Ngày 19 tháng 4 năm 1951, Thống Tướng Mac Arthur đã kết thúc lời phát biểu của ông trước Quốc Hội Hoa Kỳ bằng câu: “Người Lính Già Không Bao Giờ Chết” (Old Soldiers Never Die). Những người Lính Già, theo lời của Mac Arthur, chỉ từ từ chuồn êm (fade away) mà thôi, như bản thân ông, sau khi nói lời từ giã với nghiệp binh mà ông đã theo đuổi trên 50 năm, ông sẽ “fade away” vào một nơi nào đó, yên tĩnh, không còn tiếng súng, tiếng gào “xung phong” nữa để an hưởng tuổi già bên cạnh những khung cảnh thiên nhiên mà ông đã từng đi qua mà chưa bao giờ có cơ hội được thưởng thức.
Nhưng cũng có những người lính già không chịu “fade away”, vẫn đứng mãi trên chiến tuyến, mặc dầu tóc đã bị thời tiết thay đổi làm cho mất mầu đen, da đã gặp những cơn gió lạnh thổi qua làm nhăn nheo, mà trí óc và cơ thể vẫn tiếp tục chiến đấu. Như Trần Phong Vũ, Nhà Văn, Nhà Thơ, Người Chiến Sĩ cho Tự Do Tư Tưởng và Phát Biểu. Năm nay, ông vừa đúng 80 tuổi. Năm nay, ông vẫn tiếp tục giới thiệu những tác phẩm mới, hoặc của bạn văn qua Tủ Sách Tiếng Quê Hương mà ông chủ trì, hoặc của chính ông. Như tác phẩm mới nhất của ông sẽ được giới thiệu vào ngày Chủ Nhật 11 tháng 11 năm 2012 tới đây, tại Trung Tâm Công Giáo, thành phố Santa Ana, miền Nam California, tác phẩm mang một cái tên đơn giản nhưng lại ẩn chứa rất nhiều những tinh hoa văn học của một chiến sĩ tuổi đã hạc, nhưng lòng còn sư tử: Tuyển Tập Trần Phong Vũ.
Nhiều người tự hỏi: Trần Phong Vũ là ai? Có người bảo ông từng là Biên Tập Viên, chủ trương các chương trình bình luận Thời Sự trên các đài phát thanh Quốc Gia trước 1975? Người khác nói ông là Tổng Thư Ký vài tuần báo, một giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp, một chủ bút nguyệt san, và hiện nay là một tham luận viên từng có mặt trong nhiều buổi hội luận chính trị trên nhiều đài phát thanh, truyền hình hải ngoại? Không hẳn thế! Theo Nhà Báo Thụy Khuê, viết lời tựa cho tuyển tập, bà đã “biết anh, một ông già, tuổi ngoại bát tuần vẫn còn chạy “show” hết đài phát thanh, đài truyền hình này khác, để cổ võ cho một lý tưởng “phát triển Văn Hóa Việt trên đất Mỹ”. Bà cũng nói: “Tôi nghĩ anh là một ông già hăm. Một ông già điên. Một ông già rách việc”.
Đúng thế. Những chữ rời rạc mà Thụy Khuê viết về Trần Phong Vũ đã nói lên tất cả con người của ông già bát tuần này, già mà vẫn đứng đầu sóng, ngọn gió, chiến đấu cho quê hương, cho văn học thuần túy của Dân Tộc Việt, và chiến đấu chống tất cả những cái Xấu, cái Ác tuy lẻ tẻ nhưng vẫn làm cho cộng đồng Việt mệt mỏi. Chẳng hạn như biện hộ cho Nguyễn Chí Thiện bị dư luận xấu chém, chặt không thương tiếc. Chẳng hạn như nói lời công chính thay cho những Dân Oan ở Việt Nam, như xuất bản các cuốn sách do các tác giả là Dân Oan ở Việt Nam viết, những cuốn sách là kẻ thù của chế độ, như chủ trì Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân và viết trực tiếp về những cái Xấu, cái khuyết điểm mà các vị lãnh đạo tinh thần Công Giáo Việt Nam cần sửa đổi cho Giáo Hội tốt đẹp hơn – những bài viết khiến cho tác giả mang “tội” với các vị lãnh đạo tinh thần đó. Trần Phong Vũ là một chiến sĩ tham gia rất nhiều mặt trận mà không mặt trận nào, ông lại lơ là, làm cho xong, mà làm với hết cả tinh thần và sức khỏe.
Trong Tuyển tập Trần Phong Vũ, ông lại cho độc giả thấy một con người khác, con người có những suy tư rất lãng mạn vài rất nhiệt thành trong cái lãnh mạn ấy. Ông viết lá thư đẫm lệ cho con gái, viết thay cho người Cha già lúc nào cũng nhớ đến “cô em gái” cho đến lúc mất… Ông viết cho những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà sau 1975, hay cho những kẻ tha hương, lữ thứ, xác ở Mỹ mà hồn ở đất Việt. Ông cũng rung giọng kể lại tiếng nói vào tháng Tư năm ấy, phẫn uất nhưng đầy can trường của các chiến sĩ Cộng Hòa đã giữ chắc tay súng cho đến khi bị lệnh trên buộc phải chia tay với vũ khí. Âm thanh của những tiếng nói đó, tuy đều đều, không lớn, nhưng lại vang vọng mãi trong hồn của mọi người chiến sĩ cho đến hơi thở cuối cùng. Những hình ảnh thương tâm chập chùng của toàn dân miền Nam cùng với dáng hiên ngang của người chiến sĩ làm cho các bức tranh mà ông vẽ như hiện đỏ lên trên từng trang sách. Bên cạnh đó, với tư cách là một người Công Giáo, ông viết cho Chúa của ông, cảm ơn Chúa đã từng cứu ông qua khỏi các cơn “thập tử nhất sinh”, và còn cho ông sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến của một người công chính. Những lời cầu kinh tha thiết của một ông già Bát Tuần, đã trải qua ba giai đoạn Sinh, Lão, Bệnh như một lời chứng hùng hồn cho Tình Yêu của Thiên Chúa, đã hứa là sẽ yêu Nhân Loại cho đến ngày Tận Thế, và sẽ thi hành lời Hứa đó, mãi mãi, dù tất cả mọi con người ngày hôm nay qua đi….
Chu Tất Tiến.