BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tâm, Tài và một số thứ khác

03 Tháng Tư 200612:00 SA(Xem: 1089)
Tâm, Tài và một số thứ khác
53Vote
43Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.56

Nhàn đàm



Hôm qua, thằng con trai tôi, học sinh lớp 11, đi học về hớn hở khoe: “Con bắt được hai chục ngàn đồng”. “Bắt được ở đâu?”. “Trên cầu thang bố ạ. Của cái cô nhà lầu trên, cô ấy đi trước con mấy bậc, đánh rơi mà không biết”. “Tại sao con không bảo với cô ấy, trả lại? Tưởng hay lắm mà còn khoe!”. Nó thủng thẳng: “Ôi giời, bây giờ chả có ai bắt được của rơi trả lại người mất đâu bố ạ. Bố đọc báo hàng ngày, toàn chuyện cướp giết hiếp, làm gì có chuyện người tốt việc tốt. Mà báo chí chỉ là phần nhỏ thôi đấy”. Sở dĩ tôi đánh nghiêng câu “người tốt việc tốt”, bởi thằng oắt con nó nhấn mạnh câu ấy với vẻ giễu cợt. Tôi tức khí cao giọng quát tháo: “Dù gì thì gì, cuộc đời vẫn còn rất nhiều người tốt. Người tốt họ không so bì với những kẻ xấu xa. Họ tốt để lương tâm họ thanh thản, để họ tự hào với bản thân. Thời nào cũng thế, dù là thời khốn nạn chó má nhất thì người tốt vẫn còn. Thậm chí là còn nhiều. Và họ xứng đáng được tôn trọng”. Nó im lặng, và có vẻ như chịu nghe tôi.

Hôm nay, tôi thấy những lời giáo điều của tôi hôm qua thật không phải. Dậy con như thế thì quá bằng giết con còn gì. Chờ nó đi học về, tôi chủ động xin lỗi nó về thái độ hùng hổ của mình chiều qua, rồi tôi bảo: “Những lời bố nói thực ra chỉ là duy ý chí mà thôi. Bố sai lắm. Bố hâm rồi. Lập luận như con mới là đúng đó. Thời này không ăn cướp ăn cắp trực tiếp của người khác là đạo đức lắm rồi, lương thiện lắm rồi. Đứa nào ngu ngơ lơ đãng mất của ráng chịu, con ạ. Bố nói không ăn cướp ăn cắp trực tiếp có nghĩa là, mình không giật trên tay ai, không thò tay vào túi ai mà lấy đồ, còn mọi cách ăn cắp ăn cướp gián tiếp mà người đời thường gọi là "bổng lộc" ấy, thì cứ ăn. Đại nhân hưởng lộc lớn, tiểu nhân hưởng lộc nhỏ, như con hôm qua nhặt được hai chục ngàn là "tiểu lộc" đấy con ạ! Lần sau cứ thế. Thậm chí người đánh rơi biết, mình cũng nhất quyết không trả. Nhá!”.

Đọc tới đây, những quí độc giả có lương tâm trong sáng, có tâm hồn thanh cao xin chớ vội nộ khí xung thiên mà phỉ nhổ vào mặt tôi. Xin quí vị bình tĩnh đọc tiếp để cho tôi có cơ hội trình bầy. Sự việc gì cũng có nguyên nhân của nó.

 

 

 

 


***


Từ khi báo chí Việt Nam (trong chừng mực) được bật đèn xanh, cho phép phản ánh những tiêu cực, bê bối của các quan chức cộng sản (có lẽ là cấp thứ trưởng trở xuống), thì dẫu cho cũng chỉ ở một mức độ giới hạn, dân ngu khu đen cỡ tôi cũng được thưởng lãm hàng loạt vụ việc, mà nếu như trước đây, nghe thì thào kháo nhau ngoài vỉa hè, quán nước, tôi thường không tin mấy. Gì thì gì, đạo đức cách mạng cộng sản dù có tha hóa tới đâu cũng không thể có chuyện hiếp trẻ em, chơi đĩ, đánh bạc, tống tiền,… v.v… Nhưng khi chuyện hai năm rõ mười nằm chình ình trên mặt báo – báo của chính họ – thì tôi tin. Tin và bàng hoàng, sửng sốt. Đọc báo mà lưỡi cứ đánh tành tạch như thạch sùng. Nhưng đó chỉ là thời gian đầu. Về sau, tôi dửng dưng với mọi sự; chẳng việc gì mà bàng hoàng, chẳng việc gì mà chắt lưỡi xuýt xoa. Đấy là chưa kể, việc báo chí được bật đèn xanh trong một số vụ việc chưa hẳn là biểu hiện của một sự minh bạch, mà rất có thể nó chỉ là một âm mưu đấu đá của những phe nhóm chính trị.

Những ngày này, thời sự nóng trong nước vẫn là vụ PMU 18, nhưng riêng tôi, chẳng mấy quan tâm. Bởi xét cho cùng, thừa tiền rửng mỡ đánh bạc bao gái cũng là chuyện “thường ngày ở huyện”, nhất là đồng tiền ấy là tiền ăn cắp, ăn cướp (tôi không thích dùng từ tham nhũng, bởi tôi chẳng hiểu nó là gì. Tôi chỉ quan niệm đơn giản, đồng tiền không làm ra bằng tài năng, chất xám, mồ hôi là tiền ăn cắp, cướp giật. Ví dụ, các cô gái đĩ chổng khu lên là lao động đổ mồ hôi). Vì vậy, những loạt “phóng sự” của báo chí về các phi vụ cờ bạc, gái gú của các quan chức “Pờ mu”, tôi theo dõi mà không mấy háo hức như xưa. Nhưng hôm nay, khi tình cờ đọc một bài báo (1) trên trang mạng vietnamnet, trong đó tác giả cho biết, ngài thứ trưởng GT–VT Nguyễn Việt Tiến đã từng có hồ sơ ứng cử vào trung ương khóa IX. Và tác giả này “có nghe đồn” (2), rằng chạy vào trung ương đảng giá chính thức là 1 triệu USD, thì tôi thật sự hơi giật mình. Vâng, giật mình thật đấy, không phải giật mình vì chuyện mua quan bán chức diễn ra cả ở tầng cao nhất, mà giật mình vì tưởng tượng ra những con người như thế, những con người cặp bồ với gái tuổi hàng con cháu, nhậu nhẹt đánh lộn không khác phường lưu manh vô học (xin lỗi các anh lưu manh bình dân!) họ lãnh đạo quốc gia, họ nắm trong tay vận mệnh của hơn tám chục triệu người thì…; thôi, ghê răng quá, chẳng dám nghĩ tiếp. Nhưng không nghĩ không được. Vẫn nghĩ. Nghĩ vẩn vơ, rằng nếu như không có vụ mấy chú nhóc ở đội tuyển bóng đá ngây thơ dở hơi bán độ bị xì, thì liệu các đại gia này có dắt dây lộ mặt? Và khi không bị vụ này làm đứt đoạn công danh, thì có ai dám cam đoan, rằng không thể có một ngày đẹp trời mà ngài thứ trưởng kia không ngồi vào ghế phó thủ tướng, thủ tướng, chủ tịch nước…v.v…? Lại tiếp tục vẩn vơ mà triển khai suy nghĩ, liệu có ai dám đảm bảo, rằng mấy ngài hiện đang ở chức vụ vừa nêu không bồ bịch, gái gú, đĩ bợm, cờ bạc, nhậu nhẹt, xả xui bằng bướm trẻ em… v.v…? Điều này hoàn toàn có cơ sở để suy diễn. Không phải tự nhiên mà xã hội Việt Nam trở thành một thứ xã hội quái đản như hôm nay.

Trong những năm gần đây, các giới, các “nhà” thường hay bàn về chữ “tâm”, nhấn mạnh chữ “tâm”, đề cao chữ “tâm”. Trong bài báo nêu trên, tác giả có nhắc tới chữ “Tâm”. Ông viết: “Đất nước này đâu thiếu người có tâm, có tài. Khi tham mưu để cấp có thẩm quyền chọn người, mà tham mưu sai, để một người kỳ đức không xứng với y phục có cơ hội, đồng nghĩa là đã gạt những người khác đủ tâm và đủ tầm hơn ra khỏi cơ hội phụng sự sự nghiệp chung” . Thật là mỉa mai. Nếu chữ “Tâm” kia là thứ có thật, thì trong xã hội này, ai mang nó trong người chẳng khác gì mang khối ung thư, khối họa. Chẳng nên trách người ta không có “tâm”, vì đã là con người, bụng ai không có cứt? Chỉ có điều, một xã hội văn minh sẽ khống chế, hạn chế những cái bụng cứt tự tung tự tác trét cứt lung tung. Vậy thôi.

Nhìn chung, bài báo trên thuộc loại bài “có tâm huyết”, có “trăn trở”; mặc dù không nêu ra được vấn đề gì mới, đáng quan tâm (ngoài chuyện thông tin về việc Nguyễn Việt Tiến từng có hồ sơ ứng cử vào trung ương Đảng), nhưng cũng thuộc loại bài đọc được. Và nó sẽ là bài báo đọc được hơn, nếu như cuối bài, ông ta không trích dẫn dự thảo báo cáo chính trị đại hội X. Có vẻ như ông thật sự tâm đắc với đoạn trích dẫn ấy, vì nó khẳng định cho “nguyên lí chọn người có tâm” của ông. Xin trích lại (chỗ viết nghiêng do tôi - VVQ - nhấn mạnh), đặng bình luận thêm tí tỉnh về chữ “tâm”: 











Cán bộ như Đào Đình Bình, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến là người có đức, có tài, có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng


 

 “Cán bộ phải là người có đức, có tài, có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không dao động trước mọi biến cố phức tạp, có đủ năng lực thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao. Quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ”.

Phàm là kẻ dấn mình vào chính trường, mục đích tối hậu của hắn không gì ngoài quyền lực. Điều này là chân lí. Việc đam mê quyền lực cũng là một thuộc tính của con người; như vậy, đam mê quyền lực không có gì là xấu xa. Nhưng quyền lực chỉ không xấu xa khi quyền lực ấy gắn liền với trách nhiệm. Nhưng thông thường, ham quyền lực không đồng nghĩa với ý thức trách nhiệm. Nói cách khác, khi đạt được quyền lực, người ta sẽ lo củng cố quyền lực và phát huy quyền lực trong việc phục vụ lợi ích cá nhân (lạm quyền) nếu như không có một cơ chế giám sát quyền lực một cách triệt để và minh bạch. Tất cả những điều nêu trên đều thuộc bản chất con người. Vậy thì thật mỉa mai và hài hước khi kêu gọi người ta “hết lòng vì dân”, “tôn trọng tập thể”, “gắn bó với dân” một cách giáo điều duy ý chí như thế. Ừ, chả mất gì, ai cũng có thể xưng xưng nói ra mồm, rằng tôi vì dân vì nước vì kính thưa các thứ thuộc về cao cả. Nhưng không ai cần nghe như thế, người dân chỉ muốn những kẻ nắm quyền được/bị giám sát trong một cơ chế minh bạch, khoa học (3). Người dân cũng chẳng cần những quí ông “hết lòng vì dân”, “mẫu mực trong sáng”, mà họ chỉ cần các ngài không lạm quyền làm bậy và có trách nhiệm trong công việc của mình. “Tài” thì đương nhiên rồi, phải tài thì mới được giao trọng trách chứ. Và cái tài dù sao cũng dễ cân đo đong đếm hơn cái tâm. Cái tài là thứ không trìu tượng như cái tâm.

Quyền lực cao thì trách nhiệm lớn. Vậy thôi. Không ai cần cái tâm (đểu).

Thế là bài viết này đã hai lần tôi dùng tới thán từ “Vậy thôi” để bàn với “cái tâm”. Nhưng xem ra, chỉ có “vậy thôi” nhưng không dễ chút nào. Đơn giản, vì xã hội này không phải là một xã hội có cơ chế vận hành văn minh, minh bạch. Nó là một xã hội được điều hành bởi luật rừng. Một xã hội quái đản.

***


Trở lại câu chuyện của bố con tôi. Quý độc giả có thể coi đây là câu chuyện thật, cũng có thể coi đây là câu chuyện bịa. Nhưng có một sự thật chắc chắn, rằng tôi không thể lên giọng răn dậy đạo đức cho con nếu nó có một hành động tương tự. Có hai lí do. Một, răn dậy kiểu như thế với trẻ con (là học sinh lớp 11) ngày nay, chúng nó không thèm nghe đâu, vì chúng biết đó là giáo điều, thậm chí đạo đức giả. Hai, nếu con tôi ngây ngô tới độ, nó tin vào những lời răn dậy của tôi, rồi nó cứ phăm phăm ứng xử với đời như vậy, thì nó sẽ ra sao? Chắc chắn nó sẽ chịu nhiều thua thiệt. Thua thiệt vì không lưu manh bằng bạn bằng bè, thiệt thòi vì không đểu cáng bằng anh bằng em.

“Dột từ nóc dột xuống”. Nhìn các quan chức cộng sản cấp cao oai phong đạo mạo tiêu tiền, đánh bạc, chơi gái…, ta sẽ không thể trách một lớp trẻ ngày nay sống “thiếu lí tưởng”, buông thả. Và càng không thể dậy chúng những điều tử tế. Nếu ta còn một chút cái gọi là lương tâm.

Một người bạn tôi nhận xét: Cách đây hai, ba chục năm, người ta vượt biên tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế; hôm nay, hai “món” tị nạn này đã trở nên lỗi thời. Nhưng người Việt Nam ngày nay vẫn phải vượt biên để tị nạn. Họ tị nạn giáo dục. Tất nhiên, “vượt biên” ngày nay không phải bằng đường biển và có hộ chiếu đàng hoàng. Thật vậy, ngày hôm nay ở Việt Nam, nếu nhìn vào các vấn nạn của ngành giáo dục và các tệ nạn xã hội, khó có bậc phụ huynh nào không trộm nghĩ một lần “phải cố gắng cho con đi du học”. Không kể các quan chức cỡ Nguyễn Việt Tiến hay các đại gia buôn gian bán lậu, cứ gia đình nào có điều kiện kinh tế khấm khá một chút là tới hơn 90% lo cho con em mình đi du học. Đó là những gia đình có điều kiện. Còn những gia đình không có điều kiện? Họ cũng cố gắng bằng mọi cách lo cho con, thậm chí bán nhà. Và họ không phải không có lí. Rất có thể, tôi cũng sẽ phải bán nhà, nếu tôi muốn con tôi phát triển thành một con người.

Nhưng sau năm, bẩy năm du học trời Tây, liệu con tôi có thực sự trở thành một con người bình thường, nếu nó quay về sống và làm việc tại Việt Nam. Nơi mà chưa thấy hứa hẹn tương lai sẽ trở thành một xã hội thật sự dành cho CON NGƯỜI.

Sài Gòn 3/4/06
Vương Văn Quang

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn