BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một thời để nhớ

01 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1945)
Một thời để nhớ
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52
Sau năm năm dùi mài kinh sử tại Đại Học Y Dược Hỗn Hợp hết Hà Nội rồi Sài Gòn, khóa Dược Sĩ chúng tôi ra trường ngày 29 tháng 6 năm 1957. Trong lớp khoảng chừng ba chục sinh viên, mà khóa đầu sau bốn kỳ thi liên tiếp về năng lực "définitif" của năm cuối, chỉ còn hơn mười người tốt nghiệp. Lần hồi, những người phải thi lại cũng đậu xong văn bằng Dược Sĩ Quốc Gia "Pharmacien d'État" này. Lúc đó, nhà trường chưa có thông lệ tổ chức lễ mãn khóa, còn chúng tôi cũng chẳng họp nhau liên hoan gì cho bõ với công đèn sách. Mà lời dặn dò phải hành nghề ra sao chỉ còn sót lại đôi điều đã được học trong môn Nghĩa Vụ Luận "Déontologie" của cụ Dược Sĩ Minh có Dược Phòng ở Chợ Lớn, gồm mấy trăm trang tiếng Pháp in ronéo. Bạn bè đồng môn bắt đầu xa dần như một đàn chim đủ lông đủ cánh rời tổ ấm bay đi muôn phương. Tất cả đều có tâm trạng mừng vui lẫn lộn thời buổi ra trường, người tìm cách mở tiệm, người tính toán hợp tác kinh doanh, người lo thành lập gia đình. Đối với tôi, thật là một thời đáng nhớ, tuy câu chuyện tính ra đã hơn nửa thế kỷ.

Trong khóa chỉ có một mình tôi là Quân Dược, trái hẳn với những lớp trên tôi và dưới tôi, ít ra cũng hai ba người. Vào tháng 7 năm 1957, Nha Quân Y bổ nhiệm tôi làm Dược Sĩ Trung Úy phụ trách Đại Đội Kho Y Dược 21 Đà Nẵng, thay thế Dược Sĩ Nguyễn Bá Quý được giải ngũ sau thời hạn trưng tập. Nhẽ ra giản dị nhất là trước mắt phục vụ Quân Đội mười năm, rồi sau sẽ nghĩ chuyện hành nghề tư, chuyện làm giầu. Nhưng trong thời gian này, tôi băn khoăn lo lắng đủ điều, vì chót tính dự kỳ thi tuyển đầu tiên vào ngành Giảng Huấn Y Dược. Lại chẳng có lý do gì để bỏ cuộc. Và cho dù may mắn đậu được thì thủ tục hành chánh sẽ vô cùng khó khăn phức tạp nên tôi không mấy hi vọng có thể nhanh chóng xuất ngoại du học, như Giáo Sư Khoa Trưởng Y Khoa Phạm Biểu Tâm đã đoan chắc với tôi lúc tốt nghiệp. Hoài bão được học tiếp ở miền trời văn minh xa lạ đã quyến rũ tôi đến khoa tướng số, để mà nửa tin nửa ngờ là lời ông thầy Minh Lộc đoán rằng tôi sắp đi xa may ra có thể là đúng. Không lẽ đi xa chỉ là xách vali đi Đà Nẵng nhận việc? Vì vậy khi lên đường, tôi có lại chào ông ta. Ông còn nói chắc rằng tôi sẽ đi du học xa, không phải là đi làm ở một thành phố miền Trung. Ấy thế mà đúng. Trước lúc tôi đi Pháp vào cuối năm sau, ông ta nhất định tiễn tôi một chầu hát ả đào tại vùng Phú Nhuận Sài Gòn, ngụ ý nhắc tôi hãy luôn luôn nhớ đến quê hương. Quê hương-đất nước-thời đại-con người, như những bài hát nói, những câu vọng cổ, ai mà quên được.

Đà Nẵng là một thành phố đẹp mang nhiều nét tây phương tại miền Trung. Dân chúng còn thưa thớt, tính tình hiền hòa, chân thật. Khí hậu gần như hai mùa dễ chịu, không có cái nắng gay gắt của Sài Gòn, hay những cơn mưa dài lê thê ướt sũng của Huế. Chừng bốn chục cây số về phía bắc qua con đèo Hải Vân ẩn lẫn một vùng trời nước, và Lăng Cô với sò huyết trứ danh, là Kinh Thành Huế. Hai chục cây số về phía Nam là Hội An, một thị xã nhỏ bé cổ kính, nhà phố như những hộp diêm. Phi trường Đà Nẵng ở ngay phía Tây Nam và gần sát thành phố. Bãi biển Tiên Sa cát trắng mịn màng, đây đó còn kiếm được vỏ sò vỏ ốc óng ánh mầu sắc. Một nghĩa trang thâm u mấy thế kỷ trước, là nơi yên nghỉ của các Cố Đạo Y Pha Nho đầu tiên sang nước ta giảng đạo. Chùa Non Nước biệt lập một góc trời-núi-biển, với các bậc đá đi tuốt lên cổng Tam Hợp Môn trang nghiêm. Nơi đây người ta bầy bán nhiều đồ thủ công kỷ niệm, những tượng Phật từ bi bằng đá cẩm thạch, đá hoa cương. Thắng cảnh vùng này còn có Ngũ Hành Sơn, như Kim Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn... Một Trung Học Công Lập nổi tiếng là trường Phan Chu Trinh. Trên đường Độc Lập có một rạp chiếu bóng lớn sang trọng, của một ông Đại Úy họ Đào. Khu chợ hàng hóa đủ loại, người mua bán nhộn nhịp ồn ào. Nhiều phố có các quán ăn uống. Tôi thường xuyên tới một quán kem, nghe những bài hát êm dịu của Elvis Presley, Doris Day, Pat Boone, Patti Page, Nat King Cole, The Platters... cho qua thì giờ.

Chợ Hàn - Đà Nẵng 1960




Tôi đáp máy bay quân sự DC3 hai động cơ cánh quạt ra Đà Nẵng. Băng ghế dài bằng sắt, dọc hai bên thân máy bay, ngồi ngang tuy không tiện nghi nhưng an toàn. Phi hành đoàn lịch sự. Những máy bay này chạy như những con thoi giữa Sài Gòn Đà Nẵng, tuần lễ thường có hai ba chuyến. Sớm tinh sương đã phải ra phi trường Tân Sơn Nhất, gần trưa tới Đà Nẵng. Khác với Air Việt Nam lúc đó dùng DC4 bốn động cơ, hành khách ngồi thoải mái êm ái hơn nhưng phải trả tiền vé chừng 1500 đồng một lượt. Đi lại nhiều lần nên tôi quen với Đại Úy Nguyễn Khoa Dánh, một sĩ quan không quân hào hoa phong nhã, ưa bè bạn, thích nhậu nhẹt.

Lúc mới tới, tôi ở tạm Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Đà Nẵng, trước khi về căn nhà nhỏ trong doanh trại Kho Y Dược 21. Câu Lạc Bộ là một tòa nhà lớn hai tầng, phòng ngủ trên lầu một. Ở tầng trệt là phòng khách có nhiều báo chí nội địa lẫn ngoại quốc, phòng chơi có bàn bida bàn pingpong, phòng ăn có quầy rượu. Sân đất bao quanh rất rộng, đậu được nhiều xe. Nhiều cây phượng vĩ còn nở hoa đỏ rực ngày hè. Chính nơi đây, tôi quen biết một số bạn mới, Đại Úy Lê Qúy Bình, anh của Lê Quý Biên ở Paris, Trung Úy Ngô Văn Lợi, anh của Bác Sĩ Ngô Văn Hiếu. Trung Úy Lợi hiền lành, cao lớn trắng trẻo như người Pháp, tiếng nói nhỏ nhẹ, sau làm Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi. Bạn bè cũ nơi đây thật nhiều. Tại một villa đường Nguyễn Du, có Đại Úy Hành Chánh Quân Y Từ Dương, Bác Sĩ Nghiêm Xuân Húc, Dược Sĩ Nguyễn Tiến Châu. Đại Úy Từ Dương, anh của Bác Sĩ Từ Uyên, là người mà tôi nể trọng vì tính rộng rãi thẳng thắn. Sau ông trở thành Đại Tá Quân Pháp, có lúc phụ tá hành chánh cho Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ngành Luật sư dù nơi nào hay thời nào mà có những người như ông thì hay biết mấy. Bác Sĩ Húc mực thước và đầy kiến thức, được bạn bè trọng vọng ngay cả khi ông về hưu sau khi phụ trách Y tế Sinh viên cho Đại Học Oklahoma, Still Water. Dược Sĩ Châu là em Bác Sĩ Nguyễn Tiến Hỉ, người nhỏ bé nhưng dễ dàng vui tính. Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nam, Dược Sĩ Thân Trọng Tuệ đều mới lập gia đình và ở thuê các biệt thự trong tỉnh. Bác Sĩ Nam hiền từ chất phác, là một tài năng chuyên về sản phụ khoa, hiện ngụ cư tại Montréal. Tôi thường tâm sự với ông khi gập khó khăn trong cuộc sống hay công việc. Dược Sĩ Tuệ cao lớn, da bánh mật, là một bạn thân của tôi, nhanh nhẹn, hiếu động, chịu khó, biết làm đủ mọi nghề.

Tôi trực thuộc Sở Quân Y Quân Khu II, mà vị Chỉ Huy Trưởng là Y Sĩ Thiếu Tá Tô Đình Cự, sau là Y Sĩ Thiếu Tá Nguyễn Văn Thọ. Bác Sĩ Thọ là một nhà thông thái, ngoài Y Học còn giỏi về Văn Hóa, Triết Học, Tôn Giáo. Nhiệm vụ của tôi là điều hành Đại Đội Kho Y Dược 21, yểm trợ y cụ, thuốc men từ Kho Y Dược Trung Ương Sài Gòn cho Quân Khu II và Quân Đoàn I tại miền Trung. Quân Y Quân Đoàn I thuộc quyền Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Hà Thanh. Ngoài Tổng Y Viện Duy Tân, có các Bệnh Xá Sư Đoàn.

Đại Đội Kho Y Dược 21 ngoài hai Sĩ Quan Hành Chánh Quân Y, một Thượng Sĩ, mấy Hạ Sĩ Quan và khoảng ba chục binh sĩ, còn có thêm ba bốn nhân viên dân chính. Cơ sở rộng rãi này có từ thời Pháp thuộc, phòng ốc rất khang trang, giá thuốc kê đặt ngăn nắp trong các kho. Thuốc của Pháp xếp theo lệ cũ. Thuốc của Mỹ sắp theo lối mới. Chỉ khác là theo thứ tự hàng ngang hay hàng dọc. Hai hệ thống Số Danh bộ Pháp Mỹ cùng được áp dụng. Đại Đội có hai xe Jeep, một chiếc Dodge 4x4 và hai chiếc GMC để chuyên chở y cụ và dược phẩm tiếp liệu tới các đơn vị. Đại Đội gồm nhiều nhân viên giỏi và thạo việc. Đại Úy Hành Chánh Quân Y Bùi Ngọc Khánh đầy kinh nghiệm, sau xin sang làm việc cho Tổng Y Viện Duy Tân. Tôi được Trung Úy Hành Chánh Quân Y Đặng Công Hằng và một vị Thượng Sĩ đầy kinh nghiệm giúp đỡ trong mọi công việc. Đại Úy Kilpatrick cố vấn Mỹ có phòng riêng ngay kế bên phòng tôi. Ngoài việc đọc công văn, duyệt xét phê chuẩn phiếu xin tiếp liệu, thỉnh thoảng tôi mới phải đi đến tận nơi quan sát nhu cầu thật sự của một vài cơ quan để cấp phát thuốc men cho đúng. Có quá nhiều thì giờ rảnh rỗi nên tôi tha hồ xem đi xem lại các chuyện tầu mua của nhà sách Khai Trí, hay đọc những sách Toán Vi Phân Tích Phân, Cơ Học Thiên Thể mượn của Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn qua ông Vân, người quản thủ thư viện hiền lành.

Tổng Y Viện Duy Tân có các Bác Sĩ Đinh Văn Tùng, Nguyễn Duy Chi, Vũ Phạm Tiến, Dược Sĩ Thân Trọng Tuệ... Tôi có dịp ăn đầy tháng con của Bác Sĩ Tùng, nổi danh về Phẫu Thuật, và nhiều lần trò chuyện với Bác Sĩ Chi, một kho kiến thức rộng rãi. Bác Sĩ Tiến thân như thời còn học trung học, tuy mới lập gia đình với chị Chí Thuần. Quảng Trị có Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bẩy, Dược Sĩ Nguyễn Hữu Quỳnh. Bác Sĩ Bẩy có biệt tài săn bắn hổ và là một người khôn ngoan. Dược Sĩ Quỳnh hiền hậu, chăm chỉ, sau khi di tản sang Mỹ đã học lại từ đầu tại Đại Học UCSF để trở thành một Pharm. D. Người bạn đồng cảnh với tôi chờ đợi vào ngành Giảng Huấn là Bác Sĩ Nguyễn Thế Minh, phục vụ cho Bệnh Xá Huế. Chúng tôi thường xuyên gập nhau chỉ để đánh một vài ván cờ tướng, chơi mấy bàn pingpong, hay ăn uống nhậu nhẹt với Đại Úy Đằng, người cậu hiếu khách của Bác Sĩ Minh. Có những tối trời mưa tầm tã, ông cũng cho xe tới đón chúng tôi về tiểu đoàn ông ăn nhậu, có món cháo cá mới vừa lưới được là tôi ưa thích nhất. Sau này tôi có nhiều lần cùng đánh mạt chược với ông. Dược Sĩ Thân Trọng Tuệ tốt nghiệp tại Pháp về phụ trách Phòng Thí Nghiệm Tổng Y Viện. Ông là một cao thủ bóng bàn, nhưng có dượt cho tôi cách mấy cũng chẳng kết quả gì. Ông đã cho tôi mấy ngày vui khi mời tôi về thăm nhà ông tại làng Nguyệt Biều. Chúng tôi còn hay ăn uống tại Câu Lạc Bộ Thể Thao Huế bên bờ sông Hương, khi các con cà cuống bay xà tới, lách tách dưới ánh đèn đêm.

Mấy tháng sau thì một phái đoàn của Nha Quân Y ra thanh tra miền Trung. Đại Tá Giám Đốc Trần Quang Diệu cùng với Dược Sĩ Đại Úy Chỉ Huy Trưởng Kho Y Dược Trung Ương Đặng Trần Lợi có hỏi han và giải đáp một số thắc mắc của Đại Đội Kho Y Dược 21. Đại Tá Diệu tướng ngũ đoản, tính tình dễ dàng. Đại Úy Lợi là một vị đàn anh trong Quân Dược, anh của Lạc và Long là hai bạn cùng lớp trung học với tôi. Tôi biết được đôi điều khó khăn trong vấn đề dự trù ngân sách, số lượng thuốc men, sự phế thải y cụ hư hỏng, thuốc quá hạn, thuốc phát cho gia đình binh sĩ. Tất cả tùy thuộc viện trợ Mỹ. Tôi được khuyến khích viết bài Góp Ý về việc sử dụng Dược Sĩ trong Quân Đội. Nhưng bản Góp Ý tôi nộp lên không có hồi âm. Kể cả khi Y Sĩ Trung Tá Phạm Văn Hạt lên thay Đại Tá Diệu.

Người ta nói Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn Sĩ quan khi được lên Tướng phải có ít nhất là Tú Tài một. Có lẽ vì vậy nên tôi đã nhận dậy lớp luyện thi Tú Tài cho Trung Tá Lê Quang Trọng và một số sĩ quan của Sư Đoàn 2. Chỉ cần Toán Lý Hóa, các môn khác kiến thức của họ quá đầy đủ. Nhà để xe của Tư Dinh Trung Tá được trang bị bảng đen phấn trắng, bàn ghế thầy giáo, học trò. Lớp tổ chức nghiêm chỉnh một tuần lễ hai tối, nhưng sau ít buổi tôi đành bỏ cuộc, vì thấy gây nhiều phiền phức cho các thành viên. Tôi khó quên được vị Sư Đoàn Trưởng cao ráo trắng trẻo, đeo kính cận, ưa nhạc cổ điển tây phương và rất nhã nhặn này.

Lúc tôi ở Đà Nẵng thời Đệ Nhất Cộng Hòa còn phôi thai, và là thời chuyển tiếp giữa hai hệ thống cũ và mới. Trong Quân Đội chỉ có một số nhỏ cố vấn Mỹ và Thông Dịch Viên. Phi Luật Tân mới được biết đến qua các giàn nhạc tuyệt hảo tại Sài Gòn, những nhân viên phụ trách bảo trì Quân Cụ, hay số xe nhà binh được tân trang lại như mới. Quân vụ thị trấn do một sĩ quan giáo phái là Thiếu Tá Giám điều hành. Nha Sĩ Trung Úy có người xuất thân từ các trường chuyên môn về răng tại Pháp. Một số Nữ Trợ Tá PAF "Personnel Auxiliaire Féminin", nếu muốn ở lại làm việc phải học một khóa huấn luyện rồi đậu kỳ thi chuyển ngạch thành Y Tá , Dược Tá trong Quân Đội. Tôi được trao việc giảng dậy thuốc men thông thường và ở trong ban giám khảo kỳ thi này tại Tổng Y Viện Duy Tân. Tại đây, tôi còn trực tiếp lãnh trách nhiệm khi cho đốt kho phế thải tồn trữ những vật hư hại lâu năm, để ngăn ngừa sự thất thoát y cụ, sự ô nhiễm cho cơ sở. Đại Úy Kilpatrick giúp hoàn tất thủ tục về phía Mỹ sau khi sự kiện xẩy ra.

Cũng tại Tổng Y Viện này, tôi được chứng kiến từ đầu đến cuối một ca mổ của Bác Sĩ Tùng cho một đồng nghiệp có dược phòng tại tỉnh lỵ. Một buổi tối bỗng nhiên ông cho tôi biết Dược Sĩ D. có triệu chứng bị sưng ruột dư "appendicite", lượng bạch huyết cầu trong máu lên cao. Tôi được mặc y phục giải phẫu, vô phòng mổ để quan sát những động tác chính xác, nhanh nhẹn, khéo léo của Bác Sĩ Tùng. Tôi thấy tài mổ xẻ có một không hai của ông đã cứu sống Dược Sĩ D. Sau thời di tản, ông đã trở thành môt Giáo Sư Đại Học nổi danh vùng Galveston, Texas của Hoa Kỳ. Dược Sĩ D. sau sang Pháp lập nghiệp và tôi lại có dịp gập lại tại một Đại Hội Quốc Tế ở Paris.

Tôi hay phải đi xe qua đèo Hải Vân ra Huế, ra Quảng Trị. Đường đi quá hẹp, nên phải mở một chiều để tránh bớt tai nạn. Xe hai phía đều leo lên đỉnh đèo, rồi từ đó đợi giờ cùng đổ xuống dốc. Một lần ngồi chờ trong một quán nước trên đó, tôi gập Tướng Nguyễn Văn Mạnh, Tổng Thanh Tra Quân Đội. Ông cho biết phải về họp với Tổng Thống Diệm ngay trong ngày, nên rất vội về phi trường Đà Nẵng. Tới giờ mở đèo, xe Jeep ông dẫn đầu rồi tới xe của chúng tôi. Trời mưa tầm tã, đường trơn như bôi mỡ, xe ông chạy thật chậm, xe chúng tôi dễ dàng theo sau. Tôi nói với tài xế của tôi là ông Tướng này quá hay, vội việc mà cẩn thận như vậy thì hiếm có. Tới gần thành phố thì tạnh mưa, quãng đường này rộng rãi thẳng tắp. Xe của ông Tướng bỗng chạy rất nhanh rồi biến mất trong tầm nhìn. Lúc sau chúng tôi mới biết xe ông bị lật xuống ruộng, trong lúc không ngờ nhất. Người ông lấm bùn be bét, đúng cảnh dở khóc dở cười. Chúng tôi vội ngừng xe sát bên lề xem ông có cần giúp gì? Một chiếc camion trở tới không kịp thắng bỗng tông vào làm bẹp ghế ngồi phía sau xe chúng tôi, nhưng may mắn không làm ai bị thương.

Người tài xế của tôi thật giỏi và trung thành. Lần ra về tối từ Đông Hà, xe hỏng điện giữa đồng không mông quạnh mà trời đen như mực, bác tài cũng cố công sửa để đưa tôi về đến Huế trong đêm. May là đất nước đang an bình, không sợ nguy hiểm gì. Có lần trên đèo xe chúng tôi bị hư hộp số, bác tài đã tình nguyện ở lại chờ xe khác kéo về, khi tôi được Đại Úy Hiền của Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến cho quá giang trong chiếc xe Peugeot 203.

Ngày xưa, doanh trại Đại Đội Kho Y Dược 21 có một biệt thự lớn dành cho vị Tướng Quân Dược chỉ huy. Biệt thự này trở thành tư dinh của Trung Tướng Trần Văn Đôn, lúc đó coi Quân Đoàn I. Một buổi sáng chủ nhật ông qua doanh trại chúng tôi, ra lệnh cho tôi trình diện gấp tại bộ tư lệnh. Chỉ là chuyện để lính chơi chọi cầu "boules" trong khi chưa hẳn hết giờ làm việc, ban An Ninh đã tịch thu những trái cầu này. Tôi có trình bầy lý do về sự xích mích giữa toán lính già coi sóc bên biệt thự và các lính trẻ của Đại Đội tôi. Ông thông cảm ngay, bỏ qua chuyện này, còn hứa sẽ cho tu bổ doanh trại chúng tôi nếu có yêu cầu. Ông là một vị Tướng có học, cao lớn, vui vẻ nhanh nhẹn.

Thành phố Đà Nẵng an bình đẹp đẽ, công việc dễ dàng nhàn hạ, giới Y Nha Dược vui vẻ hài hòa, đã cho tôi một thời để nhớ. Hơn một năm sau, tôi mới nhận được giấy nghỉ dài hạn không lương để về ngành Giảng Huấn Đại Học. Tôi sẽ trở về Sài Gòn để còn lo giấy tờ xuất ngoại. Nhân viên Đại Đội Kho Y Dược 21 đã hoàn tất gấp công việc kiểm kê kế toán, mấy cô thư ký đã không ngại đánh máy ngày đêm, để tôi kịp thời bàn giao cho Dược Sĩ Lưu Sơn, người bạn cùng lớp được trưng dụng về thế tôi tại Đà Nẵng. Ngoài Thiếu Tá Thọ và một vài bạn bè mời tiệc tiễn đưa, Đại Đội đã mổ lợn ăn mừng tôi được chuyển sang lãnh vực khác. Trung Úy Hằng thay mặt Đại Đội nói lên những lời chúc tụng cảm động. Thôi từ nay xin Giã Từ Quân Dược. Nhưng làm sao tôi quên được thân tình của tất cả các anh chị em trong Đại Đội tôi?

San Diego, 9 tháng 1, 2008

GS TS Tô Đồng
Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Dược Khoa Sài Gòn (1974-1975)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn