BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73218)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Điểm sách: MỘT NGƯỜI NGA Ở SÀI GÒN

12 Tháng Ba 198612:00 SA(Xem: 1538)
Điểm sách: MỘT NGƯỜI NGA Ở SÀI GÒN
53Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.54
"... Con người, đôi khi, đi khỏi lòng mình. Nếu nó đi xa mãi, đi quên đường về với tấm lòng thật của nó, nó sẽ bất hạnh. Chúng ta cần tra vấn lại chúng ta xem chúng ta đã đi xa bao nhiêu và chúng ta còn là chúng ta không? Dường như, theo tiếng gọi của chủ nghĩa và sự cưỡng bức của chủ nghĩa, loài người đã mất hút quê hương của lòng mình. Một mình tôi trở lại. Tôi trở lại để gọi Dimitri thân mến, để nhớ anh và để yêu anh". Nàng nói với chàng thế.

 Nàng, Quỳnh Đào, sinh viên can tội phản động, vừa ra khỏi nhà tù sau mấy năm bị đầy đọa hao mòn. Chàng, Dimitri Chostakovich, kỹ sư dầu lửa, vừa đến Sài Gòn từ Liên Xô. Họ gặp nhau ở bãi biển Vũng Tàu. Nàng khinh bỉ chàng, thù hận chàng vì chàng là Liên Xô. "Anh cút đi, cố vấn Liên Xô! Anh đã nghiến xích sắt lên cách mạng Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ba Lan... Anh đang nghiến xích sắt lên hạnh phúc của dân tộc tôi. Anh cút đi để tôi ngồi yên hong vết thương của tôi".

 Chuyện tình bi thảm trong mắc lưới ý thức hệ của nàng và chàng khởi sự vào mùa hè năm 1980 và khởi sự như thế. Chàng thành khẩn nói với nàng: "Tôi là người Nga, người Nga chính thống". Kinh nghiệm đau đớn của dân tộc nàng, của cuộc chiến đấu của chính nàng cho phép nàng phát biểu: "Người Nga sống ở Liên Xô. Người Mỹ sống ở Mỹ. Tất cả đều hiền hòa, đều tốt. Nhưng người Nga và người Mỹ đến bất cứ nước nào làm cố vấn thì họ khốn nạn ngang nhau". Nàng đầy đặc thành kiến xấu xa về những trò chơi của chữ nghĩa trong thời đại của nàng. "Tư bản là bọn bất lương, cộng sản là bọn bất nhân. Chỉ cần một đứa bớt bất lương, một đứa bớt bất nhân, loài người sẽ sống rất hữu nghị trên trái đất".

 Tại sao cô Quỳnh Đào cực đoan thế? Tuổi trẻ của cô, tuổi trẻ Việt Nam được cô tâm sự: "Tôi lớn khôn cùng với những tiếng hò hét dục giã xuống đường của bạn bè đồng lứa tuổi. Chúng tôi phản kháng chế độ độc tài và đòi hỏi tự do tuyệt đối, dân chủ tuyệt đối. Ngây thơ và nhiệt tình, chúng tôi thả niềm tin yêu chạy khắp đường phố Sài Gòn, thách thức khói lựu đạn cay và báng súng của cần lao nhân vị. Tôi đã nhìn rõ máu chảy, ngửi căng phổi mùi xác chết cháy khét lẹt. Tôi đã thấy tận mắt những họng súng đen ngòm khạc đạn vào chúng tôi tay không. Tôi đã vào tù. Nhưng cách mạng thành công! Tôi hò hét. tôi say mê. Và tôi tiếp tục hò hét, say mê, tiếp tục hứng báng súng, ngửi khói lựu đạn cay và xác chết cháy. Mãi đến 25 tuổi mới thật sự trưởng thành. Để nhận thức rằng, ròng rã mười năm, tôi đã tham dự vào những cuộc chiến đấu trong hư ảo. Dân tộc tôi đã bị người Mỹ bỏ bùa mê thuốc lú"...

 Cô Quỳnh Đào, như một chiến sĩ mệt mỏi cần nghỉ ngơi, cô ngồi lại trường Luật, suy nghĩ về thân phận nước nhỏ và chính sách ngạo ngược của nước lớn. Cô ôm hoài bão mới: "Tôi muốn học thật giỏi để đủ kiến thức viết một pho sách nói hết về những lỗi lầm của chính sách Mỹ ở nước tôi". Nhưng bất hạnh cho cô, cho dân tộc cô, người Mỹ đã bán tổ quốc của cô cho cộng sản. "Tôi là kẻ thất tình với thời đại của tôi. Tôi đau đớn lắm. Tôi mất cơ hội để phân trần với nhân loại rằng dân tộc tôi hiếu hòa, dân tộc tôi cao thượng, dân tộc tôi tình cảm sũng ướt và lãng mạn tuyệt vời".

 Cơn đau làm cô sáng suốt, bắt cô đi kiếm mặt trời: "Mặt trời đã bị cấm chiếu cho những người như tôi ở vùng cộng sản ngự trị. Tôi không còn chỗ đứng. Thậm chí không còn tổ quốc để yêu, không còn kỷ niệm để nhớ, không còn dĩ vãng để ngậm ngùi, không còn tương lai để mơ ước. Tôi bị đầy đọa lưu đầy ngay trên quê hương của tôi. Tất cả đều xa lạ. Tôi không thích làm kẻ xa lạ với thời đại của tôi, không thích an phận đóng vai chứng nhân tự dối gạt lòng mình và dối gạt thiên hạ. Vậy thì phải dấn thân"...

 Sự kiêu ngạo của Quỳnh Đào giống hệt sự kiêu ngạo trong Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư tử lãng mạn: "... Rồi chúng tôi ngẩng mặt. Nhiệt tình thuở mười lăm vụt cháy. Chúng tôi xuống thuyền một cách lãng mạn. Chúng tôi chống cộng sản không cần người Mỹ. Chúng tôi thật sự chống cộng sản trong cô đơn. Và chúng tôi vào tù"... Cô Quỳnh Đào "đã lếch thếch qua hết trại giam này đến trại giam khác. Nhan sắc tôi tàn phai thảm hại nhưng tâm hồn tôi phới phới... Tôi đã bị còng chân năm mươi hai ngày liên tiếp và bị nhốt vào cachot tối tăm hôi hám. Tôi đã đói, đã khát, đã thèm được ngủ với đàn ông, thèm ra riết. Nhà tù cộng sản đã giúp cô "có thể nhìn xa vô cùng và, hình như, tôi đã thấy hư vô, đã thấy ý nghĩa cao cả của đời sống. Điều đó khiến tôi hết sợ chết, dù chết mỏi mòn. Nếu tôi đã sống vô vị từ bao nhiêu năm nay, nếu tôi chưa biết bắt đầu cuộc sống của tôi ở chỗ nào thì giờ đây tôi đã biết. Cuộc đời tôi bắt đầu từ nhà tù cộng sản". Cô Quỳnh Đào khẳng định: "Ngục tù cộng sản dạy tôi điều này: Ý nghĩa cao cả nhất của đời sống là làm cho mọi người hạnh phúc, làm cho loài người hạnh phúc, dẫu mình cam chịu hẩm hiu, bất hạnh triền miên". Như thế, Quỳnh Đào ra đời. Nhà cô đã bị tịch thu vì gia đình cô vượt biên và chết hết giữa biển khơi. Cô phải tá túc ở nhà ông chú ruột. Rồi cô thường ra Vũng Tàu, ngồi bất động trên ghế vải "nhìn sóng lớn, sóng nhỏ xô dạt vào bãi cát, tưởng tượng trên từng ngọn sóng đều vất vưởng một linh hồn của những người thân yêu ruột thịt". Và cô đã gặp Dimitri Chostakovich, một người Nga không thích là Pavel, là Liên Xô; một người Nga không biết xấu hổ; một người Nga tâm hồn của Tolstoi, Chekov; một người Nga biết nói "còn một thứ tòa án ở trái tim tôi"; một người Nga mà Quỳnh Đào có thể nói: "Hạnh phúc cho anh vì anh nói giỏi tiếng Việt và còn trái tim".

 Sự kiên nhẫn chịu đựng mọi hắt hủi, xua đuổi của Dimitri khiến Quỳnh Đào chợt nhớ lại chủ nghĩa và ý thức hệ đê tiện: "Ừ, chủ nghĩa khốn kiếp. Nó làm cho dân tộc này ghét dân tộc nọ". Dimitri chỉ muốn Quỳnh Đào hiểu mình: "Hiểu biết để gần gũi chứ không để xa lánh". Chàng hiểu nàng chống cộng sản. Nàng hiểu chàng là nạn nhân của cộng sản. Dimitri ngậm ngùi: "Vâng, như cô, tôi cũng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản và trò chơi của nó. Tôi sắp nói với cô một điều quan trọng không phải vì cô chống đối cộng sản mà vì cô là người tôi tin cậy".

 Chàng kể ngọn ngành quá khứ, hiện tại của mình rồi thở dài: "Ở đời có nhiều chuyện ta cần quên lãng để sống, để nhìn và để chờ đợi". Nàng bỗng nhìn thấy Dimitri như một con người. "Chúng ta cần sống để nhìn thời đại và chờ đợi nó xoay vần. Chúng ta nhỏ bé và cô đơn. Chúng ta chưa thể lên tiếng. Chúng ta phải dành dụm tiếng nói cho nó dõng dạc ở cuộc hành trình mới".

 Cuộc hành trình mới: Chàng và nàng yêu nhau ở Sài Gòn. "Tôi yêu Dimitri không phải vì Dimitri là người Nga, không phải vì dĩ vãng ngậm ngùi của anh mà vì anh là một con người, một con người rất người trong thời đại hiếm hoi con người. Vậy thì cuộc chiến đấu sắp tới của tôi là cuộc chiến đấu của con người đòi quyền gần gũi, thông cảm, san sẻ và yêu thương. Tôi chưa rõ những hệ lụy của cuộc chiến đấu này nhưng tôi tin chắc nó sẽ không vô tích sự bằng ngồi nguyền rủa các chủ nghĩa, trách móc người Mỹ và thù ghét người Nga".

 Nàng bắt đầu phải đối phó với mọi nghịch cảnh sau khi "nhận thức rằng, sự thù hận giữa các dân tộc là một sai lầm tai hại. Con người sinh ra không phải để thù hận nhau. Chủ nghĩa dạy con người thù hận. Con người, thay vì thù hận chủ nghĩa, đã thù hận con người". Nhưng vết thương mất Sài Gòn, vết thương ngục tù, trại tập trung còn đang mưng mủ trong mỗi trái tim người Việt Nam, không ai có thể chấp nhận Quỳnh Đào yêu Dimitri, yêu một "thằng Liên Xô", yêu kẻ thù của dân tộc. Gia đình chú nàng ngăn cản nàng. Nàng bước qua thành kiến hẹp hòi của gia đình. Đồng bào nàng miệt thị nàng, nhục mạ nàng, hành hạ nàng. Người ta gọi nàng là "con điếm Liên Xô", là "me Liên Xô". Người ta hắt nước dơ bẩn vào nàng, chọi gạch đá chảy máu mắt nàng. Và chàng, người ta nhổ nước miếng khinh bỉ, người ta bảo chàng là "cai ngục", là "mu gích bệ rạc", là kẻ xâm chiếm thô bạo...

 "- Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng cô nhớ tôi. Chưa bao giờ.
 - Điều đó không quan trọng. Quan trọng là anh có nhớ tôi không?
 - Từng phút.
 - Anh cảm giác gì trong nỗi nhớ?
 - Tôi thấy đời sống còn xứng đáng để chịu đau khổ."

 Đó là chàng. Còn nàng, nàng tuyên chiến: "Không có cuộc chiến đấu nào tuyệt diệu hơn cuộc chiến đấu của con người chống lại mọi luật lệ của thành kiến và giáo điều của chủ nghĩa trói buộc con người, trong thời đại chúng ta. Tôi khởi sự cuộc chiến đấu này". Cuộc chiến đấu của con người đòi quyền yêu thương không những chỉ gặp đối kháng của thành kiến gia đình, xã hội mà còn gặp đối kháng của chủ nghĩa và chế độ. Chế độ lên tiếng: "Hữu nghị giữa hai nước, không hữu nghị giữa hai người". Công an của chế độ bắt nàng làm bản tự khai chuyện tình của nàng và chàng. Nàng phẫn nộ: "Chỉ có bọn ăn cắp, bọn ăn trộm mới phải khai tội lỗi của chúng nó với pháp luật. Tôi có quyền yêu và quyền không khai với bất cứ ai, kể cả cha mẹ tôi, chuyện yêu đương của tôi". Chàng phẫn nộ: "Người ta đã bắt trái đất lên tiếng và người ta đành bất lực khi bắt trái tim lên tiếng. Tôi yêu vì tôi yêu, thế đó... Những kẻ đầu óc đặc khịt giáo điều không thể hiểu nổi sự nhiệm mầu của tình yêu. Chúng chỉ biết ăn, uống và làm tình".

 Chế độ cưỡng bách nàng đoạn tình với chàng. Người ta đe dọa giam nhốt nàng vào nhà thương điên. Người tiểu tư sản phản động không có quyền yêu người vô sản cách mạng. Người Liên Xô không có quyền yêu người Việt Nam. Cái luyến ái quan mác xít khốn nạn ấy, chàng di dưới gót giày: "Tôi tự hào tôi là ngườI Nga, người Nga cảm giác nổi trái tim mình thổn thức vì tình yêu. Sự phán xét của các đồng chí báo hiệu hoàng hôn của chủ nghĩa gần kề". Dimitri bị chủ nghĩa kiên quyết đòi chàng phủ nhận tình yêu. Chàng chấp nhận mọi hình phạt của chủ nghĩa để mãi mãi là một con người "yêu ai cứ bảo là yêu". Chàng chối bỏ chủ nghĩa, chế độ, lãnh tụ: "... Vẫn còn lương tri tôi, lương tri một người Nga. Tôi tự ý khước từ bất cứ một thứ gì khoác lên con người tôi. Tôi hết là đồng chí của các đồng chí".

 Dimitri chịu đựng thù hận của hình phạt để nói: "Quỳnh Đào, em là chủ nghĩa tha thiết nhất, là lãnh tụ tuyệt vời nhất, là thần tượng của thần tượng, là hơi thở, là đời sống của anh". Anh chấp nhận cái chết cho tình yêu con người sáng chói: "Khi con người còn hơi thở, còn lương tri, còn phải chống lại những giáo điều làm con người ngu muội, vô liêm sỉ, phản phúc chính mình".

 Sau thời gian giam nhốt và đầy đọa tinh thần Dimitri, sau thời gian đe dọa Quỳnh Đào, chủ nghĩa cho phép chàng và nàng gặp nhau, vì chủ nghĩa tin chắc hai con người đã bị chủ nghĩa chế ngự linh hồn.

 "- Dimitri, anh có thể nói được rồi đấy. Nói thật lớn vì tiếng nói của anh sẽ vang vọng cùng khắp thế giới.
 Qua màng nước mắt, Dimitri nhìn tôi:
 - Quỳnh Đào yêu dấu, anh yêu em. Anh yêu em hơn cả nước Nga của Anh. Hãy nói em yêu anh đi, em yêu dấu!
 Đôi tay Dimitri dang rộng. Anh ngẩng mặt. Mắt tôi dán vào lồng ngực của anh, vào trái tim anh, vào hình hài anh, vào sự thành khẩn, vào lòng quả cảm của anh. Những giọt lệ ứa ra. Những hạt ngọc cho tình yêu Dimitri cao quý. Bỗng tôi thấy nhà thương điên hé cửa. Và hoàng hôn. Và nỗi chết không rời.
 - Dimitri yêu dấu, anh yêu dấu, em yêu anh...
 Dimitri Chostakovich cười to, nụ cười của kẻ chiến thắng. Khuôn mặt anh rạng rỡ tự hào. Anh bước vài bước và nói:
 - Em yêu dấu, trái đất sẽ thay đổi, cố sống chờ đợi. Quỳnh Đào, nước Nga của anh..."

 Người điểm sách xin được ngưng ở đây, dành cho độc giả Một người Nga ở Sài Gòn một đoạn kết tuyệt diệu, một đoạn kết làm rung động con người, làm rung chuyển bóng tối nghiệt ngã và mê muội của chủ nghĩa đã phủ kín mít tương lai con người trong thời đại hôm nay.

 Từ Công - Tạp chí Á Châu, số 23, xuất bản tại Paris
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn