương vị thơm nồng của cuộc sống, của phấn đấu, của sáng tạo. Công chúng bu quanh tôi hỏi chuyện Việt Nam, chuyện ngục tù, chuyện vượt biển. Bạn tôi phiên dịch mệt phờ. Tôi có dịp nói lên sự dũng cảm của dân tộc tôi, một dân tộc triền miên đau khổ vì chiến tranh, vì chủ nghĩa và ý thức hệ cưỡng bức nhập cảnh nhưng vẫn hiên ngang đứng thẳng, bước mạnh tìm chỗ xứng đáng dưới ánh mặt trời. Cuối cùng, tôi ký tặng thơ tù. Một ký giả đài phát thanh Grenoble nói với chúng tôi: "Các ông bảo không làm chính trị, song các ông đã làm chính trị ngoạn mục hơn cả người làm chính trị. Tôi xin được chia sẻ với niềm bất hạnh của dân tộc ông và xin phép được góp phần đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam".

 Sáng hôm sau, nhật báo Le Dauphiné đăng bài của Philippe Riboton viết về tôi. Buổi trưa, đứng trên ngọn pháo đài Bastille, cô bé Uly Mriller, phục vụ ở Théâtre-Action, giải thích con đường Napoléon thẳng tắp chạy sang nước Ý. Tôi mơ hồ thấy con đường dẫn tôi về Việt Nam. Và tôi nghĩ tới các thi sĩ tài năng của tôi. Tôi mong mỏi họ di đọc thơ cho thế giới nghe. Với tài năng của họ, thế giới sẽ ngưỡng mộ thi ca Việt Nam và sẽ ủng hộ cuộc chiến đấu giải thoát quê hương yêu dấu của chúng ta. Đừng tưởng tôi mỉa mai. Đừng hiểu lầm tôi. Sự thật rõ ràng. Có ai biết tôi là thi sĩ? Thế mà những bài thơ tầm thường của tôi đã tạo nổi những gợn lăn tăn trên mặt sông Isère. Thì thơ của thi sĩ tài năng sẽ làm nên sóng gió đại dương. Vấn đề được đặt ra là thi sĩ tài năng có muốn vượt biển hay chỉ bằng lòng thống lĩnh từng ngọn núi trong quán rượu qua ngày.

 Con đường đã mở. Chẳng thấy mìn gài. Nào, xin mời các thi sĩ tài năng của Việt Nam vào cuộc chơi mới. Có tôi tình nguyện đem bầu rượu, xách túi thơ hầu hạ quý vị.

 Duyên Anh - 12/1986

 (1) Stendhal, nhà văn Pháp, sinh tại Grenoble (1783-1842), tác giả Le Rouge et le Noir, La Chartreuse de parme...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn