BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 78583)
(Xem: 63521)
(Xem: 41007)
(Xem: 32608)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngồi ở ngõ Phất Lộc.

20 Tháng Mười Hai 20246:20 SA(Xem: 1014)
Ngồi ở ngõ Phất Lộc.
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Đọc bài báo của nhà báo Xuân Ba về ngõ Phất Lộc có tiêu đề - Ngồi ở ngõ Phất Lộc. Lại nhớ hôm về ngồi ở ngõ Phất Lộc cùng với anh Khôi Sề.

Anh Khôi Sề trong ảnh ngồi cạnh mình năm nay cũng hơn 60 tuổi rồi, vài năm nữa là 70 cũng nên.

Người Buôn Gió ở ngõ Phất Lộc

Bố anh là ông Quang, ông Quang thân với bố mình, hồi nhỏ mình thấy ông hay sang nhà uống nước nói chuyện với bố mình. Ông là công chức thời Pháp, tiếng Pháp tất nhiên giỏi, mình đoán thế vì có nghe ông từng là thông dịch viên thời ấy. Ở ngõ còn có ông Giáp là cảnh sát thời Pháp, ông Giáp là bố anh Thịnh tổ trưởng dân phố nhiệm kỳ tính đến nay phải gần 20 năm. Còn có ông Nguyên ở ngõ trên là theo quân đội Pháp. Mấy ông đều hay vào nhà mình uống nước, nói chuyện với bố mình.

Năm 1954 Việt Minh về tiếp quản thủ đô, những người làm cho Pháp thời ấy chẳng bị sao, chỉ có không có việc làm mà xã hội thời ấy thì nhiều người không có việc làm chứ chẳng gì các ông. Ông Quang ra đầu đường làm cái hòm sửa chữa xe đạp, ông Nguyên làm cái xích lô ra đầu đường chờ khách, còn ông Giáp thì làm bảo vệ hay gì đó ở rạp hát.

Anh Khôi ở nhà số 8 ngõ Phất Lộc, nhà này do ông bà ngoại của anh để lại, hình dung về trước thì căn nhà khá đẹp và vóc dáng kiểu châu Âu. Loại nhà có cái sân rộng ở giữa, cầu thang men tường lên tầng 2, sân lát gạch đỏ. Phía trước tiền là nhà một tầng mái ngói, qua cái sân là đến căn nhà 2 tầng, tầng trên có cái ban công rất rộng cũng lát gạch đỏ. Nhưng sau này chia chác cho con cháu nội ngoại, thế hệ sau cải tạo cơi nới thành ra căn nhà như mê cung. Cái sân trở thành chỗ để thùng phuy hay chum trữ nước của từng nhà, rửa rau vo gạo giữa sân, bếp thì mỗi nhà một góc, nhìn hỗn loạn vô cùng. Đã thế căn nhà phía mặt tiền lại được nâng cấp lên ba tầng, lại làm thêm cầu thang giữa cái sân cũ, cái cầu thang chế uốn theo địa hình, cheo leo như đường leo lên Thiếu Lâm Tự.

Có lần báo chí đưa tin về cảnh sống người trong phố cổ, nói đến gia đình mấy người sống trong mấy mét vuông. Thực ra đó là cái bếp cũ chung, bà Tỉnh là bác của anh Khôi lấy chỗ đó làm nhà. Lúc đầu bà cũng được chia phần căn nhà số 8, bà ở thời gian rồi bán đi, mua cái nhà ngoài bờ đê khá rộng. Sau thời gian lại bán cái nhà bờ đề, quay về lấy cái bếp chung kia làm nhà ở.

Nói về gia thế thì đời xưa ông bà ngoại anh Khôi cũng thuộc dạng đáng nể.

Nhà số 10 là nhà ông Thu, cũng nguyên căn của nhà ông ấy, giờ con cháu ông Thu vẫn ở. Có anh Tuấn Anh con trưởng ông Thu giờ chắc cũng ngoài 60, anh ấy bề ngoài là cán bộ công chức hiền lành, về nhà thì anh chắc cạ, tá lả, bóng bánh không gì không chơi. Thậm chí hồi những năm giữa thập kỷ 80, dù có vợ con rồi, anh ấy ngày nào cũng rủ mình đi đánh điện tử Nitendo trò xe tăng bắn nhau, vợ ra tận hàng điện tử gọi về ăn cơm cứ liếng thoắng để anh chơi nốt ván này. Nhiều khi ngại vợ anh ấy chờ, mình lơ đi cho thành bị bắn tan để anh ấy về ăn cơm.

Anh Khôi và anh Tuấn Anh hơn mình từ chục tuổi đổ lên, hai anh đều quý mình. Vì mình ra ngoài xã hội có thể đâm chém, đánh lộn nhưng về ngõ với các anh là ngoan ngoãn, vâng dạ, không có thái độ xấc xược gì với người lớn trong ngõ.

Nhà số 10 khi cách mạng về, có thêm bà bán bún chả ở phần ngoài tầng 1. Nhà đó cũng đẹp , cũng có khoảng sân phía sau làm thoáng khí, trồng vài cái cây. Nhưng sau thì cũng như nhà số 8, cái sân trở cũng trở lên lộn xộn.

Nhà số 12 của ông giáo Mão, ông giáo Mão mình nhớ là người hiền lành, tính đến giờ chắc ông cũng tầm 120 tuổi. Ông dạy học thời Pháp. Nhà 12 rộng và sâu, ở giữa cũng có khoảng sân lát gạch đỏ. Ông Mão trồng ở góc sân một số hoa, trong đó có hoa riềng, đến mùa nở rất đẹp mắt. Sau cách mạng, chả hiểu ông Mão bán hay cho người ta thuê, hay cho ở nhờ gì đó, mà cái số nhà ấy thêm đến 4, 5 hộ nữa. Có bà Pháo kéo xe bò, hình như là ông Mão cho bà ở. Hôm mình về vào nhà số 12 cắt tóc ở nhà anh Long, cháu ông Mão, thấy nhà số 12 như mê cung, trong đó còn có cả cái khách sạn nội thất khá đẹp tuy nhỏ. Nói chuyện về căn nhà cũ thời ông Mão, anh Long đầy tiếc nuối.

Nhà số 14 là nhà ông Tơ, qua cái cổng là một cái sân, có giàn nho. Hồi xưa nhà ông có những tảng đá để trước cửa, hình như ông là người tạc đá thành tượng thì phải. Lúc mình về hồi tháng trước, chẳng kịp xem con cháu ông ấy còn ở hay bán cho nhà bên cạnh rồi.

Qua con phố Lương Ngọc Quyến sang bên kia là nhà số 22. Giờ mình mới thắc mắc là nhà số 16, 18, 20 sao không có, mà lại đến số 22 luôn.

Nhà số 22 mặt tiền quay ra ngõ Phất Lộc, cả cái sườn nhà nằm dọc theo phố Lương Ngọc Quyến, bao giờ chủ nhà ấy có tiền, chắc chắn sẽ mở hông làm cửa quay ra thêm mặt Lương Ngọc Quyến.

Nhà số 22 vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị chia chác làm biến đổi như những nhà khác. Nhưng cũng khó mà biết trước được sau này nó sẽ ra sao. Mình đã khước từ quyền thừa kế phần của mình ở căn nhà đó từ lâu.

Nhà 24 xưa kia chắc cũng của một gia đình bề thế, hình cũng giống nhà số 8, tức có căn nhà ngói ở mặt tiền, qua khoảng nhỏ sân là căn nhà ngói 2 tầng, nhưng tiếp đến có khoảng sân nữa rồi đến nhà bếp, nhà vệ sinh. Có mấy hộ ở đó, trong đó có nhà ông Tỵ ở lâu đời nhất, ông Tỵ cũng hay sang trò chuyện với bố mình. Sau năm 54 thì bố mình với ông Tỵ làm nghề kéo xe ba gác, thời gian sau nữa bố mình làm sửa chữa bút máy, rồi sản xuất bút máy, dép nhựa . Tiếp đến hưởng ứng phong trào đi theo tiếng gọi của cuộc cải tạo công thương, đi tù tội sản xuất phá hoại kinh tế hợp tác xã.

Bây giờ thì những người làm sản xuất, kinh doanh được tôn trọng và luật pháp khuyến khích. Nhưng hồi đó làm gì , sản xuất gì mà không tham gia vào hợp tác xã là có tội. Nhiều gia đình có nghề truyền thống cũng phải tham gia hợp tác xã.

Thôi thì cứ nghĩ hồi đó chiến tranh, có những quyết định mang tính tình thế.

Ông bà Tỵ đều đã mất, hồi nhỏ mình hay sang số nhà 24 chơi, vì các hộ trong đấy có nhiều bạn bè ngang tuổi mình, hơn chút, kém chút. Cái sân nhà đó nổ ra bao cuộc cá chọi, bi lồ và chọi gà. Giờ anh Nghĩa con ông bà Tỵ vẫn ở đó và vẫn đang nuôi gà chọi. Thật vui khi sau 12 năm trở về, vẫn thấy cảnh quen thuộc như thế, vẫn cái chuồng gà chọi của anh Nghĩa chỗ cũ. Vui hơn khi nghe nói anh Khởi, anh trai anh Nghĩa làm ăn cũng tốt, thế nên chắc không có chuyện bán nhà đi chia chác như nhà bao nhà khác. Như vậy nhà hàng xóm kế bên quan hệ mấy đời sẽ vẫn còn đó dài dài để người đi xa có trở lại còn được nhìn thấy nhau và tâm sự.

Chứ về mà hàng xóm cũ ba, bốn đời đã chuyển đi nơi khác, lòng nao nao lắm.

Còn nhiều số nhà nữa, như nhà 26,28,30 đến 58,60...hầu hết nếu theo nguyên bản của trăm năm về trước thì toàn nhà đẹp , nhà của những người có tiền. Nhà nào cũng có sân, có cây cối, có giếng trời, có nhà 2 tầng, phong cách rất thoáng và thanh nhã. Nhưng sau này chia chác, biến đổi những căn nhà ấy bị chia năm, xẻ bảy, tận dụng mọi chỗ để làm diện tích sinh sống. Thời bao cấp nhà nào cũng nuôi gà, nuôi lợn làm chuồng bất kể chỗ nào trống. Bây giờ để xe, để chứa đồ. Khó mà nhận ra nét ban đầu của những ngôi nhà trong ngõ Phất Lộc.

Nếu nhận ra được cái nguyên bản của những căn nhà trong ngõ Phất Lộc, hẳn sẽ nhận ra trăm năm về trước, những người ở ngõ Phất Lộc đều là những người giàu, phong lưu, hãy xem một đoạn học giả Nguyễn Hiến Lê kể lại về ngôi nhà của các cụ ông ở ngõ Phất Lộc.

-Hai căn nhà số Hai và số Bốn ở đầu ngõ do các cụ tôi cất trong thời Tự Đức (chưa rõ năm nào) tiêu biểu cho những ngôi nhà cổ phong lưu ở Hà Nội. Mái ngói, tường gạch, rui, cột, xà đều bằng danh mộc, mọt khó đục. Ngôi nhà số Hai, chiều ngang ba thước sâu 32 thước. Ngoài đường bước vào là một căn bếp thấp hơn mặt đường ba, bốn tấc. Qua nhà bếp xuống ba bốn bực nữa tới nhà trong thông thống từ trước đến sau không ngăn từng phòng. Tiếp là cái sân gạch mỗi chiều hai thước cho nhà khỏi tối. Tiến vô sâu nữa, gặp một sân dài bốn thước choán hết chiều ngang. Sân có bể con chứa nước mưa. Gần cuối nhà có khúc quẹo qua bên trái thuộc về nhà số Bốn rộng hai thước rưỡi, sâu mười thước gồm 2 phòng mỗi phòng 2,5 x 3 thước. Lại cách nhau một cái sân dài bốn thước.

Ngồi ở ngõ Phất Lộc một sớm mùa thu, sau gần 12 năm xa cách. Thấy hối hận với các cụ 3 đời trước. Các cụ toàn bậc học giả, phong lưu mà đến đời thứ ba, thứ tư này con cháu toàn chơi bời như anh Khôi Sề, Tuấn Anh và bản thân mình nữa.

Lần tới mà về, chắc sẽ rủ anh Khôi, Nghĩa, Tuấn Anh làm một canh chắn cạ thâu đêm, đằng nào cũng có lỗi với các cụ, thôi thì anh em chơi tiếp cho thoả đam mê. Tầm tuổi u 50,60 cả rồi sửa đổi tính nết gì nữa.

Bùi Thanh Hiếu
Facebook


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn