Tháng tư 1975, đại đội có những ngày học tập chiến tranh chính trị. Gần trăm thằng ngồi trong doanh trại, nghe nói chuyện về quê hương đất nước rồi hát chiến đấu ca. “Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu” hát lên nghe thật xúc động. Cứ mở đầu cờ bay cờ bay, hay “Trên Đầu Súng” là cả bọn hát say mê. Lúc đã chạy mất tiêu rồi, tình cờ nghe lại ứa nước mắt.
Khi trực thăng vào vùng, Xuân Lộc ở dưới chân xanh ngút ngàn. Màu xanh của rừng cao su, của vườn cây ăn trái trong khu vực trù phú quê hương miền Nam. Nhưng khói bốc cao từ vài nơi đập vào tầm mắt. Khói nhắc nhở đây là vùng chiến trận sôi động nhất sau khi Bình Tuy thất thủ. Khói! Không phải là khói cơm của bếp lửa chiều mà khói và lửa hừng hực của chiến trận. Long Khánh – Xuân Lộc co mình chịu đựng từ hơn tuần qua. Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, đơn vị trừ bị cuối cùng của quân lực nhảy trực thăng để giải tỏa áp lực địch đang đè nặng trên vai Sư Đoàn 18 Bộ Binh và Long Khánh. Trực thăng đổ quân ở ngã ba Xuân Lộc sau làng Thương Phế Binh. Lính xuống chưa hết, dân hấp tấp chạy vào tàu để di tản. Người lớn dắt tay con nít, lom khom tránh gió cánh quạt trực thăng Chinook, hướng về phía cửa phi cơ. Mình còn giữ được mà dân đã thê thiết thế này nói gì những ngày miền Trung của tháng hai, tháng ba trước đó. Bài viết của ký giả Du Miên, bay theo trực thăng nhìn đoàn dân quân di tản miền Trung xuôi Nam về tường thuật lại đọc quá cảm động. Tôi còn nhớ hai câu thơ mở đầu loạt phóng sự: “Tôi bay trên biển cả. Nhìn đoàn người tất tả xuôi Nam…” rồi than thầm, sao dân tôi khổ thế hả Trời!
Pháo Bắc quân đổ xuống ầm ầm khi nhận ra tiếng trực thăng vào vùng. Lính chạy ra khỏi tàu, quen rồi với cảnh này nên nghe tiếng đạn đại bác trên đà rớt xuống mục tiêu là co mình cho nhỏ lại hay lủi vào bất cứ nơi nào để nấp. Đạn nổ xong, kiểm soát lại thân thể. Không bị gì là may lắm! Trung đội di chuyển, bố trí tạm ở bìa rừng cao su. Đã đánh hơi được chiến trường nóng bỏng nên trung đội trưởng dặn dò “con cái” cẩn thận. Thiếu Úy Trần Xuân Mỹ ít có chửi thề. Anh cầm trung đội “mát tay” nên thằng nào cũng thương. Khi đích thân “xổ nho” là đích thân bực lắm. Đích thân! Tôi từng bị một lần cái giọng Tuy Hòa cằn nhằn, đến cáu… bỏ mẹ. Giờ ngồi ghi lại những giòng về anh, tôi nhớ và nghĩ đến anh như nghĩ về một người anh cả trong gia đình. Nếu công danh không đi ngược, phú quí chẳng giật lùi anh dư sức nắm đại đội trưởng. Anh ngon hơn những ông lớn cả đời không biết mùi gạo sấy ăn lúc hành quân như thế nào. Chạy ra khỏi nước, mười hay hai mươi năm sau tiểu sử của vài ông được viết lại nghe long trời lở đất. Nói kiểu chúng tôi là nổ thí mẹ. Chẳng ông nào có tội cả. Chỉ toàn lỗi của lính dầu tập thể đó đã đánh giặc hết mình cho dân được sống những ngày đáng sống. Đạn pháo kích đã im. Người lấm tấm mồ hôi nhưng tôi thả tay áo xuống để đỡ bị cào vì gai rừng, đỡ bị vỏ đạn đụng vào cánh tay phải nóng bỏng nếu phải nổ súng khi đụng trận. Tôi là một thằng bắn M16 bằng tay trái như những thằng thuận tay trái khác trong đại đội. Quen tay trái nên bị người khác nhìn những khi cầm đũa ăn cơm, khi làm việc “thấy nó kỳ kỳ”. Lúc học mẫu giáo đã bị khẽ tay vì viết bằng tay trái. Vào đời, bắn súng bằng tay trái không ai nói gì nhưng chính mình coi bộ không khá! Tay phải sẽ phỏng trước bởi vỏ đạn nóng bỏng bay ra từ “cửa sổ tống vỏ đạn” của súng M16 trúng vào.
Tiểu đoàn lấy quốc lộ 1 làm chuẩn tiến lên hướng xóm đạo Bảo Định. Thấp thoáng trong rừng cao su ven đường là đơn vị bạn. Mọi người đều mừng ra mặt khi thấy Nhảy Dù vào vùng. Hơn hai tuần trước đó, Bắc quân đã giáng tất cả nổ lực xuống vùng đất này nhưng quân ta đã đánh lại, gồng mình chịu đựng những màn pháo kích đêm ngày để giữ chân chúng. Chiến trận cứ thế dằn co. Giờ đến phiên Dù nhập cuộc. Đi húc! Đi tấp bi! Đại đội 92, 93, 90 bên trái con đường, 91 và 94 bên phải. Di chuyển chừng mười lăm phút có tiếng súng nổ bên cánh đại đội 91 và 94. Tiếng đại liên và M72 trong rừng cao su. Đụng rồi! Tiếng súng bỗng ngưng lại. Nghe nói đồn Nghĩa Quân xóm đạo Bảo Định phía trước còn thuộc quyền kiểm soát của ta. Có sự mâu thuẩn trong lệnh lạc hành quân! Trong đồn bắn cối ra. Trung tá tiểu đoàn trưởng bị thương vì cú lầm lẫn này. Đơn vị giao lại cho ông phó, cựu đại đội trưởng đại đội 92 khi còn đại úy.
Trung đội chúng tôi khám phá ra hệ thống phòng phủ của địch trong vườn cây ăn trái phía trái quốc lộ. Dây điện thoại còn nguyên trong công sự chiến đấu với những trái xoài vừa hái cuống còn mủ trắng chưa kịp ăn. Chiến thuật “công đồn đả viện” cũ rích của Bắc quân bị lộ. Đêm xuống mau. Có lệnh lui về sau phòng thủ. Trung đội 2 (-) làm tiền đồn xa nhất cho đại đội về hướng bắc. Đại đội nằm với tiểu đoàn. Những ngày sau trung đội giữ hố nước và cũng là đường tiếp tế của tiểu đoàn 8 Dù sát quốc lộ 1. Đi lên chừng ba cây số là xóm đạo Bảo Định, nơi có ông linh mục tóc để dài như dân hippy. Cha chạy xe LaDalat xuống xin Lữ Đoàn yểm trợ pháo binh trong trường hợp đồn nghĩa quân Bảo Định bị tấn công. Đám lính chúng tôi trong trung đội nhìn cha ngạc nhiên. Sau hỏi ra mới biết tòa Thánh cho cha để tóc dài như vậy vì nếu cắt đi cha sẽ bị bịnh. Chúng tôi gọi vị linh mục này là ông cha hippy.
Đến lúc ấy là cả đại đội đều đói thuốc lá lắm rồi. Nhưng lên được đến ấp Bảo Định, có tiền, cũng không ai còn thuốc để bán. Vài đứa trong chúng tôi vấn trà lập bập đỡ ghiền. Phú móc trong túi đựng đạn ra được bao thuốc Capstan, hỏi tôi có hút không. Tôi xin một điếu thuốc, nhưng lại mang súng băng rừng cao su tìm trung đội súng nặng cho thằng bạn thời học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ngày nằm dọc sông Nam Ô ở Quảng Nam nó đã ghi sổ, gởi theo toán tiếp tế xuống trung đội cho tôi lon sữa đặc có đường. Thằng này cũng đang bị hành vì thiếu thuốc lá như những đứa khác. Ngoắc nó ra chỗ cây cao su, đưa điếu thuốc vừa chĩa của Phú xong tôi dọt về chốt mình đứng nhìn C130 đánh giặc. Đạn lửa từ hỏa long kéo những vạch dài xuống tới đất!
Thời gian có chiến trận ở Xuân Lộc, chuông xóm đạo xứ Bảo Định vẫn sáng vẫn chiều vang vọng trong gió dầu Bắc quân có tăng cường độ pháo kích. Đầu óc căng thẳng những ngày vào vùng, nghe hồi chuông lễ tự nhiên lòng chùng xuống dẫu tôi chẳng có đạo. Chốt trung đội 2 (-) nằm sát hố nước và vườn cây ăn trái. Mảng cầu Xiêm, chôm chôm đầy cành nhưng chưa chín. Một đám rủ nhau đi xin mít. Bà mẹ bảo cô con gái dắt các anh ra vườn cây để lựa. Cô nhỏ cầm cái sào tre đánh nhẹ vào vài trái mít trên cao rồi nói: “Trái này chín. Có anh nào muốn lên hái không?”. Một thằng cười cười trả lời. “Tụi anh mang giày trèo cây sao được.” Cô nhỏ bèn đáp. “Thôi để em. Nhưng nếu có pháo kích mấy anh nhớ chờ em xuống.” Và cô trèo lên cây mít. Chưa kịp hái thì Bắc quân pháo vào Xuân Lộc. Nghe tiếng nổ cả đám thúc cô trèo lẹ xuống. Và, tình nghĩa chúng ta chỉ thế thôi! Không mít, không xoài, không mận mà chỉ nụ cười. Liệu, Chính, Bạch Lan Thanh chạy về tới chốt kể lại.
Anh Liệu:
“Con nhỏ nói ‘có gì các anh bắn yểm trợ cho em nếu có pháo kích!’, vậy mà mới nghe đạn nổ, thằng nào thằng nấy đã muốn chạy về vị trí. Quê thật.”
“Rủi đánh nhau đơn vị tìm không ra sao cha. Yêu thương để tính sau chứ!”
Cả lũ phì cười khi nghe thằng Lan Thanh trả lời. Thằng này họ Bạch, tên Lan Thanh. Bạch Lan Thanh! Nghe như tên cô đào hát nào đó! Tuy nhiên đào Bạch Lan Thanh thì bắn tên đánh kiếm trên sân khấu, còn Bạch Lan Thanh của trung đội 1, từ tiểu đoàn 6 Dù chuyển qua, từng tay M16, tay lựu đạn M67 xung phong đánh chốt ngày vào An Lộc Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Ba năm sau thằng Thanh làm khinh binh đại đội 92 tiểu đoàn 9 Nhảy Dù. Rồi gần mười mấy năm trôi qua ở Mỹ, tôi tình cờ gặp lại nó ở Denver tiểu bang Colorado. Thằng Bạch Lan Thanh giờ là software engineer cũng như Trung Hậu, thằng đêm nào đã bùi ngùi nói trên núi ở Túy Loan khi tôi và nó co ro đầu chốt của đại đội ngó đèn thành phố Đà Nẵng xa xa: “Tao hãnh diện được học trường Phan Châu Trinh và được đi Nhảy Dù!” Tôi muốn viết hoa chữ Sư Tử Nhảy Dù khi nhớ lại huy hiệu của tiểu đoàn. Màu của đại đội 92 là nền đỏ, phía trước có con sư tử chồm lên cánh hoa dù căng gió. Có đứa hỏi cô nhỏ trèo cây hái mít tên gì? Chính, Thanh, Liệu chẳng thằng nào biết. Tụi nó đều dở. Tại sao không dùng đại lời ca của bài hát hầu như ở Dù thằng nào cũng thuộc: “… Nhưng em yêu ơi Nhảy Dù là thế. Trông anh hung hăng nhưng rất đa tình…” [Dù Bung - nhạc và lời Khuyết Danh].
Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù tản thương ngang chốt chúng tôi để ra quốc lộ. Nhìn poncho quấn xác anh em mà bùi ngùi. Có đứa bạn tôi bên đại đội 83 “về với mẹ cha”. Thằng Hòa! Tôi nhớ nó mới nói với tôi hôm nào, “mày hỏng có gia đình ở Sài Gòn, hôm nào về nhà tao bà già nấu cơm cho ăn. Tao có ông anh bên tiểu đoàn mày. Mày biết Thiếu Úy Đ… không?” Mày vui như thế sao đi lẹ vậy Hòa? Giờ hình dung ra, tao vẫn còn nhớ nụ cười toe toét và giọng nói miền Nam xuề xòa của mày. Thằng danh số 21!
Tôi bắt đầu nhớ Sài Gòn. Nhớ con bé tóc ngắn cái môi cong cong thì đúng hơn. Anh trung đội phó trung đội 1 ghé ngang hố nước sẵn dịp thăm mấy thằng em trung đội 2 chúng tôi. Anh là dân đánh Hạ Lào. Từ đi Nhảy Dù, giấy phép anh nhận toàn ở quân y viện! Anh cao như tôi nhưng to con hơn nhiều. Nhìn anh trong bộ đồ hoa rừng thêm hàm râu ai cũng sợ. Nhưng anh thật hiền, trông mặt nhiều khi không thể đoán được. Khi nhìn thấy hố cá nhân nơi tuyến chúng tôi, anh đã đề nghị đào lại. Bảo hố này phải cách xa hố kia hơn nữa. “Nằm kiểu này, đặc công cọng sản vào đánh hai trái bộc phá là “đi” hết nửa trung đội.” Và thật cũng nhờ anh trung đội phó trung đội 1 này mà đại đội đỡ thương vong nhiều trong đêm rời Xuân Lộc.
Lệnh bảo “móc vào”. Trên nắp ba lô đặt ngang một bao gạo sấy để nhận bạn. Trời tối đại đội di chuyển. Đi một lát, kiểm soát phương hướng, trung đội dừng lại vì toán dẫn đầu đi lộn vào vùng địch. Ông anh đàn anh này đã hỏi thằng nào làm khinh binh hai. Hùng “đầu bò” sợ quá đổ thừa cho Thuận “khùng”. Đàn anh nổi sùng: “Thằng nào đi đầu? Đ. m. dẫn đại đội đi ẩu. Đi đâu không đi sao đi về hướng tụi nó! Đi một hồi kiểu này là đụng chết mẹ!” Thằng Thuận chưa kịp giải thích, đã bị ăn cú song phi của trung đội phó rớt nguyên con xuống giao thông hào.
Đường đi qua là khu vực bỏ hoang từ nhiều năm. Đồn điền cao su vẫn có ánh đèn trông như những con ma trơi. Đi trong đêm đoàn quân không ai lên tiếng. Cứ theo người đi trước, nhìn màu trắng của bao gạo sấy trên nắp ba lô mà nhận bạn. Đêm lại có trăng nhưng là trăng vàng vọt chết chóc soi mỏi mệt nơi chốn rừng hoang ma quái. Có tiếng người phụ nữ gọi ai thất thanh trong đêm. Có lẽ bị lạc đoàn đi tản. Chị gọi tên người quen nào đó. Tiếng kêu pha lẫn sự sợ hãi tột cùng trong cái im lặng ma quái của đêm rừng cao su vàng màu trăng chết. Không ai dám lên tiếng vì sự an nguy của đoàn người. Đến giờ ấy mà bị phục kích chắc chỉ có chết… Tiếng gọi sau đó xa dần. Tôi bỗng hy vọng chị tìm được hướng để về quận Đất Đỏ.
Chúng tôi bị phục kích khi về gần Bình Giả. Nhưng dầu sao lữ đoàn vẫn còn đội hình trong khi các đơn vị khác không kiểm soát được người của mình. Lúc súng nổ, tiểu đoàn phó Đường Tam Tạng thúc quân xuống khe nước, đẩy quân lên đồi khóa mõm cây súng cộng đồng của tổ kích địch. Chừng nửa giờ sau lũ khốn nạn thề sinh bắc tử nam… “đi về miền Bắc”. Vớt được cây thượng liên, “con cái” báo cáo và hỏi đích thân có mang chiến lợi phẩm về? Ông Đường Tam Tạng oang oang trên máy. “Phá hủy đi. Mang để về tế mả hả? Lính bị thương không biết sao di tản. Ở đó mà súng với ống tịch thu!”.
Tôi nhớ một anh bên tiểu đoàn 8 Dù. Râu quai nón, nói giọng Bắc. Khi địch khai hỏa trận phục kích vào quãng đường độc hại nhất, một bên là dốc núi, một bên chạy xuống vực; trèo lên núi là dơ lưng làm bia sống, xuống vực thì đến gần vùng chúng giữ, và thượng liên địch nổ chát chúa áp đảo tinh thần nhưng anh điều quân ra gì lắm! Anh ta hét lớn bảo nằm xuống bố trí, còn anh đứng thẳng, gọi tổ đại bác không giật 90 ly. Súng đâu? Súng đâu? Tay anh chỉ ngọn đồi xa bên kia hố nước, nơi phát ra tiếng súng cộng đồng của địch. Bắn về hướng đó! Mãi đến lúc ấy mới thấy kỹ luật là sức mạnh. Chúng tôi đã không cho người đơn vị khác trà trộn vào hàng ngũ mình vì sợ lộn xộn, nhưng thật ra cũng không khó mấy để làm vì nhìn áo rằn ri là biết không thuộc tiểu đoàn 1, thì cũng 8, 9 hoặc Trinh Sát Dù. Thấy anh râu la hét chỉ huy ngầu quá, nhiều người bên bộ binh nhìn sững. Nể anh sát đất. Khi nhìn kỹ, anh râu mang “cánh gà” trên vai, trung sĩ nhất thôi, mới phục thật!
Ngưng tiếng súng đơn vị kiểm soát lại quân số. Trung đội 1 có người mất tích. Liên. Người ta báo cáo dưới hố nước có người chết. Địch nham hiễm, khai hỏa khi một số quên để ý đề phòng vì tìm ra nước uống. Nước lúc đó là vàng. Dọc đường di tản những bông trang dại ven đường đã bị ngắt hết để nhai cho đỡ khát. Xác Liên đơn vị không mang theo được.
Đoàn người tiếp tục di chuyển. Tôi làm quen, hỏi xin anh Địa Phương Quân nắp nước uống cho đỡ khô môi. Anh ta thân mật cho, còn nói: “Tôi mà không kẹt gia đình thì cũng xin đi Nhảy Dù giống như mấy anh!” Anh làm tôi nhớ đến lời thằng bạn nào phun ra trong cơn bất mãn: “Cực thí mẹ! Tao có con mà nó đòi đi Nhảy Dù là tao uýnh liền.” Khổ thì than nhưng xung phong vẫn xung phong. Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù vừa về từ Phan Rang ra bắt tay quân bạn. Dù gặp Dù. Tụi nó xúm lại hỏi thăm tình hình rồi qua màn chĩa thuốc lá. Nghe tin Phan Rang thất thủ mà phát rầu. Cả miền Nam đến lúc ấy co lại còn bằng nắm tay.
Đêm đó lữ đoàn nằm lại bên ngoài quận Đất Đỏ. Vai còn mang ba lô, tôi ngủ gà ngủ gật trong tư thế tác chiến. Nửa đêm có tiếng nổ của M72 rồi lửa bùng lên một góc. Thằng nào thằng nấy tỉnh cả, nhào ra vị trí chiến đấu dã chiến. Ba lô còn mang trên vai mà tôi bay một cái nhẹ hều đến gò mối, mở to mắt nhìn và tai lắng nghe. Tiếng đạn M79 rời nòng. Vài phút sau đệm tiếng nổ. Không biết mình hay chúng đang bắn mà cứ rề rề theo lối vài ba phút một viên làm nhiều người đứng tim. Thời gian nghe tiếng đạn vút đi rồi rớt xuống như thần chết đang đến gần nên ai cũng co mình cho gọn. Tôi cầu trời M79 rớt đi đâu thì rớt. Hồi hộp quá những lần nghe tiếng đạn rời nòng. Tôi toát cả mồ hôi dầu lúc đó đang nửa đêm ngoài đồng hoang.
Cứ thế mọi người thức đến sáng. Nghe trung đội lao xao Motorola chở bắc quân theo truy kích đoàn di tản đâm ngay vào tuyến tiểu đoàn 1 Dù. Cả xe bị bắn trúng bằng M72. Chết hết. Nhảy Dù di tản chứ đâu phải đơn vị khác, về tới vùng bình an là tuông vào luôn. Lữ Đoàn bắt đầu di chuyển vào ranh giới quận Đất Đỏ. Mới đi chừng trăm thước, người khinh binh hai vướng mìn. Dừng lại bố trí. Dừng lại bố trí. Đứng đâu đứng yên tại chỗ! Tôi có cảm tưởng nơi chốn đồng hoang cỏ cháy này đâu cũng là mìn.
Những ngày nằm rừng cao su ở Đất Đỏ là những ngày dài. Lính tráng nhìn nhau không muốn mở miệng. Mệt mõi sau cú di tản chiến thuật đúng nghĩa và sau những ngày tấp bi ở Xuân Lộc, đứa nào đứa nấy trầm ngâm. Thật tình ai cũng mong đơn vị được về Sài Gòn dầu không biết về đó để làm gì. Khi ngang qua xóm nhà dân bên kia mé rừng cao su, chúng tôi ghé vào xin nước uống. Có mấy người nghĩa quân hiếu khách mời chúng tôi vào ăn cơm vì nhà đang có giỗ. Nhưng chúng tôi từ chối. Chỉ xin mấy bi đông nước lạnh rồi đi ra. Trên đường trở lại vị trí đóng quân, hai cô gái mang giày bố đạp xe đi tới, trong giỏ xe chứa vài loại trái cây. Hình như họ đi thăm rẫy về. Một thằng trong bọn đùa đùa mở miệng xin. Hai cô không trả lời mà cười khúc khích. Một lát sau hai cô đạp xe ngược trở lại, đưa mấy trái xoài nói muốn cho. Cả bọn, thật chẳng biết lúc ấy mặt mày ra sao!
Ở Sài Gòn, có người đi chùa với bạn để cầu nguyện khi nghe anh rể nói tiểu đoàn đụng nặng ở Xuân Lộc. Mới vào vùng, tiểu đoàn trưởng bị thương dầu nhầm lẫn thì cũng không khá. Anh rể con bé làm kế toán trưởng đại đội. Những chuyến tiếp tế hành quân, thư từ của lính tráng anh mang ra, người ấy viết xong thư không dám nhờ anh chuyển mà ra đến tận bưu điện Sài Gòn để gởi vì mắc cở. Nhưng trước sau gì thì thư cũng chạy về bộ chỉ huy đại đội, đến tay ông anh. Và anh sẽ mang ra vùng hành quân.
Tôi nhận được thư con bé tóc ngắn những ngày đóng quân chờ ở quận Đất Đỏ. Thư học trò nhưng làm tôi cảm động. Ít ra trong “thao thức Sài Gòn nhớ gì xa” em đã nhớ, viết, và cầu xin ơn trên cho anh bình an. Anh kế toán trưởng đưa thư rồi cười: “Em có cái này quí lắm!” Anh móc trong túi áo, nhá cạnh cái bì thư. Tôi thấy tên người gởi, cám ơn anh rối rít rồi chạy về chỗ trung đội mình ngồi đọc.
Anh buồn như lá mồng tơi
Như hoa cỏ rụng bên trời Gio Linh (*)
Anh đã như như hoa cỏ rụng vào cuối tháng tư buổi chiều đi dọc đoàn xe di tản ở quốc lộ 15, cùng thằng bạn học Phan Châu Trinh để tìm người thân. Chẳng tìm ra ai. Và cũng vẫn chưa về tới Sàigòn sau những ngày Xuân Lộc không lộc xuân, anh tự hỏi, biết có còn ai của “đường ta về ngày mưa khô, đạn dập xác hơn lần, dìu dắt tạm bợ nương...”
An Phú Vang [n.n.a]
Nguồn Quyên Book
Gửi ý kiến của bạn