BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73457)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ông Bà Bùi Hữu Nghĩa

30 Tháng Tám 20166:46 SA(Xem: 1482)
Ông Bà Bùi Hữu Nghĩa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
- Tưởng niệm công đức tiền nhân
- Mến tặng quí cựu học sinh Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc

 

Lược Sử Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa (  1807 - 1872 ): Ông còn có tên Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi, người quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cha là Bùi Hữu Vị, có chỗ ghi là Bùi Hữu Đá, dân chài.

Thuở nhỏ, Bùi Hữu Nghĩa ( BHN ) rất thông minh, theo học chữ Nho, nhưng nhà nghèo, nghỉ học.

May nhờ người nói giúp, lên Biên Hoà ở nhà ông Nguyễn Văn Lý là phú gia trong làng, đi học với thầy đồ Hoành. Và rồi được ông Lý gả con cho.

tuongbuihuunghia
Tượng Bùi Hữu Nghĩa trong Bảo tàng thành phố Cần Thơ

Năm  1835, đời vua Minh Mạng, BHN thi đỗ Giải Nguyên ( Thủ Khoa  ), kỳ thi Hương ở Gia Định, nên thường gọi là Thủ Khoa Nghĩa. Lúc ấy Ông 28 tuổi.

Năm sau BHN ra Huế thi Hội, nhưng rớt.

Tuy nhiên Thủ Khoa BHN vẫn được vua Minh Mạng cho tập sự ở Bộ Lễ, và cử đi sứ nước Xiêḿ. Khi về bổ nhiệm làm Tri Huyện Phước Chánh tỉnh Biên Hoà. Với lòng thương dân, dạ ngay thẳng, không bợ đỡ cấp trên; nên về sau, bị đổi đến làm Tri Huyện Trà Vang tức Trà Vinh tỉnh Vỉnh Long. Vẫn tính tình cương trực như tự thuở nào.

Vụ Án Láng Thé: Láng Thé , con rạch thiên nhiên thuộc huyện Trà Vang với nguồn lợi là thủy sản: cá, tôm...được vua Gia Long miễn thuế cho dân Khmer. Do việc người Khmer đã giúp Ông khi chưa làm vua và bị quân Tây Sơn truy đuổi.

Năm 1848, thấy lợi, bọn người Hoa lo lót với quan Tri Phủ giành quyền khai thác. Ức lòng, người Khmer xin gặp Tri Huyện BHN thưa trình. Ông BHN phán xử:

" Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ (Gia Long) ban cho dân Thổ (Khmer), nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao! "

Dựa vào câu nói của quan huyện BHN, dân Khmer bèn kéo nhau đến xóm nhà người Hoa tranh cãi và xô xát gây án mạng. Phía Người Hoa có 8 người chết.

Vì tư thù, bởi, có lần Tri Huyện BHN đã cho đánh đòn em vợ của quan Bố Chánh Vĩnh Long với tội xấc láo. Nhân việc này, quan trên cho bắt người Khmer gây án mạng và Ông BHN giải về Gia Định. Đồng thời, dâng Sớ về triều đình Huế tâu rằng:

" - Bùi Hữu Nghĩa kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người "

Biết được tin dữ, bà Nguễn Thị Tồn, vợ Ông, đã vội vã ra Huế kêu oan cho chồng !!

 Nhờ vậy, Ông BHN được vua Tự Đức tha cho tội chết, song phải sung quân để đoái công chuộc tội. Nơi Ông bị sung quân là đồn Vĩnh Thông thuộc tỉnh Châu Đốc. 

Đầu tiên với chức Thủ Ngự, trọng trách là dẹp những cuộc nổi loạn của dân Miên. Ông rất gian khổ trong công việc nầy.

Với chiến công, dần dần Ông được thăng chức Phó Quản Cơ, trấn nhậm vùng Hà Âm. Trước cảnh thê lương xương cốt nhiều quá do chiến tranh với lân bang Xiêm, Lào, Miên... Ông có bài thơ:

 

Kinh Quá Hà Âm

 

Mù mịt mây đen kéo tối dầm,

Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm,

Đống xương vô định sương phau trắng,

Vũng máu phi thường cỏ nhum thâm,

Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy,

Đèn trời leo lét dặm u lâm,

Nghĩ thương con tạo sao dời đổi,

Dắng  dỏi trên đường tiếng dế ngâm.

                                          

Ông Thủ Khoa BHN lập gia đình với Bà Nguyễn Thị Tồn khoảng năm 1839, Ông Bà có 3 người con:

Bùi-Thị-Xiêm, Bùi-Hữu-Vàng và Bùi-Hữu-Tú  

Sau thời gian để tang vợ là Bà Nguyễn Thị Tồn; Ông Thủ Khoa BHN tục huyền với Bà Lưu Thị Hoán khi còn ở Vĩnh Thông và có ba người con:

Bùi-Hữu-Khánh, Bùi-Hữu-Sanh, Bùi-Hữu-Út

 

Năm 1862, giặc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, Thủ Khoa BHN xin từ quan, về quê dạy học, hốt thuốc chữa bịnh, làm thơ, viết tuồng truyện...và giao du các ông Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, liên lạc với phong trào Văn Thân...

mưu sự cứu nước.

Kim Thạch Kỳ Duyên tuồng truyện là kiệt tác của Ông.

Ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa mất năm 1872, thọ  65  tuổi.

Lược Truyện Bà Nguyễn Thị Tồn ( hiền thê Ông BHN ) : người Biên Hoà,  trưởng nữ của Ô. Nguyễn Văn Lý. Là phụ nữ nhan sắc và đảm đang.

Nghe tin dữ về chồng mình, về vụ án Láng Thé, Bà Nguyễn Thị Tồn liền cải dạng nam trang, quá giang ghe Bầu, vượt sóng gió ra Huế kêu oan cho chồng.

Ra Huế, Bà tìm tới Ông Phan Thanh Giản  đang làm Thượng Thư Bộ Lại, kể hết những ẩn khuất của sự tình... 

Ông Phan Thanh Giản viết cho Bà tờ Sớ trình bày mọi việc và khuyên là hãy đến ty Tam Pháp kích cổ đăng văn. Tức là đánh trống cho người trên nghe để dâng Sớ kêu oan,  và phải thật sớm vào khoảng  3 - 5 giờ sáng. Bà đã y theo lời khuyên.

Nhờ đó, Ông Thủ Khoa BHN khỏi tử hình, nhưng bị sung quân.

Sau khi minh oan cho chồng ( năm 1848 ), tiếng lành đồn xa.

Hoàng Thái Hậu Từ Dũ là Mẹ của vua Tự Đức nghe tin có người đàn bà đồng hương xứ Nam Kỳ, phu thê nghĩa trọng, đảm lược. Đã đơn thân khăn gói dặm trường ra kinh đô kêu oan cho chồng. Rất cảm động, Hoàng Thái HậuTừ Dũ bèn cho mời Bà Nguyễn Thị Tồn vào cung và ban tấm biển với chữ " Liệt Phụ Khả Gia ".

HoàngThái Hậu Từ Dũ, là chánh cung củavua Thiệu Trị, tức Bà PhạmThị Hằng, người Gò Công, con của Thượng Thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng.

Bà Nguyễn Thị Tồn đã cứu được chồng khỏi tử hình, nhưng rủi thay, về tới Biên Hoà, Bà lâm bịnh nặng và mất nơi nhà cha mẹ ruột... !!  Quan sở tại nghĩ tình Ông BHN, nên đã giúp việc mai táng Bà cho thêm phần tử tế.

Ông Thủ Khoa BHN nghe tin vợ mất nhưng tới không kịp, vì đang bị sung quân̉ vùng biên giới Châu Đốc. Khi đến nơi, quá đau lòng, Ông bèn làm bài văn tế muộn, với  hai câu đối rất thiết tha cho tình nghĩa phu thê và tôn vinh công đức Bà đảm đang rất mực:

" - Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ

   - Khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu."

Dịch nghĩa ( do chính Ông  BHN )

" - Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ.

   -  Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng."

Khu Tưởng Niệm: Tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ có " Khu Tưởng Niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa "

Gồm: ngôi mộ, bia mộ, nhà thờ, nhà khách, nhà trưng bày. Tất cả được xây theo lối kiến trúc cổ rất khang trang và tôn nghiêm.

 

- Cổng vào ngôi mộ Ông Thủ Khoa Nghĩa có câu đối bằng quốc ngữ:

Võ Khí Siêu Quần Ý Chí Thanh Cao Như Hc Trắng.

Văn Tài Xuất Chúng Uy Danh Liêm Khiết Tợ Rồng Vàng.

 

Phía bên trong cổng có ngôi mộ dài 2m 20, rộng 1m 60 xây bằng đá mài màu hồng dạng bậc thang. Trước Mộ có lư hương, sau Mộ có tượng bán thân Thủ Khoa BHN bằng ciment cốt sắt sơn màu bạc.

 

- Mặt tiền nhà thờ Ông BHN có câu đối bằng quốc ngữ:

Ngòi Bút Nghi Chi Rồng Phụng Cao Bay Ngọc Sắc

Tấm Gương Hữu Nghĩa Trời Trăng Ngời Chiếu Nước Non.

 

 Vào trong nhà thờ, có tượng Ông BHN, và câu đối:

 Trung Can Đồng Ái Quốc.

  Nghĩa Khí Hiệp Ưu Gia.

 

- Trong Nhà Trưng Bày cũng có pho tượng Ông Thủ Khoa BHN trang trọng.

 

- Riêng về Bài Vị ( thần chủ ) Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa còn được thờ trong các đình, chùa... Và tên Ông được đặt cho nhiều con đường tại nhiều tỉnh thành, cũng như tên trường Trung Học Phổ Thông ở nhiều nơi. Tại thị xã Châu Đốc có trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa khá lớn, được thành lập đã lâu. Người biên soạn cũng là học sinh Trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc.

Ngoài ra, trong nhà bảo tàng thành phố Cần Thơ cũng có pho tượng bán thân Ông Thủ Khoa BHN rất tôn nghiêm và sắc nét.

Còn về mộ phần Bà Bùi Hữu Nghĩa, nhũ danh Nguyễn Thị Tồn vẫn lưu tại Biên Hoà. Mộ Bà ớ Bình Thủy, Cần Thơ chỉ là tượng trưng.

Những bài thơ tiêu biểu mô tả tâm sự của Thủ Khoa BHN:

 

Khóc Vợ

 

Đã chẵn ba năm mới đặng  thăm,

Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm,

Gió đưa đâu thấy hình dương liễu,

Đêm vắng ai hoài tiếng sắt cầm

Chồng nhớ vợ lòng tơ bối rối,

Con thương mẹ lụy ngọc tuôn dầm,

Có linh chín suối đừng xao lãng,

Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm.

 

 Câu Cá

 

Danh lợi màng bao chốn lửa hầu,

Thanh nhàn quen thú một cần câu,

Giăng đường chỉ mảnh dòng khơi rng,

Thả miếng mồi thơm vực cạn sâu,

Khói nước năm hồ tình cả đẹp,

Gió trăng kho cũ cảnh riêng màu,

Bá vương hội cả dầu chưa gặp,

Thao lược này ai biết được đâu.

 

 Quan Công thất thủ Hạ Bì

 

Hạ Bì ngày nọ chẳng màng nào,

Gương sáng chi lầm chước túng thao,

Chén rượu anh em keo gắn chặt,

Tấm son tôi chúa đuốc chong cao,

Theo rồng dốc nhóm mây trời Hán,

Xuống ngựa đâu tham bạc đất Tào,

Hai mối cang thường gồm đặng cả,

Ngàn năm thơm để miệng người rao.

 

Thời Cuộc

 

Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây,

Đâu để giang san đến thế này!

Hùm nương non rậm toan chờ thuở,

Cáo loạn vườn hoang thác có ngày,

Một góc cảm thương dân nước lửa,

Đền Nam trụ cả há lung lay.

 

Ngưỡng mộ tài đức tiền nhân: Ông  Bùi Hữu Nghĩa và Bà , hậu sinh, có bài thơ kính cẩn tưởng niệm:

 

                          ÔNG BÀ  BÙI HỮU NGHĨA

 

                        Cần Thơ vang tiếng bậc nho hiền

                        Hương Tthủ khoa Minh - Mạng niên

                        Phước Chánh Huyện Quan tâm chính trực

                        Trà Vang Quan Huyện tiếng thanh liêm

                        Đồng liêu tư kỷ vu lao lý

                        Hiền phụ thượng kinh giãi nỗi niềm

                        Oan khuất đèn trời soi chẳng hết

                        Sung quân biên giới... xót thuyền quyên...!!

 

                       Thuyền quyên nghĩa trọng ngậm ngùi thương

                        Cải dạng nam trang tách dặm trường

                        Ghe biển quá giang ra xứ Huế

                       Thân đơn nổi trống tấu tòa chương

                        Minh oan phu tướng rời lao ngục

                        Lâm bnh thê nương chết cuối đường

                        Đất lạnh ngại ngùng mồ bạc phận

                        Bơ vơ kỷ độ... ánh tà dương...!! 

 

                         Kỷ độ dương tà mây lửng lơ

                         Hàng cây thương tiếc rũ ven bờ

                         Lá vàng lả tả buồn man mác

                         Chiều tím bâng khuâng sầu ngẩn ngơ

                         Ngọc thể hẩm hiu nơi cố quận

                         Phương danh bàng bạc chốn kinh đô

                         Xưa nay sinh tử ai mà chẳng...

                         Liệt Phụ Khả Gia đẹp nấm mồ...!!

       

                     Nguyễn Minh Thanh cẩn tác

 

Lời Phụ Bàn: Người đời thường nói: " Sau lưng người đàn ông thành công ắt có người đàn bà giỏi giang "

Với trường hợp Ông Thủ Khoa BHN tương tự. Bởi vi,̀ nếu không có Bà Nguyễn Thị Tồn, hiền phụ của Ông kêu oan cho, cuộc đời của Ông sẽ ngắn lại thay vi 65 , chỉ còn 41 tuổi. Như vậy thanh danh sự nghiệp Ông chắc chắn không rạng rỡ và roi truyền cho hậu thế như mọi người đã biết.

Có thể nói, nếu không có Bà Nguyễn Thị Tồn, thì sự nghiệp của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa chỉ còn 50%.

Bà Trưng Trắc trả thù chồng. Bà Nguyễn thị Tồn cứu chồng, Bà rất xứng đáng là hậu duệ của Trưng Vương.

Hậu sinh có bài thơ kính ngưỡng  tưởng niệm Bà Bùi Hữu Nghĩa, nhũ danh Nguyễn Thị Tồn:

 

                    Bà Bùi Hữu Nghĩa

                       ( Nguyễn Thị Tồn )

                       Biên Hoà Liệt phụ sách còn ghi  

                       Chồng bị hàm oan quyết cứu nguy

                       Xa vợi Đế Đô không nãn chí

                       Cao vời Tam Pháp chẳng nề chi

                       Đội đơn khiếu nại lên hoàng thượng

                       Đánh trống kêu oan trước pháp ty

                       Mới cứu được chồng qua tử tội

                       Ngậm hờn âm cảnh đã ra đi...!!

 

                       Hồn nương mây trắng tà huy

                       Thăm người đang ở biên thùy gian lao

                       Tang thương dồn dập mái đầu

                       Chưa vui xum hợp thảm sầu vĩnh ly...!!

                                               Nguyễn Minh Thanh cẩn tác

 

Nghi Truyện:

- Ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa khi cằm quân dẹp giặc, có lần bị địch xuất kỳ tập kích. Phó Quản Cơ BHN bị địch bắt và giải giao về vua Miên là Nặc Ông Đuông. Nhà vua nghe tiếng Ông đã từng bênh vực người Miên về vụ Láng Thé, nên biệt đãi Ông, cho ăn uống tử tế và cho người đưa Ông về nước.

 - Bà Nguyễn Thị Tồn, trên đường thượng Kinh, ra Huế, Bà đã bị cưỡng hiếp . Nên khi xong việc trở về, Bà cảm thấy quá xấu hổ, không muốn gặp lại Ông nữa, Bà đã tự tử...!!

Xót xa thay, ngậm ngùi thay...!!

                     Than ôi:

                      Thiên ám địa hôn sầu tiết phụ

                      Châu trầm ngọc toái khấp thuyền quyên...!!

                                                                                                                        NMT

                      ( Bao la đất thảm trời sầu

                        Châu chìm ngọc nát ngàn sau ngậm ngùi...!! )

                             

Nguyễn Minh Thanh biên soạn

( GA, Thu 2016 )

  

Nguồn:

- Thành Ngữ Điển Tích - Danh Nhân Tự Điển của Trnh - Vân - Thanh

- Thành Ngữ Điển Tích của Diên - Hương.

- Trang Web BHN.....

-  Tưởng Nhớ Ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa của Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ

-  Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn