BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73458)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (91 – 95)

17 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1258)
Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (91 – 95)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

PHẦN NĂM


THẤP THOÁNG CHIA LY


91

Lãnh đạo mặc quần áo nâu, đội nón lợp ny lông, đeo xặc cốt, đi dép Bình-Trị-Thiên. Nếu có gương soi kỹ và nếu được suy nghĩ bằng chính tâm hồn mình, lãnh đạo thấy mình chỉ là lãnh đạo mặc đồng phục như học trò hướng đạo. Lãnh đạo nói năng, lãnh đạo ăn uống, lãnh đạo tiếp xúc, lãnh đạo vui chơi, lãnh đạo hân hoan, nhất nhất đều mặc đồng phục. Lãnh đạo không được buồn, không được nhớ, không được thương vu vơ. Cũng mặc đồng phục. Lãnh đạo phải theo quyết nghị thi hành cuộc đời mình. Quyết nghị là đạo đức kinh, là luân lý giáo khoa thư, là sách gối đầu giường, chỉ đúng răm rắp, không có sai lầm. Và không được phê bình quyết nghị. Phê bình quyết nghị là đầu óc đã nhiễm tư tưởng phản động. Đầu phải làm cho rỗng. Óc phải gột rửa. Để sạch sẽ và ngây thơ mà tiếp thu quyết nghị.

Quyết nghị theo sát Kỳ Bá hiện tại là quyền lực tối cao của Bác, Đảng và Nhà Nước. Bác không lầm lẫn. Nhà nước không lầm lẫn. Bác là Hồ Chí Minh. Nhà nước là chính quyền vô sản. Hồ Chí Minh là Cha già của dân tộc, là Bác của toàn dân, là chủ tịch của Đảng và Nhà nước. Bất cứ việc gì mình sắp làm, cũng nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước. Bất cứ việc gì mình sẽ làm cũng nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước. Bất cứ việc gì thành công ít hay nhiều cũng nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước. Vậy Đảng và Nhà nước của Bác. Quyết nghị bây giờ là Bác. Bác không phải là siêu nhân. Bác chỉ là người yêu nước nồng nàn, hy sinh đời mình cho tổ quốc, không vui thú bên vợ con, vì Bác không vợ, không con. Bác sống đạm bạc nên Bác là vị Thánh sống. Bác biết tất cả. Chính trị, Bác cao vút, không người so sánh. Quân sự, Bác tài tình, khiến Pháp nể nang. Bác làm thơ hay nhất, nhà thơ lớn của dân tộc. Bác mặc quần áo đại quân, đi dép Bình-Trị-Thiên, điều khiển giàn nhạc vĩ đại ngoài trời. Bác là người hơn tất cả mọi người, trên tất cả loài người. Bác bảo là làm theo lời Bác, vâng lời Bác. Quyết nghị là lời vàng ý ngọc của Bác, chỉ tuân lệnh, không phê bình.

Thần tượng trên sân cỏ thì khác, hoàn toàn khác. Thần tượng tự do buông thả tài năng của mình trước rừng người cổ võ. Người cổ võ trẻ có, già có, nhi đồng có. Họ không thuộc một thành phần nào, một giai cấp nào trong xã hội. Chỉ là khán giả túc cầu. Họ cũng tự do nói năng, chửi thề và hoan hô, đả đảo. Họ chẳng thèm biết người ngồi bên cạnh là chức sắc trong chính quyền. Họ đứng lên, đấm mạnh vào không khí lúc thần tượng của họ làm họ thất vọng. Họ vỗ tay như điên cuồng khi thần tượng của họ làm họ say mê. Hàng chục ngàn người mở căng mắt, nhìn đôi chân của một người, nhìn cái đầu của một người. Người ta chửi mắng thần tượng, là người ta yêu thần tượng. Người ta thích thú thần tượng, là người ta thương thần tượng. Người ta cống hiến trái tim của mình. Cho thần tượng.

Thần tượng đang vẽ vời lừa bóng. Ngất ngây. Thần tượng ngả bàn đèn một cú sút trời cho thủng lưới đối phương. Tuyệt diệu. Thần tượng đá một cú xuyên chỉ qua kim, đối phương ngỡ ngàng. Lâng lâng. Thần tượng chơi cú tết hết bắt, đối phương thẫn thờ. Mơ màng. Không cần nhiều, chỉ mấy đường điêu luyện thôi, thần tượng muốn gì được nấy. Thần tượng muốn hạ thằng nào, thằng ấy đo ván; muốn khử thằng nào, thằng ấy đi đoong. Chín mươi phút trên sân cỏ, thần tượng là hoàng tử, là đại đế của đám nô lệ cổ võ. Người ta mơ ước được rờ tay vào ngực thần tượng xem thần tượng rung động tới mực nào. Ôi, cái áo của thần tượng, sau trận đấu ngập mồ hôi, cởi ra, tung vào đám nô lệ, áo của thần tượng là cơm, là công đức vô lượng đối với dân sắp chết đói. Người ta giành giật nhau. Đến máu phải đổ. Thần tượng thì không có gì đụng vào nổi.

92

Vọng sinh ra ở làng Kỳ Bá, trong căn nhà gianh, tường trét bùn rơm, liếp đan bằng nứa, che mưa gió. Nó lớn lên cùng với căn nhà càng ngày càng điêu tàn. Cha Vọng làm thợ máy điện thị xã Thái Bình. Mẹ nó bán xôi chè rong khắp đường phố. Vì nghèo quá, trời chỉ cho cha mẹ nó đẻ nổi mỗi mình nó. Còn bé, Vọng èo ọt, không lớn được. Mười một tuổi nó mới đi học. Lên lớp sơ đẳng, tự nhiên Vọng trở mình, có da có thịt, khỏe khoắn ra. Nó thông minh và chăm học. Từ dạo đồng ấu, Vọng đã bị bạn học bắt nạt. Nó biết thân biết phận, chả dám chống đối, cứ để bạn học chế riễu, làm tình làm tội. Không ai dạy mà Vọng biết chịu đựng nỗi oan khiên, từ nhỏ.

Thấy con mình trổ mã, học hành tiến bộ, cha thằng Vọng sung sướng. Ông năng nói chuyện với Vọng, tưởng Vọng hiểu ý ông.

- Con ơi, con phải học tới đậu đít lôm. Thì cha mẹ mới hết khổ và cuộc đời hết khinh bỉ.

- Đít lôm là gì ạ?

- Là đậu xéc ti phi ca, học thêm bốn năm nữa ở ban thành chung.

- Ở ban thành chung?

- Ờ, năm thứ nhất lên lớp, con học năm thứ nhì; năm thứ nhì lên lớp, con học năm thứ ba; năm thứ ba, con lên lớp, con học năm thứ tư. Rồi con thi đít lôm. Con mà đỗ đít lôm, mẹ con sẽ bỏ gánh xôi chè, bố sẽ bỏ nghề cu ly lam lũ.

- Đít lôm là hết trường học hở, bố?

- Còn.

- Gì nữa?

- Học đến tú tài. Đỗ tú tài một, thi tú tài hai. Mất tất cả ba năm.

- Hết chứ ạ!

- Hãy còn đại học. Muốn thành bác sĩ như đốc tờ Anh, thêm sáu năm nữa. Trời ơi, được làm quan đốc tờ sẽ hả hê suốt đời, muốn sao được vậy. Như tiên ấy, con ạ!

- Con sẽ học đỗ đốc tờ.

- Không được đâu.

- Sao lại không được?

- Vì bố mẹ nghèo nàn, chỉ cố gắng nuôi con đỗ đít lôm, ra làm tiền đỡ vất vả. Con học mười năm thôi. Chứ học bác sĩ, con phải học hai mươi năm mới thành tài, bố mẹ có sống hai kiếp mới làm con nên thân. Đáng lẽ chỉ mong con đổ xét ti phi ca, bố mơ mộng muốn con đỗ đít lôm cho đáng học trong nỗi khổ.

Cha Vọng đã chỉ cầu mong cho con mình đỗ đít lôm. Thiếu gì người nghèo lo cho con mình đỗ tú tài. Vọng đỗ đít lôm là gia đình nó hạnh phúc, là được trời thương. Mẹ nó ước mong như cha nó. Những khi rảnh rỗi, mẹ thằng Vọng cầu nguyện Trời Phật cho nó học giỏi và thời gian qua mau. Cuối năm sơ đẳng, Vọng thi lấy xéc ti phi ca ê lê măng te. Không cần đỗ hay trượt cũng được lên lớp nhì năm thứ nhất. Vọng đã đỗ. Cả Việt lẫn Pháp. Việt thì thi toán pháp, luận văn, sử địa, cách trí. Pháp thì viết bài ám tả. Mẹ Vọng khoe ầm với các bà bán hàng rong, nhờ mẹ nó đi cúng, dâng hương ở chùa An Tập, Phật mới động lòng cho Vọng đỗ.

Lớp nhì năm thứ nhất, Vọng học bài vở toàn bằng tiếng Pháp. Có vẻ người lớn rồi. Cha nó dành dụm tiền, may cho nó cái áo dài thâm mới toanh, cái quần chúc bâu và đôi guốc mộc. Học trò ở thị xã không nhất nhất phải mặc đồng phục. Con nhà giầu mặc âu phục. Con nhà nghèo mặc quốc phục. Thằng Vọng có mỗi bộ quần áo mồi. Nó giữ gìn cẩn thận lắm. Đi học về, nó treo áo dài lên vách nhà, xếp quần lên đầu giường. Và đánh bộ quần áo rách vá tứ tung, ngồi học bài hay đi chơi. Thằng Vọng tiết kiệm đôi guốc mới khiếp. Nó xách guốc đi bộ từ nhà đến trường và chỉ đi guốc khi nhà trường mở cổng. Tan học, nó bỏ guốc khi ra khỏi lớp. Bọn nhãi học trò chế riễu nó, đánh đấm nó cái tội đi guốc sợ mòn.

- Này cu Vọng, mày đi mấy năm một đôi guốc?

- Mười năm!

- Mày cất ở đâu?

- Trên bàn thờ!

- Gần nhà tao, người bán guốc mới nhẩy xuống sông tự tử.

- Lạ nhẩy!

- Không lạ đâu. Vì ông ta ế hàng, đâm ra thối chí. Mười năm mới có con nhà Vọng mua một đôi guốc!

Chúng nó chơi kịch nhạo báng thằng Vọng tàn nhẫn. Vọng im lặng chịu đựng. Cha nó đã bảo nó rằng:

- Con ơi, nhà nghèo có nhiều tội lắm. Con đến trường, học trò nhà giầu có ghét con, có đánh con, có chửi con, dù con không lầm lẫn gì cũng khép miệng lại. Cho chúng nó chán con, nghe! Cần nhất, là con phải đỗ đít lôm, mọi việc mặc kệ chúng nó.

Quà sáng của thằng Vọng hết xôi chè lại cơm nguội, hết cơm nguội lại xôi chè! Chả có món gì khác. Nó không dám nghĩ tới ngày nào mới được ăn bánh cuốn giò chả, ăn bánh mì thịt quay, ăn phở, ăn cơ roát xăng và uống cà phê sữa…

Vọng thích bóng tròn. Lúc đi xem đá bóng tròn, nó chẳng bị ai át giọng và đánh đập cả. Vọng mê bóng tròn từ niên học lớp nhì năm thứ nhất. Nó khoái những cầu thủ giỏi. Vọng thường cổ võ đội bóng Kỳ Bá và đội Lính Khố Xanh. Ở đời, sao không chỉ có sân cỏ và sân cỏ? Nơi đó, người ta hoan hô cầu thủ làm người ta say mê. Nơi đó, người ta đả đảo cầu thù làm người ta buồn bã.

Thích bóng tròn, Vọng có một mình, không chơi với ai và không ai chơi với nó, nó lấy rơm buộc thành trái bóng, sút một mình, lừa đảo một mình.

Vọng sáng tác những cú sút tuyệt vời và những cú sút mang những tên tuyệt vời ở trái bóng rơm mà ra. Nó tưởng tượng khung thành của địch thủ, phóng trái bóng lọt vào. Khi đặt chân sút, nó ngã ngửa – phải ngã ngửa cơ – hai tay nâng nhẹ thân người lên – nhớ hai tay nâng nhẹ thân người lên – nó gọi là cú sút ngả bàn đèn. Nó quay lưng về phía khung thành, nhẩy cao, móc hậu trái bóng vào, đầu dựng xuống đất, chân giơ thằng lên trời, nó gọi là cút sút trồng cây chuối. Nó quan sát những đôi chân của đối thủ hướng về đường banh sắp sửa nhả ra, kể cả đôi chân của thằng gôn, bắn trái bóng vào như tia chớp cho qua chân đối thủ, nó gọi là cú sút xuyên chỉ qua kim… Những cú sút thần sầu bằng bóng rơm của thằng Vọng ra đời tại làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, mùa thu, niên học 1942-1943, không trình tòa.

Vọng chưa được hưởng những cú sút do nó nghĩ ra. Thì thầy Nguyễn Công Hoan từ Hà Nội đổi về Thái Bình, dạy học ở lớp nó, vào tháng 11. Thầy Hoan chú ý thằng Vọng ngay. Trong lớp nhì 2, chỉ có một mình nó mặc áo dài thâm, quần chúc bâu trắng. Điều đó khiến thầy Hoan có cảm tình với thằng Vọng. Một hôm, giờ ra chơi, thầy giữ Vọng lại, gọi nó lên bàn giấy.

- Con tên là Vọng, Nguyễn Hữu Vọng, cùng họ với thầy đấy. Hữu Vọng, có hy vọng, bố con đặt tên hay lắm. Ông ấy làm gì?

- Thưa thầy, bố con làm thợ ở nhà máy điện, ạ!

- Mẹ con ở nhà hay đi làm?

- Thưa thầy, mẹ con đi làm.

- Nghề gì?

- Thưa thầy, mẹ con bán xôi chè rong.

- Nhà con ở đâu?

- Thưa thấy, ở làng Kỳ Bá, rất gần thị xã. Đi thẳng từ cổng Vọng Cung là đến làng con.

- Thế nhà nằm đầu làng hay cuối làng?

- Thưa thấy, sát cống Kỳ Bá.

- Khá chứ?

- Thưa thầy, nhà con mái rạ, tường bùn rơm, xơ xác lắm, ạ!

- Không hề gì. Con nên nhớ rằng cái nhà không cần, chỉ người ở dưới mái nhà có tâm hồn hay không mới cần. Con chăm chỉ học và giỏi nhất lớp, làm thầy mừng. Bố con đặt tên con là Hữu Vọng nên hy vọng gì ở con?

- Thưa thầy, bố con hy vọng con đỗ đít lôm rồi ra làm việc. Như thế, nhà con sẽ hết nghèo, chẳng ai khinh bỉ nữa.

- Sao không đỗ tú tài?

- Thưa thầy, bố con là người cu ly, không lo cho con học thật lâu được.

- Học bằng ý chí, chứ không học bằng tiền bạc. Con nhà giầu sang không đứa nào đạt nổi sự học. Con nhà nghèo khó, nếu đi học, chúng nó đều làm vẻ vang cho học vấn. Con hiểu chưa? Xưa, có ông Thừa Cung phải đi chăn lợn kiếm ăn. Mỗi ngày, ông nghỉ chân ngoài cửa nhà thầy giáo, lắng nghe thầy dạy học trò. Bao nhiêu chữ nghĩa của thầy, ông học hết. Sau, ông Thừa Cung thi đỗ hiển hách, Vọng ạ! Thôi, sắp hết giờ ra chơi rồi, con ra chơi một lát.

Tháng 12, Vọng đứng nhất lớp, lên bảng danh dự. Bọn nhãi cùng lớp đổ những cơn ghen tị vào những cú đấm, những cú đá, những cái tát, những cái bợp tai thằng Vọng. Nó phát khóc. Câm lặng. Vọng lên bàn thầy Hoan, thưa thầy cho nó xuống hạng bét. Thầy Hoan ngạc nhiên. Thầy không biết những gì đã xẩy ra cho Vọng, từ hôm nó lên bảng danh dự.

- Con không mong học nhất lớp à?

- Thưa thầy, không ạ!

- Bài con học, con làm đều chứng tỏ con chăm chỉ và thông minh. Chẳng lẽ chấm bài của con, thầy cho zéro?

- Thưa thầy, nếu thầy thương con, thầy cứ cho con nằm hạng bét đội sổ.

Thầy Hoan lắc đầu. Tháng sau, Vọng đọc bài ấp úng, chỉ thuộc có một nửa; làm bài gạch xóa nhiều, quên khá bộn. Thầy Hoan chấm bài của Vọng. Suy nghĩ. Giờ ra chơi, thầy bảo Vọng ở trong lớp.

- Con bị bạn học bắt nạt, hả?

Vọng òa lên khóc.

- Chúng nó không muốn con học nhất lớp, lên bảng danh dự, hả?

Vọng im lặng.

- Được, thầy chiều con, cho con đứng thứ 10, không lên bảng danh dự nữa, dù con học giỏi. Con không đứng thứ 10, đòi dội sổ, sang năm đâu được lên lớp mà thi đỗ dít lôm?

Vọng không nói gì. Thầy Hoan đã hiểu rõ tâm sự của đứa học trò con nhà nghèo. Trong cái xã hội đầy rẫy bất mãn này, một thầy không xóa bỏ được. Thầy Hoan chỉ nghiến răng giận dữ.

- Những thằng giầu, những thằng quyền thế, cha, con, cháu, chắt đều giống nhau. Thằng bố áp bức, bóc lột người lớn nghèo khổ; con cháu nó bắt nạt, căm tức người bé nghèo khổ. Nghèo khổ đâu phải là tội lỗi? Sẽ có ngày băm vằm tụi trọc phú, tụi quyền thế dựa hơi Pháp ra từng mảnh!

- Thưa thầy, bố con bảo nhà nghèo có nhiều tội lắm. Con đến trường, học trò con nhà giầu có ghét con, có đánh con, có chửi con, dù con không lầm lẫn gì cũng khép miệng lại. Cho chúng nó chán con!

- Bố con không tội lỗi, con không tội lỗi gì cả. Bọn trọc phú, bọn quyền thế bóc lột từ miếng cơm manh áo của người ta, khiến người ta thành người nghèo khổ. Nghèo khổ, đói rách là do trọc phú và quyền thế tạo ra. Nếu người nghèo khổ biết tống căm hờn vào bọn chúng nó, mình sẽ hết bị đánh chửi, hiên ngang đứng lên, Vọng ạ! Con ra chơi đi!

Vọng nghĩ đến cha nó bôi thuốc đỏ lên những chỗ mình mẩy nó bị đánh chẩy máu, xoa dầu Nhị thiên đường lên những chỗ mình mẩy nó bị đạp đá xưng vù. Cha nó biết giấu thù hận và quên nó đi. Vọng giống cha, biết giấu thù hận và quên nó đi. Có nhớ cũng chẳng được tích sự gì. Nó, nỗi thù hận ấy mà, là sự cam đành triền miên của người nghèo khổ. Làm cho mình hết bị đánh, bị chửi, dễ chừng chỉ có thầy Nguyễn Công Hoan.

Một hôm chủ nhật, thầy Hoan đến nhà thằng Vọng, điềm nhiên ngồi trên giường của nó uống nước vối thích thú. Thầy nhìn căn nhà tiêu điều, mục rã, lòng thầy dậy chua chát. Thầy ngắm cha Vọng và hỏi:

- Ông bị bệnh phải không?

- Bẩm thầy, dạ…

- Xin coi tôi như một giáo viên, ông đừng bẩm thưa với tôi, ông nhé!

- Thưa thầy, vâng ạ!

- Ông lại thưa rồi!

- Dạ, tôi vâng lời thầy.

- Bệnh của ông ra sao?

- Tôi bị đau tháng nay, đêm nào cũng ho, ban ngày sốt.

- Nguy hiểm đấy. Ông mắc bệnh lao phổi rồi. Phải nghỉ làm việc và đi nằm nhà thương.

- Tôi nghỉ thì không có lương và tiền, kiếm đâu ra tiền nằm nhà thương?

- Nhà thương thí ấy mà.

- Nhà thương thí không cho thuốc.

Thầy Nguyễn Công Hoan nghĩ một lát:

- Ông phải nghỉ đi làm và đến nhà thương, kẻo bệnh sẽ đưa ông tới cái chết.

Cha Vọng nói;

- Tôi không nghỉ được, thầy ạ!

Thầy Hoan vỗ vai cha Vọng.

- Ông chả cần lo lắng, bệnh sẽ nặng thêm. Tôi và hai giáo viên ở trường sẽ giúp ông số tiền nằm nhà thương dưỡng bệnh, thuốc men đầy đủ. Ngày mai, ông vào nhà thương, tôi nộp tiền cho ông đến khi ông khỏi. Ông đừng từ chối nữa. Thôi, tôi về đây…

Thầy Hoan bước nhanh ra khỏi nhà Vọng. Cha nó chẳng có phản ứng gì, ngồi khóc rưng rức. Vọng khóc theo. Mẹ nó đang bán hàng trên phố, chưa biết tấm lòng vàng của thầy Hoan.

Thằng Vọng bị cả lớp khinh bỉ, ghét bỏ, nhưng có thầy Hoan thương yêu vô cùng. Vọng đã được an ủi. Như thể, nó sờ thấy niềm an ủi đó. Nó thấy cuộc đời vẫn còn người tốt, còn nhiều người tốt nữa nó chưa gặp. Biết đâu chừng, thấy Hoan chả giúp nó cơ hội sút cú thần sầu xuyên chỉ qua kim!

93

Vào nhà thương được năm ngày, cha thằng Vọng ho ra máu. Những ngụm máu phun lên nóc màn trắng trông khiếp sợ. Tưởng chứa bao nhiêu vi trùng lao quẫy trong đó. Vọng phải lấy đá cục cho cha ngậm để máu cầm dần lại. Không ăn thua gì, máu tiếp tục bung ra và phọt đầy nóc màn. Mẹ Vọng vừa khóc vừa cầu nguyện. Nó xin nghỉ học hai hôm nay, ở bên giường bênh, săn sóc cha. Mẹ khóc. Vọng xanh mét mặt mày, run sợ. Bệnh của cha nó nguy hiểm lắm rồi. Đáng lẽ, cha nó nghỉ việc từ lúc chớm bệnh. Nghỉ việc thì không có lương và có thể bị xa thải. Cái nghề làm cu ly xứ này thật đau khổ. Không có lương hàng tháng, thằng Vọng đành thôi đến trường, ai nuôi nó ăn học nữa đây. Nghĩ tới mảnh bằng đít lôm Vọng sẽ mang về, cha nó chẳng dám xin nhà máy điện cho phép nghỉ nằm nhà thương. Cha nó nghĩ bệnh thông thường của dân lao động, ốm rồi khỏi, ốm no bò dậy, chả việc gì cần quan tâm.

Khốn nỗi, cha thằng Vọng dốt nát, không hiểu ngày sốt, đêm ho là chu kỳ cuối cùng của bệnh lao phổi. Cha nó cứ tiếp tục gắng sức làm việc. Nếu thầy Nguyễn Công Hoan không cho tiền và bắt cha nó đến nhà thương ngay, cha nó đã chết trên công trường nhà máy điện. Bây giờ, cái chết đã gần kề, nhưng y tá bảo mẹ con Vọng cứ hy vọng chờ, bệnh sẽ khỏi. Thực ra, hy vọng vào nghĩa địa chôn xác cha thằng Vọng.

Cha nó đã nghe phong phanh lời gọi của tử thần. Vì vậy, lúc máu không phọt ra, cha nó tỉnh táo, nói vài câu giăng giối với vợ con.

- Bà này, khi tôi chết, phải gắng nuôi con ăn học tới ngày đỗ đít lôm, có thế tôi mới yên thân nhắm mắt.

Mẹ Vọng nức nở:

- Ông sẽ khỏi bệnh mà!

Cha Vọng khe khẽ lắc đầu:

- Bà hứa với tôi đi. Thần chết đã tới chân tôi rồi… Bà hứa đi…

Mẹ Vọng mếu máo:

- Vâng, tôi hứa, dù có khổ cực ngàn lần nữa, tôi vẫn nuôi con ăn học.

Cha Vọng bằng lòng:

- Tôi thanh thản ra đi…

Nhìn Vọng, cha nó khó khăn vẫy tay:

- Con ngồi sát bên bố.

Vọng làm theo cha.

- Phải đỗ đít lôm, con nhé!

- Vâng.

- Phải chăm học, học cho thật giỏi, con nhé!

- Vâng.

- Phải nghe lời bố dạy. Vì con là con nhà nghèo. Nhà nghèo có nhiều tội lắm. Ai ghét con, đánh con, chửi con, vu vạ, con hãy cúi đầu chịu đựng và khép miệng lại. Để làm lấy đời mình.

- Vâng.

- Con nhớ thật kỹ những lời bố dạy.

Cha Vọng giối giăng đâu đó, máu trong tim lại từng ngụm phun lên, bắn vào mặt nó, vào tay mẹ nó. Máu trào một lúc, cha thằng Vọng nhắm chặt mắt. Cha nó chết rồi. Vọng và mẹ khóc thê thảm, cứ ôm chặt lấy xác chết. Y tá phải gỡ ra. Người ta đem xác cha Vọng xuống nhà xác. Hai hôm sau, người ta cho tẩm liệm. Mẹ Vọng phát tang. Và cha nó nằm yên trong nghĩa địa Kỳ Bá.

Từ hôm cha chết, Vọng buồn rời rã, không thiết đi học. Nó nằm nhà cả ngày. Mẹ nó đã đi bán xôi chè trong thị xã. Thầy Hoan đợi nó cả tuần rồi. Mà nó chưa đến trường. Thầy bèn cất công vào nhà nó. Thằng Vọng gặp thầy Hoan, là khóc. Thầy Hoan để yên nó khóc. Thầy không an ủi nó, bảo nó đừng khóc nữa. Nhà văn Nguyễn Công Hoan biết kính trọng nỗi đau khổ của bất cứ ai. Để Vọng ngưng khóc, thầy Hoan mới nói chuyện cùng nó.

- Sao con chưa đi học?

- Thưa thầy, con buồn lắm.

- Ngày mai, con phải đến trường.

- Thưa thầy, con sẽ đến.

- Bắt buộc sáng mai.

- Thưa thầy…

- Không được kéo dài sự nghỉ. Mai con không đi học, thầy sẽ ký giấy đuổi con khỏi trường. Như vậy, không có ngày nào con đỗ đít lôm, và cha con sẽ không yên ổn dưới mộ.

- Thưa thầy, mai con đi học.

- Ngoan lắm. Nỗi buồn của con sẽ nguôi ngoai bằng việc học. Người đã chết chỉ còn tưởng mộ trong lòng ta. Nó thuộc về dĩ vãng rồi. Ta phải nghĩ đến tương lai. Mà con cần nghĩ đến tương lai nhiều hơn. Ta dẫm lên hiện tại, coi nó đẫy rẫy phiền muộn, bất công, cay đắng để tiến lên tương lai huy hoàng, không còn người bóc lột, áp bức con người. Con hiểu chưa, Vọng?

- Thưa thầy, con hiểu.

- Bố con chết, tiền mua thuốc men và trả nhà thương không cần đến nữa. Không cần cả hai đồng nghiệp của thầy phải giúp đỡ. Mỗi tháng, thầy còn thừa hai đồng để dành, thầy cho con, đưa cho mẹ con bù đắp vào sinh sống.

Thấy Hoan móc bót rút ra hai đồng, đưa vào tay Vọng.

- Mỗi tháng con có hai đồng, khi thầy còn dạy ở Thái Bình.

Thằng Vọng cảm động lại khóc.

- Thưa thầy, con cám ơn thầy.

- Con lau nước mắt đi. Bây giờ, con phải dành dụm nước mắt, ngày mai con sẽ khóc.

- Thưa thầy, vâng ạ!

Hôm sau, Vọng đi học thật sớm. Nó không đứng ở cổng trường chờ mở. Mà nó đứng bên nhà sách Mậu Hiên, giả vờ xem những cuốn truyện bầy trong tủ kính. Khi kẻng báo hiệu, cửa trường mở rộng cho học trò vào, Vọng là đứa vào sau cùng. Nó làm thế để tránh những thằng cùng lớp chế nhạo nó, mỉa mai nó, nhất là cha nó vừa chết. Vọng bước vô lớp, cất sách vở, vừa lúc kẻng chào cờ báo hiệu. Nó ra sân tập họp, chào cờ, rồi nối hàng bước vào lớp.

Bữa nay, giờ học đầu là Tập Đọc. Thầy Hoan viết trên bảng đen bài Đứa bé cao thượng. Học trò chép theo. Xong xuôi, thầy đọc một lần trước.

Chiều qua, tôi gặp ở phố Jules Picquet câu chuyện làm tôi ngạc nhiên. Một đứa nhỏ đánh một đứa lớn. Đứa nhỏ lao vào đánh đấm đứa lớn. Đứa lớn chỉ tránh né và lui về phía sau. Đứa nhỏ đạp đá đứa lớn sai hết. Cáu quá, đứa nhỏ chửi đứa lớn tàn tệ rồi về nhà mình. Đứa lớn trông theo đứa nhỏ, mỉm cười rất tươi. Tôi hỏi đứa lớn: Tại sao đứa nhỏ bắt nạt mày, đánh mày mà mày không đánh lại? Đứa lớn trả lời: Tôi lớn hơn nó, to hơn nó, đánh lại nó thì nó thua ngay. Và đau đớn. Tôi không đánh lại nó, vì thế. Thật là một đứa bé cao thượng.

Thầy Hoan nhìn sổ điểm, gọi tên:

- Phan Phú!

Phan Phú đứng dậy:

- Dạ.

Thầy Hoan ra lệnh:

- Đọc bài Tập Đọc đi!

Phan Phú lấy vở, cầm lên đọc. Nó đọc hết, thầy Hoan hỏi:

- Con muốn làm đứa nhỏ hay đứa lớn?

Phan Phú đáp:

- Thưa thầy, con muốn làm đứa lớn.

Thầy lại hỏi:

- Tại sao?

Phan Phú lại đáp:

- Thưa thầy, đứa lớn được tiếng cao thượng.

Thầy Hoan nghiêm nét mặt:

- Con thích cao thượng hở, Phú? Trong trường Monguillot, con là một đứa tồi tệ nhất. Con là đứa nhỏ bắt nạt, chế riễu, đánh đập đứa lớn. Đứa lớn nhịn nhục con mãi mãi, vì nó con nhà nghèo. Biết chưa? Nó con nhà nghèo, con đã chẳng giúp đỡ nó, an ủi nó, mà lại ghen tị với nó, ghét bỏ nó. Thế là cao thượng à? Thề là độc ác mới đúng. Con nên sửa đổi tính tình ngay, kẻo trễ…

Thầy Hoan đem Vọng ra giáo dục lớp nhì 1. Thằng Phú là đứa đánh Vọng nhiều nhất, đau nhất. Chắc thầy Hoan đã điều tra kỹ lưỡng. Nên thầy biết rõ thằng Phú, và mắng mỏ nó thậm tệ. Nó đứng tái mặt, nghe thầy Hoan giảng dạy. Cả lớp im lặng. Giờ ra chơi hôm đó, Vọng không bị bắt nạt nữa. Thầy Hoan đã giáo hóa học trò hư đốn. Vọng kính trọng, yêu quý thầy. Từ đó, Vọng sống thoải mái trong lớp nhì 1. Nó vẫn học giỏi, thông minh, và khiêm tốn với bạn bè. Người ta quên hẳn nỗi nghèo khổ của thằng Vọng, ít ra cũng trọn niên học 1942-1943.

Chẳng mấy chốc, mùa hạ đã tới. Học trò thị xã về quê nghỉ hè. Thầy giáo nghỉ hè ở xa. Có thầy ra vịnh Hạ Long. Có thầy đi bãi biển Đồ Sơn. Có thầy vào bãi biển Sầm Sơn. Thầy Hoan xuống bãi biển Đồng Châu, Tiền Hải, đẹp nhất miền Bắc. Riêng Vọng, quê ở Kỳ Bá, không nơi chốn nghỉ hè, đành lang thang Bồ Xuyên, Bo và An Tập. Nó lang thang mà gặp may. Đội bóng Ký Bá đụng đội bóng Bồ Xuyên, tranh giả Cam tích tán. Rủi cho Kỳ Bá, sắp đến ngày giao đấu, trung phong số một về làm bàn đau nặng. Kỳ Bá chọn cầu thủ thay thế. Không xong. Toàn những cầu thủ hạng bét, cho vào Kỳ Bá, làm trò cười cho Bồ Xuyên à? Lúc ấy, Vọng có mặt tại sân bóng Kỳ Bá. Nó vô tình dượt với cầu thủ Kỳ Bá. Thấy Vọng đá bóng mả quá, người ta lựa nó ngay vào đội. Nó đi trung phong cho Kỳ Bá. Lần đầu tiên, Vọng đá bóng da chân đất với cầu thủ lớn hơn nó, to con hơn nó. Nhờ hai cút sút ngả bàn đèn, Vọng đã mang về cho Kỳ Bá giải thưởng Cam tích tán. Vọng được tặng vài đồng, và trở thành a văng xăng thường xuyên của đội bóng Kỳ Bá. Nó đã xuống Lạc Đạo, sang Trực Nội giao đấu.

Vẫn trong kỳ hè, nó được xem phõ xiếc Nam Định trình diễn ở sân bóng Thái Bình. Dở lắm. Chỉ mỗi màn anh hề tung mũ lên cao, chạy một vòng, cái mũ rơi trúng đầu anh. Như đội lại ngay ngắn. Và một màn nữa, anh mời khán giả tung những trái táo lên. Rồi anh ngửa miệng bắt hết. Vọng thích nhất màn sơi táo của anh hề. Nó về tập bằng được. Những đứa con nhà nghèo thường học được nhiều nghề mọn. Vọng thế đó.

Một hôm, nó ra nghề ăn táo dầm, sấu dầm. Tháng này chưa có táo tươi, sấu tươi. Vọng gạ gẫm những ông nhóc Kỳ Bá mua táo dầm về, tung lên cao, nó sẽ đỡ bằng mồm như xiếc Nam Định. Những ông nhóc thích coi xiếc, mua táo dầm của chú Tầu, xem Vọng chơi xiếc. Cứ thay phiên nhau, mỗi ông nhóc tung một lần hai trái. Vọng đỡ hết. Chỉ ra ngoài vài lần, Vọng sẽ tập để khỏi rơi xuống đất, biểu diễn tới đâu, nó ăn tới đó căng bụng.

Thế là mùa hè năm 1943, Vọng có hai nghề tiêu khiển: bóng tròn và hứng táo. Niên học 1943-1944, Vọng lên lớp nhì 2. Chưa hiểu học với thầy nào. Khai trường còn hai ngày nữa. Vọng bình thản đợi chờ. Lạy trời, nó lại học với thầy Hoan.

94

Loài ve hết ca những điệu nhạc buồn bã ray rứt. Chấm dứt ba tháng hè. Thầy giáo đã trở về. Học trò đã trở về. Thị xã Thái Bình lại sinh động trong ngày khai trường. Thằng Vọng đã bớt buồn vì cha nó mất mà vui vẻ lên vì học lớp nhì 1 được thầy Hoan nâng đỡ và giáo hóa học trò. Khiến Vọng khỏi bị hành hạ. Những tiếng kẻng đầu tiên của niên học mới đã vang lên. Vọng vào lớp nhì 2. Nó hồi hộp lo lắng. Rồi buồn nản. Thầy dạy lớp nhì 2 năm nay là thầy Tri, Lại Văn Tri.

Thầy Tri dân Thái Bình. Thầy dạy học lâu năm, già nua và ốm yếu. Thầy lại nghiện thuốc phiện, chẳng cần nghĩ dạy học là cần thiết như thầy Hoan. Thầy không chú ý tới thằng học trò nào, trừ những thằng có cha mẹ đã chịu khó biếu quà cáp thầy dịp tết nhất. Vọng bị ngồi cuối lớp. Vinh dự thay, nó được xóa bảng, giặt sạch giẻ lau bảng thường xuyên!

Học trò đã quên bài Đứa bé cao thượng của thầy Hoan, lại chế riễu, bắt nạt Vọng. Nạn chế riễu lan sang lớp nhì 1 và lên lớp nhất. Cái áo chùng thâm của Vọng đã bạc phếch, ngắn đến đầu gối. Cái quần chúc bâu trắng đã ngả mầu cháo lòng, cụt trông thấy mắt cá. Vọng mới bị ghẻ. Chiếc màn của nó đã rách tung. Muỗi vào cả đàn, muỗi khiêng Vọng ra cống Kỳ Bá. Nó ngủ say sưa. Muỗi tha hồ đốt. Vài ngày muỗi tung hoành, ghẻ đã tứ tung. Vọng lại lười tắm nên gãi chẩy cả máu. Cái ghẻ ăn sâu vào da nó. Không có xà phòng đen tắm gội, Vọng biến thành Vọng ghẻ tầu.

Vọng đến trường, tìm chỗ vắng gãi ghẻ. Khi nó gãi, bàn tay đan vào nhau cựa quậy. Y như thầy cúng bắt quyết. Mẹ nó mải đi bán xôi chè, chả nghĩ gì về bệnh ghẻ của nó. Bọn học trò ghét Vọng, khám phá ra một lối trên chọc ác độc. Nhà văn Tô Hoài viết truyện ngắn khôi hài Ghẻ đặc biệt trên báo Phổ Thông bán nguyệt san, cười muốn chết. Nhân vật chính của ghẻ đặc biệt là thằng Hoa. Lớp nhì 2 bắt thằng Hoa sống lại, sống thật tại trường Monguillot. Đó là thằng Vọng! Áo chùng của nó viết đầy phấn: Vọng ghẻ tầu. Nó phải dạ, vâng làm theo ý bọn học trò muốn. Tên Vọng gọi là: Hoa.

Vọng khổ sở vì bệnh ghẻ ít mà lối trêu chọc ghẻ tầu nhiều. Không lâu, tài đá bóng của nó đến tai thằng Vũ lớp nhì 1, nó hết bị hành hạ. Những cú sút ngả bàn đèn đã cứu Vọng. Vũ bốc Vọng đá cho đội bóng lớp nhì 1 của nó trả thù An Tập. Vọng nhận lời. Và tình thế trường Monguillot thay đổi.

Vọng nhớ rõ một lần nó bị thằng Hách xưng là bố, đòi đưa tay ghẻ cho nó xem. Vọng nín thinh. Thằng Hách bảo Vọng là đồ câm, đem mẹ Vọng ra chửi bới, gọi tên Hoa-Vọng, Vọng-Hoa ầm ỹ, khiến học trò kéo tới xem đông. Thằng Hách cứ con mụ xôi chè bêu riếu. Vọng chịu đựng. Nước mắt Vọng ứa ra, ném cái cặp da cũ nát xuoống sân trường và lậy thằng Hách, bảo nó sai gì Vọng làm nấy, nhưng đừng nói tới mẹ Vọng. Hách cười khoái chí. Đang lúc quân gian bắt nạt người yếu thế, hiệp sĩ Triều Dương Hiệp, tức Dã Tượng, tức thằng Vũ xông vào. Vũ xưng bố với thằng Hách vì thằng Hách dám xưng bố với Vọng. Vũ bảo thằng Hách nhặt cái cặp của Vọng lên. Thằng Hách văng tục, lao vào đánh Vũ. Vũ cho thằng Hách đo ván. Vũ đặt chân lên mặt thằng Hách, ra lệnh cho thằng Hách bò ra chỗ cái cặp lấy trao Vọng, xin lỗi Vọng. Thằng Hách vâng lời răm rắp. Vũ nói lớn:

- Từ nay, bất cứ ở đâu, ông mà thấy mày bắt nạt thằng Vọng, thì ông đánh bỏ mẹ!

Câu ấy răn đe thằng Hách, răn đe cả trường. Vũ đã giải thoát cuộc đời Vọng. Thầy Hoan chỉ giải thoát đời Vọng chưa đầy một năm.

Nhờ những cú sút ngả bàn đèn, xuyên chỉ qua kim, trồng cây chuối, Vọng đã rửa nhục thua trận An Tập cho Vũ, cho Côn, cho Luyến, cho lớp mhì 1, cho trường Monguillot. Vọng đã nổi danh ầm ầm. Thằng Hách và những thằng ghét Vọng, bây giờ gần gũi Vọng, công kênh Vọng và ca ngợi Vọng. Vọng tưởng Vũ đã đem mình lên chỗ vinh quang. Vọng lầm. Vọng chưa biết, không biết cái vinh quang ấu thời của Vọng do chính Vọng tạo ra, làm nên. Không có những cú sút thần sầu, Vọng không thể giải thoát mẩu đời tuổi ngọc của Vọng. Thằng Vũ đã thành thật nói: Không có mày, chúng tao thua An Tập bét tĩ. Vọng nghĩ: Không có nó, ai đưa mình từ chỗ tăm tối ra ánh sáng. Ôi một thời thơ ấu có bao lâu trong đời ta! Cứ để Vọng biết ơn Vũ. Là được rồi.

Từ đó, từ ngày biết thằng Vũ, thằng Côn, thằng Luyến, Vọng sống với ngày vàng tưởng chừng chẳng bao giờ đến. Vũ và Côn tặng Vọng quần áo. Vọng vất áo chùng thâm cũ kỹ, quần dài chúc bâu ngắn cũn cỡn đã ngả mầu trắng sang mầu cháo lòng. Nó mặc âu phục đi học. Luyến cho cái màn mới tinh. Côn cho xà phòng thơm tắm gội, xà phòng đá giặt quần áo, xà phòng đen chữa ghẻ. Vọng thấy cuộc đời nghèo khó của nó được ôm bằng những vòng tay trìu mến. Cứ thế Vọng sống. Cứ thế Vọng học. Cứ thế Vọng đá bóng. Cứ thế Vọng mơ đỗ đít lôm…

Cho đến hôm Vũ đánh thằng Huấn, con lão cẩm dẫn sen đầm đến trường bắt thầy Đàn, thầy của Vũ, Côn, Luyến về tội làm cách mạng. Vũ thương thầy, bực tức vô cùng. Nó đánh thằng Huấn chỉ vì thằng Huấn cười lúc thầy bị khóa tay. Vũ đánh thằng Dương, con lão phó cẩm, để bênh Thúy, đến nỗi bị đuổi học. Nó đi lên Hà Nội. Đã có thằng Côn bao bọc Vọng, che chở Vọng.

Thầy Hoan bận bịu, mãi mới đến thăm Vọng. Mỗi tháng thầy vẫn cho Vọng hai đồng. Thầy Hoan tâm sự:

- Thầy theo rõi con luôn à.

- Thưa thầy, nhờ ơn thầy.

- Mẹ con khỏe chứ?

- Dạ, thưa thầy, mẹ con già đi nhiều.

- Thầy cũng già đi, có sao! Mỗi người đều ôm một nỗi khổ của riêng mình. Mẹ con lao động chân tay. Thầy lao động trí óc. Lao động chân tay sung sướng hơn lao động trí óc. Một người làm xong việc thì ngủ. Một người làm xong việc thì suy nghĩ. Có những vấn đề chưa giải quyết ngay đưọc thì tức tối, khó chịu, buồn bã. Buồn nó già đi. Con hiểu chưa?

- Thưa thầy, con hiểu rồi ạ!

- Con phải thương mẹ con nhiều hơn.

- Thưa thầy, vâng ạ!

- Phải vươn tay dài thành cái gậy cho mẹ con bước đi thoải mái trên cây cầu nheo nhóc.

- Thưa thầy, vâng.

- Dạo này, con sống đỡ không?

- Thưa thầy, Vũ và Côn cho con đủ quần áo thay đổi đi học. Còn cho cả mẹ con nữa. Các anh ấy cho màn, xà phòng, giục con chữa bệnh ghẻ…

- Thằng Vũ có lòng lắm.

- Thưa thầy, anh Vũ…

- Nó đánh thằng Hách vì bạn. Nó đánh thằng Huấn vì thầy. Trên đời khó kiếm những ai vì thầy, vì bạn mà lao vào chỗ khốn khổ. Thằng Vũ không sợ nhà giầu. Nó đặt chân lên mặt thằng Hách, chấp cả bọn nhà giầu. Nhà giầu phản ứng gì đâu. Nó hạ thằng Huấn, chấp cả bọn quyền thế. Quyền thế nhỏ nhen, chỉ đuổi học thằng Vũ.

- Thưa thầy…

- Bố con đã dạy con: Nhà giầu và quyền thế có ghét con, đánh con, chửi con, vu vạ con, hãy cúi đầu chịu đựng. Con có được cúi đầu chịu đựng không? Học trò con nhà giầu lớp nhì 1 tha cho con, vì nể thầy. Lên lớp nhì 2, cái bản chất của nó lại sống dậy với nó. Là hành hạ con. Mãi mãi. Nếu không có kẻ anh hùng như thằng Vũ, con tuân lời bố con, phải cúi đầu chịu đựng đến bao giờ?

- Thưa thầy…

- Phải can đảm ngẩng mặt lên. Như thằng Vũ. Mới bỏ được nổi tự ti nhà nghèo.

- Thưa thầy, con sẽ học anh Vũ.

- Tốt. Dạo này, bọn nhà giầu trong trường hết bắt nạt con, phải không?

- Thưa thầy, phải.

- Con biết tại sao không?

- Thưa thầy, nhờ thầy, nhờ anh Vũ.

- Nhờ cả con nữa. Thầy và Vũ hỗ trợ con thôi. Mai này, con có hành động một điều gì quyết liệt, thành công hay thất bại, do con cả. Nhớ nhé!

- Thưa thầy, vâng.

Rồi thầy Hoan về. Có lẽ thằng Vọng may mắn nhất trần gian. Nhờ nghèo khổ, nó mới gặp được nhà văn Nguyễn Công Hoan thương yêu và che chở. Đọc khá nhiều tác phẩm của thầy, Vọng chưa thể so sánh với những nhân vật trong Bước đường cùng. Đớn đau và tê tái. Mùa hè năm 1944, Vọng sống êm đềm với Côn và Luyến. Thỉnh thảng Vọng tới thăm gia đình Vũ, nói chuyện đá bóng cho thằng Khoa nghe. Nó sống vui cùng bạn bè, tâm hồn tươi sáng và nổi buồn dìu dịu. Lần đầu tiên, Vọng thấm nỗi buồn dìu dịu nhớ Trường cũ khi nghỉ hè:

Bao tháng ngày xa vắng trôi

Còn đâu nếp trường xưa

Xa vắng càng thiết tha mong

Bên mấy khung song thưa

Say đắm từng gian lớp xưa

Lòng xao xuyến tình thơ

Cây bàng xưa nay lá tốt xanh tươi

Trạnh lòng ai nhớ tiếc khôn nguôi.

95

Niên học 1944-1945, Vọng lên lớp nhất. Giấc mơ thành chung đỗ đít lôm gần kề. Chỉ còn chín tháng nữa thôi, Vọng giã từ tiểu học, giã từ hồn nhiên, giã từ tuổi ngọc đôn hậu. Vọng cố níu lại, theo chân thằng Côn mà hưởng mật ngọt ấu thơ. Vọng đã hết ghẻ. Nhờ thằng Côn chữa chạy. Vọng cảm thấy bình đẳng giữa đám trẻ bằng tuổi nó hay kém tuổi nó.

Quân đội Nhật đã đến Thái Bình, đóng ở ngã ba Vũ Tiên, ở bên kia cầu Bo, ở sân bóng. Câu lạc bộ thể thao nhường cho sĩ quan Nhật. Quân Nhật vui vẻ với dân thị xã lắm, không tỏ một thái độ nào mất cảm tình. Mặt họ tươi tỉnh, chẳng lầm lì tí nào. Người Pháp sợ họ. Dinh công sứ và các dinh thự khác ở chân cầu Bo bên này, đóng im thin thít, không làm việc gì hết. Phú lít và sen đầm vẫn canh gác, nhưng hết đi tuần tiễu. Mỗi ngày, sĩ quan Nhật vào dinh công sứ mấy lần để thảo luận chi đó. Lính Nhật đã mon men xuống Vũ Tiên nghe hát cô đầu và chơi gái. Người Pháp đóng cửa, ở yên trong nhà. Người Tầu cũng sợ Nhật. Vì Nhật đã chiếm gần hết nước Tầu.

Thời gian này, thầy Hoan đến tìm Vọng, cho nó cuốn sách David Copperfield của Charles Dickens, với dòng đề tặng nồng nhiệt. Thầy bảo:

- Sách của Anh, dịch tiếng Pháp. Con gặp những chữ khó, đến trường tra tự điển. Con đã lên lớp nhất, tiếng Pháp khá rồi.

Rồi thầy hỏi:

- Mẹ con có nhà không?

Vọng đáp:

- Thưa thầy, có ạ!

Vọng xuống bếp, gọi mẹ lên hầu chuyện thầy Hoan.

- Tôi có chuyện này thưa với bà. Nếu nay mai tôi dẫn thằng Vọng đi nuôi nấng cho nó học đến nơi đến chốn, làm đúng như lời giăng giối của ông ấy, bà có bằng lòng không?

Mẹ Vọng òa lên khóc:

- Thưa thầy, Vọng là con thầy, thầy muốn sao chả được.

Thầy Hoan nói:

- Tôi phải hỏi bà trước chứ. Nếu bà không muốn cho Vọng đi, bà cứ từ chối.

Mẹ Vọng trả lời:

- Thưa thầy, cháu Vọng có phúc lắm. Xin để thầy quyết định.

Thầy Hoan gật đầu. Thầy kéo Vọng ra ngoài sân:

- Thầy sắp trốn khỏi thị xã.

- Thưa thầy, sao thế?

- Thầy Đàn bị Nhật lùng bắt. Thầy ấy đã trốn thoát, con biết chứ?

- Thưa thầy, con biết.

- Sắp đến lượt thầy. Sáng mai hoặc đêm nay, thầy sẽ trốn. Dặn con nhớ, hễ thầy sai người tới đón, con phải đi theo người ấy, nhé!

- Thưa thầy, con nhớ.

- Vài tháng nữa, con sẽ gặp thầy.

- Thưa thầy, vâng ạ!

- Thôi, thầy về.

Đêm ấy, Vọng hồi hộp đứng tim. Nó không ngủ, chỉ sợ thầy Hoan bị Nhật bắt. Nhật là loài phát xít như Đức. Chúng nó tra tấn đến chết thì thôi. Thầy Hoan yếu đuối, chịu sao nổi đòn phát xít Nhật. Vọng thức cả đêm chờ sáng. Nó đến trường thật sớm hóng tin tức. Mười giờ, thầy Hoan vẫn không đến. Vọng tin rằng thầy nó trốn thoát rồi. Hôm sau, lính sen đầm theo lệnh Nhật đến trường bắt ba thầy giáo. Thế là hai người Vọng thân yêu đã xa Vọng rồi. Vũ vẫn chưa về, dù tình hình thị xã bất ổn. Thầy Hoan chẳng biết đi đâu.

Rồi, rất mau lẹ, Nhật đảo chính Pháp, cho Việt Nam một chính phủ bù nhìn! Vọng lên cầu Bo xem cách đối xử của Nhật với Pháp nó như thế nào. Côn không đồng ý với Vọng về việc Vọng từ chối lấy nước cho Pháp, còn đòi đi tố cáo Pháp trốn tránh Nhật.

Vì vậy, sau ngày đảo chính, Vọng không đi chơi với Côn nữa. Nó nằm nhà nhớ thầy Hoan, nhớ Vũ và đọc David Copperfield. Ai có ngờ đâu, nạn đói đã xẩy ra ở Thái Bình. Nạn đói truyền đi rất nhanh. Chết đói ngay tại nhà mình. Vọng nhìn rõ ràng mẹ nó chết đói, trong khi nó đang đói. Vọng phải đào củ chuối gặm. Lúc nó sắp lả đi, người ta đến cứu sống nó. Vọng thoát chết đói. Khi nó khỏe mạnh, tỉnh táo, một nhân vật tới nói chuyện với nó.

- Vọng, cháu biết đang ở đâu không?

- Thưa chú, không.

- Đông Cao của Ngô Duy Phớn, làng cách mạng cộng sản đầu tiên ở miền Bắc, xa bãi biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải.

Trong cơn chết đói hụt, Vọng đã đi xa quá.

- Chở cháu bằng đường sông từ Kiến Xương xuống Cổ Rồng. Rồi từ Cổ Rồng, chở cháu bằng đường biển đến Đông Cao.

Nhân vật ầy cười rất tươi:

- Cháu không nguy hiểm bằng chú. Chú đề phòng sự nguy hiểm xẩy ra cho chú, nên đi đường sông biển.

Vọng lễ phép:

- Cám ơn chú.

- Đừng cám ơn. Chú tự giới thệu: Chú là Nam Anh, đàn em và đồng chí của Nguyễn Công Hoan [1].

Trời ơi, thầy Hoan đã cứu sống Vọng, đã không quên Vọng.

- Chú xin lỗi cháu, vì chú đến muộn ba ngày, nên mẹ cháu bị chết và cháu bị đói.

Vọng thương mẹ, mẹ nó đã chết rồi, thương bao nhiêu mẹ cũng không sống lại được. Vọng nói:

- Chú quên vụ ấy đi.

- Cám ơn cháu.

- Thưa chú, thầy Hoan đâu ạ?

- Anh Hoan về Hà Nội. Hà Nội cần thiết anh có mặt trong những ngày sắp tới.

- Là gì?

- Nhật đang bị Mỹ đánh thua liểng xiểng ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, Mỹ đã tham chiến bằng không quân. Đánh nhau giữa máy bay Nhật và máy bay Mỹ. Cách đây bốn hôm, Nhật đã bắn rơi một chiếc máy bay ở Quỳnh Côi. Mỹ thả nhiều võ khí xuống Lạng Sơn giúp Việt Nam chống Nhật. Phe Trần Trung Lập tan nát, vì Trần Trung Lập bị Nhật giết [2]. Bây giờ, Lạng Sơn còn phe ta chiến đấu tiêu diệt phát xít Nhật. Anh Hoan về Hà Nội chờ đợi Nhật đầu hàng Mỹ là cướp chính quyền, tuyên bố dộc lập.

- Thế cháu làm gì?

- Cháu hả?

- Vâng.

- Bố cháu, hồi còn sống, đã khuyên cháu học hành đỗ đít lôm, cảnh nghèo khổ của già đình cháu chấm dứt. Đấy là học thông thường, cái lối học cổ lỗ xĩ ấy đã hủy hoại tinh thần của bao nhiêu người. Đồng ý, đỗ đít lôm, ra đi làm, cả nhà hết nghèo khổ. Có tâm hồn, đâu chỉ nghĩ gia đình mình hết nghèo khồ, mà nhiều gia đình nghèo khổ, cả nước nghèo khổ. Cái học cao quý nhất là học làm cách mạng cháu ạ!

Bố mẹ Vọng đã chết rồi. Thầy Đàn, thầy Hoan đang làm cách mạng. Bây giờ, Vọng mới hiểu ý nghĩa của những câu thơ:

Ừ, đói khổ phải đâu là tội lỗi

Anh cứ nghĩ mà càng thêm hổ tủi

Cảnh cơ hàn khốn nạn của chúng ta

Nuôi đi em cho đến lớn đến già

Mầm hận ấy trong lóng xương ống máu

Để mai mốt thêm hăng hồn chiến đấu

Mà hôm nay em đã nhóm trong lòng

Thầy Nguyễn Công Hoan viết ở trang đầu cuốn truyện David Copperfield. Mầm hận ấy, thực dân Pháp đã làm cha Vọng ho ra những vũng máu mà chết. Mầm hận ấy, phát xít Nhật đã làm mẹ Vọng đói rụng rời mà chết. Mầm hận ấy đã nhóm trong lòng Vọng.

- Thưa chú, thầy Hoan bảo thế?

- Ừ.

- Thầy Hoan bảo chết, cháu sẽ chết, đền công lao thầy dạy dỗ cháu. Vâng, cháu sẽ học làm cách mạng.

- Cháu xứng đáng người cách mạng.

- Cháu sẽ cố gắng.

- Anh Hoan nói cháu có tâm hồn, nhờ chú huấn luyện cháu để cháu không mất tâm hồn. Cháu còn trẻ, rèn luyện từ nhỏ, cháu sẽ là người lãnh đạo cách mạng sau này. Cách mạng học ngoài đời, giúp cuộc đời. Cháu phải kiên nhẫn học tập, luôn luôn kiên nhẫn và học hỏi mọi người.

- Vâng.

- Ngày mai, ta bắt đầu.

Hôm sau, chú Nam Anh dạy Vọng bài học đầu: Chính trị nhập môn. Vọng cũng học chú tiếng Pháp và sử, địa, khoa học, những lúc rảnh rang. Nó học lao động ở nghề đi biển, với dân thuyền chài đánh cá. Vọng sống một cuộc đời khác lạ ở làng Đông Cao, cách xa bãi biển Đồng Châu, nơi Pháp cất nhiều nhà nghỉ mát sang trọng. Nó học vài tháng, chính trị làm đầu óc nó mở mang. Và hiểu thấu âm mưu thâm độc của thực dân và phát xít. Phát xít thì mới, chứ thực dân đô hộ dân Việt Nam 80 năm, mà tại sao ta đành chịu nhục nhã? Chú Nam Anh giải nghĩa: Luôn luôn, dân tộc ta vùng lên làm cách mạng, chống đối thực dân Pháp. Cách mạng không có thời và thế nên bị thất bại. Nếu cách mạng gặp đúng thời, cái thế của cách mạng như nước lũ chẩy cuồn cuộn, cách mạng phải thành công. Bây giờ, đã mọc lên cả thời lẫn thế, chỉ còn đợi thời gian ngắn. Là cách mạng vươn mình.

Chờ cách mạng vươn mình, Vọng cứ ở Đông Cao, học tập chính trị.

Chú thích của Dân Nam:

 

 

Xưa, đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, đến đoạn trận Xích Bích, chúng tôi thấy khó thể chấp nhận chuyện bất cứ một ông tướng nào dùng hoả công lại có thể ngu độn đến mức không tính đến chuyện gió máy, huống chi Chu Du, một quân sư, thủy sư đô đốc vùng Trường Giang tất nhiên phải nắm vấn đề này trong lòng bàn tay. Từ đó tìm hiểu và thấy tác giả La Quán Trung đã làm một công việc bất công khi gán cho Chu Du sự ngớ ngẩn đó cùng lòng nhỏ nhen đối với Gia Cát Lượng cũng như sự gian hùng đáng ghét của Tào Tháo – anh hùng số một của thời đại – tạo nên những định kiến hoàn toàn sai lầm về các nhân vật lịch sử. Và cho rằng không ai có quyền vu oan sai lạc về những nhân vật có thật. Vì ảnh hưởng của việc làm văn hóa vô cùng sâu xa, chúng tôi thiết nghĩ rất cần thận trọng.

 

Cho nên, với đoạn này, nói về bước ngoặt từ việc những người tiểu tư sản chống xâm lăng đến việc người cộng sản giành quyền để đưa đất nước vào thể chế cộng sản, hồi sinh thời, ông Duyên Anh tính tái bản cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình, chúng tôi có góp ý kiến, và ông nói trước khi mang in sẽ sửa. Nhưng việc chưa thành, ông đã ra đi. Nay lục đăng, chúng tôi mạn phép chú thích:

 

1/ Ông viết thày giáo Nguyễn Công Hoan, trước năm 1945, đã là đảng viên cộng sản, và cứu trò Vọng khỏi bị chết trong vụ đói Ất Dậu rồi đỡ đầu cho gia nhập Đảng. Điều này không đúng, vì Nguyễn Công Hoan chỉ gia nhập Đảng Cộng Sản vào năm 1947.

 

Việc gia nhập trước hay sau quan trọng, là vì tấm lòng nhân đạo của ông Hoan thể hiện cái tình người của Nguyễn Công Hoan con người xã hội hay Nguyễn Công Hoan con người cộng sản. Thực tế là Nguyễn Công Hoan khi còn là con người xã hội thì rất người. Nhưng khi thành cộng sản, Nguyễn Công Hoan trở thành một loại súc vật. Bằng chứng là việc Nguyễn Công Hoan đã đối xử với cụ Phan Khôi một cách vô cùng hạ cấp, vô giáo dục trong vụ Nhân văn-Giai phẩm, không còn một chút gì chứng tỏ một Nguyễn Công Hoan vốn con quan, làm nghề dạy học, viết văn trào phúng, xã hội tả chân, chống bất công thối nát; trái lại đã biến chất đến mức chính bọn cộng sản cũng còn liệt vào loại ba que, khi họ phê bình cuốn “Đống rác cũ” của ông ta.

 

Còn một số sự kiện sai lạc về danh xưng, thời điểm tương tự nữa. Chúng tôi mang thảo luận với ông. Ông trả lời rằng vì là tiểu thuyết hư cấu thì những dữ kiện không có gì là quan trọng. Chúng tôi thì thưa rằng mọi sự đều có thể hư cấu, nhưng nó cũng phải như thật, ngoại trừ chuyện giả tưởng. Hơn nữa, một khi liên quan đến những dữ kiện lịch sử thì càng nên sát với diễn biến, tác phẩm mới có giá trị. Mang lộn việc trước ra việc sau, việc sau ra việc trước, người biết, đọc sẽ đâm chán, người không biết, sẽ bị dẫn dắt sai lầm lẫn lộn. Nhất là nếu những sự sai lầm lẫn lộn đó đã không làm cho tác phẩm thêm một chút giá trị nào, mà trái lại còn hạ nó xuống. Tỉ như:

 2/ Ông Trần Trung Lập, nếu chúng tôi không lầm, theo quân đội Nhật về tấn công Cao Bằng năm 1940, bị Nhật bỏ rơi, tiếp tục chống Pháp, bị bắt và bị xử tử, mà không phải bị Nhật giết năm 1945.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn