BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

15 Tháng Hai 200712:00 SA(Xem: 1021)
Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây?
Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…

Phùng Quán

Tác giả những câu thơ vừa dẫn, lúc sinh thời, kiếm sống bằng hai nghề chính: viết chui và câu trộm. Báo giới ở Việt Nam, theo truyền thống có kiêng có lành, không mấy khi muốn nhắc đến tên tuổi của một kẻ “viết chui” như ông.

Phùng Quán qua đời, vào ngày 21 tháng 1, năm 1995. Sau khi đã nhắm mắt xuôi tay, ông được thiên hạ nhắc nhở đến thường hơn - với ít nhiều ưu ái. Bài báo mới nhất viết về nhà thơ này, ký tên Nguyễn Thị Minh Tâm, tựa là “Nhiều Nơi Cúng Giỗ Phùng Quán” - xuất hiện trên báo Tiền Phong Online, vào ngày 03 tháng 12 năm 2006 - có vài chi tiết ngộ:

“Mỗi người về cõi âm để lại cho gia đình, người thân một ngày giỗ, như là ‘kỷ niệm’ cuối cùng! Thường thì ngày giỗ do người thân thiết nhất là bố mẹ, vợ, con nấu cúng. Riêng nhà văn Phùng Quán thì lại rất khác…”

“Ngày 21 tháng 12 âm lịch là ngày giỗ anh Quán, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đồng Hới… đều cúng…”

“Nơi thì buổi sáng, nơi buổi chiều. ở Hà Nội thì chị Bội Trâm cùng các con cúng giỗ chồng, giỗ bố… Nhiều cuộc giỗ, dù bận việc, thế nào anh Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn cũng đến thắp hương cho anh Quán. Nếu không đến được hôm giỗ, thì thế nào hôm sau anh Thỉnh cũng đến thắp hương và thăm gia đình…”

“Còn ở các tỉnh thì ai cúng?… Họ không phải là bà con họ hàng gì với anh Quán cả, chỉ là bè bạn văn chương, hay anh em quen biết, thế mà Phùng Quán mất đi là nỗi đau của họ, nên ai cũng nhớ ngày cúng giỗ…”

“Anh em lập một bàn thờ dưới một gốc mít cổ thụ ở vườn nhà, treo ảnh Phùng Quán, mua con gà giò đơm theo kiểu cúng và các món vàng mã, xôi, rượu…”

“Thắp nhang xong, chủ nhà khấn vái Phùng Quán: “Mong anh yên tâm nơi chín suối, vì bây giờ đất nước đã đổi mới, Đảng và nhân dân nhất định sẽ hiểu anh, thương anh hơn .... “











Phùng Quán (1932–1995): Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá
...
Nguồn: thotre.com



Phùng Quán, tất nhiên, không phải là kẻ duy nhất đã bị Đảng và nhân dân “nhất định” hiểu lầm một cách vô cùng đáng tiếc (và trầm trọng) như thế. Ngày 21 tháng 1 năm 1960, Toà Án Nhân Dân Hà Nội cũng đã “hiểu lầm” (tệ hại hơn) và đã kết án một công dân khác - ông Nguyễn Hữu Đang - mười lăm năm tù với tội danh gián điệp!

Mãn hạn tù, ở tuổi sáu mươi ba, Nguyễn Hữu Đang không còn đủ sức lực để câu trộm và viết chui - như Phùng Quán - nên lủi thủi trở về làng quê ở Thái Bình, sống nhờ vào … côn trùng và cóc rắn. Ông cũng đã chọn sẵn chỗ nằm trong “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Đài Tuyên Ngôn Độc Lập. Phùng Quán. Ngô Minh et al. Nhớ Phùng Quán, Trẻ, 2003, trang 474).

Mười lăm năm tù, và mười lăm năm sống vất vưởng bên lề xã hội (kể như) chỉ là … một giấc ngủ trưa. Xử thế nhược đại mộng. Giấc mộng đời của Nguyễn Hữu Đang, ngó bộ, hãi hùng và (xem chừng) hơi khó xử:



“Vụ án lớn hơn 30 năm trước chưa thể khép lại! Nếu theo đúng luật thì cần kết luận lại toàn bộ Nhân Văn Giai Phẩm dưới ánh sáng mới của tình hình. Những oan ức cần được giải bầy cặn kẽ. Ai gây oan phải xin lỗi và bồi thường. Sự phục hồi danh dự trên báo chí, công luận cần rõ ràng, minh bạch, không thể xúy xoá, ù ọe được. Nhất là khi đương sự đã hơn 80 tuổi và còn sống. Không thể để họ ngậm oan khiên xuống dưới tuyền đài” [Thành Tín, Mặt Thật (Garden Grove, CA: Turpin Press), 1993,159].

Quan niệm “ai gây oan phải xin lỗi và bồi thường” như vừa trình bầy, tiếc thay, chưa được những người hiện đang cầm quyền ở Việt Nam chia sẻ. Do đó, “đương sự” vẫn cứ bị “Đảng và nhân dân” tiếp tục hiểu lầm - cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng, vào ngày 8 tháng 2 năm 2007, ở tuổi chín mươi tư.

Tuy nhiên, chỉ cần hai ngày sau là cường độ của sự “hiểu lầm” đã có dấu hiệu giảm sút. Trong buổi tang lễ của ông (được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 năm 2007) đã có sự tham dự của “đoàn Hội Nhà Văn Việt Nam do ông Hữu Thỉnh, chủ tịch hội, dẫn đầu” – theo như tường thuật của nhà văn Trần Thị Thường, qua bài báo Vĩnh Biệt Nguyễn Hữu Đang: Giữa Cô Đơn - Một Vòng Hoa Tang Trắng.









Nguyễn Hữu Đang (1912-2007): “mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn – Giai phẩm” (theo đảng CSVN)
Nguồn: Diễn Đàn Forum



Cũng theo bài báo này, trong điếu văn do đại diện nhà nước đọc vào lúc 11 giờ 20 sáng cùng ngày, Đảng và Nhân Dân (rõ ràng) “đã hiểu và thương” Nguyễn Hữu Đang hơn - thấy rõ. Việc Nguyễn Hữu Đang làm gián điệp đã được hoàn toàn… lãng quên - cứ y như là chả có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra xất cả - chỉ còn mỗi tội (nhỏ hơn nhiều) “mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn – Giai phẩm” là chưa được bỏ (qua) thôi. Thực là qúi hoá! Đúng là “nghĩa tử, nghĩa tận” – theo như truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, của những người cộng sản Việt Nam.

Những kẻ đã chết (rồi ra) sẽ đều trở thành những người vô hại. Tuy hiện nay báo giới vẫn theo đúng chỉ thị là chưa được nhắc đến Nguyễn Hữu Đang nhưng với thời gian - chắc chắn - thiên hạ sẽ đỡ lo ngại hơn khi cần nói đến tên tuổi, hay (phải) “tiếp xúc” với ông.

Mai hậu, cứ đến ngày giỗ của Nguyễn Hữu Đang - chắc chắn - qúi vị Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam (“dù bận việc thế nào chăng nữa”) cũng sẽ đến thắp nhang khấn vái - như đã từng làm như thế, từ nhiều năm nay - trước vong linh Phùng Quán:

“Mong anh yên tâm nơi chín suối, vì bây giờ đất nước đã đổi mới, Đảng và nhân dân nhất định sẽ hiểu anh, thương anh hơn!”

Mô Phật!

Trong một bối cảnh xã hội mà “chín người mười cuộc đời rạn vỡ” thì số kẻ bị Đảng hiểu lầm (tất nhiên) không chỉ giới hạn vào vài cá nhân lẻ tẻ - như phùng Quán hay Nguyễn Hữu đang – mà thường là ở mức … đại trà. Vì giới hạn của một bài viết ngắn, xin được nhắc qua vài vụ (cỡ) tiểu trà tiêu biểu mà thôi.

Hồi đầu thập niên 1950, trong Chiến Dịch Cải Cách Ruộng Đất, Đảng CSVN đã hiểu lầm và qui sai thành phần đâu chừng vài trăm ngàn người, khiến họ đều phải bỏ mạng.

Cuối thập niên 1960 - trong trận Tổng Công Kích Mậu Thân - Đảng cũng đã hiểu lầm những người dân ở Huế là “tay sai của Mỹ/Ngụy,” và đã đập đầu hay chôn sống tập thể khoảng vài ngàn (hay vài chục ngàn) mạng nữa.

Cuồi thập niên 1970, sau khi giải phóng miền Nam, chỉ vì hiểu lầm rằng những kẻ sống bằng doanh nghiệp (hay còn gọi là bọn tư sản - mại bản) là kẻ thù của nhân dân, nên bằng vào chiến dịch Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Đảng làm cho vô số gia đình tán gia bại sản, khiến cho không ít kẻ đã chết trong uất ức.

Con số người bị sát hại vì những hiểu lầm (nho nhỏ) như thế, nói tình ngay, không là bao, so với những vụ đại trà. Phỏng chừng quá lắm thì cũng chỉ chừng non triệu. Dù vậy, trong tinh thần hoà hợp và hoà giải dân tộc của chính sách đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà Nước đã tỏ sự quan tâm sâu sắc đến … vong hồn của những kẻ này.

Bức thư sau đây - do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, viết ngày 18 tháng 11 năm 2006, gửi đến Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - đã hé mở cho thấy những dấu hiệu tích cực và khích lệ như thế:

Ngày 18 tháng 11 năm 2006,

Kính gửi Ngài Nguyễn Minh Triết, Kính thưa Ngài,

Trong chuyến thăm viếng và hành đạo tại quê hương đầu năm Đinh Hợi (2007), Phái Đoàn Phật Giáo Quốc Tế Đạo Tràng Mai Thôn chúng tôi có được phép Thủ Tướng Chính Phủ cho phép tổ chức ba Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan để cầu cho âm siêu dương thái với mục đích giúp chữa lành những vết thương do chiến tranh gây ra trong lòng người. Một khi những thương tích ấy được chữa lành, đồng bào ta, trong Nam cũng như ngoài Bắc, sẽ cảm thấy tình huynh đệ và nghĩa đồng bào được thắt chặt thêm và toàn dân sẽ có cơ hội tay nắm tay cùng đi lên trong vận hội mới của đất nước. Trai đàn được gọi là Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt Trai Đàn, cầu siêu cho tất cả những ai đã chết oan ức trong cuộc chiến, không phân biệt chính kiến, Nam Bắc, tôn giáo, ý thức hệ, già trẻ hay trai gái. Chúng tôi xin kính gửi kèm theo thư này bản Phổ Cáo Quốc Dân và Đồng Bào Phật Tử mời gọi toàn dân trong cũng như ngoài nước yểm trợ cho công việc phật sự trọng đại này để Ngài Chủ Tịch Nước duyệt lãm. Chúng tôi xin phép liệt vị lãnh đạo của đất nước yểm trợ cho để thư này được phổ biến rộng rãi đến toàn thể quốc dân trong nước.

Chúng tôi xin kính cẩn mời Ngài Chủ Tịch Nước tới dâng hương trong lễ Bạch Phật Khai Đàn lúc 10 giờ sáng ngày 16 tháng 03 năm 2007, nhằm vào ngày 28 tháng giêng ta năm Đinh Hợi, tại Chùa Vĩnh Nghiêm, TP. HCM, để mở đầu cho lễ cầu nguyện. Sự có mặt của Ngài Chủ Tịch Nước tại Trai Đàn sẽ có ảnh hưởng rất lớn lao đến công trình trị liệu và nuôi dưỡng và Quốc dân sẽ thấy được rằng đất nước chúng ta luôn luôn đi theo những giá trị truyền thống dân tộc trong công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và lòng người. Các vị quốc vương của chúng ta trong các đời Lý và đời Trần đã luôn luôn đi theo con đường ấy.

Chúng tôi xin trang trọng cám ơn Ngài Chủ Tịch Nước và cầu chúc Ngài thân tâm an lạc, vượt thắng được một cách dễ dàng những khó khăn trên bước đường phụng sự đất nước.

Kính thư,

Tại Đạo Tràng Mai Thôn ngày 18 tháng 11 năm 2006.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh kính bút









Thiền sư Nhất Hạnh có lọng vàng tại Hà Nội (2005)
Nguồn: aandacht.net/Ảnh: TIME Asia




Như bao nhiêu người dân Việt khác, tôi rất rất xúc động và vui mừng trước cao kiến của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và sự bao dung của Ngài Thủ Tướng Chính Phủ - Nguyễn Tấn Dũng. Tôi cũng tin chắc rằng “Ngài Chủ Tịch Nước (sẽ) tới dâng hương trong lễ Bạch Phật Khai Đàn lúc 10 giờ sáng ngày 16 tháng 03 năm 2007, nhằm vào ngày 28 tháng giêng ta năm Đinh Hợi, tại Chùa Vĩnh Nghiêm, TP. HCM, để mở đầu cho lễ cầu nguyện.”

Tôi chỉ có một yêu cầu giản dị là mong tất cả qúi Ngài - trong dịp này, nếu có khấn vái – xin đừng tiếp tục nhại theo giọng điệu quen thuộc cũ nữa: “Mong các oan hồn yên tâm nơi chín suối, vì bây giờ đất nước đã đổi mới, Đảng và nhân dân nhất định sẽ hiểu và thương các vong linh hơn!”









Làm tòng phạm (với Đảng) trong những vụ giết người tập thể – như hình trên – là điều khó quá. (Nạn nhân Tết Mậu Thân 1968)
Nguồn: saigon.com



Trong vụ này, làm ơn bỏ hai chữ “nhân dân” qua một bên cho đám dân đen chúng tôi được nhẹ nhõm – đôi phần. Dẫu vẫn biết rằng theo truyền thống thì “đâu cần nhân dân có, đâu khó có nhân dân” nhưng làm tòng phạm (với Đảng) trong những vụ giết người tập thể – như vừa dẫn – là điều khó quá. Chúng tôi kham không nổi, chịu không thấu (đâu). Sức người, kể cả người Việt, có hạn thôi chứ bộ!

Nếu có được sự biện biệt rõ ràng giữa nạn nhân và thủ phạm như thế thì hy vọng (mỏng manh) sẽ có một số vong linh được siêu thoát, sau những Trai Đàn Giải Oan – theo “giải pháp tình thế” hiện tại. Số còn lại thì đành phải chờ thôi.

Chờ cho đến khi có sự thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, và hoàn cảnh cho phép để tỗ chức những phiên toà liên quan đến những vụ án chưa xử – như Nhân Văn, Xét Lại, Đổi Tiền, Mười Ngày Học Tập, Thu Vàng Bán Bãi Vuợt Biên … – và bắt buộc phải xử, trước khi thiết lập những Trai Đàn Giải Oan (thực thụ và chính thức) trong tương lai.

Những phiên toà này, tưởng cũng nên nói cho rõ, không có mục đích truy thù hay báo oán. Truyền thống văn hoá bao dung của dân tộc Việt không cho phép bất cứ ai nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, quá khứ cần phải được thanh thoả – và không thể thanh thỏa thuần túy chỉ bằng những Trai Đàn Giải Oan – để mọi người đều cảm thấy được nhẹ lòng, và an bình hơn khi hướng đến tương lai.

Tưởng Năng Tiến

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn