Kính thưa qúy vị và các bạn,
Ngày 21/9/2006 vừa qua tại Na Uy đã chính thức công bố rằng: Giải thưởng nhân quyền Rafto năm 2006 sẽ được trao cho hòa thượng Thích Quảng Độ của Việt Nam. Đây là một giải thưởng rất uy thế và sáng gía của Bắc Âu. Vì vậy theo tôi, sự kiện này không những là vinh dự của riêng hòa thượng Thích Quảng Độ mà còn là của nhân dân Việt Nam nói chung. Tôi xin được bày tỏ sự vui mừng và cảm phục của mình đối với hòa thượng Thích Quảng Độ.
Làm cho đa số nhân dân Việt Nam hiểu được những quyền con người đương nhiên có của mình đã bị các thế lực bảo thủ trong ĐCSVN tước đọat hơn nửa thế kỷ qua. Làm cho thế giới tiến bộ thấu hiểu và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam hôm nay đang đứng lên giành lại các quyền thiêng liêng ấy là một công việc vô cùng khó khăn và gian khổ, mà Hòa thượng Thích Quảng Độ chính là một trong những biểu tượng sáng ngời. Những nỗ lực ấy của cả dân tộc và của hòa thượng hôm nay đã thu được những thành tựu ban đầu rất quan trọng và rất đáng mừng. Đó là: đa số nhân dân đã không còn chấp nhận sống cúi đầu như trước nữa. Nỗi sợ hãi của người dân trước bộ máy cai trị độc tài ở Việt Nam đang dần tan băng.
Kính thưa quý vị và các bạn,
Phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đồng thời, thế giới tiến bộ cũng đã ngày càng hiểu rõ hơn vấn đề của mọi vấn đề của dân tộc Việt Nam hôm nay là: hợp tác, phát triển kinh tế phải đi liền với đổi mới về chính trị theo hướng tiến bộ, phù hợp với thế giới hiện đại. Nếu không, mọi thành qủa của nền kinh tế nếu có, sẽ bị hệ thống chính trị độc đảng, phản dân tộc và phản dân chủ hiện nay ở Việt Nam làm cho triệt tiêu. Tính công khai và minh bạch là rất tù mù, èo uột xét trên cả hệ thống cầm quyền, đặc biệt là ở khu vực “Thượng tầng kiến trúc”. Ở đó, chỉ một nhóm ít người cũng có thể tự cho phép họ nghĩ thay, chỉ bảo thay cho cả dân tộc; mặc cho sự “chỉ bảo” ấy có sai lầm, điên rồ đến đâu đi chăng nữa.
Như trong bản văn ngày 21/9/2006 của Ban tổ chức giải thưởng Rafto đã nhận định về tình hình Việt Nam: “… Kinh tế được tự do mở rộng, nhưng đất nước vẫn sống dưới chế độ độc đóan. Nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng chính kiến hay sự phê phán thông qua các cơ quan truyền thông, các đảng phái chính trị, các tổ chức tôn giáo hoặc các công đòan độc lập. Mặc dù, Việt Nam đã tham gia ký kết các Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị,(…) Qũy Rafto kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay mọi sự tấn công vào giới bất đồng chính kiến và mở ngay cuộc đối thọai cải cách với các nhà dân chủ; để cùng tham gia hợp tác và tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do chính trị tại Việt Nam,…”
Trước thềm Hội nghị APEC sẽ họp từ ngày 12 đến 19/11/2006 tại Hà Nội – Việt Nam. Là người đang cùng với dân tộc đứng lên đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, tôi rất hy vọng rằng: thông điệp đúng đắn trên của Ban tổ chức giải thưởng Rafto cũng sẽ đến được với nhiều người dân Việt Nam và đến được với các nhà lãnh đạo APEC. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng làm hết sức mình cho điều này. Tôi tin rằng ước nguyện ấy cũng chính là của đại bộ phận dân tộc Việt Nam hôm nay. Xin kính chúc cuộc mít tinh thành công tốt đẹp!
Phương Nam - tháng 11/2006
Gửi ý kiến của bạn