BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76391)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32026)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cách mạng tháng 10 không ảnh hưởng nhiều lên Cách mạng Việt Nam

20 Tháng Mười 20176:46 SA(Xem: 2588)
Cách mạng tháng 10 không ảnh hưởng nhiều lên Cách mạng Việt Nam
54Vote
40Vote
31Vote
20Vote
11Vote
46

Đầu tháng 11 tới đây, đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày những người cộng sản Nga thực hiện thành công cuộc cách mạng cộng sản thường được gọi là Cách mạng tháng Mười (tính theo lịch Nga cũ.)

Cuộc cách mạng này có ảnh hưởng thế nào đến cuộc cách mạng cộng sản tại Việt Nam.

Sau đây là nhận xét của nhà văn Vũ Thư Hiên về ảnh hưởng này.

Nhà văn Vũ Thư Hiên, năm nay 84 tuổi, cũng là một dịch giả của một số tác phẩm từ tiếng Nga sang tiếng Việt, từng học ở Liên Xô cũ. Ông sống lưu vong ở Pháp từ năm 1995 đến nay. Trong những tác phẩm của ông, nổi tiếng nhất là Đêm giữa ban ngày, thuật lại những uẩn khúc chính trị liên quan đến những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Những người Bolshevik có vũ trang trong Cách mạng tháng 10 Nga. Ảnh chụp tháng 11 năm 1917.
Những người Bolshevik có vũ trang trong Cách mạng tháng 10 Nga. Ảnh chụp tháng 11 năm 1917.


Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi nghe đến Cách mạng tháng 10 Nga là từ những người cộng sản thế hệ của cha tôi. Lúc đó người ta chỉ nghĩ rằng nước Nga là một nước quân chủ, phong kiến, có xảy ra một cuộc cách mạng, và cuộc cách mạng ấy thành công. Họ biết rất lơ mơ về những gì xảy ra ở nước Nga, nhưng người ta coi đó như là một tấm gương, để thoát khỏi triều đình phong kiến, cũng như thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, bằng một cuộc đấu tranh như đã xảy ra ở nước Nga vào năm 1917. Lúc đấy tôi còn rất nhỏ, chỉ hiểu đến thế thôi, và tôi nghĩ rằng những người cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ cũng hiểu rất lơ mơ về Cách mạng tháng 10/1917. Đối với họ đó như là một tấm gương ở xa, chứ không hiểu biết nhiều về nó.

Kính Hòa: Năm nay là năm thứ 100 từ ngày xảy ra cuộc cách mạng đó. Ông đánh giá ảnh hưởng của nó như thế nào đến dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20?

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi cho rằng nó đã gây ra một cơn bão trên thế giới, và lúc đó thì ở Trung Quốc, Việt Nam, và những nước khác đều bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nhiều hay ít là tùy theo tình hình từng nước. Nhưng ở Việt Nam, theo tôi ảnh hưởng là không lớn, bởi vì nước Việt Nam là một nước nhỏ, và ảnh hưởng của Trung Quốc thì lớn hơn. Tôi nghĩ là ở Việt Nam, căn cứ vào hoạt động của các tổ chức cách mạng, thì Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc ảnh hưởng lớn hơn Cách mạng tháng 10 Nga nhiều, trừ đảng cộng sản, họ luôn nói đến Cách mạng tháng 10. Nhưng sự hiểu biết rằng nó diễn biến như thế nào, rồi những cuộc đấu tranh của Chính phủ tư sản Kerensky thì mãi về sau này, người ta đọc thì mới biết, chứ còn khi đó thì người ta chỉ biết lơ mơ thôi.

Kính Hòa: Khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành được quyền lực trên đấu trường chính trị Việt Nam, thì kể từ đó đã đi theo quĩ đạo của Cách mạng tháng 10 Nga?

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi cho là họ chẳng theo cái quĩ đạo nào cả, bởi vì họ có biết cái gì đâu. Cho nên trong cuộc đấu tranh lúc bấy giờ chỉ có một mục tiêu rất rõ ràng là thoát khỏi ách nô lệ. Và chính cái động cơ đấu tranh để giành lại nền độc lập, không còn nô lệ nữa, sự thoát khỏi thân phận nô lệ của mỗi người dân Việt Nam mới là cái động lực chính cho cuộc đấu tranh chứ không phải do ảnh hưởng từ bên ngoài.

Trung Quốc họ bị ảnh hưởng Cách mạng tháng 10 Nga vì họ có chung biên giới với Liên Xô, còn Việt Nam tôi không thấy có ảnh hưởng gì lớn. Một số người đã đi học ở Trường Đại học Phương Đông về như là ông Nguyễn Khánh Toàn, ông Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, cũng đều không có cái tác động mạnh mẽ bằng những người mà bây giờ ta gọi là chủ nghĩa quốc gia, có nghĩa là nói đến chống Pháp thì mọi người nghe, chứ còn nói chuyện bên Nga nó như thế nào thì rất là mơ hồ. Nó là bức tranh đẹp, nhưng bức tranh ấy không đủ quyến rũ bằng cái bức tranh của một cuộc vùng dậy chống lại chế độ thực dân.

Kính Hòa: Thưa ông dù sao thì kể từ năm 1954, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những quan hệ rất là khăng khít với nước Nga Xô Viết.

Nhà văn Vũ Thư Hiên: À, từ năm 1954 trở đi thì phải nói là cái ảnh hưởng của Liên Xô là rất mạnh mẽ. Người ta đua nhau học tiếng Nga, rồi lần lượt có một số đoàn học sinh được cử đi học bên Nga. Những người đầu tiên theo tôi biết là đi qua Trung Quốc rồi đến Liên Xô học từ những năm 1952, 1953.


Từ 1954, không kể những viện trợ quân sự của Liên Xô, chuyện bình thường giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau, còn có rất nhiều những chuyên gia Liên Xô sang. Phải nói là người ta nhìn những chuyên gia Liên Xô bằng con mắt tin cậy. Có thể là tôi nhận xét không đúng lắm khi so sánh chuyên gia Liên Xô với chuyên gia Trung Quốc thì có cái sự kinh trọng người phương Tây, những người da trắng Liên Xô hơn là chuyên gia Trung Quốc.

Kính Hòa: Là dịch giả của một tác phẩm văn học Xô Viết nổi tiếng là Bông Hồng Vàng của Paustovsky, ông nhận xét thế nào về ảnh hưởng của văn hóa Nga lên Việt Nam lúc đó và về sau này?

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi cho rằng cái ảnh hưởng của văn học Nga đến văn học Việt Nam không nhiều lắm đâu. Cái cuốn Bông Hồng Vàng là phát súng đánh vào thành trì của lối viết tuyên truyền chứ không phải lối viết văn học. Cái văn học tuyên truyền là người tốt việc tốt, làm có mục đích, cổ động nhiều hơn là một văn học đích thực.

Cái lối viết văn của Paustovsky không những có một ảnh hưởng mạnh mẽ ngay ở Nga, mà nó còn tạo ra một dòng văn học lãng mạn sống trong lòng xã hội chủ nghĩa vốn không thích nó.

Ảnh hưởng của Paustovsky đối với Việt Nam là mạnh mẽ, đặc biệt đối với các nhà văn sau này như Dương Thu Hương, Đỗ Chu. Hàng loạt nhà văn cảm thấy được mình, tháo cái vòng kim cô người tốt việc tốt, họ có thể viết lãng mạn hơn, đi xa khỏi thực tế đời sống để ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình yêu.

Có rất nhiều những cuốn sách của nước Nga, chứ không phải Liên Xô, như là Lev Tolstoy, Gogol, đi theo cái ảnh hưởng của Liên Xô vào Việt Nam, nhờ đó mà chúng ta mở rộng tầm mắt đối với cái nền văn học không phải là văn học Xô Viết.

Kính Hòa, RFA
19-10-2017

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn