BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77168)
(Xem: 63229)
(Xem: 40630)
(Xem: 32267)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mùa Đông của người thổi kèn saranai

17 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1549)
Mùa Đông của người thổi kèn saranai
525Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
4.727
Lúc tôi viết bài này, đang là Mùa Đông ở thánh địa Mỹ Sơn, miền Trung Việt Nam, giữa thung lũng bốn bề ngút ngàn sương mù và hoàng hôn, giữa không gian âm âm những bóng ma quá vãng, giữa rừng sim ngan ngát một màu u uất đại ngàn...

Những người thổi kèn saranai cuối cùng của Chăm Pa









Thiên Chế Vũ, truyền nhân saranai của Chăm Pa một thời. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

Nói họ là những người cuối cùng, thực ra, không ngoa chút nào, bởi, họ là những người nắm được bí quyết làm kèn, lấy lá gà phát âm và lấy hơi nối để thổi liên tục trong vòng ba giờ đồng hồ mà người nghe nghe cứ ngỡ là một hơi liền. Những bí quyết lấy hơi của họ đã khiến không biết bao nhiêu khách du chuyển từ ngỡ ngàng sang lo lắng, sợ nghệ nhân sẽ ngã xuống sau một hơi kèn dài...

Bác Tốn, người đã thành thiên cổ cách đây gần tròn năm. Nhưng trong trí nhớ chúng tôi, hình ảnh một cụ già người Chăm với dáng vẻ hom hem, lưng khòm, râu tóc bạc phơ, da ngăm đen, tính tình hiền hòa, phúc hậu... Mỗi khi ôm chiếc saranai cũng có nghĩa là ông ký thác sinh mệnh, linh hồn và nỗi thổn thức dân tộc vào những giai điệu của lá, của mây và của gió ngàn hướng về dòng sông linh thánh của quốc vương nơi chín suối...

Suốt một đời ôm kèn lá, sống khốn khó cùng nó, cuối đời, trút hơi thở nơi thánh địa linh thiêng của cố quốc, có lẽ, với bác Tốn, ngần ấy cũng mãn nguyện lắm rồi!

Thiên Chế Vũ, 23 tuổi, người Ninh Thuận, truyền nhân của bác Tốn, hiện đang là nghệ nhân thổi saranai cho khu du lịch Mỹ Sơn, kể: “Trước hôm qua đời chừng 10 ngày, bác Tốn về quê thăm vợ con. Nhà bác cách nhà em chừng 300m, bác cho người sang gọi em, dặn em nhớ giữ nghề thổi kèn, nhớ phụng sự tổ tiên... Em ra đây làm việc, mười ngày sau thì bác qua đời...”

“Bác Tốn dạy em thổi kèn saranai từ lúc em còn 10 tuổi, sau đó ba em cũng dạy em đánh trống ghi-năng, trống bara-nưng. Trong triết lý Tam Thiên Nhất Thể của người Chăm (thật ra đây là triết lý của Hindu Giáo, Bà La Môn Giáo, có xuất xứ từ Ấn Độ nhưng khi nói về nhạc cụ thì đó là một sáng chế biệt dị của Chăm Pa), kèn saranai thuộc về phần đầu, trống ghi-năng thuộc về phần bụng và bara-nưng thuộc về phần tay, chân...”









Một góc phòng nhỏ, một góc đời nhỏ và một chút lương cũng nhỏ nhoi như chính số phận những người Chăm lưu lạc. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

“Ai nhận kèn saranai cũng đồng nghĩa với cả cuộc đời luôn phụng sự cho tổ tiên, cho Hình nhi thượng, cho những vong hồn thiên cổ. Em còn nhớ trước lúc trút hơi thở cuối, bác Tốn nắm tay em, mỉm cười, rồi im lặng trút hơi thở. Hôm đó anh em trong đoàn ai cũng buồn, chỉ có mỗi bác Tốn là vui vẻ ra đi”.

Cũng có thể, lời nhận định của Thiên Chế Vũ chưa hẳn đúng, vì chỉ có bác Tốn mới thấu được mình “ra đi” vui hay buồn mà thôi, nhưng dẫu sao, khi đã chọn cho mình được một truyền nhân, kế nghiệp những gì còn dang dở, và trên hết truyền nhân này chấp nhận một đời sống chẳng khác nào khổ hạnh để khói hương cho tổ tiên thì cũng vui lắm khi nhắm mắt chứ!

Đời sống như là khổ hạnh

Câu này không dành riêng cho Vũ, mà cho cả đội vũ công Apsara Mỹ Sơn.

Sống, ăn ở, sinh hoạt, tập luyện trong một dãy gồm bảy căn phòng cũ kỹ vốn là một trường học cấp I cũ bỏ hoang, hằng ngày, thức dậy lúc 5 giờ sáng, chuẩn bị mọi thứ, trang điểm và lên đường, di chuyển qua đoạn đường dài hơn 3 cây số, vào bên trong khu sân khấu biểu diễn... Và buổi làm việc kết thúc vào lúc 12 giờ trưa.

Nhìn vào đời sống, chỗ ở của họ, không có cách nào hơn là một cái chép miệng. Bởi với mức lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng, làm việc mỗi ngày 2 buổi (trước đây là 1 buổi sáng, gần đây tăng ca, làm luôn buổi chiều), hưởng lương theo cấp bậc lương nhà nước, người mới vào nghề sẽ là 1 triệu 419 ngàn đồng.

Một triệu bốn trăm mười chín ngàn đồng, cộng thêm vài đồng phụ thu như bán hàng lưu niệm, biểu diễn thuê, lên cao nhất cũng được hai triệu đồng. Khó mà tồn tại được trong thời bão giá!

Những vũ công múa lâu năm như cô Vân, anh Quảng Đại Hòa, anh Tuấn... Thì được nhận mức lương 2 triệu 365 ngàn đồng. Phần lớn những người này đều có gia đình riêng, một hoặc hai con. Với mức tiền chưa đầy hai triệu rưỡi đồng cho mỗi tháng, e rằng khó mà sống cho ra hồn được, họ phải “thâm canh” bằng cách đánh số đề cầu may.

Nhưng họ có lý lẽ để say sưa làm việc ở khu thánh địa Mỹ Sơn. Cái lý lẽ của họ, nghe ra, chắc chắn không mấy ai dám bảo mình sẽ làm được.

Vượt qua gian khổ để phụng sự tổ tiên

Quảng Đại Hòa, người làm vũ công Apsara ở Mỹ Sơn lâu nhất nhóm, nói: “Tụi mình múa ở đây, nếu mà tính tiền lương thì lấy gì mà sống, thời bão giá, chắc ông cũng hiểu, đụng cái gì cũng cháy tiền hết, phải nhín từng cái, phải nuôi gà, trồng trọt thêm mà cải thiện... Nhưng anh em quyết bám trụ mà múa, múa dâng hiến tổ tiên...”

“Múa Apsara vốn là bộ môn nghệ thuật cung đình, điệu múa này mô phỏng hoa sen, nghĩa là tất cả động tác của vũ công phải lên xuống nằm trong biên độ nở của những cánh hoa sen. Và thông qua vũ điệu, mô tả sự thuần khiết của đất trời, của Tam Thiên Nhất Thể (Bradman, Shiva, Visnu), của thần linh và của con người. Điệu múa tuy mặc đồ giống như đóng khố nhưng lại rất thiêng liêng...”

“Chúng tôi múa mỗi ngày để dâng lên tổ tiên. Đặc biệt, trên thân kèn saranai có bảy cái lỗ, tượng trưng cho bảy luân xa con người, bảy ngày trong tuần... đây cũng là những lỗ thông thiên, thổi kèn khi múa nghĩa là thông thiên giữa con người và trời đất, tổ tiên...”









Trống ghi-năng, tượng trưng cho phần bụng trong thuyết Tam Thiên Nhất Thể. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

Thiên Chế Vũ nói: “Em cũng biết múa Apsara nữa. Nhưng công việc chính của em vẫn là thổi saranai, em nghĩ rằng mình đang mang sứ mệnh kế thừa phần công việc của bác Tốn, bác ấy thổi kèn dâng hương tổ tiên mỗi ngày”.

Một bạn diễn viên múa Apsara khác nói chen lời Vũ: “Tụi mình múa để kiếm sống, dù rất khó khăn. Nhưng nếu tụi mình không trụ lại nơi này, bộ môn múa Apsara sẽ mai một bởi những vũ công không biết gì về nó. Múa, với tụi mình cũng đồng nghĩa với giữ gìn và trình ra thế giới một vũ điệu thiêng liêng của dân tộc Chăm”.

“Nhưng trên hết, khi có mặt tụi mình ở đây, tụi mình sẽ nhang khói cho tổ tiên, cầu nguyện hằng đêm cho tổ tiên được siêu thoát nơi chín suối. Và trong những bài kèn của bác Tốn cũng như Vũ bây giờ, đều có sự hiện hữu tổ tiên và lời cầu nguyện siêu thoát cho tiền nhân. Bài không thể thiếu trong mỗi lần biểu diễn của bác Tốn và Vũ là bài ‘Hỏa Táng’. Mỗi lần thổi saranai, là một lần hỏa táng những linh hồn còn mắc kẹt trong cuộc binh biến ngàn năm!”

Người bạn nói xong, Vũ rút chiếc kèn saranai trong ngực áo ra thổi một hơi dài (chừng 9 phút) bài Hỏa Táng. Giai điệu bi ai, réo rắt, thổn thức của chiếc kèn lá gà này khiến cho người nghe cảm ra cái rờn rợn của những hồn ma Chăm còn quanh quẩn đâu đó nơi rừng thiêng này.

Buổi chiều, nhìn ra thung lũng Mỹ Sơn sương mù, nhìn ra hàng cây vặn mình dưới trời đông, nhìn ánh mắt sâu thẳm của những nghệ nhân Chăm Pa. Chúng tôi thấy mình đang lạc vào một thế giới xa xăm nào đó, không hạn định. Dường như đó là thế giới của Đại Chăm Pa còn sót lại, chơi vơi trên mặt đất này!

Phương Ngạn/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn