BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73503)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi lên... báo

09 Tháng Tám 200612:00 SA(Xem: 1056)
Tôi lên... báo
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Mô Phật, xưa nay tôi cặm cụi viết mãi, cũng được đăng đều, dù biết mình viết bài không hay lắm, nói cho đúng thì tôi khởi nghiệp, cái nghiệp... chướng nầy từ trang Phusa.net của anh Nguyễn Lê Nguyên, thói thường ở ngoại quốc thì không biết thế nào chứ xứ ta và các nhà văn ta xưa nay chẳng thấy ai là xuôi buồm mát mái trên con đường gọi là... Văn nghiệp.

Theo lịch sử Việt nam thì người nổi tiếng nhất có lẽ là cụ Nguyễn Du, tác giả Kim vân Kiều truyện, Âu Á, Đông Tây đều biết cụ, thế mà trong đời còn than thở một câu:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


Thuở sinh thời, cũng nhờ văn vẻ ra làm quan, nhưng khốn nỗi, Việt Nam thường chiến tranh và phe phái, cuối cùng cụ cũng cáo quan về quê, trên đường về chắc lòng buồn rười rượi, có lẽ không khác mấy cái ngày đầu tiên tôi làm việc với cơ quan an ninh, nhưng cụ có cái ung dung là giũ sạch, còn tôi thì lơ lửng chưa biết, nên cụ còn cảm nhận hai câu:

Trên đường quê gặp người bán củi
Thương nhau, không chỗ giống nhau.


Giống làm sao được kia chứ, kẻ chán sự thối nát mà bỏ quan trường, kẻ thì đầu tắt mặt tối lặn lội kiếm cái ăn, chẳng biết ai khổ hơn ai? Và cũng chẳng biết nếu có thể làm thơ, người tiều phu ấy xuất khẩu vài câu thương hại ngược lại cho cụ thì chí nguy...

Tới những bậc cao nhân thời chữ Nôm chữ Hán, những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Cao Bá Quát, cho chí thời chữ Quốc ngữ những Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng cũng không thấy ai phất lên hay kiếm miếng ngon ngon nhờ vào mớ chữ, và... cái đáng tội nhất là hình như sau khi họ chết rồi thì mới bất tử, người đời mới chiêm nghiệm, bàn ra tán vào chán chê theo từng giai đoạn lịch sử, cho rồi cấm, rồi lại cho, có tội tình chi mấy ông nhà văn trói gà không chặt ấy nhỉ? Nếu ai cũng hiểu giúp cho rằng, gặp chuyện gì đó, thay vì vung gươm tuốt kiếm như con nhà võ biền, thì giới văn vẻ cũng xả xu-pắp bằng chửi đổng vài bài cho sướng miệng, văn không làm ai sống, chẳng làm ai chết, chỉ có nhột, nhột như cù –lét tí thôi, suy diễn tới chuyện quốc gia đại sự thì ôi thôi... hết biết.

Ngày cách mạng, từ chiến khu có những Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Dần... và biết bao nhiêu kẻ khác, sống một đời cơ cực với những đứa con tinh thần do mình đẻ ra, chuyện văn chương nó phải trúc trắc éo le, cả trong văn lẫn trong người mới thành nhà văn, nhà thơ, xét lúc này chỉ mỗi ông Tố Hữu là vinh thân phì da nhờ nghề Thợ, làm tới quan chức Chánh phủ chứ chẳng chơi, nhưng rồi cũng không xong, bởi lẽ ông làm quan to, nên lại nhúng vào chuyện “Giá , lương , tiền” là chuyện không phải của văn thơ, thành kết cục cũng thành "tối sủa”.

Giá viết văn cũng như học làm mắm thì khỏe biết bao, cứ cho cá cho muối, cho vào hũ rồi chờ thời gian là xực... Khổ chuyện văn chương phải hứng thú mới làm ra được, chưa nói tới cái trời cho là khiếu, có ông Tiến sĩ giỏi như trời, nhưng đặt bút lại không nặn ra vài câu, dù sở học tận mây xanh mây đỏ, lại có anh khóa làng không thi đỗ Hương, Hội, Đình thì mỡ miệng thơ tuôn ra... cứ là xối xả, nhưng... khi có sự nhột nhột rồi thì coi chừng, vạ như chơi chứ chẳng đùa.

Ông Hữu Loan gần đất xa trời mới lai tĩnh, còn thì cứ chở đá nung vôi nấu gạch, chỉ vì mỗi bài thơ bất hủ nói thật tâm sự đời riêng "Màu tím hoa sim” (cũng bài ấy mà ông Phạm Duy xào nấu ăn ngon thơm phức, chẳng rõ... những ngày xuôi cố quốc ông ta có ghé lại cảm ơn không nhỉ... ?) cũng may tới thời kỳ đổi mới đám "con phe" trước đó được nhà nước tặng danh hiệu Doanh nhân, có hẳn một ngày kỷ niệm nên có kẻ chơi trội, mua bản quyền bài thơ của cụ... những một trăm triệu, cũng đỡ cho cái thân già, tiếc rằng: Lợi thì có lợi mà răng không còn.

Rồi như ông Quang Dũng, ra chiến trường tới Trung đoàn trưởng Tây tiến, nói lên cái khổ của người chiến binh nơi xứ Pathét Lào, sốt rét trọc đầu là... bị trọc đầu lần nữa, giá biết bắt chước ai đó nói dối để sống có nhẽ Quang Dũng làm cán bộ cấp Trung ương, như câu hát ”Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu... đàn Ta lư em hát với ca vang cùng núi rừng...” nặng trĩu là hát với ca chứ đừng than thở nhà thơ Quang Dũng ạ. Vong hồn anh có biết thế không?

Kể ra tôi cũng có sự thiên lệch đôi chút cho những nhà thơ lính, bởi tôi cũng có thời ở "Nhà binh” nên trong số nhiều vị như Văn Cao, hay nhiều người khác nữa đại xá, kẻ hèn nầy xin Nam mô a di đà tứ phía...

Cho tới hôm nay, tôi chẳng phải nhà văn, nhà thơ, nhà báo gì sất, chẳng qua buồn chán cái thói đời ô trọc, bằm xuống bàn phím vi tính ra con chữ rồi gửi đăng. Anh em thấy tội, dìu dắt và bỏ qua lỗi chính tả đăng cho vài bài gọi là có công mài sắt có ngày nên... dùi vậy, hứng chí bằn tới, húc như trâu húc mả, mấy chục bài, anh em đọc cứ tưởng ông già nầy đang độ... hồi xuân sung sức, viết khỏe.

Quả là chưa vui đã sầu chia phôi, ông nhà nước kiểm duyệt tới báo nước ngoài, thế là thay vì thời @ với bàn phím, tôi lùi lại bút tre... tất cả tựa bài đều chung công thức như làm mắm: Tôi tên là... Ngày... tháng... năm sinh..., trú quán v.v... và v.v..

Con trâu hồi xuân thành con trâu què, thời gian và đầu óc lẩn quẩn chuyện chính chị, chính em, chuyện lời khai, lời thuật... anh em báo giới thấy thương cho tôi, đưa tôi lên bàn mổ, phỏng vấn, lên đài, kể ra mà nói tôi cũng mừng cho cái nghiệp của mình, tới lúc hai ba bên định bệnh cho lên bàn mổ rồi đây, phen nầy ung thư ung thối gì cũng có người chữa, trời không cho sống cũng ra ma. Trăm sự phú cho thiên địa vậy. Anh em họ không chờ tôi viết nữa, họ chăm nhau viết cho tôi, chạy nhiều tít lớn, kể như thằng tôi vô danh tiểu tốt thế này, không quan thầy, không rủng rẻng xu hào gì mà anh em họ thương, tôi biết là lòng thật, mới nghiệm thân tiều phu đốn củi của mình, nhà văn, nhà báo nghèo kiết xác với nhau nhưng có tấm lòng ấm nồng. Bởi cũng chính họ, đem những ông to, bà lớn trên khắp thế gian ra bêu, nhà văn nhà báo đại diện cho dư luận, mà... dư luận... không có nhiệm kỳ.

Nhưng... lại nhưng, đã mang cái nghiệp vào thân, hơi đâu mà trách trời gần trời xa, không viết thì cứ lóng nga lóng ngóng thế nào ấy, nên bác sĩ có kê toa là không nên uống toa cũ, toa mới là phải cữ kiêng các món có tính chị , em... nên trong thời gian ở cữ cũng kiêng bớt chuyện chị em cái đã, tuổi hồi xuân không biết đã qua chưa? Tới cụ Nguyễn Du mà còn nói văn chương là thứ “Mua vui cũng được một vài trống canh” bác sĩ lập bệnh án, tôi kê toa không đúng chỗ chứ có nói chi chuyện Dân chủ chủ dân mô trời? Thế mà cũng họa. Họa vô đơn chấy. Hử.

Tháng 8/2006
Du Lam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn