BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73410)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đổi Đời

04 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 3537)
Đổi Đời
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Kính mời quý NiênTrưởng , các bạn 20 và các Niên Đệ / 4027 Cùng chia sẻ một thời đã qua trên đỉnh Lâm Viên

***


Ngày Chủ nhật 08/12/1963. Sáng tinh mơ,chúng tôi tập trung tại Quân Vụ Thị Trấn Saigon rồi được xe GMC chở ra phi trường TSN Sau khi làm xong các thủ tục, chúng tôi lên máy bay. Chẳng mấy chốc đã tới phi trường Liên Khương.

Đà Lạt đây rồi !

Phi trường Liên Khương - Đà Lạt


Trời se lạnh, chúng tôi đang đứng co ro. Bỗng hai anh mặc đồ Jaspé (đồ Dạo phố Mùa Đông của SVSQ ) tới nói :

Chúng tôi được lệnh thay mặt Trường VBQG đến đón các bạn. Mời các bạn mang đồ đạc, xếp hàng hai theo chúng tôi lên xe !

Một anh ngồi trên ca- bin cùng tài xế, một anh đứng chung với chúng tôi trong lòng xe, dĩ nhiên chỉ là xe GMC . Thấy anh vui vẻ, mình bắt chuyện, hỏi anh ở trường lâu chưa? Anh nói, cũng mới mùa này năm ngoái. Tôi vô Khóa 19. Các anh sẽ là 20. Mình hỏi tiếp :

- Hôm nay Chủ nhật, ngày nghỉ . Chắc chỉ vào cất đồ đạc , chờ lãnh quần áo mới như anh để đi phố . Ngày mai mới chính thức học phải không anh ?

Không trả lời thẳng ( vì với kinh nghiệm , các anh quá biết những gì đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước : Làm gì có ngày nào, giờ nào được gọi là ngày Chủ nhật , ngày lễ…dành cho đám Tân Khóa Sinh - đám lính mới tò te chúng tôi) , anh mỉm cười và nói :

- Cũng có thể ! Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là tiếp nhận các anh tại Sân bay rồi đưa tới cổng trường bàn giao lại cho nhóm khác. Mọi việc kế tiếp đều do những Cán bộ này sắp đặt .

Chẳng hề lưu tâm đến nụ cười bí hiểm và câu trả lời lấp lửng đó , vì trong tôi đang tràn ngập niềm vui với những dự định cho cuộc bát phố trưa nay.

Mình sẽ mặc bộ đồ oai phong này ra Đà lạt . Trước tiên , ghé thăm bà bác họ , đã lâu không gặp . Dạo một vòng chợ , sau đó ra bờ hồ Xuân Hương , rồi thăm vài thắng cảnh của Miền Đất Lạnh . Mỗi nơi chụp vài tấm hình để Chủ nhật tới ra phố , ghé bưu điện gởi về Saigon cho Bố Mẹ , cho bạn bè và nhất là cho …”em” . Chắc hẳn mọi người sẽ trầm trồ khi nhìn thấy mình trong trang phục Dạo phố Mùa Đông . Ôi , sung sướng quá !



Bỗng xe dừng lại . Hai anh K19 bảo :

- Mời các bạn xuống xe . Tới trường rồi !

Thay vì vào cổng, hai Anh lại hướng chúng tôi sắp hàng đi vào Câu Lạc Bộ (khoảng 50m) . Dàn Quân Nhạc mặc đồ đại lễ trắng, đứng trang nghiêm dọc hai bên lề bắt đầu trỗi khúc nhạc quân hành. Chúng tôi cảm thấy thật hãnh diện . Mặt đứa nào cũng “vênh” lên. Họ đón tiếp chúng tôi trân trọng quá !

Vào trong CLB, hai anh K19 nói :

- Các anh ngồi nghỉ chân, ai có tiền, muốn ăn uống gì thì kêu. Chúng tôi chờ các bạn đúng 30 phút !.

May mắn, bàn tôi ngồi có một anh K19 khác ngồi chung, anh ấy nói nhỏ : Có đói hãy ăn, có khát hãy uống. Không thì lát nữa ói hết !

Hơi ngạc nhiên ?! Tuy vậy, tôi cũng chỉ kêu một chai cam vàng, uống vài hớp cho có. Vì trong lòng tôi đã đầy tràn Niềm Vui !

- Đã hết giờ, mời các bạn ra ngoài tập họp ! Hai anh K19 đi đón nói .

Sau đó, dẫn chúng tôi đến tận cổng trường .

Xếp lại thành bốn hàng dọc xong . Một trong hai anh K 19 hô to :

- Tất cả chú ý, Nghiêm !

Rồi 2 anh đồng loạt giơ tay chào 4 anh mặc ka ki vàng đứng đối diện chúng tôi tự hồi nào không rõ !

- Xin bàn giao số người này trong danh sách cho Cán Bộ Tân Khóa Sinh .

Quay lại chúng tôi, Anh nói :

- Chúc các bạn có đủ nghị lực ! Xin tạm biệt !

Qua phong cách và lời lẽ , tôi thấy các anh ấy dễ mến và lịch sự làm sao !

Sau khi các anh lui bước, Bấy giờ, chúng tôi mới có dịp nhìn kỹ những người được gọi là Cán bộ Tân Khóa Sinh (đều là khóa 19 , khóa Đàn anh) . Họ mặc bộ kaki vàng, khăn quàng cổ màu xanh da trời , cầu vai đỏ gắn an-pha , đeo Dây Biểu Chương, mang găng tay trắng, thắt lưng to đùng cũng màu trắng, ống quần gom gọn phía trên đôi giày Map cao cổ. Ấn tượng nhất là cái nón nhựa bóng láng , đội sụp xuống, gần như che khuất cả đôi mắt.

Khi họ đứng thế nghỉ, trông cứ như 4 bức tượng đồng , đầy vẻ đe dọa. Mặc dù lúc trước , tôi đã theo học được chút “nghề”, nhưng cũng còn thấy ơn ớn !

- Nghiêm ! (Tiếng hô “ đanh thép “ của một SV Cán bộ làm tôi giật mình). Khi tôi đọc tới tên ai, hãy giơ tay và hô to : Có mặt ! Các anh rõ chưa ?

Cứ như vậy, lần lượt mỗi người được phát một tấm thẻ bài bằng giấy các- tông có ghi tên tuổi, số quân và Đại Đội . Một đầu tấm thẻ đã cột sẵn sợi dây dù nhỏ. Xong xuôi, anh hỏi lại xem có ai còn thiếu?

Không thấy ai trả lời . Anh ra lệnh :

- Tất cả cột Thẻ thật chắc vào “con bọ” ở thắt lưng quần . Mau lên !

- Chú ý, Nghiêm ! Các anh hãy lắng nghe “Mấy lời phi lộ” từ SVSQ Tiểu Đoàn Trưởng TKS .

Một anh khác, dáng vẻ “ngầu” nhất, bước lên bục gỗ cao ,dõng dạc nói :

- Thay mặt Trường VBQG và Liên Đoàn SVSQ , xin gởi lời chào toàn thể các bạn . Các bạn đã rất đúng đắn và can đảm khi chọn con đường binh nghiệp làm lẽ sống của người trai thời loạn. Nhất là chọn vào ngôi trường này. Một lò Luyện Thép nổi tiếng của Đông Nam Á…. Xin nhắc các bạn, nơi đây, không hề có sự an lạc, dễ dàng, yếu hèn, nhu nhược . Mà như tên gọi của nó: Lò luyện Thép ! Nơi đây , đầy khổ cực, mồ hôi, nước mắt , đôi khi mất cả mạng sống nữa. Khóa nào cũng có người chết hoặc thành phế nhân. Tôi nói bằng sự thật ! Bây giờ còn chưa muộn vì chưa bước qua vạch vôi làm giải phân cách , các bạn có quyền rút lui. Không sao cả ! Sau lưng các bạn là đời Dân chính an nhàn. Trước mặt thì đầy dẫy chông gai, khổ ải của Đời Lính. Đây là cơ hội cuối - tôi xin nhấn mạnh cơ hội cuối cùng -để các bạn quyết định . Ai thay đổi ý kiến , hãy cho biết !

(Tôi thầm nghĩ . Mình vào học trường Sĩ quan để mai này ra chỉ huy chứ đâu phải ra binh nhì binh ba ? Các anh này sao khoái “hù” nhau thế nhỉ ? ).

Thấy tất cả đều im lặng . Anh nói tiếp :

- Như vậy, không ai rút lui ?Rất tốt !Nhưng tôi xin báo trước, Quân trường này không có chỗ dành cho học viên tà tà đi bộ. Do vậy, kể từ khi qua vạch vôi, bước vào trong cổng sẽ chỉ có Chạy và Chạy ! Các bạn nhớ rõ chưa?

- Rõ ! Tất cả đồng thanh la lớn.

- Tôi xin hết lời. Trao quyền lại cho Cán Bộ Tân Khóa Sinh trực tiếp !

Họ đưa tay lên chào nhau .

Thế là lại Nghiêm, Nghỉ theo lệnh của một trong những”Tượng Đá biết đi”.

- Tất cả mang hành trang, chạy theo tôi !

Mới đầu, hai anh Cán Bộ TKS chạy phía trước. Tôi nhìn thấy dãy nhà xa xa cuối đường ( chắc là chỗ ăn ở) , ước lượng chỉ vào khoảng 5-6 trăm mét .

Mặc dầu hành lý có hơi nặng, nhưng đoạn đường đó mình ráng được. Chạy khoảng 50 thước. Bắt đầu hai anh phía trước xoay mình lại, chạy thụt lui. Ấy vậy mà cả nhóm theo không kịp ! Hai anh bắt đầu “ trở quẻ”, la lối, thúc giục liên hồi. Đồng thời, không rõ từ đâu , xuất hiện thêm cả chục “Hung Thần” như thế. Chạy xung quanh chúng tôi, cũng la hét nạt nộ vang trời.

Khoảng cách tới “nhà” chẳng còn bao xa - tôi nghĩ thế - Mười phút chịu đựng nữa là cùng. Vô lãnh đồ đẹp rồi đi “bát phố” Dalat !

Đâu ngờ, Tất cả suy nghĩ của tôi chỉ là ảo tưởng. Con đường Vòng An-pha không bao giờ có khúc cuối. Hết vòng này tiếp nối vòng kia. Cứ Chạy và Chạy.!

Vài bạn đuối sức tụt lại phía sau , lập tức các “ Hung thần” xúm lại la hét tách riêng ra bắt bò trên đường đá dăm lởm chởm . Liếc thấy dưới mương đầy bùn , đã có một bạn, còn nguyên bộ veston, đang trườn như con cá trê . Giữa sân cỏ , hai “hung thần” xốc nách một “em” dúi đầu vào vòi nước .

Không biết do thấy cảnh tượng đó hay do mình đã thấm mệt mà tai tôi bắt đầu lùng bùng . Hơi thở đứt quãng , dường như tanh tanh mùi máu. Mắt đổ hào quang , nhưng còn thấy lờ mờ những “xác người” nằm la liệt trên sân, cùng những hành trang rơi vãi đầy đường. Cái xác của tôi như anh say rượu chạy xiêu vẹo , chạy theo quán tính . Mệt quá sức tưởng tượng !

Các “Hung thần “ hùng hổ chạy theo kế bên không ngớt la lối , sỉ vả … Trong đầu thầm nghĩ chắc phen này mình phải…“hy sinh mạng sống” vì đã lầm chọn vào cái “ Lò Luyện Thép “ quái đản này !
Tôi đang nghĩ quẩn , tự trách mình . Bỗng có tiếng hô :

- Tất cả , Đứng lại ! Vào sân cỏ bên trái tập họp thành 4 hàng ngang !

Ôi, những thân thể cong queo , gần gãy gục như cây chuối bị chặt ngang chưa đứt ! Thở… và… Thở… , ai cũng rũ ra mà thở. May mà các Đàn Anh quên (?) bắt đứng nghiêm chứ không thì tôi cũng đứt hơi , đi “chầu trời” rồi !

Khoảng 15 phút , chấn chỉnh hàng ngũ xong. Liếc quanh , nhóm mình hồi sáng 54 người , giờ chỉ còn nhiều lắm là 30 ( mà không dám khẳng định đó là Người hay Ngợm nữa ). Kẻ ói, người ụa khan …! Te tua, tiều tụy quá đỗi !

Kế tiếp , anh Cán Bộ TKS cho số “còn sống”chúng tôi giữ nguyên đội hình chạy lúp xúp quanh sân để nhặt lại những gì làm rớt. Tôi đã chẳng còn vật chi trên tay từ lúc nào không rõ . À, cái va-ly sách vở mang theo của mình đây, kia là bọc quần áo. Còn chỗ nọ là bịch cam và phong kẹo đậu phọng mà Mẹ mình dúi cho lúc sáng sớm, khi chào từ giã lên đường. Hết một vòng, chúng tôi về nơi cũ tập họp. Thêm được dăm chú “sống lại” lảo đảo lết vô hàng.

Một “ ông “ SV Cán bộ Đại đội trưởng đứng trên bục cao, dõng dạc hô Nghiêm Nghỉ vài lần rồi nói :

- Đây mới chỉ là thủ tục chào sân . Một trong hàng ngàn thử thách mà các anh bắt buộc phải vượt qua . Hãy chuẩn bị tinh thần . Nhất là tinh thần Bất khuất . Nãy giờ chỉ là phần giới thiệu Bài học đầu tiên : Bất khuất trước mọi cam go gian khổ. Muốn được trở thành người Lính chuyên nghiệp , một Sĩ quan Hiện dịch , một người Chỉ huy . Các anh sẽ còn phải vượt qua nhiều chông gai, khổ nhục gấp bội . Do vậy, Ai không muốn tiếp tục, chúng tôi sẽ có cách giải quyết ngay hôm nay. Đừng để vài ngày sau, nản chí, lén leo rào trốn . Xin báo cho các anh biết ngoài hàng rào cài vô số mìn bẫy . Chuột, rắn bò ngang còn bị nổ tan xác , huống chi con người ! Đừng dại dột ! Bây giờ, ai muốn trở về Dân sự hãy bước qua bên trái hàng quân. Ai ở lại, đứng nguyên tại chỗ !

Thấy có 6-7 bạn bước ra. Các bạn ấy không biết họ nghĩ sao , chứ riêng tôi, thấy nội cái va li sách và túi áo quần này, bây giờ phải vác bộ ra cổng cũng “ èo uột “! Nên “một liều, ba bảy cũng liều”, đứng nguyên tại chỗ . Không ngờ đó lại là một quyết định sáng suốt.

- Còn ai nữa không ? Thấy không ai nhúc nhích , anh bèn nói.

- Những anh ở lại, theo Niên trưởng Cán bộ lên nhận phòng. Nhớ đóng hết các cửa và tuyệt đối không được nhìn qua cửa sổ bằng kính xuống sân!

Chúng tôi khệ nệ “tha” hành lý lên tận lầu ba . Tên tuổi được dán sẵn ngoài cửa. Trong phòng ( phòng 2 người ) , bàn ghế tủ giường đầy đủ cả .

Quá mệt. Tôi ngả mình trên chiếc giường (dù chưa có nệm) . Chao ơi ! Thật là : Hạnh - Phúc - Vô - Cùng !

Dưới sân, tiếng la hét , tiếng “ giảng Moral” của Cán bộ ĐĐT vẳng lên, nghe rõ mồn một :

- Các anh là những kẻ không có lập trường, kẻ yếu đuối, hèn nhát nhu nhược,…(đủ các từ mà tôi chưa hề nghe trước đây). SV cán bộ Tiểu Đoàn Trưởng Tân khóa sinh đã nói rõ khi còn ở cổng : “Bên ngoài vạch vôi là đời Dân sự an nhàn. Đồng ý bước qua là chấp nhận vào Lò Luyện Thép”. Tại sao bây giờ mới một milimet khó khăn lại đầu hàng , rút lui? Đồ hèn nhát,cầu an ! Các anh nên nhớ : Một khi đã bước vào đây, nơi đào tạo ra những người Lính, chỉ biết tiến chứ không biết lùi. Phải như cái máy chỉ biết tuân lệnh chứ không ý kiến v.v… Và chỉ được trở về khi nào mãn khóa học . Chúng tôi được giao nhiệm vụ”lột xác” các anh khỏi đời Dân sự. Ai yếu hèn , không đủ can đảm - như các anh đây - chúng tôi buộc phải giúp sức !

Và còn nhiều nữa.…! nhưng tôi đã lim dim đi vào giấc ngủ. Chỉ còn loáng thoáng nghe những tiếng đếm một Lên, hai Xuống, ba.. bốn .., năm.., sáu…!

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi được lệnh tập họp xuống sân để lôi những “xác chết còn thở” lên phòng. Có một “cái xác” rũ rượi mặt mày tái mét , chẳng có phản ứng gì . Thức ăn ói ra dính đầy áo quần , mình phải kêu một bạn lại phụ một taykhiêng lên lầu . Sợ bạn này khó sống , tôi xuống sân đánh bạo nói với anh Cán bộ .

Anh ra lệnh :

- Lên nói người cùng phòng theo dõi . Nếu nó gần chết , báo ngay cho bất cứ Cán bộ nào cũng được . Họ sẽ cho mang xuống nhà xác . Khóa nào cũng có ít nhất 5% lìa đời , Chuyện bình thường , không sao cả !

Tôi tính chạy lên thì anh hỏi với theo . À, mà anh ta phòng số mấy ?

Mình chửi thầm trong bụng . Hỏi làm gì ? Đồ Dã man ! Kinh khủng quá ! Vào trường Võ Bị Quốc Gia , để được các ông đối xử tệ bạc như vậy sao ?! Học làm Sĩ Quan mà chẳng khác gì những kẻ tù đày !
Tôi đâu ngờ, mọi việc vừa xảy ra chưa thấm vào đâu với những ngày kế tiếp …. Làm sai, phạt đã đành nhưng đúng mười mươi cũng bị phạt ! Họ kiếm đủ mọi cớ để phạt . Nhiều khi oan ức quá , vừa tính mở miệng có ý kiến , lập tức “tay” Cán Bộ Đàn Anh phán : Thi hành trước , khiếu nại sau ! Mà thi hành rồi còn khiếu nại chi nữa . Lơ mơ lại chịu thêm hình phạt mới .

Thời gian này mình vừa hận vừa ghét cay ghét đắng “lũ” Cán Bộ TKS . Họ chỉ biết ra lệnh phạt chứ không cần biết đến Lý Tình Đúng Sai ! Phải nói rằng : Chẳng còn chữ nghĩa nào để điễn tả . “Dã man , tàn bạo ,vô nhân đạo” ư ? Chưa thể tương xứng ! Tôi không tài nào kể hết những “cay đắng” những
“hỷ nộ ái ố” đã trải qua . Mà có nói ra , chưa chắc ai dám tin , ngoại trừ bè bạn “đồng môn “ .

Thế rồi Tám Tuần Sơ Khởi cũng qua sau khi chinh phục Đỉnh Lâm Viên. Chúng tôi đã Lột Xác , Đã thực sự Đổi Đời . Năm mươi sáu (56) ngày lẫn đêm ”khổ sai”. Ngày mai, ngày Chủ nhật, tôi mới được xỏ tay vào bộ đồ hằng ao ước để ra phố Đà lạt . Nhưng những mơ mộng ngày nào, nay đã không con giá trị vì tôi đã là Người Lính !

Một năm sau “nàng dâu lên chức mẹ chồng”. Chúng tôi đương nhiên là khóa Đàn Anh . Khi thành khóa Đàn Anh , Mình mới hiểu được mục đích sâu xa của Giai đoạn Huấn Nhục (Tám Tuần Sơ Khởi). Thiếu “nó”, mình sẽ không là người Lính toàn vẹn . Mình mới hiểu các Niên Trưởng Cán Bộ. Các anh rất mực thương Đàn em , lo từ miếng ăn , canh từ giấc ngủ … Phải ăn sau và chờ khi nào Đàn em chắc chắn đã ngủ hết , các anh mới dám về phòng ( vì sợ các em quẫn trí làm liều). Trong khi chúng tôi ăn , các anh đi tới đi lui quan sát. Để ý thấy em nào ăn hơi ít , có anh lấy cả phần mình mang lại làm bộ phạt bắt phải ăn thêm . Sau đó anh đành ra Câu Lạc Bô “xơi” vội tô mì gói !

Đa số các đàn anh trong thời gian làm Cán Bộ TKS đều sụt vài ký lô. Khóa Đàn em - như tôi lúc đó- xem Cán Bộ TKS chẳng khác chi một “lũ hung thần” . Đâu biết rằng Thiên thần nằm ẩn bên trong .Vì tất cả đều là những Bài Học của trường bắt buộc các anh phải truyền lại ! Ngoài ra , nhà trường còn theo dõi để chấm điểm Huấn luyện , Lãnh đạo Chỉ huy cho các anh nữa mà !

Khi ra đơn vị tác chiến , đối với tôi , câu : Thao trường đổ mồ hôi , chiến trường bớt đổ máu . Đã phát huy tác dụng .

Nhưng tâm đắc nhất là Phương châm của Mái Trường Mẹ , mà các Đàn anh luôn nhấn mạnh : ”Phải là một người Lính trước khi thành người Chỉ huy”.

Để từ đó , mới thấu hiểu những khổ cực cả tinh thần lẫn thể xác của thuộc cấp !

Mới biết thương người lính !

Thương Đời Lính !

31/7/2012
Giao sắc
Bổ xung 05/10/2014
Lâm Viên 20

Nguồn http://tvbqgvn.org/01web/lamvien20/doidoi.html
Ý kiến bạn đọc
21 Tháng Mười Hai 20178:51 SA
Khách
Loi van thât là hay và ho'm hinh, nhu vây dây là khoa' 20 này là khoa' cu²a thiêu ta' Biêt dông quân Vuong Mông Long (tiê²u doàn truo²ng tiê²u doàn 82 BDQ do'ng trên quân doàn 2) nê'u tôi không lâm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn