Tôi không có đủ hồ sơ để đánh giá "những sai phạm" của ông Kim Quốc Hoa nhưng với những gì nêu trong bài này thì thấy rằng ông Hoa có khá nhiều sơ hở. Ông Hoa có thể rất khó chứng minh tất cả những người chống tham nhũng là "bọn biến chất"; có thể không có bằng chứng khi nói về "thị trường sao vạch"... Nhưng vấn đề là, buộc tội ông rồi dân có tin ở VN "không có thị trường sao vạch" không? Có tin những người chống tham nhũng là trong sạch không?
Về những bài báo "không phù hợp với quan điểm của Đảng", "ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, của cá nhân Tổng bí thư"... thì theo tôi không thể đặt nó trong phạm vi điều chỉnh của luật hình sự được. Mặt khác, trong một đất nước mà báo chí và dân không được quyền chỉ trích, quyền nói khác quan điểm của đảng cầm quyền (ngay cả những chỉ trích đó không chính xác) thì làm sao có thể coi đất nước đó có dân chủ". Làm sao có thể "lợi dụng quyền tự do dân chủ" khi quyền đó không tồn tại.
Nếu thực sự ông Kim Quốc Hoa đã cho đăng những bài báo sai sự thật thì hãy để những người có liên quan yêu cầu tờ báo trả lời, đính chính theo Luật Báo chí. Nếu tờ báo hoặc ông Kim Quốc Hoa không tuân thủ Luật Báo chí hoặc có những bài báo vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm các tổ chức, cá nhân thì hãy để các tổ chức, cá nhân đó khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu khởi tố theo Bộ Luật Hình sự.
Ông Hoa bị khởi tố vào ngày mà 7 năm trước đó hai nhà báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt trong vụ PMU 18. Nếu như trong vụ PMU 18, các báo thay vì bị bắt mà bị các ông Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh kiện ra tòa vì đã đăng những thông tin bịa đặt vu khống, bôi nhọ họ. Thì, cho dù các nhà báo có chứng minh, họ vì quá ngây thơ nên đã bị những kẻ lưu manh như Tướng Quắc biến thành công cụ đâm thuê chém mướn trước đại hội của một số người, thì các nhà báo cũng phải nhìn ra lỗi lầm của mình.
Đành rằng báo chí Nhà nước đã từng nhiều khi rất lộng quyền (mà nạn nhân thường chỉ là người ngay), cách xử lý của chính quyền vẫn thường biến họ trở thành anh hùng thay vì, đôi khi, đáng lẽ họ phải ra đi xấu hổ.
Huy Đức