BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73519)
(Xem: 62250)
(Xem: 39445)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mối Duyên Biệt Động

04 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 2340)
Mối Duyên Biệt Động
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41

Trước tiên tôi xin được tự giới thiệu:


- Tôi là nhà giáo.

Ủa nhà giáo thì mắc mớ gì lại chen chân, bon chen gia nhập vào Tập san Biệt Động Quân nhỉ? Quý vị ơi!

“Khoan khoan ngồi đó chớ nôn
Cho tôi phân giải, khoai, môn, tỏ tường”


Tôi học Lục vân Tiên từ lớp Đệ Thất hay Đệ Lục gì đó mà sao thơ của Cụ Nguyễn đình Chiểu vẫn còn tiềm ẩn trong tôi để bây giờ xuất khẩu viết nên hai câu thơ đượm mùi "Lục vân Tiên ngồi núp bụi môn" như thế này nhỉ? Thú thật tôi cũng không hiểu tại răng mà lại như ri ...

Số là như vầy: Tôi tốt nghiệp trường Sư Phạm Huế và đựơc bổ dụng vào dạy học tại Quảng Ngãi. Nhắc đến Quảng Ngãi chắc quý vị đã thấy tôi hơi có liên quan đến Biệt Động Quân rồi, phải không? Đứt đuôi con nòng nọc rồi! Biệt Động Quân mà không biết hai địa danh oai hùng Thạch Trụ và Ba Gia ở Quảng Ngãi thì đâu có phải là anh hùng Mũ Nâu ... Mới sơ sơ mà đã thấy tôi có duyên cùng Biệt Động Quân rồi đó! Còn nữa quý vị ơi! Trận Thạch Trụ, tôi không nhớ xảy ra vào năm nào nhưng tôi nhớ đến chiến thắng này của Biệt Động Quân vì vào thời gian đó Quảng Ngãi như một lò lửa chiến tranh và cũng vì bạn tôi có tham dự vào chiến thắng lẫy lừng này. Bạn tôi , M.tr. Tứ, quan sát viên L 19 thuộc phi đoàn 110, đã bay liên miên trên bầu trời Thạch Trụ để quan sát yểm trợ. Và anh nói không ngừng nghỉ đến độ khi anh xong phi vụ trở về thành phố để ãn trưa với tôi, anh ta bị khản cổ, mất tiếng và phải bút đàm với chúng tôi khi tường thuật những gì đang xảy ra trên chiến trường Thạch Trụ.

Vào lúc bấy giờ Tiểu đoàn trưởng 37 Biệt Động Quân, Thiếu tá Sơn Thương được người dân Quảng Ngãi nói đến như một người hùng. Tưởng cũng nên nhắc đến những anh hùng vô danh như bạn của tôi mà tôi đã cùng có một kỷ niệm vẫn còn in đậm trong tâm khảm tôi. Ngày đám cưới của bạn tôi , tôi đã cùng một bạn đồng nghiệp thắng bộ đồ lớn vừa mới may. Ngồi trên phi cơ Cessna bay từ phi trường Quảng Ngãi ra Huế để làm phụ rể cho bạn tôi. Tôi còn nhớ hôm đó trời mưa tầm tã và gió lớn nên phi cơ phải đáp xuống phi trường Đà Nẵng chờ cho cơn bão rớt qua đi mới có thể tiếp tục bay về Huế đáp xuống phi trường Thành Nội. Tôi và anh bạn giáo sư dạy cùng trường vì là dân civil không quen đi mây về gió, nên đã cho chó ăn chè dơ hết cả áo veston lúc phi cơ chao đảo trên bầu trời giông bão. Vào đến Đà Nẳng, Tứ đã phải đưa chúng tôi vào phi đoàn của anh để giặt áo chuẩn bị cho lễ cưới chiều hôm đó. Đúng là đám cưới nhà binh, thời giờ thật là khít khao. Tôi cứ nghĩ, nếu hôm đó máy bay không về được Huế kịp giờ hoàng đạo thì bạn tôi làm sao cưới vợ được. Mà nếu như thế thì vợ bạn tôi đã không phải chít khăn sô khóc chồng, vì bạn tôi sau đó thuyên chuyển về Nha Trang đổi qua làm phi công L19, đã mất tích trong một chuyến bay từ Nha Trang đi Pleiku.

Thời gian dạy học ở Quảng Ngãi, tôi còn một kỷ niệm khác với Biệt Động Quân: Tôn thất Trực mà lúc đi học ở trường Trung học Nguyễn tri Phương tại Huế đã nổi danh một thời, cùng với nhóm bạn mà do một ngẫu nhiên kỳ lạ, mang những cái tên thật là “võ bị”: Phi, Cơ, Thủy, Quân, Trực, Thăng. "Người hùng" TT Trực nổi danh một thời ở Đà Nẵng trong vụ tranh đấu Phật giáo, một dạo vào hành quân ở Quảng Ngãi đã để lại cho giới trẻ xứ Quảng một giai thoại thật lý thú: Thành phố Quảng Ngãi chỉ có hai con đường chính giao nhau thẳng góc. Một là con đường Quốc lộ 1 chạy dài từ cầu Trà Khúc qua các quận Tư Nghĩa, Mộ Đức (tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về địa danh này: Ở đây đã có một câu chuyện "Bobbit" nên người dân Quảng Ngãi đã truyền khẩu câu răn đe: “Lấy gái Mộ Đức sứt cu có ngày”) và Đức Phổ để rồi đi đến tận Sa Huỳnh, Tam Quan, Quy Nhơn v..v… Còn con đường chính kia là con đường chạy từ Bộ Tư lệnh sư đoàn II đến ga xe lửa và phi trường thành phố. Trên con đường này có một nhà hàng sách mà Cô chủ là một trong những người đẹp nổi tiếng của xứ mạch nha và kẹo gương. Sĩ quan mũ nâu TT Trực, nếu không đi hành quân là về trồng cây si (không biết si thật hay si giả) trước hiệu sách này. Chàng vốn có tài phóng dao, nên vẽ một trái tim trên gốc cây trước nhà sách và cứ thế chàng biểu diễn phóng dao xuyên qua con tim rỉ máu, để tán tỉnh ngưòi đẹp khiến lũ học sinh bao chung quanh “người hùng “ vỗ tay tán thưởng huyên náo cả khu phố. Dĩ nhiên tôi cũng là một khán giả ái mộ tài phóng dao của Trực, vì tôi đã từng biết Trực lúc ở Huế, bạn cùng một lứa tuổi.



Quảng Ngãi còn là quê quán của hai anh hùng mũ nâu mà tôi hân hạnh được biết. Đấy là Trung tá Võ Vàng mà phu nhân của anh là bạn đồng nghiệp cùng dạy học với tôi ở Quảng Ngãi. Một vị Trung tá khác, anh Hoàng Phổ, tôi cũng biết, biết chứ không quen, vì ông ta ít khi ở Quảng Ngãi. Sở dĩ tôi biết ông ta là vì phu nhân của ông là bạn học với vợ tôi và cũng là hàng xóm láng giềng với nhau ở xứ Quảng ... Hai bà này vẫn còn liên lạc điện thoại với nhau.

Tôi lại nhớ một mùa thi, tôi làm giám khảo Bán Phần Tú Tài ở hội đồng thi Quy Nhơn. Chúng tôi thuê phòng trọ ở khách sạn Cẩm Vinh và đã gặp một trung úy Biệt Động Quân trẻ tuổi, đẹp trai. Ông ta cư ngụ ở khách sạn này với một đàn em, có lẽ là “tà lọt” của Ông. Ông bị thương, phải cưa mất một chân nên tinh thần sa sút. Ông sống bê tha rượu chè khiến chúng tôi rất đỗi cảm thương cho số phận của ông và cũng đã cùng ông ngồi chung một bàn tiệc để nghe ông kể lại những chiến công của ông và trận chiến sau cùng đã làm ông mất đi một phần thân thể. Rất tiếc đã nhiều năm tháng qua đi, nên tôi không còn nhớ tên của ông, để gọi là có đôi giòng vinh danh ông. Một trong những anh hùng vô danh của binh chủng mũ nâu oai hùng mà tôi có cái duyên đuợc biết đến.

Và sau cùng, tôi xin nhắc đến một liên quan với Biệt Động Quân đã khiến tôi viết bài này, để nhắc lại những kỷ niệm tôi có được với binh chủng Biệt Động Quân… Năm 1965, một buổi trưa, hết giờ dạy. tôi dang từ phòng trọ trên đường đi đến tiệm ăn Bắc Hải để dùng cơm trưa, thì tôi thấy dáng đi chẳng mấy oai hùng (khác với thường khi tôi vẫn gặp chàng, khi chàng đi hành quân về qua phố ghé thăm tôi). Quý vị có biết tôi gặp ai không? Trần Tiễn San, bạn học cùng lớp, cùng trường với tôi. Anh chàng vừa từ chiến trường Ba Gia trở về, lòng mang nặng u hoài, và có lẽ cũng căm hờn nữa, vì đã bỏ lại trên chiến địa nhiều chiến hữu thân yêu. Tôi còn nhớ hôm đó, lúc ăn cơm với tôi, San đã ngậm ngùi bảo là không thể ăn thịt vì đã thấy quá nhiều máu thịt trên chiến trường Ba Gia. Máu thịt của những chiến hữu thân yêu như anh em, máu thịt của những người, vì tự vệ, vì bất đồng chính kiến mà anh đã phải ghìm sinh mạng của họ trước mũi súng thiện xạ. Hình như San đã được đặc cách vinh thăng Trung Úy, vì đã anh dũng chiến đấu tại mặt trận Ba Gia, chiến đấu trong vô vọng vì không được tiếp viện đúng lúc và đúng mức cần thiết. Bây giờ tôi lại gặp San trên xứ Cờ Hoa cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ở học đuờng, trên trường đời, vui buồn lẫn lộn, những mảnh đời còn lại cũng như đã qua đi của bạn bè của người thân.

Tôi đã tự hỏi tại sao một nhà giáo như tôi, một người theo nghiệp Vãn lại có “duyên” gặp gỡ nhiều chiến binh trong binh chủng Biệt Động Quân, thay vì các chiến sĩ của các quân binh chủng khác. Câu hỏi thật khó trả lời ngoài cách giải thích của con nhà Phật, ấy là do một chữ“DUYÊN”.

Và thưa quý vị! Cũng từ suy nghiệm đó mà tôi viết bài này, kể lại những kỷ niệm liên quan đến Biệt Động Quân và lấy đề tựa cho bài viết là: MỐI DUYÊN BIỆT ĐỘNG.

Thân ái chào các chiến sĩ mũ nâu, anh hùng Biệt Động Quân.

H.Đ.T

Theo http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/munauso13.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn