BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72631)
(Xem: 62055)
(Xem: 39151)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Bạch Thái Hà về Duyên Anh

11 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 1643)
Phỏng vấn Bạch Thái Hà về Duyên Anh
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Lê Dinh: Xin anh sơ lược qua về tiểu sử?

Bạch Thái Hà: Tôi sinh năm 1936 tại Hải Phòng, vào Nam năm 1947, học trường trung học Yersin Dalat và Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ra trường tôi dạy việt văn đệ nhị cấp Tại trường trung học Pháp Blaise Pascal, Đà Nẵng từ 1960 đến 1966. Cuối năm 1966, tôi nhập ngũ khóa 24 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Tháng 08/1967 ra trường, tôi lên Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị làm Quản thủ thư viện. Năm 1974, tôi được biệt phái về Nha Báo Chí Phủ Tổng Thống ngồi dịch thuật cho tới ngày 30/04/1975. Tháng 06/75 tôi bị đi học tập cho tới tháng 09/1977 thì được trả về địa phương. Tháng 07/1979 cùng gia đình, tôi vượt biên qua Mã Lai và tháng 08/79 cả gia đình tôi qua Pháp định cư. Tại Paris nhờ có việc làm ổn định trong một cơ quan xã hội ASSEDIC de Paris, tôi dành thì giờ rảnh rỗi mở Văn Phòng Xã Hội tại Thư Viện Diên Hồng chỉ dẫn giúp bà con về thủ tục hành chánh và xã hội tại Pháp từ 24 năm nay.

LD: Anh quen biết hoặc giao thiệp với nhà văn Duyên Anh trước hay sau 1975, trong hoàn cảnh nào?

BTH: Tôi không hề quen Duyên Anh hay một nhà văn nào trước 1975. Tôi đến với Duyên Anh khi anh mới qua Pháp năm 1983 trong tinh thần tương trợ một khi tôi đã và đang làm việc xã hội lúc đó được bốn năm.

LD: Anh có thể cho biết về hoàn cảnh, tâm trạng, suy nghĩ của Duyên Anh vào những ngày tháng mới đặt chân lên đất Pháp?

BTH: Duyên Anh tới Paris tháng 10/1983. Cũng như đa số người tỵ nạn khác không hề biết gì về cơ cấu điều hành xã hội tây phương, suy nghĩ của Duyên Anh cũng dựa vào lề lối xã hội Việt Nam trước năm 1975. Nhưng tuyệt nhiên Duyên Anh không hề nghĩ đến một việc làm chân tay, họa may chỉ nói khơi khơi cho có vẻ lãng mạn, Duyên Anh chỉ nghĩ làm sao có thì giờ ngồi viết văn và tiểu thuyết. Ngay khi còn ở trại tỵ nạn Mã Lai, Duyên Anh đã hoàn tất Một người Nga ở Saigon, Đồi Fanta. Tới Paris, Duyên Anh liên lạc ngay với LM Mais, văn hào Ghislain Ripault để hai người kịp thời dịch và chỉnh lại bản dịch.
nhavanduyenanh-300x279
Duyên Anh cũng gặp may mắn khi được anh Mai Trung Ngọc, giám đốc nhà xuất bản Nam Á tận tình giúp đỡ thuê nhà và trả tiền nhuận bút cao cho Duyên Anh. Và chỉ sáu tháng sau, tập thơ Nhà tù đã ra mắt bà con tại Paris (1). Lúc đó phương tiện ấn loát còn thô sơ, hay nói cho đúng ra người Việt không có tiền mua máy tối tân, nên anh Mai Trung Ngọc phải in tập thơ với một máy in cũ. Nếu ai đọc kỹ những sách đầu tiên của Duyên Anh do nhà sách Nam Á in như quyển Thơ tù (1984), Một gười tên Trần Văn Bá (1985) Sỏi đá ngậm ngùi (1985), Bầy sư tử lãng mạn (1986), Một người Nga ở Saigon (1986), Nhánh cỏ mộng mơ (1987)(2), những tác phẩm này đều được đánh dấu tay.

LD: Động cơ nào khiến anh quyết định dịch bài "Chút tâm sự của người làm thơ trong tù" ra tiếng Pháp?

BTH: Thời gian Duyên Anh bị ngục tù cộng sản, nhóm Ân Xá Quốc Tế ở Lannion, Côtes du Nord, phía Tây Bắc nước Pháp bảo trợ cho Duyên Anh. Khi được tin Duyên Anh qua Pháp, nhóm AXQT Lannion mời Duyên anh đến Lannion vào tháng 04/1984 chơi cùng thăm các người bạn Pháp trong nhóm. Tôi đi cùng Duyên Anh tới Lannion. Đến nơi trưởng nhóm Lannion là kỹ sư Jacques Provendier mới cho hay có mời ký giả các nhật báo địa phương đến phỏng vấn Duyên Anh. Ngay tối hôm đến Lannion, tôi vội dịch phần nhập đề Thơ tù của Duyên Anh ‘Một chút tâm sự của người làm thơ trong tù’ (Duyên Anh, Thơ tù. Paris, nxb Nam Á, 1984, 102 tr.), phòng hờ còn có vài câu chuyện nói với ký giả.

LD: Ngoài tình bạn, còn có một nguyên nhân nào khác để anh không nề hà làm những công việc tỉ mỉ như: "đánh máy, phô tô cóp pi, in bìa, đóng tập, cắt xén đủ 100 cuốn cho nhà văn Duyên Anh mang đi Grenoble tặng khách mộ điệu thi ca"?

BTH: Duyên Anh cho tôi hay Giám đốc nhà hát Théâtre Action ở Grenoble phía đông nam Paris, ông Fernand Garnier mời anh xuống nhân buổi Chu kỳ đọc thơ mỗi chiều thứ sáu. Tập thơ tù của Duyên Anh đã được sư huynh dòng La San Trần Văn Nghiêm dịch rất công phu, Ghislain Ripault góp ý thêm về cú pháp sao cho có hồn thơ. Kinh nghiệm lần đi Lannion, thơ tù dịch xong nhưng chưa được in, tôi đánh máy được 20 bài thơ, cộng thêm bài ‘Một chút tâm sự của người làm thơ trong tù’. Sau đó Duyên Anh nhờ anh Mai Trung Ngọc, nhà sách Nam Á làm bìa và đóng sách được 100 bản tặng cho khách đến dự buổi đọc thơ ngày 23/05/1986 tại Grenoble. Duyên Anh đọc Thơ tù bằng tiếng Việt, Ghislain Ripault đọc thơ tù bằng tiếng Pháp. Cả hội trường im lặng nghe và thổn thức. Ngoài ra, tôi không có một ẩn ý hay lợi lộc nào khi đến với Duyên Anh.

LD: Điểm đặc biệt nào của Thơ Tù, theo anh, đã làm cho người Pháp để ý tới?

BTH: Thơ tù không nói tới hận thù, oán ghét mà chỉ đề cập tới nỗi thống khổ cùng cực con người phải chịu đựng trong ngục tù cộng sản: tù nhân đào đất bị trúng mìn, phải cưa chân với lưỡi cưa cùn cưa gỗ (Về nỗi thống khổ thật mới, tr.52), khi tháo gỡ loạt bom mìn, bom nổ, người banh xác, kẻ cụt chân, người vỡ ngực, kẻ bay lưng, người hộc máu, kẻ mù luôn (Tin mừng tr.71) và nhiều thảm cảnh khác, nhưng cùng một lúc dạy con người ‘giải tỏa niềm ẩn ức..., gieo trồng hạnh phúc..., không dạy căm hờn..., phản phúc..., không làm điều ô nhục..., bơi lội ngược dòng như con gọng vó..., chịu đựng chín nhường..., khoan dung..., tha thứ kẻ đã đày anh xuống địa ngục’ (Như con gọng vó tr.31). Tính nhân bản, xóa bỏ hận thù giữa con người và con người, lời thơ đơn giản, chân thật đã gây cho người Pháp nhiều cảm xúc.

LD: Theo anh, tại sao văn chương của Duyên Anh được nhà xuất bản Belfond một trong ba nhà xuất bản lớn nhất Paris để ý và trả tiền hợp đồng để anh ấy viết độc quyền một số tác phẩm cho Belfond?

BTH: Muốn giới thiệu một cuốn sách của một nhà văn ‘vô danh’ cho một nhà xuất bản nổi tiếng thường phải qua một ‘agent littéraire’, một nhà văn chuyên nghiệp đại diện cho tác giả, làm trung gian giữa nhà xuất bản và tác giả. Duyên Anh may mắn được gặp nhà văn Ghislain Ripault. Tiểu thuyết "Một người Nga ở Saigon" được viết khi Duyên Anh còn ở trại tỵ nạn Mã Lai. Điều hay là Duyên Anh đã đoán biết được sở thích của người tây phương để viết về mối tình của một kỹ sư Nga với một thiếu nữ Việt Nam. Sách đã được Linh Mục Jean Mais thuộc dòng Missions Etrangères dịch. Duyên Anh, Ghislain Ripault và tôi cùng bàn luận xem dịch nguyên bản có chuẩn không. Duyên Anh sau mỗi chương thường cho độc giả biết trước điều gì sẽ xảy ra cho chương kế tiếp. Chúng tôi quyết định bỏ những đoạn cuối từng chương một để độc giả nôn nóng muốn đọc tiếp chương sau và những chương kế tiếp cho đến chương cuối. Khi sách được in ra Un Russe à Saigon (nxb Pierre Belfond, Paris, 1983, 185 tr.) tôi vẫn thích bản dịch hơn là nguyên bản, có lẽ nhờ có sự hồi hộp chờ đợi sau mỗi chương khi chúng tôi bỏ phần tóm lược chương sau, làm cho câu văn không bị lập lại. Trước khi ra mắt sách, Belfond đã gửi hơn trăm cuốn Un Russe à Saigon đến các nhà báo, nhà phê bình văn học và ký giả đài phát thanh và truyền hình để họ đọc trước. Tới ngày ra mắt sách tại trụ sở nxb Belfond số 216 Boulevard St Germain, Quận 7 Paris, nxb Belfond đã in sẵn cả một hồ sơ báo chí (Dossier de presse) về Duyên Anh để phát cho khách hiện diện. Nơi phòng khánh tiết Belfond, các ký giả vì đã đọc xong sách Duyên anh, đặt câu hỏi về động cơ nào, trong hoàn cảnh nào Duyên Anh đã dựng truyện Một người Nga ở Saigon.

Bình thường khi một nhà xuất bản có tiếng nhận in một cuốn sách, nhà xuất bản in ít nhất lần thứ nhất 10000 cuốn và những lần kế tiếp 20000, 50000, 100000 hay hơn 100000 cuốn nếu sách bán chạy. Nhà xuất bản luôn tiên liệu sách khả dĩ bán chạy và ràng buộc tác giả phải độc quyền viết thêm cho nhà xuất bản ít nhất ba cuốn nữa trước khi tác giả đổi ý kiến thay đổi nhà xuất bản khác. Ngoài sách in ra bán chạy còn có những lãnh vực thương mãi khác nhà xuất bản có thể khai thác như dịch sang các ngoại ngữ khác, quay phim cuốn tiểu thuyết, dựng chuyện trên đài truyền hình, bán đồ chơi đủ loại, quần áo, giầy dép, nữ trang các nhân vật trong phim mặc và trưng diện,... Phải nói là người tây phương rất sòng phẳng, trước khi sách được tung ra thị trường, tác giả, cả hai dịch giả đều được trả tiền tác quyền và dich thuật và khi số sách bán được, tác giả được nhận thêm tiền tính theo một số bách phân trong số tiền bán sách.

LD: Phản ứng của người Pháp nói chung và người Việt lưu vong nói riêng khi "Một người Nga ở Sàigòn" được dịch ra Pháp ngữ và xuất bản bên Pháp?

BTH: Người Pháp nói chung rất là niềm nở đón nhận một câu chuyện thời sự trong một quốc gia cộng sản lúc đó còn khép kín. Câu chuyện lại nêu cao tình yêu oan trái giữa đôi tình nhân Nga-Việt. Người Việt nói riêng sững sờ khi hay tin cuốn sách được in bán chỉ 3 năm sau khi Duyên Anh định cư tại Pháp. Phải nhìn nhận tiểu thuyết của Duyên Anh đã được in 9 năm trước khi các sách của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh ... được Kim Lefèvre và Phan Huy Đường dịch ra pháp văn. Lúc đó thông tin trong cộng đồng Việt Nam rất yếu, may nhờ anh Mai Trung Ngọc tổ chức một buổi tiếp tân giới thiệu sách của Duyên Anh. Đài phát thanh RFI chương trình Việt chỉ ra đời năm 1991.

LD: Anh đã được đọc qua những bài thơ trong "Nhân danh Những gì tôi biết" của Duyên Anh - Độc Ngữ? Nhận xét của anh về Nhân danh những gì tôi biết? Anh có thể so sánh sự khác và giống nhau nào giữa "Thơ Tù" và "Nhân Danh Những Gì Tôi Biết"?

BTH: Dưới bút hiệu Thương Sinh (văn xuôi) và Độc Ngữ (văn vần), Với tập thơ "Nhân danh những gì tôi biết", Duyên Anh lăn xả vào cuộc bút chiến chống cộng, chống mọi tệ đoan xã hội, đả kích những người phản bội anh, vu khống anh và vô nhân dùng võ lực đả thương anh đến xuội bại chân tay. Ngòi bút sắc bén của Duyên Anh không từ ai, nêu đích danh những kẻ phản bội dân tộc, phản bội bạn bè, lợi dụng thời cơ làm giàu bất chính. Đương nhiên hai tập thơ tương phản nhau. Một đằng, "Thơ tù" hiền hòa, bao dung, xóa bỏ hận thù, đằng khác, "Nhân danh những gì tôi biết" hiếu chiến, đả kích thậm tệ những kẻ trục lợi, ‘ăn cắp..., cuỗm vợ..., chụp mũ..., bêu nhục nỗi khổ thuyền nhân..., lạc quyên, xổ số’, gây thêm thù hận với thành phần xã hội bị nêu danh.

LD: Tại sao con người Thương Sinh bừng sống trở lại sau 1975?

BTH: Duyên Anh bị ngục tù CSVN trong 6 năm. Vừa ra khỏi tù đã bị bêu xấu là ăng ten. Đây chỉ là tiếng đồn chứ ít có báo nào dám khẳng định sự kiện này. Cũng chỉ vì tiếng đồn mà mọi người khựng lại không còn nhìn thấy công trình văn hóa Duyên Anh đóng góp cho nước nhà. Oan khiên này Thương Sinh đã đả kích dữ di trên tờ Ngày Nay những người hay hội đoàn đã muốn dìm anh trong đống bùn nhơ. Những bài Thương Sinh viết đăng trên Ngày Nay đều viết tay và gửi qua Mỹ, nhưng thường đọc bài qua điện thoại khi Ngày Nay gọi điện thoại từ Kansas sang Paris dục bài. Một mặt những bài báo bút chiến đều đăng trên các báo ấn hành bên Mỹ. Báo bên Pháp hầu như không có vì phí tổn in và phân phối báo rất cao và chỉ có nguyệt san Chiến Hữu, Nhân Bản, Ái Hữu, nội dung nghèo nàn và nếu có viết cho các nguyệt san đó thì cũng chỉ viết chùa. Tình trạng này vẫn kéo dài cho tới ngày nay. Mặt khác, nhà xuất bản Nam Á ra sách truyện của Duyên Anh đều đều. Sự quân bình giữa sáng tác và bút chiến và nguồn lợi tức đến từ nhiều nhà xuất bản Pháp, Việt, nhà sản xuất phim làm cho Duyên Anh viết lách nhiều hơn. Tại Pháp Duyên Anh là nhà văn duy nhất sống với nghề viết văn, thơ và nhạc, viết dàn bài cho vài cuốn băng của Thúy Nga. Các nhà văn khác đều phải đi làm nghề khác để sinh sống.

LD: Nhà văn Duyên Anh thường rất ít tự hào về tài năng viết văn của mình. Nói một cách khác, Duyên Anh chỉ dám nhìn nhận mình là "thợ viết". Độc giả sẽ là người đánh giá đúng mức nhất. Tuy nhiên, về phương diện làm thơ, Duyên Anh không ngần ngại mà rằng: "Thơ ta nghe vẫn dạt dào kiêu sang". Hoặc như khi nói với Vũ Trung Hiền về thơ Độc Ngữ: "Đọc xong em sẽ nghe nghẹn ngào rồi bốc lửa". Theo anh, đến lúc nào người Việt Nam sẽ nói nhiều về thi sĩ Duyên Anh?

BTH: Thơ Duyên Anh luôn độc đáo, gy gọn, sáng sủa. Đọc một bài thơ Duyên Anh, người ta lại muốn đọc một bài khác và cứ thế người ta bị lôi cuốn qua các chủ đề sáng tạo, sinh động. Ai đã đọc thơ Duyên Anh, chắc chắn sẽ tìm đọc những bài thơ khác. Người ta sẽ nói nhiều về thi sĩ Duyên Anh trong Hội thơ, trong những chủ đề đưa ra như nhà tù, thơ chống cộng, sức chịu đựng của con người qua những chông gai của cuộc đời. Hữu xạ tự nhiên hương, thơ Duyên Anh được in ra để bán chứ không phải chỉ bán được khi ra mắt tập thơ, sau đó giữ cả trăm tập ở nhà như nhiều nhà làm thơ đã phải bỏ tiền túi ra in tập thơ của mình.

LD: Ngoài "Thơ Tù" và "Nhân Danh Những Gì Tôi Biết", còn một tập thơ khác của Duyên Anh là "Em, Tôi, Sàigòn và Paris". Có thể nói đây là tập thơ "Tình" của Duyên Anh? Tình quê hương, tình người, tình bạn bè, tình đời...?

BTH: Thơ Duyên anh đa dạng, đượm tình dân tộc, thơm mùi giáo lý Quốc Văn Giáo Khoa Thư, hay nhắc lại những truyện cổ tích xưa như Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Lý Thông. Duyên Anh thích dùng từ anhem làm nhẹ hẳn tình cảm lai láng trong câu thơ. Anh cũng không bao giờ quên những người bạn chân tình với anh và cảm hứng anh sáng tác thơ để tặng TT Thích Nhất Hạnh, Dương Nghiễm Mậu, Vũ Trung Hiền, Phạm Kim Vinh...

LD: Nhận định của anh đối với nhận xét của Oliver Todd về các tác phẩm của Duyên Anh: "Cách đây hai năm, qua ‘Một người Nga ở Sài Gòn’, người ta đã so sánh ông với Vercors. Ngày nay với tác phẩm ‘Đồi Fanta’ (Belfond xuất bản) nhà văn Duyên Anh, cân nhắc trên mọi tầm vóc, chẳng mấy chốc sẽ là Soljenitsyne Việt Nam."?

BTH: Ta không nên so sánh nhà văn này với nhà văn nọ, họa may chỉ trong một chủ đề nào đó như nhà tù cộng sản Liên Xô và Việt Nam. Mỗi một nhà văn sẽ có chỗ đứng riêng trong xứ họ, trong văn học quốc tế. Olivier Todd trước đó khuynh tả, sau thấy rõ bản chất vô nhân và độc ác của cộng sản, ngả theo phe hữu, chống cộng triệt để và rất có thiện cảm với người Việt Nam chống cộng. Gần một năm sau khi Duyên Anh bị đả thương và tật nguyền, Olivier Todd đã viết trên tuần báo Paris Match ngày 09/03/1989 câu trên nhằm ca ngợi Duyên Anh về cốt truyện Đồi Fanta.

LD: Trước 1975, các nhà văn Việt Nam ca ngợi các tác phẩm của Duyên Anh hết cả lời để khen ngợi! Ngay cả Tạp Chí Giáo Dục cũng đã phải viết: "Xét về phương diện giáo dục tuổi thơ thì "Bồn lừa" quả là cuốn sách phải đóng gáy vàng đặt trong thư viện của mỗi trường học để giục lòng yêu nước cho tuổi trẻ. Tưởng không có một cuốn sách Công dân Giáo dục nào cụ thể hơn, hữu hiệu hơn để dạy dỗ tuổi thơ thế nào là niềm tin dân tộc, thế nào là vinh quang của một dân tộc. Bồn lừa với nội dung của nó là một truyện tươi son nhất viết cho tuổi thơ trong lứa tuổi 15, 16. Nhưng nghệ thuật của nó vẫn là nghệ thuật được tôi luyện." Sau 1975, các nhà văn Pháp cũng đã phải ca ngợi các tác phẩm của Duyên Anh. Trái lại, các nhà văn Việt Nam, các hội đoàn, các trung tâm văn bút đều im hơi lặng tiếng! Anh có thể giải thích sự "tréo cẳng ngỗng" ấy như thế nào?

BTH: Duyên Anh qua Pháp tháng 10/1983, ngày 30/04/88 bị đả thương tật nguyền ở Quận cam Hoa kỳ, thời gian trôi qua chưa đầy 5 năm. Dưới ngòi bút Thương Sinh các bài viết của Duyên Anh trên báo Ngày Nay Hoa kỳ đả kích thậm tệ những người bạn đã phản bội anh, những người đã phao tin đồn anh chết, làm ăng ten. Ai cũng sợ ngòi bút của Duyên Anh, sợ bị Duyên Anh chỉ đích danh trên mặt báo. Duyên Anh thường tâm sự với tôi anh rất quý và tốt với bạn. Nhiều nhà văn khi gặp khó khăn về tài chánh, Duyên Anh tặng các bạn 50000, 100000 đồng là sự thường. Anh kể tôi nghe những nhà văn được anh giúp đỡ mà không đòi hỏi họ phải trả lại tiền anh. Thế mà qua tới Pháp, anh được biết vài bạn đã phản bội anh, bôi nhọ anh. Ba năm sau định cư tại Pháp, tác phẩm Un Russe à Saigon ra mắt độc gỉa Pháp, nhiều người lại e dè Duyên Anh và cho tới khi anh bị đả thương, không ai hay hội đoàn nào dám bênh vực Duyên Anh hay phê bình về sự đóng góp văn học của anh. Vả lại nếu phê bình sai, họ lại sợ Duyên Anh viết bài chỉ trích họ. Tôi nhận thấy Duyên Anh rất nhạy bén nhận xét ưu điểm hay khuyết điểm của một bài viết.

LD: Khi nhà văn Duyên Anh bị "tẩy chay" bởi những nhà làm văn hóa, những phong trào chống cộng thì anh là một trong số rất ít bạn thân của Duyên Anh đã "đi đến hn nhau đến tận cùng". Anh có thể cho biết tại sao?

BTH: Đó chỉ là tình người, tình bạn. Tôi đứng ra tổ chức một buổi quyên tiền giúp Duyên Anh, tôi cũng rất tiếc nhiều nhà văn sinh sống tại Pháp không đến tham dự. Tôi nghĩ đây chỉ là những hiềm khích người ta còn để bụng và một sự sợ hãi vô cớ, sợ bị họa lây khi người ta đồn nhóm nào đã chủ mưu đả thương Duyên Anh. Ngoài ra tôi được biết chỉ có anh Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ nhiệm và chủ bút nguyệt san Làng Văn bên Canada dám viết trên báo Làng văn bênh vực Duyên Anh.

Tôi nghĩ phải làm sáng tỏ xem Duyên Anh có làm ăng ten hay không. Chơi với Duyên Anh, tôi không hề nghĩ Duyên Anh làm ăng ten. Tôi cũng đã từng đi học tập cải tạo, đã từng viết bản tự khai giống như Duyên Anh miêu tả trong bài thơ "Tra tấn":

Người ta đưa cho anh một xấp giấy trắng
đã kiểm soát số trang
Anh có thể gạch xóa nhiều hàng
Nhưng cấm anh xóa bỏ
Tư tưởng anh bị soi kính hiển vi từng cái chấm nhỏ
Viết gì
Tự khai
Tự khai gì
Cuộc đời anh từ lên mười đến ngày vào rọ.


Thế nhưng tôi may mắn hơn Duyên Anh, tôi chỉ làm bản tự khai một tháng một lần, nhiều lắm là hai lần và cho tới ngày tôi được về với gia đình. Cao lắm tôi viết cả thảy năm bản tự khai. Thế Duyên Anh làm bao nhiêu bản tự khai, ta hãy nghe Duyên Anh kể :

Này bạn
Bạn sẽ chép lại được mấy lần bức thư tình đã viết
Riêng tôi tôi rất oanh liệt
Viết bốn trăm lần một bản tự khai


Duyên Anh kể tôi nghe ngày nào cai tù cũng mở khóa lôi anh lên ‘làm việc’, làm bản tự khai, ngày này qua tháng nọ, năm kia. Nếu là tù nhân khác, chắc hóa điên, làm sao mà chịu đựng nổi viết tiểu sử đời mình tới bốn trăm lần! Và khi trở về cachot, anh mệt lả người, thì giờ đâu mà đi mách lẻo khi chúng hành hạ, muốn tẩy não làm mình mất trí nhớ luôn.

Trong một bài thơ khác về Nỗi thống khổ đáng sợ, Duyên Anh đã đếm và đã trải qua ‘hai ngàn tám mươi đêm’ trong ngục tù cng sản, tính ra là năm năm tám tháng. Chỉ có những người tù mới đếm ngày tháng xem sức chịu đựng của con người đi tới đâu, và chỉ có Duyên Anh mới có trí nhớ dai, nhắc lại từng chuyện, đọc nguyên cả một bài thơ hay ca dao. Ngay khi anh bị tật nguyền, tay mặt bị tê liệt, anh tập viết tay trái và chữ viết của anh không khác gì chữ viết khi anh chưa bị đả thương. Nghị lực, sáng suốt, anh tiếp tục sáng tác cho tới ngày anh qua đời.

LD: Ngoài văn, thơ, Duyên Anh còn làm nhạc. Văn, thơ Duyên Anh đã chứng tỏ ở quê nhà và quê người. Thế còn nhạc, anh có ý kiến gì?

BTH: Duyên Anh sáng tác nhạc, ai cũng ngạc nhiên. Ngay tựa đề bản nhạc đọc lên đã thu hút khách hàng như Ru đời phù ảo, Giọt nước mắt theo anh, Sầu cỏ lá... Anh tung ra thị trường hai băng nhạc Ru đời phù ảo do nhiều ca sĩ hát như Bạch yến, Ngọc Hải, Quốc Anh, Văn Tấn Phát và Còn thoáng chiêm bao do Quỳnh Dao diễn tả. Anh còn soạn lời cho những sáng tác của nhạc sĩ Lương Ngọc Châu.

LD: Trong "Động Lòng Chữ Nghĩa", Duyên Anh tâm sự: "Tôi không có phòng riêng, thậm chí không có bàn riêng ngồi viết. Tôi viết trên bàn ăn. Đang viết say sưa, vợ bảo dẹp lấy chỗ dọn cơm. Cảm hứng văn chương biến vụt. Thời kỳ này u ám lắm. Vậy mà, ít nhất, đã có hai "Việt kiều" lạ hoắc thân ái tìm tôi, yêu cầu cho tôi nhà ở và việc làm lương cao. Tôi từ chối, "gạt lệ" từ chối. Tôi chưa đầu hàng cộng sản và không đầu hàng cộng sản ở Paris, giá bình dân. Khi đó, mấy thằng giẻ rách bỉ thử

tôi "làm ăng ten trong tù", "làm tay sai cho cộng sản". Bọn thân cộng ở Paris, ở Bruxelles còn mớm tin bẩn cho quốc gia bảo tôi do "cộng sản gửi sang", "KGB huấn luyện"! Trước ngày tôi qua Paris, ông Trần Tam Tiệp đã "giàn chào" tôi trên báo Nhất Việt. Qua Paris rồi, ông phao tin tôi "bị ném xuống biển", tuy rằng, ông vẫn phục vụ tôi một cách kính cẩn. Đến anh cớm Mai Đen, lò dò tới Montreuil kiếm tôi, cũng đần độn cảnh giác Nguyễn Hoàng "coi chừng, nó cộng sản đấy"!".

Anh biết gì về những nhân vật Duyên Anh đề cập ở trên? Duyên Anh thường tâm sự với anh về những người, những câu chuyện đó?

BTH: Duyên Anh viết sách không có phòng riêng, đó là sự thật. Chuyện trong gia đình Duyên Anh, tôi xin miễn bàn. Về Mai Đen tôi không biết nên không có ý kiến. Anh Trần Tam Tiệp lúc đó là chủ tịch Hội Văn Bút Việt Nam. Anh người hiền lành hay gửi quà về giúp đỡ anh em văn nghệ sĩ ở bên nhà. Anh chỉ có mỗi một cái tội với Duyên Anh là phao tin đồn Duyên Anh làm ăng ten. Chuyện này, Duyên Anh không tha thứ và Duyên Anh đã thẳng tay đả kích anh Tiệp dưới ngòi bút Thương Sinh.

LD: Những ai đã từng là bạn của Duyên Anh đều nhận xét: "Duyên Anh chơi với bạn rất chân tình". Ý kiến của riêng anh về nhận xét ấy?

BTH: Ai gặp Duyên Anh cũng mến anh. Anh nói chuyện rất có duyên. Ngồi chơi với anh cả giờ không chán. Anh lấy một đoạn văn anh vừa sáng tác, vừa đọc vừa phê bình, phân tích tại sao anh dùng ý này, từ nọ mà lại không dùng ý nọ từ kia. Đôi khi anh còn giải thích tiết điệu trong câu văn, dù câu đó chỉ là văn xuôi. Ngồi ăn uống với bạn bè ngoài quán ăn, anh không ngần ngại xin phép bà chủ quán vào bếp nấu món ăn cho anh em. Anh không muốn ai mắc nợ anh, dù đó chỉ là một bữa cơm thân hữu. Khi anh ghét ai, anh cũng nói thẳng, không hề sợ mất lòng. Đôi khi nỗi oan khiên đó ám ảnh anh trong sáng tác. Anh đọc tôi nghe những bài biết trong cuốn "Ca dao quyện lấy miếng ngon dân tộc" (3). Tôi đương thèm nhỏ rãi cách anh nấu cua đồng thì bỗng nhiên phần cuối bài anh chuyển qua đả kích CSVN, quốc gia tứ tung. Tôi phải khuyên Duyên Anh hãy để tôi thưởng thức món ăn dân tộc và bỏ phần đả kích kia đi. Duyên Anh đã nghe tôi và độc giả sẽ theo Duyên Anh nấu ăn ngon hơn với đủ ngũ vị và ngũ sắc khi dọn món ăn lên.

LD: Duyên Anh đã làm rạng rỡ văn chương Việt Nam. Duyên Anh đã làm rạng rỡ tổ quốc Việt Nam. Duyên Anh đã thúc giục lòng yêu nước cho tuổi trẻ Việt Nam... Thành quả của Duyên Anh đóng góp cho đất nước Việt Nam không thể nào phủ nhận được. Thế nhưng, cho đến nay, Duyên Anh vẫn chưa được đối xử một cách công bằng! Giải thích làm thế nào cho thỏa đáng, cho hợp tình, hợp lý về trường hợp vô lý, không thể chấp nhận được tưởng như chỉ có thể xảy ra dưới chế độ cộng sản độc tài nhưng lại vẫn đang "tồn tại" trên những vùng đất mệnh danh tự do , yêu chính nghĩa, ghét gian tà...?

BTH: Một tác phẩm có giá trị sẽ vượt không gian và thời gian, tự nó tồn tại và ai hiếu kỳ muốn biết sẽ tìm đoc. Trường hợp của Duyên Anh đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết phải kể đến gia đình Duyên Anh, nhiều người không muốn đụng chạm đến dù họ biết là viết về Duyên Anh, đâu cần hỏi ý kiến gia đình Duyên Anh.

Các bạn Duyên Anh, mỗi người định cư một nơi khác, qua báo chí cũng chỉ biết một phần nào về Duyên Anh, vài bạn bị Duyên Anh đích danh đả kích cũng chẳng có hứng viết về đồng nghiệp của mình. Bạn Duyên Anh rất hiếm, Duyên Anh cho nhiều hơn là nhận, mà người nhận thường có mặc cảm với người cho, tốt hơn không nói gì hết. Vả lại biết viết gì về Duyên Anh ? Bắt đầu từ đâu và kết thúc ra sao ?

Ngoài ra những đoàn thể chống cộng, ít nhiều trách nhiệm về việc đả thương vô nhân một nhà cầm bút còn đó, hơi đâu khơi mào sự kiện khả dĩ lụy tới thân. Thêm vào đó phương thức chống cộng cũng thay đổi khi CSVN mở cửa đón tiếp người tỵ nạn về thăm quê cha đất tổ và nhận tiền của bà con ta gần 3 tỷ mỹ kim mỗi năm. Các văn nghệ sĩ, nhiều người đã lớn tuổi, gần đất xa trời, trở về thăm quê nhà với nhiều lý do về tình cảm gia đình, tư lợi, thăm bà con, bạn bè và xem xét tình hình xem mình có thể về ở luôn bên nhà, "miễn là đừng nói gì về chính trị chính em". Ngọn lửa chống cộng với thời gian đã cạn dầu. Viết về Duyên Anh tức phải viết về Duyên Anh chống cộng triệt để, như vậy lại sợ tên mình nằm trong sổ đen của CSVN, khó mà về Việt Nam yên ổn.

LD: Thưa anh, xin anh vui lòng cho biết một vài phương cách để đưa tên tuổi Duyên Anh vào vị trí xứng đáng với những đóng góp của anh ấy cho tổ quốc Việt Nam.

BTH: Duyên Anh không cần phải giải oan vì Duyên Anh đâu có tội gì ? Duyên Anh không khi nào làm ăng ten. Nội tên Duyên Anh đọc lên, mọi người đều nể, thầm nghĩ sao nhà văn này lắm tài. Đáng trách là anh chàng võ sĩ đã muốn triệt Duyên Anh, dùng võ thuật để triệt một người hiền, nhất là một nhà văn thì hèn thật. Anh chàng võ sĩ đó phải tự thú với bà con ta và xin lỗi hương hồn Duyên Anh và vị thầy đã truyền nghề võ cho anh. Vả lại Duyên Anh đã tha thứ anh rồi, đâu còn chuyện đưa anh ra trước vành móng ngựa để xử nữa ? Ở đời này không có sự thật nào lại không được khui ra ánh sáng. Bên trời Âu, dù Đệ Nhị Thế Chiến đã chấm dứt gần nửa thế kỷ này, người ta vẫn truy lùng kẻ đã sát hại cả chục, cả ngàn người Do Thái.

Người ta nghe nói nhiều về Duyên Anh, nhưng ít người lại tìm đọc văn chương của Duyên Anh trước năm 1975 và sau năm 1983. Một cuốn sách xuất bản lâu năm chưa đọc, đối với tôi vẫn là một cuốn sách mới. Chúng ta hãy điểm sách hay giới thiệu với bạn bè những sách Duyên Anh viết trong hai thời kỳ nói trên. Nên nhớ Duyên Anh sáng tác cả trăm tác phẩm, bạn chỉ cần đọc một nửa số sách ấy cũng sẽ phác họa được chân dung Duyên Anh.

Tháng 12 - 2003


(1)- Thơ tù. Paris, Nam Á. 1984, 112 tr., 40 F.

(2)- Một người tên Trần Văn Bá. Paris, Nam Á, 1985, 193 tr. 65 F.

Sỏi đá ngậm ngùi. Paris, Nam Á, 1985, 230 tr. 70 F.

Bày sư tử lãng mạn. Paris, Nam Á. 1986, 238 tr. 70 F.

Một người Nga ở Saigon. Paris, Nam Á. 1986, 199 tr. 70 F.

Nhánh cỏ mộng mơ. Paris, Nam Á. 1987, 185 tr. 70 F.

(3) Ca dao quyện lấy miếng ngon dân tộc. Pasadena, USA, Vũ Trung Hiền xuất bản.1995, 199 tr., 16 $US.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn