BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Kỷ Niệm Nhỏ

04 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 2602)
Những Kỷ Niệm Nhỏ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Vào những tháng gần cuối năm 1967, sau những giờ học cuối cùng và những buổi đi thực tậpp trong các khoa ở Bệnh viện Trung ương Huế, cả lớp Y khóa I chúng tôi phải qua 3 môn thi lâm sàng: Nội khoa, Ngoại khoa, và Sản khoa. Ai cũng hồi hộp trong thời gian này. Tuy cả đám lúc gặp nhau cũng vui vẻ, nhưng rồi ai cũng đượm nét buồn vì biết sẽ xa nhau mỗi người một phương như các cánh chim non sau khi đủ lông đủ cánh.

Sau kỳ thi cũng có tiệc tùng, nhảy nhót. Nhìn lại, thấy thời gian đi quá nhanh. Nhớ lại ngày nào, vào năm 1960, khi Viện Đại học Huế mở kỳ thi tuyển Sinh viên vào lớp Y khoa đầu tiên, cả đám dự tuyển đông đúc ngồi trong sảnh đường Viện Đại học. Và rồi khi niên học bắt đầu, chưa có lớp có trường, chúng tôi phải học nhờ ở các lớp của trường Khoa học hay trường Luật.

Những kỷ niệm nhỏ trong các năm học:

Năm chúng tôi học lớp dự bị Y khoa, cả đám hơn 100 người ở giảng đường thuộc khu Morin. Giờ ra chơi giữa các giờ học, một số túa ra ở trước cổng, “nghễ” và chọc phá các học sinh trường Đồng Khánh, rồi nhìn những tà áo trắng bay bay để mơ mộng. Hình ảnh còn ghi lại trong tôi là lớp hóa của thầy Phòng, bài ở sẵn trong bụng thầy, cứ tuôn ra, nói không kịp ghi, may mà có những lúc ổng vừa nhìn viên phấn, vừa thổi thổi trước khi viết công thức trên bảng.

Rồi những giờ về tế bào học của thầy Chính, cố cắt cái lá thành phiến mỏng bằng dao cạo râu mới tinh, mới thấy rõ các tế bào. Lúc mổ các con sán đũa, với một bụng đầy ruột, thế nào cũng bị đứt, bèn lấy cái kim nhỏ ghim hai đầu đút lại, nhưng ông thầy cũng biết khi ổng rút kim ra. Thiệt là “bể mánh”. Hay những buổi thực tập hóa học, có vài thử nghiệm phải đốt, bay mùi rất thúi, phải đốt ở 1 ngọn lửa ở ngoài sân.

Và rồi, những năm sau, lớp YKH khóa I chúng tôi được nhiều đặc ân mà cho đến nay, khi nghĩ lại, cũng khó có nơi nào có được:

Mỗi người được lãnh (cho mượn) 1 bộ sách mới tinh, từ cơ thể học đến sinh hóa học, semioligie, nosologie,... đem về chất cho một đống cao trên bàn học. Và dụng cụ Y khoa, từ kính hiển vi mới tinh đến các xương được gởi từ Đức qua (từ Đại học Freiburg) nên mỗi người được lãnh 1 cái xương có mùi hôi hôi khi học về osteologie. Đã có lúc vào kỳ hè, bạn Võ văn Đàn mượn cả bộ xương, đem về treo lủng lẳng trong phòng ở Đại học xá Nam Giao để ôn thi, làm mấy bà bán bún bò, cháo lòng lúc chiều tối không dám đi ngang qua phòng ấy.

Các giáo sư Đức thật phóng khoáng trong cách ăn mặc và cũng thân mật trong lúc giảng dạy. Các thầy thường mặc áo ngắn tay, trời lạnh thì thêm một áo len mỏng, ít khi thắt cà vạt, quần dài may nhún ở lưng và gấu không xếp lên. Đôi lúc mang sandal thay vì mang giày. Tất cả tạo nên một phong cách trẻ trung, giản dị trong một cố đô thường chú trọng ăn mặc, làm nổi rõ một tập thể giáo sư Y khoa Huế riêng biệt. Nhất là phần giảng bài, ai không hiểu các thầy giảng lại một cách vui vẻ, khó mà tìm thấy trong các đại học khác, vì thường khi thầy vào giảng ro ro, và chuông vừa reo là thầy ôm cặp bước ra.

Thầy Veil dạy sinh hóa với sự phụ giảng của Dược sĩ Hà. Có một lúc thầy dùng chữ RUT (être en rut) ai cũng không hiểu chữ này, cô Hà phải vừa giảng vừa đỏ mặt. Hồi hộp nhất là buổi thi sinh hóa. Ngày thi đến, cả bọn sinh viên tập họp trước phòng phải thi nhưng cửa đóng im ỉm. Đúng giờ thì thầy Veil mở cửa gọi tên 5 người vào và khép lại. Đến lúc tôi vào thấy ở chỗ 5 người phải ngồi, trên bàn có 5 chai nước ngọt gắn sẵn ống hút, một cái sandwich trên một khăn giấy. Thầy Veil gọi một người lên bảng, hỏi bài, viết công thức hóa học, khoảng 5-7 phút, rồi thầy chỉ một người khác tiếp tục đề tài đó. Và cứ như vậy trong hơn 1 giờ ổng dợt 5 người liên tục.

Lúc ra khỏi phòng, bạn bè chưa thi hỏi ông truy đề tài gì, không ai biết mà trả lời. Nhưng rồi sau kỳ thi, ai cũng yên lòng vì đã học bài chứ không học tủ, đã trình bày rõ ràng thì chắc chắn đậu.

Đến năm học phải mổ tử thi, nghe nói trường đã xin vài tử thi của trường Y khoa Sài gòn nhưng không được, trường mình phải tìm 3 xác vô thừa nhận sửa soạn và ngâm vào một hồ chứa lớn tại Bệnh viện Trung ương Huế. Do đó khi mổ xác hơi formol bốc lên, làm thầy trò ràn rụa nước mắt.

Có một hôm, thầy chưa đến, anh L. táy máy ở xoang bụng một cái xác, lấy kéo cắt bỏ các cục mỡ ở phần ruột già (để phân biệt ruột già và ruột non). Ai cũng can nhưng anh ấy nói: “Để ‘moi’ làm cho sạch sẽ.” Đến khi ông thầy vào, ổng rất giận dữ và hỏi ai làm. Ông cho anh L. một trứng vịt. Anh L. nói với nhóm: “Ổng ba dê (barrer) tớ.” Năm đó anh L. bị ở lại lớp.

Kể đến BS. Discher thì chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm. Ổng thật hiền lành, ân cần và đã tổ chức một phòng thí nghiệm nhỏ cạnh khu nội thương để sinh viên tiện thử nghiệm và có kết quả ngay khi cần. Có lần trong một bài giảng về bệnh tim, ông vừa nói, hai nắm tay vừa để chồng lên nhau, vừa bóp nắm tay trên xong bóp nắm tay dưới, vừa nói: “The atria do like this, the ventricles do like that” mặt vừa cười vừa nhăn nhăn ra chiều dễ như vậy mà tụi bay không hiểu. Hôm sau, bạn Thương vào lớp, trước giờ học, đứng lên làm động tác như B.S Discher đã làm, vừa nói câu ổng đã nói, mặt cũng nhăn nhăn ra chiều quá dễ mà tụi bây không hiểu, làm cả lớp cười bò lê bò càng.

Có một hôm, cả bọn tôi nhốn nháo vì lúc bấy giờ Ông bà Discher đã có con đầu tiên (không nhớ gái hay trai), ổng để trong phòng, nó nhón tay lấy mấy con sán ổng ngâm thuốc và nuốt vào bụng.

Còn nói đến BS. Krainick thì ông là một trong những giáo sư quá dễ thương, lúc nào cũng tươi cười, và khu Nhi đồng của bệnh viện như sáng lên khi có ông hiện diện, tràn đầy sinh khí. Cả bọn chúng tôi gọi ông là Papa, vừa đến cửa khi thấy bọn tôi, mình chưa kịp chào, ông đã nói to: “Ah! Bonjour mes enfants.”

Vào những dịp lễ lớn, các giáo sư Đức thường tổ chức những party nhỏ trong nhà các giáo sư thuộc cư xá giáo sư gần nhà ga xe lửa. Cả bọn chúng tôi được mời đến, thôi thì bánh trái nước giải khác ê hề. Thầy trò túi tít om xòm cả buổi tối, xong tiệc ra về ai cũng thấy sao mà thời gian đi quá nhanh.

Về thành phần Ban giảng huấn người Việt, tôi vẫn nhớ mãi.

Bác sĩ Đặng hóa Long. Ông lúc nào cũng bận đồ trắng hay màu mỡ gà, đi vào lớp hay đến Bệnh viện tay lúc nào cũng cầm 1 cái xương chậu, cặp bên nách một hình nhân nhi đồng bằng vải có cuống rốn lòng thòng. Ổng rất nghiêm khắc, mọi nơi phải được sạch sẽ, vệ sinh, nên khi chúng tôi thực tập về Sản khoa, khi từ tầng trên khu Sản khoa một sinh viên của trường Nữ hộ sinh la lên: “Ông B.S Long đến đó,” là cả cô Trưởng toán cũng như các học viên lo vuốt lại quần áo, mang gant tay, bận áo choàng, khăn đội đầu... Người thì lo lau sạch các bàn khám, sắp đặt các giấy tờ thứ tự. Tôi nghe nói có lần thấy bàn khám dơ, ổng đã la cô Trưởng toán Nữ hộ sinh: “Cô có lên nằm được trên bàn dơ như vậy không mà bắt sản phụ nằm lên” và giơ ngón tay quẹt chỗ dơ rồi sau đó quẹt vào má một cô Nữ hộ sinh. Không biết có thật như vậy không. Ông cũng đi một chiếc xe thiệt to loại của Mỹ và đã chọn một sinh viên rất đẹp của Trường Nữ hộ sinh làm “áp trại phu nhân.”

Các BS. người Việt, phần đông hướng dẫn chúng tôi khi đi thực tập tại Bệnh viện, dầu một phần nhỏ không có trong ban giảng huấn, rất tận tình vui vẻ. Tuy nhiên khi tôi đi thực tập ở Khoa ngoại thương và vào phụ mổ tôi đã có kinh nghiệm “xương máu” với B.S Kh. Không biết sao mà ổng lúc nào cũng la lối, nói rất nặng lời. Một hôm, ổng mổ một trường hợp sạn bọng đái, bạn Tôn thất Hứa nhào vào phụ mổ, tôi thì đã tởn nên đứng trên tầng cao nhìn xuống. Ổng cũng la lối om xòm trong lúc mổ, nhưng khi ổng rạch và lòi ra một con sán đũa, ổng im lặng từ đó, may lại ruột non và tiếp tục cuộc mổ trong im lặng. Lúc tôi và Hứa ra khỏi phòng mổ, Hứa nói to: “Đ. M! Calcul vermiforme bay ơi!” Tôi vội nhìn lui, sợ ông Kh. đi sau, may mà không có.

Khoảng thời gian chúng tôi học năm thứ hai thì có thêm một “sinh viên” mới. Đó là anh Nha sĩ Trung úy (hay Đại úy?) Sảng; anh Sảng đang tùng sự tại Quân Y Viện Nguyễn tri Phương. Anh được đặc cách xét vào học chung lớp chúng tôi. Lúc nào đến lớp cũng trong bộ Tiểu lễ phục và nón (kaki vàng). Anh cũng vui vẻ, hòa đồng cùng lớp nhưng không học đều đặn vì bận công vụ. Sau một thời gian, anh báo cho biết là phải nghỉ học vì đổi đi lên Cao nguyên. Anh em chung góp tiền, làm một buổi tiệc nhỏ và mời anh ấy và chị vợ đến dự. Buổi tiệc rất vui và hình như anh Phạm bá Khá đã nói: “Anh nên mua một bầy trâu đem lên trên ấy.” Anh chị Sảng lúc đầu chưa hiểu câu nói đùa ấy. Sau đó có người giải thích: Khi một người “lẹo tẹo” với một “cô sơn nữ” mà có bầu, thì phải có trâu sẵn sàng để bồi thường. Câu nói đùa làm anh chị Sảng cười quá xá.

Trên đây là một phần của chuyện vui buồn trong thời gian theo học Y Khoa Huế.

 

Những ngày đầu tiên mặc áo lính

Vào rồi gần cuối năm 1967, chúng tôi nhận được thông báo phải trình diện Cục Quân Y từ ngày 1 đến 10 tây tháng 1/1968. Từ đây, chúng tôi được chuyển về trường Quân Y để trường Quân Y quản trị. Mỗi sáng phải đến trường Quân Y để biết có lệnh lạc gì không. Chúng tôi được cấp phát quần áo lính, giày trận, mũ, mua vải kaki vàng và trắng, chỉ phải đi sửa mấy bộ đồ lính, may bộ đồ vàng tiểu lễ phục và nón.

Ở đây, tức lúc trình diện ở trường Quân Y cũng có một chuyện vui. Nguyên khóa Trưng tập 10 Y Nha Dược Sĩ của Sài gòn và Huế tổng cộng trên 200 người. Có một ngày cả đám đang đứng đợi xem có gì mới không thì Y sĩ Đại tá Trần minh Tùng, lúc đó là Chỉ huy Trưởng trường Quân Y đi đến, cả đám chỉ nhích sang một bên chừa đường cho ổng vào phòng. Sau đó anh Y sĩ Thiếu tá phụ trách khóa Trưng tập 10 ra và trách:

- Các anh gặp Y sĩ Đại tá mà sao không chào kính gì cả?

Một anh trong toán nhanh miệng trả lời:

- Chúng tôi chưa học chào, làm sao biết chào.

Anh Y sĩ Thiếu tá tiếp:

- Nếu không biết chào thì tránh ra một góc nào đó.

Anh kia trả lời ngay:

- Năm ba chục thì tránh chỗ nào cũng được. Ở đây hơn 200 người, biết tránh chỗ nào?

Anh Y sĩ Thiếu tá chỉ cười trừ, không tranh cãi nỗi với đám Y Nha Dược sĩ tân binh với nhiều mồm mép.

Vào thời gian này, tin tức thảm khốc về cái chết của ba Bác sĩ người Đức và bà Krainick đã bay đến Sài gòn. Và cũng ít lâu sau 4 áo quan cũng được chuyển về Bệnh viện Grall Sài gòn. Trước khi các áo quan này được chuyển về Đức, một buổi lễ cầu nguyện và tiễn đưa đã được tổ chức tại một nhà nguyện nhỏ trong bệnh viện, với sự có mặt của một số sinh viên Y khoa Sài gòn và Huế, cùng sự có mặt của một số giáo sư 2 Đại học Y khoa. Khi chúng tôi đọc báo và xem ảnh trên báo chí, các Bác sĩ người Đức và bà Krainick khi được đào bới lên, thấy họ bị trói 2 tay ra sau và bị bắn vào đầu. Có nhiều câu hỏi được đặt ra:

- Ai đã ra lệnh thi hành bản án tử hình họ?

- Tại sao phải bắn giết những bác sĩ đã có nhiều công sức về Y tế tại thành phố Huế?

Đã hơn 30 năm rồi, mà vẫn không có câu trả lời.

Khi chiến trận Mậu Thân 68 tạm lắng, cả khóa Trưng tập 10 được máy bay không vận đưa từ Sài gòn lên phi trường Liên Khương để học quân sự ngắn ngày tại trường Võ bị Đà Lạt. Ngày tập họp đầu tiên của toán Trưng tập 10 với các sĩ quan và hạ sĩ quan huấn luyện của trường Võ bị Đà Lạt diễn ra trong một phòng lớn. Ở dưới, các Y Nha Dược sĩ kẻ ngồi ưỡn ra đằng sau, người chống cằm đằng trước, anh trưởng toán sĩ quan huấn luyện “sửa lưng” ngay:

- Các anh có thấy chúng tôi ngồi ra sao không? Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không có vẻ mệt mỏi...

Trước khi vào thời điểm học quân sự, quần áo, tóc tai, giày... được kiểm tra xem có đúng quy định hay không. Tóc dài được hướng dẫn về phòng hớt tóc ngay. Có một anh, sau 3 lần phải hớt tóc mới đúng quy cách, vì các lần trước ảnh cho tiền người lính lo về hớt tóc để tóc hơi dài. Chúng tôi cũng được dẫn đi xem phòng ốc của các Sinh viên Sĩ quan Đà Lạt. Bàn học, với sách vở được xếp ngay ngắn, áo quần giầy dép, mũ và mũ sắt trong các tủ để có nơi, tất cả các tủ được sắp đặt giống nhau. Nhất là áo quần được gấp (nhờ độn bìa hộp) như cái hộp trong rất đẹp mắt. Anh sĩ quan huấn luyện viên cũng nói: “Các anh không cần xếp áo quần như vậy.” Nhưng rồi một anh tên Q. Đ. H, về sau cũng kiếm những miếng bìa cắt ra và xếp áo quần thành các hộp như đám sĩ quan võ bị.

Khi vào học, các ngày sau, khi đi kiểm soát phòng, anh Toán trưởng huấn luyện viên nói: “Có một anh đã xếp quần áo đẹp quá. Các anh làm được chứ phải không. Từ nay về sau các anh phải xếp áo quần giống hình hộp cho đồng nhất. Do đó có anh đã la to: “Thằng Q. Âm hộ đã hại chúng ta.” Các buổi học tập được hướng dẫn bởi 1 hay 2 sĩ quan và một số hạ sĩ quan nên chúng tôi được nói trước là không mang cấp bực trung úy trên cổ áo. Trong một buổi học về di chuyển đội hình của tiểu đội (hàng ngang, hàng dọc, hình quả trám... ) có một anh lính thường mang trong một bọc các chai nước giải khát, thuốc lá, kẹo chewing gum,... để bán cho ai cần. Trong khi đang biểu diễn đội hình cho các sinh viên khóa Trưng tập 10 xem, anh huấn luyện viên hỏi lại để sinh viên kể ra tên gọi như tiền sát viên, người mang trung liên... Khi đến anh mang kẹo nước bán cho anh em, một anh bạo miệng nói to: “Chả bán nước ngọt, thuốc lá... chớ ai không biết” làm ai cũng cười kể cả huấn luyện viên.

Vào mỗi sáng chủ nhật, cả toán được tập họp. Quần áo chỉnh tề (tiểu lễ phục màu vàng), giày phải bóng. Sau khi đã được kiểm soát, mọi người được xe G.M.C chở ra một điểm gần chợ Đà Lạt. Mọi người túa ra, kẻ đi xi-nê, người vào tiệm ăn. Về phần tôi, sau khi hỏi thăm để biết tiệm nào ngon, thì tấp vào một tiệm phở, ăn một tô phở to đủ cả tái gầu, nước béo, hành trần. Sau đó vào một tiệm cà phê, kêu một ly “cái nồi ngồi trên cái cốc” (như cách nói của các ngáo V.C), vừa nhìn từng giọt cà phê vàng lóng lánh nhỏ xuống vừa rít những hơi thuốc lá Ruby trong lúc trời bên ngoài lành lạnh, thỉnh thoảng có những giọt mưa nhẹ bay bay...

Cũng trong thời gian học tại trường Võ bị Đà Lạt, một đêm sắp sửa vào giờ ngủ, bỗng nhiên nghe 3 tiếng nổ lớn. Còi báo động ré lên và tất cả các tòa nhà (đều được lệnh trước) tắt đèn. Cả đám nhốn nháo, duy chỉ có các tòa nhà của các sinh viên võ bị ở là yên lắng. Mọi người được lệnh xuống tầng dưới. Thật đáng phục, khi chúng tôi đã xuống hết thì nhìn ra phía sau, trong các giao thông hào, các sinh viên sĩ quan võ bị đã đứng yên lặng, súng ống sẵn sàng chiến đấu. Sáng hôm sau, được biết là đám V.C đã bắn 3 trái bích kích pháo 81 ly vào quân trường, nhưng bắn dở quá, không gây thiệt hại gì cả.

Vào thời gian gần cuối khóa học, nhằm chiều thứ bảy, trong lúc điểm danh, đã thiếu 3 hay 4 người. Các anh này đã hẹn với các “người đẹp” từ Sài gòn lên, nên đã trốn ra bằng ngã sau trường Võ bị và họ đã trốn đi chơi đến chiều thứ hai mới vào lại. Vì vậy lúc cuối khóa học ở trường Võ bị, lúc tổng kết kết quả, các anh này đã ở “ngoại sổ”. Và khi tôi thuyên chuyển ra Bệnh viện Tiểu khu Quảng Trị, tôi đã gặp lại mấy anh này.

Lúc về lại Sài gòn, trường Quân Y đã tổ chức một lễ mãn khóa thật trang trọng. Mọi người, trong bộ tiểu lễ phục, vào lúc tuyên thệ, đã quỳ một chân xuống, tay phải để vào ngực trái. Xong phần nghi lễ ngoài trời, mọi người kéo vào hội trường. Sau các diễn văn ngắn, bánh trái bày ra và ban nhạc bắt đầu trỗi lên rất to, thì từ một cửa nhỏ bên bục khán đài, hai cô vũ nữ, được đặt hàng từ trước, hoàn toàn không có mảnh vải trên người bước ra và nhảy nhót. Cả đám tân Y Nha Dược sĩ la om xòm, kẻ huýt gió, người vỗ tay... Ngay sau đó, ở hàng trên cùng, Y sĩ Chuẩn tướng Vũ ngọc Hoàn, lúc đó là Cục Trưởng Cục Quân Y đang ngồi ghế chủ tọa. Phu nhân B.S Hoàn là người Pháp, ngồi bên cạnh, đã nắm tay ổng và kéo ổng ra về. Chắc ổng không dám ngoái cổ nhìn lại. Cả đám lại cùng reo hò to hơn.

Một ngày nọ, sau khi tôi đã phục vụ một thời gian ngắn tại khu Giải phẫu Tổng Y Viện Cộng Hòa và tiếp theo đổi ra Bệnh viện Tiểu khu Quảng Trị để gần vợ đang dạy tại trường Hàm Nghi-Huế. Trong một chuyến theo xe tải thương về Huế, khi ghé lại tại Bệnh viện Nguyễn tri Phương, gặp lại bạn Tôn thất Hứa, đang lững thững đi đến. Hứa thấy tôi đang mặc cái áo lạnh ngắn tay của Thủy quân lục chiến thường được gọi là “áo trấn thủ” do một anh lính TQLC cho, nó lột ngay; và tôi thấy bạn Hứa đang đội một cái mũ lính mới, kiểu cũng mới, tôi cũng lột lại cái mũ và dùng cho đến ngày tan hàng.

Trên đây là vài kỷ niệm vui vui, buồn buồn mà tôi còn nhớ và ghi lại, để tặng các bạn cùng khóa.

Thân chúc các bạn đồng khóa và đồng môn những ngày họp mặt ở Canada tràn đầy thân ái, vui vẻ.

BS. Lê bá Dũng

Khóa I- Đại học Y Khoa Huế

5/2011 Houston-Texas
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn