BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73432)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng

31 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 22985)
Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng
542Vote
413Vote
32Vote
20Vote
112Vote
4.169
 

 Bắt đầu thử thách

 Đêm nay là đêm đầu của tuần lễ thứ 5. Tàu cuả chúng tôi đang ở trong khu vực của tỉnh Surabaya. Từ đằng xa, tôi đã thấy hiện ra trước mắt một thành phố nằm trên biển tuyệt đẹp! Nhưng khi đến gần, tôi mới biết đó chỉ là một bến cảng tuyệt vời như trong truyện cổ tích. Phải có cả trăm, ngàn con tàu lớn nhỏ đậu san sát bên nhau, với muôn ngàn ánh đèn lấp lánh như những vì sao. Tôi đưa mắt nhìn hết con tàu này đến con tàu khác... những con tàu to lớn và xinh đẹp quá chừng.

 Suốt mấy tiếng đồng hồ len lỏi giữa hàng trăm, hàng ngàn con tàu lớn nhỏ nối kết nhau, chúng tôi không tìm được lối ra. Đành phải cho tàu chạy suốt đêm chẳng dám đến gần tàu lạ để hỏi. Cứ thế cho đến gần sáng, chúng tôi mới dám tìm người hỏi thăm, vì ban ngày mà cho tàu chạy trong vùng cảng rất dễ bị bắt.

Chồng tôi cho tàu đến gần một chiếc tàu buồm của dân bản xứ đi câu mực, cho họ con cá câu được chiều hôm qua. Ông già lái tàu nhìn thấy cá Chacalan (cá ngừ), mắt ông ta sáng lên mừng rỡ (vì dân Indo rất thích ăn cá Chacalan). Nhận cá, ông già đã tận tình chỉ đường cho chúng tôi đi.

 Mấy hôm nay, trời êm biển lặng nhưng chúng tôi lại lo sợ đến toát mồ hôi. Bởi hiện giờ, chúng tôi không còn đi dọc theo đảo nữa, mà chúng tôi phải cho tàu chạy tắt sang vùng biển Java. Theo tuyến hải trình này thì bốn bề mênh mông sóng nước, không thấy đâu là bờ bến, không tìm đâu bóng một con tàu, dù lớn hay nhỏ, mà màu nước thì quá lạ lùng. Suốt 2 ngày đêm đi trong vùng biển nước màu hổ phách, và sau đó dần dần chuyển sang vùng biển đen kịt như hắc ín. Tôi cảm thấy lo sợ vội nắm chặt tay chồng mà mồ hôi ướt đẫm. Tôi biết tâm trạng chồng tôi cũng lo sợ không khác gì tôi. Dù vậy nhưng cả hai vợ chồng không ai dám nói lên ý nghĩ của mình. Bởi trước khi ra đi, vợ chồng chúng tôi đã cam kết với nhau là dù trong chuyến hành trình, chúng tôi có gặp bất cứ hiểm nguy nào, không ai được nói đến chữ "sợ" hay chữ "chết". Tuy vậy, chỉ nhìn mặt anh, tôi cũng hiểu được tâm trạng anh lúc này. Nhìn khuôn mặt xám ngắt của anh, toàn thân tôi bỗng lạnh buốt... Nước mắt tôi cứ chực ứa ra, nhưng tôi cố đè nén dấu đi. Tôi không dám để cho chồng tôi nhìn thấy những giọt nước mắt sợ hãi ấy, vì tôi sợ sẽ làm anh mất bình tĩnh mà xuống tinh thần.

Tôi thì thầm đọc kinh, xin Chúa ban cho tôi thêm can đảm vượt qua vùng biển đen này. Tôi có cảm tưởng nó không phải là nước biển, mà là một chất gì đặc quánh. Lúc này cái cảm giác chết chóc cứ lởn vởn trong đầu tôi. Tôi có cảm tưởng con tàu của chúng tôi đang đi trong vùng đen của địa ngục, nhưng tôi không dám nói cái ý nghĩ rùng rợn ấy thành lời.

Tôi ngồi im đọc kinh, mắt nhìn mũi tàu đang lướt trên màu nước đen ngòm mà rợn người. Lúc này tôi chỉ mong sao thấy được bóng một con tàu, nhưng tất cả chỉ là ảo vọng.

- Em mệt thì nên ngủ, sau khi ngủ một giấc sẽ thấy khoẻ hơn. (Lời chồng tôi nói nghe như gió thoảng bên tai).

Tôi ráng lấy giọng thật bình tĩnh để trả lời anh:

- Không, em không muốn ngủ... Em hơi mệt nhưng không sao.

"Mệt" có nghĩa là sợ. Cả hai chúng tôi đều hiểu cảm giác này của nhau mà không ai dám nói ra. Tôi không dám vọc tay xuống nước, để thực hiện một trò chơi mà tôi vẫn thích: "bốc nước biển đưa lên cao cho nó rơi xuống trong ánh trăng - trông chẳng khác gì những ánh lân tinh vỡ oà muôn tia nhỏ như bao ánh sao trời lấp lánh trong đêm.

***


May thay, ngày hôm sau nước biển bắt đầu nhạt dần... và từ từ trở lại màu xanh muôn thuở của đại dương. Hai vợ chồng tôi nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn thì bất ngờ một cơn mưa lớn từ đâu ập đến. Mưa như trút nước, mưa nghiêng ngửa đất trời, đại dương cuồng nộ, sóng lớn cuồn cuộn nổi lên. Chồng tôi cố gắng ghì chặt tay lái để điều khiển con thuyền trong cơn giông tố, bởi chỉ cần một giây lơi lỏng là con tàu có thể lật úp ngay. Công việc của tôi là tát nước, hai tay tôi tát nước liên tục như một cái máy. Nhưng cho dù tát nước nhanh đến cỡ nào cũng không kịp với cơn mưa mỗi lúc một lớn hơn. Tấm plastic chồng tôi dùng tạm để che nắng, ngay từ đầu cơn mưa đã bị gió cuốn phăng đi mất... nước từ những con sóng lớn nhô cao, liên tiếp ập vào mạn tàu. Múc một gàu đổ ra thì bên ngoài thì sóng lại đổ vào hai ba gàu. Trời càng lúc càng tối, tay chân tôi mỏi nhừ, hết ngã bên này lại chúi sang bên kia, theo những cái lắc nghiêng ngã của con tàu trong cơn sóng dữ. Thân thể tôi ướt đẫm như chuột lột. Tôi run lên vì ướt, vì gió lạnh cộng với cái đói của 2 ngày đi trên biển đen, hai vợ chồng không ăn uống. Lại gặp biển động, gió mưa lạnh ngắt, nên hai hàm răng cứ đánh bò cạp, lộp cộp liên tục không ngừng. Nhiều lúc tôi muốn đọc to lên một câu kinh để cầu xin Chúa ban cho bình an, nhưng cũng không làm sao thốt được được lên lời.

Thế nhưng dường như, chúng tôi không thể thốt lên được một lời cầu xin, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy và thương xót con cái Ngài. Bởi sau một thời gian mưa bão dồn dập kéo dài 7, 8 tiếng đồng hồ, bỗng dưng, cơn mưa đột ngột chấm dứt như có một phép lạ. Biển trở lại hiền hoà, sóng êm gió nhẹ, dịu dàng như một khúc nhạc tình ca.

Nếu không phải chịu đựng trận mưa bão vừa qua, mà chỉ thưởng ngoạn cảnh trời nước êm ả thì không ai có thể biết được cái sống luôn kề cận với sự chết từng giờ, từng ngày trên biển cả.

Vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, hết nhìn biển, nhìn trời, rồi lại nhìn thân mình vẫn đang còn ướt đẫm.

 Thoát khỏi cơn mưa bão, công việc đầu tiên của tôi là phải nấu một cái gì đó để ăn vì quá đói. Tôi quyết định nấu một nồi mì gói cho nhanh và gọn. Nồi mì nấu chưa đủ chín chúng tôi đã vội mang ra ăn. Cả hai ăn ngốn ăn ngấu và cảm thấy ngon lành làm sao, tôi có cảm giác còn ngon hơn cả cao lương mỹ vị trên đời này.

***


Đêm xuống, tàu chúng tôi lại đi lạc vào vùng biển cạn Java. Theo những chi tiết trên bản đồ thì chúng tôi cứ đi theo sườn núi là đúng đường. Nhưng không hiểu sao, chúng tôi đã đi suốt một đêm dài mà tàu vẫn không tìm được lối ra. Khắp một vùng biển rộng mênh mông nhưng rất cạn, có nơi chỉ cắm cây sào xuống là tới đáy. Vì sợ tàu bị đụng đá ngầm sẽ vỡ, hai vợ chồng tôi phân chia nhau: người cầm lái, kẻ cầm sào dò đường, hồi hộp quá chừng.

Khi trời hừng sáng chúng tôi mới tìm thấy được đường đi. Tôi lắc đầu ngao ngán vì tấm bản đồ mang theo chẳng rõ ràng gì cả. Vùng biển cạn rộng mênh mông như thế này mà trong bản đồ chẳng hề thấy một chút dấu tích nào!

Ra khỏi vùng biển cạn, chúng tôi gặp rất nhiều tàu đánh cá. Từ khi đi vào vùng biển Indo tới nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới được nhìn thấy nhiều tàu đánh cá như vậy. Trước đây, ở bến cảng Jakarta và Surabaya cũng có rất nhiều tàu, nhưng hầu hết toàn là những thương thuyền to lớn chở hàng. Gặp được người là chúng tôi mừng lắm. Sau khi tắp vào một chiếc tàu đánh cá để hỏi đường, không những vợ chồng tôi được các ngư phủ chỉ đường rất tận tình, mà họ còn đem ra cho một số tôm và mực nữa. Họ còn cho chúng tôi hay, vùng biển cạn chúng tôi vừa đi đêm qua là vùng nuôi tôm. Trong vùng này không có đá, chỉ là sình nên không nguy hiểm cho tàu, nhưng nguy cho người nếu xẩy chân lọt xuống. Ngoài ra, nếu đang lẩn quẩn trong đó mà gặp phải những người bảo vệ có thể bị ăn đòn như chơi. Bởi vì trên tàu chúng tôi có mang theo lưới đánh bắt tôm và ghẹ, nên họ sẽ nghi chúng tôi là dân đi ăn trộm tôm, (tàu của chúng tôi vốn thuộc loại được xử dụng để đi bắt tôm và ghẹ trong mé). Nghe họ giải thích tôi rùng mình sợ hãi!

***


 Lại một ngày qua đi, hôm nay, tàu chúng tôi đi về hướng dãy đảo Bali. Một vùng biển luôn luôn có sóng lớn, không giống như vùng biển Kaliman-tan hay Jakarta. Vì tàu quá nhỏ, và để tránh sóng lớn, nên chúng tôi cho tàu chạy gần bờ. Cách đi này thì tránh được sóng lớn nhưng lại gặp đá ngầm, vô cùng nguy hiểm. Nước biển trong khu vực này trong vắt, nhưng nhìn xuống đáy thì thấy toàn đá là đá, chồng chéo lên nhau, chen lấn với nhau lớp lớp xám xịt. Từng bầy cá bơi lội tung tăng, chỉ cần ném xuống một nắm cơm là tha hồ xem cá bu lại giành mồi!

Những tảng đá ngầm dưới nước là nơi trú ngụ của đàn cá thì cũng chính chúng lại là mối đe doạ cho những con tàu nhỏ. Chỉ cần một giây sơ xẩy, tàu đụng phải đá ngầm là tai nạn chết người xảy ra như chơi. Bởi vậy cuộc hành trình vượt biển của chúng tôi đã phải đi trong những nỗi gian nguy rình rập tứ bề.

 Ngay từ thuở ấu thơ tôi đã yêu biển và thích những con tàu. Tôi vốn hay khóc nên ba mẹ thường gọi tôi là "mít ướt". Cái tên này chỉ không được nhắc tới khi tôi đã trở thành "mẹ bầy trẻ". Còn nhớ mỗi lần tôi khóc, ba mẹ thường hay dỗ dành: "Nín đi con, mai ba đi mua cho con một tấm hình biển, và một cái tàu thật đẹp". Nhìn cảnh biển hôm nay, bất giác gợi cho tôi nhớ về ba mẹ và những ngày sống êm đềm của một thời thơ ấu. Bởi những ý thích và những mơ mộng cuộc sống hải hồ, nên ba mẹ thường hay ghẹo, cho rằng bà mụ đã nặn nhầm, đáng lẽ tôi phải là con trai mới đúng. Còn Ba thì vẫn thường nói phải chi tôi là con trai ông sẽ cho học ngành hàng hải. Tiếc thay, tôi lại là gái nên đành phải chơi với tàu và vui với trời biển qua những tấm hình mà thôi.

 Chuyến đi này tôi rất thích thú vì tha hồ được ngắm cảnh thiên nhiên. Chúa đã sáng tạo nên muôn loài, muôn vật. Loài người thì có tiếng nói, chim muông, cầm thú cũng có tiếng hót, tiếng kêu, để trao đổi, cảm thông và hiểu biết nhau. Rồi tôi tự hỏi: Vậy những con tàu và những tảng đá ngầm dưới đáy biển, chúng có cảm thông với nhau hay không? Theo tôi, bằng một thứ ngôn ngữ nào đó mà chúng có thể hiểu nhau, chắc sẽ có biết bao câu chuyện hấp dẫn mà chúng sẽ kể cho nhau nghe. Những con tàu sẽ kể cho đá nghe những muôn sắc, muôn màu đổi thay theo từng câu chuyện hải hành trong những vùng biển chúng đã đi qua. Đá, tuy nằm một chỗ không dời đổi nhưng nhưng vẫn có thể trao đổi tâm sự với bất cứ con tàu nào đi ngang qua vô số chuyện biến đổi hàng ngày. Tàu và đá trở thành bạn của nhau vĩnh viễn, và đá sẽ không còn là mối đe dọa cho những con tàu, không bao giờ lại đập nát con tàu...

 Nhưng đáng buồn thay, tất cả chuyện trên chỉ là chuyện mơ mộng vẩn vơ. Ngay như con người có tiếng nói, ngôn ngữ... Nhưng đâu phải tất cả chúng ta đều coi nhau là bạn, cảm thông nhau, quí mến và yêu thương nhau. Con người, có lúc hung dữ như sói: tranh giành, cắn xé, hãm hại nhau tàn tệ không khác chi các loài thú dữ, hay rắn độc.

 Nghĩ đến đây, bất chợt tôi nhìn lại phận mình còn đang nổi trôi trên vùng trời vô định: Hơn 6 năm dài đằng đẵng sống tại trại tỵ nạn Galang, với biết bao hy vọng, rồi cuối cùng thì tuyệt vọng. Thiếu thốn, khổ cực vì không có thân nhân ở đệ tam quốc gia. Khi bị đánh rớt thanh lọc, tôi đau đớn muốn phát điên, nhưng vẫn hy vọng vào ân huệ cuối cùng nên cố kiên gan chịu đựng, đợi chờ. Cái hy vọng mong manh đó, đã nuôi sống những con người bị bỏ quên nơi ngưỡng cửa thiên đường.

Nhưng sau những tháng năm dài khốn khổ đợi chờ và mỏi mòn hy vọng một phép lạ, cuối cùng niềm hy vọng mong manh cũng vỡ vụ và lịm tắt. Chẳng có phép lạ nào mang cái ân huệ cuối cùng ấy đến với chúng tôi. Ngược lại, chỉ thấy sức mạnh bạo lực cưỡng bách những con người khốn khổ trở về lại cái "thiên đường" nơi mà họ đã trốn chạy. Ôi! còn có gì cay đắng hơn, lòng nhân đạo của thế giới đã cạn kiệt hết rồi sao? Tôi đã khóc thật nhiều khi phải bị buộc trở về Việt Nam.

 Khi về tới VN, phép lạ mà những người rớt thanh lọc tại các trại tỵ nạn vẫn hằng ao ước đã xẩy ra. Nhưng bất hạnh thay, chương trình Rove do chính phủ Hoa Kỳ dành cho người hồi hương mở ra không đến với chúng tôi, bởi chúng tôi hồi hương về Việt Nam sau mốc Rove qui định 1 tháng.

Trong khi đó, những người hồi hương khác nằm đúng mốc điểm thời gian ấn định của chương trình Rove, họ ùn ùn nộp đơn xin phỏng vấn. Và rồi họ thơ thới, hân hoan bước lên máy bay ra đi mang theo cả bầu đoàn thê tử. Một chuyện trái ngược với trước đây khi còn ở Galang, nếu có được cho đi định cư, họ cũng phải chờ đợi nhiều năm mới bảo lãnh được gia đình. Đúng là những người này đã nhận được phép lạ, còn chúng tôi thì không. Cho nên lại một lần nữa tôi phải chấp nhận gian nan làm một chuyến vượt biển thứ hai.

***


Đang miên man suy nghĩ buồn cho số phận mình và xót xa về những kỷ niệm đã qua. Bất chợt tôi trông thấy một ngôi chùa nằm trên sườn núi. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng rất đẹp, có vẻ ấm áp, chứ không khiến cho người nhìn có cái cảm giác lạnh lẽo như ngôi chùa tôi vừa đi qua.

Chiều hôm qua, lúc trời gần tối, tôi đã nhìn thấy một ngôi chùa cổ. Ngôi chùa này có lẽ đã có từ mấy trăm năm nay, nhìn nó tôi cảm giác rùng mình sợ hãi. Có lẽ vì chung quanh ngôi chùa phủ được bao phủ bởi một màu xám tối tăm, thậm chí mái ngói cũng đen như hắc ín. Đến nỗi, khi đi ngang qua tôi nghe rờn rợn nổi gai óc, phải nhắm mắt lại không dám nhìn.

Khác với ngôi chùa trên, ngôi chùa mà tôi nhìn thấy hiện giờ, mái ngói đỏ tươi trong nắng, tỏa ra một sự ấm áp. Trước sân chùa là cả một vườn trồng đủ mọi loại hoa đang đua nhau khoe sắc. Từ chân núi lên đến chùa, Phật tử đứng sắp thành một hàng dài. Họ mặc đồ đi lễ đủ màu sắc, trên tay bưng mâm hoa quả lên cúng Phật. Ôi! cảnh đẹp vô cùng, tôi tỏ ý định muốn lên viếng chùa, nhưng chồng tôi càu nhàu:

- Đi vượt biên mà cứ làm như đi du lịch không bằng, đâu cũng muốn đi thăm!

Tôi ráng thuyết phục anh:

 - Anh à! đường đến Úc còn xa vời vợi, mình cứ vừa đi vừa nhìn cảnh và tham quan cho biết. Cơ hội cả đời mới có một lần, biết bao giờ chúng mình mới được đi qua đây nữa. Hơn nữa tàu chạy cũng đã lâu, bây giờ cho tàu nghỉ dưỡng máy cũng tốt. Em chỉ đi vài giờ thôi. Trong khi em đi thì anh câu cá, em về có cá nấu cơm ăn, tiện lợi quá... Đồng ý nha anh!

 Thấy chồng tôi im lặng, tôi mừng rỡ vì nghĩ rằng anh đã đồng ý. Nhưng không! chẳng nói chẳng rằng anh cứ yên lặng cho tàu chạy băng băng:

- Em theo đạo Thiên Chúa lên chùa để làm gì?

 - Em nên chùa đi dạo và ngắm cảnh chùa thì có gì trở ngại đâu anh.

 Đuối lý, chồng tôi lấy lý do có police trên đó ra dọa, để ngăn cản ý định của tôi, nhưng tôi vẫn cố cãi:

 - Anh lẩm cẩm quá, trên chùa thì có Phật chứ làm gì có police!

 Chồng tôi vẫn cố thuyết phục:

- Theo anh, em tham quan bằng cách ở dưới tàu nhìn lên cũng được rồi. Anh cho em tự lái tàu thật chậm, quay một vòng lại nhìn cũng được. Biết chẳng xin xỏ hay năn nỉ được chồng, tôi đành cầm lấy tay lái tàu.

Biển hôm nay không được êm, nhưng tàu chạy gần bờ nên chồng tôi mới dám đưa tay lái cho tôi. Giao tay lái cho tôi xong, anh thảnh thơi hút thuốc và sửa soạn câu cá. Tôi đánh tay lái một vòng tiến vào sát chùa hơn. Không ngờ, ngay lúc đó trên bờ 3 tên police từ đâu chui ra vẫy tay gọi ơi ới. Hoảng hồn, tôi quay tay lái tăng tốc chạy như bay...

Đi được một quãng xa nhìn lại, không thấy ai đuổi theo chúng tôi mới thật sự yên tâm. Chồng tôi nhìn tôi cười ngặt nghẽo:

- Em nói trên chùa chỉ có Phật, không có police, vậy khi nãy ai ở đâu chui ra vẫy tay vậy?

 Tôi nhún vai, le lưỡi:

- Xui quá, em tự trừng phạt mình bằng cách phạt lái tàu nguyên ngày để cho anh câu cá! Vì không có kinh nghiệm và sợ sóng lớn, tôi cho tàu chạy quá gần bờ, nên chân vịt của tầu tôi bị đá ngầm làm gãy. Thật là một tai nạn bất ngờ nan giải, bởi tàu chúng tôi khi ra đi chỉ duy nhất có một cái chân vịt này thôi. 

Vì tai nạn bất ngờ, nên đêm nay tàu chúng tôi đành phải neo tại bãi biển Bali. Nhìn vẻ mặt cau có của chồng, tôi sợ chẳng dám hé môi. Phải tìm cách giải quyết, không thể để mãi tình trạng như thế này được, nhưng giải quyết bằng cách nào mới là một vấn đề nan giải. Đầu óc tôi rối nùi như mớ bòng bong. Tôi đọc kinh suốt đêm cầu xin Chúa cho tôi khôn ngoan hơn. 

Qua đêm tối là ánh sáng của ngày mới. Ánh sáng ơi! xin hãy soi vào cái đầu ngu muội của tôi! Và cuối cùng dường như ánh sáng cũng đã rọi vào cái đầu u tối của tôi thật. Tôi mừng rỡ gọi chồng rối rít:

- Anh ơi! em đã tìm ra cách giải quyết rồi, sáng mai em sẽ lên đảo tìm mua chân vịt.

 Tưởng chồng tôi sẽ mừng với ý kiến độc đáo của tôi, nhưng gương mặt của anh vẫn ỉu xìu như cái bánh tráng nhúng nước:

- Tưởng em nghĩ ra điều gì hay, chứ điều đó chẳng có gì an toàn cả. Em lên đó, police thấy người lạ sẽ hỏi giấy tờ, không có là họ bắt ngay chứ ở đó mà đi mua!

Nghe anh nói cũng có lý, nhưng đành phải mạo hiểm một phen chứ đâu còn cách nào khác. Không lẽ cứ neo tàu ở đây hoài, nếu police nhận ra mình thì họ cũng bắt thôi.

May mắn là cả hai chúng tôi đều nói được tiếng Indo, tuy không nhiều nhưng cũng có thể xử dụng để đi mua đồ được. Tôi không thể ở lại coi tàu vì con tàu di chuyển bằng sào chống, vậy thì tôi phải lãnh nhiệm vụ đi chợ tìm mua chân vịt, nhân thể mua thêm dầu máy và một ít bánh trái phòng khi mưa gió không thể nấu được đồ ăn như đêm hôm trước. Và điều quan trọng hơn cả là phải mua một tấm bản đồ, vì không thể xài mãi tấm bản đồ thế giới vẽ không đầy đủ chi tiết vùng biển này. Tôi cũng dự định mua một lá cờ Indo treo trên mũi tàu, đề phòng khi gặp police Indo khỏi phập phòng lo sợ nữa.

Khi tôi trình bày những dự định cho chồng tôi nghe, thì anh la lên:

- Em cứ làm như đây là Sàigòn muốn mua gì cũng được vậy! 

Hai vợ chồng bàn bạc với nhau mãi, cuối cùng chúng tôi quyết định chờ người bản xứ ra biển đi câu nhờ họ giúp.

 Đợi không lâu, vợ chồng tôi gặp được một người đàn ông đi câu mực. Nhìn thấy khuôn mặt phúc hậu của ông ta, chúng tôi tới làm quen. Qua một hồi nói chuyện chúng tôi thấy ông ta rất hiền lành chân thật, nên vợ chồng tôi bèn ngỏ lời nhờ ông giúp đỡ.

Sau khi nghe chúng tôi trình bày hoàn cảnh, ông lão cho biết từ đây đến nơi mua dầu rất gần, nếu không có sức khoẻ tự mang dầu ra tàu thì chủ tiệm sẽ cho người mang ra dùm. Còn muốn mua chân vịt và những phụ tùng khác, thì phải đi chợ xa khoảng 40 cây số, nhưng đi xe buýt cũng khá nhanh.

 Tôi rụt rè hỏi:

- Ở đây có police không ông? 

Ông lão trả lời:

- Police ở đây rất nhiều, nhưng họ chỉ ở trên khu chợ thôi. Khu vực này toàn là vườn nên không có police.

 Tôi hỏi tiếp:

- Sao hôm qua tôi thấy police ở chùa?

Ông lão giải thích:

- Ồ! vì hôm qua là ngày lễ lớn của Phật Giáo, nên tất cả mọi người đều đi lễ chùa, có lẽ police họ cũng đi lễ chùa vậy mà. Mà tại sao chị lại sợ police?

Ông nói thêm:

- Police ở đây tốt lắm, họ không bao giờ hà hiếp dân đâu, anh chị đừng sợ. Mà tại sao chị lại sợ police? (ông lão lặp lại câu hỏi).

Tôi lúng túng, thầm kêu khổ trong lòng. Chẳng lẽ tôi lại nói "tôi sợ police vì tôi không phải người Indo hay sao?" Lúng túng một hồi, bí quá tôi đành trả lời đại cho qua chuyện:

- Tôi sợ police vì tôi ở vùng xa đến, và tôi không phải là người... theo đạo Phật!

 Tôi nói đại như vậy vì suốt từ hôm đi trên biển Bali tôi chỉ nhìn thấy cảnh chùa Tôi đoán tất cả dân Bali theo đạo Phật.

 Ông lão cũng thật thà nghe tôi giải thích, mà không thắc mắc gì thêm nữa. Ông còn sốt sắng:

- Nếu chị nhút nhát như vậy, khi lên chợ nếu có ai hỏi, tôi trả lời chị là cháu của tôi.

Thiệt là mừng quá trời! Trong cơn hoạn nạn gặp được quí nhân phù trợ. Tôi thầm cám ơn Chúa đã đưa người đến giúp cho chúng tôi.

 Tôi theo ông lão đi chợ mua được đủ thứ đồ không thiếu món gì. Mừng nhất là tôi mua được một cuốn bản đồ, nó phóng lớn từng dãy đảo, ghi chú rất rõ ràng. Tội nghiệp ông lão, sau khi dầu được chở lên tàu, tôi cám ơn và biếu ông $20 USD, ông lão mừng quá, cám ơn rối rít. Trước đó, ông cứ hỏi tôi tiền đó là tiền gì?

 Có lẽ lần đầu tiên ông lão nhìn thấy tiền đô, ông cứ nói hoài, sao chị cho tôi nhiều tiền thế. Nhưng ông có biết đâu, công của ông còn lớn hơn gấp nhiều lần, vì chính ông đã cứu hai mạng người đang ngồi chờ chết. Chúng tôi không có nhiều tiền mà đường đến Úc lại còn xa xôi quá, tôi không dám cho ông thêm như ý tôi mong muốn. Tôi chỉ biết cám ơn ông lão thật nhiều và xin Chúa chúc phúc cho ông.

 Chồng tôi nhìn lá cờ Indo tung bay trong gió, Anh nói, lâu lắm rôi mới nhìn thấy cờ Indo, em còn nhớ ngày quốc khánh Indo là ngày mấy không?

- Sao lại không, dễ như ăn cơm sườn. Em chỉ cần một phần mười giây để truy cứu nhớ lại. Đó là ngày 17 tháng 8. Vừa nói tôi vừa nhìn chồng tôi bận sàrong mà cười đến no. Người ta bận sàrong nó thẳng băng, còn chồng tôi bận sàrong túm tó y như người đi khất thực. Không nhịn nổi tôi nói to lên:

- Anh bận sàrong sao giống đóng khố quá hà, coi chừng nó tụt xuống thì có nước phải lạy người ta, ông ơi!

 Anh phản pháo liền:

- Em hãy lo cho mình đi, đừng vội lo cho người khác, đàn bà mà tụt sàrong mới phải lạy người ta, chứ đàn ông thì chẳng nhằm nhò gì.

 Lần đầu tiên chúng tôi bận sàrong, nhìn nhau thấy tức cười quá chừng. Từ hôm nay chúng tôi đã biến thành người Indo, và con tàu cũng là tàu Indo. Rồi, như vậy là chúng tôi không còn lo sợ nhiều khi gặp phải Police Indo nữa.

 Chiều nay cơn mưa tầm tã, tàu chúng tôi neo lại nghỉ trước một cụm nhà dân. Những người dân ở đây thật hiền lành và tốt bụng, thấy tàu chúng tôi, họ đến thăm hỏi và bơi cào cào ra cho chúng tôi bánh và trái cây. Cào cào là loại ghe nhỏ của người Indo, dù sóng lớn đến đâu ngồi trên cào cào cũng không sợ, vì nó rất nhẹ và vững. 2 bên có 2 càng bằng tre giữ cho ghe thăng bằng. Không biết người Indo gọi tên nó là gì, nhưng chúng tôi gọi là cào cào vì hình dáng nó giống hệt con cào cào.

 Cả tuần nay chúng tôi neo tàu nghỉ ở Bali vì trời mưa tầm tã. Trong cơn mưa, không nhìn được đâu là biển, đâu là đảo, tất cả trắng xoá một màu. Biển nổi sóng cuồn cuộn, sóng biển Bali khác hẳn với mọi miền tôi mà đã đi qua trên vùng biển Indo. Chúng tôi đi rất chậm, vừa đi vừa nghỉ và chỉ đi được ban ngày mà thôi. Có ngày, tàu chỉ đi được vài giờ đồng hồ, đêm thì chúng tôi neo tàu nghỉ. Bali đang rộ mùa trái cây, nhất là chôm chôm. Mỗi ngày chúng tôi đều lên nhà dân chơi xin nước ngọt tắm, thấy họ hái trái cây tôi cũng chạy vô hái phụ với họ, cuối ngày, họ cho tôi đủ thứ bánh trái. Ở Bali họ làm bánh giống hệt Việt Nam, có một loại bánh y chang như bánh phu thê của người Miền Trung. Tôi chỉ cho họ cách làm xôi dị, họ rất thích. Tức cười nhất là họ hỏi ở vùng quê tôi, gọi món xôi này tên gì? Tôi trả lời tên nó là "xôi dị". Họ nói sao cái tên này lạ quá, tôi chỉ biết cúi mặt cười thầm. Còn tức cười hơn nữa là tên tôi, vì sợ bị police Indo bắt tôi tự đặt tên tôi là Inda. Đó là tên của một cô gái trong bộ phim Indo mà tôi đã được coi khi còn ở trại Galang.

Vì không phải là tên thật của mình, nên lúc hái trái cây chung với họ, họ gọi tên mình nên tôi đâu có biết, họ phải đến gần đập vào vai tôi và hỏi:

- Nghĩ gì vậy, sao gọi hoài mà không thấy trả lời?

Tôi cứ ngơ ngơ khiến họ phì cười và chính tôi cũng phải tức cười nữa.

***


 Cả tuần lưu lại Bali chúng tôi không nấu cơm dưới tàu, mà ăn cơm của người dân cho. Khi từ biệt khu vườn Bali, tàu chúng tôi đầy nhóc trái cây, nhiều nhất là dừa và chôm chôm. Ăn chôm chôm đến nỗi sáng ra không thể mở mắt nỗi. Người dân Bali hiền hoà, dễ thương, và cuộc sống của họ bình yên quá đỗi. Nhà nào cũng có vườn trái cây thật lớn. Nhà ở cặp sát mé biển, trước nhà là những hàng dừa nặng trĩu trái. Sau giờ làm việc, ra gốc dừa mắc võng nằm thảnh thơi ngắm biển thì còn gì thú vị bằng. Tôi ước ao một cuộc sống bình thường như người dân ở nơi này.

 Hôm nay tàu chúng tôi đi đến cuối dãy đảo Bali, chuẩn bị vượt họng Bali sang Lombok. Tàu đi mãi đến chiều vẫn không tìm được chỗ trú. Chúng tôi đã được người dân Bali cảnh báo trước: không được vượt họng Bali vào ban đêm. Sóng họng Bali rất lớn, chỉ có những tàu lớn mới dám vượt qua nơi này vào ban đêm mà thôi. Tàu đánh cá loại nhỏ của người địa phương, họ cũng không dám đi qua đó vào ban đêm.

Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Ba 20117:00 SA
Khách
Chi biet noi rang : ong troi luon co su cong bang cho moi nguoi, sau nhung chong gai kho cuc, de roi anhchi duoc den dap cong bang, bang 2 chu tu do . Em chuc cho cuoc song cua anh chi se cho nen tot dep hon va tran trong nhau hon, khi trai qua nhung chong gai thu thach... Moi tinh cua anh chi that dep. Em cam nhan duoc sau 4h doc het loi tu truyen cúa chi. Ngay mai roi se tot dep. .... vung tin chi nhe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn