BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hãy diệt cái gốc của tệ tham nhũng

06 Tháng Tư 200312:00 SA(Xem: 1044)
Hãy diệt cái gốc của tệ tham nhũng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Viết cho ngày "Hải ngoại Ủng Hộ Quốc Nội Chống Tham Nhũng"


 6-4-2003, Hoa kỳ


Thưa quý vị,

Thưa các bạn,

Vào thời điểm này mà nói dai nói dài về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thì chỉ vì lịch sự mà các vị sẽ mỉm cười độ lượng để không rên lên như cụ Cố Hồng trong tác phẩm Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng: " Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!". Tôi sẽ nói ngắn để không làm mất thời giờ của quý vị.

Ngày nay ai cũng biết rằng tệ nạn tham nhũng ở nước ta đã đi vào nếp sống, định hình thành tập tục, thành lề thói ứng xử, từ đứa trẻ miệng còn hơi sữa cho tới các cụ già sắp xuống lỗ đều phải thuộc lòng để thích nghi với nó nếu muốn tồn tại. Đến nỗi những nhà lãnh đạo quốc gia, kể cả những nhà lãnh đạo tham nhũng thành thần, cũng phải kêu trời, gọi đó là quốc nạn. Trong số các vị ngồi trong hội trường đây có nhiều vị đã từng về thăm quê hương một hoặc vài lần, từng được nếm mùi vị của cái quốc nạn ấy nó ra làm sao rồi. Chuyện nghìn lẻ một kiểu tham nhũng, từ tiền nộp cống cho cảnh sát giao thông, đến quà biếu "trên mức tình cảm" cho các vị khai sáng tâm hồn và đầu óc trẻ thơ… có thể kể ngày này qua ngày khác không hết. Cho nên tôi không dám kể thêm chuyện gì vào đây nữa.

Tôi có dịp gặp những quan chức từ Hà Nội qua. Để bào chữa cho chế độ hiện hành họ thường nói: "Tham nhũng ư? Chuyện thường tình mà, có gì là lạ? Nước nào chả có tham nhũng, chẳng cứ nước ta. Cứ để nó đấy, đâu khắc có đó, từ từ rồi ta sửa". Từ từ rồi sửa là cách nói không mới. Tôi cười. Không thể không cười. Nó gợi lại trong tôi câu "đời sống nhân dân ta đã được cải thiện một bước" của ông thủ tướng Phạm Văn Đồng từ những năm xa lắc xa lơ ở miền Bắc nước ta. Cái bước ấy dài hay ngắn, dài bao nhiêu, ngắn bao nhiêu, không ai có thể biết, tốt hơn hết là không nên biết, bình luận về nó lại càng không nên, không được phép. Chỉ biết rằng đời sống người dân trong những năm ấy là đói khổ và ở cuối đường hầm không le lói ánh sáng nào. Còn ông chủ tịch Hồ Chí Minh thì an ủi: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Chúng tôi nghĩ khác: "Chỉ sợ thiếu, không sợ không công bằng".

Đau lòng trước nạn tham nhũng đang hàng ngày làm băng hoại đất nước, những người có lương tri phải lên tiếng. Để bảo hiểm cho thân mình, khi đệ đơn xin lập hội chống tham nhũng lên cái nhà nước luôn miệng kêu gào chống tham nhũng, họ phải đặt cho nó một cái tên đầy lập trường cách mạng là "Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng". Xin chú ý: ủng hộ Đảng và Nhà nước, chứ không phải chống Đảng và Nhà nước đâu. Vậy mà đơn còn nằm trong ngăn kéo chưa được xét, giấy phép tất nhiên chưa được cấp, những người muốn chống tham nhũng đã bị triệu lên đồn vào phủ, nhẹ hơn thì có nhân viên công lực tới tận nhà hỏi thăm sức khoẻ. Tức cảnh, đêm 30 tháng 10 năm 2001, nhà thơ Bùi Minh Quốc làm bài thơ tặng ông bạn chống tham nhũng Trần Khuê:
Tôi nghe tham nhũng nó lèn ông

Nó lại nhâng nhâng võ hội đồng
Lì mặt độc quyền : tao tự chống


Nhờn môi nó nhậu cả non sông
Thân già hiến trọn cho Dân - Nước


Bút trẻ đâm toang rắn lốt rồng
Đêm ngắm sao Khuê càng kính bạn
Ngày trông trời biếc chúc xuân ông.

 Bây giờ thì cả hai ông đứng đầu bảng xin lập "Hội Nhân dân Ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" Phạm Quế Dương và Trần Khuê đã nằm trong tù, ông ở Bắc thì nằm xà lim trại B.14, ông ở Nam thì nằm xà lim trại tạm giam Phan Đăng Lưu. Theo lời đồn không phải ở vỉa hè thì hai ông rồi đây sẽ được đưa ra toà để xử về tội làm gián điệp. Chẳng cứ hai ông, phàm ai dám lên tiếng đòi dân chủ hoá đất nước đều được chụp cho cái tội danh ấy. Có người ngứa miệng hỏi: vậy chớ họ làm gián điệp cho nước nào? thì các quan cầm cán cân công lý quay ngoắt đi, không thèm trả lời – cái dân này sao mà ngu quá, có thế cũng không hiểu. Xét cho cùng, triều đình của tân vương họ Nông nếu có sai trong sự gán ghép các tội danh thì cũng không sai bao nhiêu. Những bị cáo như Trần Dũng Tiến, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Phạm Quế Dương, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang… chính thị là gián điệp. Tội của họ là dám thu thập các dữ kiện bị nhà nước cộng sản Việt Nam giấu nhẹm để báo cáo cho nhân dân nước Việt Nam biết, thì họ đúng là làm gián điệp cho nước Việt Nam của nhân dân Việt Nam. Không phải tội gián điệp thì còn là tội gì?

Tôi xin nhấn mạnh: cả hai ông đứng đầu bảng "xin" chống tham nhũng đều không tiếc lời ca ngợi Đảng quang vinh trong mọi bài viết, luôn nhắc tới những công lao trời biển của Đảng lãnh đạo, đến nỗi nếu tách riêng những lời xưng tụng ấy ra khỏi toàn bộ văn cảnh của đơn từ thì có thể nói họ là những cán bộ tuyên huấn xuất sắc. Nhưng Đảng rất cảnh giác, liền tìm ra sau lời ngợi ca lãnh tụ tối cao là ông thánh thì nhà thâm nho Trần Khuê nọ lại đề xuất việc thiêu ngay xác ông thánh đi, kẻo để đó "vừa tốn kém lại vừa mất vệ sinh". 

Đã tưởng Đảng kêu gào chống tham nhũng thì Đảng ắt phải phải nhìn thấy trong ý muốn của cái "Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" sự đồng thuận với mình. Ai dè Đảng lại trắng trợn bỏ tù những kẻ xin đi theo mình để thực hiện lời mình kêu gọi? Đảng chỉ không nói trắng ra: "Ai khiến chúng bay xía vô chuyện riêng của chúng tao?". 

Tham nhũng cứ thế tiến tới. Mạnh mẽ. Quy mô. Không sức gì cản nổi. 

Phàm là người có suy nghĩ ai cũng thấy rằng nạn tham nhũng hiện nay là hậu quả của chế độ chuyên quyền độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam. Sự chuyên quyền độc đảng cho phép Đảng cộng sản tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, chẳng có gì kiềm chế nổi. Đến như đất đai, theo chính Hiến pháp do Đảng cộng sản viết ra, quy định là sở hữu toàn dân mà cũng được đưa ra chia chác, mua bán. Cả việc đấu thầu một sân vận động Đảng cũng thọc vào, từ chối người xây dựng tốt, giá rẻ, để nhận người xây dựng tồi, giá cao với lý do họ là của "đảng bạn". Rồi những công trình thế kỷ nữa. Những món tiền vay khổng lồ. Những cuộc đấu thầu ồn ào với những phần trăm thầm lặng chui vào túi các quan chức. Theo những người có hiểu biết nội bộ những công việc lén lút mà công khai cho biết thì tiền vay được chỉ dùng vào các công trình khoảng 47%. Số còn lại vào túi riêng các cấp, to ăn to, bé ăn bé. Tất cả những điều xằng bậy ấy được diễn ra dưới khẩu hiệu hào nhoáng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". 

Nhiều người cho rằng tình trạng tham nhũng đã đến nước này thì chính quyền của Đảng cộng sản ắt phải sụp đổ đến nơi. Có người còn mong muốn nạn tham nhũng phát triển mạnh hơn nữa đi, rộng hơn nữa đi, cho mọi sự chóng ra ngô ra khoai, cho đắm cái đò chết tiệt ấy đi, nhân tiện ta sẽ giặt mẹt. Mặc dầu rất muốn, tôi lấy làm buồn không thể chia sẻ cách nhìn lạc quan ấy.

Hơn 200 năm trước công nguyên Hàn Phi Tử, đại diện xuất sắc của trường phái Pháp gia ở Trung Quốc đã liệt kê 47 điềm nước mất (Vong trưng). Nước ở đây xin hiểu là vương triều, là cái của riêng nhà vua. Trong 47 điểm ấy chỉ có vài điểm liên quan tới tham nhũng. Coi tình trạng tham nhũng tràn lan như là điều kiện đủ để cho chế độ cộng sản sụp đổ, theo tôi nghĩ, ở đây là nghĩ theo người xưa, là phiến diện, là hời hợt. Tham nhũng chỉ là một trong những dấu hiệu báo trước sự sụp đổ mà thôi. Cũng Hàn Phi Tử viết: "Cây gỗ bị gãy thế nào cũng có mọt ở trong. Cái tường bị đổ thế nào cũng có ruỗng ở trong. Thế nhưng cây gỗ tuy bị mọt, nhưng không có gió mạnh thì nó không gãy. Cái tường tuy có ruỗng bên trong nhưng không có mưa to thì nó không đổ".

Vậy thì, thưa quý vị, hãy góp sức cùng nhau làm gió làm mưa, cho cây gãy, cho tường đổ. Không thể há miệng chờ sung được.

Trong sự góp sức này xin hãy quý trọng chắt chiu từng chút đóng góp tuỳ theo sức lực và hoàn cảnh của mỗi người cùng đi về một hướng với mình, không kênh kiệu chê bai, dè bỉu, một đóng góp nào, không biệt phái vì hợm hĩnh tự cho mình là đúng hơn người khác, giỏi hơn người khác. Chẳng bao giờ và chẳng ở đâu có một phong trào cách mạng gồm toàn những chiến sĩ ưu tú cả. 

Hôm nay chúng ta đang nói về đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng. Nói về cái khác e trật, đi lạc đề tài. Nhưng tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng đấu tranh chống tham nhũng không phải là, và không thể được coi là, cuộc đấu tranh duy nhất ngõ hầu đem lại sức sống cho đất nước. Nó chỉ là một bộ phận của cuộc đấu tranh lớn hơn nhằm thay đổi toàn bộ cách quản trị đất nước. Chỉ có sự thay đổi đó mới cứu được đất nước khỏi tình trạng lạc hậu và luôn tụt hậu trên con đường phát triển.

Chế độ độc tài chuyên chế của một đảng đã chứng tỏ tính chất cản trở con đường tiến của dân tộc. Không một cá nhân nào, không một nhóm nào, một đảng nào có thể sáng suốt hơn cả cộng đồng dân tộc. Chẳng có thứ lịch sử nào trao cho đảng cộng sản sứ mệnh dắt dẫn dân tộc. Đó là sự bịp bợm. Chế độ độc đảng chuyên quyền chẳng những cản trở sự phát triển của đất nước, mà còn làm ngày một trầm trọng thêm những bất công xã hội, và về lâu dài còn phá huỷ đến gốc rễ nền tảng đạo đức xã hội.

Tiếc thay, điều rõ ràng với những người này lại chưa là rõ ràng với người kia. Vì sao vậy? Là vì trong một thời gian rất dài Đảng cộng sản đã kiềm chế, đè nén sự mưu sinh của mỗi người, mỗi nhà, làm cho nhân dân phải sống trong thiếu thốn cùng cực. Chỉ tới khi phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh một thời bị sụp đổ, bị tan rã, Đảng cộng sản mới buộc lòng phải "đổi mới" (trên thực tế là dần đưa nền kinh tế trở lại nếp bình thường thời trước khi có Đảng lãnh đạo) và "cởi trói" cho các lực lượng sản xuất (trên thực tế mới chỉ là sự nối dài dây xích), thì đời sống của người dân mới dần dần được khấm khá hơn. Chợ búa sầm uất, nhà mới san sát, xe cộ đầy đường, ma tuý tràn lan, đĩ điếm nhộn nhịp… làm cho nhiều người lầm tưởng là đã có tự do, thậm chí cả hạnh phúc. Những người mất tự do thờ ơ với những người đấu tranh cho tự do. Đấu tranh cho dân chủ? Nó là cái gì vậy? Người ta không mấy quan tâm tới nó, kể cả những người có học. Các vị cứ đấu tranh đi, bao giờ thành công các vị sẽ thấy chúng tôi ở bên cạnh các vị. Chúng tôi không chống các vị đâu, nhưng xin thông cảm: chúng tôi còn đang bận "đánh quả", bận xây nhà… Thực tế là như vậy. Vì thế mà công việc của những người đấu tranh cho dân chủ còn nhiều bề bộn, còn nhiều gian nan. 

 Cho nên ngày hôm nay bàn tới dân chủ hoá xã hội Việt Nam là bàn tới sự đấu tranh của trí tuệ chống lại sự ngu dốt dựa trên bạo lực. Ở đây trí tuệ rõ ràng đi trước nhu cầu có ý thức về sự thay đổi cách quản trị xã hội. Đi trước nhưng không tách rời. Trong một xã hội đầy rẫy bất công người ta đều muốn một sự thay đổi. Nhưng ý muốn về sự thay đổi đó chưa trở thành cao trào. Ngu dốt dựa trên bạo lực đẻ ra ngu dốt sợ hãi bạo lực. Phải làm sao cho người dân đang sợ hãi bạo lực thấy rằng bạo lực không có sức mạnh vô biên. Phải làm sao cho dân chúng giành lấy quyền được lựa chọn cách sống trong đó những quyền đương nhiên của con người được bảo đảm. Tôi thích cách nói của Đức Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn về cái "quyền được xin" của người Việt đối với chính quyền hiện tại. 

Độc tài và chuyên chế là hai từ hoàn toàn đồng nghĩa. Người cộng sản có thay đổi cách gọi thành chuyên chính vô sản hay chuyên chính nhân dân thì đó cũng chỉ là một lối sử dụng từ ngữ có cánh nhằm làm hoa mắt những ai không quen nhìn sâu vào nội dung của từ ngữ mà thôi. Nội dung này là sự chiếm giữ độc quyền cai trị nhân dân, thủ tiêu mọi quyền tự do, bình đẳng của nhân dân trong việc quản trị đất nước. Chính nó chứ không phải cái gì khác đã sinh ra mọi biến thái của bất bình đẳng, lạm quyền, chuyên quyền, là cha đẻ của tệ nạn tham nhũng đi kèm với mọi thói hư tật xấu của thứ chính quyền ngày một xa rời lợi ích của nhân dân. Muốn tiêu diệt đến tận gốc nạn tham nhũng, với tư cách tệ nạn xã hội, và những cái xấu đi kèm với nó thì chẳng có cách nào khác là phải đập vỡ cái bình chứa đựng những mầm mống gây ra chúng.

Một bộ phận loài người trên đường đi tìm một hình thức quản trị xã hội mới không có tệ người bóc lột người, xoá bỏ mọi sự bất công, có lúc đã chọn nhầm hình thức gọi là xã hội chủ nghĩa và đã phải trả giá đắt cho sự lựa chọn đó. Đến lúc vỡ mộng rồi người ta mới hiểu ra rằng thay vào cái bình nói trên chẳng có cái bình nào khác là cái bình dân chủ tuy không mới nhưng lại là cái duy nhất có khả năng thích ứng với mọi sự thay đổi trong lòng xã hội luôn luôn biến động.

Nội dung của nền dân chủ đích thực là tự do cho mỗi cá nhân. Cá nhân có được tự do mới có khả năng đóng góp nhiều nhất cho cộng đồng. Tự do báo chí sẽ ngăn cản sự lạm quyền bởi nơi nào có sự hiện diện của quyền lực, nơi đó ắt có nguy cơ lạm quyền. Tự do ứng cử và bầu cử triệt tiêu mọi mưu toan độc quyền chính trị, chuyên quyền cai trị. Có tam quyền phân lập mới bảo đảm được sự công bằng cho mỗi thành viên của xã hội trước pháp luật. Cái gọi là dân chủ tập trung, dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ là sự bịp bợm, mà là bịp bợm lỗi thời. 

Rõ ràng rằng chẳng có tên độc tài nào tự nguyện rời bỏ ngai vàng. Tên độc tài chỉ chịu rời bỏ những đặc quyền đặc lợi vô biên của nó chừng nào bị tình thế ép buộc. Tình thế ấy là do con người tạo ra, thường đi kèm với những biến động xã hội trong một quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế. Chúng ta phải sẵn sàng để không bỏ lỡ thời cơ khi có một tình thế thuận lợi chín muồi từ bên trong hoặc nảy ra nhờ những tác động từ bên ngoài để tự giải phóng khỏi xiềng xích của nền độc tài chuyên chế.

Ở ngưỡng cửa của sự tan rã quyền lực độc tôn cần có một cái nhìn khai phóng về tương lai. Ngoài những yếu tố cơ bản giống nhau, những nền dân chủ ở mỗi quốc gia trên thế giới đều có những nét đặc thù thích hợp với bước phát triển của quốc gia ấy. Việt Nam cần có một nền dân chủ như thế nào?

Tôi không có tham vọng đưa ra một cái gì đó có tính chất khai mở cho vấn đề được đặt ra. Trong sự suy nghĩ của mình, qua những quan sát chăm chú nơi các quốc gia tôi từng đi qua, tôi thấy trong tương lai nền dân chủ của chúng ta phải mang những nét đặc thù có tính truyền thống. Không phải bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có được những nét dân chủ không giống ai trong chế độ phong kiến như ở nước ta – những người dân bị oan ức có thể đến gõ trống nơi cổng thành bắt quan lại phải nhận đơn. Cũng không phải ở nước nào cũng có những ông vua tự từ bỏ ngai vàng để đi tu như ở nước ta. Dường như người Việt ta trong lịch sử nghĩ nhiều về chữ NHÂN hơn ở nơi khác. Việt Nam đã đổ nhiều máu trong cuộc đấu tranh cho sự tồn tại của dân tộc. Việt Nam cũng đau đớn nhiều trong những cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chữ NHÂN luôn là lá cờ vẫy gọi con người về phía cuộc sống tử tế, xứng đáng với con người. Tôi mong muốn chữ NHÂN sẽ được coi là nền tảng đạo lý và hành xử trong xã hội dân chủ tương lai. Chúng ta phải có một chế độ nhân bản, đầy nhân ái và bao dung, lấy con người làm trung tâm, vì những quyền con người (nhân quyền) mà phấn đấu cho chúng được thực hiện đầy đủ nhất. Ở nước Trung Hoa cổ đại hai phái Nhân trị và Pháp trị luôn mâu thuẫn nhau, tranh giành chiến thắng. Tôi thiển nghĩ chúng ta có thể kết hợp hai cái làm một, lấy Nhân trị (Nhân ở đây là nhân bản, nhân đạo, nhân vị) làm nội dung, làm cái cốt lõi, dùng Pháp trị làm công cụ để thực hiện nội dung Nhân trị. Nhân trị sẽ được thể hiện đầy đủ nhất, tới mức có thể trong tầm tri thức chúng ta có, trong Hiến Pháp, còn Pháp trị sẽ được thể hiện đầy đủ nhất trong các Bộ luật để mọi người tuân theo, như một kết ước tự nguyện của mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc trong cuộc sống chung. Như thế chúng ta sẽ có một nền dân chủ pháp trị bảo đảm quyền lợi cũng như cơ hội thăng tiến bình đẳng cho mọi thành viên của xã hội.

Mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau sát cánh làm việc cho tương lai. Trong tình thương yêu của những đứa con cùng một Mẹ.

Xin cảm ơn Ban tổ chức đã cho tôi cơ hội được tiếp xúc và luận bàn việc nước với quý vị có mặt ở đây hôm nay.

Xin cảm ơn quý vị đã dành cho tôi sự chú ý.

Milpitas, California ngày 6 tháng 4 năm 2003

Vũ Thư Hiên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn