BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76328)
(Xem: 63018)
(Xem: 40410)
(Xem: 32006)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Điểm sách: MỘT NGƯỜI NGA Ở SÀI GÒN

22 Tháng Mười Một 198612:00 SA(Xem: 2130)
Điểm sách: MỘT NGƯỜI NGA Ở SÀI GÒN
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73
Đây là đài BBC Luân Đôn. Bây giờ mời thính giả nghe phần điểm sách. Phần điểm sách tối nay dành để nói về tác phẩm Một người Nga ở Saigòn của Duyên Anh. Bài do Vĩnh Phúc viết và đọc.

 Tác phẩm "Một người Nga ở Sàigòn" mới ra mắt độc giả Paris tháng trước, dưới hai hình thức: Một ấn bản tiếng Việt do nhà Nam Á ấn hành và một bằng tiếng Pháp do nàh Belfond, một trong ba nhà xuất bản tiểu thuyết lớn nhất Paris, dịch và in. Nội dung câu chuyện nói về một mối tình giữa một nữ sinh viên người Việt và một thanh niên người Nga sang làm việc tại Việt Nam. Quỳnh Đào có gia đình vượt biên và bị đắm tàu chết hết. Cô gần như phẫn chí, sống bất cần đời sau khi cô bị tù vài năm về tội phản động, nhà cửa bị tịch biên, phải sống lang thang. Ngẫu nhiên, Quỳnh Đào gặp một thanh niên người Nga, một chuyên viên cố vấn sang làm việc tại Việt Nam. Ban đầu Quỳnh Đào ghét cay ghét đắng Dimitri Chostakovitch bởi anh ta là dân Liên Xô. Thế nhưng về sau, khi anh ta kiên nhẫn theo đuổi và sau khi được biết thân thế, tính tình, tư cách anh ta, tình cảm giữa hai người lần lần nẩy nở, rồi đi đến tình yêu.

 Dimitri Chostakovitch, tuy là cố vấn Liên Xô nhưng không xuất thân từ giai cấp được goi là giai cấp cách mạng, thành phần công nông. Ông nội anh ta là 1 trong số 7000 sĩ quan của Nga hoàng trước kia, đã cố thủ ở Kiev, sau khi nghe lời kêu gọi của cách mạng ra đầu hàng cách mạng để rồi bị cách mạng xử tử. Cha Dimitri tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước chống phát xít Đức! Ông được tặng nhiều huy chương nhưng bị mất một con mắt. Nhờ có cha là anh hùng vị quốc nên người ta quên lý lịch ông nội Dimitri và người ta đối xử với Dimitri bình thường. Cha Dimitri thường kể cho anh ta nghe về cái chết sầu tủi của ông bà nội và dặn anh ta phải sống khôn khéo. Anh đã tốt nghiệp đại học, tích cực công tác, gia nhập Đoàn thanh niên cộng sản, nhưng vẫn một mắt nhìn Đảng, một mắt nhìn đời sống với trái tim âm thầm thổn thức. Rồi Dimitri tình nguyện gia nhập đoàn chuyên gia trẻ sang phục vụ tại Việt Nam để mong khỏi phải thấy người cho mỗi ngày rên rỉ dĩ vãng.

 Khi mới gặp Quỳnh Đào, anh bị cô ta mắng cho như tát nước vào mặt, nhưng anh lại thấy ở người con gái Việt Nam này tóat ra một vẻ gì đặc biệt không giống những cô gái khác anh đã gặp.

 Quỳnh Đào xuất thân từ một gia đình trí thức của Sàigòn cũ. Vì hăng say hoạt động cho lý tưởng dân chủ mà đã từng bị bắt nhiều lần qua nhiều chính phủ tại miền Nam. Thông minh nhưng bướng bỉnh, Quỳnh Đào tham gia các cuộc biểu tình chống đối các chính phủ để sau này cô phải hối hận vì thấy rằng các hoật động của tuổi trẻ nhiều khi đưa đến những hậu quả tai hại mà cuộc sống đắng cay của cô hiện tại là bằng chứng rõ ràng nhất.

 Hai tâm hồn cô đơn bỗng thấy gần gũi nhau và họ bất chấp mọi trở ngại, mọi đe dọa, lao đầu vào một mối tình không có lối thoát. Kết quả là Dimitri, sau nhiều lần bị cấp trên đe dọa, cảnh cáo, và tìm mọi cách cản trở không cho anh đi tới hôn nhân với Quỳnh Đào. Anh đã tự sát.

 Phần Quỳnh Đào cũng không kém khốn khổ, điêu đứng. Cô bị ghép tội làm gái mãi dâm, bị họ hàng, lối xóm sỉ nhục, bị công an làm khó dễ bắt tới, bắt lui, đe dọa phải cắt đứt mối tình với Dimitri. Vì, như lời viên trung úy công an nói: "Chỉ có hữu nghị giữa hai nước, không có hữu nghị giữa hai người".

 Khác với những tác phẩm của Duyên Anh, từ trước tới nay, thường viết về tuổi trẻ hay cho tuổi trẻ, Một người Nga ở Sài Gòn, lần này, mang nhiều suy tư về thân phận con người trước các trò chơi của các chủ nghĩa, ý thức hệ. Ngay đầu tác phẩm gần 200 trang này, Duyên Anh đã hằn học lên án những trò chơi tàn bạo của tư tưởng, những thú vui hành hạ nhân loại. Anh viết:

 "Khi chỉ có một mình, trò chơi của tư tưởng nào cũng nên thơ và bay bổng. Nó khởi sự y hệt điệu ru êm ái dìu con người vào lãng quên những hệ lụy bủa vây đời sống thường ngày. Nó mê hoặc hay nó giải thoát con người; nó nâng con người lên hay dìm con người xuống, con người chẳng biết, chẳng cần biết. Và như thế con người thật sự hạnh phúc. Hạnh phúc trong dại khờ, mê muội. Nhưng tư tưởng không thích con người hạnh phúc vĩnh cửu với một trò chơi bình thản, đơn điệu. Nó sáng tạo thêm nhiều trò chơi chóng mặt. Nó chia rẽ nhau, chống đối lẫn nhau, xưng hùng xưng bá. Nó đòi độc quyền ưu việt. Và nó gây binh lửa. Từ đó, trò chơi của tư tưởng đầy máu và xác chết. Móng vuốt của nó tỏ ra nhọn hoắt. Tham vọng của nó phơi bầy tanh tưởi. Nó tàn phá mọi công trình của Thượng Đế và loài người. Tư tưởng trang bị đầy đủ thù hận và hình phạt báo thù. Nó xúi giục giết nhau, thủ tiêu nhau. Từng người và hàng loạt. Nó xây dựng ngục tù, trại tập trung. Nó giáo dục con người tra tấn con người nghiệt ngã. Nó thích liên hoan trên bãi tha ma sau mỗi đại hội báo cáo tội ác. Nỗi vinh quang trong thành tích bách chiến bách thắng của tư tưởng hôm nay là nó đã làm phôi pha tình nghĩa con người, làm con người xa lạ với con người. Nó còn phân chia ranh giới tâm hồn và bắt con người không được yêu nhau".

 Tuy vậy, theo tác giả thì dù xảo quyệt tới đâu, người ta cũng không thể kiểm soát hết được mọi sinh hoạt, mọi suy tư thầm kín của người khác. Vì, như lời Quỳnh Đào nói: "Tôi vẫn thở đều đặn vì chưa ai kiểm soát nổi khí trời". Cũng chính vì con người có suy tính, có tư tưởng, con người nham hiểm mới biết chế ra những trò tàn bạo để nhân danh cái này, cái nọ mà phán xét, hành hạ đồng loại. Nhưng loài vật thì không vậy. Tác giả so sánh xã hội con người với xã hội loài vật như sau:

 Nai không ăn thịt nai. Chó sói không hãi chó sói. Ngay cả cọp gian ác nhất, cũng không tra tấn, đầy đọa cọp. Và cọp không xây nhà tù để nhốt hươu nai ăn thịt dần, không lập trại tập trung cải tạo tư tưởng để hành hạ "chủng tộc" khác".

 Đứng vào cương vị một người dân nghèo, bất hạnh Việt Nam đã chọn quá nhiều đau khổ vì cuộc tranh giành ảnh hưởng của các tư tưởng, các chủ nghĩa, tác giả khôn dấu được hằn học, nghiệt ngã khi đề cập đến hai nước đại diện cho hai ý thức hệ đối nhau. Duyên Anh viết:

 "Người Mỹ vênh váo cậy tiền. Họ giàu thì có mà sang thì không. Người Mỹ trịch thượng và nham nhở. Họ tưởng có tiền là mua được tất cả. Họ đã tung bộn tiền ở khắp nơi. Và ở đâu họ cũng bị dân bản xứ khinh thường. Trọc phú Mỹ không đếm xỉa chuyện đó. Còn người Nga vênh váo kiểu sâu bọ lên làm người, man rợ, ngớ ngẩn và nghèo đói. Các anh sang Việt Nam rặt một lũ thống trị bù nhìn nịnh bợ các anh, tán tụng các anh nghe lợm giọng".

 Thế thì người dân bất hạnh Việt Nam được hưởng gì từ sự giúp đỡ của các đồng minh Mỹ và Nga? Đây, ta hãy nghe tác giả nhận định:

 "Người Mỹ ném một cục thịt. Bọn thống trị bù nhìn ngoạm quá nửa. Tay sai của chúng và bọn tư sản mại bản tranh nhau ngoạm tiếp. Dân Việt Nam còn được hưởng khúc xương và thuốc khai quang. Người Nga ném khúc xương lem nhem tí thịt. Bọn thống trị bù nhìn nấu nhừ tướp. Và chúng húp hết. Dân Việt Nam hưởng khẩu hhiệu hữu nghị và diễn văn chúc mừng và trại tập trung."

 Sau khi đã có những nhận định như vậy về thân phận con người nhược tiểu, tác giả muốn gửi tới người đọc một thông điệp tình thương, tình giữa người với người, nhắn họ hãy đứng vượt lên trên những hận thù do ý thức hệ, do chủ nghĩa đẻ ra, tác giả lại có giọng rất hỉ xả:

 Thù hận giữa các dân tộc là một sai lầm tai hại. Con người sinh ra không phải để thù hận nhau. Chủ nghĩa dạy con người thù hận, bắt con người thù hận. Con người, thay vì, thù hận chủ nghĩa, đã thù hận con người. Và đó chính là thắng lợi của chủ nghĩa. Chúng ta đã trở thành công cụ thù hận của chủ nghĩa. Chúng ta chém giết nhau, chúng ta hô hoán vinh quang chiến thắng, chúng ta buồn bã, thảm sầu thất bại. Chúng ta ngoài hàng rào kẽm gai tập trung. Chúng ta trong hàng rào kẽm gai tập trung. Chúng ta canh gác nhà tù. Chúng ta mòn mỏi ở nhà tù. Và chủ nghĩa thì cứ gặp chủ nghĩa, niềm nở bắt tay nhau, thỏa hiệp với nhau, chia ranh vùng ảnh hưởng. Và chúng ta, nạn nhân của chủ nghĩa, cứ mù quáng thù hận lẫn nhau, xa lánh nhau"

 Song, cuối cùng, tác giả cũng không khỏi hoài nghi đặt một câu hỏi mà ta nghe có xen lẫn tiếng thở dài. Tác giả đang nói với chúng ta hay tự hỏi lòng mình đây? "Nhưng liệu con người có được gần gũi, san sẽ và thương yêu con người mà không bị móng vuốt của chủ nghĩa cào cấu chảy máu không?"

 Có lẽ trong số những nhà văn hiện sống ở hải ngoại, ngòi bút của Duyên Anh còn nhiều năng lực và đa dạng nhất. Anh đã có mặt trong cả ba lãnh vực tiểu thuyết, thơ và nhạc. Từ năm 1983, Duyên Anh đã cho ra mắt những tác phẩm Thơ tù, Một người tên là Trần Văn Bá, Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư tử lãng mạn và tuyển tập các ca khúc nhan đề Hôn em, kỷ niệm.

Vĩnh Phúc




 Bài điểm sách Một người Nga ở Sài Gòn của đài BBC Luân Đôn đã phát hành về Việt Nam trong buổi phát thanh tiếng Việt 9 giờ 30 tối chủ nhật, ngày 22 tháng 11 năm 1986.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn