BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73525)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tìm hiểu sự thực mấy trăm giờ giảng dạy đại học trong một hồ sơ xin xét phong danh hiệu phó giáo sư

03 Tháng Hai 199212:00 SA(Xem: 1956)
Tìm hiểu sự thực mấy trăm giờ giảng dạy đại học trong một hồ sơ xin xét phong danh hiệu phó giáo sư
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nguyễn Đình Ước


Ngày 19/9/1990 Nhà nước ta đã có Thông báo số 31/HV-CDKH về công tác phong chức danh khoa học Giáo sư, Phó Giáo sư như thường lệ. Nét đặc biệt của đợt sắc phong này là ở chỗ: Đây là lần cuối cùng Nhà nước cho phép xét phong đặc cách - tức là xét cho cả những người vì hoàn cảnh nào đó, không có học vị Phó tiến sĩ, cũng có thể được công nhận học hàm Phó Giáo sư. Nên chi, không khí xét chọn ở các cơ sở khẩn trương hơn, cố gắng không bỏ sót những người thực học. ấy là điều thật đáng hoan nghênh. Tuy nhiên có nơi, do quan niệm chưa đúng đắn, đã quá chú ý đến những người có chức có quyền, đưa ra xét một cách "nóng vội" "gò ép" mà không chú ý đến chất lượng, không lấy tiêu chuẩn làm chính (1). ở đây, chúng tôi xin đơn cử một hồ sơ xin xét phong để chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm.

 Theo tiêu chuẩn của Nhà nước, ai muốn được phong danh hiệu Phó Giáo sư, ngoài các tiêu chuẩn rất rõ ràng, còn phải có ít nhất 250 giờ giảng dạy đại học (thực sự hay qui đổi). Trong hồ sơ nộp tại Hội đồng xét phong Bộ Quốc phòng và hiện lưu tại Hội đồng học vị và chức danh khoa học Nhà nước, anh Nguyễn Đình Ước Thiếu tướng, Viện phó Viện Lịch sử Quân sự đã xin được vị chi là 380 giờ. Song chỉ xét hai trong bốn giấy chứng nhận đó đã có nhiều điều thật đáng băn khoăn. Đó là:

 1. Giấy chứng nhận của Học viện Nguyễn ái Quốc, với nội dung: Học viện Nguyễn ái Quốc chứng nhận đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đình Ước nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, hiện là Phó Viện trưởng Viện LSQS đã tham gia giảng dạy cho cán bộ thuộc Học viện về "Đường lối quân sự của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" từ năm 1968-1972: 30 tiết, ký ngày 01/1/1991 (2). Chúng tôi thấy như sau:

 a. Ngày 29/11/1988, Bộ trưởng Bộ ĐHTHCN và DN Trần Hồng Quân đã ký Quyết định số 156/QĐ-SĐH, giao chuyên ngành đào tạo NCS cho Học viện N.A.Q. Từ đó, những người mời đến giảng dạy tại đây mặc nhiên được xem là giảng dậy đại học. Tuy mang danh nghĩa Học viện, nhưng 30 tiết giảng dạy ghi trong giấy chứng nhận cho anh Nguyễn Đình Ước lại không thể xem là "giảng dạy đại học được". Vì mãi đến ngày 27/7/1986 Bộ Chính trị mới ra Nghị quyết số 34/NQ-TW chuyển trường Nguyễn ái Quốc thành Học viện khoa học xã hội mang tên Nguyễn ái Quốc (3).

 b. Dù quả thật anh Nguyễn Đình Ước có giảng những năm 1968-1972 chăng nữa thì cũng không được xem là giảng dậy đại học, vì: mãi đến ngày 10/6/1983 Hội đồng Bộ trưởng mới có quyết định số 163/CT về việc đưa công tác đào tạo ở trường Đảng N.A.Q vào quy chế đại học (4). Tuy nhiên, mấy chục năm qua và cả hiện nay, đặc thù của Trường Đảng, Trường N.A.Q (và Học viện N.A.Q bây giờ) vẫn nhận nhiều học viên chưa học xong phổ thông trung học vào đào tạo, khoá dài nhất cũng chỉ là hai năm nên cái giấy chứng nhận HAI năm đó vẫn chưa được xem là bằng đại học.

 c. Có cơ sở để chúng tôi hoài nghi giấy chứng nhận này. Vì: Kể từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc ngày 07-2-1965 "Trung ương quyết định trường Đảng tạm ngừng mở lớp đào tạo dài hạn, sơ tán trường đến những địa điểm an toàn". Mãi đến sau thời Giôn xơn "Mỹ phải đàm phán với ta ở Pari" thì "Trường Đảng từ nơi sơ tán về tiếp tục mở các lớp từ 1969 đến 1973" (5), Vậy thử hỏi: năm 1968 Trường thì đóng cửa, đang ở nơi sơ tán, anh Nguyễn Đình Ước làm ở tờ báo hàng ngày làm sao có thì giờ để lên chỗ sơ tán. Mà để dạy dỗ ai năm 1968 khi nhà trường đóng cửa? d. ấy thế mà đồng chí Vũ Nhật Khải, mới làm Vụ trưởng Vụ quản lý đào tạo Học viện N.A.Q mấy năm nay, để bảo vệ cho chữ ký ngày 01-1-1991 của mình, ngày 16-1-1992 vừa rồi, vẫn viết thư gửi Hội đồng xét phong (qua Ban kiểm tra).

 "Vụ quản lý đào tạo Học viện N.A.Q một lần nữa khẳng định rằng thời gian kể trên Vụ quản lý đào tạo chúng tôi đã nhiều lần mời đồng chí Nguyễn Đình Ước đến giảng bài cho học viên là những cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước về những kiến thức về LSQS và vấn đề Đảng trong quân đội là hoàn toàn đúng sự thật".

 Ơ hay! sao ngày 01-1-1991 đối tượng giảng dạy của anh Ước được ghi là: "giảng dạy cho cán bộ thuộc Học viện mà ngày 16-1-1992 đồng chí Vũ Nhật Khải lại phóng to đối tượng này thành " Những cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước " nhỉ? Tại sao về nội dung giảng dậy ngày 01-1-1991 được ghi là "Đường lối quân sự của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" mà đến ngày 16-1-1992 lại ghi thành 2 nội dung: "Những kiến thức về LSQS" và "vấn đề Đảng trong Quân đội" nhỉ? Phải chăng những giờ giảng này là không có thực nên nội dung trả lời được thay đổi một cách tuỳ tiện?

 2. Về giấy chứng nhận mang số 250/VP của Tổng cục Chính trị: Với nội dung: Văn phòng Tổng cục chính trị chứng nhận đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đình Ước (..) đã tham gia giảng dạy cho cán bộ cấp cao:

 - Từ 1961-1988, 200 tiết về lý luận thời kỳ quá độ lên CNXH, đường lối quân sự và công tác Đảng, công tác chính Trị

 - Từ 1983-1990, 50 tiết về lịch sử QĐNDVN cho các "chuyên gia Liên Xô" ký ngày 20-9-1991. Chúng tôi thấy như sau:

 a. Chữ ký của đồng chí Thiếu tướng Chánh văn phòng TCCT Chu Tử Di là không đúng chức năng. Bởi vì chỉ có ai giảng dạy cho các lớp tập huấn do Bộ Quốc phòng triệu tập mới được coi là giảng dạy bậc đại học. Vậy thì những lớp tập huấn "cho cán bộ cao cấp" từ 1961-1983 đó, lớp nào là do Bộ Quốc phòng triệu tập? Nếu quả thật đó là những lớp do Bộ triệu tập mà đăng cai tại TCCT thì chỉ có các đồng chí phụ trách lớp tập huấn (từ 1961 đến nay phải là các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Song Hào, Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết và hiện nay là Lê Khả Phiêu) mới đủ tư cách và chức năng xác nhận.

 b. Đã vậy, mà giấy chứng nhận đó lại phi lý ở chỗ là có thêm chữ ký, con dấu của đồng chí Trung tướng Lê Hai, Phó chủ nhiệm TCCT "Xác nhận nội dung chứng nhận" của đồng chí Chánh văn phòng. Ai cũng biết rằng từ 13 năm nay, đồng chí Lê Hai thường xuyên công tác tại nước ngoài, vừa mới về làm Phó chủ nhiệm TCCT vài tháng nay. Thế thì một người xa Tổ quốc 13 năm, sao lại chứng nhận nội dung "giảng dạy" cho người ở nhà là anh ước? !

 c. Mà giả dụ như đồng chí Trung tướng Lê Hai có ở sát anh Nguyễn Đình Ước 13 năm qua thì: Sau khi chứng thực cho anh Ước 250 giờ giảng khống như thế, cũng còn phải có xác nhận của cơ quan chức năng là Cục Nhà trường mới có giá trị. Bởi vì, ngay từ ngày 20-1-1981, nghĩa là cách đây 11 năm, Bộ Quốc phòng đã có công văn số 91/QP do Thủ trưỏng ký, "Uỷ nhiệm cho Cục Nhà trường Bộ TTM là đầu mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ " (6). Chúng tôi hiểu: Một công văn như thế chứng tỏ sự nghiêm túc và chặt chẽ rất cao của quân đội nhằm đề phòng tình trạng các cơ quan vì nể nang thương hại cán bộ mà cấp cho nhau văn bằng, giấy chứng thực một cách tuỳ tiện trong lĩnh vực giảng dạy, học hành.

ấy vậy mà Ban Kiểm tra do Bộ Quốc phòng chỉ định lại quá thật thà: Thay vì bằng việc đi sâu vào ba lý do trên đây; thay vì bằng việc kiểm tra xem anh Ước đã dạy những lớp nào suốt 29 năm qua (1961-1990)? Ai quyết định mở những lớp đó? Lớp nào đúng là lớp tập huấn cấp Bộ? Giáo trình giảng là giáo trình gì? Phiếu nhận tiền thù lao "dạy cho Liên Xô" của anh Ước (ít ra từ 1985-1990) còn lưu trong sổ tài vụ chứ?.. thì lại tự đề ra cho mình nguyên tắc là "Kiểm tra xuống dưới một cấp ngưòi ký chứng nhận". Khổ một nỗi, người ký là Trung tướng Lê Hai và Thiếu tướng Chu Tử Di (cấp Tổng cục).

 Khói lửa đạn bom mấy chục năm chiến tranh đã rèn đúc cho quân đội ta một đức tính vô cùng quí báu, thể hiện nghiêm khắc trong "cơ chế quân hàm" là: Cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên. Vậy thử hỏi: Một khi mà cấp trên đã do cả nể mà cho không anh Ước 250 giờ giảng như thế, bây giờ Ban Kiểm tra về lại lấy chứng nhận của cấp dưới (là Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh, Thiếu tướng Phạm Quang Cận, Thượng tá Trần Việt) để minh chứng thì "phỏng tin được một phần nào chăng?" Một khi mà hai chữ ký đã do tình thương mến và sự chiếu cố mà có, thì dù cho 100 chữ ký do phải chấp hành cấp trên nhưng vẫn không đúng chức năng của cấp dưới áp đặt vào, cũng vẫn là vô nghĩa; vẫn là trái với công văn rất nghiêm túc ngày 20-1-1981 của Bộ Quốc phòng. Nên nhớ rằng Quân đội vốn chỉ là một bộ phận, một công cụ của Nhà nước. Vì những lẽ đó, chúng tôi cả tin rằng khó ai có thể chấp nhận một giấy chứng nhận như thế. Lại thử hỏi thêm rằng: 29 năm qua và ngay cả những năm gần đây nói là anh Nguyễn Đình Ước dạy dỗ những lớp nào mà còn không chứng minh được cụ thể thì làm sao lại dễ dàng cho nhau những con số giờ giảng dạy quá tròn trịa như thế (200 + 50 = 250 giờ )? ! Rằng: Chứng thực 200 gìơ giảng về 3 bộ môn khoa học như thế thì mỗi bộ môn cụ thể là bao nhiêu giờ. Cần phải nói thêm rằng: Trong buổi làm việc với Ban Kiểm tra rất chóng vánh (từ 8-9 giờ sáng 30-1-1992) chúng tôi đã được Ban cho xem giấy chứng nhận của Trường đại học Tuyên giáo do Hiệu trưởng là PTS Tô Huy Rứa ký (2-1-1992) cho anh Nguyễn Đình Ước 12 tiết "giảng dạy về báo chí năm 1966" với "Nội dung: Cách viết xã luận và bình luận". Nhận thấy đây là tờ giấy anh Nguyễn Đình Ước mới xin được, lại xét thấy anh chưa kịp nộp thêm vào hồ sơ hiện lưu tại các Hội đồng để vượt quá con số 380 tiết giảng dạy đã khai; vả chăng hơn 20 năm làm nghề cầm bút, chúng tôi chưa được đọc một giáo trình nào để học thêm về "Cách viết xã luận và bình luận" cũng lại chưa thật rõ ràng năm 1966 đã có Trường Đại học Tuyên giáo chưa?.. nên xin phép được miễn luận bàn về giấy chứng nhận này.

 Cũng còn do bị bưng bít thông tin đến cùng, mãi đến sáng ngày 30-1-1991 Ban Kiểm tra mới giơ cho chúng tôi xem và chỉ cho phép ghi chép tại bàn họp các giấy chứng nhận quá bề bộn "chứng thực về các sự chứng thực " cho anh Nguyễn Đình Ước - Mà cuộc họp chỉ có tính chất thông báo chứ không được thảo luận, tranh luận gì, nên chúng tôi không thể nào có thời gian xem xét toàn bộ mà chỉ xin trình bày hai trong số bốn, năm giấy chứng nhận mà về mặt khoa học, chúng tôi tự thấy có đủ cứ liệu chắc chắn "nói có sách, mách có chứng, trước bạn đọc. Nếu sự trình bày trên đây của chúng tôi đã đặt được một vấn đề - Hiểu theo nghĩa làm sáng tỏ cốt lõi của vấn đề được bạn đọc cho là phải, là chúng tôi vui mừng; vì đã mạnh dạn phát biểu được vài lời trước công luận, góp phần nhỏ bé của công dân vào việc xét phong hàm Giáo sư một cách công khai đợt này, để chúng ta có thêm nhiều giáo sự thực học.

 Ngày 3-2-1992
 Đào Thái Tôn




 (Giáo dục và Thời đại số 8, (1063) 24-2-1992)
 (1) Chữ dùng của Chỉ thị số 265/CT-QP ngày 9-11-1990 do Đại tướng Lê Đức Anh ký, hướng dẫn "việc xem xét và đề nghị phong CDKH GS-PGS trong Quân đội "
 (2) Chép nguyên văn. Những chữ in nghiêng in đứng là do chúng tôi.
 (3) Sơ thảo 40 năm phấn đấu trưởng thành (1949-1989). Học viện Nguyễn ái Quốc H.1989, Tr. 68
 (4) Văn kiện của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ đào tạo... Học viện N.A.Q H.1990, Tr.6
 (5) Sơ thảo 40 năm. Tài liệu đã dẫn Tr43, 45.
 (6) Những văn bản chủ yếu về công tác nhà trường.... Tập 4. Cục Nhà trường H.1991. Tr.3
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn