BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72625)
(Xem: 62053)
(Xem: 39148)
(Xem: 31015)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tầm Nhìn Thế Giới Và Nhân Loại

03 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1703)
Tầm Nhìn Thế Giới Và Nhân Loại
512Vote
43Vote
30Vote
23Vote
10Vote
4.318
I. Tổng Quan Về Bối Cảnh Thế Giới Và Nhân Loại

(a) Thế kỷ XIX là thế kỷ phát triển của Âu Châu ra toàn thế giới dẫn đến chế độ thuộc địa, tàn bạo và bóc lột. Khối cộng sản quốc tế phát triển nhờ dựa vào phong trào giải phóng thực dân và trở thành phản đề của tư bản. Đối kháng lưỡng cực tư bản-cộng sản từ sau đệ nhị thế chiến đưa đến nguy cơ thế chiến hạt nhân khiến cả hai khối đều phải thay đổi chiến lược dẫn đến sự tan vỡ của khối cộng sản quốc tế. Vào cuối thế kỷ XX thế giới chuyển từ lưỡng cực đối kháng sang đa cực hợp tác giữa các nước giầu (Bắc bán cầu) và các nước nghèo (Nam bán cầu).

(b) Vài xu thế nổi bật từ giữa thế kỷ XX tới nay:

(1) dân chủ hóa: từ 30% (sau thế chiến) tiến đến 60% (hiện nay) số các quốc gia có chế độ dân chủ;

(2) hình thành ba trung tâm kinh tế thế giới: Mỹ, Âu châu (EU) và ĐNÁ;

(3) hình thành các tổ chức khu vực: EU, ASEAN, OAS…, SAARC;

(4) Mỹ tiến lên vị trí trung tâm quyền lực quốc tế có thế lực nhất.

(c) Chúng tôi cho rằng thế giới và nhân loại từ năm 2000 trở đi khoảng vài thập niên tới sẽ diễn biến trong tiến trình toàn cầu hóa theo ba giai đoạn: (1) tương quan còn nhiều xung khắc Á Âu-Mỹ; (2) tái hòa hợp Á Âu-Mỹ; và (3) phát triển một cộng đồng nhân loại toàn cầu (nhân bản hóa) (thế giới của mọi dân tộc). Trong giai đoạn đầu vấn đề Trung Quốc và vùng Á Châu-Thái Bình Dương sẽ nổi bật nhất. Trong giai đoạn ba, Phi châu sẽ trở thành vấn đề trọng yếu nhất của thế giới. Sau đây là những nhận định đại cương về chiều hướng biến chuyển của thế giới và nhân loại trong vài thập niên tới.



II. Chính Trị:

(a) Nhân loại cần một nền chính trị mới, một nền chính trị vì thường dân và do thường dân, chính trị dân bản, và trong một thể chế dân chủ mới, mà những nhà nghiên cứu gọi là dân chủ tham gia (empowered democracy) so sánh với dân chủ đại diện (representative democracy). Chúng tôi cho rằng đây sẽ là một nền dân chủ dân bản. Ba thành tố của nền dân chủ hiện nay (chính trị gia, doanh gia, và trí thức chuyên gia) sẽ được tăng cường thêm ba thành tố mới (những nhà hoạt động xã hội, giới truyền thông và cá nhân các công dân quan tâm). Chính trị dân bản và dân chủ tham gia đang được phát huy tại những nước phát triển. Tại các nước mới phát triển, xu thế dân chủ pháp trị là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được. Đồng thời, những nước này cần có những chuẩn bị và điều chỉnh cơ cấu và chính sách cần thiết để chuyển tiếp nhanh sang nền chính trị và thể chế dân chủ mới, cùng với nền kinh tế thị trường và văn hóa tự do để vận dụng được sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, tri thức của thế giới trong tiến trình phát triển nhanh đất nước. Điều này khả thi trong bối cảnh ra đời một cộng đồng nhân loại toàn cầu, và với những tiến bộ nhanh của mọi ngành khoa học và kỹ thuật. Quan hệ giữa những nước phát triển cao (điện tử và tri thức) với những nước phát triển thấp phải được chuyển từ quan hệ khai thác, bóc lột, sang hợp tác, cùng sống và giúp tiến.

(b) Thế giới sau Liên Xô có hai vấn đề nổi bật nhất phải giải quyết là Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc. Vấn đề Hồi giáo cực đoan vừa có tính cách văn hóa, vừa có tính cách chính trị, nằm trong tiến trình tái hòa hợp Á-Âu Mỹ trong bối cảnh đang ra đời một cộng đồng nhân loại toàn cầu. Vấn đề Trung Quốc liên quan trực tiếp đến tình hình nước ta.

1/ Trung Quốc và Á Châu-TBD: Thế giới và Á Châu-TBD không thể ổn định với một Trung Quốc rộng lớn và trung ương tập quyền mạnh mẽ như hiện nay. Á châu chỉ thật sự ổn định và hòa bình với một khu vực Trung Hoa mới phát triển trong dân chủ và ổn định theo chiều hướng tạo cơ hội và điều kiên tiến bộ đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi (Tân Cương), Tạng, Chuang (Hoa Nam). Sự phát triển đầy năng động của các nước trong vùng Á Châu và ven Thái Bình Dương theo chiều hướng kinh tế thị trường và tự do dân chủ đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ vào những nước cộng sản Á Châu và ngay tại Trung Quốc. Vấn đề khó khăn nhất trong thập niên tới là làm sao thực hiện được tiến trình ra đời một khu vực Trung Hoa mới mà không nổ ra chiến tranh và bạo loạn. Tình hình Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên và khu vực Nam Á liên hệ mật thiết với vấn đề Trung Quốc.

2/ Liên Hiệp Quốc: Liên Hiệp quốc hiên nay vẫn còn là một LHQ của Âu-Mỹ. Cải tổ LHQ tiếp tục là một vấn đề chính trị quốc tế quan trọng. Cải tổ cho phù hợp tình hình quốc tế mới, để LHQ ngày càng phản ảnh được toàn thể nhân loại, đồng thời đóng được vai trò gìn giữ hòa bình thế giới và bảo đảm phát triển công bằng cho mọi dân tộc. LHQ sẽ được tiếp tục cải tổ trong bối cảnh ra đời một cộng đồng quốc tế nhân bản toàn cầu, đa văn hóa và đa chủng tộc và trong bối cảnh một nền dân chủ toàn cầu đang hình thành.

3/ Quan hệ giữa các khu vực trên thế giới:

  • Thế kỷ XXI được các nhà tương lai học dự kiến sẽ là thế kỷ của Á Châu-TBD phục hưng và hội nhập toàn cầu, tạo thế quân bằng Á-Âu- Mỹ.

  • Hai thập niên đầu: tạo mô hình và cơ chế quan hệ giữa các tổ chức vùng ASEAN (AFTA), APEC, EU và NAFTA. Riêng ASEAN sẽ phát triển thành một Liên Hiệp Đông Nam Á theo mô hình EU hiện nay. Các thập niên sau: thêm các khu vực khác đang hình thành như SAARC (Nam Á), Trung Mỹ, Nam Mỹ, các tổ chức ở Phi châu.

  • Trong vài thập niên tới, nhóm các nước giầu mạnh (G8 và có thể thêm một số nước hoặc khu vực khác), và Hội Đồng Bảo An LHQ, vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thế giới, cả về chính trị lẫn kinh tế thương mại và quân sự. Trong đó Mỹ vẫn giữ vai trò trọng yếu nhất. Mỹ và EU đi đầu trong việc triển khai mô hình chính trị dân bản và dân chủ tham gia, cùng với việc thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa.


4/ Một số vấn đề khác như vấn đề Trung Đông, chưa giải quyết xong hy vọng sẽ được giải quyết một cách cơ bản trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

III. KINH TẾ

Nền kinh tế thị trường xã hội và toàn cầu (global social market economy) sẽ phát triển nhanh với các tính chất: vừa tự do cạnh tranh, vừa tăng cường phúc lợi xã hội, bảo đảm bình đẳng cơ hội, phát triển đồng đều, bền vững và hội nhập khu vực và thế giới. Nhà nước giữ vai trò điều phối, và bảo đảm các tính chất trên đây của nền kinh tế được thực thi.

(a) kinh tế thương mại sẽ phát triển theo xu hướng tư bản xã hội hóa và toàn cầu hóa về mặt thị trường vốn, kỹ thuật, và tiêu thụ, đồng thời cá thể hóa về mặt sản xuất và hưởng dụng (niche vs mass production) với các tính chất sau đây:

(1) mậu dịch tự do không biên giới;

(2) xã hội hóa tư bản (thị trường chứng khoán + cổ phần hóa nói chung + cổ phần hóa cho người làm việc và cho người tiêu thụ nói riêng);

(3) xã hội hóa sản xuất (quan hệ đối tác hỗ tương giữa người sản xuất và người tiêu thụ); quan hệ trách nhiệm hỗ tương giữa thương mại và cộng đồng xã hội.

(4) quan hệ hỗ tương và tự động điều chỉnh giữa các thành tố của nền kinh tế

  • quan hệ giữa kinh tế quốc gia, với khu vực và quốc tế;

  • quan hệ giữa tư nhân liên quan tới kinh tế và thương mại với chính quyền, và giới tiêu thụ. Chính quyền đóng vai trò điều tiết các hoạt động kinh tế tư nhân, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững và công bằng.

  • quan hệ hỗ tương nội tại của hoạt động kinh tế giữa cung cấp nguyên vật liệu, tài chánh với sản xuất, lưu thông sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm và các loại dịch vụ liên quan tới sản xuất và tiêu thụ.


(b) Thương Mại: thương mại toàn cầu không biên giới. Tự do giao thương liên quốc gia, toàn khu vực và toàn cầu liên khu vực. Tác động trực tiếp tới xu thế toàn cầu hóa và tạo điều kiện và môi trường hình thành cộng đồng nhân loại đa văn hóa, đa chủng tộc, thông qua tự do trao đổi hàng hóa và thông tin toàn cầu không biên giới.

(c) Nền kinh tế tri thức toàn cầu (global knowledge economy) chiếm ưu thế trên nền kinh tế cũ. Tri thức và thông tin là trung tâm của kinh tế, với Hi-Tech, global e-commerce, IT (Information Technology), và global e-stock market. Nền kinh tế thương mại toàn cầu mới cùng với IT, Internet, thúc đẩy quá trình hình thành cộng đồng quốc tế, nền dân chủ toàn cầu và nền văn hóa cộng đồng nhân loại.

(d) Vai trò quan trọng của WTO, và các tổ chức tài chánh quốc tế (Worl Bank. IMF) trong vịệc ổn định và phát triển kinh tế thế giới, khu vực và tại mỗi quốc gia. Tuy nhiên các tổ chức này, cùng với LHQ và các tổ chức chính trị, văn hóa, nhân quyền quốc tế, cả chính phủ lẫn phi chính phủ, cần được cải tiến nhiều hơn nữa. Có thế những tổ chức này mới đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện xu thế quốc tế là giải tỏa mâu thuẫn nước lớn-nước nhỏ và giầu-nghèo nhằm xây dựng một cộng đồng quốc tế ngày càng ổn định hơn, công bằng hơn và nhân bản hơn.

(e) quan hệ giữa kinh tế thị truờng và trách nhiệm xã hội: tăng cường các chính sách trợ cấp xã hội, an sinh và phúc lợi xã hội dành cho toàn dân và đặc biệt cho những thành phần yếu kém trong xã hội; tăng cường sự đóng góp của kinh tế thương mại cho an sinh và phúc lợi xã hội (thuế, bảo hiểm, hưu bổng…). Đồng thời bảo vệ và bồi dưỡng môi trường sinh thái để bảo đảm phát triển bền vững.

(f) Asia-Pacific trở thành trung tâm kinh tế thương mại thế giới sau khi một cộng đồng Trung Hoa mới ra đời. ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển năng động thứ ba trên thế giới sau Bắc Mỹ (NAFTA) và EU. Một cộng đồng Trung Hoa mới ra đời, dân chủ và phát triển, sẽ đóng góp cụ thể và tích cực vào việc tạo dựng kỷ nguyên Á Châu-Thái Bình Dương.

IV. VĂN HÓA

(a) Văn hóa cộng đồng nhân loại:

(1) Những hiểu biết ngày một vi tế và cụ thể hơn trong cả ba ngành nhân văn, xã hội và tự nhiên sẽ giúp con người có tầm nhìn và hiểu biết vừa hiện thực hơn lại vừa toàn diện hơn về bản thân mỗi con người (cá nhân trong Con Người, và Con Người trong mỗi cá nhân), cũng như tương quan giữa mỗi con người với môi sinh tự nhiên và đời sống xã hội. Mỗi con người sẽ ngày càng có khả năng làm chủ được đời sống của mình hơn và đóng góp tích cực và có hiệu quả hơn vào việc cải thiện đời sống chung.

(2) Các vấn đề liên quan tới giá trị nhân sinh và quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên ngày càng trở nên mối ưu tư chung trong một xã hội nhân loại toàn cầu vừa phát triển rất nhanh, vừa chứa đựng những yếu tố tiêu cực và suy thoái như: ô nhiễm môi sinh, đảo lộn sinh thái, băng hoại đạo đức, xáo trộn cơ cấu, bất công xã hội…

(3) Đồng thời, những tiến bộ về giao thông và truyền thông, đặc biệt là truyền thông điện tử, đã thu hẹp không gian và rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu đa văn hóa, đa chủng tộc. Từ đó hình thành dần một ý thức và một nền văn hóa cộng đồng toàn nhân loại.

(4) Sinh hoạt văn hóa quốc tế càng phát triển càng thôi thúc sự hình thành những chuẩn mực giá trị đạo đức và tinh thần mang tính toàn cầu, tính quốc tế, tính nhân loại – một tiêu chuẩn quốc tế chung cho các tiêu chuẩn quốc gia khác nhau làm chuẩn mực cho một đời sống nhân loại đang hình thành khắp nơi trên hành tinh. Đây là động lực bên trong của các biến động và thay đổi trong bang giao quốc tế, trong hệ thống chính trị, kinh tế, công ước và công pháp quốc tế.

(5) Quan hệ giữa dân tộc và nhân loại, giữa quốc gia và quốc tế, sẽ là một quan hệ mở và hỗ tương, trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi dân tộc sẽ có môi trường và điều kiện phát triển ngày càng dễ hơn và nhanh hơn. Đồng thời xu thế toàn cầu hóa là một thách thức đối với mỗi dân tộc: bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc có thể tồn tại và phát huy như thế nào trong một nhân loại vừa ngày càng nhất thể vừa tôn trọng tính đa dạng văn hóa?

(b) Á-Âu Mỹ tái hòa hợp: Thế kỷ XX là thế kỷ xung đột Á-Âu do hậu quả của thực dân hóa, của Âu Châu phát triển ra toàn thế giới. Trong thế kỷ XXI, Á Châu phục hưng trong xu thế nhân bản hóa và toàn cầu hóa tạo điều kiện cho sự tái hòa hợp Á-Âu Mỹ trong tinh thần kết hợp khoa học kỹ thuật Tây phương với đạo học nhân văn Đông phương. Khoa học nhân bản hơn và đạo học thực tiễn hơn. Á Âu bổ xung lẫn cho nhau để cùng đóng góp vào việc hình thành nền văn hóa cộng đồng nhân loại trong xu thế phát triển con người một cách toàn diện và quân bình giữa vật chất và tinh thần, giữa tự nhiên và con người, giữa cá nhân với xã hội, giữa dân tộc với nhân loại.

(c) Tôn Giáo: Các tôn giáo có tổ chức chặt chẽ sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ cấu và nghi thức đòi hỏi một tầm nhìn mới và nhiều cải tổ cần thiết để tôn giáo tiếp tục đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con người. Con người tiếp tục tiến trình mở rộng tầm nhìn tâm linh đa tín ngưỡng, tạo môi trường thuận lợi cho các quan điểm ôn hòa và hòa hợp tôn giáo. Đồng thời những hiểu biết mới về tự nhiên, sự sống và về con người sẽ giúp phổ thông hóa và tăng cường thêm khả năng chủ động sinh tâm lý của con người đối với bản thân, xã hội và sinh thái. Nhờ đó con người có thêm những điều kiện mới để mở rộng và nâng cao sinh tâm thức ra đại tự nhiên và sự sống. Tôn giáo trong thế kỷ XXI sẽ bớt đi nhiều giáo điều, lễ nghi hình thức và mang nhiều nội dung và sinh hoạt phong phú hơn và gần gũi hơn với đời sống con người.

(d) Internet và giao lộ thông tin quốc tế: Đây sẽ là lãnh vực phát triển nhanh nhất và mạnh nhất, tác động trực tiếp tới việc hình thành một đời sống và một nền văn hóa cộng đồng quốc tế, phá vỡ các biên giới địa lý và chủng tộc, mở rộng cửa cho những trao đổi thông tin, văn hóa, tư tưởng quốc tế toàn nhân loại. Cùng với tính di động toàn cầu (global mobility), tính di động xã hội (social mobility, trong mỗi quốc gia), và tự do thương mại toàn cầu, sẽ tạo thêm những yếu tố đồng nhất trong đời sống nhân loại, vượt qua những khác biệt ngôn ngữ, phong tục và lối sống. Đời sống nhân loại sẽ vừa đồng nhất hơn, lại vừa đa dạng, phong phú hơn. Đồng nhất về kiến thức, về mô hình tổ chức và quản lý xã hội (systems theory), về phương pháp làm việc (system approach). Phong phú đa dạng về văn học nghệ thuật, phong tục tập quán. Nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng” (unity in diversity) được thực hiện trong mỗi xã hội, cũng như trên toàn thế giới. Một xã hội nhân đạo toàn cầu sẽ ra đời trong xu hướng nhân loại là một nhưng dân tộc thì nhiều. Nhân loại thống nhất trong sự phong phú đa dạng của các nền văn hóa dân tộc.

5. Một số vấn đề toàn cầu trong thế kỷ XXI:

(a) Giải quyết tương quan vừa khác biệt, độc lập, vừa liên hệ hỗ trợ (đối lập thống nhất) giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với Con người (loài người), giữa Con người với tự nhiên, giữa quốc gia dân tộc với thế giới nhân loại.

(b) Môi trường sinh thái toàn cầu bị hủy hoại;

(c) Các quyền con người bị đe dọa trong mức độ toàn cầu: buôn bán trẻ em, phụ nữ xuyên quốc gia. Mở rộng quyền con người sang các lãnh vực mới như quyền súc vật, quyền di chuyển, sinh sống và làm việc không biên giới quốc gia.

(d) Quan hệ Bắc (các nước giầu) và Nam (các nước nghèo và phát triển chậm): từ chi phối, cầm nắm, sang hợp tác, cùng sống và giúp tiến.

(e) Vấn đề tạo hòa bình và ổn định toàn cầu bền vững: nhân tố và định chế nào? Về cả ba mặt kinh tế, văn hóa và chính trị. Trong đó có, nạn khủng bố quốc tế (liên hệ mật thiết tới vấn đề Hồi giáo cực đoan, và tái cấu trúc quan hệ Á-Âu Mỹ).

(f) Vấn đề mở rộng biên cương nhân loại và thế giới về mặt tinh thần (cái biết, sinh tâm thức) và về mặt vật thể (biên cương thiên thể, di chuyển và liên lạc liên hành tinh).

Đoàn Viết Hoạt

Theo: Chuyển Hoá
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn