BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73512)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mồng 1 Tết ngày 17 hay 18? (Trả lời góp ý của ông Đoan Hùng)

16 Tháng Hai 200712:00 SA(Xem: 918)
Mồng 1 Tết ngày 17 hay 18? (Trả lời góp ý của ông Đoan Hùng)
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Trên Thông Luận (điện tử), ngày 15/2/2007, có đăng bài của ông Đoan Hùng, “Mồng 1 Tết ngày 17 hay 18? (góp ý cùng ông Trần Gia Phụng)”. Tôi xin cảm ơn ông Đoan Hùng đã đọc và góp ý với bài viết của tôi. Tuy nhiên có vài điểm tôi xin nói cho rõ:

Mở đầu bài viết, ông Đoan Hùng viết: “Đọc bài ông Trần Gia Phụng viết về Tết và phê bình giáo sư Hoàng Xuân Hãn…” (Hết trích lời ông Đoan Hùng). Tôi [TGP] xin lưu ý tôi không phê bình giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Trong bài tôi viết, chỉ có một đoạn duy nhất tôi đề cập đến vấn đề giáo sư Hãn viết về giờ tý như sau:

Trích bài viết gốc của TGP



“…Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, trong bài nghiên cứu về “Lịch và lịch Việt Nam”, thì một ngày bắt đầu từ “nửa đêm nầy đến nửa đêm sau”, và ngày sóc là ngày đầu tháng (mồng một), bắt đầu từ nửa đêm mang điểm “định sóc”. Về vấn đề giờ tý là giờ đầu ngày, cũng trong bài nghiên cứu trên, và trong mục “Giờ và khắc”, giáo sư Hoàng Xuân Hãn thêm rằng: “Có điều lạ là trong một ngày, có hai nửa giờ tý không liên tục: một nửa sau đứng vào đầu ngày, một nửa trước ở cuối. Có lẽ vì sự ấy, các giờ cũ khác cũng được chia làm đôi: nửa giờ đầu xưng tính rằng sơ, nửa sau rằng chính…”

Lý luận của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có vài điểm cần phải xét lại:

1) Thứ nhất chữ “sơ”, trong mỗi giờ (sơ tý, sơ ngọ…) không nhất thiết bắt nguồn từ việc có hai nửa giờ tý, các giờ khác mới được chia hai như thế. Thông thường, người xưa (Trung Hoa và Việt) thường dùng chữ “sơ” để chỉ phần khởi đầu của một giai đọan, hay thời khắc nào đó: Thời sơ Nguyễn (đầu đời nhà Nguyễn), sơ tuần tháng giêng (vào đầu tháng giêng)…, nên đầu giờ là sơ, và sơ tý chỉ có nghĩa là đầu giờ tý chứ không nhất thiết là “nửa đầu giờ tý”.

2) Nếu dựa vào lối chia giờ trong ngày theo âm lịch, một ngày chia thành 12 giờ, mà nói theo giáo sư Hãn, “có hai nửa giờ tý không liên tục: một nửa sau [chính tý] đứng vào đầu ngày, một nửa trước [sơ tý] ở cuối ...”, thì từ xưa đến nay, chưa có sử sách nào ghi theo cách nầy cả. Ví dụ: từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm là sơ tý, vậy từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm ngày mồng 1 là sơ tý của ngày nào? Nếu là của ngày trước, tức cuối ngày mồng 1, thì vô lý vì sơ sao lại cuối ngày? Sử sách chưa bao giờ viết rằng giờ Tý đầu ngày, hay giờ Tý cuối ngày, bởi vì như thế thì người ta sửa lại cách chia và đặt tên giờ cho dễ gọi, chứ không ai gọi giờ Tý đầu ngày và giờ Tý cuối ngày cho rắc rối

3) Từ khi có dương lịch, mới có việc chia mỗi ngày thành 24 giờ, chứ trước đây, khi sáng chế ra âm lịch, và chưa có dương lịch, người xưa không có tính giờ theo số học, và giờ tý là giờ bắt đầu của một ngày, dù sơ tý hay chính tý, cũng đều nằm trong giờ tý.”




(Hết trích bài gốc của TGP)

Tôi mong được ông Đoan Hùng đi vào việc nầy, tức là việc giáo sư Hãn chia giờ tý thành hai phần và câu nhận xét của tôi sai hay đúng chỗ nào, chứ đừng tổng quát hoá rằng tôi “phê bình giáo sư Hoàng Xuân Hãn”, rồi ông Đoan Hùng đưa ra lời khuyên: “Để có thể phê phán một công trình như thế cũng cần phải có trình độ học vấn khá sâu, một năng lực nghiên cứu không nhỏ, và dĩ nhiên với một thái độ nghiêm túc thận trọng đối với khoa học.…”(Hết trích lời ông Đoan Hùng) Cách thận trọng đối với khoa học nhất là xin ông Đoan Hùng vui lòng xoáy sâu vào vấn đề người khác viết, chứ đừng tổng quát hoá một cách chủ quan, rồi đưa ra lời khuyên mà đáng lẽ mình nên tự mình ứng dụng trước.

Thứ hai, về vấn đề chia giờ, việc định giờ theo số học (1, 2, 3…) chỉ có theo dương lịch Tây phương, còn theo âm lịch, người ta chia giờ theo 12 con giáp (tý, sửu, dần…). Xin ông Đoan Hùng vui lòng cho biết có sách nào cũ của Việt hay Hoa trước khi người Tây phương đến, có nói đến giờ số học không? Còn việc chia nhỏ phân, khắc là chuyện khác, chứ không phải là giờ số học.

Thứ ba, ông Đoan Hùng viết:





“Tôi xin đi vào điểm chính của bài ông [TGP] về vấn đề ngày bắt đầu từ giờ tý (23.00) hay chính tý (0.0). Điểm ông thấy “cần phải xét lại” giáo sư Hoàng Xuân Hãn và là lý do ông cho là ‘làm hại cho dân chúng trong nước không ít’!”




(Hết trích ông Đoan Hùng)

Tôi viết hai việc về giáo sư Hãn và việc nhà nước Việt Nam sửa lịch, là hai vấn đề khác nhau. Nhà nước Việt Nam sửa lịch do nhu cầu chính trị và quân sự của họ, đưa đến sự sai lệch một tháng trong năm 1985, từ đó mới có hại cho nông dân Việt Nam. Cách viết của ông Đoan Hùng dễ đưa người đọc ngộ nhận rằng tôi viết là vì giáo sư Hoàng Xuân Hãn mà nông dân bị hại. Còn việc có hại cho nông dân hay không, thì tôi chứng kiến tại chỗ đời sống công nhân cao su qua các nông trường Bà Rịa, Long Giao, Long Khánh mà tôi đã đi qua trong những ngày Tết năm 1985.

Thứ tư, ông Đoan Hùng viết tiếp câu trên:





“Quan niệm như ông [tức là TGP]: “ngày bắt đầu vào giờ tý” (23 giờ) tuy “đúng” nhưng tiếc thay đó là quan niệm dùng trong bói toán! Trong lịch pháp ngày bắt đầu vào chính tý (nửa đêm). Tại sao thế?”




Rồi ông Đoan Hùng dùng những lý luận toán học để viết tiếp.

Tôi xin lưu ý là tôi chưa bao giờ phủ nhận những nghiên cứu toán học, thiên văn, nhất là thiên văn quốc tế. Ông có trích đến những nghiên cứu của các đài quan trắc quốc tế là tốt nhưng có lẽ thừa. Tôi chỉ nhấn mạnh một điểm mà những người phê bình bài viết của tôi thường tránh né: Đó là khi viết về âm lịch, nói đến âm lịch, thì xin hãy theo hệ thống năm, tháng, ngày, giờ âm lịch, chứ đừng lấy một chi tiết dương lịch gán vào âm lịch, ví dụ lấy giờ dương lịch, gán vào ngày âm lịch, theo kiểu lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia.

Trong bài gốc của tôi, tôi viết như sau:





“Đã tính ngày âm lịch, thì phải tính giờ theo âm lịch, chứ sao lại tính giờ theo dương lịch? Giờ âm lịch ở đây phải là giờ âm lịch Việt Nam. Nếu tính theo múi giờ 7 là múi giờ Hà Nội mà ông Trịnh Tiến Điều dùng, thì theo quy ước về âm lịch Việt Nam, giờ tý bắt đầu từ 11 giờ khuya (tức 23 giờ) đến 1 giờ sáng. Nếu tính theo múi giờ 8 là múi giờ Bắc Kinh, thì giờ tý bắt đầu từ 12 giờ khuya (tức 0 giờ) đến 2 giờ sáng.

Như thế, dù “Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây [giờ GMT], nếu cộng thêm bảy giờ [múi giờ Việt Nam] là 23 giờ 15 phút 23 giây” như lời ông Trịnh Tiến Điều, thì ở Việt Nam, dầu theo múi giờ 7 hay múi giờ 8, thì điểm sóc đã ra khỏi giờ hợi (cuối ngày) của ngày hôm trước, và rơi vào giờ tý (từ 11 giờ đến 1 giờ theo múi giờ 7, và từ 12 giờ đến 2 giờ theo múi giờ 8) đầu ngày của ngày hôm sau. Vậy dầu là múi giờ 7 hay múi giờ 8, lúc đó đều là giờ tý của ngày Mồng Một Tết, mà tính theo dương lịch năm nay là ngày 18-2-2007.”




(Hết trích bài gốc).

Nhân đây, tôi xin thêm. Một ngày, nói theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bắt đầu từ “nửa đêm nầy đến nửa đêm sau”. Thời lượng của một ngày là 12 giờ theo âm lịch, và 24 giờ theo giờ số học dương lịch. Theo tính toán, “Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết [năm nay] là 16 giờ 15 phút 23 giây [giờ GMT], nếu cộng thêm bảy giờ [múi giờ Việt Nam] là 23 giờ 15 phút 23 giây”[ngày 17-2-2007].

Vậy thứ nhất, đây là giờ tý, là giờ bắt đầu ngày. Thứ hai, 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 17-2-2007 mới chỉ là BẮT ĐẦU ngày Mồng Một. Ngày Mồng Một kéo dài từ 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 17-2-2007 đến 23 giờ 15 phút 23 giây ngày 18-2-2007 mới CHẤM DỨT. Như vậy có nghĩa là, ngày Mồng Một Tết năm nay rơi vào ngày 17-2-2007 chỉ có 44 phút 37 giây, xem như 45 phút, trong khi rơi vào ngày 18-2-2007 khỏang 23 giờ 15 phút. Vậy trên tinh thần khoa học, chúng ta nên sắp ngày Mồng Một Tết năm nay, tương đương với ngày nào bên dương lịch?

Hiện nay, trên thế giới, không có một quy ước quốc tế nào về việc tương đương giữa âm lịch và dương lịch (vì thật sự mà nói có nhiều lọai âm lịch chứ không phải riêng âm lịch Việt Nam hay Trung Hoa), vậy chỉ còn có cách là chúng ta tính thời lượng một ngày âm lịch Việt Nam rơi vào ngày nào trong dương lịch nhiều hơn, thì chúng ta sắp tương đương vào ngày đó mà thôi. Vậy ngày Mồng Một Tết năm nay phải được sắp tương đương với ngày 18-2-2007, vì ngoài chuyện giờ Tý tương đương đúng khoảng từ 11 giờ đến 1 giờ, thời lượng của ngày Mồng Một năm nay nằm trong ngày 18-2-2007 nhiều hơn ngày 17-2-2007.

Tính tương đương giữa năm âm lịch và năm dương lịch cũng thế, nghĩa là tính thời lượng năm âm lịch (hay dương lịch) đó, rơi và năm nào trong lịch kia nhiều hơn, thì được sắp là tương đương. Ví dụ năm 2007 được tính tương đương với năm đinh hợi, mặc dầu ngày 01-01-2007 rơi vào ngày ất mùi (13) tháng 11 năm bính tuất, vì thời lượng năm 2007 nằm trong năm đinh hợi nhiều hơn. Chắc chắn không ai tính năm 2007 tương đương với năm bính tuất cả.

Xin ông Đoan Hùng, nếu trả lời tiếp, thì xin vui lòng vào trong vấn đề tôi đặt ra, và xin đừng gán cho tôi những điều mà tôi không viết. Như thế mới là “một thái độ nghiêm túc, thận trọng đối với khoa học …” Xin cảm ơn ông rất nhiều.

(Toronto, 16-2-2007)

Trần Gia Phụng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn