BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những ngày trăn trở

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1761)
Những ngày trăn trở
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
"Lệnh đầu hàng qua tiếng súng chưa ngưng"[1] của ông đại tướng, tổng thống cuối cùng của đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam, được loan đi trên đài phát thanh Sài Gòn, sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, chẳng khác nào một tiếng bẫy sập đối với tôi, một con chuột hết đường đào thoát! Một tiếng sét kinh thiên động địa giữa trời trong xanh, chừng như "địa hãm thiên băng", đất trời long lở! Vốn quen với nếp sống khoan thai, ngăn nắp, trật tự, đâu ra đó, việc gì cũng từ từ nên tôi không thành công trong chuyện tháo chạy hỗn loạn. Ngày 28 tháng 4, nhờ sự can thiệp của đại tá chánh văn phòng tư lệnh KQ, tôi đã vào được tận văn phòng của một ông đại tá Hoa Kỳ ở DAO[2] để tìm chỗ cho gia đình tôi trên các chuyến bay di tản. Ông đại tá dặn tôi cho gia đình sẵn sàng trong ngày 29, hễ có điện thoại là cho gia đình đến điểm hẹn để ra đi. Thế nhưng, ngày đó tình hình chiến cuộc đã quá dồn dập, không phận Sài Gòn tràn ngập máy bay, từng dưới là trực thăng, từng trên là chiến đấu cơ phản lực của Hoa Kỳ đang tiến hành chiến dịch di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Cho nên, gia đình tôi cứ chờ, cứ đợi nhưng làm gì còn có chuyến bay di tản nào nữa! Để rồi cùng kẹt lại với tôi.

Như vậy là một cuộc chiến tranh dai dẳng mấy mươi năm trời đã kết thúc vô cùng đơn sơ, qua những lời đọc trên làn sóng điện. Một cuộc chiến mà kẻ thắng đã diễu võ dương oai để khoả lấp một hành động "thu không bù chi" và người thua khó chấp nhận cái thế bị trói tay một cách phi lý. Hà cớ gì lại mang binh hùm tướng hổ, xe tăng xích sắt đụng sập cổng dinh khi mà dinh chủ đã lên tiếng quy hàng chớ? Phải chăng đó là hành động dư thừa, khua môi múa mép, nhằm tái diễn cảnh hùng chiếm hầm chỉ huy của tướng De Castrie ở Điện Biện Phủ ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn? Những tên nằm vùng, bảo hoàng hơn vua, chạy đi thôi thúc quần chúng nhân dân xóa những hình cờ vàng ba sọc đỏ sơn trước cổng nhà mà thay vào bằng những cây cờ « cách mạng ». Sáng kiến tự phát vô trật tự, tùy theo suy nghĩ của mỗi nhà, nên có nhà thì cờ Mặt Trận, trên xanh (xanh lá cây hay xanh nước biển cũng tốt, miễn là xanh), dưới đỏ, sao vàng, có nhà thì cờ Bắc Việt, nền đỏ, sao vàng, có nhà muốn nắm phần chắc sơn cả ba thứ cờ, thêm cờ Trung cộng! Trên các ngã vào thành phố, người ta đã rầm rầm, rộ rộ cho xe tải quân sự chở những tên bộ đội, mặt mày hốc hác, ngơ ngơ ngáo ngáo, quân phục chỉnh tề thẳng nếp, có thể vừa xuất kho đêm qua, chạy diễu qua phố phường đô thị để tìm lấy những tiếng hoan hô chào mừng "anh giải phóng quân". Nhưng buồn thay, để đáp lại những cái vẫy tay của bộ đội, chỉ có những tiếng reo hò ngỗ nghịch của bầy trẻ thơ đường phố, hân hoan thích thú vì được thấy tận mắt những tên Việt cộng bằng xương, bằng thịt mà không sợ AK hay pháo kích. Chào mừng những tên bộ đội vào thành là hàng hà sa số những đống vũ khí, băng đạn, những đống quân phục tác chiến, những đống giấy tờ tài liệu và hình ảnh đang cháy thành tro bụi và hàng hàng lớp lớp những chàng trai trẻ, những đấng nam nhi, chỉ mặc có quần đùi và T-shirt. Những chiến sĩ đang hăng say diệt giặc lại bị cưỡng bức giã từ vũ khí, rã ngũ, tan hàng để làm những cái tôi bi thảm trong cảnh:

 "Thân chiến bại, tay không còn vũ khí,

 "Tôi cúi đầu che dấu lệ trào ra.1

Trong khi những giới chức ở hàng lãnh đạo coi như đã phủi tay được với cái gọi là chiến tranh Việt Nam thì quần chúng nhân dân Sài Gòn lại đương đầu với một tình huống mới, đầy những bấp bênh và vô định vì không biết sẽ ra sao ngày sau. Những nỗi âu lo nhiều mặt, về những kẻ cầm quyền mới vừa chiến thắng, về nếp sống ngày mai trong thế kềm kẹp của những tên cách mạng đỏ, về tương lai của con cái, về thân phận của những người thân kẻ thương thuộc thành phần gọi là "ngụy quân, ngụy quyền",...

 "Bỗng dưng tan giấc mơ đời,

 "Quê hương giãy chết giữa trời tháng tư.[3]

Đất nước cũ còn đó mà hồn thiêng Sông Núi đã ra đi theo những người di tản buồn trên những chuyến bay hối hả, trên những hàng không mẫu hạm bạn bè, không chịu yểm trợ cuộc chiến lại bất đắc dĩ phải ôm vào lòng đám người tỵ nạn đàn đúm dắt nhau đi. Còn lại là mảnh đất không hồn với những con người tâm địa chẳng giống ai.

Kẻ vừa thắng cuộc hôm qua thì dương dương tự đắc, coi trời bằng vung, mục hạ vô nhân vì cơn "đại thắng mùa xuân" trong "chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử". Thôi thì liên hoan cùng khắp hang cùng ngõ hẹp, cờ xí tung bay, bích chương, biểu ngử rợp trời, chỗ nào cũng "Không có gì...". Cán bộ kích động rã tay, rát họng la to khẩu hiệu mà quần chúng hưởng ứng la theo thì chẳng có bao nhiêu, cho nên "ác đẻ, ác la, gà đẻ gà cục tác" thế thôi. Vì quần chúng có "ăn trầu" đâu mà phải "đỏ môi". Thế nhưng chừng ấy đâu đã đủ, thiên hạ còn cho những bộ loa to mồm xuyên suốt ngày đêm ca ngợi thắng lợi, đề cao chủ nghĩa coi như là "bình minh của nhân loại", điểm xuyết bằng những bài ca, giọng hát cao ngất hằng mấy bát độ âm giai kiểu Opéra, nghe đến đinh tai, nhức óc. Nhưng chỉ lóe sáng ở thời điểm bình minh rồi suốt ngày lại xám xịt âm u thì bình minh kia có cũng bằng không. Người ta say men chiến thắng, phó thác thành phố cho những thanh thiếu niên nam nữ, mệnh danh là những nhà "cách mạng ba mươi", chỉ cần quấn chiếc băng vải đỏ vào cánh tay là có quyền "thế thiên hành đạo", tự ví mình như những anh hùng Lương Sơn Bạc, nắm quyền quản trị phố phường. May mắn thay cho thị dân của "hòn ngọc Viễn Đông" trong những ngày "độc lập, tự do" đó, xe người ngược xuôi như mắc cửi, vậy mà không một tai nạn nào đáng kể xảy ra. Lẽ nào tai nạn cũng sợ Việt cộng sao? Đúng ra, trong lúc hỗn quan, hỗn quân đó, hồn ai nấy giữ là chắc ăn hơn hết, đỡ lụy vào thân. Những nhóm giặc nằm vùng, biết được nhà cửa của các quan to chế độ Sài Gòn khóa cửa bỏ đi, nhanh chân lẹ tay hùng hổ kéo đến treo bảng đỏ với chữ "quản lý" màu vàng, có nghĩa là sung công, được ở hay không, hồi sau phân giải.

Giới chức cầm quyền chân ướt chân ráo đang ngáy ngủ trên vòng nguyệt quế, tự mãn với công trạng, tạm nghỉ lấy hơi một đôi ngày thì quần chúng bên dưới thừa thắng xông lên, phát huy "quyền làm chủ tập thể". Thì còn gì nữa, tự do dân chủ là "do dân, vì dân và cho dân", làm gì mà dân chẳng có quyền, vì "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" kia mà? Nên chi, chiến dịch hôi của mở màn, đầy đường khắp phố, người ta lôi đi sền sệt trên mặt lộ những chiếc máy điều hòa không khí, những cây quạt điện, vừa tháo gỡ từ một biệt thự nào đó, những bàn máy đánh chữ mà chưa chắc gì đương sự biết cách sử dụng, những cái tủ lạnh to tướng cỡ hai ba người khiêng. Ngày một, ngày hai, những người khố rách áo ôm kia được cách mạng về thành trao cho khả năng tư hữu, làm một cuộc tậu dựng gia sản khổng lồ, có một không hai trong đời. Thế nhưng, những của cải trời ơi đó đem về thì để đâu cho xứng hợp với căn nhà ổ chuột, với mái lá chòi tranh, cho nên chợ trời đột xuất mọc lên hàng khối, như nấm gặp mưa, để tiêu thụ các chiến lợi phẩm, không phải đấm đá gì mà lại hốt được. Nhưng, vào giờ thứ hai mươi lăm đó, những người dư ăn dư để liệu có còn đầu óc nào để rước những thứ ấy về nhà. Những kẻ thực tế hơn và biết làm ăn tập thể đại quy mô thì cạy cửa, phá kho hàng Mỹ tuồn gạo, tuồn đường, tuồn đồ hộp ra bán đổ, bán tháo cũng thu nhập được khối tiền. Đám người chân chất, thực tế hơn, với nhu cầu thiển cận, đi chọn lựa ở những đống quân trang vứt bỏ bên đường mà chọn lấy dăm ba bộ che thân.

Trong khi đó, một thành phần quần chúng khác, coi như là con mồ côi cùi hủi, ghẻ lở, không ai buồn quan tâm đến, nhưng lại nặng mối ưu tư. Họ tự cho mình là thành phần bên lề, một thứ thịt trong nồi, cá trên thớt mà thôi. Họ chạy đôn chạy đáo, chạy long tóc gáy, như cờ lông công để may ra tìm được một kẻ hở thoát thân khỏi con bẫy đã sập. Ngày lại, ngày qua, ý thức được rằng muôn nẻo tắc tị, ngàn lối không thông, họ đành chấp nhận sống với thực tế phũ phàng, cầm bằng cho gió đưa đi. Thế nhưng làm gì được yên thân, nay công an khu phố đòi, mai cấp phường gọi hỏi han linh tinh, bổ túc điều này lẽ nọ trong sơ yếu lý lịch. Có một đêm tối trời, một chiếc xe con bóng láng đỗ lại trước cổng nhà tôi, đôi ba cận vệ súng con bên hông, rào trước, đón sau, đưa một quan, chắc là to lắm, vào nhà thăm hỏi:

- Nhà này, trước kia anh chị cho Mỹ thuê, có phải?

 Nằm vùng cho biết thì đúng rồi, cần gì phải hỏi lôi thôi, nhưng gọi là lời nói đưa hơi, như là miếng trầu mở đầu câu chuyện. Cho nên hỏi, tức là trả lời bèn nói tiếp:

 - Anh chị cho thuê khúc trên, ở từng dưới?

- Không, chúng tôi cho mướn cả nhà, chúng tôi không có ở đây.

 Đối đáp qua loa rồi bầu đoàn cả gánh kéo nhau ra về. Chúng tôi đoán rằng quan cách mạng định đi tìm nhà để "quản lý" hộ. Nhưng không đúng tiêu chuẩn bản thân nên quan tha cho làm phúc, mà không nói trắng ra nên người có mặc cảm cứ ngày đêm thắc mắc không thôi. Thế là, những con người bị cộng đồng đang lên tạm thời bỏ quên kia cứ lây lất qua ngày, biết rằng đời sẽ dành cho mình một biến cố trọng đại, nhưng vô định. Thành thử ra đêm ngày hồi hộp đứng trông, ngồi chờ cái mà, mỉa mai thay, mình không muốn đến. Chẳng biết làm gì hơn là trơ mắt ếch ngắm nhìn thế sự trôi qua.

Tìm kiếm thông tin thì chỉ qua những phương tiện nghèo nàn vì báo chí hàng ngày, xưa kia thừa mứa, nay đâu còn nữa. Đảng và lực lượng vũ trang đã độc chiếm phương tiện truyền thông qua hai tờ "Nhân Dân" và "Quân Đội Nhân Dân" cũng như đài phát thanh nhà nước. Buổi ban đầu, một vài tờ báo của Sài Gòn cũ đã liều mình và liều mạng thử xuất đầu lộ diện qua một vài ấn bản thăm dò thu hẹp, dĩ nhiên là ca ngợi những người cầm quyền vừa lên ngôi, với nhiều hình ảnh hơn bài vở hoặc xã luận. Hình ảnh thì bắt buộc phải có bức hình của một người khuất núi đã từ lâu lại chiếm một chỗ uy nghiêm và trang trọng nhất trên trang đầu và lộng khung cẩn thận. Bài vở và xã luận thì lấy đâu vốn liếng ý thức hệ mà khua môi múa mép, không khéo lại đi cải tạo "mút mùa Lệ Thủy"! Một vài tờ báo, loại điếc không sợ súng, cứ ngây thơ tưởng rằng cộng sản vào thành cũng chẳng khác gì những trò múa rối chính trị, đảo chánh, chỉnh lý hoặc biểu dương lực lượng trước kia. Hy sinh một vài ngày báo tôn vinh những người hùng mới lên là xong chuyện, đâu vẫn vào đấy, cứ thế ta tiến lên trên trận tuyến dư luận mà hốt bạc. Nhưng không, chỉ được một đôi ngày rồi sau đó không thấy đâu nữa, chắc đã bị bẻ tay bút, bịt mồm loa. Tuy nhiên, có một hiện tượng quái đản là tờ "Tin Sáng" của ông dân biểu nằm vùng Ngô Công Đức vẫn được lệnh tiếp tục ra mắt, sau đôi ba ngày vắng mặt! Nhưng chẳng bao lâu sau đó cũng đành gác bút sắt và câm miệng hến vì đã "chu toàn sứ mệnh lịch sử"?! Như vậy là từ đó, "đảng ta" và "lực lượng vũ trang ta" tha hồ mà thao túng địa bàn thông tin và bóp méo dư luận. Thế nhưng "chó sủa mặc chó, đoàn người cứ đi".

Không biết làm gì khác hơn là chờ đợi không đối tượng, nên để lấp khoảng trống, thành phần quần chúng ngoài rìa kia chỉ còn biết ngồi nhìn thế sự trôi qua. Thành phố vẫn là thành phố năm xưa, nhưng không còn "của mình nữa", trông chẳng giống ai, không ra cái gì hết. Bùng binh chợ Bến Thành đầy nghẹt những xe tải bộ đội đậu ngang, đậu ngược, như trên bãi trống của đường mòn Hồ Chí Minh, trong quá trình xuôi ngược Trường Sơn. Chợ búa bắt đầu nhóm lại vì không thấy hiện tượng kinh tế xã hội chủ nghĩa xuất hiện, những kẻ buôn gánh bán bưng cũng phải ngày ngày kiếm cơm. Nhưng ngờ đâu lại đắc khách, toàn là khách sộp, những tên bộ đội tiền đâu mà lắm, toàn xài giấy bạc năm trăm mới toanh. Những mặt hàng yêu chuộng là đồng hồ không người lái, hai cửa sổ, mười hai cột đèn, là chiếc đài hai ba thước sóng, là cái áo len màu mè sặc sỡ, chứ chẳng gì cao sang. Ấy thế mà cung không đủ cầu, nói bao nhiêu mua bấy nhiêu nên con buôn tha hồ mà "chém đẹp", như buôn bán trước kia với quân đội viễn chinh, như một lối trả thù kẻ chiến thắng hôm qua. Quán cóc cũng nổi lên đầy đường khắp hẻm để đón những tên bộ đội ngông nghênh, muốn thưởng thức tách cà phê đen kiểu "cái nồi ngồi trên cái cốc" và phì phà vài ba hơi thuốc "có cán và đôi ba nhẫn" giữa lòng thành phố Sài Gòn thua cuộc. Người ta bày bán dép râu ngay trên lề đường Tự Do, một phố phường sang trọng của Sài Gòn trước kia. Một vài toán phóng sự truyền hình nước ngoài, còn sót lại chưa bị tống cổ, quay lấy quay để cảnh tượng kỳ lạ khi cộng sản về thành. Một vài nơi trên thành phố, những "nhà cách mạng ba mươi" đi lùng sục những sản phẩm mà họ cho là "đồi trụy văn hóa" để đem đi đốt, với hy vọng xóa sạch một dĩ vãng không phù hợp với cách mạng.

"Án treo" cho những người gọi là "ngụy quân, ngụy quyền" cứ lững lơ như "lưỡi gươm Damoclès" được khoảng trên một tháng thì một hôm, trong bản tin tối, đài truyền hình thành phố loan đi cái tin động trời của Ủy Ban Quân Quản Thành Phố. Tin truyền rằng "ngụy quân, ngụy quyền" phải đăng ký học tập cải tạo, mỗi đẳng cấp hành chính hay quân đội tại một địa điểm nhất định và chỉ đem đồ đủ dùng trong một tháng. Việc ăn uống đã có nhà thầu cung cấp. Một thông cáo vô cùng đơn giản cho một việc hết sức phức tạp và có tác động nặng nề. Người chủ xướng cố tình giảm thiểu tầm mức quan trọng của vấn đề để cho các đối tượng khỏi phải quá sợ mà trốn tránh, gây thêm khó khăn. Và cũng vì vậy mà những người đi "học tập cải tạo", vốn ngay tình, chủ quan và quen suy luận theo hệ tư tưởng cố cựu của mình, bị cộng sản lừa dối mãi không thôi.

Sau khi "đất trời sụp đổ" mà không chết, những người của thế giới tự do bị trễ chuyến di tản phải sống qua những ngày trăn trở đầy thử thách. Nhưng, đó chỉ mới là khởi điểm của một chuỗi dài gian nan khốn khổ trên đời, bởi lẽ

"Vừa rồi:

"Vì họ Hồ chính sự phiền hà, khiến trong nước lòng dân oán hận.

"...

"Độc ác thay, trúc rừng không ghi hết tội, dơ bẩn thay, nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được?[4]

Phan Nguyễn Minh Minh

(Trích "Buồn Mãi Không Thôi")


[1] "Ngàn dặm... ngàn năm" Hồng Yến - Điệp Minh Hoàng.

[2] Defense Attaché Office, Cục Quân Viện.

[3] "Chuyện Tháng Tư" Vạn Giả.

[4] "Bình Ngô Đại Cáo" Nguyễn Trãi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn