BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giáo Dục XHCN

29 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 1456)
Giáo Dục XHCN
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
 

Năm 2000, Bộ Giáo dục ở Việt Nam bắt đầu cho áp dụng chương trình tiểu học mới. Chương trình này sẽ áp dụng trong cả nước cho những năm 2000, gọi tắt là "Chương trình tiểu học 2000".

Từ những năm đầu

Năm 1996, Bộ Giáo dục thành lập Ban Soạn thảo Chương trình tiểu học 2000. Ban soạn thảo gồm 75 nhà khoa học, chuyên viên về giáo dục. Những người này đang làm việc ở các trường đại học hoặc trong
các cơ quan chính phủ.

Mục tiêu của Ban soạn thảo là soạn ra một chương trình tiểu học
mới sao cho phù hợp với tình hình mới. "Mới" ở đây hiểu là "căn cứ theo yêu cầu mới trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa", nghĩa là đúng bản chất của các Nghị quyết Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chỉ tiêu mà "trên" muốn Ban Soạn thảo phải hoàn tất là đổi mới, đổi mới nội dung 9 môn học bắt buộc và một số môn tự chọn, trong đó có tiếng Việt, toán, đạo đức.

Theo tập quán các chính sách khác là "thử nghiệm thử nghiệm đại thử nghiệm" trước khi áp dụng. Chương trình tiểu học 2000 cũng đã được... chơi thử trên nhiều tỉnh trong suốt hơn hai năm qua. Thử
xong, cho áp dụng chương trình này trên cả nước vào niên khóa 2000.

Niên khóa 1997-98, Bộ Giáo dục cho thử nghiệm môn toán lớp 1 cho khoảng 30.000 học sinh ở năm tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa. Niên khóa 98-99, thử tiếp trên 50.000 học
sinh ở 10 tỉnh từ Yên Bái cho đến Sài Gòn. Năm 99-2000 cho thử tiếp ở các tỉnh cáo nguyên Trung phần. Tính cho đến năm nay thì Chương trình tiểu học 2000 đã thử ở 400 trường tiểu học toàn quốc.

Cái mới nhất của Chương trình tiểu học 2000 là giảm từ 14-15 môn xuống còn khoảng 10 môn.

Quá tải

Nói cho công bình thì cũng nhờ báo chí liên tục "phản ánh" tình trạng quá tải của chương trình học nên trong mấy năm qua Bộ Giáo dục mới có một nỗ lực là rà soát lại số lượng môn học.

Như vậy thì phải kể công báo chí về vụ xét lại này. Bởi vì: nền tảng làm việc và cách quản trị của các bộ (không riêng gì bộ Giáo dục), là tùy theo dư luận mà sửa sai, rà soát, điều chỉnh. Dư luận đi trước Nhà nước theo sau. Thí dụ ngày hôm trước báo Thanh Niên đăng rằng "có dư luận xây cây cầu không đúng tiến độ...", thì ngày hôm sau cũng báo Thanh Niên đăng rằng "tiếp theo sau bài báo... Thủ tướng đã gửi công văn..."

Trị nước như vậy nghĩ cũng khoẻ!

Trong suốt đâu chừng năm, bảy năm qua, những tờ báo ít nặng mùi giáo điều như Thanh Niên, Tuổi Trẻ không ngớt đăng việc học quá sức của trẻ em tiểu học.

Học sinh lớp 4, thí dụ, sáng học bốn tiếng chiều học ba tiếng. Một ngày bảy giờ đồng hồ. Tối về ăn cơm xong, lại cắp vở đến nhà riêng của cô giáo để học thêm.

Việc học quá tải gồm nhiều nguyên nhân. Thứ nhất không đủ phòng ốc, học sinh phải học theo ca. Thứ hai thuộc về chỉ tiêu. Mỗi trường đều "phấn đấu" đạt danh hiệu "tiên tiến", vậy là dồn ép bằng mọi
cách để cuối năm tổng kết, tỉ số học sinh lưu ban (ở lại lớp) cực kỳ thấp. Thứ ba là tài chính. Có trường đặt thêm môn tin học, Anh văn. Tin học mua máy computer về rồi không đủ tiền trả, nên ép học sinh
học nhiều giờ để thu thêm học phí. Nhưng lý do thứ ba tương đối ít vì không phải trường nào cũng có hai môn học thời thượng này.

Nguyên nhân chính về tình trạng học quá là ở chính sách và... biến chứng của thị trường tự do. Chính sách ấy tốt ở cái chỗ cầu toàn một cách cực đoan (cho nên ngu xuẩn), là "trò ngoan thầy giỏi" (khẩu
hiệu), là "tiên tiến","đậm đà bản sắc dân tộc" (khẩu hiệu), là "chỉ tiêu". Cho nên trường lớp nào cũng dùng mọi thủ thuật để đạt cho được danh hiệu kia.

Hồi đầu năm, báo Tuổi Trẻ đăng tin: "Học sinh lớp 5 bị đưa xuống học lớp 4" (Tuổi Trẻ 15/1/2000). Bản tin nói trường tiểu học Thanh Đa (Sài Gòn) đã cho ba học sinh lên lớp 5, học được một tháng thì ba
em đó được đưa xuống lớp 4!

Nguyên do? Đưa lên lớp 5 là thuộc chỉ tiêu. Trường tiểu học Thanh Đa, cũng như mọi trường khác kể cả Trường Đảng, có bệnh chạy theo thành tích. Mỗi năm, Phòng Giáo dục - Đào tạo ở mỗi quận đề ra chỉ tiêu hạn chế mức không lưu ban với học sinh lớp 1, 2, 3; còn với lớp 4 và 5 thì chỉ tiêu "lên lớp thẳng" phải cao. Trường Thanh Đa áp dụng chỉ tiêu này, tự đề ra chỉ tiêu "lưu ban không quá 1.5%" Vì thế nên ba học sinh xui xẻo kia dù sức học chỉ đáng ở lại lớp 4, nhưng nhờ chỉ tiêu nên được đẩy... đại lên lớp 5. Thời gian một tháng học lớp 5 của ba em đủ để hiệu trưởng báo cáo thành tích "lên lớp thẳng" cho phòng Giáo dục Thanh Đa là "đạt chỉ tiêu".

Báo cáo thành tích xong, "ta" trở về hiện thực xã hội chủ nghĩa: Đưa ba em trở về lớp 4.

Trong xã hội chủ nghĩa công bằng, vụ này bảo đảm không có khiếu kiện: Cha mẹ của ba em sẽ không kiện mà càng phải dấu hàng xóm là com mình bị xuống lớp. Sung sướng nhất là bà hiệu trưởng trường tiểu học Thanh Đa, sung sướng thứ hai là Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Bình Thạnh có thành tích báo lên Thành. Thành có thành tích báo cáo trong cuộc họp... Hội đồng Nhân dân. Thành vui mà huyện cũng vui, chỉ có nhân dân là kém vui.

Còn biến chứng của thị trường tự do là do nắm bắt được nhu cầu "tiên tiến", thầy cô và thầy dùi, đã mạnh ai nấy ra thêm sách tham khảo dùng cho học sinh tiểu học. Cứ một cuốn sách giáo khoa thì có khoảng gần chục cuốn sách giảng giải về cuốn sách giáo khoa đó. Học sinh bị ép một cách thiện nguyện là mua sách đọc thêm. Có thể nói một học sinh trung bình ở Việt Nam mất 70% thời giờ để ở trường lớp và ngồi trước những trang sách... Thánh hiền!

Học gia truyền

Nhưng còn một nguyên nhân ít người nói là do "truyền thống hiếu học" của người mình.

Cái truyền thống đó ai cũng biết là chảy qua dài dài không biết bao nhiêu thời đại, cho mãi tới thời đại nguyên tử và tin học thì nó vẫn cứ sống khoẻ.

Người Cộng sản Việt Nam theo chủ trương độc tài độc đảng, và khéo làm sao cái chủ trương đó nó lại hợp với ông Khổng tử. Vua là nhất, sĩ hàng đầu nhưng vẫn ở dưới vua. Thế chữ vua bằng chữ "Bác", thế
là nhất.

Cho nên sau một thời gian mạt sát ông Khổng tử, người Cộng sản bỗng thấy ông Khổng lại hợp với chủ trương "nhất" của mình. Vậy là họ lai rai, thong thả, từ từ "bơm" ông Khổng tử lên, bơm chữ sĩ lên, xiển dương bằng cấp, xiển dương cái học truyền thống thuộc làu kinh sử, coi cái đạo "trung" là nhất dù là ngu trung.

Lẳng lặng không biết từ bao giờ, chỉ nói riêng ở Sài Gòn, tự nhiên mấy năm gần đây có kỳ thi gọi là "Giải Trạng nguyên Lương Thế Vinh". Kỳ thi này cũng có Trạng nguyên, Bảng nhỡn, Thám hoa, tiến
sĩ đồng xuất thân. Nghĩa là nhại y như các kỳ thi thời phong kiến.

Mới hồi đầu tháng Ba này, chỉ riêng quận 1 ở Sài Gòn có trên 10.000 học sinh tham gia Giải Trạng nguyên Lương Thế Vinh. "Quan chủ khảo" (may thay không phải đồng chí Tổng bí thư) gồm 500 giáo
viên. "Sĩ tử" gồm các học sinh tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5. Nhưng đặc biệt nhất là có cả... sĩ tử mẫu giáo và lớp 1, lớp 2 nữa.

Sau buổi sáng thi tài, "kim bảng quải danh thì" gồm tên 8 Trạng nguyên, 8 Bảng nhãn, 8 Thám hoa và 83 ngài tiến sĩ.

Thoạt nghe thì kỳ thi này chỉ có tính cách giải trí, không hại gì. Nhưng thực ra, nó đã tiêm cái giá trị cổ coi trọng bằng cấp, và đề cao cách học thuộc bài vào trong đầu những mầm non đất nước. Chính cái cách đề cao đó nghiễm nhiên tạo thêm một áp lực lên cha mẹ, buộc trẻ em phải học đêm học ngày mà hậu quả thực tế nhất, là, đến mươi năm nữa phần lớn thiếu niên Việt Nam sẽ bị tật cận thị vì phải học tù mù trong một đất nước xài điện nhiều hơn... đường dây 500KV.

Vẫn là một chuyển biến tốt

Tuy tình trạng giáo dục ở bậc tiểu học không có gì sáng sủa như vậy, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng nó vẫn có chuyển biến theo hướng tốt hơn.

Cái tốt thứ nhất là do chính sự lo ngại của những người ở trong nước. Một chính sách giáo dục tồi có tác dụng trực tiếp ngay đến con em họ, cho nên ngay những người gián tiếp tham gia vào việc hoạch định chính sách giáo dục cũng cố gắng thay đổi chính sách. Nếu không, nạn nhân sẽ là con cháu của mình.

Cái tốt thứ hai là Đảng đã thấy sự tai hại của truyền thống theo đuổi một chính sách ngu dân. Hậu quả nhãn tiền trước mắt Ba Đình là tệ nạn xã hội trong giới trẻ vị thành niên, là tụt hậu so với mấy nước
làng giềng. Cho nên Ba Đình chấp nhận một số cải sửa về giáo dục học đường.

Kết quả khả quan, trên lý thuyết, đầu tiên là năm nay, chương trình tiểu học 2000 giảm 15% nội dung giáo dục. Nghĩa là các em sẽ có thêm tí thời giờ đi chơi và phụ huynh bớt được ít tiền mua sách tham
khảo.

Nhưng vẫn còn là chuyện lý thuyết. Vì ngay sau khi thông báo "áp dụng đại trà" "Chương trình tiểu học 2000", thì có tin: Chưa có sách Giáo khoa cho học kỳ 2.

Tin này do ông Lê Ngọc Điệp, phó phòng Giáo dục - Đào tạo Thành Hồ loan. Ông Điệp nói từ đầu năm đã cho áp dụng Chương trình 2000 thì... đột nhiên phát hiện học kỳ 2 chưa có sách giáo khoa môn toán và tiếng Việt. Ông Điệp cũng nói ở Hà Nội hai môn này cũng thiếu sách giáo khoa. Và theo ông thì "các trường phải tạm sắp xếp lại thời khóa biểu, thay các tiết học bằng các môn khác". Nguyên nhân, cũng theo ông Điệp, là do "Bộ Giáo dục triển khai chậm".

Như vậy tính từ năm 96, từ khi bắt đầu bàn cải đổi mới chương trình tiểu học đến khi được áp dụng năm nay là vừa tròn 4 năm. Kể ra cũng không chậm.

Tôi có đứa cháu đang học lớp 5. Nghĩa là năm 96 nó học lớp 1. Khi chương trình tiểu học năm 2000 đem ra áp dụng thì nó sắp xong tiểu học.

Không biết là nó hên hay xui.

Nguyễn Ly Nhu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn