Hai mươi ngày trôi qua mà không nghe ông cán bộ trại đề cập đến chuyện cho về dù đã quá hạn định theo lời cách mạng đã "thông báo". Không biết tại sao lúc ấy thành phần "ngụy quân, ngụy quyền" tin tưởng vô chính sách khoan hồng của cách mạng một cách triệt để như vậy không biết nữa? Hai mươi ngày chậm chạp trôi qua trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi vì chờ đợi, vẻ mặt "hồ hởi" buổi ban đầu đã biến đi đâu mất thay vô đó là nỗi hồ nghi và sợ sệt... Anh em nhìn nhau và tự hiểu là chúng ta đã bị... lừa phỉnh một vố cay đắng...! Quần áo mang theo rách bươn bởi lao động hằng ngày, một số anh em bươi... bươi... mấy cái hầm công sự cũ lấy bao cát vải - may quần áo hoặc làm miếng vá... Một đạo quân với quần áo chắp vá hằng ngày dẫn nhau bương bả đi ra ngoài đồng lao động trông tả tơi còn hơn đám "cái bang" trong truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Đám cái bang - người ta còn có quyền tự do đi xin ăn, chứ còn đám tù "cải tạo' đói, nhưng không có được cái quyền đi xin ăn. Không ai dám lại gần, không ai dám cho, đã vậy còn bị chửi rủa... - bán nước, làm tay sai cho đế quốc Mỹ...!
Hai năm sau trại mới "phân phối" cho mỗi "cải tạo viên" hai bộ quần áo bà ba bằng vải "cotton", màu xanh da trời! Nói thật tình anh chị em "cải tạo" ai cũng mừng...! Mừng bởi được mặc bộ đồ "đồng phục" lành lặn. Mừng vì được hiểu ra rằng từ nay - Mình là thân "tù" ! Được cẩn giấu trong cái danh từ tốt đẹp "học tập cải tạo"! Ngấm ngầm hiểu như vậy nhưng nào có ai dám nói ra...! Tuy vậy, bộ quần áo cũ vẫn giữ lại làm kỷ niệm. Ngày đi "học tập cải tạo" không phải anh chị em nào cũng mang theo nhiều quần áo, có người chỉ mang theo duy nhất một bộ và một bộ mặc trên người. Đi có "hai mươi ngày" mà! Ban đầu thì cũng gắng dành một bộ xếp gọn gàng làm cái gối, gối đầu, dần dà thấy thời gian kéo dài quá lâu đành đem ra mặc lao động - rách nát...! Tuy tù không có án nhưng người tù "cải tạo" luôn hy vọng cho một ngày về, dù là hy vọng quá mong manh, bởi: đói, lạnh, bệnh tật, lao động khổ sai và sự đày đọa tinh thần... Có thể chết bất cứ lúc nào! Người tù "cải tạo" thần kinh lúc nào cũng căng thẳng, lúc nào cũng lo âu sợ sệt, sợ cho bản thân và cho gia đình cha mẹ vợ con ở quê nhà.
Tôi mặc bộ quần áo tù rộng thùng thình, sợi dây lưng rút cũng bằng vải, thắt chặt vô cái bụng xẹp lép, hai dầu sợi dây dài lòng thòng đung đưa giống như hai trái đậu đũa... Hai trái "đậu đũa" đó cứ lòng thòng theo tôi suốt bảy năm. Tôi còn trẻ - "người tù" mới có hai mươi sáu tuổi, bộ quần áo tù bà ba đó gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm...!
Hằng ngày tôi mặc bộ quần áo tù màu xanh da trời đi lao động, trong lòng bồi hồi nhớ về quãng thời thơ ấu, quãng thời gian đẹp nhất và tràn đầy tình thương khi sống với gia đình... Làng tôi nằm trên vùng cao nguyên đèo heo hút gió, hằng tuần hay nửa tháng mới có một chuyến xe ra tỉnh, hoặc đi nhờ xe nhà binh. Mấy anh tài xế xe nhà binh rất dễ thương, hễ thấy người dân giơ tay là các anh ngừng xe liền. Đi một người thì các anh cho ngồi đằng trước, nhiều người hoặc có mang quang gánh, hành lý... thì các anh cho ngồi đàng sau xe, đàng sau xe nhà binh có hai hàng ghế dọc theo hai bên thành xe. Xe nhà binh cao khó trèo lên, các anh xuống xe mở bững sau bỏ xuống, giúp đỡ đưa người và đồ đạt lên xe. Học xong tiểu học ở làng muốn lên trung học phải ra tỉnh học tiếp. Làng tôi ở là làng "Dinh điền" nên được hưởng rất nhiều ưu tiên từ các chương trình trợ giúp người nghèo của chính phủ. Cái gì cũng được tài trợ miễn phí, học sinh nào học giỏi muốn học lên trung học đều nhận được học bổng của tổng thống!
Một hôm tôi đi học về, vừa chui đầu vô nhà mẹ tôi hấp tấp - tay cầm xấp vải, tay nắm tay tôi vội vàng kéo ra tiệm ông thợ may đầu xóm.
- "Chú cắt may cho cháu hai bộ quần áo bà ba. Hai cái túi áo chú may hơi rộng rộng một chút, hai cái tay áo may hơi dài dài một chút, cái dây lưng quần cũng hơi dài dài một chút. Con trai nó nghịch lắm thế nào cũng đứt tuột ra giữa đường, giữa sá...".
Bây giờ tôi mới nhìn kỹ xấp vải... Đó là vải "Mỹ A" màu đen láng bóng. Tôi thắc mắc trong đầu tại sao màu vải giống y chang cái quần của cha, của mẹ, và của các em gái tôi đang mặc hằng ngày? Nhưng tôi không mấy quan tâm vấn đề đó, miễn có quần áo mới để mặc là được rồi. Hôm đi lấy quần áo mới đem về mẹ biểu tôi mặc thử... Tôi mặc xong mẹ xoay người tôi qua lại ngắm nghía ra vẻ đắc ý...
- Đẹp lắm ! Nhưng hai đầu dây lưng quần nó... hơi dài đó con! Thôi kệ nó, dài lòng thòng cũng chẳng sao, nhớ kỹ là khi kéo ra để đi tiêu, đi tiểu phải rút đúng cái mối dây, đừng nôn nóng mà rút lộn mối, giật thắt gút lại thì mở không ra được đâu nghe chưa? Vải "mỹ a" trơn láng nầy rất chắc lại dễ giặt, con tha hồ mà đựng viên bi... Mẹ tôi cười và nói như vậy!
Quả đúng như lời mẹ tôi nói. Tôi rất thích đánh bi! Những viên bi đủ màu sắc lấp lánh rất đẹp, luôn luôn hấp dẫn tôi và các bạn của tôi, ngoài giờ học chúng tôi châu đầu vô đánh bi... Bắn bi riết ngón tay giữa bên trái của tôi to bè, cứng cáp, mỗi lần tôi búng tay: tróc... tróc...tróc...! Con chó "luci" nằm trước hiên nhà giật mình tưởng tôi gọi nó, nó chạy ào vô vẫy đuôi mừng...! Đánh bi ăn bi, có khi tôi đánh thắng bạn bè bi đựng đầy cả hai túi áo nặng chình ình thòng xuống gần tới hai đầu gối. Khổ nỗi cái dây lưng quần dài lượt thượt mỗi lần tôi ngồi xuống bắn bi cứ quết qua quết lại dưới đất rất là bực mình, tôi cuộn tròn lại một nùi nhét vô bên trong quần. Khi tiểu tiện tôi mới moi đống dây ra, hai tay rút lia lịa trúng đâu hay đó, có khi giựt vội thắt gút cứng ngắt. Nhờ bạn gỡ dùm, nhưng dây quần gút chặt quá chúng nó phải nhe răng ra cắn mới gỡ được. Có lần đau bụng giựt dây vội vàng nên thắt gút đành "ị" ra trong quần phải túm tụm chạy xuống suối...
Đúng tuổi, tôi vào lính: nhiều binh chủng ai thích binh chủng nào thì tùy, căn cứ theo trình độ học vấn, sức khỏe mà ghi danh. Thời đệ nhất cộng hòa, đến tuổi đi (quân dịch mười tám tháng) rồi về nhà, khi có chiến sự - tổng động viên thì trở lại quân ngũ.
Tết Mậu thân tôi được về nhà ăn tết cùng gia đình. Thời gian nầy tôi vô lính được hai năm. Đời lính, ngày tết được về nhà ăn tết thì còn gì vui hơn? Tuy chưa lập gia đình nhưng tôi đã có bạn gái, đời lính mà không có bạn gái để viết thư cũng như hẹn hò cho một ngày về phép thì buồn chết đi được. Đôi khi nằm tiền đồn nhận một lá thư từ em gái hậu phương là một an ủi động viên tinh thần hữu hiệu nhất. Đêm giao thừa tiếng pháo nổ giòn... mừng đón giao thừa; đón một năm mới trong hy vọng, khấn vái trời phật, ông bà tổ tiên, những người bỏ mình vì quê hương, tổ quốc phù hộ ban bình an, ăn nên làm ra. Người dân miền Nam đâu có ngờ rằng lẫn trong tiếng pháo tết là tiếng đạn của cọng quân tấn công ồ ạt vô đồn bót và các thành phố trên khắp miền Nam. Qua làn sóng radio được biết cọng quân không tôn trọng "lệnh ngưng bắn" do chính họ đưa ra. Họ bất chấp đêm giao thừa truyền thống linh thiêng của dân tộc. Họ đã vi phạm chính lời đề nghị của chính họ...!
Tiếng pháo địch, và những trái hỏa châu sáng rực một góc trời, khi đó mọi người trong làng mới biết trung đoàn bốn mươi hai bị tấn công... Sáng sớm ngày hôm sau tôi trở về nơi đóng quân, khi ngang qua Tân Cảnh - một cảnh hoang tàn đổ nát, cửa nhà, vườn cây lửa cháy còn nghi ngút khói..., người chết, người bị thương còn chưa chuyển đi hết. Tuy không chiếm được trung đoàn bốn mươi hai nhưng nghe nói cọng quân bắn loại hỏa tiễn tầm nhiệt gì đó... gây thiệt hại cho trung đoàn cũng không phải nhỏ! Biểu tượng của trung đoàn bốn mươi hai là cái tháp cao đúc bằng bê tông cốt thép sừng sững tựa như người khổng lồ đứng quan sát tứ phương, từ xa xa nhìn thấy cái tháp chưa sập là biết trung đoàn vẫn bình an!
Mấy tuần sau đơn vị tôi được điều động về tỉnh lỵ để lo thu dọn nhà cửa hoang tàn do cọng quân tấn công vô tỉnh lỵ. Chung quanh khu vực đóng quân của sư đoàn hai mươi hai, MACV, Tỉnh đoàn XDNT, cùng nhà cửa của dân chúng đều bị đổ nát! Vùng ngoại ô nầy cách phố trung tâm cỡ hơn ba cây số. Nói thật ở tiền đồn còn khỏe hơn là dọn dẹp mấy đống gạch vụn đổ nát nầy. Biết bao nhiêu tiền bạc, công sức đổ ra xây dựng miền Nam giàu đẹp, chỉ trong một đêm giao thừa cọng quân tràn vô... pháo kích làm tan hoang, nhìn cảnh tang thương nầy trong lòng ai mà không nuối tiếc...?! Dọn dẹp, sửa chữa để có nơi ở và làm việc, hơn một tháng vẫn chưa xong. Trong đơn vị tôi đa phần lính trẻ chưa lập gia đình. Duy nhất chỉ có chú cả Triều là lớn tuổi, khoảng trên bốn mươi, vợ chú cũng còn trẻ khoảng ba mươi tuổi ngòi nhưng đã có năm mặt con. Chú hiền lành, vui tính, anh em trong đoàn công tác rất mến. Một buổi chiều thứ bảy anh em xúm nhau chơi bóng chuyền... Hai phe có cá độ một két bia con cọp cho bên nào thắng, cá độ lấy khí thế để chơi cho hăng say chứ thực ra bên thắng, bên thua đều ngồi lại ăn uống vui vẻ với nhau. Tình huynh đệ chi binh là chính mà! Nhưng chỉ cuối tuần mới "cá độ" còn ngày thường thì không. Mọi người đang chơi bóng, chợt thấy ngoài cổng gác có một người phụ nữ đầu đội nón lá, mặc quần màu đen, áo bà ba màu xanh xuất hiện... Người phụ nữ hai tay xách hai cái giỏ đi thẳng vô... Lâu rồi chưa có một bóng hồng nào lai vãng nơi đây nên đám đực rựa ngừng chơi bóng - dồn mọi ánh mắt về phía người phụ nữ. Ở xa trông bà già hóa ra thiếu nữ là chuyện thường... Khi người phụ nữ đi lại gần đám đực rựa mới nhận ra đó là: chị Thanh vợ chú cả Triều, bởi có một vài lần chị lên thăm chú nơi đóng quân - thăm trong ngày rồi về. Những lần thăm như vậy chị có mua cho anh em năm ba lít rượu và vài cây thuốc lá, nên anh em trong đoàn rất biết ơn chị.
Hai đội bóng chuyền tiếp tục chơi hết hiệp thứ ba để phân thắng bại. Sau khi tắm gội xong anh em ngồi lại uống bia... Chị Thanh cũng tham gia và ủng hộ một két bia con cọp. Chị cho biết chị xuống tỉnh lấy hàng, tiện thể ghé thăm..., sáng mai chị về sớm. Uống xong anh em đi ăn cơm tối.
Nơi ngủ của anh em gồm bốn căn nhà trống mới sửa chữa từ ngày bắt đầu về công tác. Mỗi phòng ở hơn mười người, trải chiếu ra nằm trực tiếp dưới sàn ciment. Tôi biết đêm nay chị Thanh ngủ lại với chồng, vợ chồng với nhau mà, "lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi"! Nhìn nét mặt lúng túng... của anh cả Triều là tôi dư biết..., dù anh không nói ra nhưng tôi đã hiểu, hơn nữa chị Thanh ủng hộ một két bia con cọp là coi như chị đã "hối lộ" cho tụi nầy rồi... Do đó tôi chuyển đi bớt bảy tay đực rựa từ phòng số một, qua phòng số hai, số ba, số bốn. Phòng số một là phòng chỉ huy, tuy ở mười người nhưng phòng rộng rãi gần gấp đôi các phòng khác."Ê, nằm ngủ chật chội đỡ một đêm nghe các bạn..."! Đám lính trẻ nầy ruột để ngoài da nên chẳng quan tâm mấy. Nghe tôi nói cả đám cười, hì hì...! Tôi dặn anh cả Triều vô trong kho rinh hai cánh cửa cũ kê làm cái gường ở góc phòng, trải chồng lên hai chiếc chiếu, lấy một tấm "poncho" giăng ngang. Như vậy là đã có một cái phòng "tân hôn" riêng rẽ thật kín đáo tuyệt vời...!
Hồi chiều tôi nhận thư của người yêu từ Sai gòn. Nàng nói khi nào tôi được về phép nhớ tặng cho nàng một cái nhà rông của người Thượng nho nhỏ. Nàng kể cho tôi nghe nàng và cô em gái của nàng đi xem phim "Tình thù rực nắng" phim ngoại quốc rất hay và nàng hẹn tôi khi nào về Sai gòn nàng sẽ dẫn tôi đi xem... Tôi đi dạo kiểm tra mấy vọng gác một lần cuối rồi trở về chỗ nằm, cơn buồn ngủ đến hai mắt ríu lại nhưng trong đầu vẫn mơ màng nhớ mấy lời dặn dò của người yêu. Lúc nầy đã là mười hai giờ đêm. Tôi nghe văng vẳng tiếng nói rất là nhỏ ở cuối phòng. Nghe tiếng được tiếng mất.
- Từ từ thôi anh...! Anh hấp tấp quá nên... rút lộn ngược hai cái mối dây lưng quần của em rồi! Lại rút mạnh tay nữa, chặt cứng biết làm sao mở cho ra...?
Tôi định thần chờ lắng nghe tiếp, chừng năm ba phút im lặng trôi qua. Tôi lại nghe tiếng anh cả Triều thủ thỉ:
- Tối om...! Mối gút chặt quá mở hoài không được em ơi... ! Hay là... để anh, cuối... cuối... xuống... đứt nghe... Được không em?
Tôi nghe như có tiếng chị Thanh càu nhàu:
- Em không biết...! Anh làm cách nào thì làm mà đứt dây sáng mai làm sao mà em đi về...? Coi chừng anh em nghe thì xấu hổ lắm đó!
- ... xong anh sẽ nối lại ngay thôi mà! Người đàn ông trấn an vợ.
Thật là tội nghiệp cho cả hai vợ chồng trong tình cảnh nầy giữa đêm khuya khoắt! Tôi chợt nhớ một số câu trong bài hát - Hai mươi bốn giờ phép.
- "Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi...
- Ta đưa ta về nguyên thủy loài người...
- Vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay...".
Đối với anh cả Triều nầy không những làm bằng cả hai "tay" mà còn phụ thêm vài "động tác" nữa...! Mà nghĩ cũng thiệt là lạ. Bây giờ là lúc văn minh - con gái đàn bà người ta mặc quần, lưng quần cột giữ bằng dây thun, hay cài bằng móc sắt, cài bằng hột nút hết ráo...! Tại sao bà Thanh nầy lại khư khư ôm giữ cái quá khứ lỗi thời... Mặc chi cái quần có dây lưng rút bằng vải cho khó khăn cái chuyện... "làm ăn"?!
... Đây là vùng ngoại ô của một tỉnh ly vùng núi. Thời tiết còn mang hơi hướng của ngày xuân. Sương núi lạnh, thêm vài cơn gió mùa khô khốc trên cao nguyên đẩy đưa tâm hồn người lính cô đơn thêm chao đảo, da diết... Tiếng súng lặng thinh nơi đây nhưng chỗ khác thì đang vội vàng hấp tấp vọng về mang theo hơi thở rộn ràng tất bật của người xạ thủ, của mùi thuốc súng, của tiếng con dế kêu giữa đêm khuya yên ắng... Những âm thanh và cảnh vật hòa quyện tạo nên một khúc nhạc giao hưởng dồn dập lẫn êm đềm sâu lắng... Tôi kéo cao cổ áo Jacket, nhìn đồng hồ đã là bốn giờ sáng, rón rén đi ra khỏi phòng hướng về phía vọng gác. Quay sang phía Kiên và Sáng, hai người nầy phụ trách máy truyền tin, y tá, nằm kế bên tôi. Không biết hai thằng hắn có ngủ say sưa hay cũng đang mơ mơ, màng màng...? Tôi thao thức vì nhận được thư của người bạn gái từ Sài gòn gửi ra từ chiều hôm qua, nội dung tha thiết của lá thư làm cho tôi nhung nhớ đâm ra khó ngủ.
Vợ chồng anh cả Triều dậy thật sớm, cái phòng "tân hôn" đã biến mất không để lại một dấu tích nào ngoài cái nền ciment nguyên thủy và chiếc chiếu. Hai chú "cốt đột" Kiên và Sáng cũng chạy đi đâu mất tiêu? Hai cái mùng chưa tháo xuống... Sở dĩ tôi kêu hai chú em ấy bằng hai từ cốt-đột là bởi vóc dáng hai chú ấy - cao to, khỏe mạnh, lưng nở nang bè bè như người lực điền. Gọi một cách triều mến trong tình anh em và hai chú ấy cũng thích tôi gọi như vậy. Chị Thanh ngồi uống trà cùng chồng..., thấy tôi bước vô phòng chị hơi... ngượng... ngượng...! Có "tật" thì mới giật mình mà!
- Chú Triệu chở dùm chị xuống phố lấy hàng cho kịp chuyến xe về nhà với mấy cháu được không?
- Anh chị lấy chiếc xe Honda 67 của em mà đi đi..., hai ông bà chở nhau có phải tình tứ hơn không? Em bận chuyện của em rồi.
Chị Thanh nguýt tôi một cái thật dài, nói xả lả:
- ...Chưa có vợ mà rành dữ ha...!
Chiến tranh tương tàn khốc liệt kéo dài nhiều năm làm cho dân tình ly tán - bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ cả ruộng vườn đi lánh nạn nhưng vẫn không tránh khỏi tang thương máu đổ thịt rơi. Người thanh niên đi giữ nước, hy sinh vì nợ nước đã đành. Người già, phụ nữ, trẻ em có tội tình gì cũng chịu cảnh cô đơn, góa bụa, chia ly... Càng nghĩ càng thấy đau lòng. Người lính miền Nam, người miền Nam được hưởng một nền giáo dục đầy tính nhân văn, yêu tổ quốc Việt Nam, biết trọng danh dự, biết nhận trách nhiệm với quê hương tổ quốc, không gây hận thù, không đi xâm lăng ai, chỉ lo bảo vệ an ninh cho miền Nam thân yêu, nhưng bảo vệ cũng thật là quá vất vả. Tôi cảm phục những người phụ nữ không kể nguy hiểm, thăm chồng, thăm người yêu là lính, giấu đi cái e lệ sợ sệt thường tình của phái yếu đã mạnh dạn tìm đến những vùng chiến địa thăm hỏi, tặng quà... Đôi khi còn mang theo cả con nhỏ.
Đột nhiên hai ông cốt đột: Sáng, Kiên, nhìn xoáy vô ông anh cả Triều... cười... cười..., rồi nói to...!
- Tối hôm qua không biết ai ngủ mà... "nghiến răng, hay lục đục cái gì"...? Đêm khuya thanh vắng nghe mà thất kinh hồn vía! Anh cả có nghe gì không vậy...?
Biết không thể nào giấu diếm được hai thằng "quỷ sứ" chưa vợ, anh cả Triều đành tự thú... qua loa cho xong chuyện. Chứ không khéo chúng nó lại hô... toáng lên thì "nguy to" chứ chẳng chơi!
Trang Y Hạ
Gửi ý kiến của bạn