Cuốn phim của Frontline, “Khủng bố ở Little Saigon,” cũng như bài báo ProPublica đi kèm, đã mở lại một quá khứ đau thương trong cộng đồng Việt-Mỹ. Kể từ khi chúng tôi công bố phim tài liệu này, đã có nhiều khán giả và độc giả bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với bài tường thuật của chúng tôi về các vụ ám sát năm nhà báo Việt-Mỹ cùng xu hướng bạo lực rộng hơn trong cộng đồng tị nạn trưởng thành ở Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam. Bộ phim và bài viết cho thấy một tổ chức do một số cựu sĩ quan thuộc quân lực miền Nam Việt Nam, Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, đã có dính dáng với vũ lực theo tin tưởng của FBI.
Trong tuần qua, chúng tôi cũng đã nghe những lời chỉ trích, nhất là của một nhóm người Mỹ gốc Việt vận động chủ trương được gọi là Việt Tân. Thành phần sáng lập của Việt Tân là các nhà lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Thống nhất, họ khẳng định rằng tường thuật của chúng tôi đã không chứng minh được tổ chức của họ đã dùng bạo lực (để thanh toán các phần tử chống đối) , và trên một vài khía cạnh nào đó, chúng tôi đã xúc phạm văn hóa của người Mỹ gốc Việt. Việt Tân cho rằng Mặt trận Quốc gia Thống nhất, được biết tiếng qua danh xưng Mặt trận, là một nhóm chủ trương, cam kết mang lại thay đổi về thể chế ở Việt Nam, và chính họ đã là mục tiêu của những đồn đoán và cáo buộc sai trái trong nhiều năm qua.
Báo cáo của ProPublica và Frontline bao gồm việc soi xét chưa từng có của cảnh sát địa phương và các cuộc điều tra của FBI về vụ giết người ở California, Texas và Virginia. Hồ sơ Cảnh sát và FBI đã được giữ kín trong nhiều thập niên cho đến khi chúng tôi thu thập được thông qua Đạo luật Tự do Thông tin. Bây giờ công chúng Mỹ, kể cả cả các cộng đồng người Mỹ gốc Việt, có thể bắt đầu đánh giá nội dung và thiếu sót của nhiều năm điều tra. Đối với các gia đình của nạn nhân, đây là cơ hội duy nhất mà họ đã được dành để họ có thể an tâm về những gì các cơ quan điều tra đã tìm ra và lập ra giả thuyết về cái chết của những người thân yêu của họ. Hồ sơ điều tra cho thấy nhân viên FBI đã được thuyết phục rằng chính Mặt trận đã đứng đằng sau một chiến dịch giết người, đốt phá và đánh đập, và những điều này đã khiến các nhà điều tra bực tức và thất vọng đã không thể mang lại ánh sáng để đưa bất kỳ một thủ phạm nào ra trước công lý. Đồng thời, năm cựu lãnh đạo của Mặt Trận đã nói với chúng tôi họ đã có một tổ ám sát riêng của mình để đối phó với các phần tử chống đối họ hoặc những người bị họ tình nghi là Cộng sản.
Việt Tân cũng đã khẳng định rằng một hoặc nhiều cựu thành viên Mặt Trận, những người xuất hiện trong tập phim tài liệu và bài viết này đã bị trích dẫn sai hoặc bằng cách nào đó lời nói của họ đã bị bóp méo. Không một ai xuất hiện trong cuốn phim hay bài báo đã liên lạc với chúng tôi đã than phiền như vậy. Việt Tân nói rằng một cựu lãnh đạo của Mặt trận, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, bây giờ lại khẳng định rằng ông ta không bao giờ nói với phóng viên A.C. Thompson, và đạo diễn Richard Rowley của chúng tôi, rằng ông đã có mặt tại một cuộc họp với các thành viên Mặt trận ki họ bàn về âm mưu giết chủ nhiệm một tờ báo. Chúng tôi sẽ vui lòng phúc đáp trực tiếp với ông Nghĩa nếu ông ta muốn phản bác điều đó với chúng tôi.
Việt Tân nói rằng Mặt trận không bao giờ có một đơn vị sát thủ. Tuy nhiên các hồ sơ của FBI, chứa đựng đầy dẫy các cuộc thảo luận của Mặt trận và đơn vị này, được gọi là K-9 – cùng những nhân vật bị nghi ngờ là thành viên Mặt Trận, và danh mục của các nạn nhân. Một số những ghi chép này được căn cứ trên tư liệu của các cựu thành viên của Mặt Trận. Katherine Tang-Wilcox, một nhân viên FBI đã về hưu, người đã đảm trách các cuộc điều tra về Mặt trận, đã nói một cách thẳng thừng, trong cuốn phim cũng như trong bài viết: “K-9 được thành lập như là bộ phận sát thủ của Mặt trận.”
Việt Tân quả quyết rằng có sẵn một lập luận mang định kiến trong bản tường thuật của bộ phim và bài viết, và họ cho rằng công việc của chúng tôi đã xúc phạm đến cộng đồng Việt-Mỹ rộng lớn bên ngoài. Họ nói, những người Việt-Nam yêu nước đã trở thành “những cựu chiến binh bị hận thù thúc đẩy vì đã mất thế đứng trong xã hội.”
ProPublica và Frontline đã lần theo những manh mối nơi câu chuyện dẫn dắt chúng tôi. Nơi mà những đầu giây mối nhợ liên tục dẫn chúng tôi đến từ đầu cho đến cuối chính là Mặt trận. Chúng tôi không bao giờ tìm cách phỉ báng người tị nạn Việt Nam, và những khó khăn sâu đậm mà họ phải chịu đựng cả trong chiến tranh lẫn trong các cuộc di tản sau đó. Chúng tôi phanh phui việc làm của những kẻ quá khích, và sự thật vẫn là sự thật: Mặc dù Mặt Trận có thể có những khía cạnh khác, nó đã được thành lập với một sứ mệnh rõ ràng nhằm lật đổ chế độ Cộng sản Hà Nội, và họ gây quỹ, quyên tiền ở Mỹ để thực hiện nỗ lực đó. Mặt Trận tạo ra một đội ngũ chiến đấu tạm bợ và đã ba lần cố gắng xâm nhập Việt Nam. Và lý do những cố gắng đó đã thu hút được nhiều người tị nạn bị trốc rễ và tổn thương vì một cuộc chiến bị thất bại thật ra không có gì đáng ngạc nhiên. Chỉ tình cờ chuyện này lại vi phạm luật pháp Mỹ.
Chuyện đáng chú ý: trong quá trình làm cuộc tường thuật, chúng tôi đã dành nhiều thời gian với các cựu chiến binh của quân đội Việt Nam Cộng hòa trước đây tại các nghĩa trang nhằm ngày Memorial Day, tại các quán cà phê, tại nhà của họ, và chúng tôi rất biết ơn họ đã chia sẻ thời gian của họ với chúng tôi. Hai nhà sản xuất phụ trội của dự án, nhà làm phim Tony Nguyễn và ông Jimmy Tong Nguyen, là dịch giả và là cựu chiến binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã giúp đỡ trong quá trình tường thuật của chúng tôi cũng như giúp chúng tôi hiểu biết về bối cảnh lịch sử phù hợp và nhạy cảm của văn hóa Việt.
Trong năm 1993, một số các lãnh đạo Mặt trận đã khởi kiện các nhà báo Việt-Mỹ về tội phỉ báng và cáo buộc Mặt Trận đứng đằng sau hành vi bạo lực trong cộng đồng. Việt Tân nói rằng bất kỳ cách cứu xét nào về vụ án này sẽ ủng hộ ý tưởng rằng, trên thực tế, Mặt trận không đứng đằng sau bất kỳ một hành vi bạo lực nào. Sự khiếu kiện bị phỉ báng của các nguyên đơn Mặt Trận lúc đó đã bị bác bỏ bởi bồi thẩm đoàn.
Câu chuyện về một loạt các vụ giết người và các cuộc bạo hành, tấn công người khác vì động cơ chính trị mà chưa tìm ra công lý có thể là một câu chuyện dài bị lãng quên mà Việt Tân không muốn được công bố trên toàn quốc, và thực sự nó là một chương đen tối chưa được đưa ra ánh sáng trong lịch sử phong phú của một cộng đồng đầy sức sống có bề dày lịch sử sâu rộng. Nhưng đây là một câu chuyện được kể bởi chính các tài liệu, bởi chính các người điều tra và chính các cuộc phỏng vấn trong cộng đồng Việt-Mỹ. Trong các cuộc phỏng vấn của chúng tôi, chúng tôi đã nhiều lần được nghe kể thêm về những bạo lực mà chưa bao giờ được báo cáo cho FBI, và kể từ khi bộ phim và bài báo đã được công bố, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ghi chép của khán giả và độc giả muốn chia sẻ các sự kiện bị đe dọa và bị sách nhiễu tương tự.
Trong tuần trước, các phóng viên của chúng tôi đã bàn về dự án này qua nhiều cuộc phỏng vấn – kể cả các phương tiện truyền thông Việt-Mỹ, nơi mà những vụ giết người và các hành vi bạo hành đang được tranh luận sôi nổi. Chúng tôi hy vọng tường thuật của chúng tôi có thể đột phá được một khám phá mới trong những vụ án kéo dài và bị đóng băng này. Không có giới hạn về thời gian trong tội giết người, và như một nhân viên FBI đã về hưu, bà Tang-Wilcox, cho biết, “Có người nào đó biết ai là người phải chịu trách nhiệm cho mỗi và từng vụ bạo hành này.”
Bản dịch của Nguyễn-Khoa Thái Anh
http://www.propublica.org/article/terror-in-little-saigon-an-objection-and-a-response
Nguồn Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn