BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73503)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những bài ca tôn vinh trong lao tù

26 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1436)
Những bài ca tôn vinh trong lao tù
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
 Sau biến cố 30-4-1975, hai mươi hai năm trước đây khi toàn thể miền Nam Việt Nam thân yêu rơi vào tay Cộng Sản, tất cả viên chức, quân nhân các cấp của Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại trong nước đều phải trình diện " học tập cải tạo". Các viên chức xã ấp và hạ sĩ quan, binh sĩ học tập từ 3 ngày đến một tuần tại địa phương; số còn lại là thành phần đầu não: Bộ trưởng, tướng lãnh, tổng giám đốc, trưởng cơ quan, sĩ quan các cấp tá, úy bị đưa vào các trại tập trung ở cả hai miền Nam Bắc. Con số trại tù hoặc trại cải tạo giam giữ tù nhân chính trị có lẽ lên tới hơn 200 vì riêng tại Miền Bắc khi đưa các sĩ quan, viên chức miền Nam ra, họ đã đánh số từ 01 đến 105.

 Hơn 12 năm bốn tháng, trải qua 7 trại từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc về Nam, tôi may mắn được bốn lần ở chung trại với anh Vũ Đức Nghiêm. Anh trình diện sau tôi một ngày (15/6/75) và ra tù sau tôi 10 tháng (9/88). Tôi tin rằng mọi sự xảy đến cho cuộc đời con người đều do thiên ý như Kinh Thánh đã chép " mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời " (Rô ma 8:28) trong những khó khăn hoạn nạn, thử thách , hầu như khiến chúng ta ngã lòng, nhưng không mất niềm tin cậy nơi Chúa. Ngài sẽ "mở đường cho ra khỏi" (I Cô rinh tô 10:13). Tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm với anh Nghiêm và các tín hữu đồng tù.Trại Long Giao: bài "Trường Ca Thi Thiên 90" Khi đi tù, tôi có đem theo cuốn Kinh Thánh Tân Cựu Ước bìa da của cha mẹ tặng hồi đầu tháng 4/75 sau khi tôi từ Quân đoàn I, Đà Nẵng rút về Sài gòn. Tại trại Long Giao, tôi đọc Kinh Thánh mỗi tối và buổi sáng trước khi đi lao động và tôi chia xẻ với anh Hồ Viết Thanh, trung tá phi công A-37, Đà Nẵng. Tôi cũng có gặp Mục sư Giám đốc Tuyên Úy Dương Kỳ nhiều lần vì khu ông ở kế bên khu tôi. Vài tuần sau có người bạn tù cho tôi biết anh Vũ Đức Nghiêm ở đội B46, cách khu tôi ở hơn một cây số, nhưng cùng một trại. Tôi nhân dịp trưa thứ Bảy, xách gầu ra giếng múc nước và tìm đến chỗ anh tôi. Hơn một tháng rưỡi mới gặp mặt anh, chúng tôi rất vui mừng, hàn huyên. Anh cho tôi biết anh muốn viết bài ca về Thi Thiên mà không có Kinh Thánh, tôi liền đi về lán trại nơi tôi ở và đem Kinh Thánh cho anh, xin anh đọc, giữ cẩn thận vì theo nội quy của trại, Cộng Sản cấm mọi sách tôn giáo. Anh em tôi cầu nguyện trước khi chia tay, sau gần một giờ trò chuyện , tâm sự . Chưa bao giờ tôi thấy anh Nghiêm cầu khẩn tha thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Ngài như vậy. Cầu nguyện cho những ngày mai sẽ đến mà chúng tôi không thể biết được, như lần cầu nguyện ngắn ngủi này.

 Hai tuần sau anh nhắn tôi sang thăm. Tôi đến nơi, anh đã nấu sẳn hai chén chè đậu đen cho hai anh em và cho tôi xem bản thảo bài trường ca Thi Thiên 90 : anh tập cho tôi hát nho nhỏ vì các tù nhân chiều thứ Bảy thường chơi cờ, nói chuyện hoặc nấu ăn thêm - danh từ Việt Cộng gọi là " cải thiện" !

 " Bài cầu nguyện của Môi se , người của Đức Chúa Trời " nhắc nhở chúng tôi sự ngắn ngủi, tạm bợ của loài người như cỏ hoa, sớm nở tối tàn và sự kiêu căng của đời người bất quá là "lao khổ và buồn thảm". Duy có " Đức Chúa Trời hằng hữu đời đời". Hai câu đầu của bài Thánh vịnh này, anh Nghiêm phổ nhạc như một điệu kèn khai lễ. Sau này với phần hòa âm của anh Nguyễn Văn Thanh, một tín hữu thân thiết với anh Nghiêm, đã làm cho bài hát khi hợp ca, đơn ca rất xúc động, tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn người nghe. Anh em chúng tôi cùng một lòng cầu nguyện theo câu 12 : " cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày của chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan " và câu 15 : " xin Chúa làm cho chúng con được vui mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng con bị hoạn nạn và tùy theo những năm mà chúng con đã thấy sự tai họa."

 Cảm tạ Chúa cho anh lựa chọn và phổ nhạc khúc Thi Thiên rất an ủi này. Tôi nhận lại cuốn Kinh Thánh, từ giã anh để trở về khu tôi. Anh tiễn tôi một quãng ngắn và chỉ cho tôi khu có Mục sư Tuyên Úy Nguyễn Thành Mác, lúc đó ông cũng đứng trong vòng rào kẽm gai, anh Nghiêm nói lớn: " Chào Mục sư, em tôi Vũ Đức Chỉnh khu kế bên đến chơi." Mục sư tươi cười chào lại và nhắc chúng tôi : " Trung tín và cầu nguyện". Sau này, tôi có dịp sinh hoạt nhiều với Mục sư Mác ở trại Nam Hà ngoài Bắc.Trại Tân Hiệp ( Suối Máu) : Khi Tôi Quỳ Nơi Chân Chúa Cuối tháng 10, 1975, vào một buổi chiều, hơn 400 tù cấp tá, úy được tập trung lên Hội trường để nghe lệnh chuẩn bị chuyển trại: hành trang gọn nhẹ. Một đoàn xe vận tải quân sự Molotova bít bùng chờ sẵn : 32 người một xe với ba lô, đồ đạc cồng kềnh nên rất chật chội. Hơn 11 giờ đêm, đoàn xe dừng ở một khu trại có đèn sáng hơn nhiều, những dãy nhà mái tôn san sát, nhưng ba lớp rào kẽm gai, concertina bao bọc, ngăn chia mỗi khu vực rất chặt chẽ, cẩn mật. Hệ thống chòi gác với đèn chiếu và bộ đội Cộng Sản võ trang kiểm soát mỗi khu và 4 góc trại. Đó là trại Tân Hiệp ( Biên Hòa) còn gọi là trại Suối Máu, trước đây dùng giam giữ tù binh Cộng Sản- nay tình thế đảo lại, Cộng sản dùng trại này để giam giữ chúng tôi. Đến trại mới vào nửa đêm, 3 đội phải dồn vào một căn nhà mái tôn, nền đất đỏ: 96 người trải chiếu sát bên nhau, mỗi chỗ nằm chưa đến 3 gang tay ( 50 cm).

 Hôm sau, anh Nghiêm đến gặp tôi, chia cho vài cây kẹo và tôi cũng được gặp anh Nguyễn Hữu Nam, anh vợ tôi ở cách vài dãy cùng trong khu. Đến Tết Bính Thìn, tháng 2, 1976, anh em chúng tôi hợp lại cầu nguyện vì được nghỉ lao động ba ngày, ăn mứt và uống trà. Nhớ đến gia đình, cha mẹ, vợ con, nỗi lòng chỉ biết dâng lên Cha Từ Ái và chúng tôi được an ủi nhiều khi biết " Chúa không từ bỏ chúng tôi " như Thi Thiên 27:10 : " Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Chúa Giê hô va sẽ tiếp nhận tôi ". Câu Kinh Thánh này là gợi ý để anh viết ca khúc Dù Mai Sau - dù mai sau lúc cha mẹ bỏ tôi đi rồi . . . mà anh Vũ Trung Hiền đã sửa lại: " Dù mai sau lúc cha mẹ đã đi xa rồi ".

 Tối mùng ba Tết, tôi phải chuyển sang khu khác, tiếp giáp khu anh Nghiêm, nhưng có hàng rào kẽm gai ngăn cách. Có thể nhìn thấy mặt nhau nhưng nói chuyện bằng cử chỉ thôi vì lính gác ở vọng canh giữa hai khu.

 Vài tuần trôi qua, tôi ít trong thấy anh Nghiêm vào buổi chiều, sau giờ lao động, chợt nghe tiếng sáo vút lên ở khu anh theo một điệu Thánh Ca quen thuộc " Jêsus Chúa ta là Bạn Thật", tôi nghĩ là anh nhắc gọi tôi. Tôi liền chạy ra phía rào kế khu anh. Một lát sau, tôi thấy anh chậm rãi xuất hiện tay cầm một cục đá nhỏ, bọc giấy. Thừa lúc lính gác nhìn đi chỗ khác, anh ném vụt qua phía tôi : chúng tôi chỉ cách nhau 30 thước, ngăn bởi hàng rào kẽm gai và lính gác nên không được nói chuyện. Cục đá rơi cách tôi mấy bước, tôi đến gần đạp chân lên rồi nhìn quanh : thấy không ai chú ý, tôi cúi xuống lượm và bỏ nhanh vào túi rồi trở về lán của tôi. Tiếng sáo của anh Nghiêm lại vút lên một âm điệu khác hơn. Tôi gỡ trang giấy bọc cục đá thì là một bản thảo có giòng nhạc, nốt nhạc và lời hát với giòng chữ của anh Nghiêm : " Em hãy tập hát theo tiếng sáo của anh. Thân VĐN. " Tiếng sáo vọng lên từ khu anh ở, khoan thai, chậm, thiết tha đã hướng dẫn tôi, hòa mình trong lời nguyện cầu : " khi tôi quỳ nơi chân Chúa, hồn như thanh thoát về chốn cao vời, dâng lên Ngài lòng tan vỡ, nghẹn ngào cay đắng lầm lỡ trong đời... ". Đó là lời ca trong bản nhạc " Khi Tôi Quỳ Nơi Chân Chúa" mà anh vừa sáng tác.

 Xung quanh anh em tôi là kẽm gai, là ngăn cách, nhưng anh em chúng tôi được quỳ nơi chân Chúa, dâng lên Ngài lòng tan vỡ, sám hối ăn năn. Chúa nghe lời kêu nài và Ngài lau ráo nước mắt chúng tôi. Đối phương có thể ngăn cấm, phân cách chúng tôi, xa Hội Thánh, xa gia đình thân yêu nhưng họ không thể nào ngăn cách chúng tôi đến với Chúa Cha Từ Ái và đến với nhau trong giờ cầu nguyện.

 Bài ca này được các tín hữu Tin Lành, Công Giáo trong tù chuyền tay nhau và nhiều anh em được an ủi khích lệ và tăng thêm đức tin nơi Chúa nhân dịp kỷ niệm Lễ Phục sinh 1976. Câu kết của bài hát nói lên niềm vui thư thái khi được gặp Chúa:

 " Khi tôi quỳ nơi chân Chúa, niềm vui thư thái tràn dâng tâm hồn, bao ưu phiền dâng lên Chúa, nguyện Ngài lau hết giọt nước mắt buồn. Khi tôi quỳ nơi chân Chúa yêu thương, cung kính khiêm nhường. Bao vấn vương đam mê tan dần, giờ phút thiên đường ... "

 Cũng tại trại Tân Hiệp, tháng tư, 1976 anh Nghiêm cũng bày tỏ lòng ước mơ một cuộc phục hưng bởi lửa Thánh Linh thiêu đốt mỗi hư vinh để mọi tấm lòng là những viên than hồng bừng sáng, tỏa hơi ấm yêu thương tan chảy sáng những tâm hồn nguội lạnh giữa đêm trường lẻ loi. Anh trao đổi với tôi lúc đầu đặt tên bài hát là : " Xin cho tôi làm viên than hồng ". Sau khi bị biệt giam ở Chí Hòa, anh ghi lại là : " Tôi Ước Mơ Làm Viên Than Hồng ".Trại Yên Bái, Hoàng Liên Sơn : Bài " Lời Nguyện Chiều" Nửa đêm ngày 12 tháng 6 năm 1976, anh em trong trại được đưa lên các xe bít bùng ra Tân Cảng Sài Gòn rồi xuống tàu thủy, vốn là tàu đánh cá của Trung Cộng, có hai khoang. Mỗi khoang chứa 105 người chen lấn chật chội vô cùng. Hai ngày ba đêm, tàu đến Bến Thủy, thành phố Vinh. Chúng tôi lên bờ đi bộ ra ga xe lửa để đi tiếp 27 giờ liên tục trong toa xe chung với trâu bò, gia súc với 4 cửa sổ sắt đóng kín với vài khe hở cho gió lọt vào. Mỗi toa xe chở 63 người tù chen chúc. Xe lửa chạy lắc lư, tốc độ 40, 50 km một giờ ( 30 miles) từ thành phố Vinh, Nghệ An qua cầu Hàm Rồng Thanh Hóa, cầu Đò Lèn Ninh Bình, Bỉm Sơn, Nam Định, Phủ Lý, Hà Nội qua cầu sắt Long Biên, Gia Lâm, Phúc Yên, Việt Trì, Phú Thọ rồi dừng lại thị xã Yên Bái, Hoàng Liên Sơn khoảng 4 giờ sáng ngày 17/6/76. Bốn mươi sáu năm trước, cũng ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ cách mạng đã ung dung bước lên máy chém và hy sinh tại thị xã này.

 Từ ga Yên Bái, chúng tôi đi bộ xuống phà Âu Lâu, để qua sông Hồng rồi lên xe vận tải đi tiếp về trại mới. Qua cầu treo lắc lư đu đưa, cầu treo lót bằng gỗ ván, treo dưới những sợi cáp đúc gắn ở sườn đồi núi hai bên, phía dưới là khe nước sâu hơn 20 mét. Tù nhân xuống xe đi bộ qua cầu treo cho an toàn để tài xế lái xe không. Núi đồi Yên Bái san sát nối tiếp hai bên đường là rừng cây bồ đề, trám ( cà na) tre, nứa, mây, song. Đoàn xe dừng lại ở một ngã ba xa lạ, tù nhân của 10 xe đầu được lệnh xuống xe, còn các xe khác đi tiếp. Tôi ở trong số 10 xe đầu, theo sự hướng dẫn của bộ đội áp giải vào trại mới. Đang xếp hàng ở sân đợi lệnh thì anh Nghiêm trên sườn đồi chạy xuống. Anh đến trại này trước đoàn xe chúng tôi nửa giờ đã nhận lán và đội công tác. Anh xin cho tôi nhập đội này cho đủ số 30 người. Thế là sau hơn một năm trời, anh em tôi mới được ở chung một trại, một lán, một đội và một tổ, nằm cạnh nhau trên giường bằng nứa ken lại.

 Cuốn Kinh Thánh bìa da của tôi đã bị tịch tu và tôi bị cảnh cáo ở trại Tân Hiệp sau lễ Phục Sinh 1976, khi các bạn tín hữu như anh Trần Tấn Nhứt, Phạm Đức Long đang nhóm cầu nguyện với tôi và chúng tôi mất 5 cuốn Kinh Thánh cả thảy gồm 4 cuốn Tân Ước và một Tân Cựu Ước. Sự việc xảy ra để anh em chúng tôi yêu mến Chúa càng hơn và giấu lời Chúa trong lòng để đối phương không thể lấy đi được. " Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi để tôi không phạm tội cùng Chúa " ( Thi Thiên 119:11 ).

 Mỗi tối, sau khi ăn cơm khoai sắn khô hoặc bắp nấu với chút muối, anh Nghiêm và tôi ôn lại những câu Kinh Thánh. Anh thường hát và chế một cây đàn Madoline bằng thùng đạn carbine và thổi sáo nhẹ rồi chúng tôi cầu nguyện chung. Buổi sáng đi làm chung, hai anh em được phát một con dao rựa cùn để vào rừng hạ cây chiều dài tối thiểu 4 mét, khẩu kính 25 cm, chặt cành lá rồi băng rừng lội suối, khiêng vác về nộp cho trại trong những ngày đầu để làm sườn nhà. Có ngày phải chặt đủ số 50 cây tre chốm ( loại tre núi) đem về làm hàng rào xung quanh trại để chính mình rào nhốt mình.

 Núi rừng Yên Bái lạnh lẽo, nhất là về chiều khi tia nắng mong manh nhạt dần sau những rặng núi mờ sương. Anh Nghiêm và tôi đã chuyển sang trại thứ ba từ ngày ra Bắc. Anh về làm ở đội hái trà, còn tôi về đội trồng rau. Mỗi buổi chiều, chúng tôi đứng sát bên nhau ngắm cảnh chiều xuống. Anh cất tiếng hát nho nhỏ, một âm điệu êm êm và hơi lạ. Tôi tôn trọng giây phút " inspiraton" của anh và giữ yên lặng. Trời tối hẳn, trại đã lên đèn, anh chợt hỏi tôi : " Kinh Thánh khúc nào chép về những buổi chiều, gợi ý cho sự cầu nguyện, em có nhớ không ?" Tôi đáp: " Trong Thi Thiên 55:17 mà Cậu ( cha chúng tôi) thường đọc mỗi khi nhóm gia đình lễ bái hồi anh em mình còn nhỏ : " Buổi chiều , buổi sáng, và ban trưa, tôi sẽ than thở rên siết, Ngài ắt sẽ nghe tiếng tôi. ", và bài Thánh ca số 32 " Chúa hỡi, ở cùng tôi lúc kim ô lặng rồi " theo ý trong Tin lành Luca đoạn 24:29, khi hai môn đồ tại làng Em ma út cầu xin với Chúa : Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều hầu tối ". Hoàn cảnh anh em mình hiện giờ, lời Kinh Thánh đó thật thìch hợp. Hai hôm sau, anh cho tôi xem bản thảo bản nhạc đầu đề là : Kinh Chiều (Vespera = Vêpres), anh nhắc đến một bức họa tranh màu vào thế kỷ 14 của một danh họa Pháp, trong cuốn tự điển Larousse trước 1975, hình ảnh một buổi chiều trên cánh đồng miền quê nước Pháp : gác chuông nhà thờ ở phía xa, có mấy người nông phu làm đồng muộn, đang dừng tay cầy, chống lưởi hái xuống đất, ngả nón, chắp tay cầu nguyện. Bức tranh Vespera gợi cho chúng tôi một thái độ cung kính dù ở đâu, khi chiều xuống, cũng có thể để lòng hướng về Thượng Đế. Những năm về sau, anh đổi đầu đề bài Kinh Chiều thành "Lời Nguyện Chiều " cho thanh thoát hơn.

 Buổi tối tháng hai năm 1977, anh tập cho tôi hát bài này và tôi rất cảm động, vui mừng tạ ơn Chúa giữa hoàn cảnh khó khăn: " Khi nắng mong manh phai nhạt dần, dẫy núi xa mờ sương ..." đó là cảnh thật từ Trại 2, Liên trại 1, chỗ khu nhà gạch đỏ, chúng tôi ở. " Ngân tiếng chuông chiều buông " - điều này ngoài Bắc từ năm 1945 do Cộng sản cai trị, tiếng chuông thu không lúc chiều về không còn ngân nữa , chỉ còn tiếng kẻng trại tù làm bằng vỏ rỗng của quả bom không nổ. Tiếng kẻng ban chiều ngân lên làm cho người tù buồn bã bâng khuâng vì chùa chiền đều bị trưng dụng làm nhà kho, hợp tác xã, các vị trụ trì đi cải tạo. Anh Nghiêm đã hình dung, "nghe" được tiếng chuông nhà thờ trong bức họa cổ Vespera, nhắc con dân Chúa giờ đọc Kinh buổi chiều. " Mây xám theo nhau bay về ngàn, đêm tối tăm tràn lan, bóng đêm sâu chìm xuống ... Nghe tiếng gió reo trong tim dạt dào, xin Chúa trên trời cao, nghe tiếng con nguyện cầu. Cung kính tâm tư khi chiều xuống. Nhớ ơn Ngài cứu con, mến yêu Ngài sắt son..."

 Tất cả là cảnh thật, người thật, với tấm lòng nguyện cầu ơn Chúa, xin Ngài cùng với con hành trình như hai môn đồ Em ma út xưa. Anh đã dạn dĩ công khai xác định hiện tình : " muông sói lan tràn bầy chiên tan tác " : bao nhiêu Hội Thánh của Chúa bị đóng cửa, bỏ hoang hay bị tịch thu khiến con dân Chúa phải tan lạc bốn phương. "Lời Nguyện Chiều" được tiếp tục : " xin Đấng chăn chiên hiền từ ái vô biên, dắt chiên Ngài vào nơi ấm êm... Xin giúp con theo Ngài, đừng theo ý riêng." vì " phú quý công danh trong cuộc đời, theo tháng năm dần trôi, như giấc mơ mà thôi, con ước mơ trông đợi ơn Chúa như đàn nai khát khao bên giòng suối, con xin lìa xa dĩ vãng đau thương, xin Chúa giúp con từ nay bước đi trên đường mới. Xin đưa dắt che chở con cho đến khi lìa đời... Người lính chiến đã mệt mỏi, gươm đã gãy, ngựa chiến cũng ngã quỵ, sa vào tay kẻ thù nham hiểm, quỷ quyệt. Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên" (thơ Nguyễn Du). " Lời Nguyện Chiều " hát lên từ đáy vực, giữa chốn lao tù với cả tấm lòng thống hối Chúa chắc rủ nghe.Trại Văn Bàn, Lào Cai : anh em chia tay Sau Tết Đinh Tỵ 1977 một tháng, có lệnh của trại biên chế thành lập một đội mạnh tăng cường gồm những tù nhân trẻ, còn khỏe để khai phá, canh tác khu Trại mới. Anh Nghiêm đã 47 tuổi, lúc đó mắt yếu sức khỏe suy giảm nhiều nhưng lại bị sung vào đội "mạnh" này. Khi được lệnh chuẩn bị, tôi rất buồn rầu, thương anh. Tôi khóc khi cầu nguyện cho anh, còn anh lại bình tĩnh yên ủi tôi : " Mọi sự xảy đến, Chúa cho phép như vậy. Anh không chết đâu, em cầu nguyện thường cho anh. Chúa sẽ cho anh em mình gặp lại."

 Nhìn đoàn người khoảng 100 tù nhân, xanh xao, rách rưới gánh trên vai 2 bao bị và lưng còn đeo thêm mấy ký gạo ăn khi đến trại mới, trong số đó có anh Nghiêm, dáng đi chệnh choạng vì chưa quen gánh. Tôi bỏ cuốc bên luống rau, chạy men theo hàng rào tre, nước mắt tuôn tràn, vẫy anh, nhìn kỹ anh và kêu lớn : " Xin Chúa gìn giữ anh đi bình an. Anh cố giữ sức khỏe, em cầu nguyện cho anh. Anh đi, anh đi nhé.

 Từ đó tôi không được tin về anh nữa vì không được viết thư thông tin giữa các trại.Khám Chí Hòa : " Vững Bước Đi Trên Khổ Đau " Đầu năm 1979, chiến cuộc bùng nổ giữa Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam. Trung Cộng đánh phá 6 tỉnh biên giới. Do đó các trại tù cải tạo được chuyển về phía Nam. Sau này tôi được biết, tháng 10/1978, anh Nghiêm được chuyển về trại Nghệ Tĩnh rồi về trại Hàm Tân 303C ngày 3/1/1981. Chín tháng sau, ngày 9/9/81 anh bị đưa về khám Chí Hòa Sài gòn. Anh bị nhốt trong xà lim tổng cộng hơn 8 tháng vì tính khảng khái, bất khuất và hay giúp đỡ các bạn tù. Một phần nữa, một số bài ca anh sáng tác trong tù được lọt ra ngoài và gia đình gửi sang Pháp, Mỹ cho thân nhân. Đài VOA, đài Viễn Đông ( FEBC) cũng phát thanh một vài bản nhạc của anh Nghiêm. Khi bên ngoài biết đến nhạc của anh thì trong tù, cai ngục quản giáo cũng săn sóc anh kỹ lưỡng hơn. Họ bắt anh viết bài tự kiểm và thẩm vấn anh, bỏ đói và xiềng hai chân anh trong ngục tối. Anh vẫn quyết tâm tin cậy Chúa và xin Ngài ban cho anh sức lực để chịu đựng. Chúa nhận lời anh kêu nài và mở mắt thuộc linh để anh thấy được Thánh ý của Ngài. Khúc tôn vinh ca " Vững Bước Đi Trên Khổ Đau" được anh viết ở Sài Gòn nhưng trong khám Chí Hòa. Nhà anh, vợ con anh lúc đó ở lô 60 hẻm Hòa Hưng cách phòng giam chưa đầy một cây số, nhưng là " nghìn trùng xa cách". Anh viết ca khúc "Vững Bước Đi Trên Khổ Đau" khi thấy được sự mong manh của kiếp sống phù du : " Dù cuộc đời tôi có phút giây vinh quang nào, chẳng qua như sương khói, rồi biến tan như chiêm bao . . . dù công danh, quyền thế, uy nghi cũng như chiếc lá khô vàng. Cuộc đời sẽ không ra gì nếu không có Chúa Giê su ." Anh luôn luôn sẵn sàng " một ngày mai trở về bụi đất" nhưng " xin dâng linh hồn mình trong tay Chúa" . " Dù sông to gió lớn, theo Chúa tôi luôn an tâm. Dù rừng sâu chắn lối, núi cao ngăn đường đi. Nương hồn trong cánh Chúa, chân vững bước qua muôn hiểm nguy."Trại Xuân Phước : "Ngài Đến Bên Tôi Giữa Muôn Khổ Đau" Tháng 5/1982, từ khám Chí Hòa, anh được đưa đến trại Xuân Phước, tỉnh Phú Yên, biệt danh là trại kiên giam dành cho những tù nhân bất khuất. Tại đây, hơn 6 năm lao động khổ sai, anh vẫn giữ được lòng trung tín yêu mến tin cậy Chúa một niềm chẳng dám đơn sai.

 Về phần tôi, tôi ra tù ngày 1/11/1987 từ trại Hàm Tân 330D. Sau đó tôi đã đến Xuân Phước thăm anh. Sau 2 ngày đêm thật vất vả, tôi gặp anh Nghiêm ở nhà thăm nuôi tù buổi trưa 27/2/1988. Anh không chú ý nhiều đến những quà thăm nuôi mà chị Nghiêm nhờ tôi chuyển, mà mừng rỡ ôm tôi và bảo : " sao em lại đến thăm anh vào hôm nay, kỷ niệm ngày cưới thứ 33 của hai vợ chồng em mà ? Vợ con em có khỏe không, gia đình bình yên ? ". Anh gầy ốm, tóc bạc nhiều, cặp kính lão trễ xuống, trán anh đầy những nếp nhăn hằn xuống rõ nét. Anh em tôi sau hơn 11 năm từ khi anh chuyển trại, mới gặp lại nhau, biết bao nhiêu chuyện muốn nói nhưng người cán bộ quản giáo ngồi ngay ở đầu bàn khi chúng tôi nói chuyện nên không thể tự do được. Sau cùng anh cũng cho biết anh đã sáng tác đầu năm 1988 " Đứa Con Hoang Đàng Trở Về" , bản " Tôi Nguyện Bước Đi Trên Đường Thập Giá" vào năm 1985 và bản " Ngài Đến Bên Tôi Giữa Muôn Khổ Đau " vào năm 1986.

 Anh tâm sự : " giữa lúc lênh đênh trên biển đời giông tố, nhiều lúc hoang mang khi cuồng phong ào ào lướt tới, làn sóng dâng cao khiến tôi hoảng kinh muốn kiệt sức buông tay. Đó là 12 năm tù ngục, đắng cay không lời than van. Mười mấy năm trời mỏi mòn thương nhớ gia đình ly tan. Chỉ có Chúa an ủi, lau khô giòng nước mắt, và Ngài cho hồn tôi được về chốn yên vui." Anh cảm tạ ngợi khen Chúa cho hoàn cảnh thử thách này đề anh thêm lòng tin cậy tuyệt đối nơi Ngài. Tôi rất tâm đắc bài " Ngài Đến Bên Tôi Giữa Muôn Khổ Đau " với lời ca số 2 : " Nhiều lúc trong gian truân, tôi tưởng rằng Chúa đã bỏ tôi, nhiều lúc bơ vơ đêm trần gian nhạt nhòa bóng tối, Ngài đến bên tôi giữa muôn khổ đau, lời phán êm êm : " con đừng lo, ta dìu con, hãy vững lòng bước đi bình yên".Phần Kết Hai mươi bốn năm trôi qua, miền Nam Việt Nam cũng như cả nước vẫn còn trong tay những người Cộng Sản vô thần. Cuộc sống ở nước ngoài tuy vật chất đầy đủ, thêm vào những cám dỗ xa hoa, dễ lôi kéo người ta sa vào bẫy lưới ma quỷ. Thánh Phi e rơ có nhắc : " Vì kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ như sư tử rống đi rình mò xung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được." I Phi e rơ 5:8

 Qua những ca khúc tôn vinh chia xẻ từ tâm tư một người tù trên 13 năm, tôi thấy được trong hoàn cảnh khốn cùng, hoạn nạn, đức tin nơi Chúa càng thêm mạnh mẽ - vì không gì để nương cậy, không còn ai để cứu giúp. Trái lại, khi sống an nhàn, phẳng lặng, chúng ta cầu nguyện, đi nhóm Chúa Nhật như một " churchgoers", không đem kết quả gì cho Chúa. Chính bản thân tôi nhiều khi rơi vào tâm trạng đó và tôi cầu xin Chúa Giê su, Đấng Chăn nhơn lành ban cho các bạn ở mọi lứa tuổi có tấm lòng sốt sắng, mạnh mẽ, cùng nhau bắt tay chăm lo công việc nhà Chúa, để ngày Chúa trở lại , chúng ta được: " đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải cứu của ngươi gần tới " Luca 21:28

Vũ Đức Chỉnh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn