BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39443)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hai cô sinh viên ở lầu 2

05 Tháng Tư 200812:00 SA(Xem: 912)
Hai cô sinh viên ở lầu 2
53Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
3.85
Thư ngỏ gửi 2 cháu H và M... (thay lời giáo đầu)

Cho tới hôm nay, đã gần 30 năm không gặp lại hai cháu, Chú mạn phép hai cháu, kể lại một mẩu đời ngắn ngủi của hai cháu cho lớp trẻ hôm nay biết được các cháu đã phải trải qua những tháng năm khủng khiếp như thế nào do "những người bên phía chú" gây nên. Chú cầu mong, lạy Phật, lạy Trời, lạy Chúa lòng lành, lạy Thánh Allah:

1- Các cháu đang còn sống ở một nơi nào trên trái đất này đọc được những điều chú viết đây để một lần nữa các cháu tin là: Những người "nghệ sỹ có trái tim người" như chú đã có, đang có và còn có để đứng vào phía các cháu, luôn chia xẻ những niềm đau, nỗi buồn với các cháu trong quá khứ, hiện tại và tương lai.... và vẫn hy vọng sẽ có một ngày Chú Hải và các cháu lại gặp nhau, kể lại cái câu chuyện "nửa đêm gõ cửa xin Mì Tôm và vài giọt nước mắm" ngày xưa!

2- Nói "phỉ phui" là ...lỡ các cháu đã trở thành cát bụi, rục xương ở một vùng kinh tế mới nào đó hay đã làm mồi cho cá mập đại dương thì chú cầu chúc cho oan hồn các cháu ... đừng siêu thoát! Hãy cùng hàng chục triệu linh hồn oan khuất đang còn vất vưởng khắp hoàn cầu về đây, về Việt Nam này, hiển linh, báo mộng cho lớp trẻ hôm nay về cuộc đời "đầu thai nhầm thế kỷ" của các cháu, để đất nước ta, không bao giờ còn có cảnh CÁI ÁC THẮNG CÁI THIỆN nữa!

Tên của hai cháu, chú còn nhớ cả, nhưng chú xin phép gọi tắt là H và M... vì lỡ may ra các cháu đang có cuộc sống ổn định ở nước nhà hay bên trời xa mà đọc được những dòng này thì cũng coi đó là chuyện thật của ngàn vạn người khác, chẳng nên buồn gì về cái thời 23 Lý Tự Trọng đã qua mà ông già 82 tuổi này vẫn còn lẩm cẩm kể lại...



Căn hộ của tớ được phân phối chỉ cho phép tớ được quan sát có hai phía, qua cửa sổ có hai lớp rideau dày cộp và một lưới sắt chống muỗi. Các ông bà Tây đen có, Tây trắng có, Đài Loan, Phi Luật Tân, Pakistan... đủ loại tớ đều chạm trán hàng ngày, giữa hành lang hay ngay cầu thang máy... Tất cả, tớ đều "kính như viễn tri" vì tớ luôn cảm thấy mình không phải là đối tượng có thể bắt chuyện với họ... được. Tuy nhiên, sau những ngày đánh vật ở phòng thu hay đi họp hành về, tớ cũng có dịp để quan sát cái thế giới "Saigòn nhỏ" đó bằng cách nhìn qua lưới chống muỗi để phán đoán xem họ là loại người gì? Họ có nguy hiểm gì cho tớ không?... Khỏi nói đến những phán đoán vu vơ của tớ, họ dần dần cũng ra đi gần hết. Chỉ còn xót lại mãi đến những năm 80, 90 một cặp vợ chồng Phi luật Tân và một cặp Tầu Đài Loan. Tuy nhiên,c hỉ cách cửa sổ phòng khách của tớ chưa đầy 30 mét, có một cánh cửa sổ luôn luôn không kéo rideau bao giờ. Mỗi khi đi thu thanh khuya về, tớ thường không bật đèn, nhìn thẳng vào cái căn hộ đó như nhìn vào một màn hình 32 inch với tâm trạng thật ... êm ả và thanh thoát! Các friends có đóan được tớ đã thấy gì không? -Xin thưa: Dưới chân một chiếc bàn thờ nho nhỏ (mà tượng Chúa tớ chỉ nhìn thấy có một nửa), có hai người thiếu nữ hàng ngày quỳ đọc kinh rất khuya.... Tuy không nghe được lời cầu nguyện nhưng tớ "thấy" được tất cả những gì là thiêng liêng, là chân thật, là tin yêu nhất ở hai cô gái này... Tớ là một học sinh trường sơ, trường dòng, học nhạc père Rangel , thầy Bích, thầy Quảng nên biết khá nhiều các bài thánh ca... từ hồi còn nhỏ, nên tớ bỗng nảy ra ý định; Để góp thêm vào cái không khí thiêng liêng ấy của hai cô, tớ đặt lên máy hát điện cái đĩa 33 vòng/phút, nhẹ nhàng cho đọc lên bản "Magnificat" rồi đến "messe en si mineur" của J.S.Bach mà tớ mang từ Hà Nội vào. Ngày nào cũng vậy, tớ vừa được thư giãn bằng nghề nghiệp vừa giúp thêm cho sự bay bổng của niềm tin yêu của cả hai cô lẫn của tớ.... Cái chuyện hòa đồng không cần ngôn ngữ này cứ thế diễn ra mỗi tối kéo dài cho tới cái kết trọn bởi một hợp âm chủ đầy đặn và ngân dài của Bach thì ngừng lại cùng với động tác làm dấu thánh cuối cùng của hai cô... .Nó cứ thế diễn ra như một chương trình đã định sẵn.... Chẳng ai nói với ai điều gì. Chỉ có điều khác là : lúc trước khi gặp nhau giữa hành lang hay cầu thang máy, hai cô thường khép nép tránh sang một bên, nhường bước, im lặng thì nay, cả hai đều khoanh tay cúi đầu lí nhí trong miệng hai tiếng "chào chú!"

Cho đến một buổi tối, trời mưa nặng hạt,t ớ cùng họa sỹ LCN đang ngồi nghe "Sacre du pringtemps" của Stravínky thì có tiếng chuông... Tớ mở cửa thì... hai cô gái, áo dài trắng toát hiện ra trước như trong một giấc mơ! Thú thật là từ thuở bé, tớ chưa bao giờ tiếp khách đàn bà mà lại ăn mặc lịch sự chỉnh tề như thế.... nên cũng hơi có tí luống cuống, mặc dầu năm ấy tớ đã đúng 49 tuổi! Hai cô rụt rè bước vào và tự giới thiệu: "Bọn cháu ở tầng dưới,h ôm nay không được nghe nhạc của Bach nên tìm lên các chú nghe nhờ!" Chết chưa! Hai cô gái Sài gòn mà biết cả đến Bach thì đâu phải là người bình thường! Và chắc rằng các cô cũng đánh giá ba thằng "nghệ sỹ Việt Cộng" chúng tớ mà ngồi nghe những thứ "khó nghe" như "Khổ nạn Thánh Mathieu" (Passions de St Mathieu) thì chắc cũng phải là loại "Việt Cộng chơi được" nên các cô bàn nhau lên làm quen! Và thế là....tớ trở thành "Chú Hải" của hai cô từ đấy!

Thì ra, H và M đều từ Đà-Lạt xuống Sài gòn, H học Đại Học Y-Dược năm thứ 2, M học Đại Học Hành Chính (?)năm 2. Cả hai đều là con cưng của hai gia đình công giáo "có cỡ" và đều cùng là học sinh trường dòng. Do quen biết hay họ hàng gì đó với cha Bình nên được bố trí một phòng để trọ học không mất tiền ở cái Building này! H còn nói thêm: "Bố cháu đã tử trận tại Quảng trị năm 72.M ẹ cháu đang dạy học trển!" Còn M thì cho biết : "Bố cháu không đi lính nhưng là quan chức nghành ngoại giao của chính quyền, nay vừa về nước hết nhiệm kỳ thì..."giải phóng". Hiện nay đang phải đi học tập. Liệu có được về sớm không chú?"... Tất cả những gì hai cô cháu giãi bầy tâm sự với hai chú chỉ làm cho hai chú biết ậm ừ hoặc lắc đầu, ngậm hột thị!. Hình như hai cháu cũng biết tâm tư của hai chú nên các cháu cũng tế nhị trước, chuyển sang hỏi han về âm nhạc, về mỹ thuật với một trình độ hiểu biết hơn hẳn mấy ông nhạc sỹ chưa hề học nhạc ngày nào!

Cũng tưởng rằng mọi chuyện vui buồn của cuộc đời xảy đến rồi qua đi như ngàn vạn chuyện đời khác nhưng nào ngờ....câu chuyện về hai cô sinh viên này đã ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của con người tớ cho mãi đến ngày nay:

Số là: 1-Sau khi cao ốc Gia Long được giao cho (hay hiến cho?) nhà nước thì tất cả đều phải trả tiền. Nếu loại cán bộ được phân phối như tớ chỉ mất có 5 đồng tiền mới /tháng thì các vị "tại chỗ" xin cứ chi ra: Trước 25-50 nghìn thì nay là 250 hoặc 500 đồng tiền mới (lương tớ chỉ có 95 đồng). Khổ thân hai cô sinh viên, một cha tử trận, mẹ đi làm giáo viên, một cô bố đi học tập cải tạo, mẹ đang lo bán đổ bán tháo mọi đồ đạc tiêu dùng trong nhà di thăm nuôi chồng, hỏi làm sao có thể kham nổi những số tiền quá lớn vừa tiền nhà, tiền ăn ở,t iền học cho hai cô? Điều băn khoăn này, chỉ riêng có M, một tối nhân lên tớ "xin ít nước mắm về ăn cơm nguội" đã tâm sự cho biết... Ngồi nhìn con bé nước mắt đọng trên hàng mi dài, cong, nước da không phấn sáp mà vẫn hồng mầu Đà Lạt, tớ bỗng thấy mình...dại vô cùng! Bỗng dưng lại tự biến thành nơi "giải đáp về sự đời" cho mấy cô sinh viên không quen biết! Không những thế, tớ còn tiên đoán đến mọi tai họa mới sẽ còn giáng xuống đầu hai cô nhiều nhiều nữa! Tuy nhiên, tớ cũng không sao không tìm cách giúp đỡ hai cô được phần nào hay phần ấy. Trước tiên là giúp làm đơn có chứng nhận của Nhà Chung, coi hai cô như những nhân viên cũ (đang còn được tạm thời lưu lại )..... mà người làm chứng là tớ ! Chỉ riêng việc này thôi, tớ đã bị không biết bao điều tiếng là "Ách giữa đường mang quàng vào cổ" hoặc có kẻ ác ý hơn còn cho là tớ đã "có tí kiếm chác" được gì ở hai cô bé này. Chính những dư luận khốn nạn đó đã làm tớ nổi tự ái , thúc đẩy tớ công khai ra mặt bảo vệ hai cô đó khi bị dọa trục xuất ra khỏi cái cao ốc nay đã thuộc nhà nước.K ết quả là hai cô còn được "ở...chịu để xét đơn" cho đến tháng 10/75!.. .Nhưng tai họa mới lại chụp xuống họ...

2- Ngày nhập học, cả hai cô đều không có tên trong danh sách sinh viên năm học mới! Với hai cái lý lịch như trên vừa nói, việc "không đủ tiêu chuẩn" của hai cô là điều tất nhiên rồi! Tớ đã đoán trước được cả ! Tuy nhiên, đưa ra một lời khuyên gì bây giờ đây cho các cô sau hai cú đánh "nhà ở" và "học hành" thì tớ...ngọng! Chỉ có một con đường khuyên các cô "trở về với gia đình" ,tìm công ăn việc làm chờ thời thế xoay vần tính sau thì... chính các cô lại nói ra : "Về địa phương bây giờ còn nguy hiểm hơn nhiều! Các gia đình tướng, tá, quan cách ở trển đang bị o ép đủ kiểu, kể cả đưổi đi Kinh Tế Mới để lấy nhà, lấy đất!"

Tớ thật sự thương cảm và lo cho số phận hai con người chẳng hề dây mơ dễ má gì... ở giữa cái cảnh bế tắc này... thì.... một lớp sáng tác được tổ chức cho các nhạc sỹ trẻ đồng bằng sông Cửu Long đã kéo tớ "khuất mắt thông qua" cái cảnh đau lòng này.... Tuy tớ tập trung vào việc giảng dạy nhưng cứ lúc nào rảnh rỗi lại nghĩ về hai cháu sinh viên không may mắn M và H. Sau gần hai tháng có dịp trở về lại Cao Ốc 23 Lý Tự Trọng, tớ thật sự ngạc nhiên khi M và H vẫn...tồn tại!? Ngay buổi đầu tiên gặp mặt, M đã cho biết "Cả hai đã có công ăn việc làm!" và tiền nhà đã thanh toán đầy đủ. Tớ mừng cho hai đứa và càng ngạc nhiên hơn khi chiều về, H lại còn mang theo cả một bịch các thứ ăn, mua ở chợ cũ, kèm theo mấy lon bia mang lên nhà tớ... "mời chú ăn liên hoan!" Tớ để ý thì thấy cả hai ăn mặc có vẻ đã à la mode, mắt có quệt mascara, môi, má đã có điểm chút son hồng! Đến đây tớ đoán là các friends đã nghĩ tới một kết cục hết sức tầm thường và phổ biến là các cô này đã sống bằng vốn tự có"chứ gì? -Không phải, hoàn toàn không phải... Chính các cô đã sống được nhờ những tấm lòng của những con người nghệ sỹ chân chính.Tuy thời gian chúng tớ gây được tình cảm tốt đẹp với các cô không kéo dài được lâu nhưng ít nhất, đã hai lần cả H và M đã thú thật "Có lúc bọn con đã nghĩ tới tự tử vì hết chịu đựng nổi lời dèm pha của người đời rằng tụi con tồn tại được nhờ....làm điếm! Cảm ơn các chú đã vạch cho chúng con một cách sống sạch sẽ, trước khi ra đi mãi mãi khỏi mảnh đất không dành cho tụi con này!" Các friends có biết 2 cô sinh viên đó đã làm gì không? Thì ra trong thời gian tớ ở dưới Cần Thơ, giao căn hộ cho ông bạn họa sỹ LCN quản lý, ông ta đã giải thích về sự cao quí và công lao của những người mẫu trong sự nghiệp của các danh họa từ cổ chí kim... Họ đã làm sao, làm gì, làm thế nào, để góp phần lưu lại cho đời sau bao bức danh họa .... Và cả hai cô đều đã trở thành NGƯỜI MẪU DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG HỌA SỸ TỬ TẾ! Rất nhiều các họa sỹ miền Bắc (và cả ở Rờ ra) đã nhờ hai cô mà có nhiều tác phẩm.... mà tớ cũng chẳng ngại gì không kể đến một vài tên tuổi lớn như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... Cả hai chỉ vào Saigòn có một lần và đều vẽ H và M ở ngay nhà tớ một cách rất say sưa và thoải mái (Ở miền Bắc, muốn kiếm một người mẫu đích thực không phải là chuyện dễ dàng gì , chưa kể đến những trường hợp có họa sỹ đang vẽ người mẫu với đầy đủ áo quần cũng bị "quần chúng" phát hiện là...dâm ô đồi trụy phải lên Đồn "làm việc" hết sức rầy rà!-trường hợp họa sỹ S.V) . Thường thì mỗi buổi ngồi mẫu các cô đều được trả 50 đồng.Tuy nhiên cũng có người vừa vẽ vừa hỏi chuyện hai cô ,thấy thông cảm (có lẽ là thương hại nhiều hơn)đã không ngần ngại chi trả cả gấp đôi, gấp ba... Cần phải nói thêm là : rất nhiều người do không hiểu hội họa nên cứ nói đến người mẫu là nghĩ đến... người mẫu cởi truồng! Nhưng chính tớ đã chứng kiến, Bùi Xuân Phái chỉ vẽ có khuôn mặt và mớ tóc thôi đã mất cả một buổi.Tớ nhớ tất cả các buổi vẽ ở tại sa-lông nhà tớ, người mẫu đều mặc áo dài, áo kimono, một thứ "của hiếm" ở miền Bắc những năm chiến tranh. Và cứ thế ,một đồn 10, 10 đồn trăm, H và M trở nên người mẫu thân quen của nhièu họa sỹ ở miền Bắc mỗi khi có dịp vô Sài gòn! Cả hai, sống thoải mái, đắt khách, thậm chí có ông đạo diễn còn mang ra cả Hànội giới thiệu cho một số họa sỹ ngoài ấy! Kể ra hai cô cũng chẳng phải là tuyệt thế giai nhân gì. Được nhất chính là : mặt mày nhẹ nhõm và nhất là tính chất trong trắng, ngây thơ ở trong con mắt, nụ cười cộng thêm cái vốn có văn hóa trong giao tiếp nên rất "ăn khách".... Thế là từ hai sinh viên, hai cô đã bỗng chốc đổi nghề thành... người mẫu tử tế chuyên nghiệp. Riêng M, do có trình độ văn hóa âm nhạc tương đối cơ bản tớ đã bầy cho cách thi vào trường "Cao Đẳng Văn Hóa". Mới đầu M đã quyết tâm nộp đơn nhưng đến ngày thi thì không muốn thi nữa vì vẫn không tin vào cái lý lịch quá nặng căn của mình. Tớ phải đến tận phòng thúc giục, rồi chở đến tận trường. Gặp rất nhiều người quen, lính tráng cũ, tớ đều nhận là "cháu, con chú em", mặc kệ dư luận đàm tiếu. Kết quả M đỗ điểm cao, trúng tuyển nhưng....không muốn rời bạn, không chịu làm tiếp thủ tục, hồ sơ....Thì ra...trong lúc đi làm việc nơi này nơi nọ, cả hai đã được một "nghệ sỹ mả mẹ" nào cùng quê rủ rê chung tiền mua bãi vượt biên. Cả hai đứa đã về Đà Lạt chạy đủ hai cây mỗi người đóng góp cho hắn để rồi....chưa xuống bến đã bị tóm cổ hết vào tù... Còn hắn ta thì, ôm được một mớ cây, sau này đi thoát và đang "làm nghề"tại Mỹ! Chuyện này mãi 2 năm sau tớ mới biết khi có việc đang chạy Honda qua cầu Chà Và thì có tiếng gọi "Chú Hải!Chú Hải!" Dừng xe giữa cầu, tớ ngạc nhiên vô cùng khi có một người đàn bà nhỏ thó, ốm yếu trong bộ đồ bộ nhàu nát, đang lội bộ qua cầu, tay ôm một chồng bao xi-măng che khuất mặt. Giở nón ra thì...trời ơi! Chính là cháu sinh viên H ngày xưa! Gần hai năm tù đã biến cô gái Đà Lạt điển hình năm xưa thành một điển hình thanh niên vô sản thất nghiệp thế này đây! Dắt cháu vào một quán cà-phê gần đó, tôi ngồi nghe kể chuyện vượt biên thất bại, chuyện ê chề tủi nhục khi ở tù và chuyện khốn nạn, đểu cáng hơn nữa của một tên "văn-sỹ-kịch sỹ cách mạng" có tên... (thôi! nó chết rồi, cho nó được nằm im dưới địa ngục) khi gặp cô mới ở tù ra , đã do quen cô qua LCN, mà hứa hươu, hứa vượn, ... giúp đỡ qua loa, quít lít được tí tiền còm.... rồi biến về Bắc với bà vợ già cùng 4 đứa con, để lại cho cô cái bầu gần 3 tháng! Cô chưa biết cách xoay sở thế nào thì hôm nay gặp tớ. Hỏi về mẹ cô thì cô cho biết mẹ cô đã đi bằng đường Nha Trang nên đã thoát nhưng ...có đến được nơi nào chưa thì cũng còn cầu Chúa lòng lành! Riêng M thì đã trở về Đà Lạt giúp mẹ buôn bán kiếm sống qua ngày vì với cái thân hình tàn tạ, sau khi ở tù ra làm sao còn có thể tiếp tục kiếm ăn bằng nghề người mẫu được nữa! Tớ giận điên lên với cách hành xử của thằng nhà văn-kịch sỹ mất dạy và không nỡ để H trong hoàn cảnh khó khăn do "người mình" gây ra, nên hẹn H.... đúng sáng sớm mai có mặt ở bệnh viện Từ Dũ. Tớ có quen một bác sỹ ở miền Bắc mới vào, tớ sẽ nói với ông ấy lấy dùm cái thai ra. (Thời đó việc đi nạo thai đâu có dễ ợt như ngày nay) Mọi việc đều tiến hành êm ả mặc dầu tớ biết trong ánh mắt của ông bác sỹ và mấy cô y tá, chẳng sao tránh được ý nghĩ : "Tác giả cái thai này là chính tớ chứ của ai nữa!" Mặc kệ ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, buổi chiều tớ vẫn đến chở H bằng Honda về bên kia cầu Chà Và, nơi cô đang giúp việc cho một gia đình ....trước kia từng làm... vú em nuôi H, khi bố H còn là sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Công Hoà, một giáo dân miền Bắc di cư mà ngồi nói chuyện một lúc tớ cảm thấy ngay đây là những con người còn tình thương để sống với nhau. Tớ yên tâm trở về sau khi rút ví lấy một số tiền nho nhỏ đặt vào tay H, gập lại và nói: "Chú chẳng có gì, chỉ có tấm lòng thôi! Cháu cố gắng chịu đựng chờ tin má!"..... Tin má liệu có không? H có đi được theo diện gia đình tử sỹ không? Tớ không bao giờ còn gặp lại H và M nữa. Nhưng khi nào nghĩ đến hai cháu H và M thì tớ luôn cầu chúc cho họ sớm vượt qua những cay đắng tủi nhục của cuộc đời. Tớ nguyền rủa cái tên "nghệ sỹ mả mẹ" và cái tên Văn-sỹ-kịch-sỹ ma cô! Cả hai đứa sống trên hai trận tuyến mà lòng dạ chúng đều mất dạy, đểu cáng giống nhau. Tớ cũng giận tớ luôn vì tại sao mình có một trái tim không đen tối, một cái đầu không đến nỗi u mê mà chẳng làm gì được hơn những chuyện "vá víu vặt những mảnh đời bất hạnh" để rồi đến lúc sắp gần đất xa trời, bỗng thấy mình quá ư kém cỏi, quá ư hèn nhát, quá ư lạc lõng, quá ư yếu thế để có thể làm được một "cái gì đó" to tát hơn, giá trị hơn là những bài entry rút ra từ phần "hồi ức bi thương" của chính tớ mà, mỗi chữ tớ gõ lên máy như đều mang theo từng giọt nước mắt khóc cho nỗi đau, nỗi khổ do những con người "tính bản ác" đã và đang còn gieo rắc, đọa đầy, hủy diệt... những CON NGƯỜI "tính bản thiện"! Bao giờ mới hết những số phận oan khiên của những H, những M... và hết cái cảnh "sáng mắt nhưng tối lòng" như tớ đã phải trải qua?

Tô Hải

05-04-2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn