BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73531)
(Xem: 62252)
(Xem: 39447)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Vĩnh Phúc về Duyên Anh

13 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 1954)
Phỏng vấn Vĩnh Phúc về Duyên Anh
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.33
Anh Vĩnh Phúc nguyên là chủ biên chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC Luân Đôn. Tôi đã may mắn được nói chuyện với anh. Khi đề cập đến việc phỏng vấn anh về nhà văn Duyên Anh thì anh nhận lời ngay

LD: Dạ thưa anh, xin anh cho biết quan hệ giữa anh và nhà văn Duyên Anh trước cũng như sau 1975?

DuyenAnh-VinhPhuc-Luandon051984-236x300VP: Tôi chỉ chính thức quen và thân với Duyên Anh từ sau năm 1975. Khoảng năm 82 khi DA còn ở VN và khoảng đầu năm 83 khi anh ấy ở bên trại đảo Pulau Bidong (Maylaysia) , con gái DA từ Paris gửi về đài BBC Luân Đôn cho ông giáo sư Honey và tôi bản thảo tiếng Việt cuốn “Một Người Nga Ở Saigon” và cuốn “Đồi Fanta”. Tôi đọc và đề nghị anh ấy bỏ những phần chửi bới một vài nhân vật trong giới lãnh đạo cũ và giới cầm bút của Miền Nam đã ra sống tại hải ngoại. Anh ấy nghe tôi, bỏ bớt một vài chỗ. Sau đó, khi cuốn “Một Nguời Nga…” xuất bản, tôi đã điểm trên đài BBC. Cuối năm 83 DA sang sum họp với gia đình ở Paris, tôi đã sang gặp ngay,ở chơi với DA mấy ngày, và phỏng vấn để phát thanh trên đài. Sau đó, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau, hoặc ở Paris, hoặc ở Luân Đôn khi DA đem gia đình sang ở nhà tôi mỗi lần ít ngày. Trước lần DA đi Mỹ để sau đó bị hành hung, tôi đã khuyên nên thận trọng, đừng gây thêm thù oán nữa, vì ở đất Mỹ người ta có thói quen dùng bạo lực chứ không như ở Âu châu. Nhưng rồi chuyện không may vẫn xẩy ra như ta thấy.

LD: Ảnh hưởng của văn chương Duyên Anh đối với độc giả Việt Nam trước 1975?

VP: Trước 75, DA là nhà văn được rất nhiều người đọc, đặc biệt là giới trẻ. Có nhiều người gọi DA là nhà văn du đãng, nhưng thực ra, theo tôi, DA “viết về du đãng” thì đúng hơn. Tuy viết những truyện về thế giới du đãng nhưng kết thúc bao giờ cũng cho thấy những con người du đãng đó hướng thiện, muốn hối cải. Những du đãng trong truyện của DA thường là bị xã hội dồn đẩy vào cái thế phải làm du đãng để sinh tồn, để chống lại áp bức, chứ không phải bản chất họ hung bạo thích đâm chém. Và một khi những du đãng này được khai sáng cho về lẽ phải, về đạo lý thì họ biết cải tà qui chính, làm việc nghĩa… Vì thế những truyện này khơi dậy cái “anh hùng tính” nơi tuổi trẻ nên được giới trẻ ưa chuộng. Còn những truyện về thời thơ ấu của DA thì rất cảm động, chẳng hạn như đoản văn “Con Sáo Của Em Tôi”, ai đọc cũng thích, cũng mủi lòng. Chủ đề các truyện của DA thường là chống lại, đả phá những bất công xã hội.

LD: Nhà xuất bản Belfond (một trong ba nhà xuất bản lớn nhất nước Pháp) là nhà xuất bản quốc tế đầu tiên ký hợp đồng viết sách với một nhà văn Việt Nam: Duyên Anh. Như thế, họ đánh giá ngòi bút của nhà văn Duyên Anh ra sao?

VP: Khi một nhà xuất bản ngoại quốc định in một tác phẩm của một nhà văn nào, dĩ nhiên họ phải xét rất kỹ xem có xứng đáng hay không. Đặc biệt nhà Belfond là một nhà xuất bản nổi tiếng, tất nhiên họ đã tìm hiểu rất kỹ về tác giả trước khi quyết định in sách của DA.

LD: Nhà văn Duyên Anh có xứng đáng đi vào văn học sử Việt Nam?

VP: Nếu định nghĩa rằng một người cầm bút có một tác phẩm, một đọan văn hay, một bài thơ hay, được đưa vào sách giáo khoa, được đem bình giảng ở các trường học, là được “đi vào văn học sử”, thì Lưu Trọng Lư chỉ cần một bài “Tiếng Thu”, Thanh Tịnh chỉ một đoản văn “ Buổi Học Đầu” (Nếu tôi nhớ không lầm cái tựa ?, với câu mở đầu :”Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi…”), và DA chỉ cần một đoản văn “Con Sáo Của Em Tôi” cũng đủ rồi. Tôi nói vậy, vì bài này đã được Bộ Giáo Dục VNCH cho in vào sách giáo khoa giảng day ở bậc trung học, và trường SOAS (School of Oriental and African Studies : Trường Đông Phương và Phi Châu Học) của Đại học Luân Đôn dạy và dùng làm một đề thi của một chứng chỉ Cử Nhân về Việt học .

LD: Tại sao nhiều nhà văn Việt Nam (trước 30/4/1975) chỉ công nhận rằng Duyên Anh là nhà văn được độc giả đọc nhiều nhất nhưng ông ta sẽ không được đi vào văn học sử Việt Nam vì đã không viết cho các tờ như Sáng Tạo, Văn... ?

VP: Tôi không được đọc lời phê phán này của các nhà văn đó. Nhưng các vị đó lấy tư cách gì để phán xét như vậy? Theo thiển ý, những tờ như Sáng Tạo, Văn… mà anh vừa kể không thể nhất thiết là tiêu chuẩn để đánh giá xem một nhà văn có được “đi vào văn học sử” hay không ! Có thiếu gì những nhà văn nhà thơ có tài mà vì lý do nào đó đã không viết trên các tạp chí này, như thế lại có nghĩa là họ không xứng đáng hay sao ? Tôi mong rằng có lẽ lời phán xét như anh vừa kể đã bị in lầm chăng ? Nhưng mà việc gì ta cứ phải thắc mắc cái chuyện “đi vào văn học sử”. Chuyện đó đối với bất cứ người cầm bút chân chính, đứng đắn và khiêm tốn nào cũng không phải là điều quan tâm đâu. Họ viết vì nhu cầu thôi thúc cần viết để trang trải một điều gì đó thôi chứ không phải nhắm cái đích được vinh danh đâu. Chuyện đó cứ để rồi thời gian sẽ trả lời.

LD: Người ta nói Duyên Anh có rất nhiều kẻ thù vì Duyên Anh đã "đụng" đến quá nhiều người. Tuy nhiên, với bút hiệu Thương Sinh trước 1975, ông ta cũng đã "đụng" đến cả tổng, bộ trưởng, cha cố, nghị sĩ, dân biểu, sư mô... nhưng tiểu thuyết của Duyên Anh vẫn được đọc nhiều nhất, được giảng dạy trong các trường trung, đại học, được mời đi diễn thuyết tại các chủng viện, được nhiều kẻ thù nhất và cũng được ca ngợi nhiều nhất. Các nhà văn như Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng... rất ca ngợi văn tài của nhà văn Duyên Anh. Sau ngày 30/4/1975, hiếm hoi nhà văn Việt Nam công khai lên tiếng ca ngợi văn tài Duyên Anh (với các tác phẩm mới như: Đồi Fanta, Một người Nga ở Sài Gòn...), tại sao?

VP: Như tôi vừa nói, một nhà văn chân chính và khiêm tốn không quan tâm tới sự kiện mình được ca ngợi hay không. Nếu mình viết hay, được người ta ca ngợi thì cũng tốt. Mà không cũng chẳng sao! Vả lại, đôi khi những lời ca ngợi mang tính chất xã giao, thù tạc, thì nhà văn tự trong cũng chẳng ham. Còn sau 30/4/75 ít có người ca ngợi DA là vì đa số đã chán cầm bút rồi và rút vào bóng tối, ở ẩn. Một số khác còn viết thì cũng bận rộn, và chỉ “cầm bút tay trái thôi”, hơi sức đâu mà làm việc đó! Vả lại “hữu xạ tự nhiên hương”.

LD: Đánh giá của anh về thơ của "thi sĩ" Duyên Anh?

VP: Duyên Anh làm thơ nhanh và rất “có lửa” trong những bài đả phá Cộng sản và bọn lãnh đạo hèn nhát và thối nát trước kia. Chữ trong thơ rất mới lạ và gợi hình. Nhiều bài mang tâm sự u uất chán chường của một người thất thế sống lưu vong. Ví dụ trong bài “Bài Lưu Đầy” DA viết từ Paris và gửi sang Luân Đôn tặng tôi, có những câu :
… Ta đến đây đành ở lại đây
Cuối đời thấm thía kiếp lưu đầy
Nghẹn ngào sách vở từng trang mục
Chữ nghĩa vèo bay như lá bay…

Tôi đã phải nhắc nhở và “động viên” tinh thần ông ấy như sau :
Đến được đây ta ở lại đây
Có ai vui kiếp sống lưu đầy
Sao vội quên câu “sông có khúc”
Địa ngục thiên đàng ai tỉnh say.

LD: Anh có thể cho biết về con người của nhà văn Duyên Anh: tốt, xấu...?

VP: “Nhân vô thập toàn”. Tôi biết vậy nên chấp nhận một người bạn với tất cả cái tốt và cái xấu của người ấy. Anh ta có thể có nhiều cái mà người khác không ưa, miễn là anh ta đối với tôi chân thành. Tôi chấp nhận DA vì nhiều lần tôi nói rất thẳng mà anh ấy không giận tôi, có những lần còn nghe lời tôi. Với người khác chắc là bị anh ấy giận vì DA nhiều tự ái, cao ngạo. Vốn ra đời tay trắng lập sự nghiệp, thân tự lập thân mà lại thành công nhanh quá, nên sinh kiêu. Vả lại, trong một xã hội đầy bất công và thối nát suy đồi, DA dùng ngòi bút tung hoành thì gặp toàn lũ hèn chân lấm bẩn không dám chống lại, nên DA càng “lộng”. Đánh phá lung tung nên có nhiều kẻ thù. Nhưng họ ghét và sợ ngòi bút đanh đá của Thương Sinh mà không dám ngang nhiên đối mặt trả đũa khiến cho DA càng ngày càng quá tự tin và xem thường thiên hạ, nói năng viết lách thiếu dè dặt đụng chạm lắm người nên lại càng thêm kẻ thù. Trong thâm tâm, DA thương giới trẻ thiếu người dẫn dắt bị thiệt thòi trong xã hội vì nghĩ tới chính thân phận mình.

LD: Anh nghĩ gì về hai tiếng "ăng ten" người đời gán cho nhà văn Duyên Anh?

VP: Tôi may mắn không phải đi tù như DA và nhiều anh em khác nên chỉ biết cảnh sống trong tù qua các cuốn hồi ký về nhà tù cộng sản, do đó không thể trả lời được. Cách hay nhất là cứ tìm những người đã ở cùng trại tù với DA để hỏi thì rõ. Còn những điều “nghe nói” thì không có gì khả tín cả.

LD: Một người Trung Hoa, nghiên cứu về "mặt trận văn hoá" chống cộng sản Việt Nam đã liệt kê danh sách các nhà văn Việt Nam như: Nguyễn Huy Thiệp, Duyên Anh, Dương Thu Hương... (bài viết này đã được dịch sang Việt ngữ đăng trên tờ Người Việt, quận Cam). Các nhà văn được kể tên đều là nhà văn sống dưới chế độ cộng sản, trừ một nhà văn Duyên Anh thuộc miền Nam Việt Nam. Theo anh, ảnh hưởng của ngòi bút Duyên Anh trong "mặt trận văn hóa" chống chế độ độc tài cộng sản Việt Nam như thế nào? Tại sao chỉ có mỗi một nhà văn miền Nam Duyên Anh đeo đuổi "mặt trận văn hóa" chống cộng sản.

VP: Không phải sau này DA mới viết văn chống cộng đâu. Từ hồi chưa nổi danh, DA đã làm những bài vè cho Bộ thông tin thời mới có cuộc di cư để tuyên truyền chống cộng đấy. Hiện nay ở hải ngoại không phải là không có những người cầm bút khác chống cộng đâu, nhưng mỗi người có lối viết khác nhau. Còn những người cầm bút nào nay đã thôi chống cộng,hay thậm chí có người đã quay 180 độ nữa, thì chỉ chính những vị đó biết được lý do thầm kín của hành động của họ mà thôi. Tất nhiên, cộng sản họ rất ghét những người cầm bút chống họ, vì họ quan niệm đấy là những phần tử cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay, ở ngoài này người nào viết lách ra sao,nói năng ra sao, cộng sản họ biết hết. Họ có cả một bộ phận chuyên theo dõi từng người cầm bút hải ngoại, nhất là những người có uy tín.

LD: Làm thế nào để khôi phục danh dự cũng như vinh danh nhà văn Duyên Anh?

VP: Câu hỏi này có hai phần : Phục hồi danh dự cho DA. Tôi không nghĩ rằng DA đã bị mất danh dự bao giờ mà phải phục hồi. Chỉ những trường hợp như các nhà văn hóa lớn, các nhà trí thức của Trung quốc bị Mao Trach Đông mở cả một chiến dịch bôi nhọ hạ nhục thời Cách mạng văn hóa thì sau này mới cần phục hồi danh dự cho họ. Còn DA chỉ bị một vài người viết lại một cách không đẹp theo “lời đồn” thì có gì phải bận tâm nếu thực sự anh ấy không làm những điều xấu đó. Còn những người ghét DA thì đó là chuyện cảm tình riêng tư, là quyền của người ta. Việc vinh danh cho DA: Nguyễn Tuân có cần ai vinh danh không? Nhất Linh có cần ai vinh danh không? Trái lại ta đã thấy có người muốn bắt chước Nguyễn Tuân viết văn cầu kỳ lập dị rồi tự cho mình, hoặc được một số người bốc lên, là Thái sơn văn học, mà có ra cái gì đâu ? Tôi nghĩ rằng nếu còn sống, DA sẽ đỏ mặt khi “bị” vinh danh, tuy rằng ngoài miệng DA vẫn có thói ăn nói ngông nghênh tự đề cao này nọ…

LD: Sau hết, anh có những gì có thể chia sẻ được cho em và cho những độc giả luôn trung thành với nhà văn Duyên Anh?

VP: Theo tôi, DA là một con người cô đơn. Về vật chất, trước kia có thời khá giàu, làm giàu khá nhanh trong khoảng độ mười năm. Nhưng về tinh thần chưa hẳn là có hạnh phúc. Là một người thông minh và có trí nhớ rất tốt, chịu khó đọc, và đọc nhiều. Một lần ngồi uống rượụ ở Paris, đã say rồi mà DA còn đọc lại cho tôi nghe liền một mạch 390 câu thơ anh làm trong tù. Tiếc rằng trí nhớ này bị hỏng sau vụ anh ấy bị hành hung vì bị chấn thương não. Cũng từ sau ngày ấy cuộc sống của DA càng bất hạnh thêm tuy đã hết sức phấn đấu cầm bút lại bằng tay trái (nghĩa đen) vì DA là người rất nhiều nghị lực do tính tình vốn cao ngạo. Tôi biết anh có cuộc sống nội tâm đau khổ nhưng vì cao ngạo nên không nói với ai dù là bạn thân. DA viết văn, làm thơ nhanh, và còn viết nhạc nữa. Văn viết sáng sủa giản dị chứ không cầu kỳ lập dị. Có tài chế ra những chữ mới, góp công làm giàu thêm cho ngôn ngữ Việt. Khi viết văn cho tuổi thơ, tuổi trẻ, DA hiền lành mơ mộng, nhưng khi viết báo duới các bút hiệu Thương Sinh, Thập Nguyên, Bếp Nhỏ v.v lại trở thành độc địa, đểu cáng. Đó cũng là cái đa dạng của ngòi bút DA.

LD: Xin cám ơn anh

Thực hiện tháng 4/2002
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn