BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cánh cửa thứ nhất hay viết về Duyên Anh

12 Tháng Sáu 197212:00 SA(Xem: 1856)
Cánh cửa thứ nhất hay viết về Duyên Anh
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Không nhà văn nào giống nhà văn nào. Không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Mỗi nhà văn đều sở hữu cho riêng mình một vũ trụ. Vũ trụ đó thể hiện và thực hiện từ tác phẩm của hắn, từ những giòng chữ hắn viết ra. Cho nên tác động viết bao gồm một quyết định có tính cách nền tảng và bá chủ. Viết tức là quyết định và lựa chọn cho mình một vũ trụ mộng tưởng mai đây sẽ là một ám ảnh trìu mến nhưng không kém phần khốc liệt cho chính thân phận nhà văn của mình. Viết tức là quyết định: viết cái gì, viết ra rao, viết cho ai v.v..., sự quyết định có thể rõ rệt hay mơ hồ, được ý thức tới hay không được ý thức tới. Vâng tôi vẫn nghĩ rằng sự quyết định của nhà văn khi cầm bút viết là một thái độ không thể thiếu vắng ở hắn, dù thâm tâm hắn có thừa nhận hay không. Bởi những cuốn sách hắn hoàn tất mai đây chỉ ngày một làm cho nổi bật cái quyết định của hắn.

 Nhà văn quyết định và hơn thế nữa, quyết định ngay từ phút đầu dung mạo và kích thước tác phẩm của mình. Viết tức là một cách nào đó trung thành với chính sự chọn lựa của mình, với chính niềm tin của mình đã từng được gói trọn nên những nét chữ đầu tiên, khởi điểm thật sự của một thế giới, một tác phẩm. Những giòng chữ đầu tiên, phải chăng cũng là những giòng chữ sau cùng? Khởi điểm của một tác phẩm văn chương phải chăng đã báo hiệu một con đường, một sự kết thúc?

 Và phải chăng, trong viễn tưởng đó, những tác phẩm đầu tiên và ngay cả tác phẩm đầu tiên của một tác giả bao giờ cũng mang một tầm quan trọng đáng kể nếu không nói là có tính cách định đoạt?

 Tác phẩm đầu tiên hay cánh cửa mở ra một bầu trời thế giới.

 Ở đây tôi muốn mời người đọc tìm tới cái thế giới của Duyên Anh bắt đầu từ "cánh cửa" Hoa Thiên Lý của tác giả, bắt đầu từ cuốn sách đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của tác giả.

  Hoa Thiên Lý là bước đầu tiên nhưng cũng là bước quyết định của tác giả, quyết định ngay trong những ưu điểm lẫn khuyết điểm của cuốn sách. Điều này không có nghĩa lá quả quyết rằng tập truyện đầu tay kia là tác phẩm giá trị nhất mà Duyên Anh đã viết cho tới bây giờ hoặc Duyên Anh đã hoàn tất tài nghệ của ông ngay trong cuốn sách đó. Ngược lại, cuốn sách đó hãy còn mang những nét vụng về, lúng túng của người viết, sự kiện gần như khó lòng tránh khỏi đối với một nhà văn trong tác phẩm đầu tay của mình (dĩ nhiên là ngoại trừ những bậc thiên tài). Nhưng nó có thừa những viên gạch làm nền. Nó có thừa những chất liệu căn bản. Nó có thừa mầu sắc để tạo nên một cầu vồng.

 Riêng đối với bản thân tác giả, dường như cuốn Hoa Thiên Lý đã đánh dấu một kỷ niệm, một chặng đường đáng ghi nhớ của ông. Căn cứ theo lời ông kể lại theo Hồi ký nhan đề Nhà Báo đăng trên tuần báo Tuổi Ngọc bắt đầu từ số 21. Cuốn sách ra đời vào giai đoạn đầy khốn đốn và nghịch cảnh của tác giả vào khoảng trước 1-11-1963.

  "Vào giai đoạn buồn thảm nầy, tôi cho xuất bản tập truyện Hoa Thiên Lý bằng tiền của bạn vàng Đặng Xuân Côn. Hoa Thiên Lý mang tên nhà xuất bản Giao Điểm của ông Trần Phong Giao. Có lẽ nó tồi quá nên, sau này, trong mục lục sách đã xuất bản của Giao Điểm, ông Trần Phong Giao không thèm nhắc nhở, ông loại nó ra. Tôi nhớ chuyện này thật kỹ". (1)

 Ông nhớ chuyện này thật kỹ. Cũng như ông nhớ từng chi tiết liên quan tới cuốn sách đầu tay, tới từng cái truyện ngắn được gom lại trong đó. Hình ảnh của Hoa Thiên Lý không những còn in sâu trong kỷ niệm của ông, mà còn in sâu trong các tác phẩm sau này của ông. Tôi không ngần ngại phát biểu lựa chọn ngay từ cuốn sách đầu tiên của ông, có thể nói ngay từ những dòng chữ đầu tiên: hoặc người ta đọc tiếp hoặc người ta bỏ cuộc. Tại sao? Tại vì chính tác giả cũng đã thật sự lựa chọn ngay từ cuốn sách đầu tiên, ngay từ những giòng chữ đầu tiên của mình, ông chọn lựa viết cái gì, viết ra sao: ông chọn chính tác phẩm của mình. Tôi vẫn nghĩ những giòng chữ đầu tiên của một cuốn sách, của một tác phẩm đã qui định, thiết định cho nhà văn một định mệnh khốc liệt. Bởi hắn đã bắt đầu, hắn chỉ còn cách tiếp tục. Bởi hắn đã viết, hắn đã chọn lựa cho hắn một định mệnh. Bởi hắn đã chọn tác phẩm của chính mình, điều này cũng có nghĩa là hắn đã chọn lựa những người sẽ đọc hắn.

 Thế giới gần gũi và thân mật của Duyên Anh với những nhân vật điển hình, một người cha hay một đứa em, một người yêu hay một người thầy dạy học. Cái thế giới đó luôn luôn được chiếu rọi từ một tâm hồn mang nặng quá khứ và tuổi thơ. Nó luôn luôn được biến đổi bằng hoài niệm và mơ tưởng. Một nhân vật của Duyên Anh đã nói: "Từ đây tôi sống bằng kỷ niệm". (1) Một câu nói điển hình. Một nhân vật điển hình. Có thể nói rằng tác phẩm Duyên Anh bàng bạc hơi thở kỷ niệm. Có thể nói rằng với Duyên Anh, viết tức là một cách nào đó tìm lại thời đã mất. Tìm lại thời đã mất, điều nầy cũng có nghĩa là tìm lại ngôn ngữ thời đã mất.

Huỳnh Phan Anh
Văn Học - Số 149, 6/1972




(1) Nhà Báo, Tuổi Ngọc số 24.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn