BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73443)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quá khứ phản bội

11 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 2356)
Quá khứ phản bội
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trước khi vào chuyện: Do một số đông thân hữu khẩn thiết nhờ THH tìm anh tù “cải tạo” có tên Long, năm 1982 đã bị tù ở trại Z 30 Gia Rai-Xuân Lộc.

Vâng lời bạn, THH xin post bài viết đúng sự thật 100% này. Tác giả chỉ biết tên anh là Long, tôi đã không thể biết “họ” và tên đệm của anh Long. Anh Trung Úy Long, tù “cải tạo” ở trại Z 30 B, làm tại tổ than của trại tù. Anh Long được tin mẹ ở Khánh Hội đã chết. Nhưng... sau đó Mẹ anh Long đã đến “thăm con” trong chiếc quan tài. Vậy, nếu tình cờ anh Long (hoặc thân nhân của anh Long) có đọc được bài viết này, xin vui lòng nhắn gửi tin trên diễn đàn nhé anh. Có nhiều anh bạn tù “cải tạo” trong Z 30A + B vẫn ân cần nhiệt thành hỏi thăm tin tức và bệnh tình của anh Long đấy ạ.

Kính anh Long,

THH
(trth.hanhphuc@gmail.com)

***

Từng dòng lịch sử và dòng thời gian dài lê thê vùn vụt trôi qua theo tiếng còi tàu tốc hành hú từng hồi lát gừng, giống như nấc cụt, và con tàu từ từ xục xịch chuyển bánh, khói tỏa thành một lằn dài ngoẵng, bay mù mịt cả một góc trời, than khói đen đen xám xám kéo theo đoàn va-gông cũ kỹ, xập xệ lắc lư. Con tàu dường như nhão mục rền rĩ rung chuyển, rung rinh, hì hục, lết lết, lắc lư thụt lui thụt tới, cạ quẹt, rên xiết, rọt rẹt nghiến trên hai thanh tà vẹt hoen màu rỉ sét. Tôi nghe thật nhức óc và điếc con ráy quá chừng!

Vẫn những toa tàu chật như nêm chở đầy nhóc hàng hóa cồng kềnh ngổn ngang. Hành khách hỗn độn từ ga Sài Gòn đi về miền Nha Trang lố nhố bu đầy trên bậc cấp, trên mui trần, bên những ô cửa. Họ la hét, xô đẩy, giành giựt chỗ ngồi náo loạn. Tất cả những toa xe đều huyên náo, ồn ào kinh khủng. Nhân đó nạn sờ mó, móc túi, cướp bóc tràn lan trong toa tàu.

Dù có tên tiểu đoàn đường sắt chống trộm cướp thủ củ súng và cây dùi cui lăm le trong tay, ông ta đập cây dùi cui chan chát trên ô cửa, lớn tiếng oang oang la không ngớt, tay chỉ trỏ ra lệnh đóng hết cửa tàu. Cuối cùng ổng đứng áng ngữ ở bậc thang cửa lên xuống tàu, ổng cũng không thể ra oai, mà đành giương mắt trơ ra nhìn.

Bởi do phần lớn trại tù học tập “cải tạo” mọc lên như nấm mà ra. TÙ! hơn cả chuyện nhà nước quyên góp cứu trợ nạn nhân thiên tai, hỏa hoạn, lụt lội. Nhà nước không dựng-xây kiến thiết quốc gia, xây trường học, làm đường sá, hay làm những công trình kiến tạo khác. Mà, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đâu đâu cũng có “trại tù” khổng lồ! Trại tù đã giết chết bao người trai trẻ, hủy hoại rất nhiều tiềm năng, xeo nạy nạo vét hết sĩ khí dũng chí con người. Họ đã bị nhà nước xã hội chủ nghĩa láo khoét tuyên bố: “đi học tập 14 ngày cho thông rồi về.” Nên đa số anh em quân nhân công cán chính Việt Nam Cộng Hòa chân thật đã bị mắc lừa, bị lọt lưới. Họ đã xô nhau tới đường cùng, đã trở thành những người tù tội bị nhánh tình đọa đày lưu vong trên chính quê hương.

Lớp lớp thanh niên trai tráng bị nhà nước đánh cắp không chỉ là gia sản, tài năng, trí dũng, sức khỏe, thân phận... tình bạn, tình thân giữa đồng loại, ý niệm về không gian và thời gian từ sự bình thường tiềm ẩn trong những phi thường đã qua. Trơ tráo trắng trợn hơn là tù “cải tạo” bị ăn cắp tuổi xuân-thì và bị lột trần cả về tình yêu - (tình yêu nhìn qua nhiều lĩnh vực và lăng kính: tự tin, dung hòa, tha thứ v.v... trên mọi phương diện). Thế nhưng... quá khứ ngục tù canh cánh bên lòng trỗi dậy; hy vọng mong manh, tự do bị vùi dập, lãng quên, một sự thiếu tình thương và thông cảm từ “phía nội thù” nằm ngay trước mặt. Yêu thương và đồng cảm thì ở chân trời xa tít tắp. Để rồi hắt lại trong đời tù sự đố kỵ, lạnh lùng, câm nín vì chọn lầm chỗ, khi người tù xa cơ thất thế nằm gọn trên đe dưới búa - hóa ra như chinh nhân chọn lầm một đất nước mà cấp lãnh đạo ấy chỉ biết giẫm đạp lên mình mà trả thù! - Gợi lại trong lòng mọi người bao hoài niệm bi hận về một giai đoạn lịch sử quá đau thương, nghiệt ngã của Miền Nam Việt Nam khốn cùng, điêu linh khổ ải và bất hạnh: Họ bị lọt vào cái bẫy sập tinh vi, độc ác, kinh dị nhất thế giới. Hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng trở thành tù “cải tạo,” vùi dập đời trai đầy dũng khí và tráng kiện như món hàng béo bở đã ngã giá trong thương vụ quốc tế; qua những túm quà thăm nuôi eo xèo bé xíu đựng mắm muối, đường thẻ, tôm khô, cá khô, bánh thuốc lào, nửa ký đường cát trắng, trăm gram cà phê, v.v...

Đôi khi sơ ý ngủ gục, vợ con tù cũng bị cướp sạch trơn. Ai vô phước đeo bông vàng, đều bị cướp giật đứt lìa tai, máu chảy ròng ròng. Thậm chí áo quần mặc trong người, nếu cướp coi “bộ đồ gió, bộ đồ vía” polyester mới xỏ vào lần thứ nhất, cũng bị trấn lột trắng trợn. Bạn tôi nói thế mà linh:

-Tao đi thăm nuôi tù “cải tạo” chính trị, chứ có phải đi vào trại tù “cải tạo” coi ca nhạc, hay đi ăn tiệc tùng gì, mà tao xum xoe diện áo quần lành lặn, bảnh bao tươm tất. Hử? Khi trời tối canh ba, cướp ùa ra trấn lột hết, chỉ còn bộ đồ lót. Có may, thì cướp nó quăng cho bộ đồ rách cụt ngủn, vợ tù đi chân đất vào thăm chồng. Khi đó thì mi nghe nè:

Ngày xưa ăn nói dễ nghe,
Bây giờ cẳn nhẳn chua lè khó ưa.
Ngày xưa thích được mây mưa,
Bây giờ hạn hán hết ưa tù tì
Ngày xưa thường sánh vai đi,
Bây giờ chỉ thích năm ì... xem phim...
Ngày xưa nhớ nhau đi tìm,
Bây giờ mặc kệ... con chim mất dzồi.
(*)

***

Bà mẹ chồng và các con trai, tôi, đi tàu lửa chật như nêm, họ nhét bà nội, mẹ con, cháu; ngồi chung với bầy súc vật kêu la đinh tai nhức óc, hôi thối, áo quần bu trét đầy phân heo, phân chó. Gà, vịt kêu quang quác ngổn ngang nhảy lên đầu lên cổ chúng tôi. Khổ nhất là khi chúng tôi đáp tàu chuyến, tàu chợ, xe đò... để vô Xà Bang cách Bà Rịa 28Km về hướng Bắc Đông Bắc, xa Xã Cẩm Mỹ 6Km về hướng Nam. Xà Bang nằm cạnh Liên Tỉnh Lộ số 2, (từ Ngã ba Tân Phong, Quận Xuân Lộc, thuộc Tỉnh Long Khánh) thăm Luật. Về sau này Luật bị chuyển trại ở Long Giao, vô Z 30. Không có tiền, nên nhiều lần mẹ con bà cháu trụt xuống tàu lửa, hay xuống xe tại ngã ba Ông Đồn, Xuân Lộc, rồi đi bộ ngang qua trại “tù cải tạo” Z 30 C Gia Rai (chúng tôi phải đi ngang qua trại tù Z 30 C ở đồi Phượng Vỹ. Hồi xưa do Trung-đoàn 48, thuộc Sư-đoàn 18 Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ.) Muốn đi vào trại tù Z 30 A - hay Z 30 B - xa rất xa. Rất xa.

Mưa ào ạt đổ xuống khu rừng rậm, thế nên thiên nhiên được kỳ cọ rửa sạch cây cối, và những láng trại tù, nóc nhà tôn, nhà lá... Rừng cây trở nên dịu dàng vì vừa qua trận mưa to tắm mát núi rừng. Mẹ con tôi vội vàng lẽo đẽo theo sau những chị vợ tù, mẹ con tù. Họ từng đi thăm nuôi chồng, cha, con, trên đường rừng đồi nương nầy có ngõ tắt, thì sẽ đốt giai đoạn, sớm vào láng trại tù nhanh hơn, trước khi trời chuyển mưa, hay chóng sập tối. Chúng tôi và bốn con trai cố rảo bước, chỉ sợ chậm lại, thì sẽ bị lạc mất đường đi. Cỏ tranh cao lút đầu bọn trẻ đã cào xước vô da những lằn dài đỏ tươm máu và rát bỏng. Cỏ may rậm cũng cao gần đến bụng con, bông cỏ xâu vô hai ống quần, chích vào chân chúng tôi ngứa ngáy, khó chịu dường bao. Ve chó, ve đất, châu chấu, cào cào, ruồi trâu và muỗi cứ bay ào lên từng đoạn, mỗi khi chúng tôi bước qua khu đường tắt trong rừng sâu.

Trại tù Z 30 (là một trong muôn vàn trại tù mọc lên đông đen nhiều vô số, ấy là thành trì cốt cán chặt chẽ, độc ác, tróc khảo lột da con người kinh khủng), do đảng và nhà nước dựng lên, để cai trị tù “cải tạo.” Tù nhân bị dời đổi đi luôn luôn, xáo trộn lung tung tùng phèo lên như thế. Vì đảng, nhà nước, cán bộ rất sợ! Họ không muốn người tù ở lâu một nơi, cùng nhau ở một chỗ. Tù nhân sẽ dễ dàng kết thân với nhau, sẽ bí mật “tạo phản, phục hồi danh dự, và phục quốc, phục quê.”

Chả phải trai tráng đi “học tập cải tạo” (Reeducation Camp) gì sớt! mà trăm ngàn tốp tù chuyên môn đi “lao động khổ sai là vinh quang.” Tốp này chặt cây, tốp kia lo đào ao, tốp khác phải đi gánh phân, múc nước đái tưới rau tươi đã gieo trồng.

Trong lều bên góc trại có dựng lên một lò rèn thô sơ bằng tay, để tù nhân vào đó rèn rựa, rèn dao. Tù phải tự làm thợ rèn dao, rựa, cuốc, xẻng, cào; để đi cuốc đất, trồng ngô khoai đem cho đảng và cán bộ ăn. Tù vác xẻng đi đào mương khai cống rãnh. Tốp tù vào rừng lấy củi, chặt tre đốn cây làm nhà tù, làm thành nhà xong thì tự nhốt mình trong những láng trại xa xôi hẻo lánh: mùa nóng thì nóng lột da, mùa lạnh thì lạnh thấu xương.

Nơi tiếp tân: trên bàn quản giáo có chiếc hộp để “Góp ý.” Thật ra đấy là nơi dùng để làm “cần câu” theo dõi, đấu tố nhau, điềm chỉ “cho chắc cú thấu triệt” hơn. Nhiều thủ tục đơn từ khai báo lỉnh kỉnh, lẩm cẩm, rườm rà. Cán bộ lấy cây que tăm xe đạp thọc vào, khám xét, moi móc tỷ mỷ những thỏi kem đánh răng, rất lâu. Nhưng, thành thật mà nói thì mẹ con tôi sợ tên quản giáo (mà chúng tôi rỉ tai nhau là bộ mặt “Lucifer”) coi ở phòng khách, sợ gấp trăm lần sợ anh chị nào mang bệnh cùi lở loét. Chỉ sơ suất một cái gì, thì kể như chúng tôi không được cho phép thăm viếng, chuyện trò với chồng, con, cha, gì sớt. Nhưng nói cho cùng, không phải cán bộ trông coi trại giam, là ai ai cũng “ác ôn côn đồ độc ác” cả đâu. Bằng chứng là chỉ có một cán bộ Nhượng đối đãi với tù có khá tôn trọng, từ-tâm hơn nhiều người cán bộ công an cộng sản khác.

Chúng tôi bồn chồn nôn nóng lo âu chờ đợi vài giờ, nhón gót dáo dác nhìn quanh, mẹ con cứ đi ra lại đi vô. Trong hàng rào phân định làm thành mô hình chữ U, là bảy dãy nhà tù lợp tôn, lợp lá đối diện nhau. Phân đôi giữa những dãy tù là khoảng sân vừa đủ rộng. Đi xuống dãy nhà bếp và bốn dãy nhà tù biệt giam. Nơi đây tù nhân bị mang gông cùm lởm chởm, cornex thì ở tít sau mé cùng, các anh bị đọa đày khổ cực, khốn cùng đắng cay, đau khổ vô vọng hết biết. Bị tù không bao giờ biết ngày tuyên án. Chẳng biết lúc nào ra khỏi nơi quỷ khóc thần sầu!

Đoàn tù lần lượt nối gót nhau từng tốp mươi người ra nhà khách. Thân thể họ toát ra những giọt mồ hôi hột, chảy dài từ đầu đến ngực, ướt đẫm lưng áo bạc phơ sột soạt từng đám phong trần. Trong cơn bấn loạn, sợ hãi, và băn khoăn tột độ, chúng tôi dáo dác nhìn quanh, cố tìm khuôn mặt người thân. Tôi lặng người nhìn những khuôn mặt vàng bủng, nhận ra nét cằn cỗi, già nua, hốc hác, bơ phờ và ốm đói mỏi mệt của tù, từ những lằn nhăn bên khóe miệng người tù, trên đuôi mắt hằn lún những đường rãnh trên vầng rán cao cao sạm nắng gió khuya chiều, mà bỗng dưng mình bủn rủn. Nhà khách im phăng phắc nghe cán bộ đọc tên tù xong. Thế rồi, mọi nơi, mọi chỗ, mọi người đồng loạt rộ lên tiếng nói rộn ràng lao xao, ríu rít như bầy ong vỡ tổ. Người người bùi ngùi thân thiết mừng rỡ trong nghẹn ngào, nức nở xúc động bồi hồi chào mừng nhau, rưng rưng hỏi thăm, ủi an nhau, vỗ về nhau, tay quệt nước mắt trào lệ, miệng cố mỉm cười méo mó để che dấu nỗi chua cay xót xa, đầy đắng chát tủi nhục vô trong lòng.

Tôi và Luật ở giữa hai vòng ngục tù quê hương. Chồng tôi ở vòng tù trong địa ngục, và đôi khi anh bị cùm trong vòng tù thứ ba là nơi chuyên giam nhốt ai có “trọng tội,” là bị xiềng xích hai tay hai chân, nơi cùm gông dành cho thứ dữ. Gia đình tôi (nói riêng và đa số gia đình bạn tù nói chung, cùng đồng bào ở vòng ngục tù bao la ngoài chấn song vô hình, khổng lồ đồ sộ và vô cùng kiên cố). Từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, lan ra tận Phú Quốc, Côn Sơn, đều giống nhau. Trước kia Luật đã ở các trại tù: Suối Máu - Ra Phú Quốc - Về trại Long Giao... Sau đó chuyển tới trại Z 30 A. Rồi chuyển qua Z 30 B. Gia Rai - Xuân Lộc. Quả thực, hồi nhỏ ông chồng tôi, có tên cúng cơm rất là dễ sợ, do bố mẹ ảnh đã đặt cho ảnh cái tên: “Phạm Trọng Luật” thật. Nhưng khi lớn lên, Luật đi học đến lớp Nhất, thì bị thầy giáo vui tính gọi bố mẹ lên, thầy ôn tồn nói:

-Tên gì cụ không đặt, lại đặt cho con cụ có cái tên kinh khủng đến thế. Nếu cậu ấy không có “tội,” thì cũng vì “phạm trọng...” mà vô tù, nghĩa là đi tù ây.

Ông thầy giáo “làm phụ thầy bói” như thế mà linh! Nay ảnh đã bị “phạm trọng luật” mà đi tù gần 10 năm bị học tập “cải tạo” sao ta!? Có lần chồng tôi cười cười trêu đùa:

-Thùy Mến ơi! Anh có muốn đổi tên thật phí, vẫn bị lừa như thường.

-Mắc gì đổi tên mà bị... ai lừa nào!

-Thì anh không đổi tên họ, mà vẫn phạm trọng luật, (!!??) đi tù, thì xong béng đời trai là cùng chứ gì!

Chúng tôi hết sức lo lắng về tình trạng bệnh sốt rét của Luật, nhất là đôi bàn tay anh đã lở loét, bàn chân anh làm độc dạo trước, (do bị cán bộ y tế trại kêu anh vào làm thí nghiệm, ông ta lấy con dao bầu cắt rau trong nhà bếp, cứa cứa vào chỗ đau, xịt máu mủ ra. Chẳng có sát trùng, sát triết gì. Không có thuốc tê, thuốc bại gì ráo. Luật đau đến ngất thì thôi). Mặc dù Luật đã ở tù mươi năm rồi, mỗi tháng anh đều được giấy cho đi thăm nuôi, nhưng gia đình tôi quá nghèo. Một năm chúng tôi chỉ chia nhau đi thăm nuôi Luật vài lần. Có năm chúng tôi không đi nỗi. Cho đi thăm nuôi tù, thật ra nhà nước chẳng ưu ái khoan hồng, tử tế hay tốt lành gì. Cho phép người ở vòng tù ngoài đi thăm nuôi vòng tù trong, chẳng qua là đảng muốn tù ngoài gánh vác đỡ bớt gánh nặng nuôi miệng ăn tù trong. Mặc dù tù “cải tạo” ăn ngày non bữa, bỏm bẻm chỉ có một muỗng cơm lạt độn bo bo hoặc sắn khoai. Do số lượng tù quá sức đông, nếu chiết tính sơ sơ, đảng cũng nát óc điên đầu, nhà nước khó khăn, nan giải trong vấn đề gạo thóc mắm muối của đảng, thì cũng là chuyện không thể. Luật thấy rõ hai túm quà bé tí nị, mà gia đình mang vào cho anh, nhưng quý giá gấp mười lần cá, thịt: Đó là tất cả sức cần lao, đói khát, gian khổ, từ mẹ già răng long tóc bạc. Từ những bàn tay con gầy bé tí xíu. Từ người vợ mảnh mai. Họ đã nhịn đói, nhịn khát, ngõ hầu góp nhặt từng xu, từng đồng, cố gắng dành dụm cúp nũm, để mang vào tù cho anh ăn tạm qua cơn đói rã ruột.

Dĩ vãng vinh sang, anh: xe pháo rủng rỉnh, nhà cửa đình huỳnh sung túc an vui thình lình ồ ạt chảy về trong hiện tại đầy ứ, quá khứ phản bội khiến anh xốn xang chóng mặt đến hụt hơi. Vì, chuỗi lao tù cay cực kéo dài trước hàng chữ: “Không có gì quí hơn độc lập tự do.” Mỗi lần gặp mẹ ruột, vợ, con: mệt mỏi đến thăm, Luật chỉ ôm chúng tôi khóc ròng. Anh khóc, không vì cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.” Mà bởi anh rõ hơn ai hết, khi nhìn mẹ gầy trơ xương, nhìn vợ ốm yếu, nhìn đàn con nheo nhóc khẳng khiu, yếu xìu, xanh lướt kia đang rưng rưng giọt lệ mừng vui cuống quýt. Luật lặng người nhận ra nét già khú đế trên khuôn mặt mẹ xếp lớp lăn tăn. Anh đau đớn nhìn những hố mắt con thơ trũng sâu. Và, nơi khuôn mặt cô vợ hoa hậu diễm kiều mặt hoa da phấn năm nao, bàn tay búp măng nõn nà thuở xưa, nay “em tôi” có từng đường gân xanh nổi cồn bên thái dương, nơi bàn chân nứt nẻ, tróc lở, ở bàn tay sần sùi của “nàng”! Luật mủi lòng chẳng sợ ai cười chê, anh đã úp mặt vô hai bàn tay nứt nẻ mà khóc tướng lên, như trẻ thơ.

***

Lui cui dọn dẹp mấy bọc ni lông đựng túm xôi đậu xanh, tôi nhồi thêm ít đậu phụng rang vào xôi, để lát nữa sau khi hết giờ thăm nuôi, Luật sẽ xách vô trại, (thay vì Luật và mẹ con tôi ngồi ở đây, vừa ăn vừa nói chuyện, sẽ mất thì giờ, mà không nói được chuyện gì), thì tôi sửng sốt chợt thấy một đoàn hai chiếc xe hơi, từ ngoài con đường đất đỏ từ từ lăn bánh vào, và dừng lại ngay bên ngoài cổng trại Z 30. Trên xe lố nhố kẻ đứng người ngồi, đa số là người mặc áo tang, tôi nghe họ khóc than thảm thiết lắm. Tên cán bộ trại liền ra lệnh cho những người đang thăm nuôi dồn lại ở một cái bàn dài trong góc cùng. Tôi còn ngơ ngác và lo lắng nhìn quanh, Luật thì thầm:

-Anh Trung Úy Long, tù ở trại Z 30 B, hiện làm tại tổ than của trại tù. Anh Long được tin mẹ ở Khánh Hội đã chết. Dù có giấy báo tử, anh Long đã tức tốc xin phép trại trưởng, cho anh về nhà một ngày, để phục tang. Nhưng họ kiên quyết không cho. Nên hôm nay, thân nhân của anh Long đưa mẹ về quê an táng tại Phan Thiết. Trên đường đi về quê, xe tang ghé qua trước cổng trại, họ xin phép trại trưởng cho anh Long ra đứng bên trong cổng, ngay dưới hàng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do,” để lạy chào mẹ lần cuối cùng.

Bần thần chua xót và vô cùng cay đắng, khi tôi tận mắt chứng kiến cảnh anh Long xanh lướt, thân thể anh héo hon thất thểu ra cửa trại tù. Anh chập choạng ủ rũ như người mất trí, như người say, anh như thân cây sắp ngã. Anh Long lê từng bước thấp bước cao ra tới bàn quản giáo. Anh run run ký tên vào sổ thăm nuôi. Đôi mắt anh Long sưng chù vù, mọng đỏ.

Lúc ấy người nhà mang vào cho anh Long bộ đồ tang trắng, họ quấn lên đầu anh mảnh khăn tang, anh buông thõng hai tay, đứng bất động như trời trồng. Anh Long để mặc họ xỏ áo thả gấu xỏ quần trắng cho mình như cậu bé con. Hai người thân kè xốc anh Long ở hai bên cánh tay, dìu đưa anh bước thấp bước cao ra cỗ áo quan mẹ lạnh giá. Như cái xác không hồn. Anh Long run rẩy cầm ba cây nhang quỳ xuống mặt đường đất đỏ gồ ghề. Bỗng anh Long khóc rống tướng lên. Nghe thảm thiết lắm. Anh Long sì sụp lạy mẹ và bất thần rệu xuống. Chuyện nầy ai ai trong trại tù Z 30 cũng biết, có thật 100%.

Bỗng dưng, từ thinh không rót vào tim tôi cảm giác rờn rợn, đau đau, phiền phiền uất ức, nghẹn ngào rất vớ vẩn. Tôi để tiếng lòng ngân trong chiều Thu vẫn hầm hập nóng rần. Dù gió heo may hái lá so đũa rụng đầy sân tù. Ôi! Vô vàn đau xót, chua cay và đắng chát nghẹn ngào, thương tâm dường bao! Những người đi thăm tù đang chứng kiến cảnh não nùng vĩnh biệt ly tan nầy, đều bưng mặt khóc. Nhìn mây trắng bồng bềnh trôi, như từng lọn bông gòn xôm xốp thao thức giữa hoàng hôn đượm buồn, tôi òa vỡ hàng nước mắt chảy ròng ròng xuống má. Cổng đập đã mở toang hoang, mọi nỗi niềm đau đớn được dịp tuôn trào. Tôi khóc cho quê hương lầm than. Khóc vì chồng đọa đày khốn khổ trong ngục tù. Khóc vì anh Long xa lạ mà quá gần gũi vô vàn thân thiết. Khóc vì mọi nhánh tình lưu vong bi lụy, người tù đọa đày trên chính quê hương Việt Nam dấu yêu. Khóc mẹ chồng già nua khổ sở. Khóc các con thơ ốm yếu cơ cực đói khát. Và khóc chính thân tôi tàn úa trước thời gian ủ rũ rục rã. Khóc ròng! Chuyện Mẹ Đến Thăm Con trong tù “cải tạo” của Long đã có qua lời thơ của anh tù “cải tạo” Lê Xuân:

Xưa mẹ đến thăm con giữa chốn lưu đày,
Thời gian leo lét cháy trên tóc bạc như mây.
Tình mẹ thiên thu.
Nhưng đời mẹ chỉ còn tháng ngày.
Mẹ thường đến thăn con như mưa xuống cỏ cây.


Trưa hôm nay nắng nhiều hơn cả gió!
Có chiếc xe tang phủ đầy bụi đỏ
Trong chiếc quan tài, mẹ lại đến đây,
Mẹ lại đến đây giữa chốn lưu đày
Dù môi mẹ không còn hơi thở!
Gió trong con nhiều hơn giông tố.
Dù tim mẹ không còn nhịp thở.
Đất lung lay, trời cũng xoay xoay.
Mắt con lệ mờ, hay sương khói xa bay?


Chúng tôi phải sống thầm lặng, đói nghèo, cơ cực suốt mười tám năm tẻ nhạt, hèn mọn, dưới tận đáy xã hội, giữa sự lạnh lùng, độc ác, phân biệt đối xử đầy bất công. Một sự thiếu thông cảm, không đức độ, trả thù dân tộc trắng trợn chẳng xót thương. Chả vị tha và hoàn toàn không có sự đồng cảm, tương thân tương trợ trong lúc khốn cùng. Thạch sùng tróc lưỡi lõ mắt nhìn gia đình tù dở sống dở chết, khi đất nước đổi đời. Số phận dân đen vùi dập trong bùn, sau ngày 30 tháng 4 mất nước. Đồng bào ngoài tù đói khổ lầm than. Luật ở tù trong một chế độ phi nhân, tàn bạo, dã man đáng nguyền rủa suốt kiếp. Suốt kiếp! Gây cuồng nộ triệu triệu con tim, làm kinh hoàng thế giới! Chao! Trời cao đất dày ơi! Xin Trời ở trên cao ngó xuống. Đất ở dưới ngóng lên. Hai bên giá vai có hai thánh linh biên chép, soi xét: Chứ, chúng tôi nào làm gì nên tội, sao phải gánh chịu cảnh đọa đày, tù tội oan nghiệt, ô nhục đến thế nầy? Quá khứ chồng chất lên dĩ vãng quá đầy, quá nặng, quá đau. Tôi không thể tom góp ít chuyện đau buồn vào từng ấy nét phác họa sơ sơ, ghi vỏn vẹn trên năm bảy trang giấy, kể hầu quý vị nghe hết nỗi cùng cực, cay đắng, khiếp đảm xiết đỗi trên chính quê hương tôi. Dạ thưa! Không thể! Vả chăng, giờ nầy tôi ghi lại dòng “lịch sử đổi đời,” không mục đích để bôi nhọ làm xấu xí thêm trang giấy. Câu chuyện tù “cải tạo” rành rành ra đấy, cũng chả cần phải trách móc chế diễu ai. Tuyệt nhiên tôi không muốn lên án một cá nhân, hay chế độ nào. Tôi xấu hổ khóc thầm cho số phận hẩm hiu, thân khổ-qua con cò lò mò, con rùa cơ cực bẽ bàng quá đỗi đau xót. Thế thôi!

Tình Hoài Hương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn