BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73484)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lâm Chương, bầm ruột gan không trải được lòng

24 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 1167)
Lâm Chương, bầm ruột gan không trải được lòng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Là một người làm thơ viết văn, từ quê nhà, đồng thời cũng là cựu sĩ quan thuộc quân lực VNCH cũ, nên Lâm Chương, (*) tác giả tập truyện “Lò Cừ” đã phải trải qua 10 năm năm đầy ải trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc.



Lâm Chương ra đi trong chương trình H.O, có lần đã rất thành thật, khi nói:

“Tôi ra khỏi trại cải tạo, mười lăm năm rồi. Tôi vẫn nhủ với lòng, hãy quên những ngày khốn khổ ấy đi. Quên để mà sống. Trí nhớ tôi bây giờ tồi lắm. Tôi quên nhiều chuyện, nhưng chuyện trong tù, tôi không sao quên được. Nó hằn sâu trong tâm tôi, như cây đinh đóng vào xương sống, làm cột mốc thời gian. Mỗi lần trí nhớ cục cựa, là mỗi lần đau.

“Sau mỗi lần viết về trại tù Cộng Sản, tôi lại tự nhủ với lòng, đây là bài cuối cùng, không nhắc đến nữa. Nhưng nó như cái bóng đen, ám ảnh tôi hoài. Và tôi lại viết về nó. Tôi viết như người kể chuyện để giải tỏa nỗi ám ảnh. Giải tỏa theo kiểu anh thợ hớt tóc, trong truyện ‘Một Ngàn Lẻ Một Đêm,’ phải đào lỗ mà la lớn lên rằng, ‘ông vua có lỗ tai lừa!’

“Tôi không xây dựng thành một cái truyện ngắn của người làm nghệ thuật viết văn. Tôi kể chuyện về trại tù cộng sản. Nói bao nhiêu cũng thấy thiếu. Còn người đọc thì cảm thấy quá thừa. ‘Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi.’”

Nếu sự “biết rồi, khổ lắm nói mãi” có phần nào đúng ở phía những người đọc muốn quên đi quá khứ, để còn có thể sống tiếp phần đời còn lại, hoặc do lòng bao dung, tha thứ, vốn là bản chất của người Việt Nam dễ dãi, thì cái vế thứ nhất, vế Lâm Chương tâm sự, ông không muốn nhắc nữa, nhưng nó như cái bóng đen ám ảnh ông hoài. Ông lại viết về nó, “để giải tỏa ám ảnh;” cũng là một sự thật. Một sự thật khác. Sự thật của những kẻ thất trận. Sự thật của những cựu tù nhân chính trị, và luôn cả những người không phải là cựu tù nhân chính trị. Những người ở lại Việt Nam, sau biến cố 30 tháng 4, 1975.

Nên, chỉ cần một chút khách quan, một chút công bằng và, hiểu biết tối thiểu nào đó, người ta sẽ hiểu, cách gì thì, song song với dòng văn chương hội nhập, hay dòng văn chương bay thoát lên khỏi đời thường, cảnh thổ sinh hoạt văn học của người Việt ở quê người, văn học ta, vẫn còn có cho nó, một dòng văn chương khác nữa. Đó là dòng văn chương ám ảnh tù đầy.

Đó là dòng văn chương mà, mỗi tác giả, khi viết ra, những ghi nhận, suy nghĩ của mình, là lúc chiếc đinh ngục tù đóng nơi xương sống họ, đang cục cựa, nói theo Lâm Chương vậy.

Nhưng, khác hơn nhiều nhà văn mà, ngòi bút của họ, cũng được hướng dẫn bởi bóng ma quá khứ trại tập trung, ám ảnh tù ngục, ngòi bút Lâm Chương, từ tập truyện “Lò Cừ,” xuất bản cách đây nhiều năm, tới truyện mang tên “Lê Thơm,” vẫn luôn cho thấy mức trầm tĩnh, độ lạnh tanh của đôi mắt nhân chứng.

Hiển nhiên, Lâm Chương muốn cho người đọc ông thấy, không cần phải cường điệu, chẳng cần phải lên gân, hãy cứ kể lại, câu chuyện, như nó là, một cách bình thản, một cách dửng dưng, thì, tự thân câu chuyện, cũng đã nói được, nói đủ, điều nó là.

Hơn thế nữa, dù tác giả “Lò Cừ” xác nhận, ông không thể quên. Ông không thể không viết, dù tự hứa, nhiều lần.

Sự thất hứa với chính mình, hay sự không thể chạy thoát bóng đen quá khứ, dẫn Lâm Chương trở lại 10 năm tù, là truyện ngắn “Lê Thơm.”

Lê Thơm là tên một bạn tù của tác giả “Lò Cừ.” Lê Thơm, như bất cứ một người tù nào trong các trại tập trung cải tạo của cộng sản, đã bị cái đói hành hạ tới mất nhân cách. Và, Lâm Chương đã viết về sự bị bỏ đói, đưa con người tới chỗ thua cả cầm thú, một cách bình thản, lạnh lẽo. Sự bình thản, lạnh lẽo của một con người biết mình đang bị hạ nhục và, vượt trên nhục nhã bằng những nhếch mép, những nụ cười nửa miệng, khinh bỉ sự đê tiện của kẻ hành hạ mình.

Cái thông điệp mà Lâm Chương muốn gửi tới người đọc, giữa những hàng chữ của ông, là, mọi thủ đoạn triệt hạ phẩm giá con người của kẻ chiến thắng, chỉ tố cáo, trước nhất, mặc cảm và, sự thiếu nhân phẩm của chính kẻ đó.



Nhưng, với truyện ngắn khác, nhan đề “Xương Rồng,” Lâm Chương viết khoảng đầu tháng 7, sau “Lò Cừ” vài năm, người ta thấy, dường ông đã bước qua lời nguyền rủa của quá khứ, khi đề cập tới một nhân vật tên Nguyễn, kẻ được mô tả là từng bôn ba thế giới, hành xử như một ông vua thời phong kiến, đem về ngôi làng của mình, một giống xương rồng ngoại quốc, hoa đỏ, làm hàng rào, bao quanh ngôi nhà của ông.

Mô tả về ông Nguyễn, Lâm Chương viết:

“Họ bảo, ông thuộc loại người mặt chuột, mỏ dơi, là thứ gian hùng đĩ miệng bán đứng thiên hạ như chơi. Cũng có người từng chịu ơn ông, thì bảo, đấy là cái khôn ngoan sâu sắc của kẻ lịch đời.”

Ở một đoạn khác của “Xương Rồng,” ông viết:

“Ông Nguyễn có cái lối hành xử rạch ròi tận mặt sự đời. Tuổi đã già, nhưng mắt ông còn tinh lắm. Có người bảo đấy là cái thần khí lưỡng mục trùng đồng của người làm nên việc lớn. Nhìn vào ai, ông như soi thấu cả tim gan người ta. Lại cũng có người căn cứ vào sách tướng, thì cho rằng con mắt láo liên chứng tỏ cái tâm bất chính, cái tính nghi ngờ và bản chất tráo trở. Lời ong tiếng ve đều không lọt khỏi tai ông Nguyễn. Ông chỉ cười. Nụ cười của ông cũng được giải thích theo nhiều nghĩa. Người thì bảo, cái cười nhân hậu giàu lòng khoan thứ. Kẻ lại nói, cái cười nham hiểm của tên thù dai. Chung quanh ông, người ta thêu dệt lắm điều khó phân biệt thực hư. Ông không hề đính chính. Thế mà lại hay. Lâu ngày sự thêu dệt thành huyền thoại.

“Điều gì thì còn có thể nghi ngờ, nhưng chuyện ông Nguyễn đã từng đi đây đi đó nhiều nơi trên thế giới là điều không thể phủ nhận. Đi nhiều, kiến thức rộng. Nghe ông nói chuyện năm châu bốn biển, kẻ ít đọc sách cũng học được nhiều điều mới lạ. Chẳng hạn, khi ông đem về một cây xương rồng. Giống xương rồng này lạ, không từng thấy mọc ở Việt Nam. Một số người hiếu kỳ bu lại coi. Ông khoe, khổ công lắm mới mang được nó về từ nước ngoài. Thân tua tủa những gai nhọn. Hoa màu đỏ rực, giữa đài hoa có nhụy vàng. Đứng xa xa mà nhìn, màu sắc rất đẹp. Nhưng chớ có lại gần, nét đẹp chỉ nên nhìn bằng mắt, sờ vào dễ bị gai đâm.”

Chẳng cần phải tinh ý, người đọc cũng dễ dàng liên tưởng, nhân vật ông Nguyễn trong “Xương Rồng” của Lâm Chương, với ông Nguyễn Ái Quốc, người du nhập lý thuyết cộng sản vào Việt Nam, và, phần đời riêng của ông ta, bị các nạn nhân trực tiếp, tố cáo, hoặc do chính báo chí trong nước, trưng dẫn...

Phải chăng, ẩn dụ trong truyện ngắn “Xương Rồng” của Lâm Chương, cũng chỉ là sức dội của những cơn đau nhức, đi ra từ “cây đinh đóng vào xương sống, làm cột mốc thời gian. Mỗi lần trí nhớ cục cựa...” trong hồi ức nhà văn?

Hay đó cũng là “ám ảnh tù đầy,” theo một khía cạnh nào khác?

 Du Tử Lê

Theo Người Việt

Chú thích:

(*) Lâm Chương sinh năm 1942 tại thị trấn Gò Dầu Hạ, Tây Ninh, cựu sĩ quan QLVNCH. Tù cộng sản 10 năm từ 1975-1985. Vượt biên năm 1987. Hiện định cư tại Boston. Massachusetts, Hoa Kỳ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn