BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73499)
(Xem: 62249)
(Xem: 39441)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam: Trong Chiến Lược Toàn Cầu Cộng Sản

07 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 894)
Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam: Trong Chiến Lược Toàn Cầu Cộng Sản
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Để kiểm soát cộng đồng người Việt hải ngoại đảng Cộng sản đã cho ban hành Nghị Quyết 36. Sau đó lại cho chào đời một tổ chức ngoại vi là Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam tại nước ngòai. Nghị Quyết 36 nêu rõ 4 điều mà đảng Cộng sản đang muốn tận dụng từ người Việt hải ngoại: tiền, trí tuệ, chính trị và ngoại giao (với các chính quyền không cộng sản). Bài viết này xin được vắn tắc phân tích 4 điều nói trên và vai trò của Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam để hiểu rõ mục tiêu chiến lược của cộng sản giúp đẩy mạnh tiến trình dân chủ tại Việt Nam.

Tiền vào

Theo Phạm Thiếu Hoa, Tổng Thư ký Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam, hằng năm người Việt hải ngoại đã gởi về Việt Nam từ 8 đến 10 tỷ Mỹ kim và 60 đến 70 phần trăm nguồn tiền này đã được gởi về từ Hoa Kỳ. Nếu thêm vào nguồn tiền chợ đen và số tiền người Việt thăm gia đình mang về thì con số chắc chắn phải trên 10 tỷ Mỹ Kim.

Số tiền khi về đến Việt Nam tạo ra công ăn việc làm cho hằng triệu người. Những người có việc làm dùng lợi tức kiếm được mua sắm lại tạo thêm công ăn việc làm. Cứ thế vòng lưu chuyển của đồng tiền tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Kết quả đóng góp từ cộng đồng hải ngoại vào Tổng thu nhập quốc dân có thể lên đến vài chục phần trăm. Một tỷ lệ đóng góp lớn hơn bất cứ lãnh vực kinh tế nào tại Việt Nam . Lớn hơn cả đóng góp từ những khỏan đầu tư, viện trợ và vay mượn từ người nước ngòai. Những khỏan tiền này lại không phải là những khỏan nợ quốc tế về sau phải trả.

Nói cách khác người Việt hải ngoại đã đóng góp phần không ít cho nền kinh tế Việt Nam . Trước đây có lập luận cho rằng đổi mới kinh tế sẽ dẫn đến đổi mới chính trị. Thực tế chứng minh ngược lại: kinh tế khá hơn giúp đảng Cộng sản ngụy biện về tài lãnh đạo sáng suốt của “Đảng” để tiếp tục nắm giữ độc quyền cai trị, ban phát quyền hành và ra sức đàn áp mọi tiếng nói đối lập đòi tự do, dân chủ và độc lập dân tộc.

Cũng chính vì sự đóng góp to lớn này đảng Cộng sản mới đề ra Nghị Quyết 36 và cho thành lập Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam để tiếp tục ra sức bòn rút ngoại tệ từ người Việt hải ngoại.

Về đầu tư trực tiếp, Phạm Thiếu Hoa đã xác nhận trong khi người Việt hải ngoại hằng năm chuyển hằng chục tỷ Mỹ kim về Việt Nam thì con số đầu tư trực tiếp từ giới thương gia chỉ khỏang hơn 200 triệu. Vai trò của giới doanh nhân trong việc phát triển kinh tế hết sức quan trọng. Họ vừa chuyển tiền về đầu tư, vừa mang về nước kiến thức kinh doanh, vừa giúp kết nối các doanh nghiệp ngoại quốc và luôn sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để thành đạt trên thương trường.

Giới doanh nhân hải ngoại không về nước đầu tư vì họ hiểu quá rõ thực trạng tại Việt Nam : môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, độc quyền kinh tế, độc quyền chính trị, tham nhũng có hệ thống, chính sách bất nhất, luật pháp thiếu nghiêm minh…

Giới doanh nhân cũng là người Việt tỵ nạn cộng sản, cũng yêu chuộng tự do, dân chủ và độc lập dân tộc như đại đa số đồng bào hải ngoại. Không ít thương gia hải ngoại cũng ước mong một Việt Nam Tự Do để có cơ hội đầu tư tại quê cha đất tổ.

Sự thực không phải tất cả ngoại tệ do người Việt hải ngoại gởi về đều đóng góp vào sự phát triển Việt Nam như đã nói ở bên trên. Một phần ngoại tệ được đảng Cộng sản giữ lại để trang trải các họat động công khai hay lén lúp của cộng sản tại hải ngoại. Hai Quyết Định thành lập Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam chỉ thấy Hiệp Hội này được kiểm soát, theo dõi và điều hành từ các cơ quan tình báo cộng sản Tổng Cục II (Bộ Quốc Phòng) và Tổng Cục V, C 13 (Bộ Công An).

 Lần này người viết xin phổ biến Quyết Định thứ 3: Quyết định Phê duyệt Điều lệ của Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam tại nước ngòai do Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cộng sản Nguyễn Tiến Dĩnh phê chuẩn. Quyết định này cũng được chuyển đến hai cơ quan tình báo nói trên để kiểm tra theo dõi Hiệp Hội này. (Xin xem Quyết Định đính kèm)

 Riêng về bản Điều Lệ, trong Điều 14 về Ban chấp hành Hiệp hội khỏan số 2 ghi rõ “Bộ Ngoại giao - Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ... cử người tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội với quyền hạn và trách nhiệm như các uỷ viên khác của Ban chấp hành.” Cũng cần biết đa số nhân viên ngoại giao Việt Nam đều đã làm cho Bộ Nội Vụ hay Bộ Công An trước khi gia nhập Bộ Ngoại Giao và được gởi ra phục vụ tại hải ngoại. Cũng dưới chế độ cộng sản tất cả cán bộ, nhân viên và đảng viên ngòai trách nhiệm chuyên môn như ngoại giao còn có bổn phận phải thâu nhặt và báo cáo mọi thông tin đến cấp trên. Nói một cách khác họ đều phải làm công tác gián điệp và họ được đặt trong Ban Chấp Hành Hiệp Hội không ngòai mục đích nêu trên.

 Phạm Thiếu Hoa cũng ngầm xác nhận vì cần tiền nên đảng Cộng sản mới khai sinh Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam ở nước ngoài. Sự khai sinh và công khai họat động của tổ chức ngoại vi này vừa thách thức vừa đe dọa cho an sinh của người Việt hải ngoại.

 Tiền Ra

 Tiền vào Việt Nam thì cũng phải có tiền rời khỏi Việt Nam . Khỏan tiền rời Việt Nam chưa có thống kê khả tín nhưng chủ yếu phát xuất từ các tập đoàn kinh tế do các đảng viên cao cấp đảng Cộng sản nắm giữ. Các khỏan tiền này khi đã được hợp thức hóa thường được đầu tư vào các khu vực đông người Việt sinh sống, nhằm cả hai mục đích kinh tế và chính trị.

 Các tập đoàn kinh tế cộng sản với nguồn vốn hết sức dồi dào nên xẩy ra cảnh “cá lớn nuốt cá bé”. Cá bé là những thương gia tỵ nạn, những người buôn bán nhỏ lấy công sức gia đình làm chính. Nếu cá bé lại là những thương gia Việt Nam không chấp nhận cộng sản thì họ sẽ bị chính tập đoàn cộng sản tiêu diệt trước tiên. Khi đã tiêu diệt được các thương gia Việt Nam , đảng cộng sản sẽ nắm độc quyền kinh doanh và thao túng, cả kinh tế lẫn chính trị, tại các khu vực đông người Việt sinh sống.

 Theo tin từ VietPress USA, ngày 01/10/2010 vừa qua Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư của CSVN, Võ Hồng Phúc dẫn đầu một phái đoàn đến San Francisco Hoa Kỳ để vận động đầu tư. Phái Đoàn Võ Hồng Phúc họp với một số người trong tổ chức Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Mỹ để nghe phúc trình của tổ chức nầy và hoạch định kế hoạch sắp tới. Theo bản tin: “Hội nầy có trụ sở chính khai báo tại San Francisco , nhưng nay quyết định sẽ mở văn phòng lớn tại San Jose và Orange County là những nơi có đông người Việt chống Cộng sinh sống tập trung”. Cũng theo bản tin: “… sau chuyến đi nầy của Võ Hồng Phúc, nhóm Việt Kiều tổ chức Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Mỹ sẽ thông đồng với Bộ KH&ĐT của CSVN để đặt điều kiện những cá nhân hay công ty nào do Việt Kiều làm chủ mà muốn vào làm ăn kinh doanh với Việt Nam thì buộc phải gia nhập làm hội viên của Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Mỹ thì mới được Hà Nội cấp giấy phép cho vào Việt Nam một cách dễ dàng.”

 Để bảo vệ môi trường sinh họat tự do, bảo vệ quyền lợi cũng như an sinh, chúng ta không có một chọn lựa khác hơn là phải tích cực và triệt để chống lại mọi sự xâm nhập của cộng sản vào cộng đồng người Việt hải ngoại. Để chống lại không có gì hay hơn là chịu hy sinh giảm bớt về thăm gia đình, giảm bớt gởi tiền về gia đình, giảm bớt việc làm ăn đầu tư với Việt Nam … Đương nhiên sự hy sinh của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến đời sống của gia đình chúng ta và của một số đồng bào trong nước. Nhưng ngược lại nhờ sự hy sinh của chúng ta đảng Cộng sản mới thấy rõ hơn sức mạnh của người Việt hải ngoại, đặt biệt người Việt tại Hoa Kỳ. Sức mạnh của ngân kim là một vũ khí quan trọng mà người Việt hải ngoại có được nhưng chưa sử dụng đúng hiệu năng của nó.

 Trí Tuệ.

 Sau tiền là trí tuệ của trên nửa triệu các chuyên viên kỹ thuật, nghiên cứu, giảng dạy ... được đào tạo và làm việc tại những quốc gia tân tiến nhất thế giới , như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc ..., trong mọi ngành nghề từ kinh tế, xã hội, thương mãi đến nguyên tử không gian. Một lực lượng chuyên gia đủ kỹ năng đưa Việt Nam từ một quốc gia chậm phát triển vươn lên hội nhập vào các quốc gia đang phát triển.

 Cho đến nay chỉ một con số thật nhỏ lực lượng chuyên gia hải ngoại cộng tác với đảng Cộng sản. Trong số này có Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, một thành viên trong Ban Chấp Hành Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ. Điều đáng nói là chính luật sư Liêm sau lần về Việt Nam tham dự “Hội Nghị Ngừơi Việt Toàn Thế Giới” đã phải tiết lộ niềm tin mà đảng Cộng sản đã dành cho ông và những người tham dự Hội Nghị. Ông Liêm cho biết công an đón ông tại phi trường, công an đưa vào khách sạn, công an bảo vệ, công an đưa đến Hội Nghị, đầy công an bên trong Hội Nghị và (có thể) ông đã được công an đưa ra phi trường ngay sau khi Hội Nghị bế mạc. Chắc ông Liêm cũng rõ nhưng không dám nói ra cái Hiệp Hội do ông đại diện cũng đầy công an và gián điệp được cài vào.

 Vừa rồi việc giáo sư Phạm Minh Hoàng, đảng viên đảng Việt Tân , bị bắt tạo thêm sự ngờ vực giữa đảng Cộng sản và tầng lớp chuyên gia hải ngoại. Đảng Cộng sản thừa biết đại đa số chuyên gia hải ngoại là những người trốn cộng sản tìm tự do. Họ lại được đào tạo và sinh họat trong môi trường tự do thì không dễ gì nghe theo Cộng sản.

 Ngược lại tầng lớp chuyên gia hải ngoại lại là thành phần năng nổ nhất trên mặt trận đấu tranh chống cộng bảo vệ cộng đồng hải ngoại và đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam . Sinh họat thông tin toàn cầu là thí dụ rõ nét nhất. Hằng chục ngàn chuyên gia hải ngoại ngày đêm giữ mạng, giữ blog, viết bài, phân tích … nhận và chuyển thông tin về Quốc Nội . Việc họ làm buộc đảng Cộng sản phải điên tiết và dùng các thủ đọan hèn hạ nhất đánh phá. Sự đánh phá lại chứng tỏ hiệu năng của mặt trận thông tin và lại hấp dẫn những nhân tố mới tham gia vào mặt trận truyền thông tạo cho lực lượng này càng ngày càng đông hơn.

 Với đồng bào Quốc Nội hệ thống tuyên truyền cộng sản luôn dựng lên những “trí thức yêu nước”. Như báo chí trong nước vẫn thông tin về “luật sư” chủ tịch Hội Doanh Nhân Việt Nam – Australia Trần bá Phúc và “Chuyên gia kinh tế” phó chủ tịch Phan văn Danh. Sự thực Trần bá Phúc chưa bao giờ học Đại Học để làm luật sư, còn Phan văn Danh thì có văn phòng kế tóan tại Footscray Victoria .

 Chính Trị

 Trải qua 35 năm cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn là một cộng đồng không chấp nhận cộng sản. Các cộng đồng có đa số đi từ miền Bắc thì bất cộng tác hay không chống đối ra mặt. Còn các cộng đồng đa số đi từ miền Nam thì chống đối ra mặt. Sự tích cực và triệt để chống cộng không phải chỉ từ những người lãnh đạo cộng đồng, mà từ các Hội Đoàn và đại đa số đồng hương.

 Khi không quyến dụ được những người thuộc thế hệ đầu, Nghị Quyết 36 của đảng Cộng sản lại đề ra việc dụ dỗ các thế hệ nối tiếp. Trên thực tế tại nhiều nơi tinh thần triệt để chống cộng đã chuyển tiếp sang những thế hệ nối tiếp. Như tại Victoria, Úc châu ông Nguyễn văn Bon chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do, cô Nguyễn Lê Thanh Trúc và hầu hết các thành viên Ban Chấp Hành (4 trên 6) là những người trẻ sinh sau 30/4/1975. Cộng Đồng Liên Bang Úc châu thì toàn Ban Chấp Hành đều dưới 50 tuổi, có người chỉ vừa trên 20.

 Bài học tại Úc cho thấy người trẻ hải ngoại đã trưởng thành và có đủ tài sức để tranh đấu cho quyền lợi cộng đồng. Những nơi mà quyền lãnh đạo đã được chuyển giao cho thế hệ nối tiếp là những nơi cộng đồng tràn đầy sinh lực để có thể tự vệ và phục vụ cao trào đấu tranh cho độc lập, tự do và dân chủ tại Việt Nam . Cộng đồng hải ngoại sẽ tiếp tục tồn tại và vì vậy nhu cầu trẻ trung hóa sinh họat cộng đồng cần được xem như chiến lược trường kỳ.

 Ngoại giao

 Ước ao của những người cầm quyền cộng sản là được đồng hương đón tiếp như những người lãnh đạo đất nước và tiếp tay trong quan hệ ngoại giao với nước sở tại. Tại các quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Âu châu, các phái đoàn cộng sản thường được đón tiếp bằng những cuộc biểu tình đầy cờ vàng ba sọc đỏ và các phái đoàn thường phải chui cửa hậu vì cửa chính đã được đồng bào tỵ nạn đóng chốt.

 Để thực hiện ước mong này đảng cộng sản lập ra các Hiệp Hội trá hình như Hội Doanh Nhân Việt Nam . Trên thực tế tổ chức này chỉ là ngoại vi gồm vài cá nhân họăc thân cộng họăc vì quyền lợi bắt tay với cộng sản và cũng chỉ được cộng sản dùng trong giai đọan. Nghị Quyết 36 chính là bằng chứng cụ thể chứng minh rằng đảng Cộng sản đã đang và sẽ trực tiếp đe dọa, phá hoại và tham vọng kiểm soát an ninh công dân và nước sở tại. Cụ thể nhất là các Quyết Định thành lập Hiệp Hội Doanh Nhân với sự kiểm soát chặt chẽ của các tổ chức tình báo - gián điệp như Tổng Cục II ( Bộ Quốc Phòng ) và Tổng Cục V, C 13 ( Bộ Công An).

 Đại đa số người Việt hải ngoại là công dân nước sở tại và đều đã xây dựng một cơ chế đại diện do dân bầu. Việc chống lại Nghị Quyết 36 hay chống lại các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản không phải chỉ là trách nhiệm của cộng đồng người Việt mà còn là trách nhiệm của các nước sở tại. Bổn phận của cộng đồng là phải lên tiếng và sẵn sàng hợp tác với chính phủ và các cơ quan công quyền để tố cáo những hoạt động phạm pháp, đe dọa đến sự tự do và an ninh của nước sở tại. Nhất là những việc này lại do đảng Cộng sản chủ trương và trực tiếp điều hành.

 Trước khi kết thúc xin được nói về xuất xứ của ba Quyết Định thành lập Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam là do một người hướng dẫn người viết vào một “web site” của nhà cầm quyền Hà Nội lấy xuống. Người này làm với mục đích gì ? chống cộng ? diễn biến hòa bình ? hay chỉ mượn tay người viết đấm đá nội bộ ?

 Trong lần Đại Hội Đảng trước đây, năm 2006, Bộ Ngoại Giao đã không được một ghế nào trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Bộ Ngoại Giao nay lại vội vã và cẩu thả cho ra mắt “Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam tại nước ngòai”. Vội vàng vì ngay cả cái tên tiếng Việt của Hội tại Úc châu cũng chưa có. Báo trong nước tờ thị gọi là “Hội Doanh Nhân Việt Kiều” còn tờ khác biết chuyện hơn gọi là “ Hội Doanh Nhân Việt Nam – Australia ”. Còn cẩu thả vì cả ba Quyết Định quan trọng và bí mật như thế lại để lộ ra và lãnh chịu phản ứng. Xin đón xem kết qủa Đại Hội lần này.

 Ngày 25/9/2010 vừa qua hằng ngàn người Việt – Úc đã tập trung tại trung tâm Footscray - Victoria và sau đó diễn hành quanh khu vực để tố cáo trước dư luận sự thật về cái gọi là “ Hội Doanh Nhân Việt Nam – Australia ”. Đoàn diễn hành đã ngừng lại tại cửa hiệu của chủ tịch “luật sư” Trần Bá Phúc và phó chủ tịch “chuyên gia kinh tế” Phan văn Danh để phản đối và lên án việc làm sai trái của những cá nhân này.

 Việc hằng ngàn người tham dự cuộc diễn hành tự nó đã nói lên một điều là đại đa số người Việt hải ngoại không chấp nhận các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản tại khu vực họ đang sống, tại đất nước sở tại họ đang sống, cũng không chấp nhận cộng sản trên quê hương Việt Nam và khẳng định chỉ chấp nhận một chính phủ Việt Nam dân chủ do toàn dân bầu lên và dưới sự kiểm soát của Quốc tế.

 Như đã nói bên trên, ngay khi cuộc diễn hành tại Úc kết thúc, Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư của CSVN, Võ Hồng Phúc dẫn đầu một phái đoàn đến Hoa Kỳ gặp Ban Chấp Hành Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Mỹ để ra quyết định sẽ mở văn phòng lớn tại San Jose và Orange County là những nơi có đông người Việt sinh sống. Sự kiện này cho thấy sự quan trọng của Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam trong chiến lược toàn cầu cộng sản .

 Sau cuộc diễn hành người Viết đã nhận được một góp ý cho rằng cuộc đấu tranh chống Nghị Quyết 36, chống Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam, cần vận động quần chúng về nhiều mặt (không nên chỉ có biểu tình), cần tính chuyện lâu dài và nhất là cần “thừa thắng xông lên” đồng lọat khắp nơi trên thế giới nơi có đông người Việt sinh sống. Rất đồng ý và mong thay.

 Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

6/10/2010

 Các bài liên hệ:

Nguyễn Quang Duy, 2010, “Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam: Một Sản Phẩm Của Nghị Quyết 36 ?”

Nguyễn Quang Duy, 2010, “Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam: Cút! Cút! Cút!

Nguyễn Quang Duy, 2010, “Úc Châu Trong Sứ Mạng Dân Chủ Hóa Việt Nam

Nguyễn Thế Phong , 2010, “Nghị Quyết 36 và Những Thủ Đọan của CSVN trên Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn