BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngồi Đây – Và, Nhớ…..

29 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 1149)
Ngồi Đây – Và, Nhớ…..
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Sáng nay Trần Vấn Lệ cho biết chỗ ông vào xuân bằng những câu thơ báo tin bầy chim én vừa kéo nhau trở về trên bầu trời đang bung những chùm nắng gắt chói chang ở Cali, trong lúc chỗ tôi thời tiết đỏng đảnh, có ngày nắng, nắng dữ dội, có ngày tràn những cơn mưa nhưng hầu hết bầu trời luôn có màu xám đục như kèn cựa không cho ánh nắng chui tọt ra ngoài.

Được rảnh rang, tôi bưng ly cà phê xuống tầng hầm ngồi ngây ngất nghe Lionel Richie hát Hello. Theo tôi (có lẽ) bản này chưa ai hát qua Lionel Richie. Bởi vì chất giọng người ca sĩ da đen này rất đàn ông, Lionel Richie hát ngắt hơi ra từng câu rời rạc, giọng trầm có lúc nghẹn ngào nhưng không uốn éo như phần đông các sĩ Việt Nam. Mới đây trong một bài viết ở mục Tạp ghi văn nghệ, ca sĩ Quỳnh Giao (ái nữ ca sĩ Minh Trang) nói những chất giọng như thế là chất giọng “Trượng phu”. Bà Quỳnh Giao dùng chữ “Trượng phu” thật đẹp để ví một giọng hát đàn ông thật đẹp.

Đàn ông hát đẹp ở chỗ khi hát nhạc buồn mà không làm giọng hát của mình ủy mị, luyến láy, ẻo lả. Những nốt cao điểm (crescendo) được ngân vang vọng, sung mãn. Bà còn nói hiện nay ca sĩ có chất giọng này đã mai một nhiều, còn lại chỉ có vài người như Tuấn Ngọc, Duy Trác, Sỹ Phú, Phạm Đình Chương…

Tiếc là Sỹ Phú và Phạm Đình Chương đã mất rồi còn đâu!

Nói tới nhạc phải nhắc đến thơ. Thời đó, bầy con gái học trò ai cũng thuộc lõm bõm vài bài thơ và thường chuyền những cuốn thơ hay chép tay trên tờ giấy mỏng những bài thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Huy Cận. Nguyễn Bính. TTKH…

“Em biết anh chờ em ngã ba
Trường Thi, Ngõ Huyện vắng người qua
Đi chung một quãng, chiều tan học
Chẳng nói yêu mà yêu thiết tha”

(VHC)
Hoặc….

“Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ”

(ĐH)

Sau này chúng tôi thuộc lòng thêm thơ của Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Quang Dũng… Những bài thơ càng nỗi tiếng nhờ ông Phạm Duy, ông Ngô Thụy Miên… phổ ra những bản tình ca thật lãng mạn như “Ngày Xưa Hoàng Thị” “Áo Lụa Hà Đông” khiến bọn con gái càng trở nên mộng mị điệu đà. Giai đoạn này, tuy thơ xuất hiện khá rộn ràng, nhưng mỗi thi sĩ có những dòng thơ riêng, nhiều câu thơ hay, cách dụng chữ thật độc đáo không lẫn vào đâu được. Bên cạnh đó khi chúng tôi bước vào ngưỡng đại học. Tập thơ “Truyện Chúng Mình” của Nhất Tuấn đang rầm rộ trên các tạp chí. Tôi nhớ nhất bài này.

“Ngày ấy cả hai cùng dại khờ
Một trang tình sử đẹp như thơ
Có chàng trai mới hai mươi tuổi
Yêu một người em gái học trò


Từ đó, quen rồi thương mến nhau
Định rằng sẽ tính chuyện trầu cau
Thề nuôi một mối tình chung thủy
Và sẽ yêu cho đến bạc đầu….”

(Nhất Tuấn)

Cuộc sống bộn bề, thật hiếm hoi có một buổi tĩnh lặng ngồi nhớ vu vơ chắp vá từng mảnh vụn kỷ niệm rời rạc trong căn phòng đầy ắp những bức tranh lớn nhỏ treo cao thấp trong căn hầm có lần một nhà văn tiền bối ghé đây gật gù khen chỗ này giông giống như cà phê Lâm của Hà Nội trước đây.



Theo ông kể lại, quán cà phê ông Lâm (còn gọi là Lâm Toét) mặc dù mắt ông không toét chút nào. Đây là một căn nhà nhỏ một tầng lợp ngói (sau này có tiền dư ông xây hai tầng ở khu sân trong) còn mặt tiền vẫn giản dị với cái mành treo lơ lửng từ chỗ giọt gianh của mái nhà, không treo sát cửa ra vào như những nhà bình thường khác.

Cái mành đó làm nên mọi kỷ niệm trong ký ức những ai đã đến quán này. Bên cạnh cửa ra vào là một cửa sổ nhỏ có chấn song gỗ. Chỗ ấy bà Lâm ngồi pha cà phê, không chỉ mùi cà phê thơm ngát mà nhìn thấy bà Lâm sau khuôn cửa sổ ấy là khách yên tâm vào quán và thưởng thức cà phê vừa uống vừa ngắm tranh, tán ngẫu với chủ quán.

Ông chủ cà phê Lâm còn được biết như một nhà sưu tập tranh và đồ cổ, gọi là nhà sưu tập nhưng thực ra những năm 60 quán cà phê của ông Lâm số 60 Nguyễn Hữu Huân – Hà Nội là nơi ra vào “tấp nập” của những văn nghệ sĩ giàu ý tưởng sáng tạo, yêu đời, nhưng… nghèo hoặc nghèo lắm như Dương Bích Liên Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Giao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân ghé thường xuyên và lưu lại rất nhiều tranh ảnh và sách vở (có chuyện kể ông Lâm là người yêu nghệ thuật và hào phóng thường cho các hoạ sĩ uống cà phê chịu và họ trả tiền ông bằng tranh) nên nơi đây lưu lại rất nhiều tranh vì thế Nguyễn Tuân có nói tuy hơi “bốc” một chút nhưng là sự thật: “Hữu ngạn sông Seine có bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có cà phê Lâm”!
Hình quán cà phê Lâm trên đây treo đầy tranh ảnh của các bậc họa sĩ nỗi tiếng, nhiều vị đã qua đời, nhiều vị đã già lắm.





Riêng, căn hầm này, chỗ tôi ngồi sơn vàng màu nắng chói chang treo cao thấp vài bức tranh của bạn bè, hoặc phần lớn do tôi vẽ bởi nỗi đam mê vụn vặt của chính mình.

Tôi nghe nói hiện nay người ta đang có xu hướng vừa bán cà phê vừa trang trí tranh do chính chủ nhân vẽ, hình thức như một loại Cà phê – Gallery khung cảnh đầy nghệ thuật như cách của hoạ sĩ Bùi Thanh Phương ở Hà Nội hiện nay, có lần ông dí dỏm: “Mình là một họa sĩ có thể tự hào là người có triển lãm tranh kéo dài lâu nhất ở Việt Nam và không biết bao giờ mới bế mạc, diễn ra tại Cà phê – Gallery 31 Cửa Đông, không xa Phái’s House là mấy. Quán cà phê được bài trí giản dị, nhưng không thể lẫn vào đâu được bằng các bức tranh mới sáng tác trong vài năm trở lại đây. Một không gian của cầu Long Biên, của biển, của rừng với phong cách có vẻ như được ảnh hưởng từ gam vừa dễ nhìn, vừa thực lại vừa ảo”….

Như tại Mỹ, ngay Tiểu bang Virginia, khu Eden – quán phở Xe Lửa của ông Toàn (Bò) có phong cách văn nghệ na ná như thế. Nơi đây tôi thấy cả bốn bức tường treo đầy tranh lớn nhỏ đủ loại của một số hoạ sĩ nổi tiếng và một số gửi trưng bày. Trong tiệm này, ngay góc cửa ra vào có cả một tủ lớn khoá kín đựng toàn sách do nhiều tác giả gửi tặng.

Ngoài viết, tôi còn thích vẽ, đụng vào khung vải là màu này réo gọi màu kia với niềm hứng khởi hoan lạc thật lạ lùng cuốn tôi vào như cơn xoáy….

. thuỵvi
(Hầm Nắng, tháng 5, 2012)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn