BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73487)
(Xem: 62248)
(Xem: 39439)
(Xem: 31183)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lý thuyết văn học và tinh thần phê phán

09 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 843)
Lý thuyết văn học và tinh thần phê phán
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ở Việt Nam, đảng và nhà nước cầm quyền hay nói đến việc xây dựng hệ thống lý thuyết văn học để giới cầm bút lấy làm kim chỉ nam trong việc sáng tác. Họ nói đi nói lại như vậy mãi. Họ thành lập ban này ban kia để “lên kế hoạch” mãi. Đến nay, bao nhiêu thập niên trôi qua, người ta thấy gì? – Chỉ thấy một con số Không to tướng!



Mà cũng phải.

Tự bản chất, lý thuyết gắn liền với cách mạng: nó ra đời từ những sự phản tỉnh đối với chính sự suy nghĩ, từ những sự hoài nghi và phản kháng đối với những quy phạm có sẵn, và từ khát vọng tái định hướng cách nhìn về văn học cũng như tái cấu trúc hiện thực văn học, từ đó, dẫn đến việc hình thành những quy phạm mới có khả năng mở ra những chân trời mới và những hướng phát triển mới. Nhằm duy trì quyền lực và tạo sự ổn định, nhà nước nào cũng cố gắng tước bỏ bản chất cách mạng ấy của lý thuyết bằng cách loại trừ tính phê phán và chỉ giữ lại tính quy phạm, triệt tiêu tinh thần hoài nghi và củng cố ý thức phục tùng, cuối cùng, giản lược mọi lý thuyết lại thành những công thức cứng nhắc để làm kim chỉ nam cho các hoạt động sáng tác, phê bình và biên khảo.

Cách tiếp cận như thế dẫn đến sự ra đời của những nô bộc lý thuyết, những kẻ chỉ biết lặp lại như vẹt những mảnh vụn vỡ ra từ lý thuyết nhưng không bao giờ có đủ khả năng để tiếp cận lý thuyết như một hệ thống quan điểm khái quát và nhất quán. Cách tiếp cận như thế, tự bản chất, mang tính phản lý thuyết, hơn nữa, phản trí thức: thứ nhất, nó chỉ nhắm tới mục đích thực tiễn chứ không nhằm thoả mãn khuynh hướng muốn biết và mở rộng tầm nhận thức của con người; thứ hai, nó chỉ đòi hỏi người khác phải chấp nhận những công thức ấy như những chân lý tuyệt đối và hiển nhiên chứ không được quyền nghi vấn hay tìm tòi tiếp.

Với tính phản lý thuyết và phản trí thức như vậy, cách tiếp cận lý thuyết của nhà cầm quyền bao giờ cũng ở trong trạng thái nghịch lý: họ vừa tuyên bố là cần có lý thuyết mới để chỉ đạo hoạt động văn học lại vừa cấm mọi tìm tòi, hơn nữa, có khi còn cấm cả việc đọc và phiêu lưu vào những lãnh địa mới của tư tưởng; họ vừa kêu gọi sự sáng tạo lại vừa đẩy mọi người vào thế thụ động, thậm chí nô lệ là chỉ được quyền chấp nhận mệnh lệnh và những gì được ban phát. Hậu quả là nó chỉ có thể đẻ ra một thứ lý-thuyết-phi-lý-luận, một hệ thống của những điều phải làm và những điều không được làm.

Có thể nói một cách tóm tắt: Một trong những điều kiện quan trọng nhất của lý thuyết chính là tinh thần phê phán: lý thuyết chỉ được ra đời từ, và được nuôi dưỡng bởi, tinh thần phê phán.

Không phải chỉ là điều kiện, theo Jonathan Culler, tinh thần phê phán còn là một thuộc tính tất yếu của lý thuyết, bên cạnh ba thuộc tính căn bản khác: tính liên ngành, tính phân tích và tính phản tỉnh (1). Trong ý nghĩa đó, theo tôi, lý thuyết trước hết là một hình thái của phê bình: lý thuyết nào cũng được xây dựng từ nỗ lực đả phá những quan niệm cũ kỹ, bất cập hay sai lầm trước đó.

Mối quan hệ giữa lý thuyết và phê bình, do đó, là một thứ quan hệ hai chiều và thực sự biện chứng: phê bình là một cách vận dụng lý thuyết nhưng đồng thời cũng là tiền đề của lý thuyết; lý thuyết, cũng vậy, vừa sinh ra từ phê bình lại vừa phục vụ phê bình. Hơn nữa, cũng có thể nói lý thuyết chính là phê bình về phê bình, hoặc còn được gọi là siêu-phê bình (metacriticism): phê bình những tiền đề được dùng làm cơ sở cho hoạt động phê bình nói chung.

Riêng ở Việt Nam, nói đến nhu cầu xây dựng một hệ thống lý thuyết mới, điều cần thiết và khẩn thiết nhất là phải rèn luyện cách suy nghĩ mang tính phê phán (critical thinking) mà một trong những đối tượng cần phê phán đầu tiên chính là những quan điểm vốn được chấp nhận như những chân lý lâu đời và hiển nhiên, những tiền đề được sử dụng như chỗ dựa vững chắc cho các phán đoán của chúng ta về các hiện tượng văn học. Tiếc thay, tinh thần phê phán lại là điều dường như chúng ta thiếu nhất.

Đọc các bài tiểu luận do giới cầm bút Việt Nam viết, người ta dễ nhận ra một số đặc điểm: một, bị ám ảnh bởi con người hơn là vấn đề, hai, sự sùng bái đối với quyền lực và ba, dễ bị khuất phục trước tính đại chúng.

Tranh luận, người ta hiếm khi phân tích một cách khách quan các luận điểm chính của đối thủ mà chỉ chăm chăm tập trung vào tính cách và các quan hệ xã hội của người ấy (2).

Ngược lại, bênh vực cho một ý kiến, thay vì phải dùng lý luận, người ta chỉ cần dẫn ra một câu tục ngữ, ca dao, một danh ngôn, hay một lời phát biểu của một vị lãnh tụ nào đó, thế là coi như xong: vấn đề đã được giải quyết và chân lý đã được sáng tỏ. Hiếm người tự đặt câu hỏi: liệu những câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn hoặc những lời phát biểu ấy có đúng hay không? Liệu lãnh tụ của mình, bước ra ngoài lãnh vực chính trị, bàn chuyện văn học, nghệ thuật, có gì đáng tin cậy hay không?

Ngay cả khi họ bàn chuyện chính trị thì một nhà chính trị lớn có nhất thiết lúc nào cũng đúng hay không? Liệu lời phát biểu của một chuyên gia, ngay cả chuyên gia hàng đầu trong một lãnh vực nào đó, có phải là toàn bộ chân lý hay không?

Nguyên tắc cơ bản của cách suy nghĩ mang tính phê phán là: không có gì có thể được xem là chân lý trước khi chúng được chứng minh là chân lý.

Điều này có nghĩa là mọi sự suy nghĩ mang tính phê phán đều được bắt đầu bằng ba điều kiện: sự hoài nghi đối với mọi quyền lực, sự tự tin ở lý trí và khát vọng tìm hiểu sự thật. Nhưng không có cuộc hành trình tìm kiếm chân lý nào bắt đầu từ con số Không. Sau Adam và Eve, lý luận, thực sự là lý luận, bao giờ cũng là một sự tiếp nối của một chuỗi lý luận dằng dặc trong lịch sử.

Ngay cả khi tôi muốn bênh vực cho một luận điểm đơn giản, chẳng hạn, “văn chương dâm uế không phải là văn chương”, tôi đã, một cách tự giác hay không, tham gia vào một cuộc tranh luận mà hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người trước tôi, đã từng tham gia: cuộc tranh luận về quan niệm về văn chương, về chức năng của văn chương, về sự dâm uế, về quan hệ giữa văn chương và đạo đức, giữa nhà văn và xã hội, giữa tính đặc tuyển và tính đại chúng, v.v… Trong cuộc tranh luận ấy, sự khác nhau trong cách hiểu những khái niệm căn bản như “văn chương” hay “sự dâm uế” có thể dẫn đến những kết luận hoàn toàn khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nền giáo dục Tây phương, người ta rất xem trọng tính lịch sử của vấn đề và khung lý thuyết khi giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó: đó là hai phần bắt buộc trong hầu hết các luận án ở bậc đại học, đặc biệt, bậc hậu đại học (3), đồng thời, cũng là hai phần thường xuyên xuất hiện trong các bài tiểu luận theo phong cách hàn lâm.

Một cung cách lý-luận-phi-lý-thuyết, dựa theo cảm tính và thành kiến, chỉ dẫn đến những ý tưởng tản mạn, rời rạc, ngẫu nhiên, có khi đầy mâu thuẫn, hiếm khi vươn lên được một tầm nhìn có tính chiến lược để có thể bao quát phần lớn những vấn đề liên hệ.

Một cung cách lý-luận-phi-lịch-sử, ở đó, người ta phát ngôn như mình là người đầu tiên và duy nhất đề cập đến đề tài ấy, không những dễ gợi ấn tượng là bịp bợm mà còn rất dễ có nguy cơ bất cập và lảm nhảm, chỉ lặp lại người khác, thậm chí, lặp lại những cái sai của người khác. Những cái sai rất cũ.

Nguyễn Hưng Quốc

02-09-2010

Chú thích:

1.Jonathan Culler (1997), Literary Theory: A Very Short Introduction, Oxford: Oxford University Press, tr. 14-15.
2.Hình thức nguỵ biện này thường được gọi là “ad hominem”.
3.Tức là phần “Literature Review” và phần “Theoretical Framework”.

Theo VOA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn