BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bà Tạ Phong Tần bị thẩm vấn tiếp

29 Tháng Ba 201012:00 SA(Xem: 1032)
Bà Tạ Phong Tần bị thẩm vấn tiếp
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
SÀI GÒN (NV) - Bà Tạ Phong Tần, một blogger nổi tiếng với rất nhiều bài viết phân tích thời sự sắc bén trên trang báo mạng cá nhân “Công Lý & Sự Thật Blogspot” bị công an ép buộc tới cơ quan của họ để bị thẩm vấn tiếp tục.



Bà Tạ Phong Tần, 42 tuổi, cho báo Người Việt hay như vậy hôm Thứ Hai. Không những vậy, bà còn cho hay nhiều thứ tài sản gồm tiền bạc mà bằng hữu của bà dành dụm được và nhờ thân hữu giúp đỡ đã bị công an thu giữ trong đó có cả $2,700 USD.

Khi đang ở nhà một người bạn, bà Tần đã bị công an bắt về trụ sở công quan quận Bình Thạnh hôm 23 tháng 3, 2010, giam giữ và thẩm vấn đến đêm 26 tháng 3, 2010 mới thả. Từng là một đại úy ngành Công An ở Bạc Liêu, bà Tần đã tốt nghiệp ngành luật và có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư của Bộ Tư Pháp Việt Nam, bà nắm vững thủ tục, trình tự bắt người của công an cũng như thủ tục hình sự tố tụng.



“Họ toàn đột nhập vào các hộp thư của mình rồi lục lọi xem hết các thư từ cá nhân của bạn bè gởi cho tôi chớ có thu được tài liệu gì đâu mà dám ghi vào giấy mời là ‘hỏi về nội dung các tài liệu thu giữ ngày 23 tháng 3.’”

Bà Tần nói với Người Việt như vậy khi nói về cái tờ giấy triệu tập đi thẩm vấn vào sáng ngày 30 tháng 3, 2010. Nội dung cuộc thẩm vấn “...chỉ loanh quanh lặp lại mấy vấn đề về viết báo thôi. Tôi yêu cầu trả giấy tờ cá nhân, máy ảnh, điện thoại và tiền cho tôi thì tôi mới ‘làm việc’, không thì thôi.”



Bà cho hay tiếp là “họ loanh quanh kéo dài thời gian cho đến hết giờ làm việc buổi chiều luôn rồi hẹn ngày mai đến làm việc. Tôi đã trả lời dứt khoát là không đến. Mai ở nhà đóng cửa tiếp tục viết bài. Muốn bắt thì cứ việc đến mà bắt.”

Ngày 29 tháng 9, 2009, báo Lao Động có bài tường thuật một hội nghị “đại biểu toàn quốc Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội có cả một đoàn đông đảo từ Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh; Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng; Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan và nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.” Tựa đề của bài tường thuật này là “Phản biện xã hội để chống bệnh quan liêu.” Bài báo Lao Động thuật lại lời Phó Chủ Tịch, kiêm Tổng Thư Ký UBTƯ MTTQVN Vũ Trọng Kim là, “Đoàn kết luôn gắn liền với dân chủ, kỷ cương và công bằng xã hội. Ở nơi nào, lúc nào phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm kỷ cương, phép nước trong quản lý, điều hành của Nhà nước và thực hiện tốt trách nhiệm của công dân, đảm bảo hài hòa các lợi ích và công bằng xã hội thì ở đó, lúc đó sự đồng thuận xã hội được nâng cao và khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường”.

Nhưng, bà Tần nói với Người Việt cho biết là bà bị cấm viết đụng chạm tới các đề tài dính đến nhà nước. Những gì xảy đến cho bà Tần và rất nhiều bloggers khác ở Việt Nam “tham gia phản biện xã hội” cho thấy chế độ Hà Nội luôn luôn nói và làm trái ngược nhau hoàn toàn.

Công an nói, “Cứ viết những bài về ăn uống, lễ hội, vui chơi giải trí nhưng những bài đã đăng báo vừa qua là được, đừng nên nói động gì đến nhà nước cả,” theo lời bà Tần.

Bà cho hay ngoài tiền, nhiều loại giấy tờ, tài sản có giá trị của bà đã bị công an lấy đi từ mấy lần xét nhà, xét chỗ làm việc, bà đã đòi nhiều lần vẫn không trả.

Bà liệt kê, “Giấy tờ cá nhân họ lấy đi gồm bản chính mấy trăm tờ giấy mời của CA quận Gò Vấp, An ninh điều tra Thành phố (PA24), Cục ANĐT (A24), các loại bằng cấp, chứng chỉ như: Bằng tốt nghiệp Cử nhân Luật, Bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, Bằng tốt nghiệp khóa đào tạo Luật sư, chứng chỉ A ngoại ngữ, chứng chỉ A tin học, chứng chỉ tốt nghiệp tin học đề án 112 của Chính phủ, Chứng chỉ tốt nghiệp lớp phục vụ nhà hàng khách sạn, Giấy chứng nhận an ninh nhân dân, Giấy chứng nhận Hội thẩm nhân dân Tòa án tỉnh Bạc Liêu, Chứng nhận giải Nhì của báo Tuổi Trẻ, thẻ đảng viên, thẻ hội viên Hội Luật gia Việt Nam, các loại quyết định bổ nhiệm cán bộ, nâng cấp hàm + lương, quyết định chuyển công tác, biên bản tạm giữ đồ vật tài sản hồi còn ở bên Gò Vấp, 1 cái camera mini và vài thứ linh tinh khác. Họ có lập cái biên bản thống kê, có ký xác nhận cái này nhưng họ không đưa 1 bản cho người bị tịch thu (đòi hoài mà không đưa). Họ lấy luôn cái túi xách tôi mới mua, trong đó có mấy trăm ngàn tiền Việt, 2 tờ 100$, 1 máy ảnh Canon A480 mới mua, 2 điện thoại di động, 1 cái USB, 1 cái đầu đọc thẻ nhớ, 1 cuốn sổ tay nhỏ (ghi linh tinh những thứ như địa chỉ người quen, cách làm con rươi, con sá sùng, trích đoạn vài bài báo trong nước) dùng làm tư liệu để viết báo, 1 cuốn lịch túi Công Giáo, 1 cây bút bi màu đen.

Như vậy, tổng cộng 2 lần họ giữ mà không chịu trả các tài sản (dù đã gặp cán bộ từng làm việc với mình đòi nhiều lần) gồm: 1 bộ máy tính để bàn giá mua năm 2007 là 8,9 triệu đồng; 4 điện thoại di động (2 Nokia, 1 Sony Ericson, 1 Motorola), tiền USD: 2.700$, tiền Việt khoảng 6-7 trăm ngàn đồng, 1 máy ảnh Canon PowerShot SD 790, 1 máy ảnh Canon PowerShot A480.”

Lời bà Tần nói với Người Việt, “Họ nói rằng ‘khi nào làm việc xong sẽ trả tài sản và giấy tờ cá nhân.’ Tôi hỏi: ‘Xong là bao lâu, sang năm à? Câu này nó mơ hồ lắm, phải có thời gian cụ thể. Tài sản và giấy tờ cá nhân của tôi không phải là phương tiện, công cụ để gây án nên nó không phải tang vật vụ án. Phải trả lại cho tôi liền chớ không có chờ cái gì hết. Còn mấy anh không chịu trả cho tôi thì cứ giữ xài luôn đi. Đừng có lấy những thứ ấy đem ra đặt điều kiện để ép buộc tôi. Tôi không vì những thứ đó mà phải suốt ngày chạy đến đây để xin xỏ anh.’”

Về số tiền bị thu giữ, bà nói, “Số tiền USD này là tiền bạn bè của tôi gởi giúp đỡ trong thời gian tôi thất nghiệp không có thu nhập gần cả năm sau khi không làm việc ở VPLS Pháp Quyền. Đây là thu nhập chính đáng chớ đâu phải tiền trộm cướp hay ‘bán nước’ mà có nên không ai có quyền ngang nhiên chiếm đoạt bất chấp pháp luật như thế cả.” Thêm nữa “Pháp luật VN không cấm người dân tích trữ ngoại tệ trong nhà mình hay cấm gửi ngoại tệ cho người khác giữ giùm vì bản thân mình không có một nơi ở ổn định an toàn.”

Khi được hỏi về vấn đề bị bắt như thế có đúng luật không, bà cho hay “Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam quy định có 3 trường hợp bắt người là: bắt khi đang phạm tội quả tang, khi có lệnh truy nã (Điều 82), lệnh bắt khẩn cấp (Điều 81), bắt tạm giam khi đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can (Điều 80). Không được bắt người vào ban đêm trừ trường hợp phạm tội quả tang, bắt khẩn cấp hoặc bắt theo lệnh truy nã. Ban đêm được tính từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Phạm tội quả tang là đang thực hiện hành vi mà hành vi này được coi là tội phạm và được quy định cụ thể bằng điều luật trong bộ luật hình sự. Muốn khám xét nhà người ta thì phải có lệnh khám xét, ngang nhiên kéo một đám xông vào nhà người ta lúc nửa đêm về sáng (2h45') rồi lục soát lấy đi tiền trong tủ người ta thì hành động này phải gọi bằng gì?”

Riêng về bằng tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư của Bộ Tư Pháp, bà nói, “Bằng tốt nghiệp khóa đào tạo Luật sư do Học viện Tư pháp cấp trong đó in đậm dòng chữ: ‘Không cấp lại bản nhì.’ Việc lấy đi bản chính các loại giấy tờ cá nhân, bằng cấp có thể thấy rõ mục đích của họ là nhằm làm cho tôi không thể có hồ sơ làm thủ tục tập sự và mở VPLS trong thời gian tới.”

Qua những gì cho báo Người Việt biết, bà Tạ Phong Tần đang đối diện với những ngày rất khó khăn trước mặt.

Người Việt
29/03/2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn