BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73546)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bài Luận Văn Đầu Tiên

02 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 1237)
Bài Luận Văn Đầu Tiên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Tôi đã thích môn Việt Văn từ lúc bắt đầu viết những bài tập làm văn ở lớp tiểu học. Sự yêu thích đó không bắt nguồn từ một năng khiếu bẩm sinh, hay một thích thú nhất thời, mà là từ một cảm xúc chân thật rất non trẻ.

Khi tôi lên lớp 6, tôi được làm quen với hai phần trong môn việt văn: kim văn và cổ văn. Một điều đã luôn gợi cho tôi những cảm xúc tràn đầy từ những bài thơ văn cổ cũng như kim; là nhờ ở phần giảng giải vô cùng thú vị của thầy giáo dạy Việt Văn. Thầy tôi năm đó hãy còn trẻ, nhưng trông thầy rất đạo mạo trong bộ áo vest, thắt cà vạt và cặp kính cận trắng, gọng đen, đã làm cho vóc dáng thầy nhìn thêm nghiêm khắc. Thầy rất giỏi chữ Hán, mỗi khi giảng về một bài thơ cổ, thầy luôn ví dụ những dòng thơ chữ Hán để chứng minh cho phần giảng của mình. Có một lần, tôi bắt chước đứa bạn ngồi cạnh bên nói thầy hay “xổ nho chùm”. Nó khôn hơn tôi nói nhỏ xíu, còn tôi tài ngu nói to hơn để làm thầy giận và đuổi tôi ra khỏi lớp. Đứng ngoài cửa lớp tôi hối hận khóc.

Từ sau ngày đó, hình như tôi đã làm mất cảm tình của thầy, lại thêm cái tội nhiều chuyện trong lớp. Không hiểu tại sao hồi ấy tôi cứ thích nói chuyện trong giờ học. Những lúc thầy gọi trả bài là lúc bọn con gái chúng tôi tha hồ tâm sự, mà nói nhiều và to hơn ai hết là tôi. Vì vậy mỗi khi lớp quá ồn thầy nhìn xuống lớp là tên tôi luôn bị xướng lên cảnh cáo phải im lặng. Rồi chỉ im được vài giây; con ma nói trong tôi lại thúc giục tôi lên tiếng, để cho thầy phải bực mình chọi phấn về phía tôi liên tục.

Rồi một ngày, thầy cho cả lớp tập làm luận văn với hai đề tài: Tả chiếc xe đạp và tả người chiến sĩ. Thầy gọi bốn học sinh lên bảng và chia bảng ra làm bốn cột, hai học sinh một đề. Khi bốn học sinh đó làm xong nhập đề thì thầy gọi bốn học sinh khác lên làm thân đề. Tôi thấy cách làm này hơi lạ lùng, vì ý và lời của đứa làm nhập đề rất khó cho học sinh thứ hai tiếp tục làm thân đề. Tôi đã không biết thầy cố ý làm như thế để giúp học sinh chúng tôi tập suy nghĩ, tưởng tượng rồi đặt câu sao cho xuôi và hợp lý với ý của người bạn mình. Tôi cố trốn tránh ánh mắt thầy để khỏi bị kêu lên bảng làm tiếp phần thân đề. Song, số tôi xui vẫn hoàn xui, đúng vào lúc tôi vừa thủ thỉ than phiền với nhỏ bạn bên cạnh về kiểu bắt làm luận văn kỳ cục của thầy, thì cũng là lúc tới phiên tôi phải lên bảng. Tim tôi đập loạn xà ngầu, tôi run rẩy bước lên bục với cái đầu rỗng tuếch. Tôi bỗng thấy may mắn cho đứa nào làm nhập đề và kết luận. Tôi bị đứng vào cột tả người chiến sĩ, thật là khó quá! Bên cạnh tôi, con nhỏ bạn cũng đang bị kẹt ý cho phần thân đề tiếp nối cái xe đạp. Bỗng dưng tôi và nó cùng nhìn nhau lắc đầu rồi tôi buột miệng nói với nó:

“Cái đầu của tao có rồi mà cái thân tao nặn chưa ra…” Sau câu nói đó hai đứa tôi cùng cười khúc khích. Tôi nghe tiếng thầy nạt lớn:

- Lên đây làm bài hay là giỡn…

Tôi giật mình run tay viết hai chữ thân đề méo mó. Bỗng, tiếng chuông reo hết giờ như một cứu tinh. Tôi và đứa bạn gái mừng rỡ quăng phấn chạy liền về chỗ, miệng còn la lớn:

- Hết giờ rồi, hết giờ rồi.

Cả lớp ồn lên sau tiếng chuông, thầy gõ thước dõng dạc ra lệnh:

- Im lặng, nghe tôi nói, các em về nhà làm tiếp bài luận văn tả cái xe đạp hoặc người lính chiến tùy ở các em chọn, ngày mốt nộp.

Có vài tiếng xì xào lập lại “mốt nộp, mốt nộp”. Rồi đột nhiên thầy hướng mắt về phía tôi nói lớn:

- Riêng trò Hà, ngày mai phải nộp liền cho tôi bài luận tả người chiến sĩ vì cái tội lắm chuyện, lo ra trong lớp.

- Tôi giật mình, vừa mắc cỡ với bạn bè, nhất là tiếng cười của lũ con trai nhãi ranh phía sau, vừa sợ, vừa tức thầy sao bất công đã không cho tôi cái quyền lựa chọn đề. Tôi sững người nhìn thầy trân trối, cho đến khi đứa bạn bên cạnh thúc cùi chõ vào tôi nhắc nhở: “Ê! Mặt mày đỏ như trái cà chua rồi đó!” tôi mới ngượng ngùng gục đầu xuống bàn. Tôi cảm thấy ghét ông thầy Việt Văn làm sao, rõ ràng là thầy cũng ghét tôi mà! Tôi lo sợ nếu tình trạng “bị ghét” này kéo dài đến cuối năm, chắc là tôi đứng chót lớp về môn Việt Văn quá. Trời ơi, con gái dốt toán thì còn tha thứ được, chứ dốt Việt Văn thì “quê” biết chừng nào.

Tôi tự trách mình đúng là “thần khẩu hại xác phàm”, ai kêu già chuyện làm chi cho khổ thân. Rồi tôi lại trách thầy quá thiên vị. Đứa nào cũng nói chuyện rân trời trong lớp chứ đâu phải mình tôi nói, nhỏ Thanh Phương một cây tán phét về tài bắt bướm, hái hoa của nó. Có một cuốn tập ép mấy cành hoa tím khô và vài cánh bướm vàng, cứ khoe tới, khoe lui. Con Ngọc Linh thì đanh đá, suốt ngày kể chuyện mấy bà làm vườn cãi lộn. Còn Hồng Ái thì mơ màng toàn những tuồng tích Hồ Quảng, cải lương nói mấy ngày chưa hết… Thế mà không đứa nào bị thầy chiếu “đèn pin” như tôi cả…

Về nhà tôi cứ lo lắng cho bài luận văn, tôi định bụng sẽ hỏi cha tôi về những công việc của người lính để tôi có thêm ý mà tả. Không may cho tôi, hôm đó cha tôi lại đi dạy ngoài giờ nên về rất trễ. Tôi phải lặng lẽ ngồi nặn óc suy nghĩ một mình về hình ảnh người lính mà tôi chưa hề biết rõ qua.

Hình ảnh đầu tiên liên quan đến người lính hiện ra trong trí nhớ của tôi là những ngày tháng hãi hùng, chạy loạn của người dân Sàigòn năm Mậu Thân. Lúc ấy tôi chỉ là một đứa bé 8 tuổi, đang vui sướng trong bộ quần áo mới thẳng nếp, với bao lì xì đỏ trên tay. Tôi lăng xăng chạy quanh nhà miệng nghêu ngao hát: “Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời…”, rồi lại chạy ra sân xem cha tôi gắn phong pháo dài lên cánh cổng để đốt. Tôi vừa bịt tai chuẩn bị nghe pháo nổ thì đã nghe một tiếng nổ lớn vang trời làm rung chuyển nhà cửa. Sau đó là vài tiếng nổ lẻ tẻ, tôi thấy một đám khói đen từ xa, và tiếng cha tôi hét lớn: “Chạy vào nhà nằm xuống ngay, tiếng súng đấy.” …Súng tiếp tục nổ, có tiếng la hét bên ngoài lẫn tiếng khóc, cả tiếng chân người chạy mỗi lúc một nhiều. Tôi sợ hãi chẳng biết gì cũng khóc mỗi khi nghe có tiếng động lớn. Cả ngày hôm đó, gia đình tôi cứ nằm dưới gầm ván. Chỉ có mỗi cha tôi là không nằm, mà cứ đi qua đi lại trông rất lo lắng. Sau đó, cha tôi bàn với mẹ là cho cả nhà tạm lánh nạn ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử, nơi cha tôi đang làm hiệu trưởng. Ở đây gần khu trại gia binh, và có nhiều đồn lính canh gác rất an toàn.

Sài Gòn - Mậu Thân 1968


Khi chúng tôi di tản đến đó, tôi đã thấy những chú lính rất bận rộn, tất tả chạy ngược xuôi với khẩu súng dài trong tay. Trên khuôn mặt người nào cũng hiện ra sự khắc khổ, chịu đựng, đầy vẻ nghiêm nghị đến độ luôn thiếu vắng nụ cười. Ngày ngày tôi hay bế em ra gần khu canh gác chơi, chính những khuôn mặt nghiêm nghị của các chú lính kia lại thường cho tôi nụ cười ấm áp, vui tươi. Họ thay phiên nhau bế em giúp tôi, để tôi được rảnh tay chơi lò cò với đám bạn nhỏ. Đôi lúc, các chú lính ấy cũng hay hỏi chuyện học hành và chơi đố cửu chương với lũ trẻ chúng tôi… Tôi nghĩ những người lính ấy rất thương trẻ con… Nhớ đến đây, tôi ghi liền vào giấy đức tính: “rất yêu trẻ con” của người chiến sĩ.

Tôi nhớ đến chú lính tài xế của cha tôi tên là Tô, mà tên thêu trên túi áo lại không có dấu ô, nên chúng tôi cứ gọi chú là chú To, nhưng chú vẫn cười hiền hậu không hề bắt lỗi. Chú hay giúp cha tôi nhổ cỏ khu vườn phía sau nhà, bổ củi cho mẹ, và thường xuyên lau chùi chiếc xe Jeep. Tôi lại nghĩ đến cha tôi trong bộ quân phục, ồ, không biết cha tôi có phải là lính hay không, mà sao tôi chưa bao giờ thấy cha mang súng như những người lính khác. Tôi chạy lại hỏi mẹ tôi:

- Mẹ ơi, bố cũng là lính hả mẹ?

- Ừ!

- Sao bố không đeo súng lục bên hông hả mẹ?

- Tại bố không ra mặt trận.

- Tại sao bố là lính mà không ra mặt trận?

- Tại bố mày được biệt phái về ngành dạy học.

- Biệt phái là gì hả mẹ?

Mẹ tôi bực mình:

- Hỏi lẩm cầm nhiều thế. Chờ bố mày về mà hỏi.

Tôi tiu nghỉu:

- Con đang làm bài luận văn tả người lính chiến đây nè, con tả bố được không?

Mẹ tôi dịu giọng lại:

- Thì cứ việc tả, đời lính khổ lắm, cứ phải thuyên chuyển luôn.

Tôi thấy hơi lúng túng với câu nói của mẹ, rồi tôi nghĩ à, tôi có được một ý nữa, đời lính thật khổ, còn phải thuyên chuyển luôn. Tôi hí hửng ngồi vào bàn viết, để diễn tả lại một bức tượng người lính oai hùng, gan dạ, tôi tập trung suy nghĩ đến hình ảnh của cha tôi, chú lính tài xế, và những chú lính tôi gặp năm MậuThân, không nề hà gian khổ khi di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Tôi vẽ vời hình ảnh người lính vào bài y như một bản tường trình, rồi kết luận bằng câu:

“Em thấy nơi nào có bóng dáng người lính là nơi đó có sự chiến đấu khốc liệt, đồng thời cũng có sự bình yên và che chở. Người lính mãi là một hình ảnh đẹp và hào hùng trong lòng em.” Chấm hết! Đọc đi đọc lại bài luận văn của mình, tôi tạm yên lòng vì đã xong để kịp nộp ngày mai.

Giờ cổ văn là giờ đầu trong ngày, thầy giáo xuất hiện vẫn với bộ mặt nghiêm trang, đôi mắt không bao giờ biết cười sau cặp kính cận dầy. Sau cái ngoắc tay cho cả lớp ngồi xuống, thầy không quên nhắc tôi nộp bài luận. Tôi đem bài luận lên cho thầy mà lòng không khỏi hồi hộp. Thầy gọi học sinh trả bài một lúc. Hôm ấy trông thầy rất thờ ơ với việc đọc bài của từng đứa, thầy như đang chăm chú đọc một cái gì đó trên bàn của thầy.

Giây phút kiểm bài đã xong, thầy bước xuống bục với bài luận của tôi trong tay. Tôi giật mình đến thót khi nghe thầy cất tiếng:

- Các em im lặng, nghe tôi đọc bài luận của trò Hà đây.

Tôi sợ hãi đến muốn khóc: “Chết rồi! Sao quả tạ chiếu vào tôi rồi. Tụi bạn sẽ cười tôi, sẽ diễu cợt những lời viết của tôi…”

Thầy bắt đầu thong thả đọc, cả lớp im phăng phắc nghe, tôi đang chờ đợi những lời chê trách, cùng những tràng cười kế tiếp… Tôi cứ cúi gầm mặt xuống không dám nhìn thầy, cho đến khi thầy đọc xong bài luận và nói:

- Các em có thấy không, đây là một bài luận hay, lời lẽ của Hà diễn tả mạch lạc, chân thật. Đọc bài này tôi có thể hình dung ra được hình ảnh của người lính ngay trước mặt mình. Khá lắm, tôi cho em trọn số điểm 20.

Tiếng xì xào vang lên, tôi cảm thấy tai mình lùng bùng như không tin được điều tôi vừa nghe. Thanh Phương húc cùi chõ vào tôi:

- Sướng nhe, được 20 điểm luận văn.

Ngọc Linh tru tréo hỏi:

- Ê, sao bữa nay mày trở thành “thiên tài” bất ngờ dzậy? Có ai làm dùm mày phải hôn?

Hồng Ái trề môi:

- Chắc là chép ở đâu rồi, tao không tin mày làm được một bài như vầy.

Thùy Minh chen vào:

- Khai thiệt đi, chép trong báo Quân Đội phải hôn?

Tôi tức tối la lên:

- Ừ, thì tao chép đó, làm gì tao.

Cả ba cái miệng nhao nhao:

- Ui trời ơi, bây giờ mới khai, đồ ăn cắp “dzăng”, nhục hơn ăn cắp tiền nghe mày. Nói cho thầy biết đi.

Tôi nhìn những khuôn mặt bạn bè hàng ngày vẫn tán chuyện với tôi, giờ chỉ có con số điểm 20 mà đã muốn đổi bạn thành thù rồi. Tôi tự ái nói:

- Mày khỏi cần nói, tao lên nói với thầy liền.

Tôi vừa quay đi thì đã thấy thầy đứng sau lưng hỏi:

- Chuyện gì?

Tôi chưa kịp nói, thì Hồng Ái và Ngọc Linh cùng lên tiếng:

- Bài Luận của Hà là nó chép trong sách đó thầy. Nó mới khai với tụi em.

Tôi tức giận, nước mắt tự nhiên trào ra, hồi đó, tôi cũng hay bị bạn bè chọc là đồ “mít ướt”. Thầy nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng:

- Tôi không tin là bài luận này em chép. Theo tôi, nếu em chép từ văn của một nhà văn nào đó, thì đây là một bài văn rất dở với lời lẽ ngây ngô, nhưng tôi lại tin đây là bài luận hay của một học sinh lớp 6 như em.

Rồi thầy quay qua học sinh và nói:

- Tôi tin chắc rằng bài của trò Hà là tự bạn ấy viết, các em nên học lấy cách tả trung thực bằng cảm xúc, rõ ràng mạch lạc, chứ không nên dùng sáo ngữ, mơ hồ khiến cho người đọc khó hiểu.

Trước khi bước đi, thầy xoa đầu tôi nói:

- Thôi nín đi, thầy tin em là được rồi.

Câu nói của thầy như một thần dược xoa dịu ngay nỗi uất ức của tôi. Thầy không ghét tôi như tôi đã tưởng, thầy cũng chẳng bất công hay thiên vị gì hết. Tôi chớp mắt nhìn thầy cảm động, tôi nghĩ, từ nay tôi sẽ bớt nói chuyện với cái đám bạn hay ganh tị kia. Mấy ngày sau, thầy nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm hơn, thầy đã không còn chọi phấn về phía tôi, hoặc kêu tên tôi những lần tôi nói chuyện. Tôi vẫn không ngờ bài luận đầu tiên đã làm thay đổi tình thầy trò một cách lạ lùng… Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tôi càng thấy yêu thích môn Việt Văn nhiều hơn.

Vài tháng sau đó, thầy thông báo sẽ nghỉ dạy, tôi nghe nói thầy đi nhập ngũ. Ngày cuối cùng với thầy, chúng tôi học bài “Cô Gái Sơn Tây”, thầy giảng bài này rất vui làm cả lớp có một trận cười ra nước mắt. Hết giờ, thầy nói vài câu tạm biệt với cả lớp:

- Tuần tới, các em sẽ có thầy giáo mới thế chỗ tôi. Tôi mong rằng các em sẽ học chăm chỉ hơn, học văn là học về tâm hồn con người. Các em đừng nghĩ đây là môn phụ mà xao lãng nhé.

Tiếng một đứa con trai hỏi:

- Thầy đi dạy trường khác hả thầy?

- Không, thầy đi lính… Ngừng một chút, thầy hướng mắt về phía tôi tiếp. Đi lính là bổn phận của người trai tráng với đất nước, thầy cũng muốn có một hình ảnh đẹp, và hào hùng trong lòng các em như trò Hà đã tả về người lính.

Hôm đó, lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt của thầy biết cười sau cặp kính dầy.

Ba mươi tám năm sau…

Khi tôi bắt đầu tập tành viết lách, một người bạn rủ tôi tham gia một cuộc thi viết về người lính do báo Đa Hiệu tổ chức năm 2009. Tôi ngại ngùng nghĩ, chà, đề tài không dễ chút nào! Tôi cảm tưởng như đây là một bài luận khó. Cái khó là tôi đã bị kẹt lại trong chế độ CS những hai mươi năm, đã bị nhồi nhét bởi nền giáo dục đầy tính chất chính trị, với phương châm: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Đất nước lúc đó đã bị cô lập với mọi thông tin bên ngoài, sự trung thực của lịch sử đã bị bóp méo. Tôi đã “bị học” những điều dối trá, tuyên truyền và nhục mạ về người lính VNCH… Vậy thì làm sao tôi có thể viết về người lính một cách tường tận được.

Tôi mơ hồ nhớ lại bài luận văn của mấy chục năm trước, tôi đã tả hình ảnh người lính theo cảm tính của một học sinh lớp 6. Sự thiếu sót hay sai lạc vào lúc đó có thể châm chế được, vì người chấm bài chỉ có mỗi một mình thầy giáo thôi. Bây giờ tôi đã lớn tuổi, tôi không thể viết về người lính mà không có một kinh nghiệm hay hiểu biết gì về đời lính cả. Hơn thế nữa, khi viết ra, tôi sẽ có hàng trăm giám khảo là những độc giả của báo lướt mắt qua, trong số những người đọc đó, chắc chắn cũng có nhiều người đã là chiến sĩ năm xưa. Càng nghĩ, tôi càng thấy e ngại không muốn viết… Nhưng rồi, do sự yêu thích viết lách đã nhen nhúm trong tôi vài ý nghĩ về một bài viết với nội dung sao cho có ý nghĩa để dự thi. Tôi tìm đọc thêm những chuyện về đời lính trên các trang web để học hỏi.

Qua những bài viết về đủ mọi binh chủng trên các báo đài ở hải ngoại, tôi đã cảm nhận được dư âm của cuộc chiến tranh Nam, Bắc tương tàn dù đã chấm dứt hơn ba mươi năm nay rồi. Nó vẫn như đốm lửa âm ỉ trong lòng biết bao nhiêu người lính VNCH. Sự âm ỉ đó mỗi năm lại bùng lên ngọn lửa phẫn uất, buồn tủi vào ngày Quốc Hận tháng 4 đen. Ngày mà ở quê hương đang tưng bừng chào mừng chiến thắng “vĩ đại” thì trên nửa vòng trái đất, những nơi có cộng đồng người Việt lưu vong, lại ngậm ngùi hồi tưởng về sự mất mát của miền Nam trong muôn vàn nghịch cảnh khác nhau. Sinh mạng của hàng triệu người đã bỏ mình trên biển cả trong những chuyến đi tìm tự do. Số phận tù đày của biết bao nhiêu người lính còn bị kẹt lại. Sự bạc đãi tàn ác của kẻ chiến thắng đối với trăm ngàn vạn người thương binh cũ. Đời sống dân lành đói khổ, lầm than.

Và trong ngày Quốc Hận đó, hình ảnh người lính luôn đứng chung bên lá cờ vàng phất phới, đã là một biểu tượng cho sự hy sinh vì tự do, nhân ái mà tất cả những người Việt khắp nơi trên thế giới đang trân trọng gìn giữ và vinh danh.

Trong nhiều năm qua, đề tài về người lính tuy đã cũ mà vẫn gợi cho tôi lòng tò mò muốn biết. Thế nên tôi đang cố gắng tận dụng mọi hiểu biết mà tôi đã nghe, đã đọc để diễn tả lại hình ảnh người lính. Nhưng sao cố gắng hoài tôi thấy thông tin hình như không bao giờ đủ khi tôi chưa hề trải qua cuộc đời chinh chiến. Những khi đọc chuyện đánh nhau trong chiến tranh, chuyện tù đày khổ cực trăm bề, tôi hay bị xúc động và thường không thể đọc hết nổi những phần đau thương còn lại.

Từ những cảm xúc xót xa đó, tôi đã bạo dạn tham dự một bài viết về tình yêu đối với số phận của người lính VNCH sau chiến tranh, đã phải chịu đựng bao nhiêu sự khốn khổ, tủi nhục về tinh thần lẫn thể xác trong lao tù CS. Cảm xúc thì nhiều, nhưng vì không có kinh nghiệm tiếp xúc với những người đã từng là lính, nên tôi chỉ biết tạo một nhân vật lính với những đặc trưng cao quí theo cảm nhận của riêng mình. Tôi mang những chữ kiêu hùng trong chiến thắng lẫn chiến bại, kiên quyết, bao dung và sẵn sàng xả thân đặt vào hình ảnh người lính tôi yêu.Tuy có mấy chữ đó thôi, tôi tin rằng ý nghĩa đã nói lên nhiều hơn tất cả.

Bài luận đầu tiên sau 38 năm của tôi về người lính đã được kết luận bằng câu:

“Cám ơn các anh, cám ơn một quá khứ oai hùng của đời lính đầy hy sinh gian khổ.”

May mắn thay, nó đã được đa số giám khảo chấp nhận cho tôi được giải.

2/2012

Thiên Lý

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn