BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73484)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trại tù Xuân Lộc

26 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 2890)
Trại tù Xuân Lộc
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Khi còn ở quân trường OCS, các OC khóa 6 bắt đầu được chọn để làm chức sắc (barman). Quang chỉ thích làm barman về lifeguard để được một bar đeo trên cổ áo là haõnh diện lắm rồi. Quang trình diện sĩ quan Mỹ, đại đội trưởng của đại đội Victor và trình bày lý do về việc Quang muốn làm lifeguard barman cho cả tiểu đoàn OCS. Ông ấy đồng ý và nói đùa: "Khi trở về Việt-Nam, với kinh nghiệm bơi lội, anh có thể đi làm sĩ-quan người nhái được".

Sau khi ra trường tuy không trở thành người nhái thật như OC Liễu, nhưng Quang cũng thực tập được nghề lặn. Nhờ thế Quang lặn được vài vụ xém dính đám hỏi và đám cưới. Quan trọng nhất sau nầy Quang lặn ra khỏi trại cải tạo và lặn khỏi Việt-Nam mà bọn Cộng-Sản không bắt lại được.

Sau khi nhận được chức barman, mỗi buổi chiều được đi bơi và có dịp cùng với OC Mẽo tập bơi cho các OC Mít trong nhóm Swimming Extra Instruction (EI) làm Quang mãn ý lắm rồi.

Tất cả OC mới từ Việt-Nam qua nhập trường Naval OSC, việc đầu tiên là các OC nầy được thử xem có khả-năng bơi lội hay không. Các OC được dẫn vào hồ bơi với kích thước to gần bằng hồ bơi Olympic. Anh em OC đầu tóc cạo ngắn như các ông sư, mặc quân phục chỉnh tề với nón mũ, áo quần, giầy đủ bộ.

OC xếp hàng một leo lên cầu nhảy trong hồ bơi. Khi nghe lệnh "Abandon ship", các OC dù không biết bơi lần lượt nhảy xuống nước từ trên cầu cao khoảng ba bốn thước tây. Đứng xung quanh bờ hồ, các OC lifeguard Mẽo tay cầm phao cứu cấp, giây và cây sào dài để sẵn sàng vớt những người hùng bất đắc dĩ nầy.

Những người không biết bơi thì lo lắm khi đứng trên cầu cao và nhìn xuống nước sâu thăm thẳm. Không biết rằng từ trên phóng xuống nước không biết có nổi lên được không? Nhớ đến mấy vụ tự tử của những người thất tình nhảy xuống sông từ trên cầu Thị-Nghè, cầu Sở-Thú thì ớn cả xương sống. Mộng hải hồ khi trở về Việt-Nam đành phải gác lại nếu mình bò chết chìm tại đất Cờ Hoa nầy.

Theo luật hàng-hải, khi tàu sắp chìm vị Hạm-Trưởng ra lệnh "Abandon Ship" thì tất cả mọi người già trẻ, biết bơi hay không đều phải rời tàu khỏi tàu lập tức. Nếu chậm trễ, tất cả sẽ bị sức hút mãnh liệt của nước do chiếc tàu chìm gây ra kéo theo xuống đáy biển.

Tuy thấy vài người bạn OC đứng trước nhảy xuống, bị chìm và được cứu lên bờ, các OC không biết bơi cũng can đảm lắm đành nhắm mắt nhảy đại trao thân mình cho mấy tên lifeguard Mẽo. Một số OC bị uống nước và được lifeguard vớt lên và liệt vào OC cốc không biết bơi. Sau đó các OC cốc đi học swimming EI vào mỗi buổi chiều dù trời có tuyết lạnh hay không.

Có tuần tuyết rơi không ngừng cùng với wind chill vì những trận bão tuyết ở vùng Newport, các OC trong nhóm Swimming EI vừa run lập cập vừa marching đến hồ bơi. Vài anh bị chụp ếch vì nước đá đóng trên mặt đường. Anh em than lạnh như vậy mà còn phải đi bơi. Tới hồ còn bị huấn luyện viên quay những màn bơi ếch, bơi nhái, bơi ngửa, bơi xuôi, lặn lên lặn xuống trong hồ nước ấm. Xong rồi, tắm nước nóng (hot shower) và thay quần áo trước khi về. Các OC trên đường trở về trại đều thấy lòng hân hoan, thoải mái và không còn thấy lạnh nữa, mặc dù ngoài trời lạnh dưới không độ.

Trong giờ rảnh buổi chiều, một số OC đã biết bơi thay gì đi học bơi với lớp swimming EI, họ tự học lớp "study guide EI" dưới sự hướng dẫn của OC Tường đen để lấy thêm kinh nghiệm sau này khi đi Boston, New York, hoặc San Francisco có dịp thực tập bơi lội trên giường với... chị em ta.

Nhắc đến bơi lội, vào cuối tuần trước khi đi bờ, các OC đều phải tham dự tranh giải thể thao cho trường. OC nào có nghề đá banh, đánh bóng chuyền, bóng rổ giỏi như OC Lễ tà, leo dây nhanh, kéo tug-o-war, chạy obstacle hoặc bơi lội thì được các "barman" agent đặt cọc trước. Còn OC nào không có nghề ngỗng gì, được cho vào toán chạy "cross-country". Chạy hộc hơi và lòi con trĩ nhất là khi nghe các anh em thuộc đại đội mình la hét ủng hộ.

Về bơi đua, ba toán bơi lội của ba đại đội (Tango, Uniform và Victor) tranh giải bơi tiếp sức (swim relay). Năm người bơi cho mỗi đại đội. Mỗi người bơi hai lần chiều dài của hồ bơi to gần hồ Olympic size. Có một vài anh em khóa mới qua, không có nghề thể thao nào và thấy chạy cross-country ớn quá, nên xin vào toán bơi đua.

Mới qua chưa có dịp tập dượt lại, OC Hotel tình nguyện bơi đua. OC Hotel sắp hàng đầu và nhảy xuống bơi sau khi nghe lệnh bắt đầu. Anh bơi thật nhanh đụng bờ hồ bên kia và quay trở lại được hơn nửa hồ. Anh em trên bờ hồ la ủng hộ thật là náo nhiệt. Thình lình OC Hotel bắt đầu bơi chậm hẳn lại. Càng bơi chậm, các bạn càng la hét to hơn để OC Hotel cố gắng hơn. OC Hotel quýnh quáng thêm tay chân mỏi rủ riệt nên thình lình không còn cử động nữa. Các bạn trên bờ bắt đầu lo lắng lắm. Anh chỉ còn khoảng một sải tay nữa là đụng bờ hồ. Tự nhiên, không biết từ đâu, với sức động mãnh liệt, OC Hotel tống mạnh về phía trước đụng vào thành hồ. Anh em vỗ tay mãnh liệt.

Anh OC thứ hai chung toán nhảy xuống nước và bơi tiếp theo. Cùng lúc đó OC Hotel chìm từ từ xuống nước. Lifeguard chạy tới vớt OC Hotel lên. Mặt anh xanh như tàu lá chuối. Chân không còn sức lực để đứng dậy. Lifeguard để anh nằm xuống và làm hô hấp nhân tạo cho OC Hotel. Anh em OC, với những gương mặt lo âu, quay quầng bên người bạn thân. Có lẽ vì OC Hotel cũng như các OC khác luôn luôn cố gắng hết sức mình để làm nhiệm vụ của các bạn giao phó dù phải gặp trở ngại cho chính mình.

Cuối tuần sau đó, thấy OC Hotel chạy cross-country thay vì đi bơi đua. Có lẽ chạy cross-country vẫn an toàn hơn, nếu có mệt thì ngồi xuống đất nghỉ, còn bơi lội nếu mệt quá thì chỉ đi thăm bà hà bá thôi.

Thấy dòng nước suối chảy nầy, Quang ước mơ rằng có thể nào Quang lặn dưới đáy dòng nước nầy trong lúc tên vệ binh không để ý. Theo dòng nước, Quang sẽ gặp con sông nhỏ. Sông nhỏ sẽ dẫn vào sông lớn hơn. Rồi từ đó, dòng nước sẽ đem Quang đến cửa biển. Nơi đây Quang sẽ gặp những tàu buôn của ngoại quốc thuộc khối tự do. Họ sẽ rước Quang ra khỏi tù đày nầy, khỏi nước Việt-Nam đang trong vòng tay của Cộng-Sản. Quang sẽ được đoàn tụ cùng gia đình và những người bạn thân. Nếu có chết đuối trên dòng sông thì Quang cũng mãn nguyện đã chết vì tự do. Thân mình trả về sông ngòi và đại dương nơi mà Quang đã mơ mộng hải hồ từ khi còn bé.

Đang lúc mơ mộng, Quang cảm thấy cái gì đang đeo ở bắp vế. Nhìn kỹ thấy hai ba con đỉa đen mình phồng to như ngón tay cái. Chúng đang say sưa hút máu. Cũng giống như bọn Cộng-Sản Việt-Nam đang hăng say hút máu những người dân Việt vô tội. Quang kêu Đắc và Cát tới để gỡ mấy con đỉa no béo ra. Đã ốm đói mà còn bị mấy con đỉa nầy ăn ké máu quý của mình. Đắc dùng tàn thuốc lá đang cháy đỏ đốt cháy chỗ miệng con đỉa nhờ thế chúng nó mới nhả ra. Máu tiếp tục chảy dòng xuống tới bàn chân Quang khoảng một lúc sau mới ngưng hẳn.

Lần đầu tiên, anh em trở về trại với một cơ thể thật sạch sẽ thơm tho cùng tâm hồn thơi thới như mới vừa đi Swimming EI ở OCS về.

Bọn quản giáo bắt đầu cho anh em cải tạo đi đốn tre già trong rừng sâu đem về để làm giường, vỏ, thúng, gánh để khiêng rau cỏ hoặc đất cát làm vườn. Cắt những cây tre già trong rừng rậm rất nguy-hiểm nếu không có kinh nghiệm. Cây tre thường dính chặt vào nhau và có những cây cong như cái cung với sức đè nép thật mạnh. Nếu cắt nhầm cây tre nầy, khi mất sức kềm giữ, cây tre sẽ bung ra với sức mãnh liệt. Một anh bạn trong khối bị cành tre nhọn bắn ngược trở lại và đâm thẳng vào ngực. Anh ấy chết ngay tại chỗ như vừa bị con dao mã tấu của Việt Cộng xả vào ngực anh.

Người ở cải tạo thì đông, nước dùng thì ít. Thỉnh thoảng mưa rào đến rất nhanh chỉ đủ chạy ra tắm và chứa một ít nước uống. Anh em cải tạo tổ chức đào giếng để lấy nước dùng tự túc và tự tồn. Một số anh đi kiếm bao cát của Mỹ để lại rồi tháo những sợi giây nylon ra. Những sợi dây nylon nầy được bện thành sợi dây thừng to đủ sức kéo người lên xuống giếng hoặc kéo đất lên. Đắc thì giỏi nghề bện dây thừng lắm. Còn Quang tình nguyện đào giếng với Côn-Sơn và Công-Quang. Ở vùng đất đỏ lại trên đồi cao, đào giếng sâu khoảng vài chục thước mới thấy nước. Đào mãi đến cái thứ ba mới trúng mạch nước ngầm. Có toán đào giếng bị xui đụng phải đất lở đè gần chết ngộp.

Chờ mãi không thấy có ngày trở về với gia đình, anh em cải tạo chuẩn bị cuộc sống dài hạn: Lo trồng rau muống, rau lan, khoai lang, khoai mì và bắp. Bọn quản giáo còn ra lịnh trồng cây mít làm anh em muốn chóng mặt vì mít khoảng mười năm mới có trái. Có anh bạn ngây thơ hỏi lại tên quản giá: "Thưa quản giáo, nghe nói chúng tôi sắp được thả về nay mai. Thế tại sao lại phải trồng cây mít chi vậy?" Tên quản giáo không trả lời chỉ mỉm cười rồi bỏ đi.

Mỗi tổ chăm lo phần đất và bảo vệ các sản phẩm của mình. Đặc biệt nhất là nước tiểu và phân người. Có muốn đi bứt cỏ thì phải ráng nhịn và chạy về chỗ thùng đựng phân của tổ mình để bứt cỏ vừa thoải mái lại vừa cho lợi về kinh tế cho tổ nhà. Mắc đi tiểu quá thì cũng vậy. Tay ôm thằng nhỏ thật chặt, chạy về tìm đúng ống đạn đại bác của tổ mình, nhaém ngay target cho thẳng vào đúng lỗ. Nếu bắn trúng vào lỗ khác thì các bạn tổ đó hưởng thôi. OC Côn-Sơn thường đùa: "Ê baby, mày biết thằng nhỏ mầy bây giờ còn có mấy nhiệm vụ không?" Quang chưa kịp trả lời, Côn-Sơn đã cho biết: "Chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đi...đái cho rau muống được xanh tươi". Anh em lại có dịp cùng cười vui vẻ.

Nhớ đến trại cải tạo Xuân-Lộc thì cũng không thể nào quên Bác Sĩ NXN. Quang có dịp ở chung phòng với Bác sĩ NXN, một Trung úy Quân-Y mới ra trường cũng bị bắt đi cải tạo như các sĩ quan khác. Anh NXN là một Bác sĩ tuổi trẻ tài cao của trường Y-khoa Sàigòn trước ngày mất nước.

Trước năm 75, Bác sĩ NXN theo học chương trình y-khoa của Mỹ dành cho trường Y-Khoa Sàigòn. Với trí nhớ như thiên tài, đầu của BS NXN chứa cả cuốn tự-điển Y-Học. Anh thường được các Bác sĩ ở cùng trại đến tham khảo bài vở và ý-kiến về Y-khoa. Anh vẫn nhớ tên những con siêu vi trùng có tên dài hơn vài chục chữ cái.

Để chỉ dẫn các anh em cải tạo về sự hiểu biết của các bệnh thông thường, BS NXN bí mật tổ chức một lớp học "bỏ túi" khoảng một chục học trò. Quang may mắn được tham dự lớp học giá trị nầy.

Vào mỗi buổi nghỉ trưa, BS NXN và nhóm học trò trốn trong một căn phòng bỏ hoang gần nhà bếp để học những điều khoa-học bổ ích thay vì học những lý thuyết tuyên-truyền của bọn Cộng-Sản. Nếu bọn quản giáo biết được thì cả nhóm bị nhốt riêng vào thùng "conex" của Mỹ để lại. Những loại thùng nầy thời trước đựng dụng cụ, thức ăn hoặc súng đạn chở sang Việt-Nam từ Mỹ. Sau nay được bọn Quản-Giáo gọi là tù con để nhốt những anh em cải tạo liệt vào hạng chống đối Bác và Đảng. Ở trong conex rồi mới khổ: Ban ngày nóng chảy mỡ, bạn đêm lạnh teo thằng nhỏ, ăn uống tiểu tiện tại chỗ, và khổ nhất là không nói chuyện được với ai.

BS NXN giảng dạy cặn kẽ cho các học trò về cơ thể học, nguyên nhân, cách phòng bệnh và cách chöõa những bệnh như dịch tả, kiết lỵ, sốt rét rừng, lao phổi, đau thận, đau bao tử và đau tim. BS NXN dùng một miếng ván ép nhỏ để làm bảng đen, còn ban đêm để làm giường ngủ. BS NXN dùng miếng than đen lấy từ lò nấu cơm để thay phấn trắng viết lên bảng.

Đối với người cải tạo, giấy tập, viết chì và viết mực là những vật quý và cần thiết cho tinh thần, còn những hạt gạo hạt muối quý để nuôi cơ thể. Các học sinh ngoan ngoãn chăm chỉ viết thật nhỏ những lời giảng của Bác sĩ NXN trên những mảnh giấy trắng nhỏ hiếm có. Đến cuối tuần BS NXN cho thi trắc-nghiệm và chấm điểm cho học sinh. Quang học được khá nhiều về căn bản của các bệnh thường xảy ra trong điều kiện thiếu thốn nầy.

Bác Sĩ NXN có khả-năng giải thích cặn kẽ và chi-tiết từ chuyện tại sao móng tay, tóc ra dài, tại sao bàn tay nổi những hột gạo trắng, đến những chuyện tại sao có những người đàn ông bị bệnh thằng nhỏ cứ cứng và sưng không thể nào xìu xuống được. Thằng nhỏ bị sưng to thì rất đau. Nếu không có điều trị ngay thì sẽ bị hành-hạ lâu dài và có thể bị liệt luôn. Trong trường họp không có thuốc men, chỉ có cách là dùng cây kim nhọn như kim may quần áo đâm vào những bọng máu căn dưới da để máu chảy làm giảm bớt áp suất bên trong. Bây giờ sực nhớ ra, nếu cho mấy con đỉa đói hút máu ngay thằng nhỏ thì có lợi cho cả hai. Chắc chắn rằng anh nào bị bệnh nầy sẽ không cần dùng viagra.

Ban ngày, BS NXN thường ở trần đánh mạt chược vơi các bạn trong tổ. Bác sĩ NXN tuy hơi hơi lùn nhưng có cái đầu hơi to chắc để chứa những kiến thức về Y-Học. Anh NXN là người rất vui-vẻ, hay tiếu và có nhiều kiến thức tổng quát khác ngoài chuyện y-khoa.

Anh Nghiệp, một Trung Úy Công Binh VNCH, xuất thân từ trường kỹ thuật Cao Thắng, rất khéo tay, ở chung khối có làm cho Bác sĩ NXN một số dụng cụ đặc biệt để dùng cho việc y-khoa như là kềm để nhổ răng, ống nghe để nghe lưng, ngực, phổi, tim và con dao nhỏ để giải phẫu.

Mặc dù BS NXN thật giỏi về lý-thuyết lẫn thực hành, nhưng vì không có thuốc Tây thì BS NXN cùng đành phải bó tay nhìn các anh em cải tạo lẫn chính mình bị những bệnh thông thường như ỉa chảy hoặc bị ghẻ ngứa cùng cả người hành hạ.

Tuy thông thường như bệnh kiết lị, ỉa chảy và sốt rét nếu không có thuốc chữa và để lâu ngày thì chỉ đi thăm Bác Hồ sớm thôi.

Nếu ở cải tạo mà chưa bị bệnh ghẻ ngứa thì bị thiếu thốn một món nghề đặc biệt. Đó là nghề đờn guitar classic. Các anh em cải tạo nào chưa có dịp học đàn classic guitar lúc còn ở Sàigòn, vào cải tạo sau vài trận ghẻ các anh nầy đều trở thành tay điêu luyện cả. Họ chẳng những biết đờn classic bằng năm ngón tay mà họ còn biết đờn cả mười ngón luôn.

Thay vì năm ngón tay tha thướt đệm trên những sợi dây đàn làm phát ra những tiếng nhạc êm đềm, ngược lại các anh đệm ngón tay lên trên khắp cơ thể mình và có khi gaåy giùm phía sau lưng của thằng bạn mình. Tiếng sồn sột phát ra từ da thịt con người nghe ớn da gà.

Lúc bắt đầu gãi thì miệng rên la sướng quá, một lúc sau, thì nhăn mặt lại, nước mắt nước mũi chảy ra vì bị rát quá. Da thịt đỏ lên rồi rạn nứt và máu bắt đầu tươm ra trông giống như thân-thể của thi-sĩ Hàn Mạc Tử lúc trăng lên.

Có khi cơn ngứa nổi lên quá độ, các anh phải gaåy mười một ngón một lần mới thỏa mãn được. Thật là hạng siêu đẳng, không nhạc sĩ nào trên thế giới có thể chơi lại được. Như thế đi cải tạo cũng đem về một cái bằng cấp về đờn "da" classic.

Vài ngày sau, những mụt ghẻ ngứa nổi bóng loáng lên chứa đầy nước khắp cả người kể cả chỗ kín. Có mụt bị vỡ ra chảy nước vàng và bị nhiễm trùng mũ trắng. BS NXN xin được một chai thuốc đỏ to và nói các anh em nào có ghẻ đứng sắp hàng giống như chuẩn bị chào cờ ở quân trường OSC. Anh em được lệnh sexy một trăm phần trăm. Cũng may, tên quản giáo không có ở đây, nếu không hắn lại cho các anh nầy kém văn minh.

Người đứng đầu một tay cầm chai thuốc đỏ một tay cầm mảnh vải nhỏ thay thế miếng bông gòn thắm thuốc rồi thoa nhè nhẹ lên những mụt ghẻ ở phần trước người. Xong rồi, anh ta đưa chai thuốc và mảnh vải cho người đứng kế sau để anh này bôi giùm phía sau lưng kể cả đít của mình. Xong công việc giúp bạn, anh thứ hai tự bôi thuốc phía trước người của mình.

Cứ thế chai thuốc được chuyền kế tiếp từ người trước đến người sau như đang swim relay. Người đứng cuối cùng là BS NXN. Anh bôi thuốc cho anh với sự giúp đỡ của bạn đứng đầu.

Xong tất cả, anh em nhìn lẫn nhau nửa cười nửa khóc. Cười vì thấy bạn mình trở thành mọi da đỏ ở phần trước còn phần sau thì đỏ giống như con khỉ đít đỏ. Khóc vì cảm thương cho thân phận chính mình và bạn mình, một thời xưa đầy tương lai và đã oanh liệt, oai hùng chống giặc Cộng. Giờ đây thân thể trở ra như thế nầy. Như họ đang rơi vào một vực thẳm. Họ còn hoang mang hơn nữa, khi được thả về, thân thể như vậy thì còn gì để giúp được cho gia đình mình và cho người Việt-Nam thân yêu đang sống trong gông cùm của bọn Cộng-Sản.

Để an ủi anh em, BS NXN có giải thích rằng không phải vì mình ở dơ sanh ra ghẻ, mà do mình thiếu chất dinh dưỡng và chất sinh tố nhất là Vitamin B12, B-complex. Thêm một phần ghẻ sinh ra là do việc dùng loại xà bông cây đặc biệt của bọn Cộng-Sản cho. Nó có nhiều chất acid làm da khô và ngứa.

Boïn Cộng-Sản chơi độc lắm, thức ăn thì không phát mà cứ nhè ra vài tuần phát cho anh em cải tạo một cây xà boâng to tổ tướng. Xài mệt nghỉ. Nhiều anh xài không hết để dành và chất xà bông nơi chỗ nằm cao như một cái núi. Hy vọng khi được thăm nuôi, họ sẽ gởi xà boâng về gia đình hầu giúp đỡ một phần. Tuy của ít nhưng đầy lòng mến thương. Không biết gia đình có bị ghẻ ngứa khi dùng xà-bông nầy.

Nhìn những cây xà bông giống như những khúc cheese thơm ngon đầy chất dinh dưỡng bày ở các chợ bên Mỹ làm Quang chảy nước miếng. Chỉ thèm vậy thôi, nếu mà ăn phải vào miếng cheese của Cộng-Sản thì cả chục năm sau cũng không thấy đói nữa.

Có lẽ vì khuôn mặt baby sữa của Quang với hai cái đồng tiền tuy không còn sâu như thời xưa vì ốm đói, Quang được các bạn chọn làm ông địa cho toán múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán năm 1976.

Quang và tổ 4 đi vào rừng đốn tre đem về. Đắc và Cát chẻ tre và uốn cong thành khung đầu lân. Quang và anh Thu uốn mảnh tre nhỏ làm thành khung đầu ông địa. Các anh em trong tổ chịu đói thêm một ít ban chiều để dành gạo nấu thành cháo hồ. Cát nhặt được giấy báo và bao cát cũ. Côn-Sơn và Công-Quang quậy hồ trét vào khung tre rồi dán giấy báo và bao cát bên ngoài khung tre. Cuối cùng đầu lân và đầu ông địa được thành hình. Dùng những sợi fiber màu trắng gỡ ra từng sợi từ chiếc áo giáp cũ để làm râu lân. Dùng hai cái mền nối lại để làm đuôi lân.

Côn-Sơn tìm được một thùng khuy cắt phân nửa để thay thế trống lân. Quang đẽo hai khúc củi khô để làm cán đánh trống. Thế cũng đầy đủ đồ nghề như thứ thiệt. Quang mượn người bạn một chiếc áo rộng thùng thình rồi dồn quần áo vào trong áo để bụng to giống như ông Địa. Bây giờ có lẽ vì ăn phở có nhiều chất béo, ăn hamburger, Quang không cần phải độn áo nữa, cũng giống ông Địa rồi.

Đội đầu ông Địa, tay cầm quạt, mặc áo rộng thùng thình với cái bụng to tướng, Quang dẫn đầu đoàn múa lân đi vòng quanh trại cải tạo Xuân-Lộc chúc mừng năm mới. Lân và Địa múa theo nhịp tiếng trống vang đem niềm vui và hy-vọng đến các anh em trong những ngày Tết trong tù Cộng-Sản.

Xông nhà xông cửa các tổ trong trại để đem đến niềm may mắn cho tất cả trở về với gia đình. Các anh em cải tạo đều đang bị con sao xấu đang đè nặng khó gỡ ra lắm. Không cần thành thầy bói, ai cũng biết đó là con sao vàng với cờ đỏ. Nó đã đem đến những hắc ám cho dân tộc Việt-Nam từ ngày 30 tháng Tư.

Nhóm múa lân, được các trưởng tổ lì xì cho vài viên thuốc lào và vài cục đường tán để hưởng mùi hương vị Tết.

Sau khi ăn cái Tết đầu tiên trong tù Cộng-Sản, có người vẫn còn hy-vọng sự khoan hồng của Cộng-Sản sẽ xảy ra vào đầu năm mới. Ngày giờ chậm chậm trôi qua, người cải tạo dần dần chấp nhận sự thực tế và quên dần ngày tháng. Sự hy-vọng trở về cũng tan dần theo thời-gian.

Đúng vào ngày 30, tháng Tư, năm 1976, sau khi ăn cơm trưa xong, Quang, BS NXN và các bạn đang ngồi trong phòng kể chuyện cũ nhưng nóng hổi của Ngày 30 Tháng Tư. Ai cũng cho rằng chuyện như vừa mới xảy ra hôm qua. Gọi ăn trưa cho có vẽ sang trọng, chứ thật ra thì mọi người chỉ được một chén cơm nhỏ và vài miếng cá khô cũ mục nát. Bọn Công-Sản thường bảo rằng: "Như vậy là quý cho các anh lắm rồi. Các anh có tội đầy trời với nhân dân thế mà cũng được Đảng và Nhân Dân cho ăn thì không có đòi hỏi thêm gì cả".

Thình lình, Quang nghe một tiếng nổ thật to, anh Thu đoán rằng có người nào đạp phải mìn khi làm vườn bên ngoài. Sau đó nhiều tiếng nổ xảy ra kế tiếp nhau. Càng lúc càng nổ dữ dội hơn. Côn-Sơn và Cát cho rằng có lẽ bọn Cộng-Sản đang bắn súng đại bác và súng máy để ăn mừng ngày 30 tháng Tư, một ngày ăn cướp nước Việt-Nam Cộng Hòa.

Chưa ai bỏ chạy ra ngoài cả và nhìn nhau với cặp mắt lo âu. Đùng một cái, một mảnh đạn to như cái nắp nồi từ trên mái nhà tôn rớt thẳng xuống nơi tụi Quang đang ngồi. Kế đến một mảnh đạn thứ hai cắt xuyên mái tôn và bay xuống cắm ngay giữa sàn nhà. Thế là đủ rồi, anh em hoảng hồn tẩu ra ngoài sân sau. Mái nhà sau bi sập, không ra được, anh em phải chạy ra sân trước. Trước khi chạy ra ngoài, Quang chụp được một cái khăn và với được cái chén ăn cơm vừa mới ăn xong.

Vừa ra khỏi nhà, mái nhà phía trước sập xuống nghe một cái rầm. Lửa đạn xanh đỏ bay khắp bốn hướng trên rớt xuống có cái đụng đất văng trên trở lại như bắn pháo bông vào ngày Fourth of July ở Washington, D.C. Hốt hoảng Quang vừa chạy tay vừa cầm chén ăn cơm chụp lên đầu như là đội nón sắt, còn tay kia chụp cái khăn che cái vai để không bị phỏng chiếc vai trần như mặc áo giáp thời ở còn ở Giang Đoàn 52 Tuần Thám.

Nhìn xung quanh không thấy có chỗ nào trốn đạn cả. Đạn nổ, đạn bay tứ phía và dường như không bao giờ chấm dứt. Đạn lớn đạn nhỏ bay tùm lum bên cạnh người. Hoàn hồn trở lại, Quang nhớ có một cái hố nhỏ ngoài vườn rau muống mới vừa mới đào hôm trước để chứa phân. Quang bò ra tới cái hố và định nhảy xuống để trốn đạn thì thấy có đầy người đã ở dưới đó rồi. Đắc đã có trong hố lúc nào không biết và hét Quang nhảy đại xuống đi, ở trên thì sẽ chết.

Cuối cùng Quang nhảy nằm lên che các bạn và che đỡ thân thịt mình luôn. Nằm nghe đạn bay qua đầu vèo vèo ớn da gà. Tử thần đang lảng vảng đâu đây. Quang giựt mình vì có gì nóng trúng gót chân phải của mình. Quang vói tay để xem cái gì thì cảm thấy có máu ướt. Tay Quang cũng còn cầm cái chén để trên đầu và chiếc khăn vẫn còn trên vai. Dùng những chiếc khăn mỏng manh và cái chén nhỏ để che thân mình chỉ là phản ứng tự nhiên và một tự tin để sống trong lúc hiểm nghèo.

Một lúc sau, lại có người nào nhảy nằm lên trên người Quang. Ô như vậy là có người che chở mình. Bỗng nhiên, Quang cảm thấy có giọt máu âm ấm rớt xuống trúng lưng Quang từ anh bạn nằm trên. Không biết là anh ấy bị thương từ lúc nào và có bị nặng hay không?

Nằm lâu mọi người bị kẹt ngực khó thở nhưng vẫn có gắng chịu. Đạn còn nổ nếu lên trên bây giờ thì rất nguy hiểm. Nếu không may có một mảnh đạn vô tình nào rơi thẳng xuống hố, nơi tụi Quang đang nằm, sẽ đi xuyên qua hết những mảnh thịt mỏng manh nầy. Và nơi đây cũng sẽ là mồ chôn tập thể của người cải tạo vô-phước.

Sau một thời gian có lẽ rất dài, tiếng nổ bắt đầu giảm bớt dần. Quang và Đắc lần lượt bò lên khỏi miệng hố, chạy vội đi kiếm các bạn thân và để xem xét tình hình ra sao. Rất mừng như chết đi sống lại khi gặp tất cả bạn trong tổ. Không ai bị thương nặng cả. Quang mới có dịp nhìn xuống vết thương ở gót chân. Cũng may, chỉ bị một miếng đạn nhỏ nóng rơi vào làm cháy da và có lẽ không sâu vào thịt. Một cái thẹo để nhớ về trại Xuân-Lộc.

Vào thời chiến tranh khủng khiếp ở Giang Đoàn 52 Tuần Thám, ngày đêm Quang thường bị phục kích hoặc bị giựt mìn mà không bị một mảnh đạn nào trúng vào người cả. Thế mà vào thời bình lại bị thương và còn xém chết thì nghỉ cũng lạ. Mỗi người có một cái số. Trời kêu ai thì người ấy dạ. Đạn tránh người chớ người không tránh đạn. Đạn lẫn vũ khí vẫn tiếp tục nổ lai rai cả buổi chiều đến qua nửa đêm luôn. Đến mãi gần sáng mới bớt hẳn.

Sau nầy Quang mới biết được lý do là kho đạn cũ của sư đoàn 18 Bộ Binh để lại. Kho nầy chứa đầy loại đạn và gần khu Quang ở. Không ai biết tại sao kho đạn phát nổ như vậy. Có người cho rằng bọn bộ đội muốn tiêu hủy hết người cải tạo ở đây. Có người nói rằng những người thuộc Mặt Trận chống Cộng-Sản, định phá hoại kho đạn để giải thoát những người cải tạo ra.

Anh Bằng, trung úy Không Quân, pilot trực thăng, bị chết tại chỗ. Lúc còn sống, Bằng là người văn nghệ bay bướm, tướng tá cao ráo phong lưu. Bằng thường vác chiếc đờn guitar (đờn thứ thật) ghé qua tổ 4 của Quang để ca những bảng nhạc vàng nhớ lại những ngày xưa thân ái. Được biết sau khi kho đạn nổ làm sập nhà của anh, Bằng và một anh bạn chạy ra vườn rau và núp phía sau một chiếc sườn xe Jeep cũ của bộ binh VNCH bỏ lại. Bằng núp phía sau xe, hy vọng dùng chiếc xe để che khỏi tầm đạn nổ từ hướng trước chiếc xe. Bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống một mảnh đạn to và bén giống như con dao mã tấu có đầu nhọn đâm từ trên vai trái xuống thẳng tới phổi và tim. Máu tuôn ra như suối chảy. Bằng chết liền tại chỗ không kịp trối.

Sự thiệt hại tổng cộng khoảng hơn mười người chết và khoảng hơn năm chục người bị thương kể nặng lẫn nhẹ. Một số chết vì nhảy xuống giếng sâu nên bị thương và bất tỉnh không ai cứu kịp. Còn một số chết như Bằng vì đạn vô tình rơi trúng. Một số khác chết vì nhà sập đè. Một số chết vì chạy ra khỏi ngoài hàng rào kẽm gai thuộc vùng cấm địa bị bộ đội bắn.

Những người bị thương nặng được đưa vào bệnh viện bộ đội. Số người vào thì nhiều mà số người trở ra thì ít. Có những anh em bị thương quá nặng được Cộng-Sản cho về sớm với gia đình vì họ đã học hành đúng tiêu chuẩn cải tạo: Thân hình khỏe mạnh, hùng dũng cải tạo thành thân tàn ma dại. Trở về đoàn tụ gia đình là ước muốn duy nhất của người cải tạo. Họ tự hỏi mình có nên trở về với thân thể bất dụng như vầy không? Được biết có anh tự tử vì không muốn gia đình mang thêm gánh nặng và chỉ muốn gia đình vẫn giữ mãi hình ảnh đẹp cùng kỷ-niệm vui của ngày xưa an bình.

Một số bệnh nhân bị chết sau nầy vì được trị bởi Bác sĩ bộ đội không có bằng cấp về Y-khoa, chỉ cần làm y tá vào thời chiến tranh lâu năm và trung thành với Bác và Đảng thì được trở thành Bác Sĩ. Có người trở thành Bác sĩ giải phẫu cho rằng mỗ người rất dễ như mỗ heo mổ gà vịt vậy. Nếu bệnh nhân đặc biệt là sĩ quan Ngụy có chết đi cũng tốt thôi và không ai khiếu nại (law suite) gì cả. Có khi bác sĩ nầy được thưởng huy chương vì làm đúng theo đường lối của Bác và Đảng.

Đám bệnh nhân trở về lại trại được các Bác sĩ cải tạo kể cả Bác sĩ NXN chöõa bệnh tiếp. Có người bị mảnh đạn đâm sau vào mông đít cần mổ để lấy ra. Bác sĩ NXN dùng con dao giải phẫu và kềm do cải tạo làm để lấy mảnh đạn ra. Còn các anh em cải tạo học lớp y-tế do BS NXN dạy, có dịp thực tập nghề thuốc dưới sự hướng dẫn của BS NXN như rửa và băng vết thương, phát thuốc và có anh được tập chích thuốc. Nếu ở chung với BS NXN và có nhiều vụ nổ như vậy xẩy ra thì tất cả học sinh của BS NXN cũng trở thành Bác Sĩ của cải tạo. Chắc chắn họ sẽ giỏi hơn Bác Sĩ của bộ đội.

Sống tạm trong khung cảnh hoang tàn, nhà không vách, không mái nhà, sân nhà có đầy mảnh đạn như sau trận động đất hoặc trận pháo kích của VC vào thời chiến tranh, anh em cải tạo càng lo âu cho số phận mỏng manh của mình. Ở tù không có ngày về nhất định mà còn bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần thì không gì đau khổ bằng. Những anh bạn qua đời vì kho đạn nổ vừa qua tuy thế vẫn còn may mắn hơn người đang sống trong hoàn cảnh nầy. Người ta thường nói: "Sau cơn mưa trời lại sáng". Dường như câu nầy nên đổi lại cho đúng với hoàn cảnh ở trại Xuân-Lộc nầy: "Sau cơn mưa trời lại càng tối như mực".

Một tuần sau khi vụ nổ đạn, cũng vào một ban đêm trời tối đen như mực, một đoàn xe Motolova kéo vào trại. Bọn quản giáo và vệ binh đeo súng ngắn súng dài, mang đạn cùng người, nhảy vào trại bắt anh em cải tạo tập họp khẩn cấp và chuẩn bị chuyển trại khác. Lại thêm một cuộc chuyển trại không biết đi về đâu. Đời cải tạo không khác gì đời du mục không có hy-vọng, không có ngày mai.

Mùa đông đầu năm 2000
Nguyễn Hồng Quang
OCS - Victor 6
Ý kiến bạn đọc
30 Tháng Bảy 20107:00 SA
Khách
"...Một chuyện hấp dẫn nhất được anh em bàn tán là chuyện một anh bạn OC đi tàu HQ 505 di tản đến tới được Phi-Luật-Tân. Vì nhớ quê hương và nhớ gia đình hiện còn ở lại Việt-Nam, anh bạn OC nầy lái tàu Việt-Nam Thương Tín từ Phi-Luật-Tân trở về Việt-Nam. Bọn Cộng-Sản cho ban khen hôm đầu, mấy hôm sau bắt anh đi tù cải tạo mút chỉ. Chỉ có sống với bọn Cộng-Sản thì mới biết rõ tại sao chúng ta không thể nào tin và sống chung với Công-Sản được..." câu hay nhất
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn