BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng

31 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 22978)
Chuyến Vượt Biên Kinh Hoàng
542Vote
413Vote
32Vote
20Vote
112Vote
4.169
 

Đoạn cuối cuộc hành trình.

5 giờ chiều, chúng tôi rời trại. Ra đi trong niềm hân hoan. Chuyến đi gồm 98 người, nên để tập trung cho đầy đủ một chỗ cũng mất nhiều thời gian. Vì ra đi như vầy là đi trốn, nên phải đi xé lẻ thành từng nhóm nhỏ. Hai chúng tôi đi cùng với gia đình bé Reber.

Tất cả tập trung về khách sạn ông Haji người Indo, nhưng cho đến tối mới chỉ được khoảng 40 người, số còn lại bị mất liên lạc. Tới nửa đêm, police ập tới bắt, không cho mọi người di chuyển chỗ khác. Tất cả bị dồn vào một căn phòng có police canh giữ nghiêm nhặt. Chúng tôi nhìn nhau lo âu. Và bây giờ, chúng tôi được biết nhóm bên kia cũng đã bị bắt và bị canh giữ như chúng tôi.

Nhưng đến sáng thì cuộc điều đình cũng xong. Ông Haji đã thu xếp ổn thỏa, đưa mọi người tập trung lại một nơi và lần lượt lên xe đi thẳng ra bãi biển để lên tàu.

Khi lên tàu, đồ đạc của chúng tôi và mọi người đều bị mất sạch. Chúng tôi mất hai giỏ quần áo trong đó có nhiều thuốc hút của chồng tôi do nhóm độc thân cho. Mất sạch đồ đạc tôi không tiếc, chỉ tiếc những tấm hình kỷ niệm chụp chung với những người bạn trên đất Kupang này.

Tội nghiệp nhất là gia đình Adiba. Hai vợ chồng, bốn đứa con mang theo rất nhiều quần áo từ Iraq. Họ đã bị mất hết, luôn cả giấy tờ. Trên tàu hầu như mọi người chỉ còn một bộ áo quần dính da. Duy có bé Reber, nhờ mang áo quần đi sau, nên còn được vài bộ.

Chúng tôi nói với nhau, người còn thì của còn, miễn là đi được đến Úc, quần áo không thành vấn đề. Mọi chuyện xong xuôi, tàu bắt đầu nổ máy, trực chỉ Đảo Ashmoor - Úc Châu.

Bé Reber nghe tiếng máy nổ thì sợ khóc thét lên. Bé khóc không ai dỗ được kể cả ba má của nó. Mọi ngày nó ngoan lắm, chỉ có cười thôi, còn bây giờ nó cứ khóc mãi, tím cả mặt mày. Reber khóc, mẹ nó khóc, các anh chị nó khóc, rồi đến tôi cũng mủi lòng khóc theo.

Đám đàn ông thì leo lên mui tàu, Đàn bà, con nít dồn hết trong carbin và sàn lái. Nhưng chưa được bao lâu, carbin nóng như lò lửa vì hơi nóng tư hai máy lớn dưới hầm bốc lên, phun khói ngộp cả carbin. Đàn bà, con nít lại dồn hết ra sàn lái. Một tay tôi ôm bé Reber đang khóc ngất, một tay tôi dắt mẹ và anh chị nó ra khỏi carbin, rồi quay lại dắt tiếp những người khác.

Đám phụ nữ này sao mà dở tệ, tàu chạy trên sóng yên biển lặng mà ai cũng say sóng, nằm xếp lớp như sắp chết. Mẹ của Reber cứ nằm im, hai tay giơ lên khua khua chứ không dậy nổi. Rồi lần lượt mọi người thi nhau ói mửa. Lúc đầu còn biết dòm chừng để tránh, về sau cứ ói bừa lên nhau thấy gớm vô cùng. Trên sàn tàu, người nằm sát khít nhau như cá hộp, mùi hôi xông lên nồng nặc. Tôi tuy không bị say sóng, nhưng nhìn họ cũng ớn nhợn. Trước giờ tôi chưa thấy cảnh say sóng nào gớm ghiếc như vầy.

Tôi cố gắng tìm một chỗ ngồi ôm bé Reber, nhưng không có chỗ nào còn trống. Người nằm còn không thể trở mình nhúc nhích được vì quá chật, riết rồi kiếm một chỗ yên thân mà đứng cũng không được. Tôi kêu chồng tôi đi tìm Dilshad mang thằng nhỏ lên mui tàu, nhưng Dilshad nói không thể ôm con được vì quá nhức đầu và gió trên mui tàu lớn lắm không thể cho Reber lên trên đó. Chồng tôi phải lo lái tàu và coi máy, tôi đâu dám nhờ chồng tôi bồng dùm thằng bé. Tôi đành ôm nó chui trở lại carbin. Sàn carbin lúc này nóng kinh khủng, chân tôi nóng rát như bị phỏng. Tôi quấn thêm khăn cho thằng bé bớt nghe tiếng máy, rồi tôi và nó thò đầu ra ngoài cửa sổ để tránh khói.

Nhưng dù có làm cách nào đi nữa thì thằng nhỏ cũng không nín khóc. Nếu cứ khóc mãi thế này, chưa kịp đến đảo nó đã chết. Nóng ruột vì nó, tôi ôm nó chui tuốt lên mui tàu, có gió lạnh một chút còn hơn cứ để nó khóc vì tiếng máy tàu. Leo lên mui, tôi thấy nó bớt khóc, mừng quá tôi kiếm chỗ ngồi, đám đàn ông nằm xếp lớp kín hết mui tàu. Lúc chưa ra đi tôi nghe quảng cáo mua được tàu lớn lắm mà nay nhìn thấy không đủ chỗ nằm.

Tôi chưa kiếm được chỗ ngồi thì một người đàn ông Afghanistan đuổi tôi xuống. Tôi biết ông này không nói được tiếng Anh, không nói được tiếng Indo. Còn tôi, cũng không nói được tiếng Afghanistan của ông. Tôi ráng giải thích cho ông ta, đưa tay làm hiệu chỉ vào bé Reber, nhưng ông ta cứ ồm ồm, ừm ừm... Ba của Reber nhìn thấy tôi bồng thằng bé lên mui, ông lập tức bò lại phía tôi. Ngần ngừ một lát, Dilshad nói "người ta cử không cho đàn bà lên mui tàu. Sợ xui".

Tôi vỡ lẽ ra. €, ra thế! Tôi nói Dilshad ôm lấy thằng con, ở trên mui nó sẽ dễ chịu hơn dưới carbin, bị ngộp khói và tiếng máy ầm ầm. Nhưng thằng Reber sang tay ba nó chẳng bao lâu lại khóc dữ dội hơn. Ba nó dỗ không nổi lại mang nó xuống carbin giao lại cho tôi.

Đêm đầu tiên trên chiếc tàu này, với tôi là một cực hình. Chân tôi bị phồng dộp vì sàn carbin quá nóng. Còn thằng Reber cứ khóc rồi thét lên từng hồi. Chỉ khi mệt lả, nó ngủ một chút, lúc thức dậy lại khóc và thét tiếp. Lúc gần sáng, Reber mệt quá ngủ lịm trên tay tôi. Tôi mừng vì bây giờ thằng nhỏ đã bớt khóc. Có lẽ nó đã quen dần với tiếng động của máy tàu.

Nhưng nỗi mừng của tôi không được lâu. Tôi chợt nghe đám đàn bà kêu la ầm lên: Adiba, mẹ của thằng Reber bị trúng gió! Tôi ôm Reber từ trong carbin chạy vội ra. Dilshad cũng từ trên mui tuột xuống. Toàn thân Adiba cứng đờ, chân tay co quắp lại không còn biết cảm giác. Tiếng khóc dậy lên chung quanh Adiba như đám tang khóc người chết.

Tôi một bên và Dilshad một bên, liên tục thoa dầu khắp người cho Adiba, vừa thoa vừa xoa bóp toàn thân. Tay tôi nghe rã rời mà Adiba vẫn còn cứng đơ. Những ngón tay Adiba co cứng không mở ra được. Ba đứa con lớn của Adiba khóc rống lên thảm thiết trong lúc cả đám đàn bà xung quanh cũng khóc sùi sụt. Phần tôi cũng cầm không được nước mắt. Không còn biết sạch hay dơ, tôi ngồi bệt xuống ngay chỗ dơ ói mửa và hết sức xoa bóp cho Adiba.

Dần dần, chân tay Adiba trở lại bình thường. Thật hú vía! Mấy đứa con xúm lại ôm lấy mẹ nó, hết khóc lại cười. Rồi cả mấy mẹ con nó lại ôm tôi. Họ mừng vui như chết mới sống lại.

Con tàu đi rất nhanh, nhờ tài công thuộc đường. Sau hai ngày đêm thì đến Đảo Ashmoor. Hai tài công mừng rỡ reo lên "đến đảo rồi! đến đảo rồi!"

Tôi ráng mở to mắt nhìn khắp xung quanh, nhưng chẳng thấy đảo ở đâu. Nếu là người không thông thuộc vùng này sẽ không thể nào tìm ra hòn đảo, vì nó hoàn toàn chẳng giống một đảo bình thường nào cả. Đảo Ashmoor không có đồi núi hay nhà ở, cũng không có rừng cây. Toàn đảo chỉ là đá ngầm. Khi thủy triều lên, đảo bị ngập toàn diện. Phần được coi là cao nhất, chỉ ngang xấp xỉ với mặt nước biển. Cả hòn đảo chỉ thấy một cây dừa đứng chơ vơ.

Xung quanh đảo Ashmoor có tàu hải quân Úc tuần tiểu thường xuyên. Tàu chúng tôi cũng cố chạy lòng vòng quanh hòn đảo, chờ hải quân Úc đến bắt.

 Chưa đầy một giờ đồng hồ sau khi tới đảo, tàu hải quân Úc xuất hiện và cấp tốc cập sát tàu của chúng tôi. Thế là chấm dứt bao nhiêu ngày gian khổ. Chúng tôi đã đến được nước Úc!

Tàu ngừng chạy. Cả đám đàn bà tự nhiên tươi tỉnh hẳn. Chúng tôi ôm nhau mừng vui. Đã tới bến bình an!

Sau những thủ tục làm việc của Hải Quân Úc, chúng tôi vẫn ngủ lại trên tàu. Con tàu bình yên, bềnh bồng trên sóng nước, và tôi đã ngủ một đêm dài an lành. Giấc ngủ đêm nay không mộng mị, không còn bị ám ảnh đến chóng mặt vì bị bay ngược trong lòng họng Sumbawa. Sau một giấc ngủ sâu, thật dài, tôi cảm thấy khoẻ hẳn lên, con người như trẻ lại.

Trưa hôm nay, tàu hải quân Úc chở người về Darwin, ưu tiên cho các gia đình có con nhỏ đi trước. Cha mẹ bé Reber nắm chặt tay tôi với ý muốn tôi cùng đi chung với gia đình họ, gia đình này được xuống chiếc bobo đầu tiên. Nhưng tôi quyết định ở lại chờ đi chuyến sau. Dẫu gì, tôi cũng biết thân phận chúng tôi là kẻ đi nhờ, nên không dám nhận phần ưu tiên. Đã tới đây rồi, chừng nào vào đất liền cũng được. Đâu có sao!

Ở lại tàu, tôi thong dong ngắm biển. Đàn bà trên tàu còn lại ba người, tôi và hai mẹ con Rezina người Iraq. Đám đàn ông múc nước biển lên rửa sàn tàu thật sạch sẽ, rồi nấu cơm ngay trên tàu. Đàn ông giành làm hết mọi việc, không cho đàn bà làm bất cứ việc gì. Tôi chỉ còn mỗi một việc là ăn xong rồi ngắm biển.

Ở cuối tàu có một nhà tắm. Mọi người thay phiên nhau múc nước biển lên tắm. Phần đông ai cũng chỉ có độc một bộ mặc trên người, nên cứ tắm xong là giặt luôn, rồi mặc lại áo quần ướt. Chúng tôi đùa, gọi nhau là họ nhà cá, vì toàn thân ai cũng có mùi vị mặn tanh đặc biệt của biển.

Đêm thứ hai ở Đảo Ashmoor, trời nổi giông bão. Mọi người sợ hãi kêu réo cuống cuồng, vợ chồng tôi phải vội lên boong tàu ngay. Lúc đó, chúng tôi đang ở trong hầm mũi, đang tìm cách kê tấm ván làm chỗ ngủ. Nghe mọi người la hoảng, chúng tôi leo lên xem coi như thế nào. Gió lớn thổi đùng đùng, con tàu lắc lư như đưa võng. Chồng tôi cùng tài công thả thêm một chiếc neo nữa xuống biển.

Trên tàu mỗi lúc mỗi thêm lộn xộn, người thì lấy đèn pin rọi làm hiệu cấp cứu, người đi lấy áo quần đốt lên. Quần áo đâu có nhiều để đốt, phần lớn ai cũng chỉ có một bộ mặc trên người, nên hễ thấy áo quần còn sót đâu đó thì quơ hết đem đốt. Những miếng Plastic dùng che chắn cũng đốt, cái gì có thể cháy được đều đem ra đốt hết. Bão mỗi lúc một lớn hơn, cả tàu náo loạn.

Rezina khóc và run lập cập thật tội nghiệp. Tôi ôm cô bạn trấn an, đừng sợ. Tàu mình to lớn thế này không việc gì phải lo... chẳng sao đâu! Đàn bà, họ sợ đã đành, đám đàn ông cũng nhát thít. Cứ làm náo loạn lung tung cả lên, cải vả ỏm tỏi, làm như sẽ bị té xuống biển chết tươi đến nơi. Nazem, ông bạn Iraq, cũng run sợ chẳng kém gì Rezina. Anh ta luôn miệng kể lể: "tôi còn vợ và bốn con ở Iraq, tôi chết rồi ai nuôi vợ con tôi..." Tôi nhìn con tàu ngả nghiêng cũng thấy sợ, nhưng chính cảnh náo loạn trên tàu mới làm tôi sợ hơn.

Gió càng lúc càng lớn. Người trên tàu cứ tiếp tục cải vả nhau, họ chia thành hai phe, bất phân thắng bại.

Ý kiến thứ nhất, cứ để yên tàu tại chỗ, chờ cơn bão dịu xuống.

Ý kiến thứ hai, nhổ neo lên, đưa tàu ra ngoài ngay.

Tôi ủng hộ ý thứ nhất, nhưng tôi không lên tiếng, vì biết có nói cũng chẳng ai nghe. Trên tàu bây giờ, ngoại trừ ba người đàn bà, còn lại mấy chục người đều là đàn ông. Họ đều mới đi biển lần đầu. Còn tôi, đã trải qua ba tháng lênh đênh trên biển, dù gì tôi cũng có kinh nghiệm hơn.

Lúc chiều khi tàu chúng tôi chạy theo bobo hướng dẫn đậu vào đây, tôi nhìn kỹ, thấy suốt dọc đường toàn là đá. Hôm qua, tàu đậu ngoài xa và nước đang lớn, tôi không nhìn thấy đá ngầm. Khắp chung quanh đây toàn là đá ngầm lởm chởm, chỉ có chỗ tàu đậu là trũng nhất. Tàu hải quân dắt vào trú đúng chỗ vì họ quá thông thuộc vùng biển Ashmoor này. Lúc này, hải quân đang trên đường về Darwin, chắc gì còn có tàu nào khác ở ngoài mà chạy ra cầu cứu. Vả lại, đưa tàu ra ngoài để làm gì trong cơn bão, trời thì tối đen, không ai biết đang nước ròng hay nước lớn. Nếu nước đang ròng mà lúc này kéo neo lên, chưa kịp đi đã bị đập vô đá ngầm tan nát hết.

Tôi nói ý này cho chồng tôi và tài công biết. Bây giờ, ý kiến của thợ máy và tài công là có giá trị nhất. Ai có cãi cọ gì mặc kệ, tài công mới thật sự quyết định. Tôi nói cho mọi người biết, tôi vô hầm mũi ngủ cho khoẻ.

Nghe tôi nói đi ngủ, ý kiến của chồng tôi là "bão đang lớn thế này, sao mà ngủ được?". Còn Nazem cứ nắm chặt tay tôi hốt hoảng kêu lên: "Inda! đừng đi ngủ. Nằm dưới hầm, lỡ tàu lật sẽ không kịp ra ngoài!".

Tôi nhìn Nazem, không cười mà nghĩ thầm: Nếu đã lật tàu thì nằm ở trong hay nhảy ra biển số phận như nhau. Đêm tối thế này, bơi đi đâu? giữa mênh mông sóng gió bão bùng, chỉ có một cây dừa trên đảo, mắt ai đủ sức nhìn thấy? mà ai đâu có sức để bơi suốt đêm giữa biển? Trên tàu có khoảng 10 cái can, nhưng trong lúc nguy biến, tôi có giành nổi một cái với mấy chục người đàn ông kia không?

Thấy tôi đứng dậy, Nazem nắm chặt tay tôi: "Inda đừng đi ngủ. Lần trước Inda đắm tàu ở Kupang, một đêm bơi dưới biển đâu có chết. Inda ở lại đây đi, lỡ đêm nay bị lật tàu, Inda kéo tôi theo, Inda bơi đi đâu tôi đi theo đó". 

Lúc này tôi không nín cười được, tôi cúi mặt xuống và bụm miệng lại để người khác đừng nhìn thấy. Tôi phải nén nó lại, không để thoát thành tiếng. Trời ơi! bơi dưới biển mà lại kéo theo một người không biết bơi thì có nước chết thôi, Tôi nói nhỏ với Nazem: "Tôi bơi không giỏi. Hôm trước tôi còn sống là nhờ ôm can. Nếu Nazem sợ chết thì đi lấy một cái can để phòng thân."

Mắt Nazem sáng lên, chạy ngay đi lấy một cái can, khư khư ôm chặt.

 Tôi đi xuống hầm mũi, nằm suy nghĩ miên man. Nơi đây, không còn nghe tiếng gió rít, cũng không nghe tiếng cãi cọ của mọi người trên boong tàu. Tôi lại nhớ tới hình ảnh kinh dị trong lòng họng Sumbawa: nước đen ngòm cuồn cuộn, sủi tâm, nhô lên như muôn ngàn cánh tay bạch tuột kéo chiếc tàu nhỏ bé của tôi xuống đáy biển. Ngoài hai chúng tôi, không thấy có một sinh vật nào tồn tại dưới nước và trên không. Tôi đã sợ hãi tận cùng, chỉ còn biết kêu xin Chúa cứu giúp. Giờ đây, trên đảo Ashmoor của Úc, nước xanh trong, nhìn rõ từng đàn cá lội dưới biển. Nếu bị lật tàu mà phải chết ở đây, tôi không thấy sợ hãi. Tôi nghe thanh thảng, nhẹ nhàng trong lòng hơn.

Con tàu cứ trồi sụt, bay bổng trên sóng rồi từ từ dịu lại. Tôi đã ngủ được một giấc êm đềm. Khi trời hừng sáng, tôi chui ra khỏi hầm. Trên sóng nước dịu dàng, xanh biếc, tôi ngắm trời biển trong thinh lặng bao la.

Tàu chỉ gặp một lần bão, sau đó, biển êm ru. Cả tuần tiếp theo chúng tôi vẫn còn ở trên tàu. Vốn yêu biển vô cùng, tôi thường nói, nếu tôi chết hãy bỏ xác tôi xuống biển. Về với lòng biển xanh bao la, thênh thang, mát mẻ, chẳng phải lo chôn cất, xây mồ đắp mả làm gì.

Trải qua ba tháng vượt biển kinh hoàng, cảm giác hãi hùng vẫn còn nguyên chưa gột bỏ được, những tưởng tôi sẽ sợ biển tới già, tới chết, nhưng sao trong lòng tôi cứ vẫn yêu thích biển. Tôi có thể ngắm cảnh biển suốt ngày không bao giờ biết chán. Vùng biển Đảo Ashmoor này có rất nhiều cá, cá lội từng đàn xung quanh con tàu. Nhiều người trên tàu tiếc là không đem theo đồ nghề để câu cá. Riêng tôi, tôi chỉ muốn nhìn chúng được tự do, tung tăng bơi lội suốt đêm ngày, ở khắp nơi.

Hôm nay, sau một tuần được ngắm biển đã con mắt, chúng tôi được tàu Hải Quân Úc đưa vào Darwin. Hai chúng tôi ở Darwin trọn ngày để làm các thủ tục cần thiết, rồi sau đó, lên máy bay về Trại Tỵ Nạn Woomera.

Ngồi trên máy bay, nghe lòng nhẹ nhàng và thư thới hơn bao giờ hết. Tôi thầm cảm tạ Chúa đã gìn giữ chúng tôi vượt qua bao gian nan, nguy khốn, để ngày hôm nay được tới bến bờ tự do, Úc Châu, nơi tôi hằng mong mỏi từ bao năm qua!

Nguyễn Thị Hằng Nga

(Tết Nguyên Đán buồn, trong Trại Woomera).
Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Ba 20117:00 SA
Khách
Chi biet noi rang : ong troi luon co su cong bang cho moi nguoi, sau nhung chong gai kho cuc, de roi anhchi duoc den dap cong bang, bang 2 chu tu do . Em chuc cho cuoc song cua anh chi se cho nen tot dep hon va tran trong nhau hon, khi trai qua nhung chong gai thu thach... Moi tinh cua anh chi that dep. Em cam nhan duoc sau 4h doc het loi tu truyen cúa chi. Ngay mai roi se tot dep. .... vung tin chi nhe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn