BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73476)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tuyên Dương Vũ Bằng ?

29 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 1299)
Tuyên Dương Vũ Bằng ?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 

Vào vấn đề chính

Tôi phải dài dòng như thế để dẫn vào vấn đề: tại sao Nhà xuất bản Văn học của Hội Nhà Văn do Nguyễn Đình Thi đứng đầu ở Hà Nội lại bằng lòng để ông Triệu Xuân viết cuốn Tuyển tập Vũ Bằng?

Trong bài "Vũ Bằng - tài hoa và cô đơn" đăng trên báo Văn Nghệ giữa năm 1999, ông Triệu Xuân viết:

"Năm 1992, tôi hợp tác với Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin để biên tập, tái bản tác phẩm 'Bốn Mươi Năm Nói Láo', một cuốn hồi ký rất có giá trị văn học, sử học về một giai đoạn văn chương báo chí Việt
Nam. Tôi làm việc này trước hết vì cho rằng ông Vũ Bằng là một nhà văn lớn, một người làm báo giỏi, thiết tha yêu nước thương nòi. Thời kỳ học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào Thư viện Trung ương ở đường Tràng Thi đọc sách báo xuất bản trước 1954, tôi biết được những điều mà ở nhà trường người ta không nói đến: Những năm 1932 - 1945, Vũ Bằng đã nâng đỡ, hướng nghiệp, dìu dắt rất nhiều nhà văn trẻ, sau này trở thành những nhà văn tên tuổi..."

"Đầu năm 1999, tôi nhận lời mời hợp tác với Nhà xuất bản Văn học để làm Tuyển tập Vũ Bằng. Tôi gửi thư đến nhà văn Tô Hoài, người bạn có nhiều gắn bó với Vũ Bằng trong nghề để tham khảo ý kiến nên tuyển chọn tác phẩm của Vũ Bằng như thế nào; đồng thời tôi mời Tô Hoài viết lời giới thiệu. Ngay sau khi nhận thư, ông Tô Hoài viết cho tôi, rất hoan nghênh và động viên tôi nên tập trung công sức để sớm xuất bản Tuyển tập Vũ Bằng. Tô Hoài nói ông già rồi, có muốn viết về Vũ Bằng cũng không thể viết hay hơn bài 'Vũ Bằng với Thương Nhớ Mười Hai' đã in trong tập 'Những Gương Mặt'. Ông nói: 'Những tác phẩm văn học nào tìm thấy, nên in cả, không phải chọn. Đơn giản vì Vũ Bằng là nhà văn lớn.'"

Đúng như nhà văn Tô Hoài đã nói: Vũ Bằng là nhà văn lớn. Sau khi học hết ban tú tài ở Lycée Albert Sarraut, ông đã viết văn và trở thành cộng tác viên thường xuyên của tạp chí Hữu Thanh và nhật báo Trung Bắc Tân Văn. Năm 17 tuổi, Vũ Bằng đã làm chuếnh choáng văn đàn với tập tùy bút châm biếm Lọ Văn.

Theo ông Triệu Xuân thì chính nhà báo kiêm học giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, chủ bút báo Đông Tây (Hoàng Tích Chu chủ trương), đã khám phá ra văn tài Vũ Bằng khi vào năm 1930, chọn truyện 'Con Ngựa Già' của Vũ Bằng đăng vào mục Bút mới của tờ Đông Tây.

Cụ Lãng Nhân, tác giả 'Trước Đèn', theo chỗ tôi biết, là người rất yêu thương Vũ Bằng và thường giúp đỡ ông mỗi khi túng thiếu nhưng chưa bao giờ tôi thấy Cụ không nể trọng văn tài của Vũ Bằng. Dạo đó, mỗi lần muốn kiếm Vũ Bằng đi "nhậu" vào buổi trưa, tôi thường gọi điện thoại đến Kim Lai ấn quán, nơi cụ Lãng Nhân làm việc, để hỏi về "đường đi nước bước" của ông.

Vẫn theo Triệu Xuân, vào năm 1942, khi nhà xuất bản Tân Dân ở Hà Nội cho ra đời tác phẩm 'Nhà Văn Hiện Đại' của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan thì Vũ Bằng đã là một trong số 78 nhà văn được ông Phan xếp vào hàng 'Các tiểu thuyết gia', tại chương tiểu thuyết tả chân.

Nhưng ảnh hưởng văn nghiệp của Vũ Bằng đối với một số nhà văn hồi ấy như thế nào thì Tô Hoài kể với Triệu Xuân: "Những năm ấy Nam Cao đương ở với tôi trên Nghĩa đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng... Nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy với truyện ngắn của Nam Cao và những truyện ngắn 'Bụi ôtô, Một đêm sáng giăng xuông'... của tôi trên báo Hà Nội tân văn có thể dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này hơi hướng Vũ Bằng. Chính chúng tôi vẫn thường thành tâm tự nhận xét ảnh hưởng ấy với anh Vũ Bằng... Những truyện ngắn đầu tiên của tôi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đều do nhà văn Ngọc Giao biên tập. Nhưng ảnh hưởng có tính nội dung và cả hình thức tôi lại được gợi ý nhiều ở Vũ Bằng..."

Đó là nói về cái tài của Vũ Bằng. Còn tình nghĩa của ông đối với bạn bè thì hãy nghe Triệu Xuân kể lại chuyện nhà văn Lý Văn Sâm, tác giả truyện ngắn đầu tay 'Cây Nhị Sông Phố được Vũ Bằng chọn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy (1941), gặp Vũ Bằng ở miền Nam:

"Một lần vô Nam, Vũ Bằng tìm gặp Lý Văn Sâm, coi như người thân, mời đi ăn tiệm. Dọc đường, Vũ Bằng bảo xe dừng lại, vào một tiệm may bên đường mượn thêm ít tiền để đãi bạn và sau đó gửi cho bạn một chút làm quà lúc chia tay! Ông Sâm nói: 'Lúc đó Vũ Bằng đã nổi tiếng, còn tôi mới vào nghề, vậy mà anh cư xử thân mật, trân trọng. Điều đó động viên tôi rất nhiều khi tôi mới bước những bước đầu vào nghề viết".

Ông Triệu Xuân kết luận: "Một nhà văn, một thư ký tòa soạn mà đối xử với cộng tác viên trẻ như vậy, thật đáng làm gương cho các nhà văn nhà báo thời nay!"

"Tôi có trong tay tấm ảnh của Lý Văn Sâm lúc đó khoảng 20 tuổi, với chữ Sâm đề tặng rất trân trọng nhà văn Vũ Bằng, ghi rõ số nhà Vũ Bằng ở thời đó: 11 Hàng Da, Hà Nội, ký tên Sâm, chữ <i>s<D> không viết hoa. Tình cảm Vũ Bằng dành cho các bạn viết trẻ, tình cảm, lòng biết ơn của các nhà văn dành cho Vũ Bằng, là sự khẳng định nhân cách, tâm hồn, tài năng Vũ Bằng sẽ luôn luôn sống mãi trong lòng bạn bè, trong lòng người đọc và trong suốt lịch sử văn học, báo chí Việt Nam."

Nhà văn Lý Văn Sâm tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève chia đôi đất nước còn Vũ Bằng lại giã từ Hà Nội vô Nam chả tha thiết gì ở lại để đón chào những nhà văn bạn hữu đi "kháng chiến" trở về!

Có nghịch cảnh không? Đầu óc Vũ Bằng lúc ấy nghĩ gì mà lại rũ áo ra đi, để lại bà Nguyễn Thị Quỳ và người con trai yêu qúy chung của hai người, ông Vũ Hoàng Tuấn, thì chỉ có Vũ Bằng mới trả lời được.

Nhưng đọc qua Triệu Xuân ta đã thấy nhân cách và sự nghiệp văn chương to lớn của Vũ Bằng rõ như ban ngày, ai nhìn cũng thấy. Chính những dòng chữ khẳng định của Triệu Xuân đã nói lên điều này.

Ấy vậy mà mới đây, một tin động trời về Vũ Bằng đã xuất hiện trên tờ Văn Nghệ và được báo Nhân Dân đăng lại và truyền đi khắp nơi, kể cả ra nước ngoài, vào ngày 9-3-2000.

Bản tin có tựa đề: "Nhà văn Vũ Bằng được công nhận là chiến sĩ tình báo" nguyên văn như sau:
"Dưới đây là nội dung toàn văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ hoạt động tình báo cách mạng trong suốt thời gian từ 1952 đến 1975 do Tổng cục II (tên gọi khác của Cục tình báo chiến lược
quân sự):"

"Cục Chính trị - Tổng cục II - Bộ Quốc phòng xin xác nhận về nhà văn Vũ Bằng như sau:"

"Theo báo cáo của đồng chí Hàn Ngọc Cẩm (tức Trần Văn Hội), nguyên Đại tá, cán bộ Tổng cục II - Bộ Quốc phòng đã nghỉ hưu. Đồng chí ba Hội là người trực tiếp phụ trách nhà văn Vũ Bằng từ năm 1952. Sau hiệp định Genève năm 1954, nhà văn Vũ Bằng được chuyển vào Nam công tác. Anh Vũ Bằng vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động với tư cách là cơ sở khai thác tin tức phục vụ tình báo cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975."

"Đánh giá về Vũ Bằng: Anh là người trung thực, thẳng thắn, dễ mến, tin tức thu lượm được trong tầm tay của anh. Đặc biệt anh là người rất chu đáo, ý thức kỷ luật tốt."

Ký thay Cục trưởng cục Chính trị
Phó cục trưởng
Đại tá HÀ KHẮC THÁI (đã ký và đóng dấu)

Bản tin của báo Văn Nghệ viết tiếp: "Giấy xác nhận này do ông Văn Sáu (Nguyễn Văn Thụ) - đồng đội cùng màng lưới hoạt động tình báo với nhà văn Vũ Bằng trong thời kỳ chống Pháp ở nội thành Hà Nội - nhận trực tiếp từ cựu đại tá tình báo Trần Văn Hội, và đã tin cậy trao cho nhà văn Văn Giáo. Năm nay ông Hội đã 82 tuổi, hiện sức khỏe đang trong tình trạng rất yếu. Không quản ngại tuổi cao, bệnh tật, ông đã trực tiếp gặp gỡ các đồng chí trong đơn vị tổ chức có thẩm quyền cao nhất để mau chóng xác nhận tư cách chính trị và công lao đóng góp của nhà văn Vũ Bằng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ."

"Bằng tài năng nghệ thuật và tình yêu dân tộc, đất nước, nhà văn Vũ Bằng đã có được một vị trí vững chãi trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nay lại biết thêm ông là một chiến sĩ tình báo, có công lao
đóng góp trực tiếp cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nền văn học cách mạng Việt Nam tự hào có thêm một nhà văn - chiến sĩ trong đội ngũ của mình."

Phản ứng của tôi sau khi đọc bản tin này là: lạnh người.

Tôi rùng mình kinh sợ khi đọc những dòng chữ trong giấy "xác nhận" của ông Đại tá Hà Khắc Thái và những chữ tán dương của báo Văn Nghệ đã dành cho Vũ Bằng, người bạn già rất đáng trân kính của tôi.
Nhưng tôi lại nghi ngờ về tước hiệu "chiến sĩ tình báo" mà guồng máy văn chương tình báo của đảng Cộng sản Việt Nam mới khoác cho Vũ Bằng.

Tôi thắc mắc:

1- Tại sao phải đợi cho đến bây giờ, 48 năm sau kể từ khi người Cộng sản nói là Vũ Bằng hoạt động cho ngành tình báo năm 1952, ông mới được cấp giấy xác nhận công tác của Cục Chính trị -Tổng cục II- Bộ Quốc phòng?

2- Ai đã thúc giục Tổng cục II làm công việc này và làm với mục đích gì? Có phải Hội Nhà văn, do Nguyễn Đình Thi cầm đầu, đã xin giấy xác nhận để có lý do chính trị bảo đảm cho việc tung ra Tuyển
tập Vũ Bằng và để in lại hợp pháp những tác phẩm của Vũ Bằng?

Chú thích: Hà Nội đã in lại Thương Nhớ Mười Hai, Bốn Mươi Năm Nói Láo, Miếng Ngon Hà Nội và Món Lạ Miền Nam của Vũ Bằng mà không trả tiền nhuận bút bản quyền cho bà Phấn, góa phụ và các con ông đang sống nheo nhóc ở Sài Gòn.

3- Tại sao Vũ Bằng đã hoạt động tình báo đến 23 năm, từ 1952 đến 1975, mà sau ngày 30-4-1975, ông không được ban thưởng, đeo quân hàm như Phạm Xuân Ẩn (cấp bậc Thiếu tướng), cựu phóng viên của
tuần báo Times ở Sài Gòn hay được nâng niu, chiều chuộng như Vũ Hạnh, nhà văn? Ngược lại Vũ Bằng, một vợ và sáu con vẫn tiếp tục sống nheo nhóc, đói khổ ở căn nhà ọp ẹp dưới chân cầu Tân Thuận bên Khánh Hội cho đến khi nhắm mắt lìa đời năm 1984, trước sự lạnh lùng của giới lãnh đạo văn nghệ của đảng Cộng sản ở Sài Gòn.

4- Tại sao ông Hàn Ngọc Cẩm (tức Trần Văn Hội), nguyên Đại tá được mô tả như là cấp chỉ huy trực tiếp của Vũ Bằng từ 1952, dù đã 82 tuổi mà còn không quản ngại tuổi cao, bệnh tật "đã trực tiếp gặp gỡ các đồng chí trong đơn vị tổ chức có thẩm quyền cao nhất để mau chóng xác nhận tư cách chính trị và công lao đóng góp của nhà văn Vũ Bằng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ"?

Tại sao lại phải "mau chóng""mau chóng" để làm gì, nếu không có nhu cầu nào và của ai đó?

5- Thế rồi tờ giấy "xác nhận tư cách chính trị" của Vũ Bằng lại được chuyền tay từ ông Hội qua ông Văn Sáu (Nguyễn Văn Thụ) để ông này "tin cậy giao cho nhà văn Văn Giáo" trước khi nó được đăng lên ầm ỹ cũng là điều khó hiểu.

Tôi thấy lối làm việc của những người có thẩm quyền Cộng sản về vụ Vũ Bằng có vẻ loanh quanh, thậm thụt, vội vàng, gượng gạo có chủ tâm vay mượn hơi hó văn tài người khác cho mục đích khoe khoang chính trị. Chẳng nhẽ tông tích và hồ sơ cá nhân của "chiến sĩ tình báo" cỡ lớn như Vũ Bằng lại có thể dễ dàng biến mất trong sổ bộ từ khi ông "được chuyển vào Nam công tác"? Hay là những đồng đội cán bộ và những người được gọi là "trực tiếp phụ trách" Vũ Bằng đã mất liên lạc với ông từ dạo nhà văn "giã từ Hà Nội" năm 1954? (Giã từ Hà Nội là tên tác phẩm của nhà văn Mai Thảo, xuất bản ở Sài Gòn sau 1954)

Có một chi tiết đã được ông Triệu Xuân viết lại đáng chú ý: "Năm 1952, Vũ Bằng về Hà Nội, năm 1954 vào Nam, để lại vợ và đứa con yêu quý ở Hà Nội. Năm 1956, bà Quỳ được tổ chức bố trí vượt sông Bến Hải vào Huế, Vũ Bằng từ sài Gòn ra Huế đón vợ vào, ở nhờ nhà bạn là Thượng Sĩ hơn một tháng."

Thượng Sỹ (đánh vần đúng, không phải Sĩ như ông Triệu Xuân viết) tức nhà văn, nhà báo Nguyễn Đức Long là bạn chí thân của Vũ Bằng từng làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn, mới qua đời cách nay ít năm.

Chuyện bà Quỳ có "công tác" gì với Vũ Bằng hay không là điều chỉ có ông và bà Quỳ biết rõ. Nhưng nay cả hai người đều đã chết nên chẳng ai biết họ đã nói chuyện gì với nhau trong thời gian hơn một tháng ở Sài Gòn năm 1956. Có điều rõ ràng là sau khi bà Quỳ về Bắc được vài năm thì Vũ Bằng ở với bà Phấn và chúi đầu vào làm báo, viết văn kiếm tiền nuôi gia đình mỗi năm càng thêm nhân số và vui chơi với bạn bè.

Ngoài Thượng Sỹ, còn một số người khác biết chuyện bà Quỳ vào Nam gặp Vũ Bằng.

Khác với Vũ Hạnh và một số cây bút nằm vùng khác, người đọc không tìm thấy trong các tác phẩm xuất bản trong Nam của Vũ Bằng có hơi hó gì đến khơi dậy tình dân tộc chống ngoại bang, chống chiến tranh, đả kích bất công xã hội do các chế độ đương thời gây ra hay kín đáo ca tụng "giải phóng". Sách của ông chuyên về các đề tài xã hội hữu ích cho học hỏi, tìm tòi, ký ức như Miếng ngon Hà Nội; Món lạ miền Nam; Bốn mươi năm nói láo; Thương nhớ mười hai; Mê chữ; Những cây cười tiền chiến; Cười đông, cười tây; Cười kim, cuời cổ; Phù dung ơi vĩnh biệt (tên cũ là Cai xuất bản lần đầu ở Hà Nội năm 1942) v.v...

Ngoài bút hiệu Vũ Bằng, theo ông Triệu Xuân: "Vì cơm áo vợ con, ông viết cả loại sách giáo dục gia đình và giáo dục giới tính ký tên BS Hoàng Thị Trâm, Vũ Tường Khanh, Lê Tâm, do nhà Thế giới xuất bản những năm 1956 - 1958; với những cuốn như: Hạnh phúc lứa đôi; Các cô dậy thì nên biết; Các cô gái lấy chồng nên biết; Các bà vợ nên biết; Các bà mẹ nên biết; Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống; Thuận vợ thuận chồng... Chỉ riêng với ba bút hiệu kể trên, Vũ Bằng đã xuất bản khoảng hơn 60 cuốn sách cho đến tháng 4-1960!"

Trong bài Vũ Bằng - tài hoa và cô đơn người ta không thấy ông Triệu Xuân viết gì đến chuyện "sau hiệp định Genève năm 1954, nhà văn Vũ Bằng được chuyển vào Nam công tác", như tấm giấy xác nhận của Đại tá Hà Khắc Thái.

Vậy thì cái giấy "xác nhận" Vũ Bằng là "chiến sĩ tình báo" của Cục chính trị - Tổng cục II - Bộ Quốc phòng vừa được tung ra có dính dáng gì tới sự nghiệp văn chương xã hội và ký ức của Vũ Bằng?

Tôi chỉ có thể kết luận: Giấy "xác nhận" đã được đẻ ra để cho những người cầm đầu Hội Nhà văn ở Hà Nội có đủ bằng cớ xóa đi cái ám ảnh Vũ Bằng "quay lưng lại với kháng chiến" hầu bảo đảm cho cuốn
Tuyển tập Vũ Bằng ra đời được an toàn.

Có điều làm như vậy là người ta đã nhấn sâu thêm nữa quan tài Vũ Bằng xuống đất đen mà vẫn coi như chuyện bình thường.

Hà Nội đã giết Vũ Bằng chứ đâu có tuyên dương ông.

Phạm Trần
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn