Nên tên tuổi Tuấn đến với tôi rồi thoáng qua, và tôi cũng không hề biết mặt người học trò này dù lớp anh họcchỉ cách lớp tôi một căn buồng vách gỗ thật trống trải. Những mùa thi thoáng qua, chúng tôi lớn dần theo chồng sách và cá tính mỗi ngày một hiển hiện rõ rệt. Tôi theo ngành Dược, Tuấn ngành Y. Thuở đó Đại Học Y Dược còn hỗn hợp, tôi thường nghe tên Tuấn được nhắc nhở sau những kỳ thi, những ngày bãi trường trước ngưỡng cửa lớp hay ở một gốc cây trong sân. Bạn bè tôi được nghe về Tuấn nhờ ở những kỳ thi khóa hai, học chung với họ. Tuy vậy tôi cũng chưa biết mặt anh và chẳng nghĩ tới sự làm quen với anh. Bây giờ thật sự ân hận về chủ quan nông nổi này.
Ngày đầu tiên gặp Tuấn, do sự rất tình cờ, tờ báo của chúng tôi cùng in với Tình Thương ở một nhà in. À, tưởng ai, chính người này cùng Lê Sĩ Quang cắt cái Kyste sébacé ở vai trái tôi. Vẫn khuôn mặt lãnh đạm, vầng trán gồ cao bướng bỉnh, mái tóc xõa xuống gợi lên một hình ảnh thật cô liêu, tôi liên tưởng tới một Tuấn cô đơn, một tâm hồn khắc khoải.
Trần Xuân Dũng giới thiệu tôi với Tuấn, Dũng với tôi là đôi bạn học thuở nhỏ, và trường chúng tôi ở phố Hàng Vôi, bên phải hồ Hoàn Kiếm nếu đi ngược từ chợ Hôm lên, ngôi trường tiểu học nhỏ nhưng khá cổ kính. Dũng là hình ảnh của tôi thuở thiếu thời. Khoảng thời gian dịu ngọt thơ mộng. Trái lại Tuấn đến với tôi giữa lúc xáo trộn, các biến cố lịch sử trọng đại xuất hiện dồn dập. Sự xuống đường của sinh viên. Giây thép gai chăng cùng khắp phố. Đô thành nóng bỏng và ngất ngây với những đòi hỏi. Tuấn vẫn thản nhiên, anh chẳng có ý kiến gì với bè bạn. Như một con ngựa rong ruổi trên đường riêng của mình, anh câm nín. Nhưng thực ra anh có một lập trường rõ rệt, phản đối mọi cuộc xuống đường, dù ở phe nhóm tôn giáo nào. Muốn cách mạng ư? Trước hết cách mạng bản thân mình trước đã. Tâm sự đó gói ghém trong tác phẩm của anh. “Biến loạn khởi đầu bằng cuộc sô xát trước cửa hàng của phú thương. Trên bục gỗ cao để diễn tuồng ngày hội, một thanh niên tóc rối râu xồm, nước da xanh mét, dậm chân vung tay nói những lời ngô nghê khó hiểu. Lắng nghe thì thấy như: Tôi là chủ, các ông là chủ… Chúng ta là chủ. Lại thấy như, nó đánh ta, ta phải diệt nó. Dân chúng nghe mà bỡ ngỡ ngẩn ngơ, nhưng vì hiếu kỳ tụ lại mỗi lúc một đông” (1)
Tôi được xem bài này trên tờ sửa morasse. Thuở đó tôi chưa biết nhiều về Tuấn, nên rồi sau cái bắt tay xã giao mọi sự lại rơi vào quên lãng. Ngày vào Thủ Đức, tôi mới thật sự quen Tuấn. Anh có một cá tính rõ rệt. Một người lý tưởng và nhiều tài năng. Hình như mẫu người quân tử Đông Phương là hình ảnh bất diệt ở anh. Giữa một xã hội vật chất đang lên. Tâm hồn, tinh thần lần lần đi xuống. Anh là một trong những người cuối cùng chống đối lại. Anh gắng chịu mọi áp lực từ người thân, bạn bè, tới chính mình. Triết lý sống của anh là chiến đấu, kỷ luật và vị tha. Anh luôn luôn đề cao kỷ luật và trật tự. Hai danh từ này là kinh nhật tụng ở anh. Bạn bè nhiều người không thích cho là gàn. Nhưng con ngựa có đường riêng đó đã bỏ ngoài tai tất cả, vinh hoa an phận chỉ là những chiếc lá úa héo trong vườn hoa chiến đấu nhọc nhằn. Tôi thấy mến Tuấn ở nhiều điểm. Anh đích thực là một kẻ sĩ của Khổng Giáo. Nhất định không thể là đạo đức giả. Những buổi hành quân, tập trận, anh luôn luôn tự khép mình vào kỷ luật, sống trọn vẹn không khí nhà binh, nên bị nhiều người chỉ trích hoặc hiểu lầm. Tuấn chỉ biết cúi đầu theo ý nghĩ của mình nên anh trơ trọi và hoang vắng như một bóng dừa trên biển cát. Một pho tượng tĩnh tọa trong khu hỏa hoạn. Tôi thường bắt gặp Tuấn tản bộ vào mỗi buổi chiều. Áo quần treillis thẳng nếp và đôi giầy saut bóng tới độ soi gương. Dáng Tuấn đi thật thẳng nhưng hơi khệnh khạng. Phải tinh ý lắm mới nhận ra, nụ cười cởi mở, trên khuôn mặt lãnh đạm của anh. Có người bảo Tuấn quá khắc khổ. Tôi thì không tin là vậy. Một người viết văn, làm thơ, đọc sách với đủ cầm kỳ thi họa cùng những nghiện ngập của một người làm việc nhiều về tinh thần như thuốc lá, cà phê, biết thả hồn theo tiếng nhạc của mình thì không thể nào là khắc khổ được. Có chăng là Tuấn tự rèn lối sống theo lý tưởng vạch sẵn không phù hợp với lối sống của mọi người chung quanh mà thôi. Những ngày ở quân trường làm tôi hiểu Tuấn hơn và anh lấy làm thích thú khi tôi so sánh khoảng đường đá củ đậu lổn nhổn như một thực tại rách nát hồi đó. Giữa chúng tôi có một chút dị biệt về chính trị, về chiến tranh, về tình yêu. Dù dị biệt nhưng tôi không thể phủ nhận bản chất trung thực của kẻ sĩ Nghiêm Sĩ Tuấn.
Ngày cuối cùng ở quân trường, tôi, Vũ Văn Tùng, Lê Sĩ Quang, Trần Xuân Dũng nẩy ý kiến ra một tờ báo lưu niệm. Đầu tiên định quay ronéo, nhưng một buổi tình cờ xuống phòng đọc sách quân trường, thấy Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức có những tờ báo in khá xuất sắc, vì lẽ đó chúng tôi quyết định phải là báo in đàng hoàng. Bên ly Coca có đá nổi phềnh và bọt hơi reo nhẹ, chúng tôi chợt nhớ tới Tuấn và Chiểu. Chiểu vì lý do riêng đã chẳng đóng góp được gì. Thế là cả bọn tìm Tuấn. Ở một căn phòng cuối dãy, Tuấn ngồi yên trên giường giữa bóng tối buông rộng. Trong bóng đen nổi bật vẻ linh hoạt của đôi mắt, Tuấn hân hoan nắm chặt lấy tay chúng tôi khi nghe tin ra báo. Tuấn mất hết dáng điềm đạm ngày nào áo xanh hồ thủy cặm cụi trên vết thương của tôi. Giờ chỉ thấy vẻ nồng nhiệt của một nghệ sĩ.
Từ đó mỗi lần gặp nhau chuyện nổ như bắp rang. Chuyện về tên báo, về bài vở, về số trang, cách trình bày, v.v... Có rất nhiều tên được nêu ra với đầy đủ ý nghĩa. Chuyển Hướng, Phóng Sự Lên Đường, hoặc Xếp Bút Nghiên. Cuộc bàn cãi thật ồn ào nhưng chưa đến kết quả nào cả. Một hôm trong ngày nghỉ xả hơi Tuấn bảo:
-Tao mới nghĩ ra một tên thối cho tụi mày: Truyền Sinh. Truyền Sinh, ừ nhỉ! Tên báo hợp tình quá. Truyền sinh là mang sự sống đi; mang một thứ sinh khí, một thứ giao cảm tới. Tên báo được truyền ra trong sự vui mừng của một sản phụ đẻ khó lại sinh con trai. Niềm hân hoan của hai bạn tâm giao bặt tin bất chợt gặp lại.
Dũng đâu lo cho cái bìa đi, Tùng chạy tiền, Ngô Thế Quí với tập tài liệu mật được công bố. Lại có cả ông Babilac mập và trắng như đứa bé bụ sữa viết bài nữa. Nhớ lại lúc ở giữa một hành lang hút dài, tôi rút tập bản thảo của mình đưa cho Tuấn khuôn mặt tôi bi thảm làm sao vì sợ bị kiểm duyệt. Tuấn an ủi tôi, anh thả tầm mắt nhìn người lính đẩy máy cắt cỏ, anh bảo tôi anh dịch một truyện ngộ lắm: Đất Chẳng Trở Về. Tuấn ơi đất cũ còn đây mà Tuấn thì chẳng bao giờ về nữa. Tuấn đã đi rồi, anh đã tìm thấy mùa Xuân trên đất lạ chưa hả Tuấn?
Bài vở xong, chúng tôi mang in, vẫn là nhà in Tương Lai quen thuộc, Tuấn bỏ nhiều thì giờ lo việc ấn loát. Anh chạy tới chạy lui, chọn mẫu chữ, lo cách trình bày. Anh bỏ mọi công việc trong lúc bạn bè tìm mọi thú vui giải trí cho bõ lúc bị kiềm toả ở Thủ Đức. Đất Chẳng Trở Về. Nissim Aloni, Gilberte Sollacaro. Người Ăn Cơm Một Mình, Parabellum. Ý Thức Hành Động. Việt Nam đi về đâu? Cách Mạng, dân chủ, độc lập. Hàng rào danh từ. Bác nông phu hiền lành đã gục ngã vì bị lôi cuốn trong một cuộc hành trình phiêu lưu mà trong thâm tâm bác chỉ yêu vợ con, mảnh vườn xanh um cây cỏ và còn con bò sữa hiền như Bụt. Nhân danh những danh từ bác bị hy sinh. Sao lại vô lý như vậy? Ai cứu bác đây? Nghiêm Sĩ Tuấn chấp nhận trọng trách này. Mùa Xuân đối với anh không phải là một kinh đô phồn hoa mà là đồng mạ xanh rì giải nước phù sa loáng ánh mặt trời vậy. Ít người học thức trong chúng ta được gần gũi với nông dân để thấy sự vất vả, sự hy sinh vô bờ bến cho tổ quốc của họ.
Trước khi lên đường, khóa chúng tôi tổ chức dạ vũ chia tay. Tuấn đề nghị mấy người làm báo mặc quân phục đại lễ. Tôi chiều ý Tuấn. Đêm của vui nhộn và đèn màu. Tôi thấy Tuấn len lỏi từng bàn mang tặng từng người từng tờ báo. Bao nhiêu là ý nghĩ và tâm huyết được gửi gấm. Tuấn say mê công việc ấy cho tới lúc mọi người ra sàn nhảy. Tờ báo mầu lợt lạt bên cạnh ly nước ngọt uống dở nằm từng dẫy. Chưa bao giờ có một trơ trẽn hơn trơ trẽn này.
Ảo tưởng hào khí một Kinh Kha mang chí lớn ra đi mà buổi tiễn hành có đầy đủ thi vị của rượu, thơ, của gươm lẫn giọng tiêu nức nở của Cao Tiệm Ly bên bờ sông Dịch, Tuấn không bao giờ thấy được. Thực tế chỉ có nhạc Bop, Rumba, Tango, Slow, những du hí của người ngoại cuộc.
-Tôi không biết nhảy.
Tuấn nói ngay thẳng và không mặc cảm như vậy. Ngồi trước ly nước cam, giọt nước đọng đầy ven ly, anh ngồi trầm ngâm, nửa như suy tư, nửa như chăm chú vào đám người trên sàn nhảy. Tôi không biết anh đã nghĩ gì. Đêm đó Tuấn về lúc nào tôi không rõ nữa.
Tuấn tình nguyện vào binh chủng Nhảy Dù. Anh muốn đóng góp thật sự cho tổ quốc bằng hành động. Từ đó mỗi người một phương, tôi thu xếp hành trang đi Kontum, Dũng vào TQLC, Tùng về Cà Mau, bạn bè phiêu bạt mỗi người một nẻo. Ở Kontum thỉnh thoảng tôi được vài tin tức về Tuấn. Tuấn đi hành quân hoài! Một buổi mưa rừng rũ rượi, gió thốc tứ bề, ngồi buồn, Chiểu mang Guitare và nhạc hát cho tôi nghe. Bản nhạc viết tay của Tuấn Les Feuilles Mortes, Besame Mucho, Về Miền Trung và bản khác tôi không nhớ hết. Sống với Chiểu tôi nghĩ về Tuấn. Hai con người hai khác biệt nhưng đều dễ thương.
Lần nghỉ phép về Saigòn tôi đến thăm Tuấn. Tình cờ chúng tôi gặp nhau. Nhà Tuấn ở một khu hỗn tạp vùng Dakao. Nửa năm cách trở giờ mới thấy mặt nhau. Anh siết chặt tay tôi. Niềm vui tưởng như đã vỡ. Trên bàn trang sách của Tư Mã Thiên còn bỏ ngõ, sát tường tủ sách cao vời vợi, chuyện của D bên sách của Khổng, Triết học của K.
Nghiêm trang giữa chồng tiểu thuyết thời danh, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và chữ Hán hoà đồng thành một khối. Tự nhiên tôi liên tưởng đến một lý tưởng trong sạch và rắn chắc như kim cương. Vì mắc bệnh chủ quan nên tôi coi Tuấn như cây hoa quý giữa vùng cỏ dại này, xin những người không đồng quan điểm tha thứ cho tôi khi ca tụng một người mới nằm xuống, đã làm những công việc mà chúng ta không làm. Nhưng rồi một buổi chiều, đường dây nói từ Thuỷ Quân Lục Chiến của Dũng báo tin cây hoa quý đó không còn nữa. Hoa đã tàn héo ở một hoang địa Khe sanh.
Nghe xong tôi thấy mình bải hoải, nước mắt như ứa lên. Thế là xong, thế là Tuấn đi, vĩnh biệt hết thảy. Hai lần bị thương ngoài mặt trận không làm Tuấn lùi bước. Làm gì có chuyện quá tam ba bận. Trên chiếu bạc cuộc đời Tuấn đã xả láng. Nhưng vận nước đen đủi từ hơn 20 năm nay vẫn chưa thay đổi và Tuấn mất hết. Tuấn thua lỗ đến nỗi bạn bè ngẩn ngơ tiếc hận.
Một lần gặp Tuấn ở gần Tổng Y viện Cộng Hoà vào khoảng mùng 6-7 Tết gì đó, tiểu đoàn anh hành quân lùng địch ở mạn này. Đầu Xuân xác pháo còn bay. Tuấn chạy ra nắm lấy tay tôi. Chúng tôi hàn huyên bên một ngôi nhà sụp đổ. Anh hỏi thăm bạn bè trong lúc đó những người lính Dù len lỏi từng ngõ ngách. Tuấn bảo đang ở Cao nguyên thì được lệnh về giải cứu Thủ đô. Tết rồi Saigòn vui chứ! Chúng tôi cùng cười. Vâng vui lắm có rượu ngon và nhiều người đẹp. Có pháo và xe hoa không tưởng tượng được. Câu chuyện bỏ lửng khi đoàn quân được lệnh lên đường. Đấy là lần chót tôi gặp Tuấn nếu không kể lần đứng gác quan tài anh sau này.
Anh đã nằm xuống quá vội, nhưng nếu ý Chúa đã muốn như vậy, chúng tôi chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện trong nỗi tiếc thương (2). Nhưng nếu được gặp Chúa tôi sẽ hỏi: Dưới mắt Thượng Đế chúng con phải làm gì? Hãy tha thứ lỗi lầm cho nhau. Thượng Đế sẽ thương yêu chúng con. Còn gì tuyệt vời hơn tình yêu trong tâm hồn chúng con (3). Nhưng sao chúng con còn quá đọa đày thế này thưa Chúa? Người bạn con về với Chúa đã nói được gì với người, Tuấn ơi!
Bùi Khiết
(1) Trích trong "Những Người Đi Tìm mùa Xuân -Tình Thương số 2- Xuân 1964
(2) Trích điếu văn của những người bạn cũ Trường Chu Văn An
(3)Trích "Dưới Mắt Thượng Đế "- bản dịch của Nghiêm Sĩ Tuấn và Nguyễn Vĩnh Đức- Tình Thương số 2 - Xuân 1964
Gửi ý kiến của bạn