Một chế độ gồm toàn khuôn mặt thớt.
“Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi được biết quyền tự do đi lại và cư trú, đặc biệt là quyền tự do xuất nhập cảnh dành cho chính công dân Việt là điều kiện tiên quyết mà Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận để nhận được các khoản vay từ World Bank.” Tôi nghe thạc sĩ Trần Kiên nói vậy, và cũng “ngạc nhiên” không kém.
Hoá ra tại vì World Bank nên nhiều câu ca dao (mới) của VN đã chóng bị thời thế vượt qua, và sắp chìm vào quên lãng:
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Đào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Đen đủi như An - Go -La
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào
Sau khi được đi đứng lung tung thì lắm kẻ lại sinh tật ăn nói rất linh tinh. Hồi năm 2014 – sau chuyến du lịch Âu Châu – trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã phát biểu (đôi điều) không mấy tốt đẹp về đất nước:
“Tôi sang châu Âu, tôi quan sát dáng người đi, nét mặt của họ khác dân mình lắm. Bên nhà chúng ta vừa đi vừa nghĩ mưu, thành ra ấn tượng nhất cho tôi là sự tự tin của bước chân, nét mặt người bên đó. Đi thì mới biết mình bị mất những gì.”
Mới đây, diễn viên Hồng Vân cũng thế:
“Người dân Nhật Bản được hưởng chế độ an sinh tuyệt vời nhất... Chỉ thương người dân Việt Nam mình được hưởng toàn những điều giả dối.”
Chả riêng gì ông nhà văn, hay bà nghệ sĩ, ngay cả mấy cô bán hàng rong cũng ăn nói linh tinh thấy mồ luôn – theo tường trình (“Tâm Tình Của Hai Phụ Nữ Việt Bán Hàng Tại Thái”) của phóng viên Chân Như, RFA, từ Bangkok:
“Chính quyền Thái họ đối xử tương đối tốt. Chị có coi trên mạng cảnh nhiều người bán hàng rong ở Việt Nam, thấy phức tạp hơn so với bên đây nhiều, bên này họ nói vậy thôi chứ họ bắt vào thôi rồi họ phạt ít trăm Bath thôi, chứ họ không thu giữ gì cả. Chứ không phải như bên mình đâu, chị coi trên mạng cảm thấy thương người bán hàng rong như chị lắm. Bên này cảm thấy thích hơn, tốt hơn.”
Hễ cứ có dịp bước chân ra nước ngoài là dân Việt đều “biết mình bị mất những gì.” Tổ quốc nhìn từ xa khiến ai cũng ai cũng phải ái ngại – trừ qúi vị lãnh đạo đất nước:
- Nguyễn Minh Triết : “Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc...”
- Trương Tấn Sang :“Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.”
- Nguyễn Thị Kim Ngân: “Đất nước này được như thế này, ngẩng mặt lên nhìn với bạn bè năm châu bốn biển như thế này, vai trò vị thế như thế này đó là do chúng ta duy trì được sự ổn định chính trị và trật tự an toàn trong cả nước.”
Ông nhà văn, bà nghệ sĩ, cô bán hàng rong đều là những nhân vật mà ai cũng có thể nhận diện hay sờ mó được. Chớ “bạn bè bốn biển năm châu” thì thiệt khó biết là thằng cha hay con mẹ (rượt) nào, và “bạn bè quốc tế ngưỡng mộ chúng ta” gồm những ai (e) cũng là điều khó đoán.
May mà có cuộc Bầu Cử Lãnh Đạo UNESCO vào ngày 10 tháng 10 vừa qua. Kết quả, theo BBC: “Tuy được báo chí truyền thông Việt Nam đánh giá cao sau cuộc phỏng vấn ứng tuyển hồi tháng Tư, Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam chỉ giành được 2 phiếu bầu, thấp nhất cùng hạng với Azerbaijan.”
Cũng BBC, hai ngày sau, buồn bã cho hay: “VN rút khỏi cuộc đua lãnh đạo Unesco.”
Về sự kiện này, Tiến Sĩ Dương Hồng Ân (VOA) có đôi lời bình nghe không được “tử tế” gì cho lắm:
“Nói về phương diện văn hóa, chúng tôi nghĩ là (Việt Nam) không có đủ khả năng nói chuyện văn hóa với các nước trên toàn thế giới. Tôi không bàn đến cá nhân ông ứng cử viên mà tôi chỉ nói là chế độ Cộng sản hiện nay không có đủ tư cách, không có đủ khả năng nói chuyện về văn hóa đối với toàn cầu và thế giới.”
Đã thế, trên trang RFA, nhà báo Trương Duy Nhất còn hân hoan ra mặt:
“Mừng. Khi hay tin Phạm Sanh Châu chỉ được vỏn vẹn 2 phiếu, là một trong hai ứng viên ít phiếu nhất cuộc bầu vòng 1 cho chiếc ghế Tổng giám đốc UNESCO.
Có lẽ không chỉ riêng tôi. Nhiều, rất nhiều người Việt không dấu nổi sự vui mừng … ”
Trong số “nhiều người Việt” này, chắc chắn, không có ông qúi vị lãnh đạo CSVN. Có lẽ, họ đều hơi “ngỡ ngàng” khi biết sự thực là bạn bè bốn biển năm châu hay bạn bè quốc tế , té ra, không “ngưỡng mộ chúng ta” gì ráo.
Bằng chứng mới nhất không chỉ ở vỏn vẹn hai phiếu bầu cho ông Phạm Sanh Châu mà còn ở thái độ lạnh nhạt của Ngân Hàng Thế Giới (WB) trước những lời nài nỉ “xin hổ trợ” của ngài Thủ Tướng, vào hôm 20 tháng 9 vừa qua. Thái độ của ông Nguyễn Xuân Phúc tuy có hơi trơ tráo nhưng hoàn toàn không sai lệch, so với cung cách và truyền thống lãnh đạo của giới “chính khách Việt Nam” – theo nhận xét của T.S Nguyễn Văn Tuấn:
“VN cũng là nước chuyên xin xỏ: suốt năm này sang năm khác, quan chức VN ngửa tay xin viện trợ từ rất nhiều nước trên thế giới. Xin nhiều đến nỗi có quan chức nước ngoài phàn nàn nói ‘Sao chúng mày nói là chúng mày rất thông minh và cần cù mà cứ đi xin hoài vậy. Dân xứ tao phải làm lụng vất vã mới có tiền cho chúng mày’. Thật là nhục...”
Bị xỉ vả tới cỡ đó, nói nào ngay, cũng chưa “nhục” mấy. Nhà văn Trần Đĩnh còn dẫn lời của một vị quan chức ngoại giao Ba Lan (nghe) còn nhục nhã hơn nhiều: “Với chúng mày tốt nhất là đưa chúng mày ra một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương rồi thế giới góp tiền nuôi và mọi người nhờ thế mà được yên ổn.”
Chả biết đến khi nào “thế giới” mới thực hiện được giải pháp “một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương” cho Việt Nam để “mọi người nhờ thế mà được yên ổn” hơn? Trong khi chờ đợi, tôi xin có một lời đề nghị nhỏ, rất nhỏ và cũng rất dễ thực hiện, là từ nay xin qúi vị lãnh đạo đất nước (làm ơn) nổ nhỏ bớt lại chút xíu – mỏng mỏng thôi – cho nó đỡ kỳ.
Đẩy cả một dân tộc đến bước đường cùng, đến độ phải xin ăn để sống qua ngày mà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn thản nhiên “ngẩng mặt lên nhìn bạn bè năm châu bốn biển” thì quả đúng là đồ mặt thớt.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn Blog Tưởng Năng Tiến