Lời kêu gọi này được phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói ViệtNamvà in trên báo chí phát hành trên Miền Bắc khi đó.
Thuở ấy, tôi mới là học sinh lớp 6 sắp lên lớp 7 (hệ 10 năm). Chương trình học văn của chúng tôi liên tục bám sát các sự kiện lớn của đất nước. Các cuốn "Phụ lục trích giảng văn học" được bổ sung kịp thời trong chương trình giảng dạy. <!--[if !vml]-->
Bố tôi là giáo viên. Nhà trường lúc đó chỉ có lớp học chứ không có văn phòng nên báo chí được chuyển đến nhà tôi hàng ngày (vì bố tôi là giáo viên duy nhất người địa phương), gồm báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Người giáo viên nhân dân. Tôi là người ham đọc nên không bỏ sót bất cứ bài viết nào trên mấy tờ báo ấy. Hồi ấy không có đài, nên so với bọn bạn, tôi là người đọc được "Lời kêu gọi ... " đầu tiên. Các tin thắng trận ở Miền Namtôi đọc gần như thuộc lòng, ví dụ trận Vạn Tường ta tiêu diệt hơn 900 tên địch, trận Bàu Bàng tiêu diệt 2040 tên... Không thấy phe ta hy sinh anh giải phóng quân nào.
(Tuy nhiên bây giờ truy cập vào wikipedia thì thấy không phải như vậy)
Có câu đố trên báo Thiếu niên tiền phong như sau:
Một cây leo như bí đao
(bầu)
Một cây cao cao tán xỏe
(bàng)
Hai vần ghép lại mà nghe
Mỹ nghe long óc, ta nghe vui mừng.
để chỉ chiến thắng Bàu Bàng.
Nhà tôi hồi ấy đói rời đói rạc, đứt bữa là chuyện thường, nhưng bố con tôi chỉ đọc tin thắng trận từ MiềnNamcũng đủ no. Bố tôi xoa đầu thằng con 14 tuổi còi cọc, bảo: "Vậy thì chẳng đến lượt mày ra trận đâu con ạ. Có vào thì chỉ nhặt ống bơ thôi".
Nói lan man chút cho vui thôi. Trở lại câu nói của Hồ Chủ tịch, sau khi lời kêu gọi được phát ra thì trên các bảng thông tin, các bức tường nhà dân quay ra đường, người ta đều đồng loạt kẻ dòng chữ "Không có gì quí hơn độc lập tự do". Ít ngày sau, họ lại chữa thành "Không có gì quí hơn độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội"
Trên lớp, chúng tôi nhiều lần phải làm tập làm văn về câu nói đó. Lớp 7 làm, lớp 8 làm, lớp 9 vẫn làm. Nói chung, các đề văn thường là:
Em hãy giải thích và chứng minh câu nói của Bác Hồ: "Không có gì quí hơn độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội".
Tôi ngạc nhiên, không biết cái cụm từ "và chủ nghĩa xã hội" ai thêm vào, chứ còn lời kêu gọi của Chủ tịch tôi quên sao được. Chẳng lẽ cụ lại nói sai, để người khác phải bổ sung vào? Hay là đài, báo chí in sót? Nghĩ thế nhưng chúng tôi trẻ con, không có thói quen thắc mắc.
Thế là chúng tôi hăng say giải thích thế nào là độc lập, thế nào là tự do và thế nào là chủ nghĩa xã hội. Tai sao độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội là quí nhất? Sau đó thì tìm cách chứng minh. Khi nước ta mất độc lập, trong vòng nô lệ của thực dân Pháp thì dân ta lầm than như thế nào. Theo thầy giáo hướng dẫn, gợi ý, chúng tôi thường dẫn thơ Tố Hữu (thì ngoài thơ Tố Hữu ra, chúng tôi có thuộc thơ ai nữa đâu), ví dụ:
Cuộc đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao.
(có đứa chẳng biết thế nào nó lại viết thành "Chim kêu trên tổ cá nằm dưới ao". Cuộc sống như cá lội tung tăng dưới nước, chim kêu ríu rít trên tổ thì thanh bình quá còn gì)
Tiếp theo là phân tích có độc lập rồi nhưng không có tự do thì như thế nào. Lại phải dẫn chứng mấy nước dưới chế độ độc tài, tuy độc lập mà dân vẫn không có tự do vì bị đè nén, áp bức.
Chứng minh được độc lập tự do quí như thế nào rồi lại phải chứng minh tiếp có độc lập tự do nhưng không có chủ nghĩa xã hội thì như thế nào. Đến đây, chúng tôi phải lôi mấy nước tư bản Anh, Pháp, Mỹ ra chứng minh. Rằng tuy các nước ấy có độc lập tự do nhưng không có chủ nghĩa xã hội nên mới sinh ra giai cấp tư sản ngồi mát ăn bát vàng, bóc lột công nhân đến tận xương tận tủy (lúc ấy, chúng tôi chưa biết đến khái niệm giá trị thặng dư của Mác). Bên cạnh các cao ốc trăm tầng thì vẫn có những khu nhà ổ chuột, người lao động làm thuê hàng ngày phải chui rúc vào đấy, tối về trú tạm, sang mai lại chui ra đến nhà máy, công xưởng cho tư bản nó bóc lột tiếp. Không có chủ nghĩa xã hội nên kinh tế phát triển vô tội vạ, phải đổ cả hàng hóa xuống biển gây lãng phí cho xã hội v. v...
Chúng tôi vừa làm văn, vừa hừng hực căm thù bọn đế quốc, vừa thương nhân dân miền Nam, thương nhân dân Mỹ, sống như thế có thể gọi là con người nữa không. Lúc ấy, tôi tuy phải ăn củ dong trừ bữa nhưng có cho tôi cả núi vàng, tôi không bao giờ chịu đổi thành người Mỹ.
Nói chung, bài làm văn của tôi hay được điểm cao vì tôi rất chăm chú nghe giảng, bắt được lời thầy nên ít khi sót ý.
Sau này, khi xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy họ gắn dòng chữ (bằng vàng?): "KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO" chứ không thấy mấy chữ "và chủ nghĩa xã hội" đâu cả. Thì ra họ chỉ truyền đạt miệng cho thầy giáo của chúng tôi để dạy học sinh chứ không dám phát hay viết hẳn lên đài báo chính thức (chắc sợ cụ Hồ biết :)). Lúc ấy tôi càng khẳng định mấy chữ "và chủ nghĩa xã hội" là do ai đó gán cho lời ông cụ. Có điều cần lưu ý rằng, khi chúng tôi thêm "chủ nghĩa xã hội" vào nhóm quí nhất thì cụ Hồ vẫn còn sống. Không biết ông cụ có biết người ta xuyên tạc câu nói của mình như vậy không?
26/9/2012
NTT
Theo Blog Nguyễn Tường Thụy
Gửi ý kiến của bạn