Con nít đứa nào chẳng thích đèn ông sao, riêng mình thì mê tít. Đối với mình đèn ông sao có cái gì rất thần bí. Ngọn đèn nhỏ le lói tỏa ánh sáng mờ ảo phía sau lớp giấy bóng màu mới bí hiểm làm sao.
Mê đến nỗi năm sáu tuổi một đêm nằm chiêm bao thấy mình ngồi khóc ti tỉ. Bụt hiện ra, nói vì sao con khóc. Mình nói con thích đèn ông sao. Bụt phẩy tay một phát, cả ngàn đèn ông sao bỗng đổ về bay lượn quanh mình. Mình sướng ngất hét lên, vùng chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa hét a a a, đèn ông sao đèn ông sao.
Ba mạ mình sợ hết hồn, tưởng là mình mắc bệnh mộng du. Anh Huy chaỵ đuổi theo chụp cổ lôi vào nhà, nói mi chạy đi mô. Mình tẽn tò cười trừ, nói em mơ thấy đèn sao. Cả nhà mình cười rũ, mạ mình cũng cười nhưng mình nhác thấy bà lén chùi nước mắt.
Lên bảy tuổi mình vào lớp 1, mạ mình dắt đến lớp, nói học giỏi rồi mạ mua cho cái đèn ông sao. Cuối năm mình cầm giấy khen chạy ù về nhà đưa cho mạ mình, nói mạ nhớ mua cho con cái đèn ông sao. Mạ mình xoa đầu khen giỏi, nói ừ, đến tết Trung Thu mạ mua cho. Tám hào một cái đèn ông sao, bằng học phí một tháng học, món tiền đó nhà mình không phải lúc nào cũng có sẵn. Nghe mạ mình hứa vậy mình mừng hết lớn, gặp đứa nào cũng khoe, nói Trung Thu này tao có đèn ông sao.
Còn hai ngày nữa là đến tết Trung Thu, Cửa hàng tổng hợp Thị trấn đã bày bán bánh Trung Thu và đèn ông sao. Bánh Trung Thu mình không dám mơ nhưng đèn ông sao thì hy vọng tràn trề, nghĩ bụng thế nào mạ cũng mua cho. Nhưng không, mạ mình không có tiền bà đánh bài lờ. Mình khóc như cha chết. Mạ mình sai anh Huy làm cho mình cái đèn ông sao, nó vừa xấu vừa không có đèn, mình chê không lấy. Mạ mình ôm mình dỗ, nói thôi năm sau, Trung Thu năm sau mạ mua cho, mạ hứa thiệt. Mình dậm chân hét lên, nói không không không.
Ba mình nói mạ mi chạy sang nhà bác Thông mượn tám hào mua cho nó. Đã hứa với con thì phải mua. Mạ mình lườm ba mình, nói anh ni e điên, tiền không có mua gạo lại đi mua đèn ông sao. Nói xong thì bà khóc. Đến bữa mình lẫy không ăn, ra sau hồi nhà ngồi khóc ti tỉ, ai dỗ thế nào cũng không chịu vào ăn.
Chị Nghĩa đi ra dỗ, nói vô ăn đi. Tối chị đi diễn kịch có tiền chị cho tám hào. Mình tin ngay. Chị Nghĩa không bao giờ nói dối, chị thương mình nhất nhà. Xin gì chị có là cho liền, không tiếc. Tết vừa rồi chị cho mình ba đồng mua cái áo. Chị vào đội văn công Thị trấn chuyên giới thiệu và hò mái nhì trước khi diễn kịch, mỗi tối được tám hào.
Chị đẹp, hát hay nhưng diễn kịch không được. Người ta tuyển chị để làm giới thiệu và hò mái nhì khai mạc vở diễn. Hồi này đội văn công Thị trấn diễn đi diễn lại có hai vở: Thoại Khanh- Châu Tuấn và Phạm Công-Cúc Hoa, vở nào vở nấy dài ngoẵng, con nít xem được nửa vở là chạy về nhà ngủ, chịu không thấu. Tối nào diễn kịch mình cũng đến xem, nghe điệu hò mái nhì của chị Nghĩa, hết hò màn được kéo ra, chị Nghĩa thướt tha bước ra giới thiệu, xong là mình về.
Tối đó mình quyết xem cho hết vở, đợi chị Nghĩa lấy tám hào bồi dưỡng để ngày mai mua cái đèn ông sao. Tối mai là rằm Trung Thu rồi. Mình ngồi xem với ba đứa con gái cùng xóm cùng học lớp 1 với mình- con Bình Mại, con Bình Đái Lùn và con Lý, ở nhà gọi là con Xồm.
Chuẩn bị mở màn chị Nghĩa hò mái nhì. Mình vênh mặt phỗng mũi, nói chị Nghĩa tao hát đó. Hai con Bình nhìn mình rất ngưỡng mộ, nói hay hè hay hè, chị mi hát hay hè. Con Lý vằn mắt lên, nói chà, ai nỏ biết chị mi hát hay, khoe chi khoe lắm. Hi hi con này ghê lắm. Ai chọc nó là nó chửi cho điếc tai luôn. Bọ nó là ông cu Mường, chỉ cần mình mở mồm nói mờ mờ là nó cầm đá rựợt đuổi mình vừa ném đá vừa chửi, nói vơ con ông cu Đạng nời, ai chọc chi mi răng mi chửi bọ tao. Mình vừa chạy vừa ngoảnh lại nói mờ mờ, nó chửi càng hung đuổi theo ném đá càng dữ. Đến khi chân đau miệng mỏi nó đứng khóc giữa đường, nói cha cố tổ con ông cu Đạng nời, khan cổ tao rồi, ác chi ác rứa.
Bây giờ mỗi lần về quê mình lại vào quán của nó, nhớ lại chuyện xưa mình bật cười, Nó lườm mình, nói cười chi tao rứa mi. Mình dẩu mồm nói mờ mờ, nó nhăn răng cười hi hi, nói thằng ni nhớ dai gớm.
Xem được nửa vở thì mình ngủ, tỉnh dậy thấy người ta về hết rồi, mỗi mình nằm chỏng queo trên bãi cỏ. Mình vội chạy ù về nhà, sợ ma gần chết. Cả nhà đã ngủ, chị Nghĩa cũng đã ngủ. Mình đập chân gọi chị dậy, nói tám hào của em mô. Chi nói đội chưa phát, để mai đội phát chị đưa cho. Ngày mai chị Nghĩa lên xuống đội mấy lần vẫn không nhận được tiền, chẳng hiểu vì sao. Mình khóc hết nước mắt rồi thôi, chẳng biết làm thế nào.
Nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai, dù gì thì Trung Thu cũng đã đến không thể buồn mãi được.. Học trò ba mình mang đến tặng cái bánh trung thu, bốn anh em giành nhau ăn. Ăn hết thì ngồi mút ngón tay chờ trăng lên kéo nhau ra đường ngóng trăng. Tập trung ở cầu Phôốc trước nhà mình sáu bảy đứa cùng lứa: thằng cu Cải, Thằng Đại Phúc, thằng Lợi Vao, thằng Dũng Ấm Đường, thằng Lộc Đóc Soa và mình gọi là Lập Hai Da. ( Vì mình có cái bớt nâu ở bắp vế).
Cả lũ vừa ngửa mặt trông trăng vừa đi thụt lùi xem trăng có chạy theo mình không rồi cãi nhau ỏm tỏi, nói trăng chạy theo tau bay ơi!- Ê ê láo láo, trăng mà chạy theo mi, trăng đứng một chỗ đó tề- Mi láo thì có, trăng chạy theo tao- Thằng ni ngu chi ngu tàn bạo. Trăng ở trên trời, thấy mi mô mà chạy theo- Ẻ vô cãi nhau với mi nữa.
Nhà thằng Lộc Đóc Soa giàu nhất xóm. Nó có chiếc xe đạp nhỏ xíu. Chiều nào nó cũng đạp xe dạo quanh xóm. Tụi mình chạy rật rật đuổi theo, nói cho tao đi một đoạn với Lộc nời- Vơ Lộc cho tao đi một đoạn với mi- Thằng ni lấc gớm bay, ai nỏ biết mi có xe đạp. Cuối cùng nó cũng cho mỗi thằng đi một đoạn. Leo lên xe đạp sướng râm ran, có khi còn sướng hơn ông Phạm Tuân lên tàu vũ trụ hi hi.
Trung thu nào cũng vậy, chỉ có thằng Lộc là có đèn ông sao. Đợi dài cổ cuối cùng thằng Lộc cũng cầm đèn ông sao chạy ra. Nó cầm đèn đi đầu, cả lũ đi sau nó. Đứa nào đứa nấy mặt mày vênh váo y như mình đang cầm đèn ông sao vậy. Gặp mấy đứa con gái cùng xóm đứng bên đường thì trợn mắt dẩu mỏ, nói ê ê đồ không có đèn ông sao, xấu xấu! Hai con Bình, Bình Mại và Bình Đái Lùn nhìn tụi mình chảy nước miếng ướt cổ, mắt mày như sắp khóc, nói mai bọ tau cũng mua cho tau tề. Tụi mình cười vang, nói ê ê láo láo, mai hết trung thu rồi mua làm chi. Con Lý nhảy chồm chồm, nói cha tổ bay đồ vô duyên, đèn thằng Lộc chớ đèn mô của bay mà khoe! Cút cha tụi bay đi.
Cả lũ không chấp vừa đi vừa nói cười râm ran, Thằng Lộc cho một thằng cầm đèn một đoạn, lại sướng râm ran, có khi còn sướng hơn ông Bùi Quang Thận cầm cờ cắm lên Dinh Độc Lập he he.
Đượt lượt mình được cầm đèn, mình hung hăng cầm đèn quay vòng, nói như ta đây là Quang Trung Đại phá quân Thanh. Rồi mình vọt lên ù chạy, hô xung phong!… Sát Thát Sát Thát! Cả lũ chạy đuổi theo hét vang sát Thát sát Thát. Nào có biết Quang Trung là ông nào, quân Thanh là ai, sát Thát là cái gì, cả lũ mặt mày phừng phừng lao tới, tưởng như sắp giết được cả ngàn quân giặc.
Bỗng mình vấp ngã, cái đèn rơi ra, lửa bén vào lớp giấy dán cháy bùng. Ba bốn đứa nhảy vào lấy chân dập lửa, cái đèn nát tan. Mình chết điếng. Thằng Lộc sững sờ cầm cái đèn rách lên ngẩn ngơ nhìn. Nó đập cây đèn lên đầu mình, nhảy vào đấm đá mình túi bụi, nói cha tổ mi vơ Lập nời, răng phá cái đèn của tao.
Thằng Lộc vừa đấm đá vừa khóc. Mình đứng yên cho nó đấm đá, không kêu khóc không chống cự. Mình thương nó vô cùng. Chưa khi nào mình thương thằng Lộc như đêm Trung Thu năm mình bảy tuổi.
Nguyễn Quang Lập
Theo Quê Choa
Mê đến nỗi năm sáu tuổi một đêm nằm chiêm bao thấy mình ngồi khóc ti tỉ. Bụt hiện ra, nói vì sao con khóc. Mình nói con thích đèn ông sao. Bụt phẩy tay một phát, cả ngàn đèn ông sao bỗng đổ về bay lượn quanh mình. Mình sướng ngất hét lên, vùng chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa hét a a a, đèn ông sao đèn ông sao.
Ba mạ mình sợ hết hồn, tưởng là mình mắc bệnh mộng du. Anh Huy chaỵ đuổi theo chụp cổ lôi vào nhà, nói mi chạy đi mô. Mình tẽn tò cười trừ, nói em mơ thấy đèn sao. Cả nhà mình cười rũ, mạ mình cũng cười nhưng mình nhác thấy bà lén chùi nước mắt.
Lên bảy tuổi mình vào lớp 1, mạ mình dắt đến lớp, nói học giỏi rồi mạ mua cho cái đèn ông sao. Cuối năm mình cầm giấy khen chạy ù về nhà đưa cho mạ mình, nói mạ nhớ mua cho con cái đèn ông sao. Mạ mình xoa đầu khen giỏi, nói ừ, đến tết Trung Thu mạ mua cho. Tám hào một cái đèn ông sao, bằng học phí một tháng học, món tiền đó nhà mình không phải lúc nào cũng có sẵn. Nghe mạ mình hứa vậy mình mừng hết lớn, gặp đứa nào cũng khoe, nói Trung Thu này tao có đèn ông sao.
Còn hai ngày nữa là đến tết Trung Thu, Cửa hàng tổng hợp Thị trấn đã bày bán bánh Trung Thu và đèn ông sao. Bánh Trung Thu mình không dám mơ nhưng đèn ông sao thì hy vọng tràn trề, nghĩ bụng thế nào mạ cũng mua cho. Nhưng không, mạ mình không có tiền bà đánh bài lờ. Mình khóc như cha chết. Mạ mình sai anh Huy làm cho mình cái đèn ông sao, nó vừa xấu vừa không có đèn, mình chê không lấy. Mạ mình ôm mình dỗ, nói thôi năm sau, Trung Thu năm sau mạ mua cho, mạ hứa thiệt. Mình dậm chân hét lên, nói không không không.
Ba mình nói mạ mi chạy sang nhà bác Thông mượn tám hào mua cho nó. Đã hứa với con thì phải mua. Mạ mình lườm ba mình, nói anh ni e điên, tiền không có mua gạo lại đi mua đèn ông sao. Nói xong thì bà khóc. Đến bữa mình lẫy không ăn, ra sau hồi nhà ngồi khóc ti tỉ, ai dỗ thế nào cũng không chịu vào ăn.
Chị Nghĩa đi ra dỗ, nói vô ăn đi. Tối chị đi diễn kịch có tiền chị cho tám hào. Mình tin ngay. Chị Nghĩa không bao giờ nói dối, chị thương mình nhất nhà. Xin gì chị có là cho liền, không tiếc. Tết vừa rồi chị cho mình ba đồng mua cái áo. Chị vào đội văn công Thị trấn chuyên giới thiệu và hò mái nhì trước khi diễn kịch, mỗi tối được tám hào.
Chị đẹp, hát hay nhưng diễn kịch không được. Người ta tuyển chị để làm giới thiệu và hò mái nhì khai mạc vở diễn. Hồi này đội văn công Thị trấn diễn đi diễn lại có hai vở: Thoại Khanh- Châu Tuấn và Phạm Công-Cúc Hoa, vở nào vở nấy dài ngoẵng, con nít xem được nửa vở là chạy về nhà ngủ, chịu không thấu. Tối nào diễn kịch mình cũng đến xem, nghe điệu hò mái nhì của chị Nghĩa, hết hò màn được kéo ra, chị Nghĩa thướt tha bước ra giới thiệu, xong là mình về.
Tối đó mình quyết xem cho hết vở, đợi chị Nghĩa lấy tám hào bồi dưỡng để ngày mai mua cái đèn ông sao. Tối mai là rằm Trung Thu rồi. Mình ngồi xem với ba đứa con gái cùng xóm cùng học lớp 1 với mình- con Bình Mại, con Bình Đái Lùn và con Lý, ở nhà gọi là con Xồm.
Chuẩn bị mở màn chị Nghĩa hò mái nhì. Mình vênh mặt phỗng mũi, nói chị Nghĩa tao hát đó. Hai con Bình nhìn mình rất ngưỡng mộ, nói hay hè hay hè, chị mi hát hay hè. Con Lý vằn mắt lên, nói chà, ai nỏ biết chị mi hát hay, khoe chi khoe lắm. Hi hi con này ghê lắm. Ai chọc nó là nó chửi cho điếc tai luôn. Bọ nó là ông cu Mường, chỉ cần mình mở mồm nói mờ mờ là nó cầm đá rựợt đuổi mình vừa ném đá vừa chửi, nói vơ con ông cu Đạng nời, ai chọc chi mi răng mi chửi bọ tao. Mình vừa chạy vừa ngoảnh lại nói mờ mờ, nó chửi càng hung đuổi theo ném đá càng dữ. Đến khi chân đau miệng mỏi nó đứng khóc giữa đường, nói cha cố tổ con ông cu Đạng nời, khan cổ tao rồi, ác chi ác rứa.
Bây giờ mỗi lần về quê mình lại vào quán của nó, nhớ lại chuyện xưa mình bật cười, Nó lườm mình, nói cười chi tao rứa mi. Mình dẩu mồm nói mờ mờ, nó nhăn răng cười hi hi, nói thằng ni nhớ dai gớm.
Xem được nửa vở thì mình ngủ, tỉnh dậy thấy người ta về hết rồi, mỗi mình nằm chỏng queo trên bãi cỏ. Mình vội chạy ù về nhà, sợ ma gần chết. Cả nhà đã ngủ, chị Nghĩa cũng đã ngủ. Mình đập chân gọi chị dậy, nói tám hào của em mô. Chi nói đội chưa phát, để mai đội phát chị đưa cho. Ngày mai chị Nghĩa lên xuống đội mấy lần vẫn không nhận được tiền, chẳng hiểu vì sao. Mình khóc hết nước mắt rồi thôi, chẳng biết làm thế nào.
Nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai, dù gì thì Trung Thu cũng đã đến không thể buồn mãi được.. Học trò ba mình mang đến tặng cái bánh trung thu, bốn anh em giành nhau ăn. Ăn hết thì ngồi mút ngón tay chờ trăng lên kéo nhau ra đường ngóng trăng. Tập trung ở cầu Phôốc trước nhà mình sáu bảy đứa cùng lứa: thằng cu Cải, Thằng Đại Phúc, thằng Lợi Vao, thằng Dũng Ấm Đường, thằng Lộc Đóc Soa và mình gọi là Lập Hai Da. ( Vì mình có cái bớt nâu ở bắp vế).
Cả lũ vừa ngửa mặt trông trăng vừa đi thụt lùi xem trăng có chạy theo mình không rồi cãi nhau ỏm tỏi, nói trăng chạy theo tau bay ơi!- Ê ê láo láo, trăng mà chạy theo mi, trăng đứng một chỗ đó tề- Mi láo thì có, trăng chạy theo tao- Thằng ni ngu chi ngu tàn bạo. Trăng ở trên trời, thấy mi mô mà chạy theo- Ẻ vô cãi nhau với mi nữa.
Nhà thằng Lộc Đóc Soa giàu nhất xóm. Nó có chiếc xe đạp nhỏ xíu. Chiều nào nó cũng đạp xe dạo quanh xóm. Tụi mình chạy rật rật đuổi theo, nói cho tao đi một đoạn với Lộc nời- Vơ Lộc cho tao đi một đoạn với mi- Thằng ni lấc gớm bay, ai nỏ biết mi có xe đạp. Cuối cùng nó cũng cho mỗi thằng đi một đoạn. Leo lên xe đạp sướng râm ran, có khi còn sướng hơn ông Phạm Tuân lên tàu vũ trụ hi hi.
Trung thu nào cũng vậy, chỉ có thằng Lộc là có đèn ông sao. Đợi dài cổ cuối cùng thằng Lộc cũng cầm đèn ông sao chạy ra. Nó cầm đèn đi đầu, cả lũ đi sau nó. Đứa nào đứa nấy mặt mày vênh váo y như mình đang cầm đèn ông sao vậy. Gặp mấy đứa con gái cùng xóm đứng bên đường thì trợn mắt dẩu mỏ, nói ê ê đồ không có đèn ông sao, xấu xấu! Hai con Bình, Bình Mại và Bình Đái Lùn nhìn tụi mình chảy nước miếng ướt cổ, mắt mày như sắp khóc, nói mai bọ tau cũng mua cho tau tề. Tụi mình cười vang, nói ê ê láo láo, mai hết trung thu rồi mua làm chi. Con Lý nhảy chồm chồm, nói cha tổ bay đồ vô duyên, đèn thằng Lộc chớ đèn mô của bay mà khoe! Cút cha tụi bay đi.
Cả lũ không chấp vừa đi vừa nói cười râm ran, Thằng Lộc cho một thằng cầm đèn một đoạn, lại sướng râm ran, có khi còn sướng hơn ông Bùi Quang Thận cầm cờ cắm lên Dinh Độc Lập he he.
Đượt lượt mình được cầm đèn, mình hung hăng cầm đèn quay vòng, nói như ta đây là Quang Trung Đại phá quân Thanh. Rồi mình vọt lên ù chạy, hô xung phong!… Sát Thát Sát Thát! Cả lũ chạy đuổi theo hét vang sát Thát sát Thát. Nào có biết Quang Trung là ông nào, quân Thanh là ai, sát Thát là cái gì, cả lũ mặt mày phừng phừng lao tới, tưởng như sắp giết được cả ngàn quân giặc.
Bỗng mình vấp ngã, cái đèn rơi ra, lửa bén vào lớp giấy dán cháy bùng. Ba bốn đứa nhảy vào lấy chân dập lửa, cái đèn nát tan. Mình chết điếng. Thằng Lộc sững sờ cầm cái đèn rách lên ngẩn ngơ nhìn. Nó đập cây đèn lên đầu mình, nhảy vào đấm đá mình túi bụi, nói cha tổ mi vơ Lập nời, răng phá cái đèn của tao.
Thằng Lộc vừa đấm đá vừa khóc. Mình đứng yên cho nó đấm đá, không kêu khóc không chống cự. Mình thương nó vô cùng. Chưa khi nào mình thương thằng Lộc như đêm Trung Thu năm mình bảy tuổi.
Nguyễn Quang Lập
Theo Quê Choa
Gửi ý kiến của bạn