BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73492)
(Xem: 62248)
(Xem: 39439)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tù Việt Nam ở Mã Lai và Mẹ của những đứa con tù

20 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 905)
  • Tác giả :
Tù Việt Nam ở Mã Lai và Mẹ của những đứa con tù
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56
Đối với người lao động Việt Nam, thị trường Malaysia vẫn là một thị trường hấp dẫn người lao động vì chi phí xuất cảnh rẻ, không cần tay nghề.

Tải xuống để nghe

Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường rủi ro, theo báo Lao Động khoảng 40,7% số lao động phải về nước trước thời hạn. Nhiều lao động bị chủ đối xử tệ, không trả đủ lương thậm chí còn quỵt lương của người lao động cho nên nhiều người đã phải bỏ trốn ra ngoài.

Rất nhiều người bị cảnh sát Mã Lai bắt giam trong chiến dịch lùng bắt lao động bất hợp pháp của chính phủ Mã Lai. Tường An đã đi thăm một số công nhân Việt Nam đang ở tù tại Mã lai và tường trình.


Nhà tù ở Malacca - Malaysia. Photo by Tường An/RFA



Đem con bỏ chợ


Xuất khẩu lao động trên lý thuyết là một lối thóat khỏi cảnh nghèo khó cho thành phần nông dân trong các vùng sâu vùng xa, mong muốn chính của công nhân lao động nước ngoài là muốn có tiền trước là trả nợ sau là cải thiện đời sống gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, trung bình phải đến 18 tháng họ mới trả hết nợ. Ngoài ra, rất nhiều công nhân vì bị chủ mắng chửi, hành hạ và trả lương không đủ nên đã bỏ trốn ra ngoài.

Một số tìm việc làm khác ở ngoài, một số phải liên lạc với gia đình ở Việt Nam làm lại giấy tờ khác để có thể trở về Việt Nam, nhưng phần lớn họ đã bị cảnh sát Mã Lai bắt lại vì không có giấy tờ tùy thân. Hộ chiếu của họ đã bị chủ công ty giữ khi vừa đặt chân đến Mã Lai. Theo giáo hội Tin lành tại Mã Lai con số không chính xác khoảng 7000 đến 8000 người lao động Việt Nam đang bị tù khắp nơi từ Penang đến Johor Baru, Melaka.

Anh Minh, một công nhân đang bị giam tại trại tù Mahkamah Sesyen ở Melaka cho biết:

"Có một lần con bị ốm, con không đi làm được 1 tháng. Chủ nó không cho con nghỉ phép mà chủ nó đã trừ lương con và phạt con 1 ngày 50 Ringit mà con không có tiền trả mà con phải bỏ đi."

Trong bộ quần áo tù với vẻ mặt buồn bã, thất vọng, không biết tương lai mình sẽ về đâu, anh Hiền tâm sự:

"Trường hợp của con là con làm hết 3 năm trong nhà máy rồi, công ty không mua vé cho con về, sắp hết hộ chiếu của con rồi đuổi con ra ngoài thì đành phải ra ngoài thôi. Đến giờ này thì đi vào đây."

Theo quyết định 61 của bộ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mức tiền tối đa một lao động nam phải trả cho bên trung gian môi giới là 300 đô la Mỹ, với lao động nữ là 250 đô la. Tuy nhiên, trên thực tế số tiền mà mỗi lao động phải trả cho các công ty môi giới để được đi lao động ở Mã lai là 20 cho đến 22 triệu đồng Việt Nam tức1000 đến 1200 đô la.


Chị Huệ trước nhà tù ở Melacca. Photo by Tường An/RFA


Và khi đến Mã lai, đa số các lao động này bị rơi vào tình trạng « đem con bỏ chợ ». Họ không biết phải kêu cứu với ai, không có cả số điện thoại để liên lạc khi gặp chuyện rắc rối với chủ.

Anh Nhàn cho biết đã đóng 1000 đô la Mỹ cho công ty môi giới, nhưng sau đó thì:

"Con tới đây con chả biết môi giới đâu, con chỉ biết làm việc với ông chủ thôi mà. Làm việc với ông chủ 1 thời gian thì con bỏ ra ngoài vì chủ hay mắng."

Anh Lành cũng than thở về công ty môi giới của anh là công ty Natoco, phố Nông trang, thành phố Việt trì, Phú thọ. Anh nói:

"Trong công ty môi giới cũng nói đầy đủ trong thủ tục hợp đồng nhưng mà khi đóng tiền xong rồi thì người ta chỉ biết đưa mình sang đây rồi giao cho bên này chẳng cần biết là được hay không được, giao cho bên này người ta chịu trách nhiệm."

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có tới hơn 90% số nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động là người nông thôn. Anh Minh quê ở Thanh hóa, cũng là 1 trong số các nạn nhân, anh nói :

"Đợt con đi sang đây con trả công ty Senco4 ( ?) 20 triệu, nó đưa con sang đây 2 năm, nó lại đưa con về, xong nó lại đưa con sang đây. Con nghĩ rằng môi giới nó bán con ạ."
Theo báo Lao Động, tại Mã lai có đến 47% lao động không trả được hết nợ trước khi về nước. Nhiều công nhân trở về nước không những không trả được nợ, mà còn nợ nặng hơn khi số tiền vay trước khi đi. Anh Lành rất thất vọng và hối hận là đã chọn con đường xuất khẩu lao động.

Bây giờ hối hận quay về thì cũng chẳng được gì, mà qua đây thời gian cũng không phải là ngắn. Nếu mà như ở Việt Nam thì cũng có thể thay đổi. Đi sang bên này trong 5 năm hoặc 7 năm cũng chẳng giải quyết được gì.

Đã mất tiền còn bị tù


Chị Huệ Rivera, một giáo sĩ Tin lành. Người Mỹ gốc Việt, định cư tại Texas. Chị đến Mã lai năm 2003, định đi 6 tháng, nhưng nhìn thấy hoàn cảnh đáng thương của công nhân Việt Nam chị đã ở lại đây đến nay là gần 7 năm.

Chị Huệ cho biết đã chứng kiến nhiều trường hợp cảnh sát Ma Lai bắt công nhân Việt nam:

"Khi các em đi từ Việt Nam qua đây thì tốn 1 số tiền rất là lớn. Đi qua đây thì thất vọng, đi qua đây thì gặp những công ty không có việc làm, những người đã bị ông chủ áp bức, đánh đập hoặc là có những trường hợp không phát lương nên các em bức xúc nên các em cần phải có tiền để về Việt Nam trả nợ, số tiền rất là lớn nên các em phải bỏ ra ngoài, khi ra ngoài mua đồ ăn thì bị cảnh sát bắt. Không có giấy tờ thì phải vào tù."


Chị Huệ và các công nhân ở Malaysia. Photo by Tường An/RFA


Hiện chị sống tại Klang, nhưng chị cũng đi khắp nơi để thăm viếng các công nhân, giúp đỡ họ về vật chất, giảng dạy họ lòng yêu thương theo kinh thánh, và đặc biệt chị đến các trại tù rất thường để gặp gỡ, an ủi các công nhân bị giam.

Khi ra tòa, chị làm thông dịch cho họ và giúp họ liên lạc với gia đình, quyên góp tiền để mua vé máy bay cho các công nhân về nước. Chị kể:

"Có rất nhiều người Việt Nam bị bắt, đủ mọi trường hợp, con số thì không có chính xác được bởi vì vào ra, vào ra rất là nhiều. Chúng tôi đi khắp mọi nơi, tù nào mà các anh em biết số điện thoại của tôi thì gọi đến. Tôi đến đó thăm, mua đồ ăn và mua những vật cần dùng cho các em. Ở ngoài mua dồ ăn vô không được, ở trong đó thì có căn-tin bán trong đó, giá rất là đắt.

Chúng tôi cũng ráng cố gắng quyên góp khắp mọi nơi để đem đến cho anh em. Khi mà giấy tờ anh em xong thì chúng tôi phải ra tòa đại sứ xin giấy thông hành tạm và làm thủ tục mua vé máy bay để gửi anh em về."

Do quan hệ gần gũi của chị với họ nên hầu hết các anh em công nhân đều gọi chị bằng cái biệt danh thân mật « Mom » hoặc « Mamie ». Chị Huệ hồi tưởng lại những giây phút chị đã đến với những công nhân, giúp đỡ cho họ trở thành những con người tốt:

"Nhiều em qua đây rất là hư hỏng, bởi vì xa gia đình mà qua đây làm được một số tiền thì các em rượu chè, bê tha, bài bạc. Nhưng khi các em đến thì chúng tôi gặp gỡ, dạy dỗ các em thì các em rất là tốt. Khắp mọi nơi đề gọi tôi là « Mamie » bởi vì tôi cũng như là 1 người Mẹ đỡ đầu cho các em. Bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ ở đâu, các em gọi là chúng tôi đến đó và giúp đỡ chúng em liền bởi vì « miếng khi đói bằng gói khi no ».

Khi các em cần thì tôi đến đó để giúp đỡ cho các em nên các em gọi tôi là một người Mẹ. Tôi rất là thương các em, thương nhiều lắm vì các em quá trẻ mà lâm vào hoàn cảnh khổ như thế này."

Chị đi khắp nơi để thăm các công nhân bị tù và làm những thủ tục cần thiết để có thể giúp họ có thể trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình. Trong tinh thần lá lành đùm lá rách, chị đã đem đến cho các anh em công nhân đang cô đơn nơi xứ người tình yêu thương của một người Mẹ. Mamie Huệ tâm sự:

"Tôi cũng lớn tuổi rồi nên các em rất là thương, thương như tình thương của người Mẹ. Chúng tôi rất là vui khi giúp đỡ được những người Việt Nam bởi vì chúng tôi cũng là người Việt Nam nên muốn giúp đỡ cho các em để đoàn tụ với gia đình."

Giấc mộng ra nước ngoài làm viêc để đổi đời nay đã trở thành cơn ác mộng. Cánh cửa lao động tại Mã lai đã khép lại cho những người công nhân bất hạnh này.
Tường An, thông tín viên RFA

19-11-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn